Thứ Tư, 23 tháng 10, 2019

Cà Phê Lá Me

(Ảnh Tác Giả gửi)

Tôi bắt đầu tập uống cà phê và hút thuốc vào cuối năm lớp đệ nhị (lớp 11 bây giờ). Thật lòng mà nói, lúc đó tôi chẳng thấy ngon lành gì, vừa đắng lại vừa khó thở. Nhưng theo đám bạn, không hút thuốc không uống cà phê là chưa thành “người lớn”, chưa đủ điều kiện qua cổng trường con gái trồng cây si. Cà phê thì tôi uống cà phê sữa, cà phê ít sữa nhiều. Thuốc thì tôi thử qua mấy loại của đám bạn rủ rê như Ruby, Bastos... khét và nặng chịu không nổi. Cuối cùng đành phải chọn loại có đầu lọc, thích nhất là Salem, có vị cay the the củạ bạc hà. Thế mà dần dà trở thành thói quen, thành “nghiện”. Loại thuốc lá Salem có đầu lọc rất được ưa chuộng và thông dụng. Thông dụng đến nổi không biết bao giờ, đã được “phụ đề” theo tiếng Việt, đọc xuôi và đọc ngược: Sao Anh Làm Em Mệt – Mà Em Làm Anh Sướng! Điều đáng nói là, những người con gái “tôi yêu và yêu tôi”, đều là những cao thủ cà phê thứ thiệt: phin đen đậm đặc, ít đường! Nên mỗi lần đi cà phê với “nàng”, nhìn tôi thật tội nghiệp. Vậy mà đã thành bao chuyện kể, bao kỷ niệm mai này... 

Cà phê Năm Dưỡng 


Lên Sài-gòn tôi ở trọ căn gác trong hẽm chùa Phước Hòa, phía sau trường tiểu học Phan Đình Phùng, do một người quen dưới quê giới thiệu. Năm đầu tôi ăn cơm tháng của gánh cơm dì Ba, bên hông quán cà phê Năm Dưỡng. Đây là quán cà phê rất nổi tiếng của nhiều giới của Sài-gòn lúc bấy giờ, từ thành phần công nhân lao động đến quân nhân công chức và nhất là sinh viên học sinh. Cà phê ngon hết cở , giá cả bình dân, nên khách sắp hàng, ngồi chen chúc, la liệt ra tới mặt đường. Ly cà phê đen đặc sệt với một cây tăm có miếng “bơ” trên đầu, quấy lên sóng sánh và thơm phức, không thể cầm lòng được. Quán Năm Dưỡng trong hẽm đầu đường Nguyễn Thiện Thuật và Hồng Thập Tự, nối liền với đường Lý Thái Tổ. Từ nhà trọ của tôi, đi bộ khoảng 10 phút là tới, rất tiện lợi, vừa ăn cơm vừa uống cà phê luôn thể. Thích nhất là tờ mờ 4, 5 giờ sáng, thả bộ ra quán nhâm nhi một cà phê sữa nóng, bập bẹ vài điếu thuốc và lắng nghe: 

“Người ơi, khi cố quên là khi lòng nhớ thêm 
“Dòng đời là chuỗi tiếc nhớ 
“Mơ vui là lúc ngàn đắng cay... xé tâm hồn… (Sầu Lẻ Bóng – Anh Bằng) 

thì cuộc đời “tựa những chiêm bao”. Lại có lời đồn cà phê ở đây, chủ quán có cho chút chất ma-túy gây nghiện. Thực hư thế nào không biết, nhưng có điều cà phê Năm Dưỡng vẫn mãi mãi là bao “chuyện kể” của một Sài-gòn xưa, một thời vang bóng của tuổi trẻ bọn tôi. Nhưng điều làm tôi thích nhất là ở Năm Dưỡng, trên bàn lúc nào cũng để sẵn đường và sữa đặc, tha hồ tự làm một ly cà phê theo ý mà không cần phải gọi xin thêm. Nhất là đối với tôi, hạng uống cà phê ít sữa nhiều! Và đặc biệt là quán cà phê Năm Dưỡng hầu hết khách hàng đều là phái nam. Hiếm hoi lắm mới bắt gặp một “bóng hồng” vào quán. Thêm nữa quán lúc nào cũng ồn ào, nhạc không có gì hấp dẫn và uống cà phê như “chạy giặc”, vì phải nhường bàn cho người khác đang chờ! 

Cà phê Cheo Leo 


Nằm vạ ở cà phê Năm Dưỡng được nửa năm thì tôi quen với Duy, cùng khoa quê ở Trà Vinh. Cùng tuổi nhưng Duy từng trải và thổ địa Sài-gòn hơn tôi nhiều. Hắn không mặn với vị cà phê và không khí của quán Năm Dưỡng. Dù giá vừa túi tiền sinh viên nhưng không được ngồi lâu, ồn ào và nhất là nhạc thì quá đổi nhạt nhẽo, lê thê. Duy rủ rê tôi đến một quán cà phê khác nổi tiếng cũng không kém, gần đó: quán cà phê Cheo Leo. Nằm sâu trong con hẽm cùng trên đường Nguyễn Thiện Thuật gần góc Phan Đình Phùng, quán cà phê Cheo Leo đẹp, thanh lịch và hầu như dành cho giới nghệ sĩ, công chức, sinh viên học sinh. Cà phê đặc biệt, loại “cứt chồn” từ Buôn Mê Thuộc được mua về, rang và pha chế tại chỗ. Cà phê được pha bằng vợt lẫn phin, nhưng tôi thích pha bằng vợt hơn. Độ nóng vừa tới, nguyên vẹn còn phin thì đậm đặc thật nhưng đôi lúc phải cho vào thêm nước sôi mới đủ độ nóng. Nhạc chọn lọc, không khí phóng khoáng, lãng mạng và nhất là hai cô con gái xinh đẹp của ông chủ quán. Có lẽ vì những điều này nên một ly cà phê Cheo Leo vượt ngoài túi tiên của bọn sinh viên học sinh nghèo, ở trọ xa nhà. Chỉ lâu lâu một chầu, nhịn ăn bóp bụng, mới tới Cheo Leo một lần để thưởng thức cà phê và hai người đẹp. Cô chị đẹp và ăn mặc sexy hơn cô em, nên lần nào nàng ra tính tiền là khoản tiền “bo” cũng cháy túi biết bao cây si (trong đó hổng chừng có cả tôi). Từ ngày theo Duy chuyển qua quán cà phê Cheo Leo, tôi luôn hụt trước thiếu sau, biết nói dối để mượn tiền bà chủ nhà trọ. Còn nhớ cô chị tên Nguyệt và cô em tên Cầm. Tôi thích nét đẹp và dáng dấp dịu hiền của Cầm nhiều hơn.


Mỗi lần ghé quán, tôi làm bộ để chờ đợi Cầm ra mới kêu cà phê và cả lúc tính tiền. Đến nổi những ngày đến quán sau này, Cầm không cần phải đến hỏi mà mang ra cho tôi ly cà phê sữa nóng, cà phê ít sữa nhiều! Cũng may tình trạng “mê cà phê đến thiếu hụt” không kéo dài được bao lâu thì tôi quen với N.T. Lúc đó tôi đang “tập tành” viết kịch cho đài truyền hình Đắc-Lộ. Đây là đài truyền hình nhỏ của tổ chức công giáo, được sự tài trợ của UNESCO nhằm bảo tồn và phát huy những phong tục tập quán giá trị cổ truyền của quê hương, đất nước. Đang theo học khoa sân khấu kịch nghệ trường Quốc Gia Âm Nhạc, N.T làm thêm và có vài vai diễn cho ban kịch của đài truyền hình Đắc-Lộ. Thường khi viết xong một kịch bản, tôi nhờ N.T đọc lại và đánh máy. Những kịch bản được chọn và phát hình, tôi được trả một món tiền nhuận bút khá lớn, đủ để bao bạn bè và tiêu xài cả tháng. Một lần nhận xong, tôi rủ N.T đi ăn cơm thố Nam Sơn và cà phê quán Cheo Leo: 

“... Thôi thì thôi đừng ngại mưa mau 
“Đưa nhau ra tới bên cầu nước xuôi 
“Sông này đây chảy một giòng thôi 
“Mây đầu sông thẵm tóc người cuối sông... (1) 

Tiếng hát tha thiết, vời vợi của Thái Thanh vang lên như xô đẩy cả không gian trong quán nhỏ chìm vào tận cùng của nỗi nhớ. Tôi và N.T chọn chiếc bàn gần cuối dãy, mang theo nhiều ánh mắt nhìn của người chung quanh. Với khuôn mặt trái soan đẹp, chiếc cổ thon cao mái tóc dài, N.T luôn thu hút và làm chủ đám đông khi hiện diện. Không phải đợi lâu, Cầm bước ra nhìn N.T chút ngập ngừng và hỏi uống gì. “Ly cà phê đen, ít đường, để đá riêng”, nàng gọi sành sỏi, không cần nghĩ ngợi. Cầm ghi nhận, quay sang tôi cười cười, rồi đi vào trong. Người mang ra không phải là Cầm mà Nguyệt, tóc búi cao với chiếc váy ngắn, thật ngắn nếu cúi xuống thấp có thể nhìn thấy trọn vẹn cả đôi chân dài nõn nà. “Anh đến đây thường xuyên lắm sao? Quán cà phê nghe nhạc hay cà phê ngắm đùi trần?”, N.T cau mày. Chưa kịp phản ứng, nàng đã kéo ghế đứng lên: “ Mình đến quán khác, đi anh!”. Tôi ngơ ngác, chưa hiểu gì, vội trả tiền (vẫn còn tiếc ly cà phê sữa nóng). “Mình đi đâu đây em?”. “Cà phê ngon nhất Sài-gòn, cà phê lá me! Em sẽ chỉ đường cho anh”. 

Cà phê lá me 


Đó là dãy cà phê vỉa hè nằm dọc theo đường Nguyễn Du, dưới những hàng me rợp bóng. Từ đoạn phía trước tòa án quận 3 kéo dài qua khỏi văn phòng của bà luật sư Ngô Bá Thành, gần đến khúc quẹo vào vườn Tao Đàn. Hầu hết khách hàng là giáo chức, giới văn nghệ sĩ, nhà báo và sinh viên học sinh. Cà phê đủ loại có vợt lẫn phin, gía cả rất ư là bình dân, vỉa hè, vừa vặn túi tiền của mọi người. Đặc điểm nổi bật của cà phê lá me là bạn có thể ngồi “ngâm” một ly cà phê, vài ba bình trà cũng không phiền hà ai. Bàn ghế gỗ, nhỏ thấp và có thể tự phục vụ. Buổi trưa trời Sài-gòn nóng như lửa đốt, nhưng nhờ những tán me cổ thụ dọc bên đường, khách cũng thư thả nhâm nhi ly cà phê “đứng gió”.
Cả mấy cô thư ký làm trong tòa án quận cũng lấy giờ nghỉ trưa cùng tách cà phê vội. Không ai để ý ai, chỉ tụm ba tụm bốn nhấp từng ngụm cà phê và bàn thảo chuyện bên lề. Hòa quyện vào tiếng cười nói là từng dòng xe cộ chạy rong ruổi trên đường. Tất cả tạo thành không gian âm nhạc của dãy quán cà phê lá me chen lẫn giữa đời. N.T chọn chiếc bàn sát bờ tường chỉ có hai ghế ngồi gỗ thấp. Người chạy bàn là những sinh viên làm thêm, cũng vừa là khách. Ly cà phê đá ít đường cho nàng và cà phê sữa đá, nhiều sữa cho tôi. Cà phê thơm ngào ngạt và rất ngon. Chỉ cần vài ngụm là tất cả giác quan chừng như bùng vỡ, lâng lâng. Ngồi dựa vào tường, nhâm nhi từng ngụm, nhìn N.T hay nhìn bâng quơ cuộc sống đang từng dòng cuốn quanh, thật thú vị, thật “đã”. Thỉnh thoảng vài cơn gió nhẹ về, thổi lan man từng đợt lá me bay rụng phủ mặt bàn, mặt đường và rơi lạc lõng trên tóc người yêu dấu. Khuôn mặt N.T đẹp lại càng đẹp thêm. Tôi có thể nhìn rõ từng sợi chân mày vén khéo, vắt ngang dài khỏi đuôi mắt, từng sợi lông tơ trên hai má của nàng. “Làm gì nhìn em dữ dzậy? Anh uống thử chút cà phê của em đi”, vừa nói N.T vừa đổi vị trí hai ly cà phê. “Đắng quá mà em uống được!”, tôi nhăn mặt. “Anh uống cà phê như người ta ăn chè cà phê”, nàng cười, chế nhạo. “Uống ly cà phê của em là tối hết ngủ luôn”. “Hết ngủ thì nhớ em”. “Nhớ em, anh sợ mấy anh chàng phi công không quân dội bom nát căn gác trọ của anh..! Còn em. Không ngủ được thì em làm gì?”. “Không ngủ được, thì em nhớ người... dưng. Hổng thèm nhớ anh đâu mà sợ!”. 


Cà phê vỉa hè là cả nét văn hóa của người Sài-gòn. Cà phê lá me là cả một “truyền thuyết” thời sinh viên, thời kỳ: “Yêu nhau trong cuộc đời, mơ duyên tình dài gắn bó đôi lời – Ta quen nhau một ngày, thương nhau trọn đời, giữ cho lâu dài (Ngăn Cách – Y Vân)”, của tuổi tôi vừa lớn. Những tháng ngày mơ ước, những bài thơ tình thấm đẫm hương môi, những đợi chờ ngóng cổ, những chuyện đại sự “lấp biển vá trời”... bên ly cà phê có lá me bay bay vướng mờ kỷ niệm. Tuổi trẻ của Sài-gòn, tuổi trẻ của thời chiến tranh cùng khắp, tuổi trẻ của những khúc tình ca:


“Theo em xuống phố trưa nay đang còn chất ngất cơn say 
“Theo em bước xuống cơn đau, bên ngoài nắng đã lên mau... (2) 

Và cả những âm thanh từ quán bar đèn màu khói tỏa phía cuối một góc đường: 

“As long as I remember 
“The rain's been comin' down 
“Clouds of mystery pourin' 
“Confusion on the ground 
“Good men through the ages 
“Tryin' to find the sun 
“And I wonder, still I wonder 
“Who'll stop the rain (3) 


Cà phê lá me trở thành nơi cà phê “xé lẻ” của tôi và N.T. Dần dà tôi đã tập uống được phân nửa ly cà phê đen đắng và N.T thì “ăn chè” phần cà phê sữa của tôi. Trong đắng có ngọt và trong ngọt có đắng. Bên ly cà phê lá me mỗi trưa, mỗi chiều có nhau hay chỉ một mình, tôi luôn nhìn thấy cuộc sống vây quanh giữa lá bụi đường. Cái vỉa hè như khung trời mở rộng, hơi thở tình yêu tự tại khoảng không. Có lần N.T đưa tôi tới một quán cà phê cửa kiếng máy lạnh nổi tiếng Sài-gòn với nhóm văn nghệ “khá giả” của nàng: quán cà phê Cái Chùa (La Pagode), góc đường Tự Do và Lê Thánh Tôn. Khách toàn là giai nhân tài tử, chính khách tên tuổi, văn nghệ sĩ đi bằng xe hơi... và giá ly cà phê là cả tuần nhịn đói của bọn sinh viên ở trọ chúng tôi. Không khí mát lạnh giữa Sài-gòn oi bức, như nhốt kín mọi tiếng động, mọi hơi thở của cuộc sống ngoài kia. Trên đường về: “Lần đầu, đây cũng là lần cuối. Anh sẽ chết ngợp vì ly cà phê thiếu khí trời”, tôi nói với N.T. “Nhìn anh, em biết. Sẽ không có lần nữa, anh đừng giận em”. “Không đâu. Đó là mặt khác, có thật của đời sống thôi!”. -- Sau này với T.H cũng vậy, cao thủ cà phê, phin đen đậm đặc, ít đường và không bao giờ uống có đá. Tính tình mạnh mẽ, bốc đồng T.H thích dầm mưa Sài-gòn để… uống cà phê. Khi thì ngồi co ro dưới tán me và cơn mưa tạt ướt cả vai lưng áo hai đứa. Khi thì chạy tuốt lên quán cà phê Hương gần nhà thờ Tân Định ướt mèm tóc tai quần áo, chỉ để uống ly cà phê, chỉ để ngồi lặng im nghe hơi ấm trong tay và nhìn những sợi mưa giăng giăng phủ mặt đời: “… Mưa có buồn bằng đôi mắt em – Tóc em từng sợi nhỏ – Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh…” (Như Cánh Vạt Bay – Trịnh Công Sơn). 

Quán cà phê La Pagode 

Những năm tháng bên ly cà phê lá me vỉa hè, tôi học được mọi sự sống trên cuộc đời vô thường này đều cần có tự do và khí trời. Hạnh phúc, tình yêu cũng không ngoại lệ, cần được nuôi dưỡng bởi bầu trời cao rộng của tự do. Vết cắn của N.T có sâu, có rướm máu bao nhiêu, môi tôi cũng kéo lớp da non theo ngày tháng… Tất cả chỉ còn lại những nếp nhăn tận lòng của kỷ niệm, của dĩ vãng lúc chìm khuất, lúc chập chùng trong giấc mơ xa. Mất mát đôi lúc không phải là những khổ đau. “Ai đưa con sáo sang sông – Để cho con sáo sổ lồng bay xa”, xót xa trách móc, phải chăng chỉ là sự ước lệ? Hãy để con sáo bay xa, bay cao trong khoảng trời rộng bao la có thể. N.T lấy chồng khi mới vừa hai mươi, chưa kịp tốt nghiệp trường kịch nghệ. Chồng nàng không phải là mấy anh phi công không quân hằng đeo đuổi, mà một viên chức làm trong bộ ngoại giao. Cuối năm 1974, N.T theo chồng sang Tân Gia Ba (Singapore), bỏ hẳn cuộc chơi. 

***
Gần đây trong nước với hàng loạt quán cà phê khang trang, sang trọng mở ra cùng khắp và phát động chiến dịch “dọn dẹp” hàng quán vỉa hè, nhất là ở Sài-gòn. Đọc tin và xem nhiều Vlog của các bạn trong nước, tôi buồn, thật buồn và nuối tiếc dưng không. Biết rằng thay đổi là quy luật tất yếu của thời đại và vạn vật, nhưng sao lại khó cầm lòng. Có nhiều nỗi khổ đau con người mong không phải gặp, phải đối diện. Những nỗi khổ đau lấp chìm mọi ước mơ, mọi nhân phẩm của con người. Nhưng cũng có những niềm đau thương nâng cao tâm hồn và mơ ước của chúng ta đến tầm cao khác. Nỗi đau thương trong tình yêu là một! Tất cả sẽ thoáng qua, sẽ cát bụi đời này. Đến nay, mấy chục năm sau, rong ruổi qua bao biển rộng sông dài, tôi vẫn chưa quen uống ly cà phê đen ít đường. Tôi vẫn một đời, sống với ly cà phê sữa nóng, nhiều sữa ít cà phê. Tôi vẫn sống với bao nhiêu cuộc đời đổi mới, sao lòng vẫn cũ kỷ rêu phong. Vẫn nhiều lúc như đang ngồi bên ly cà phê lá me với N.T, với T.H... nhìn gió cuốn nghiêng nghiêng ngàn vạn chiếc lá me bay; rồi tất cả chợt lùi dần, lùi sâu vào khoảng không hun hút bụi đời: 

“Giờ đã xa nhau, những kỷ niệm xin vẫy chào 
“Vùng lá me bay, năm tháng dài thương nhớ ai 
“Em cố quên đi, thương nhớ làm gì 
“Tình mình như lá me rơi, trên giòng xuôi biển khơi... (4) 

Durham, North Carolina 
Nguyễn Vĩnh Long 

(1)Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng – Phạm Duy, thơ Phạm Thiên Thư
(2)Vũng Lầy Của Chúng Ta – Lê Uyên Phương
(3) Who’ll Stop the Rain – Creedence Clearwater Revial
(4) Vùng Lá Me Bay – Anh Việt Thanh 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét