Thứ Ba, 12 tháng 5, 2020

Viết Về Mẹ Trong Ngày Hiền Mẫu


Từ nghìn xưa cho tới nay, từ Đông sang Tây… hình bóng người mẹ cao quý, thiêng liêng, sự hy sinh vô bờ bến trong tình mẫu tử, với trái tim đầy nhân ái, cao cả đã in sâu trong lòng người con từ lúc sinh ra cho đến khi lìa đời. Hình bóng đó đã được thể hiện qua thơ, văn, nhạc và trong nhiều lãnh vực khác… không thể nào liệt kê hết trong bao nhiêu tác phẩm của nhân loại.

Hai nhạc sĩ lừng danh Robert Schumann cho rằng “Nhiệm vụ cao quý của âm nhạc là chiếu sáng vào những cõi sâu thẳm trong trái tim con người” và Antonio Rossini ca ngợi “Ngôn ngữ của âm nhạc là ngôn ngữ chung của tất cả mọi thế hệ và mọi dân tộc; ai cũng hiểu được nó, bởi nó được hiểu bằng trái tim”. Vì vậy âm nhạc dễ đi vào người mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh trong niềm vui lẫn nỗi đau.

Với hình bóng người mẹ trong thời chinh chiến, thế hệ chúng tôi phải “Xếp bút nghiên theo việc đao cung” (Chinh Phụ Ngâm - Đặng Trần Côn & Đoàn Thị Điểm) không được gần gũi bên mẹ, nhất là trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc với nỗi niềm như ca khúc Xuân Này Con Không Về của Trịnh Lâm Ngân:

“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
Khi thấy mai đào nở vàng bên nương.
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về,
Nay én bay đầy trước ngỏ mà tin con vẫn xa ngàn xa.
... Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm
Mái tranh nghèo không người sửa sang.
Khu vườn thiếu hoa vàng mừng xuân”.

Và, dù sống xung quanh thiên hạ có vui bao nhiêu nhưng niềm đau của mẹ khi thiếu người con, với nỗi nhớ thương lưng tròng nước mắt. Trong ca khúc Lá Thư Gởi Mẹ, nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ thơ của Thái Thủy viết thay cho những người lính chiến xa nhà:

“Mẹ ơi! thôi đừng khóc nữa
Cho lòng già nặng sầu thương.
Con đi say tình viễn xứ
Đâu có quên tình cố hương”.

Nghe ca khúc nầy với tiếng hát Hà Thanh khi xa mẹ, lòng quặn đau!
Hay ca khúc Thư Về Thăm Mẹ của Mạnh Phát trọn niềm nhớ mong:

“Mẹ ơi đã lâu rồi 
Con chưa về thăm mẹ và đàn em
Từng đêm biết mẹ buồn 
Nhưng đời trai nước loạn làm sao nguôi.
Bao nước sông là bao nhớ mong
Dù cho tháng năm cách mặt bận lòng
Con vẫn thương đàn em nhỏ bé 
Một bàn tay mẹ chăm sóc ngày đêm”.

Câu ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” với nhạc phẩm Lòng Mẹ của Y Vân rất phổ thông, ca khúc nầy thịnh hành hơn sáu thập niên qua.

“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào
Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào
Lời mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu
Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu
Tình mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ
Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ
Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ.
Thương con thao thức bao đêm trường
Con đã yên giấc mẹ hiền vui sướng biết bao
Thương con khuya sớm bao tháng ngày
Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn
Dù cho mưa gió không quản thân gầy mẹ hiền
Một sương hai nắng cho bạc mái đầu buồn phiền
Ngày đêm sớm tối vui cùng con nhỏ một niềm
Tiếng ru êm đềm mẹ hiền năm tháng triền miên”

Cùng tựa đề nhạc phẩm Lời Ru Của Mẹ của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và nhạc sĩ Mặc Thế Nhân nhưng MTN với lời dựa vào dân ca:

“Con ơi con ơi, con ngủ ngủ đi con
Để mẹ đi mẹ gánh nước non cho đầy…
Con ơi con ơi, con ngủ ngủ cho say
Để mẹ đi gọi gió kéo mây cho trời…”.

Còn nhiều ca khúc viết về mẹ trong thời chinh chiến của các nhạc sĩ như: Thương Về Quê Mẹ của Trần Công Tấn, Lời Mẹ Khuyên của Thùy Linh, Mùa Xuân Của Mẹ của Trịnh Lâm Ngân, Giữa Lòng Đất Mẹ của Châu Kỳ, Mẹ Ơi của Trần Văn Lý, Huyền Thoại Mẹ của Trịnh Công Sơn, Xin Mẹ Thương Con của Giao Tiên & Đỗ Yến, Bông Hồng Cài Áo của Phạm Thế Mỹ, Xuân Về Với Mẹ của Nhật Ngân, Lối Về Đất Mẹ của Duy Khánh…



Nhạc sĩ Phạm Duy viết nhiều ca khúc về mẹ như Trường Ca Mẹ Việt Nam gồm 4 phần: Đất Mẹ - Núi Mẹ - Sông Mẹ - Biển Mẹ, Bà Mẹ Gio Linh, Mẹ Trùng Dương, Giọt Mưa Trên Lá; trong đó hình ảnh Bà Mẹ Quê:

“Mẹ quê, mẹ quê vất vất vả trăm chiều

Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu.
Bà bà mẹ quê, gà gáy trên đầu ngọn tre
Bà bà mẹ quê, chợ sớm đi chưa thấy về
Chờ nụ cười con và đồng quà ngon.
… Bà bà mẹ quê, dậy sớm không nề hà chi
Bà bà mẹ quê, ngày tháng không ao ước gì
Nhỏ giọt mồ hôi, vì đời trẻ vui”.

Tiếc rằng sau nầy ông về Việt Nam nếu yên vui với tuổi già thì hình ảnh nhạc sĩ tài hoa nầy với những tình ca bất hủ trong nền âm nhạc VN được người Việt hải ngoại ngưỡng vọng. 
Về ca khúc ngoại quốc, ca khúc Maman của nhạc sĩ Claude Carrère được Thanh Lan chuyển lời Việt và trình bày trước năm 1975, được mọi người ái mộ:

“Người mẹ hiền yêu dấu, mẹ đã trao về ta
Thật bao âu yếm trong những năm vừa qua.
Mẹ hiền có biết, khi lớn khôn ra đời,
Con sẽ nhớ hoài bóng dáng người…
Người mẹ hiền yêu hỡi, những lúc mẹ cười vui
Là mặt trời trên tóc mưa bão không còn rơi.
Mẹ hiền có biết, khi lớn khôn ra đời,
Con sẽ nhớ hoài bóng dáng người”.

Ca khúc Maman của nhạc sĩ Christophe được ghi âm trước năm 1975 nhưng ít thông dụng hơn.
Còn nhiều ca khúc viết về mẹ nhưng với những dòng nhạc trên đã in sâu trong lòng tôi vì ở đó, gắn bó với cuộc sống thời binh nghiệp.
***
Trong vài bài viết của tôi có nhắc đến hình ảnh người mẹ và với những dòng chia sẻ với tính cách gia đình của đứa con út cho thế hệ thứ hai, thứ ba để nhớ hình ảnh bà cố, bà nội, bà ngoại với trái tim, tấm lòng cao đẹp… đã ảnh hưởng sâu đậm cho các người chị của tôi.
Tuy không được may mắn sống gần mẹ vì học hành và đời quân ngũ nhưng tuổi thơ của tôi với mẹ với bao kỷ niệm thương yêu không bao giờ phai. Ngay cả các món ăn của mẹ cho đến bây giờ, ba mươi năm nơi xứ người, tôi vẫn thích, và mỗi khi có món ăn đó, tôi thướng nói “món mẹ cho ăn”.

Năm 1973, trước khi chào đón đứa con đầu lòng, tôi mời mẹ ở Hội An lên Đà Lạt, vì buôn bán hằng ngày đã quen với bạn hàng nên hai tuần lễ chưa có cháu nội, cụ không muốn đi dâu cả, chỉ than “Gớm, ở cái xứ gì mà buồn quá, nhà ai nấy ở, sao mà chịu nối!”, khi có đứa cháu nội, cụ vui khôn tả và bắt phải hơ than, ăn uống theo cách hướng dẫn của mẹ. Suốt đời của mẹ khi con cái sinh đẻ hầu như mẹ ở bên cạnh. Tôi là đứa út ít, thích lang bạt, lập gia đình, mẹ mừng lắm rồi, có đứa cháu nội nữa, mẹ đã toại nguyện.
Những ngày cuối cùng của tháng Tư năm 1975, tôi lang thang ở Vũng Tàu, không muốn ra đi vì chẳng biết vợ con ra sao và nghĩ đến mẹ khi bặt vô âm tín đứa con út sẽ đau khổ nhiều. Lúc đó mẹ tôi đã 75 tuổi.

Năm 1983, từ Đà Lạt về Hội An thăm mẹ và người thân trong gia đình, nghe anh chị kể lại, sau năm 1975, chỉ một tháng tóc mẹ bạc trắng, mẹ lúc nào cũng thẩn thờ vì chưa biết tin con…!

Mùa Hè năm 1990, khi gia đình tôi ở Sài Gòn đợi ngày phỏng vấn H.O 4, mẹ tôi qua đời, anh chị em bàn với nhau không báo tin cho tôi biết… Khi về Đà Lạt, đánh tin mừng cho thân nhân, rồi nhận được tin về quê. Khi về đến nơi thì than ôi! Thay vì nụ cười với nhau thì chan hòa nước mắt. Tôi làm lễ phục tang rồi khi ra đi khỏi nước, vợ và các con đều đeo băng tang trên ngực. Ở Sài Gòn, vài người khuyên không nên sẽ bị xui xẻo nhưng tôi bất chấp vì đó là đạo hiếu. Khoảng mười lăm năm trước, tôi đã viết lại nỗi đau đó.
Buổi sáng cuối tháng Tư năm 2006, ra quán cà phê Lily, tôi thấy anh Trạch Gầm ngồi một mình bên ly cà phê, tôi hỏi vì sao buồn vậy, anh cho biết mẹ anh vừa mất, tôi an ủi anh, hai đứa cũng rơi vào cảnh ngộ giống nhau khi mẹ qua đời mà không được nhìn nhau lần cuối. Tôi nói anh viết cho vài câu thơ.

“Bây giờ trong cõi hư vô ấy
Mẹ thảnh thơi rồi có phải không?
Giọt sầu mất nước giờ hóa đá
Mây nước quê hương cung lạc dòng!”

Ban ngày bận ở tòa soạn, đêm đó tôi viết một mạch đến khuya bài viết Thiên Chức Nhà Giáo, Tâm Hồn Nhà Văn: Bà Tùng Long, đúng vào ngày 1 tháng 5. Sau đó mọi người mới biết nhà giáo, nhà văn Bà Tùng Long là thân mẫu nhà thơ Trạch Gầm. Cảm nhận từ nỗi đau của bạn cũng như nỗi đau của bản thân nên viết trong sự xúc cảm. Trong bài viết nầy tôi chép lại 4 câu thơ của bạn tôi.
Trước đó và sau nầy khi nghe tin bạn bè trong hoàn cảnh mẹ mất ở quê nhà mà không về được, tôi liên tưởng đến bản thân mà lòng quặn thắt. 
“Lũ chúng tôi đầu thai nhầm thế kỷ” (Vũ Hoàng Chương) bởi trưởng thành trong cơn binh lửa, trai thời chiến, người đau khổ nhất là mẹ. Hầu như người mẹ VN chân chính nào cũng nghĩ đến con cái hơn bản thân mình. Mẹ đã mang nặng đẻ đau, lo từ giọt sữa cho con khi chào đời đến khi khôn lớn, lập gia đình… cho đến khi mẹ vào cõi vĩnh hằng. 

Hình ảnh mẹ thiêng liêng, cao quý không ai có thể nói hết. Với truyền thông dân tộc chúng ta không chỉ có một ngày tôn vinh Ngày Hiền Mẫu mà mỗi ngày suốt cuộc đời trong cõi đời ô trọc nầy.
May mắn thay với ai còn có mẹ.
Và. với những ai không còn mẹ, mượn ý thơ của bạn tôi, cầu mong “trong cõi hư vô ấy, mẹ thảnh thơi, mẹ yên nghĩ ngàn thu”. Mẹ không còn nhưng trái tim, hơi thở của mẹ trong con.

Little Saigon, Ngày Hiềm Mẫu 2020
Vương Trùng Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét