Thứ Ba, 11 tháng 6, 2019

Canada Trong Lãnh Vực Khoa Học Và Kỹ Thuật



KHOA HỌC KHÔNG GIAN

- Canada là nước thứ ba phóng vệ tinh sau Liên Xô và Hoa Kỳ, với sự phóng vệ tinh Alouette -I ngày 29.9.1962. Vệ tinh này đã hoạt động trong tình trạng tốt mười năm. 

Canada đã phóng vệ tinh truyền thông đầu tiên trên thế giới, vệ tinh ANIK-A1 ngày 9.11.1972 để tạo một hệ thống điện thoại cao cấp và phục vụ truyền hình toàn Canada. 

Đài truyền hình qua vệ tinh Hermes khởi đầu từ 17.1.1976 do sự cộng tác của Canada và Hoa Kỳ. 

Một thông điệp đầu tiên gửi qua vệ tinh cho khắp thế giới đã được chuyển đi bởi Neil Papworth khi đó mới 22 tuổi ngày 3.12.1992: “Merry Christmas.” Papworth hiện sống tại Montreal. 

Canada cũng phóng vệ tinh đầu tiên để quan sát trái đất trong mọi điều kiện, ngày như đêm, mưa hay nắng. Đó là vệ tinh RADARSAT-1 phóng ngày 4.11.1995. 

Canada sáng chế ra Canadarm là một cánh tay cơ khí, điều khiển từ xa còn gọi là Shuttle Remote Manipulator System SRMS để triển khai, điều chỉnh các trục trặc của phi thuyền, xếp đặt vị trí các phi hành gia, bảo trì thiết bị và di chuyển đồ vật với trọng lượng tối đa 266,000 kg trong không gian. Canadarm đã được sử dụng trên 30 năm trong 90 chuyến bay và ngưng năm 2011. Canadarm được thực hiện nhờ một kỹ thuật cao trong địa hạt robotics. Canadarm 1 được giao cho NASA tháng 4.1981 sà sau đó thêm 4 nữa với danh số là 201, 202, 301, 302 và 303. 

SÁNG CHẾ CÁC DỤNG CỤ THÔNG THƯỜNG 

– Dụng cụ vặn đinh ốc được sáng chế theo mẫu của người Mỹ Allan Cummings và cấp bản quyền cho Peter Lymburner Robertson tại Montreal sau khi ông vặn một đinh ốc và bị thương ở tay vào năm 1909. Ngày nay cái vặn đinh ốc của ông hiện diện tại hầu hết các gia cư trên thế giới. 

- Que lăn quét sơn mà người thợ sơn dùng hiện nay được chế ra bởi Norman Breakey tại Toronto năm 1940. 

- Cái bịch đựng rác plastic màu xanh được chế ra bởi ba người trong thập niên 1950: Harry Wasyluk tại Winnipeg, Larry Hanson tại Lindsay và Frank Plomp tại Toronto. 

- Bóng đèn điện đầu tiên được chế ra bởi một sinh viên y khoa Toronto Henry Woodward với sự trợ giúp của một quản gia lữ điếm tại Toronto Matthew Evans. Hai người không có vốn để sản xuất nên bán bản quyền cho Thomas Edison năm 1875 với giá $5,000. Edison sản xuất và bán ra thị trường năm 1879. 

- Lò nấu ăn điện/ electric oven đem lại sự tiện lợi cho việc nấu ăn hàng ngày. Người sáng chế ra là Thomas Ahearn tại Ottawa năm 1892 và được trưng bày tại hội chợ Chicago năm sau. Tuy nhiên vì thời đó việc dùng điện chưa phổ thông cho nên mãi tới thập niên 1930 mới là thời đại của lò bếp điện. 

- Cái xe lăn điện cũng được chế tạo đầu tiên tại Canada. 

- Kính hiển vi điện tử là một sáng chế của Canada. 

- Đèn kerosene đầu tiên được sáng chế bởi nhà địa chất học Abraham Gesner tại Cornwallis, Nova Scotia năm 1853 sau khi ông đã tìm cách biến chế dầu ra thành kerosene năm 1853. Do các công trình khảo cứu về dầu của ông, nhiều học giả đã xem ông như người đã khai phá ra kỹ nghệ dầu trên thế giới. 

- Đèn acetylene được chế ra bởi một kỹ sư điện Thomas Wilson, sinh tại Princeton, Ontario. Ông là người đã khai triển ra chất calcium carbide để chế biến ra hơi acetylene năm 1892. Vào đầu thế kỷ XX acetylene được dùng làm đèn hầu như khắp mọi nơi. 

- Xe snowmobile được sáng chế bởi Joseph Armand Bombardier tại Sherbrooke, Quebec năm 1937. Năm 1959 ông tung ra một lọai mới gọi là Ski-Doo snowmobile. 

- Xe thổi tuyết được sáng chế bởi Arthur Sicard, Quebec năm 1925 và được bán ra thị trường năm 1927. 

- Máy xúc tuyết được sáng chế bởi Nha sĩ Toronto J.W. Elliot năm 1884. Năm 1883-1884 Orange Jull cải tiến thành máy xúc tuyết được dùng đầu tiên cho xe lửa trong mùa đông. 

- Máy ảnh chụp toàn cảnh/panorama camera được phát minh bởi John R. Connon năm 1888 với góc độ 360. 

- Cái cần chống ngư lôi giúp cho các tàu tránh đụng ngư lôi được sáng chế bởi hải quân Canada trong thế chiến II gọi là Canadian Anti-acoustic Torpedo CAT. 

- Cái walkie-talkie được chế ra bởi Donald L. Hings năm 1937 trong khi ông làm cho hãng Cominco để cho các phi công bụi dùng tại các vùng chưa có phi đạo. Tuy nhiên tới thế chiến II bộ quốc phòng Canada mới sử dụng rộng rãi hơn nhiều. 

- Dụng cụ đo chiều sâu của nước được sáng chế bởi Reginald Fessenden và ông được Scientific American tặng Huy chương Vàng năm 1929. Đúng là “ Sông sâu còn có người đo/ Lòng người nham hiểm biết dò làm sao?” 

- Radio truyền làn sóng ngắn được phát minh thực hiện lần đầu tiên tại Drummondville, Quebec năm 1926 giữa Anh và Canada. 

- Mặt nạ chống hơi độc được sáng chế bởi BS Chuny Macpherson, St. John năm 1915 để chống lại hơi ngạt do Đức gây ra trong Thế chiến I. 

- Máy dò chất nổ được sáng chế bởi hoá học gia Lorne Elias khi làm việc tại National Research Council trong thập niên 1980, có thể ngửi thấy mùi các chất nổ. Năm 1984 khi đức Giáo hoàng tới thăm Canada máy đã được sử dụng để kiểm tra hành lý của giáo hoàng và phát hiện ra trong va-li có chứa một khẩu súng lục mà một cận vệ của người đã để vào trong đó. 

- Rạp ciné IMAX có thể phóng đại và có độ ăn ảnh nhiều gấp bội lần màn chiếu bóng thường được phát minh bởi một nhóm làm phim Canada, được trình bày lần đầu tiên tại EXPO ’70 tại Osaka, Nhật và trình chiếu lần đầu tiên tại Toronto năm 1971. Hiện nay có khoảng gần 800 rạp IMAX trên thế giới. 

- Alkaline Battery được phát minh bởi Lewis Urry năm 1959. Hiện nay 80% battery được dùng trên thế giới là dựa theo phát minh của Urry. 

- Instant Replay được phát minh bởi George Getzlaff, đài CBC năm 1955 và thiết bị này được sử dụng lần đầu tiên với instant replay trong chương trình phát thanh Hockey Night in Canada. 

- Chương trình JAVA trong vi tính được phát minh bởi James A. Gosling và được Sun Microsystems đưa ra thị trường năm 1995. 

- Đàn organ điện tử được sáng chế bởi Frank Morse Robb, được báo Toronto Star giới thiệu năm 1927 và đưa ra thị trường năm 1936, tuy nhiên vì giá sản xuất quá cao nên coi như chấm dứt vào năm 1941. 

- Máy phối hợp công xuất âm thanh/ Voltage-controlled Synthesizer trong âm nhạc được phát minh bởi Hugh Le Caine trong khi làm việc tại National Research Council năm 1945. 

- Ngay cái WonderBra cũng được thiết kế tại Canada và thông dụng cho tới ngày nay. Người sáng chế ra nó là Moses Nadler đã thành lập công ty WonderBra năm 1939. Tuy nhiên mãi tới thập niên 1990 với kiểu 1300 nó mới thành phong trào dùng nó tại Anh rồi được tung sang Hoa Kỳ năm 1994. 

THIẾT BỊ Y KHOA 



- Pacemaker điện tử để điều hoà nhịp tim được sáng chế năm 1949 bởi các bác sĩ Wilfred Bigelow và John Callaghan tại Toronto General Hospital với sự trợ giúp cuả kỹ sư điện John Hopps tại National Research Council, Ottawa. Năm 1958 Arne Larsson là bệnh nhân đầu tiên được ghép máy này làm tại Thụy Điển nhưng nó chỉ hoạt động được có ba tiếng. Cho tới khi qua đời Larsson vào năm 86 tuổi, Larsson đã được ghép 28 pacemakers. Vào cuối thế kỷ XX pace maker đã được cải tiến và hoạt động được tới 10 năm mới phải thay. 

- Kính hiển vi điện tử đầu tiên được phát minh cuối thập niên 1930 bởi nhà vật lý Eli Franklin Burton, sinh tại Green River, Ontario với sự trợ lực của Cecil Hall, James Hillier và A.F. Prebus. Hiện nay kính hiển vi điện tử có thể phóng đại lên 2 triệu lần. 

- Bom Cobalt / Cobalt Bomb được sáng chế bởi nhà vật lý Harold Johns và các sinh viên hậu đại học Saskatchewan năm 1951 dùng các tia phóng xạ Cobalt-60 để trị các bệnh ung thư và đã kéo dài cuộc sống của hàng triệu bệnh nhân. 

- Xe lăn điện được chế tạo bởi George Khein năm 1955 khi ông làm vịêc tại National Research Council. 

- Thận nhân tạo đầu tiên được thiết kế bởi BS Gordon Murray, Toronto tuy nhiên sau khi thử nghiệm trên bốn bệnh nhân, chương trình bị hủy bỏ. BS Murray còn là người đầu tiên đã ghép một van tim cho bệnh nhân. 

Y HỌC 

(Founded in 1829, the McGill Faculty of Medicine)

- Trường y khoa đầu tiên được thành lập năm 1825 bởi bệnh viện Montreal General Hospital dưới tên The Montreal Medical Institute sau đổi thành McGill University Faculty of Medicine năm 1829. Việc giảng huấn lâm sàng được thực hiện lần đầu tiên tại Bắc Mỹ là tại Montreal General Hospital từ năm 1881. 

- Trường đào tạo y tá đầu tiên tại Canada đươc thành lập năm 1874 tại St. Catharines General Hospital, Ontario. 

- Bệnh viện đầu tiên tại Canada: Hôtel Dieu tại Quebec City do ba bà sơ dòng Augustinian thành lập năm 1639. Bệnh viện công cộng đầu tiên là Montreal General Hospital mở cửa ngày 1.5.1819 với sáng lập viên chủ yếu là John Molson, chủ hãng bia Molson. 

- Bệnh viện Nhi đồng lớn nhất Canada là Toronto’s Hospital for sick children hay Sickkids khai trương năm 1875. Số bệnh nhân nằm mỗi năm khoảng 15,000 và tới khám khoảng 300,000 

- Thống kê 2010: 
Tỷ lê sinh sản trung bình tại Canada là 1.61, cao nhất là tại Nunavut: 2.97, thấp nhất là tại B.C.:1.42. 
Tỉnh bang có tổng số sinh sản nhiều nhất là Ontario: 140,135 và ít nhất là Yukon: 431. 
Số người thuộc Lứa tuổi trung bình cao nhất là tại Newfoundland và Labrador: 43.8 và thấp nhất là tại Nunavut: 24.8. Tại Nunavut 31.5 dân số dưới 15 tuổi. 
Tuổi thọ trung bình cuả người Canada là 81.1. 

- Nạn dịch trầm trọng nhất trong lich sử Canada là dịch cúm 1918 do các chiến binh hồi hương đem về đã làm thiệt mạng chừng 50,000 người, nhiều hơn là các tử sĩ trong thế chiến I. 

KHÁM PHÁ TRONG Y HỌC VÀ KHOA HỌC 

- T-cell receptor được khám phá ra năm 1984 bởi BS Tak Wah Mak khiến người ta hiểu rõ hơn về hệ thống miễn nhiễm củacơ thể và tìm ra cách chống lại sự nhiễm trùng bằng các dược phẩm mới hữu hiệu hơn. 

- Pace-maker/ Thiết bị điều hoà nhịp tim là một sáng chế của Canada cũng như kính hiển vi điện tử. 

- Banting và Best đã tách phân ra kích thích tố Insulin để trị bệnh tiểu đường, được xem như những cứu tinh của nhân loại và được giải thưởng Nobel về y học. 

GIAO THÔNG 

- Đường xe lửa đầu tiên tại Canada thiết lập năm 1836 nối liền miền Thảo nguyên với Quebec, còn gọi là đường Champlain – St. Lawrence, được tài trợ bởi John Molson nên còn được gọi là đường Molson. 

- Đường xe lửa xuyên lục địa nối liền hai miền đông và tây Canada hoàn tất ngày 7.11.1885 và chuyến xe lửa đầu tiên đã khởi hành từ Montreal ngày 28.6.1886 và tới Port Moody, B.C. ngày 4.7.1886. Xe lửa phải đi qua một đường hầm trong núi MacDonald tại B.C. dài nhất Bắc Mỹ 14.7 km. 

- Đường xe lửa xuyên biên giới nối liền Sarnia, Ontario tới Portland, Maine khai trương năm 1853. 

- Cầu Victoria tại Montreal qua sông St Lawrence khánh thành năm 1859 là một kỳ công kỹ thuật thời đó. 

- Tàu chạy hơi đầu tiên được John Molson, chủ hãng bia Molson cho đóng vào năm 1809, sau tiến triển thành một đoàn tàu gồm 22 chiếc chạy trên sông St. Lawrence. 

- Tàu chạy hơi Canada đầu tiên băng qua Đại tây dương là tàu HMS Royal William từ Quebec khởi hành ngày 27.4.1831. 

- Joshua Slocum, Annapolis, Nova Scotia là người đầu tiên lái thuyền buồm Spray một mình đi vòng quanh thế giới, khởi hành từ Boston ngày 24.4.1895 vượt một hải trình 74,000 km. 

- Tàu St. Roch là tàu đầu tiên đi qua hành lang Tây Bắc từ tây sang đông năm 1940-42 và cũng là tàu đầu tiên đi qua hành lang này cả hai chiều năm 1944. 

- Xe điện đầu tiên chạy tại Windsor, Ontario ngày 28.5.1886 

- Hệ thống subway đầu tiên tại Canada khai trương tại Toronto ngày 31.3.1954 gồm 12 trạm chạy từ Union Station tới Eglinton. 

- Hệ thống vận chuyển hành khách Toronto TTC là hệ thống lớn nhất Canada, thứ ba Bắc Mỹ với 450 triệu hành khách mỗi năm. Montreal Metro là hệ thống subway đông khách nhất Canada với trung bình mỗi ngày 1.241,000 hành khách qua 68 trạm. 

- Xe ô-tô chạy gas sản xuất đầu tiên bởi hãng Leroy năm 1902 tại Kitchener khi đó còn mang tên là Berlin. Giá trung bình là $650 nhưng lợi tức trung bình một năm là $275. 

- Tỉnh bang Prince Edward Island năm 1908 cấm chạy xe hơi, tới năm chỉ cấm chạy bốn ngày một tuần, tới năm 1918 luật cấm xe hơi mới bị bác bỏ. 

- Xe hơi chạy xuyên Canada chuyến đầu tiên là năm 1912, khởi hành từ Halifax ngày 27.8 tới Vancouver ngày 14.10 tổng cộng 49 ngày, thực hiện bởi thợ cơ khí Jack Haney và nhà báo Tom Wilby. 

- Trạm xăng đầu tiên mở tại Vancouver tháng 6.1907. 

- Theo thống kê 2010 82% người Canada lái xe đi làm, 12% dùng hệ thộng công cộng còn 6% đi xe đạp hoặc đi bộ. 

- Xa lộ Queen Elizabeth nối liền Toronto với Fort Erie được khánh thành bởi Queen Elizabeth tại St. Catharines ngày7.6.1939 là xa lộ lớn nhất Liên Hiệp Anh với bốn lane mỗi chiều. 

- Xa lộ đông xe chạy nhất lục địa là xa lộ 401 với số xe từ 425,000 tới nửa triệu mỗi ngày. 

- Xa lộ xuyên Canada chạy từ St. John tới Victoria với chiều dài 7,821 km là xa lộ dài thứ ba trên thế giới sau xa lộ xuyên Tây-bá-lợi-á và xa lộ 1 Úc. Xa lộ hoàn tất năm 1970 với kinh phí hơn $1 tỷ. 

- Đèn đường hướng dẫn lưu thông đầu tiên tại Canada là tại King và Main St. thành phố Hamilton thiết lập ngày 11.6.1925. 

- Toronto là thành phố đầu tiên trên thế giới có hệ thống kiểm soát lưu thông bằng máy vi tính vào năm 1963. 

- Kẻ đường chia lane do kỹ sư John D. Millar nhân viên bộ Giao thông Ontario đề xuất ra đầu tiên trên thế giới vào thập niên 1930 và được thực hiện trên đoạn đường của Ontario kề với biên giới Quebec. Ba năm sau, việc kẻ đường được phổ biến khắp lục địa. 

HÀNG KHÔNG 

- Chuyến bay đầu tiên tại Canada: Phi công McCurdy lái máy bay “Silver Dart” chế tạo tại Canada, bay từ Baddeck, Nova Scotia ngày 23.2.1909 với vận tốc 65 km/giờ. 

Phi công Frederick Baldwin Walker là phi công đầu tiên của Canada và Liên hiệp Anh và là phi công thứ bảy trên thế giới, khi lái máy bay “ Red Wing” ngày 12.3.1908. 

- Máy bay đầu tiên được chế tạo tại Canada là chiếc Baddeck #1 và chuyến bay đầu tiên của nó là ngày 12.8.1909. 

- Chuyến bay đầu tiên xuyên Canada thực hiện trong 10 ngày với 6 phi công, 5 phi cơ, khởi hành từ Halifax ngày 7.10.1920 tới Richmond B.C. Chuyến bay không nghỉ dọc đường từ Vancouver tới Halifax thực hiện ngày 14.1.1949. 

- Máy bay sối nước để chữa cháy rừng CL-215 được chế tạo đầu tiên trên thế giới tại Canada và bay chuyến đầu tiên ngày 23.10.1967. Máy bay có hai bồn chứa nước dung lượng 2,271 lít. 

- Máy bay phản lực đầu tiên của Canada là Avro Canada C102 chế tạo bởi hãng Avro năm 1949 và là máy bay phản lực thương mại đầu tiên tại Bắc Mỹ và thứ hai trên thế giới. 

- Hãng hàng không lớn nhất Canada là Air Canada trung bình chuyên chở hàng năm 35 triệu hành khách đi tới gần 200 phi trường thế giới. 

- Phi hành gia không gian Canada đầu tiên là Marc Garneau, Quebec bay ngày 5.10.1984 trên phi thuyền con thoi 41-G, sau đó ông còn thực hiện haì chuyến nữa vào năm 1996 và 2000, tổng cộng là 677 giờ trong không gian. Phi hành gia thứ hai và cũng là nữ phi hành gia thứ nhất Canada là BS Roberta Bondar, nguyên quán Sault Ste. Marie, Ontario bay vào không gian ngày 22.1.1992. Phi hành gia Chỉ huy trưởng phi thuyền đầu tiên là Chris Hadfield ngày 13.3.2013. 

- Bộ đồ cho phi công G-suit để giúp cho phi công khỏi bị ngất sỉu khi lượn ngược hay bay chúi mũi quá nhanh được sáng chế bởi Wilbur Franks tại trường ĐH Toronto năm 1941. Năm 1942 bộ đồ G-suit này được các phi công mặc khi đồng minh đánh chiếm Bắc Phi trong cuộc hành quân Torch. 

CANADA: THỰC PHẨM 

1 – THỰC PHẨM ĐÔNG LẠNH 


Thực phẩm đông lạnh là một sáng tạo của Canada: ông Archibald Huntsman, nhân viên của Biological Board of Canada tại Halifax có trọng trách khai triển việc thương mại về cá, năm 1926 đã đề xuất ra việc bán cá ướp đông lạnh và đã được bán tại Toronto từ năm 1929 dưới thương hiệu là Ice Fillets. 

Thực phẩm đông lạnh không cần bỏ thêm thuốc để bảo tồn vì các vi khuẩn không có tăng trưởng khi nhiệt độ dưới −9.5 °C (15 °F), tuy nhiên muốn dự trữ trong một thời gian lâu hơn thì cần xuống thêm nhiệt độ. Người ta thường dùnng chất CMC cho vào thực phẩm đông lạnh Carboxymethylcellulose để giữ thực phẩm thêm lâu. 

2 – TÁO SPARTAN VÀ TÁO MCINTOSH 

Táo Spartan được khai triển tại Summerland, B.C. do ông R.C.Palmer. 
Năm 1811 John McIntosh tình cờ khám phá ra một cây táo dại tại nông trại của ông ở Dundela, Ontario. Ông nếm thấy có vị thơm và ngon ngọt và rất thích hợp với khí hậu lạnh. Con ông là John lấy giống trồng thành một trang trại. Táo McIntosh lâu dần trở thành một trong những lọai táo được ưa chuộng nhất tại Canada và toàn thế giới. Trong thập niên 1960 táo McIntosh chiếm trong thị trường 40% của tất cả các loại táo. Tuy nhiên sang thập niên đầu của TK XXI táo McIntosh bị một vài lọai táo khác tranh ngôi bá chủ thị trường, tụt xuống còn 12% trong khi táo Gala chiếm 33%. Người ta cũng thích dùng táo Northern Spy để làm bánh pies hơn. Năm 2010 số lượng táo McIntosh sản xuất được tại Ontario là 30 triệu kg. Cây táo dại mà John McInosh tìm ra ra trái tới hơn 90 năm, chết năm 1910. 

Táo McIntosh. 

3 – PABLUM 

Pablum, một lọai thực phẩm bổ dưỡng cho nhi đồng được chế ra năm 1930 bởi Alan Brown, Theo Drake và Fred Tisdall để ngừa và trị bệnh còi xương. Ba vị bác sĩ này đã tặng lại hết các lợi nhuận của sản phẩm do công ty Mead Johnson sản xuất cho bệnh viện Sick Kids tại Toronto. Pablum đươc chế tạo với nhiều ngũ cốc trong đó có bột mì, bột bắp thêm bột xương cùng với các loại sinh tố kể cả sinh tố D, ít gây các phản ứng phụ như táo bón hay tiêu chẩy vì không có trứng, lactose, hạt, đồng thời lại dùng ngay được vì đã nấu sẵn dưới dạng bột nên thời đó được phổ biến rộng rãi để làm thức ăn cho các em bé. 

4 – Công ty kẹo cổ nhất 

Công ty Ganong Bros tại St. Stephen, New Brunswick là công ty kẹo lâu đời nhất tại Canada, thành lập năm 1873. Công ty cũng chế biến ra đầu tiên thỏi chocolate trộn các hạt nut 1910, các thỏi chocolate hình trái tim vào dịp Giáng sinh 1932. 

5 – Xuất cảng Lúa mì nhiều nhất trên thế giới 

Canada bắt đầu trồng lúa mì tại Port Royal,Nova Scotia năm 1605, tại Quebec City năm 1617 bởi Louis Hebert, tại Fort St. Louis, Saskatchewan năm 1754 rồi tại Selkirk, Manitoba năm 1812. Các hạt giống đem sang từ Âu châu không mấy thích hợp với khí hậu Canada nên các vụ mùa đã đem lại những kết qủa làm thất vọng các trại chủ. 

Lúa mì Red Fife được sản xuất đầu tiên tại Peterborough, Ontario trong nông trại của Dave Fife năm 1842, thu hoạch được nhiều hơn và phẩm chất cũng tốt hơn. Các di dân ào ào tới mở ra nhiều nông trại trồng lúa mì vì được cấp đất đai. Loại lúa mì này được trồng khắp Canada từ thập niên 1860 cho tới năm 1900 thì thay thế bởi lúa mì Marquis do Charles Saunders. Lúa mì Marquis pha hai giống Red Fife và Hard Red Calcutta, vừa giữ nguyên tính chất thơm ngon của Red Fife vừa tăng số lượng thu hoạch lên tới 41.6 bushels/acre vừa thu ngắn thời gian trồng trọt khoảng 7 tới 10 ngày. 

Tới năm 1918 lúa Marquis được trồng trên 8 triệu hectare tại Canada và Hoa Kỳ. Hiện nay diện tích trồng lúa mì Marquis chiếm 80% - 90% toàn thể ruộng trồng lúa mì toàn quốc, vào khoảng 20 triệu acres, trị giá sản xuất là trên 500 triệu đô-la. Do lúa mì Marquis, Canada trở thành xứ xuất cảng lúa mì lớn nhất trên thế giới. Cha đẻ của lúa mì Marquis được Canadian Pacific Railway tặng thưởng $1000 vì đã sáng tạo ra loại lúa mì tốt nhất. Riêng vùng thảo nguyên mỗi năm sản xuất chừng 25 triệu tấn, trong đó 15 riệu tấn để xuất cảng. Trong đệ nhị Thế chiến lúa mì Canada đã được cung cấp cho các nước Đồng minh Anh, Pháp, Bỉ và Hi Lạp. 

6 – CANOLA – DẦU HẠT CẢI 


Dầu Canola được chế ra bởi các khoa học gia tại bộ Canh nông và ĐH Manitoba trong thập niên 1970 và Canada trở thành nước sản xuất nhiều nhất trên thế giới. Canola là do hai tiếng CANada và OiLA ghép lại. 

Dầu hạt cải Canola là loại dầu ăn được ưa chuộng và tốt cho sức khoẻ. Canola chứa nhiều Omega 3 và 6, các loại sinh tố E, K, có khả năng chịu nhiệt cao nên ích lợi trong các món chiên hay sào, chỉ chứa nửa lượng chất béo bão hòa so với dầu olive. 

7 – SẢN XUẤT KHOAI TÂY CHIÊN NHIỀU NHẤT THẾ GIỚI 

Khoai tây vàng Yukon được gây giống bởi trường ĐH Guelph, Ontario năm 1966, tung ra thị trường năm 1981, có thể tồn trữ được lâu, rất ngon để làm French fries. 

Tuy nhiên ngày nay người ta thường làm French fries bằng loại khoai Shepody chế ra bởi Agri-Food Canada tại Fredericton, New Brunswick năm 1983. Loại khoai này cho mức sản xuất cao hơn và thời gian trồng ngắn hơn. 

McCain Foods tại Florence-Bristol, New Brunswick là công ty sản xuất French fries lớn nhất trên thế giới. Cứ ba miếng khoai chiên ta ăn thì một miếng là của McCain. Hiện nay khoai chiên McCain chiếm tới 40% số lượng trên toàn thế giới. 

8 – BƠ ĐẬU PHỌNG 

Bơ đậu phọng hay Peanut butter được chế ra đầu tiên bởi Marcellus Gilmore Edson tại Montreal năm 1884. 

9 – CANADA DRY 

Canada Dry Ginger ale được chế ra năm 1904 bởi dược sĩ John J. McLaughlin. Trong thập niên 1950 và 1960, công ty là một trong những hãng đầu tiên đưa ra thị trường loại uống sugar-free và đựng trong lon có nắp mở gọi là popcan. 

10 – BLOODY CAESAR 

Cocktail người ta ưa uống Bloody Caesar được chế ra năm 1969 tại một tiệm ăn Ý tên Marco's Italian Restaurant tại Calgary nhân ngày khai trương – tên hiện nay là Westin Calgary. Người chế ra nó là quản lý của tiệm, cũng gốc Ý tên là Walter Chell. 

Cocktail này chỉ phổ thông trong nước Canada và mỗi năm đã có khoảng 350 triệu ly pha cho khách thưởng thức. 

11 – CHỢ TRẠI CHỦ (Farmers'Market) 

Chợ trại chủ lâu đời nhất Bắc Mỹ là tại Halifax, khai trương năm 1750 mt năm sau khi thành phố này được thành lập. Hiện nay chợ có tên là Halifax Seaport Farmers'Market, với hơn 250 nông gia. 

Chợ trại chủ lớn nhất là chợ St. Jacobs, Ontario tuy dân số chỉ khoảng 2,000 nhưng có tới 4,000 chủ tiệm tham gia. 

12 – HÃNG BÁN THỰC PHẨM LỚN NHẤT 

Loblaw là hãng bán thực phẩm lớn nhất Canada với khoảng 14 triệu thân chủ mỗi tuần trên toàn quốc và hơn 1,000 cửa tiệm. 

13 – HÃNG BÁN CHOCOLATE LỚN NHẤT 

Laura Secord thành lập năm 1813 với hơn 150 cửa tiệm, bán hơn 400 món là hãng bán chocolate lớn nhất Canada. 

14 – MỎ MUỐI 

Goderich, Ontario là mỏ sản xuất muối lớn nhất thế giới với khối lượng là trên 6 triệu rưởi tấn mỗi năm. Hiện nay sở hữu chủ của mỏ muối là Sitto Canada. 

Người Canada dùng nhiều muối nhất trên thế giới, trung bình một người dùng tới 360 kg muối một năm, nhưng phần lớ là để rải đường cho tan băng tuyết. 

15 – MUSTARD 

Saskatchewan là tỉnh xuất cảng mustard nhiều nhất trên thế giới. Năm 2013 số lượng xuất cảng là 117,000 tấn. 

16 – FLAXSEED 

Canada là nước sản xuất flaxseed nhiều nhất trên thế giới, chiếm khoảng 40% của toàn cầu. Flaxseed dùng làm dầu ăn, và trong nhiều địa hạt như vẽ tranh, mực in, sản xuất linoleum vv... 

17 – PHÂN BÓN 

Công ty PotashCorp tại Saskatchewan sản xuất nhiều phân bón nhất trên thế giới, chiếm 20% sản phẩm potash trên toàn cầu. 

18 – MẬT PHONG (Maple syrup) 



Canada là nước sản xuất mật phong nhiều nhất trên thế giới, chiếm khoảng 82% số lượng toàn cầu, trong số đó hơn 90% là từ Quebec. 83% mật phong được xuất cảng, giá trị gần $180 triệu. 

Lễ hội mật phong lớn nhất là Elmira Maple Syrup Festival tổ chức hàng năm trong tháng Tư. Thống kê năm 2000 cho biết có 66,529 người tham dự được coi là lớn nhất thế giới bởi Guinness World Record. 

Mật phong tuy có chứa các chất dinh dưỡng, chất kháng oxy và ít nhiều sinh tố nhưng lượng đường khá cao tương tự như trong nước dừa cho nên cần phải. 

19 – HAWAIIAN PIZZA 

Món pizza này được sáng chế tại Chatham, Ontario bởi Sam Panopoulos. Chủ nhà hàng Satellite Restaurant năm 1962. Trong pizza này có bacon và dứa, tuy nhiên có nhiều người không ưa và cho là làm giảm danh tiếng của pizza. 

20 – THỦ ĐÔ TÔM HÙM 

Thị trấn Shedac, New Brunswick, nơi có các hãng xưởng chế biến tôm hùm, nơi cư ngụ của ngư phủ và có lễ hội Tôm hùm hàng năm vào giữa tháng 7 được mệnh danh là Thủ đô thế giới của tôm hùm. 

21 – BIA VÀ RƯỢU CHÁT 

Hãng làm bia đầu tiên: Molson từ năm 1786 bởi John Molson tại Montreal. 

Hãng làm rượu chát/ rượu vang đầu tiên: tại Pélée Island năm 1866. 

22 – RƯỢU NHO ĐÔNG LẠNH NGON NHẤT THẾ GIỚI / ICEWINE

Icewine, một loại rượu tráng miệng được làm bằng các trái nho khi bị đông lạnh trên cây trong quá trình đó chất đường và các hoá chất khác không bị đông lạnh nhưng nước trong trái bị đông lạnh cho nên các chất sau này khi ép ra có tỷ trọng đông đặc hơn và ngọt nhiều hơn rượu nho thường. 

Tuy đảo Pélée với rượu Hillebrand là icewine được sản xuất đầu tiên nhưng sau này từ 1983 icewine của hãng Inniskillin, sau khi được giải thưởng Grand Prix d’ Honneur năm 1991 tại VinExpo, Pháp được coi như nổi tiếng nhất. Với lượng đường cao trong nho, sự lên men đòi hỏi một thời gian rất lâu tới vài tháng so với nho thường chỉ cần vài tuần, nên icewine có gía bán đắt hơn rượu nho thường nhiều nên các nhà sản xuất thường đóng rượu trong các chai nhỏ 375 ml, 200 ml và 50 ml.

Hoàng Xuân Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét