Bài thơ Đại Tặng (Viết thay để tặng) của Lý Thương Ẩn là như sau:
Đại Tặng Kỳ 1
樓上黃昏欲望休 Lâu thượng hoàng hôn dục vọng hưu,
玉梯橫絕月如鉤 Ngọc thê hoành tuyệt nguyệt như câu.
芭蕉未展丁香結 Ba tiêu vị triển đinh hương kết,
同向東風各自愁 Đồng hướng đông phong các tự sầu.
Nhiều nhà thơ đã dịch bài này và giải nghĩa như sau:
Trên lầu ngóng trông tới hoàng hôn mới thôi
Trăng móc câu cắt ngang thang lên trời
Nõn chuối chưa mở, hoa đinh hương đang kết nụ
Cùng hướng về gió xuân để tự chuốc sầu.
Hàm ý của bài thơ:
Đây là tình tự của một cô gái mới tuổi dậy thì được nhà thơ bày tỏ giúp tâm trạng của mình trong bốn câu thơ.
Câu 1: Cô gái chiều chiều lên lầu ngóng bóng chàng cho tới khi nắng tàn mới thôi.
Câu 2: Ngọc thê là thang lên trời. Cô gái trông thấy trăng lưỡi liềm đã xoay ngang như muốn cắt ngang đường lên trời, suy diễn ra là đêm đã gần tàn cô vẫn còn đó, lòng hướng về chàng cũng như bị trăng cắt đứt đoạn để tự chuốc thêm sầu.
Câu 3: Đây là cái mấu chốt của bài thơ. Ba tiêu vị triển hay Nõn chuối trong các bài thơ về Ba tiêu hay Cây chuối thường tượng trưng cho một phong thư vì ngày xưa các thi nhân chuộng viết thư trên lá chuối như nhan đề bài thơ của Dương Duy Chính với nhan đề “ Đề Ba tiêu Mỹ nhân đồ” nghĩa là Đề bức họa Mỹ nhân, viết trên tàu chuối.
Đề Ba Tiêu Mỹ Nhân Đồ
Kế vân thiển lộ nguyệt nha loan,
Độc lập tây phong ý tự nhàn.
Thư phá lục tiêu song phượng vĩ,
Bất tuỳ hồng diệp đáo nhân gian.
Đề ba tiêu mỹ nhân đồ
Đề bức hoạ người đẹp viết lên tàu chuối
髻雲淺露月牙彎,
Kế vân thiển lộ nguyệt nha loan,
獨立西風意自閒。
Độc lập tây phong ý tự nhàn.
書破綠蕉雙鳳尾,
Thư phá lục tiêu song phượng vĩ,
不隨紅葉到人間。
Bất tuỳ hồng diệp đáo nhân gian.
***
Bản dịch:
Tóc mây lộ hé, mày cong nhạt
Đối mặt gió thu, ý vẫn nhàn
Chuối quý mấy tàu xanh viết nát
Chẳng theo lá thắm xuống trần gian
(Nguyễn Khắc Phi)
Với nhiều nhà thơ, nõn chuối được suy diễn là tấm lòng của một cô gái và trong bài thơ này thì nõn chuối chưa mở ngụ ý một cô gái còn băng trinh. Còn hoa đinh hương vốn có mùi thơm sực nức và được coi như tượng trưng cho một mối tình đầu tiên, lãng mạn. Tóm lại câu 3 diễn tả tâm trạng một cô gái đang yêu với một cơ thể trong trắng và một tấm lòng thanh cao.
Câu 4: Cô gái tượng trưng bởi nõn chuối và hoa đinh hương hướng về gió xuân, gió xuân đây tượng trưng cho chàng nhưng “ Thư thường tới, người không thấy tới” nên càng ngóng trông chàng thì càng tự chuốc thêm sầu mà thôi.
Thơ dịch:
Trên gác ngóng trông tới nắng tàn
Trăng liềm trời thẳm vắt chia ngang
Đinh hương, nõn chuối còn phong kín
Cùng chuốc buồn khi ngóng gió xuân.
Hình tượng cây chuối trong thơ Đường
(Hoàng Xuân Thảo)
Cây chuối so với các loài hoa thì được tả tương đối rất ít trong thơ Đường có lẽ vì nó có tính cách dân dã, không có vẻ phong lưu, đài các như mai lan cúc trúc, tuy nhiên nếu đếm ra thì cũng không dưới trăm bài mà sau đây là các bài tiêu biểu, trong đó có nói lên ý nghĩa của cây chuối nhất là nõn chuối.
Theo Nguyễn Khắc Phi, “...Các nhà thơ đã quan sát kỹ từng bước quá trình phát triển của nó, từ khi còn là cái nõn nằm giữa thân cây (Tiêu tâm, Ba tiêu tâm, có khi được gọi là phương tâm, trung tâm), dẫu thân cây có bị chặt ngang, nõn vẫn cứ trồi lên, dẫu thân cây có bị thiêu đốt, phần nõn vẫn tươi sống (hỏa thiêu ba tiêu bất tử tâm), cho đến khi lá khô héo rồi vẫn bám chặt vào thân cây không chịu rơi xuống đất...”
Nõn chuối xem vậy còn tượng trưng cho một mối tình trường cửu.
Cũng theo Nguyễn Khắc Phi, nõn chuối có hình tượng một phong thư được tạo dựng trong điển tích nhà sư Hoài Tố đời Đường (725-785) trồng chuối để lấy lá nõn viết thư như sau:
“...Theo Thanh dị lục thì Hoài Tố do “nhà nghèo, không có giấy viết bèn trồng hơn vạn gốc chuối để lấy lá thay giấy”. Nhiều ý kiến khác lại cho rằng Hoài Tố làm như vậy chỉ là biểu thị tính chất thanh cao, không hùa theo thói tục mà thôi. Ý kiến sau hợp lý hơn vì đã nghèo không có giấy viết thì làm sao lại trồng được hơn vạn gốc chuối? Hoài Tố cùng với Trương Húc (người Tô Châu, Giang Tô) được xem là hai nhà thư pháp vào loại nổi tiếng nhất đời Đường. Quanh nhà Hoài Tố đầy chuối nên nhà ông ở được người đời gọi là “Lục thiên am” (Am trời xanh); cả hai ông đều thường vung bút viết sau lúc say, riêng Trương Húc lại còn hò hét đã rồi mới viết, nên người đời có câu: “điên Trương cuồng Tố”. Không lạ gì sự tích Hoài Tố đã để lại một dấu ấn khá đậm nét trong đời sống văn hóa tinh thần đối với hậu thế. Cơ sở thứ hai là hình dáng đặc thù của nõn chuối: thanh tao khêu gợi, đầy nữ tính, song chủ yếu là giống như một cuốn sách, một phong thư (ngày xưa)…”
Một bài thơ khác nhan đề “Vị Triển Ba Tiêu” của Tiền Hử, cháu bốn đời của Tiền Khởi cũng lấy nõn chuối làm hình tượng cho một phong thư,
Bài dịch:
Lãnh chúc vô yên lục lạp can Đuốc lạnh, nến xanh không bốc khói
Phương tâm do quyển khiếp xuân hàn Lòng thơm sợ lạnh cuốn vo tròn
Nhất giam thư trát tàng hà sự Phong thư một bức việc chi dấu
Hội bị đông phong ám sách khan Sợ gió xuân kia lén mở trông.
Trong bài thơ Nõn chuối vừa là một bức thư phong kín, vừa là một tấm tình thầm kín.
Từ bài “ Vị Triển Ba Tiêu” của Tiền Hử tới bài “ Cây Chuối” của Nguyễn Trãi
Cây Chuối Nguyễn Trãi
Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu? Gượng mở xem.
(Hoàng Xuân Thảo)
Ý nghĩa:
Câu 1: cây chuối tươi tốt gặp hơi xuân càng tươi tốt thêm.
Câu 2: Nõn đầy buồng một cách lạ lùng trong khi mùi chuối thơm thâu đêm.
Câu 3: Nõn chuối như một bức tình thư, như một tấm lòng còn phong kín
Câu 4: Gió hay chàng nơi đâu hãy nhè nhẹ tay mở xem.
Bài thơ Cây Chuối của Nguyễn Trãi có thể xem là một bài thơ đầy dục tính, khêu gợi tới mức tận cùng với lời lẽ rất thanh tao, dịu dàng, đáng coi như một tuyệt phẩm của thơ nôm.
Sau đây là lời bình của Xuân Diệu:
“...Tôi muốn hiểu cả bài tứ tuyệt là một ngôi thứ nhất, phía sau cây ba tiêu là một giai nhân tự nói lấy cho mình, đầy phòng ngào ngạt thâu đêm, chẳng lẽ lại người nào cũng ngoài phòng nói điều ấy, phải là người ở trong phòng tự nói bức thư tình của lá: em còn e ấp cuộn lại, còn kín, một cái ghen tuông phóng nhụy, ngôi thứ hai là "gió", là đối tượng: anh, người mà em mong mỏi đang ở nơi đâu?
Gượng đây không phải là gượng gạo, mà là gượng nhẹ, khẽ khàng.”
Hoàng Xuân Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét