Thứ Ba, 22 tháng 10, 2019

Dư Dục Vô Ngôn - Một Câu Chuyện Về Thầy Trò Xưa Và Nay



XƯA, thời loạn, lòng người đảo điên, Đức Khổng Phu Tử, người đất Lỗ, sinh thời đi khắp nơi thuyết giảng "tam cương (vua tôi, cha con, chồng vợ) và ngũ thường (nhân, nghìa, lễ, trí, tín)", cho mãi đến cuối đời, cũng chẳng ai nghe, đành phải trở về quê nhà, than với học trò: "ta không muốn nói gì nữa được"! 
Tử viết :"dư dục vô ngôn", 
Tử Cống viết: "Tử như bất ngôn, tắc tiểu tử hà thuật yên"  
Tử viết: " thiên hà ngôn tai, tứ thời hành yên, bách vật sinh yên, thiên hà ngôn tai" ̣ 
Thầy nói: " Ta không muốn nói gì nữa được", 
Trò thưa: "Thầy còn muốn không nói nữa thì con theo thầy biết nói gì đây"  
Thầy than: "Trời có nói gì đâu, bốn mùa vẫn luân chuyển, trăm vật vẫn sinh hóa, Trời có nói gì đâu!" ̣ 
Mấy ngàn năm sau, có một gã hậu sinh, không biết nghĩ ngợi xa gần ra sao, thành tâm xin được chia xẻ nỗi đau xót của một người thầy, cuối đời thất bại, nói chẳng ai nghe, đành thốt nên lời "ta không còn muốn nói gì thêm nữa" ̣ 

NAY, đất khách quê người, đã qua nửa thế kỷ, thầy trò chúng tôi, cỏ bồng phiêu bạt tứ xứ, gặp lại được nhau qua emails trên internet, mừng tủi, thầy ơi, chúng em rất vui đọc thơ thầy như nghe thầy giảng bài ngày nào. Lòng thật xúc động, lại nhớ đến mấy vần thơ, câu được câu mất, của một người bạn gửi cho mấy năm về trước, 
"Con chim già hót còn nghe được
ông giáo già rồi hát chẳng ai nghe
hát chẳng ai nghe mà vẫn hát
hát hoài hát mãi một mình nghe" ̣ 

Vâng, bạn tôi ơi, sao lại nghĩ rằng hát chẳng ai nghe nhỉ  Còn có tôi, còn có các bạn, còn có đám học trò cũ, và nhất là dù Trời có nói gì đâu mà vẫn, hết đêm rồi lại ngày, hoa tàn rồi lại nở, và còn biết bao điều tình nghĩa thuở nào vẫn dành để nói cho nhau nghe ̣ Nhưng, nghĩ đi rồi nghĩ lại, đời đã đổi rồi, chữ còn nghĩa mất, biết làm sao để còn nói cho nhau hiểu đây? Thương lắm ̣ Ngày vui qua đâu còn trở lại. 
Cầu chúc an lành cho tất cả chúng ta.

Phạm Khắc Trí
 10/17/2019                                    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét