Hình 1: Thác nhân tạo (Ảnh: T&ST).
"Từ Thế giới thứ ba đến Thế giới thứ nhất" là tựa đề quyển hồi ký của ông Lý Quang Diệu mà tôi đã có dịp đọc vài năm trước. Tôi ghé Singapore trên đường từ Nhật trở về Úc trong một buổi chiều tháng Tư nóng và ẩm. Cái nóng nhiệt đới và hơi ẩm trong không khí tạo ra một thứ mùi mà tôi gọi là "mùi Sài Gòn" thường cảm nhận được mỗi lần trở lại Việt Nam. Mùi Sài Gòn cũng phảng phất ở phi trường Changi. Phi trường là cổng chào của một quốc gia và Changi rất thành công trong việc phục vụ hành khách. Tôi nhớ lại câu chuyện của người thân có lần đặt chân đến Singapore ở cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Trên đường từ phi trường đến trung tâm thành phố, người thân của tôi bị tính tiền cước hơn 5 lần bởi ông taxi cố tình chạy lòng vòng. Câu chuyện vẫn ám ảnh tôi nhiều năm cho đến lúc tôi bước xuống phi trường Changi đi tìm phương tiện di chuyển vào thành phố. Nỗi lo sợ bị "chặt chém" nhanh chóng tan biến khi tôi nhìn giá cước taxi phỏng chừng được trưng bày ở các bến taxi trong phi trường. Nhưng tiện lợi nhất có lẽ hệ thống xe buýt công cộng di chuyển hành khách đến hàng trăm khách sạn ở trung tâm thành phố với giá đồng nhất $9 Singapore (S$1 = 80 cents US).
Tôi có một thói quen là quan sát nhà vệ sinh của phi trường để có một khái niệm tổng quát về trình độ văn hóa và vệ sinh của một thành phố hay một nước mà tôi đặt chân tới. Một thói quen hơi khác thường nhưng lại là thước đo không kém phần chính xác nếu được ghi lên biểu đồ thống kê. Phải công bằng nói rằng nhà vệ sinh của phi trường Haneda (Tokyo) hiện đại và sạch sẽ bậc nhất thế giới. Changi chưa sánh kịp với Haneda nhưng có một chuẩn mực vệ sinh rất cao so các nước mà tôi đã đi qua. Sự tiến bộ này không phải do ngẫu nhiên mà có. Trong một nước có nhiều sắc tộc di dân như Singapore họ mang theo sự nghèo khổ và thói quen lạc hậu. Như phần lớn ở các nước châu Á, vệ sinh chung từng là một khái niệm xa lạ trong xã hội Singapore. Để cải tạo ý thức vệ sinh, chính phủ Lý Quang Diệu lúc bấy giờ đưa ra đạo luật "cấm khạc nhổ", "cấm nhai kẹo cao su", "cấm xả rác" và "phải xả nước nhà cầu" rằng ai hành sự xong mà không xả nước sẽ bị phạt tại chỗ S$200. Vào những thời điểm gay go trong phong trào tận diệt thói quen xấu, chính phủ không ngần ngại chi tiền cho đoàn người đi tuần tra thường xuyên hay thậm chí gắn máy ảnh quan sát trong phòng vệ sinh bắt kẻ phạm tội.
Con đường từ Changi dẫn vào trung tâm thành phố dài 20 km phủ một màu xanh với những hàng cây to rợp bóng hay những công viên đầy màu sắc của những cụm hoa nhiệt đới, xa xa là những tòa chung cư cao tầng lợp ngói đỏ hay các tòa nhà thương mại với kiến trúc hiện đại. Ngoài những xa lộ thông thoáng, tôi ngạc nhiên tại sao họ có thể dành một số lớn đất đai cho cây xanh và công viên trong khi diện tích Singapore (700 km2) với 6 triệu cư dân cộng 1 triệu dân nhập cư lao động có mật độ 8.000 người/km2 gấp đôi so với 4.000 người/km2 của thành phố Hồ Chí Minh (diện tích 2.000 km2). Tại sao "Hòn ngọc Viễn Đông" của ta quá nhếch nhác trong khi Singapore lại hiện đại đến thế? Vài ngày ở đây, tôi cố tìm ra lời giải đáp.
Khách sạn tôi ở ngẫu nhiên gần phố Bugis. Ở đây người người qua lại buôn bán tấp nập. Bugis có dáng dấp của một khu phố bình dân có nhiều góc khuất tối tăm trong quá khứ nhưng giờ đây đã được cải thiện theo nếp sống văn minh. Khu phố này có một nơi tập trung gần 100 quán ăn nhỏ bán đủ loại thức ăn, đồ uống bình dân Hoa, Ấn, Mã. Từ sáng đến chiều dập dìu thực khách ra vào ăn uống. Tôi đến đây dùng cơm sáng, cơm trưa, cơm chiều với một thực đơn đơn giản; tiêu biểu là buổi sáng một đĩa mì Singapore và một ly cà phê vợt, buổi trưa một tô súp bò vò viên, buổi tối một đĩa cơm rang Mã Lai có gia vị sambal của quán bà người Mã và chè ngọt sâm bổ lượng có gia vị sầu riêng của quán bà người Hoa bên cạnh.
Tập trung các quán ăn đường phố vào một trung tâm ăn uống "quốc tế" của ba chủng tộc Singapore thoạt nghe như một chuyện đơn giản nhưng phương cách thực hiện thì không hề đơn giản. Các quan chức Việt Nam ở hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn cũng đã từng ra quân dẹp hàng quán đường phố nhằm thu hồi lại vỉa hè cho thông thoáng đi từ thành công đến thất bại. Người dân và quan chức vẫn còn mang nặng đầu óc "du kích chiến" như lúc còn đánh nhau trong rừng. "Địch tiến thì ta lùi, địch lùi thì ta tiến", thỉnh thoảng ta phục kích "đi tắt đón đầu" tóm cổ địch. Nhìn cách sắp xếp hàng quán ăn uống ở Bugis, tôi có thể suy đoán rằng chính phủ xây cất hàng quán, mỗi quán có mặt bằng 3 x 3 m2, một diện tích vừa đủ để nấu nướng và có chỗ ăn uống chung cho mọi quán, sau đó khuyến khích những người bán thức ăn đường phố vào thuê với giá rẻ. Vấn đề vệ sinh được đặt hàng đầu. Mỗi quán đều phải treo bảng kết quả kiểm soát vệ sinh trước cửa quán với mức độ thẩm định A, B, C … Khu ăn uống ở đây gọi là bình dân nhưng thực khách đủ mọi hạng người, mọi chủng tộc, từ những nhân viên văn phòng cổ trắng đến người lao động cổ xanh. Người ta chỉ nghe tiếng động của ly tách, không một tiếng ồn ào, la hét, không một tiếng khạc nhổ hay những tấm khăn giấy rơi vãi trên sàn nhà. Mọi người rất hài hòa từ người bán đến người ăn.
Cái tour một ngày vòng quanh đảo đã cho tôi nhiều thông tin. Người hướng dẫn là một người gốc Hoa ở tuổi trung niên và chuyên nghiệp. Chiếc xe buýt du lịch đưa chúng tôi đến những điểm quan trọng liên quan đến tôn giáo, địa lý và lịch sử Singapore. Lịch sử cận đại Singapore mang dấu ấn sâu đậm của Thế chiến thứ 2. "Thất thủ Singapore" (Fall of Singapore) trở thành một sự kiện trọng đại của lịch sử thế giới. Một sự kiện làm mất mặt quân đội Anh từng mang niềm tự hào là đoàn quân vô địch của một đế quốc lừng lẫy mặt trời không bao giờ lặn. Trung tướng Tomoyuki Yamashita của lục quân Dai Nippon Teikoku (Đại Nhật Bản đế quốc), nổi tiếng với danh hiệu "hùm thiêng Mã Lai" (Tiger of Malaya), với số quân ít hơn liên quân Anh – Úc, bất thần tấn công Singapore vào ngày Tết Âm lịch năm 1942 và chiếm đóng cho đến ngày bại trận tháng 8 năm 1945. Sự trùng hợp "Tết Âm lịch" khiến tôi nhớ lại cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968) trên toàn cõi miền Nam. Đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là một chiến lược mô phỏng của bộ đội miền Bắc?
Trong bảo tàng viện lịch sử, tôi nhìn thấy hình tướng Yamashita có vóc dáng uy nghi, bụng hơi phệ, khuôn mặt trông như ông xếp lớn của xã hội đen Yakuza Nhật. Người hướng dẫn viên thuật lại những diễn biến đẫm máu, vấn đề phụ nữ giải khuây tại Singapore trong thời kỳ chiếm đóng của quân phiệt Nhật. Trong lúc ông thao thao bất tuyệt thì tôi bất chợt hỏi ông, "Ông có biết là ông Lý Quang Diệu lúc đó khoảng 20 tuổi đã hợp tác với Nhật trong tư cách thông dịch và biên tập tiếng Anh cho người Nhật không?", ông giật mình nhìn tôi nói, "Thật không? Ông đọc ở đâu thế?". Nhưng ông không phủ nhận và nhanh chóng nói tiếp, "Thời thế như vậy, ông ấy phải thực tế đi kiếm ăn".
Lý Quang Diệu xuất thân từ gia đình người Hoa gốc Hakka (người Khách Gia, Hẹ) ở tỉnh Quảng Đông. Ông là tổng công trình sư gầy dựng nên Singapore từ một hòn đảo nghèo nàn chính phủ Mã Lai không thèm và trục xuất ra khỏi Liên bang Mã Lai Á (1965). Singapore "bị" độc lập trong sự miễn cưỡng, đau buồn trong một tương lai bất định. Từ ngày bị "chia ly", ông Lý đã nhặt và ghép lại từng mảnh vỡ với tầm nhìn và niềm tin mãnh liệt vào việc "tạo dựng Singapore từ đất nước nghèo nàn của Thế giới thứ ba thành một quốc gia tiên tiến của Thế giới thứ nhất". Ông theo một lô-gic đơn giản, muốn dựng nước thì phải tạo đặc tính dân tộc mà muốn có đặc tính Singapore thì cần phải có sự thống nhất ngôn ngữ. Trong cộng đồng người Hoa (76 % dân số Singapore) có nhiều phương ngữ, sự khác biệt tiếng nói gây ra sự chia rẽ và thù ghét ngay trong tập thể người Hoa. Ông bắt buộc người Hoa trước hết phải tập nói tiếng Phổ Thông. Sau đó, ông chỉ định tiếng Anh là một ngôn ngữ chính cho mọi sắc dân Singapore. Chưa đầy nửa thế kỷ ông mang lại cho đất nước và con người Singapore niềm tự hào, sự tự tin, cuộc sống giàu có văn minh, hòa hợp chủng tộc, hòa đồng tôn giáo và sự tôn kính của toàn thế giới. Sau khi ông qua đời người Singapore tôn vinh ông như là "quốc phụ" (người cha của đất nước), nhưng những ngày tôi ở Singapore tôi không tìm thấy hình ảnh hay bia kỷ niệm nào nói về ông. Có lẽ, ông cũng không cần những điều này. Ngàn năm bia miệng vẫn trơ trơ …
Ông Lý không những là người dựng nước và trị nước giỏi mà còn là một chính khách tài năng trên chính trường quốc tế. Hồi ký của ông cho thấy nhiều sự kiện thú vị ở hậu trường trong các cuộc tiếp xúc với những lãnh tụ quyền uy thế giới, nhất là với Trung Quốc. Đối với người Cộng sản Trung Quốc, ông Lý từng bị xem là "tay sai đế quốc" hay là "trái chuối" (ý châm biếm nói người da vàng nhưng bên trong là tư duy người da trắng). Là chủ nhân của câu nói nổi tiếng "mèo trắng mèo đen", sự thành công của Singapore khiến Đặng Tiểu Bình đi tìm đến ông Lý tham khảo ý kiến để mở cửa và cải cách Trung Quốc (1978). Đặng Tiểu Bình, người lùn nhưng trí không lùn. Ông nhìn thấy tài năng ông Lý dù nước Cộng hòa Singapore lúc đó chỉ vừa 13 tuổi. Điểm chung của hai ông là "chủ nghĩa thực tiễn". Sự cộng hưởng của hai ông đã đem lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc trong những ngày đầu cải cách và tiếp cận thế giới.
Trong một cuộc hội kiến lịch sử, trước những câu hỏi của ông Đặng ông Lý hồi đáp một cách khiêm tốn với một chút thách thức và tự hào rằng, "Người Hoa Singapore là hậu duệ của những người nông dân vô sản thất học ở tỉnh Quảng Đông và Phước Kiến miền Nam Trung Hoa, trong khi đó các học giả, quan lại và trí thức đã ở lại và để lại con cháu của họ tại Trung Hoa. Vì vậy, tôi nghĩ không có lý do gì mà người Trung Quốc không thể lặp lại những thành tựu Singapore, và tôi tin rằng họ có thể làm tốt hơn". Ông Đặng trầm ngâm suy nghĩ, trở về Trung Quốc và lặng lẽ thực hiện những lời thách thức từ ông Lý. Cái vĩ đại của ông Lý là tầm nhìn, dồi dào nguồn tri thức Á Âu và sự khôn ngoan "biết người biết ta" của ông. Người Mỹ gặp ông để hỏi về Trung Quốc, người Trung Quốc gặp ông để hỏi về Mỹ. Trong quá trình đổi mới khi những người Trung Quốc còn ngơ ngác chập chững đi vào con đường hội nhập, ông Lý đã dẫn đường và có một đóng góp nhất định vào sự thành hình của một nước Trung Quốc hiện tại. Khi nhiều người thân cận hỏi ông cớ gì phải vẽ đường cho hươu chạy, ông nói rằng, "Người khổng lồ Trung Quốc đã tỉnh giấc và đang trỗi dậy, sự trỗi dậy của họ sẽ khuynh đảo cả thế giới và ảnh hưởng sâu rộng đến đất nước nhỏ bé của chúng ta. Chúng ta dẫn đường cho họ ngay từ đầu càng sớm thì càng có lợi cho chúng ta. Họ có nhiều nhân tài, không chỉ dẫn thì cuối cùng họ cũng mày mò tìm ra. Lúc đó ta đánh mất cơ hội và không thể chen chân vào thị trường của họ". Ông Lý cũng từng tiếp xúc với nhiều lãnh đạo Việt Nam từ những bậc tiền bối đầy kiêu hãnh về sự nghiệp "chống Mỹ cứu nước" của mình đến những bậc hậu bối khiêm tốn hơn biết thức thời đổi mới. Khi nói về Việt Nam ông Lý chỉ kết luận, "Người Việt Nam thông minh học giỏi, tiếc rằng lãnh đạo của họ không biết trọng dụng nhân tài".
Sự thành công của Singapore cũng làm cho người Mã Lai ganh tị mặc dù họ âm thầm bắt chước. Nguyên (bây giờ lại là đương kim) Thủ tướng Mã Lai Dr. Mahathir nói về ông Lý đâu đó giữa sự châm biếm và khen ngợi, "Ông ấy là con ếch to trong cái ao nhỏ. Ông ấy không thỏa mãn với những gì ông có. Ông từng có tham vọng muốn làm Thủ Tướng toàn Mã Lai cơ … Ông thường được mời đi tư vấn cho nhiều việc, trong chừng mực đó, ông là cái gì to hơn cả Singapore. Nhưng về thực chất, ông chỉ là Thị Trưởng (đảo) Singapore. Đó là điều mà ông không thích. Ông ta muốn to hơn thế kia. Và ông cảm thấy rằng chúng tôi (Mã Lai) đã cướp đi cơ hội để ông lãnh đạo một nước thật sự. Nhưng tôi nghĩ rằng ông sẽ đi vào lịch sử như một nhà trí thức và cùng lúc một chính khách lỗi lạc; một điều không thường xuyên xảy ra".
Chiếc xe buýt chở chúng tôi đến eo biển hẹp chia cách Singapore và Mã Lai. Di sản giàu có của con ếch to họ Lý đã lan sang bên kia bờ thuộc tỉnh Johor, Mã Lai. Người Singapore lái xe qua tỉnh Johor vung tiền mua sắm hoặc ở lại cuối tuần để thư giãn. Những dự án làm nhà ở, chung cư cao cấp và những hoạt động hợp tác công nghệ, thương mại diễn ra rầm rộ và liên tục giữa tỉnh Johor và Singapore làm giàu cả hai bên bờ.
Trên một quốc đảo không có tài nguyên, thậm chí phải mua từng lít nước ngọt từ Mã Lai, Singapore sống còn nhờ vào những sản phẩm trí tuệ. Chính phủ đầu tư vào ngành du lịch. Du lịch được xếp vào ngành có thu nhập hàng đầu. Trên thực tế, Singapore không có gì đặc sắc để tham quan du lịch nếu không có bàn tay và trí tuệ con người. Cây xanh là vốn cơ bản của ngành du lịch. Họ không có những khu rừng thiên nhiên bạt ngàn nên họ giữ gìn những gì thiên nhiên ban bố, nâng niu từng tấc đất, chăm chút từng cây xanh thậm chí cả rêu xanh. Họ tạo "rừng" trong thành phố. Người ta xây công viên trong thành phố nhưng họ xây thành phố trong công viên. Họ lấn biển tạo nên một mặt bằng rộng hơn 100 héc-ta xây dựng công viên thiên nhiên "Gardens by the Bay" với hai trung tâm kề cận gọi là "Flowers Dome" và "Cloud Forest". "Flowers Dome" trồng đầy các loại hoa miền ôn đới lẫn nhiệt đới, những loại hoa tulip sặc sỡ đến các loại bông giấy đơn giản hấp dẫn du khách thập phương. Chỗ kia là tòa nhà "Cloud Forests", trong đó có một cái thác nhân tạo cao hơn 20 m được trang điểm xung quanh bởi các loại dây leo và những tảng đá đầy rêu xanh, trông như thác thật trong rừng sâu (Hình 1). Người người đua nhau chụp ảnh. Tôi nhìn cái thác nhân tạo vừa cảm thương vừa cảm phục người Singapore. Cảm thương là đất nước Singapore không có nhiều ưu đãi của thiên nhiên; cảm phục là họ mô phỏng thiên nhiên một cách khoa học để bù lắp những khoảng trống thiếu thốn của họ.
Gần hai trung tâm này, người ta có thể tản bộ đến địa điểm mà 18 "siêu cây" (super tree) được "trồng" rải rác khắp công viên. Siêu cây là một thiết kế kiến trúc "xanh" thông minh (Hình 2). Trong mỗi "cây", người ta tạo ra một lõi bê tông hình trụ rỗng, gắn vào đó là một giàn ống thép có hình dạng một thân cây và tỏa rộng thành tàng cây ở phần ngọn. Sau đó, các loại dây leo được trồng bám vào giàn. Có những loại cây trồng chậu nở hoa, không leo được nên phải trồng trong những túi đất tạo thành một dải túi kéo dài từ mặt đất đến ngọn. Thật tỉ mỉ và tốn kém. Cây cao nhất có độ cao phỏng chừng 50 m. Để đạt đến độ cao 50 m, cây thật cần vài trăm năm. Siêu cây cần nhiều lắm 10 năm khi các loài dây leo phủ kín giàn cây. Ban ngày chúng cho bóng mát như cây thật. Về đêm, siêu cây tỏa sáng từ những bóng đèn LED muôn màu sắc. Mỗi đêm 15 phút, người ta đi như trẩy hội lũ lượt kéo về đây để nhìn muôn ngàn bóng đèn nhấp nháy nhảy theo giai điệu của những giòng nhạc giao hưởng.
Hình 2: Siêu cây trong hoàng hôn (Ảnh: T&ST).
Chính phủ Singapore đã vận dụng tài năng của những kiến trúc sư, các nhà thực vật học, kỹ sư vật liệu học lỗi lạc để "trồng" và chăm lo những siêu cây nhân tạo hòa hợp với môi trường thiên nhiên xung quanh. Xa xa là khách sạn Marina Bay Sands lộng lẫy trên bầu trời xanh ngắt với 3 tòa nhà cao ngất ngưởng cùng đội một chiếc thuyền khổng lồ phủ đầy cây xanh nằm chơi vơi sóng soải trên không như một thách thức trước những trận cuồng phong. Ở những trung tâm của thành phố phương Tây, người ta chỉ thấy "rừng" bê- tông. Ở "Gardens on the Bay", tôi có cảm giác người ta mang rừng cây vào thành phố.
Chính phủ Singapore giải quyết những nhu cầu bức thiết của người dân là "ăn, mặc, ở" với mục tiêu ai cũng sở hữu nhà và trên đường phố không có người vô gia cư hay hành khất. Họ lợi dụng chiều cao của bầu trời và chiều sâu của lòng đất để nhân rộng ra một không gian đủ cho 10 triệu người sinh sống. Thật sự, tôi nhìn thấy một ông cụ ngồi trước nhà ga Bugis mỗi ngày, thoạt nhìn như hành khất. Nhưng không, từ sáng đến chiều ông cụ ngồi đó bán những gói khăn giấy có thẻ chứng minh "hành nghề" đàng hoàng, ông không treo giá nên người mua tùy hỷ trả tiền. Sau khi thỏa mãn được 3 điều kiện "ăn, mặc, ở" thì họ tạo ra những thú vui lành mạnh vừa giáo dục vừa vui chơi cho người dân, thu hút du khách và chiêu dụ nhân tài thế giới trong lĩnh vực kinh thương và khoa học kỹ thuật.
Theo một suy nghĩ đơn giản, muốn có thú vui lành mạnh, đời sống an vui thì môi trường phải sạch sẽ. Có lẽ, không có nơi nào ý thức về môi trường như người Singapore. "Mùi Sài Gòn" vẫn man mác trên đường phố Singapore nhưng nó trong lành hơn. Người ta thường nói, "Đất lành chim đậu". "Lành" ở đây có đầy đủ nghĩa bóng và nghĩa đen. Sẽ không có một khách du lịch nào, một doanh nhân nào hay một nhân tài nào đến viếng thăm hay làm việc ở một nơi đầy không khí ô nhiễm hay dòng sông bẩn thỉu. Khi chiếc xe buýt chạy ngang dòng sông Singapore, ông hướng dẫn viên chỉ vào dòng sông tự hào nói rằng, "Dòng sông này vài mươi năm trước rác rến nổi lềnh bềnh, gần như cái cống lộ thiên. Chính phủ bỏ ra 300 triệu đô-la nạo vét, làm sạch dòng sông trong vòng 10 năm". Tôi chợt nghĩ đến con kinh Nhiêu Lộc của thành phố Sài Gòn, và dòng sông Tô Lịch ở thủ đô Hà Nội, đã hơn 40 năm từ ngày thống nhất bây giờ đã ra sao? Từ thói quen khạc nhổ đến ý thức về môi trường sạch trong vòng chưa đầy 50 năm là một bước tiến dài trong một thời gian ngắn. Có phải đây là kết quả của chính sách giáo dục đúng đắn và sự độc tài "mềm" của ông Lý?
Từ cái cống lộ thiên, sông Singapore ngày nay được chặn lại bằng một con đê nơi sông đổ ra biển để biến dòng sông trở thành hồ, biến nước mặn thành nước ngọt qua sự tích tụ của nước mưa và sử dụng kỹ thuật khử muối trong nước biển. Dòng sông giờ đây có thể cung cấp 10 % nước ngọt cho dân. Thủ phạm làm ô nhiễm dòng sông lúc trước là hàng ngàn tiểu thương chợ làng, mua gánh bán bưng, bán thức ăn đường phố. Những người này được tái định cư tại những địa điểm khác nhau như phố Bugis. Về đêm, sông Singapore là thiên đàng của ánh sáng. Dọc theo bờ là những quán ăn lịch sự kể cả quán "Little Saigon" bán thức ăn Việt, giá cả phải chăng hấp dẫn người bản xứ và du khách cùng nhau chén chú chén anh trong một khung cảnh vô cùng tưng bừng náo nhiệt.
Tôi bước xuống bến thuyền Clarke Quay để nhìn dòng sông Singapore về đêm. Dòng sông bừng sáng với ánh đèn màu dọc theo bờ và những cây cầu bắc ngang. Chiếc thuyền máy chạy chầm chậm đưa chúng tôi xuôi dòng ra hướng cửa biển, ở đó dòng sông phình to thành một hồ nước và trước mặt chúng tôi là khách sạn Marina Bay Sands lung linh trong muôn màu ánh sáng nhìn xuống dòng sông nơi linh vật Merlion (đầu sư tử mình cá) phun nước suốt ngày đêm. Thỉnh thoảng cuộc biểu diễn màu sắc từ muôn ngàn ánh đèn giữa khách sạn Marina Bay Sands và những tòa nhà xung quanh xảy ra một cách nhịp nhàng. Thiết kế và vị trí tọa lạc của khách sạn, giờ đây cùng với linh vật Merlion trở thành biểu tượng của Singapore, phản ánh tinh thần "phong thủy" của người Hoa. Phong thủy cộng hủ tục trở thành mê tín nhưng phong thủy cộng khoa học là một sáng tạo hài hòa. Chiếc thuyền khổng lồ trên ba tòa nhà là một mô thức thiết kế táo bạo có một không hai trong kiến trúc và cũng là một biểu hiện trong tục ngữ Trung Hoa "nhất phàm phong thuận" (xuôi buồm thuận gió). Xuôi buồm thuận gió cho nền kinh thương và cho vận nước Singapore…
Hình 3: Khách sạn Marina Bay Sands (Ảnh: T&ST).
Đường phố Singapore cho tôi một cảm giác an toàn như ở Nhật. Trong những ngày ở đây, từ những đại lộ hoa lệ cho đến các ngõ ngách của Chinatown hay Little India tôi không thấy bóng dáng công an đứng đường chặn xe hay tiếng còi hụ của xe cảnh sát nhấp nháy đèn xanh đỏ "săn bắt cướp". Sự đa văn hóa của Singapore có thể nhìn thấy qua sự bình đẳng tín ngưỡng và ngôn ngữ của những sắc dân ở đây. Ở những nơi công cộng, thông tin chỉ dẫn thường được viết bằng bốn ngôn ngữ Anh, Hoa, Mã và Tamil (tiếng miền Nam Ấn và Sri Lanka). Người ta có thể đi bộ từ một ngôi chùa người Hoa đến một giáo đường Thiên Chúa, hay từ một tự viện Ấn Độ giáo đến một nhà thờ Hồi giáo.
Những ngày còn lại tôi sử dụng hệ thống xe điện ngầm (MRT) và xe buýt đi một vòng lớn của Singapore tìm hiểu những nơi nổi tiếng trong đó có Chinatown, Little India, Little Arab và phố Katong. Với đại lộ Mountbatten nằm vắt ngang, Katong từng là nơi an cư của quan chức người Anh thời thuộc địa và những thương gia người Hoa giàu có. Katong nổi tiếng với văn hóa Peranakan hay là văn hóa lai giữa người Hoa và người bản xứ. Nguyên con đường Koon Seng của phố Katong là những ngôi nhà có lịch sử hàng trăm năm nằm san sát nhau, cùng kích thước, cùng mô dạng nhưng được sơn lên nhiều màu sắc rực rỡ khác nhau (Hình 4). Tôi lững thững tản bộ quan sát thì nhìn thấy một phụ nữ nhiều tuổi đi chầm chậm thỉnh thoảng dừng lại chụp ảnh, ghi ghi chép chép. Tôi đến gần lân la hỏi chuyện. Bà đã nghỉ hưu nhưng làm hướng dẫn du lịch bán thời để kiếm thêm thu nhập và tạo cơ hội tiếp xúc với thiên hạ ngoài đời. Bà đang thu thập tài liệu, hình ảnh để hôm sau có một bài nói chuyện cho một đoàn khách du lịch. Bà tử tế giải thích lịch sử của các căn nhà. Đi được một lúc tôi bâng quơ hỏi, "Một căn bao nhiêu tiền?", bà tỉnh queo trả lời, "Bảy đến chín triệu đô Singapore". Tôi ngạc nhiên, "Sao nhiều tiền vậy? Bà nghĩ thế nào về những căn nhà này?". Bà giải thích, "Từ một lát gạch hoa đến các hoa văn trang trí đều được xem là di sản quốc gia. Chủ nhân không được ngang nhiên thay đổi mô dạng hay tùy tiện đập phá xây cất nhà mới. Tôi cũng thích những căn nhà cổ này lắm chứ, nhưng số tiền quá lớn đối với tôi".
Những người Hoa di dân đến Singapore vài trăm năm trước phần lớn là nam giới nên họ lập gia đình với người Mã bản xứ tạo ra một văn hóa lai bao gồm ẩm thực và thiết kế nhà cửa. Những di dân người Hoa "trên răng dưới dép" suốt đời chỉ biết cặm cụi kiếm ăn làm giàu. Tuy nhiên, chính những bà vợ bản xứ đã chỉ bảo cho người chồng cái gu thẩm mỹ và trang hoàng nhà cửa tạo nên vẻ đẹp "lai" thuận vợ thuận chồng và nhiều sáng tạo. Mặt trước căn nhà được trang trí bởi những hoa văn phương Tây nhưng cách sắp xếp bên trong nhà được thiết kế theo kiểu người Mã. Cửa chính và hai cửa sổ hai bên thuần túy theo phong cách của người Hoa Nam, trên cửa sổ là khung cửa nhỏ có hình con dơi. Gọi là "dơi" nhưng trông như con bướm. "Dơi" (蝠) trong phát âm tiếng Hoa đồng âm với chữ "phước" (福) trong "phước đức" nhưng chữ viết hơi khác nhau. Tính thực tiễn và mê tín của người Hoa nhìn thấy ở khung cửa con dơi. Tôi buồn cười. Nó chỉ là chỗ thông hơi nên phải làm to một tí khiến "dơi" biến thành "bướm", nhưng "dơi" vẫn là "dơi" để gió liên tục thổi "phước" vào nhà.
Hình 4: Những căn nhà của văn hóa Peranakan (Ảnh: T&ST).
Ngày 9 tháng 8, 1965, khi tuyên bố Singapore độc lập ông Lý Quang Diệu đã nói với nhân dân ông, "Chúng ta sẽ có một quốc gia đa chủng tộc tại Singapore. Chúng ta sẽ nêu gương. Đây không phải là một quốc gia Mã Lai, đây không phải là một quốc gia Trung Hoa, đây không phải là một quốc gia Ấn Độ. Mọi người sẽ có chỗ đứng của mình: bình đẳng, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo". Ông Lý đã hứa với nhân dân và ông đã làm cho nhân dân. Di sản vĩ đại của ông để lại đang trải rộng trước mắt thế giới. Người dân ở đây có một sự tự hào và niềm tin vào chính phủ dù đất nước của họ chỉ hơn 6 triệu người và chỉ là hạt cát trên bản đồ thế giới. Người ta thường quan niệm "trăm năm trồng người". Nhưng Singapore không chỉ có sự nghiệp "trồng người" mà còn có sự nghiệp "trồng cây" và cũng không cần đến trăm năm. Phú quý sinh lễ nghĩa và lễ nghĩa sinh phú quý. Một vòng xoắn đi lên. Sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, sự hòa hợp giữa các sắc dân, sự trong sạch của giới lãnh đạo đã tạo ra sự giàu có về tinh thần lẫn vật chất.
Chính phủ Singapore tiếp tục phục vụ đời sống người dân, nâng cao vị thế trên chính trường quốc tế và tạo ra những tài sản trí tuệ lẫn tài sản vật chất cho đất nước. Sự phát triển Singapore ẩn tàng tính thực tiễn của người di dân phải ly hương vì nghèo khó dựa trên hai yếu tố song hành: làm giàu và giáo dục. Từ nhà ga MRT phố Bugis, vai mang ba lô tôi lọc cọc kéo chiếc va li nhỏ bước vào chuyến tàu điện ngầm đi đến phi trường Changi trở lại Úc nhưng trong đầu vẫn lan man suy nghĩ làm sao ông Lý và các đồng chí của ông không những đã nâng một đất nước nghèo khổ của thế giới thứ ba lên đến một quốc gia giàu có của thế giới thứ nhất mà còn tạo nên con người Singapore hiện đại, chuyên nghiệp và lịch sự. Người xưa bảo, "Thượng bất chính, hạ tắc loạn". Như một phản đề, khi nhìn lại giới lãnh đạo Singapore, họ nêu một tấm gương mẫu mực lồng trong đạo đức Khổng Mạnh và những giá trị phương Tây: thanh liêm và trí tuệ. Có lẽ tổng hòa của mọi yếu tố tích cực đã tạo ra những thành tựu vĩ đại trong một khoảnh thời gian không hơn 50 năm.
Trương Văn Tân
Melbourne, tháng 5 2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét