Xuân, Hạ,Thu, Đông đủ bốn mùa.
Thuốc thì hay hút, chẳng hay mua.
Có thuốc trong bao? Cho một điếu.
Cứ thế, quanh năm hút thuốc chùa.
Nghe người ta nói nước Mỹ thuộc vùng ôn đới, khí hậu bốn mùa rõ rệt. Vậy mà khi đặt chân lên xứ cờ hoa tôi chỉ thấy có mùa lạnh không thôi, họa hoằn lắm mùa hè thì có vài hôm buổi trưa khỏi mặt áo lạnh khi ra đường. Sống lâu thành thói quen, bước ra khỏi cửa nhà mà thiếu cái áo lạnh là tôi bị nhảy mũi liên tục. San Francisco đối với tôi chỉ có hai mùa, mùa lạnh và mùa mát. Tôi chả có thấy khác biệt gì khi so với Việt Nam, vì ở quê nhà cũng chỉ có hai mùa mưa và nắng...
Ừa! Mà lạ thật. Sao bây giờ nắng dữ quá, về thăm quê tháng nào tôi cũng thấy nắng đổ lửa, nắng cháy da, ngồi trong nhà mở quạt máy hết tốc lực mà tôi vẫn chịu thua, không tài nào ở nổi, mấy đứa em tôi nói:
- Sao bây giờ anh dở quá vậy? Tụi em nhớ hồi trước anh phơi nắng cả ngày, mình mẩy đen thủi, đen thui mà có nghe anh nói nóng niết gì đâu?
Mấy đứa cháu thì nhao, nhao lên hỏi:
-Thiệt hả cậu? Hồi đó da cậu đen thiệt à? Sao bây giờ trắng quá vậy?
Tôi chỉ biết cười mà trả lời với chúng:
- Người Việt thì da vàng chứ làm gì mà có màu đen hay trắng. Chẳng qua là lúc nhỏ cậu ra đồng không chịu đội nón lá, mà chỉ khoái bịt cái khăn trên đầu, vì vậy mà ánh nắng sơn thêm một lớp màu nâu đậm, nhìn đẹp hơn, còn bây giờ ở nhiều trong mát, không thấy nắng mà chỉ thấy sương mù, vì vậy bị mù sương phủ lên một lớp chứ có phải lột da hay thay đổi gì đâu...
Thằng út Nghiệp con nhỏ em kế chạy lại ôm cổ tôi nói:
- Vậy là con giống cậu rồi, ra đồng con cũng không thèm đội cái nón lá mà chỉ khoái chơi cái nón kết lên đầu thôi .
- Ừ! Tại hồi xưa không có nón kết nên cậu mới xài khăn, chứ bịt cái khăn trên đầu còn lòng thòng hai sợi râu nhìn mất thẩm mỹ quá đi, cậu thấy nón kết đẹp hơn nhiều.
Cô giáo Ngân ôm bụng cười:
- Anh hai bây giờ tiếu lâm quá.
Mấy đứa cháu cùng lên tiếng một lượt:
- Vậy mới đã chớ dì út. Nghiêm nghị quá đâu có vui.
Thằng Mẫn con nhỏ em thứ hỏi:
- Nghe bà ngoại nói "Nghề ruộng cái gì cậu cũng biết hết". Vậy bây giờ cậu có còn nhớ không? Hay là lâu quá, không ra đồng nên quên hết rồi?
Tôi cười cười hỏi lại nó:
- Con muốn rủ cậu đi đâu? Bây giờ là gần cuối tháng chín rồi nước nổi lênh đênh trên ruộng có gì vui ngoài đó đâu?
Nước nổi dâng cao
Dân chúng lao xao
Không còn xu nào
Làm sao mà sống?
Tối ngày trông ngóng
Cho nước rút mau...
Thật ra mùa nước nổi, là mùa khổ cực nhất của dân quê. Năm nào nước ít thì đỡ khổ còn năm nào nước lớn như năm nay lại nguy hiểm vô cùng .
Ngày xưa dân ruộng làm một vụ lúa. Canh tác lúa chỉ dựa vào thời tiết, lệ thuộc hoàn toàn vào ông trời, bởi thế mới có nhiều hủ tục cúng kiến cầu cho mưa thuận gió hòa, vậy mà cứ vài ba năm là có một năm nước dâng cao làm ngập lút ngọn lúa, nhận chìm tất cả hy vọng của người dân dưới cánh đồng thân yêu...
Tôi nhớ lúc còn nhỏ làm ruộng cũng vui lắm vào tháng năm âm lịch khi mà mưa xuống nhiều, đất ruộng bắt đầu ngập nước, thì mọi người be bờ gieo mạ. Không nhớ là bao lâu thì mới dọn đất cấy lúa. Hồi cuối thập niên 50 người ta dọn đất để cấy bằng cách phác cỏ. Đất phải có nước lép xép thì phác cỏ mới được, đất còn khô thì không thể phác. Cỏ phác xong để một thời gian cho mục bớt, rồi dùng trâu mà trục cho đất sình đè lên nhận cỏ xuống để làm phân hữu cơ luôn.
Nếu có trâu hay có tiền mướn trâu cày đất thì tốt hơn. Đất có nước thì trâu mới cày nổi, đất khô rang thì không thể làm gì khác hơn là chờ trời mưa...Đất cày xong cũng phải chờ một thời gian cho nó rả ra, cỏ mục bớt rồi mới xem coi nên bừa hay trục cho nhuyễn để mà cấy .
Những nông dân nghèo, không tiền mướn trâu thì dùng cây cào rê mà cào cỏ đấp thành giồng, nếu gốc cỏ chưa mục thì bắt buộc phải mướn trâu trục qua một lần cho nó xẹp bớt xuống thì cấy lúa mới được, để nguyên gốc cỏ thợ cấy chẳng có ai dám giúp, vì gốc cỏ còn cứng, nó đâm lủng tay ...
Đất dọn xong thì nhổ mạ bó thành từng bó lớn trước ngày cấy để đều trên mặt ruộng ...
Cấy lúa là do phái nữ đảm trách đa số là con gái mới lớn, thanh niên ít có ai đi cấy, mấy cô cấy giỏi thì mỗi người một công, dở thì 2 người nhập một. Ở quê tôi người ta dùng đơn vị đo đất là "công". Một công đất là 144 tầm vuông, một tầm dài 3 mét vị chi là 1296 mét vuông.
Lúa mùa có sức đề kháng chống sâu bọ rất cao, từ khi cấy cho đến khi thu hoạch, người nông dân không cần phải xịt bất cứ loại thuốc trừ sâu nào, vì vậy môi trường rất tốt cho tất cả các loài tôm cá, mặt tình cho chúng sanh sôi nẩy nở...
Qua đầu thập niên 60 người ta nhập cảng máy cày vào, mùa khô lúa thu hoạch xong, nông dân bắt đầu rải rơm đốt gốc rạ rồi mướn máy cày, cày đất để phơi, khi mưa xuống thì bừa đất mà xạ lúa trực tiếp, không qua giai đoạn gieo mạ cấy lúa như trước đây nữa. Con gái bị thất nghiệp chỉ còn đi nhổ cỏ và giậm lúa mà thôi.
Lúa mùa có nhiều loại, nấu cơm vừa thơm vừa dẻo như: lúa thơm, móng chim, nàng hương...những giống lúa nầy không cho năng xuất cao như lúa ba túc, lượm trắng...
Lúa ở quê tôi thân cây không được cao lắm, chỉ vào khoảng 90cm tới một mét vì vậy năm nào nước dâng cao là lúa bị bà Thủy lấy đi hết, dân chúng không còn một hột nào nhét kẻ răng, tới mùa thu hoạch thì tủa ra bốn phương, tám hướng đi làm mướn nuôi gia đình...
Ba tôi khi bị một năm nước ngập mất trắng thì về Sa Đéc tìm mua giống lúa "Xa-Quây" (tên giống lúa đó tôi chỉ nghe nói chứ chưa hề thấy chữ viết bao giờ) lúa nầy chỉ có 4 tháng là thu hoạch, trong khi lúa mùa phải từ 7 tới 8 tháng mới thu hoạch. Nhờ thời gian tăng trưởng ngắn nên lúa Xa Quây thu hoạch trước khi nước dâng cao, sau nầy người ta làm lúa Thần Nông thời gian tăng trưởng càng ngắn hơn chỉ chưa đầy 3 tháng là thu hoạch rồi...
Trở lại câu hỏi của tôi, thằng cháu nói:
- Con đâu có rành chuyện đồng án. Mấy cậu lối xóm kêu con thì con nói lại cho cậu nghe thôi mà.
- Nhưng mà lúc nầy có giống gì ở ngoài đồng đâu mà rủ rê? Cậu chỉ thấy toàn là nước với nước không mà thôi...
Năm Tùng con cô Năm tôi trả lời thế:
- Có chớ anh hai. Mùa nầy đi đâm chuột, đâm rắn cũng có khi trúng mánh vớt được một hai con rắn hổ là đở nghèo.
Nghe tới rắn hổ làm tôi nhớ thằng Tài nên ngồi lặng thinh mà thả hồn về thời thơ ấu.
Năm Tùng tưởng tôi sợ nên nói thêm:
- Tư Phụng, Ba Ngữ, Sáu Hiền kêu em chở anh theo cho vui, mấy ảnh nói "anh không ra ruộng lâu ngày chắc là chèo chống không nổi đâu".Vì vậy biểu em chở anh đi xem chơi thôi, cho đở nhớ.
- Con khỉ khô! Chống xuồng thôi chứ có làm giống gì nặng nhọc đâu mà nổi với không? Đi thì đi chứ sợ ai mà hổng dám?
Đám bạn đã chuẩn bị đầy đủ dụng cụ từ chỉa một mủi, chỉa 2 mủi, cù ngoéo để bắt rắn, mỗi xuồng 2 người, cha con Sáu Hiền, tía con Tư Phụng, tía con Ba Ngữ, thằng Mẫn theo Năm Tùng còn Út Nghiệp cũng đòi theo tôi chơi cho biết. Năm chiếc xuồng căng hàng ngang chống về phía kinh tư.
Nước trên ruộng sâu cả thước, những bờ mẫu ngập "lút cà tha". Gốc rạ đã được trục cho chìm dưới nước, từ lúc lúa vừa mới thu hoạch, cả một cánh đồng trắng xoá toàn là nước, những cơn sóng nhấp nhô trải dài tới tận những bờ kinh có cây cối xanh rì. Những con kinh đó bây giờ có khá đông người ở. Tôi hỏi Tư Phụng:
- Tụi mình tính đi đâu vậy? Chổ nào cũng nước không thôi có gì lạ đâu mà coi?
- Mầy nhiều chuyện quá, cứ đi theo đi, nhưng mà mình cũng nên ghé nhà chú Út, đốt nén nhan cho thằng Tài, hổng chừng nó dắt mình tới chỗ còn rắn hổ để mình bắt mà trả thù cho nó...
Ba thằng Tài sau "giải phóng" đã bán miếng đất rồi dọn về kinh tư ở. Khoảng hơn nửa giờ sau là chúng tôi tới nhà chú Út. Kinh tư nhỏ hơn sông Cái Sắn rất nhiều, nền nhà hai bên bờ sông rất thấp cho nên nước trong nhà ngập lên cả tấc, phải dùng ván bắt làm cầu để mà đi lại, bất tiện vô cùng.Thấy bốn đứa tôi vô thăm, chú thím Út nhớ con khóc mùi mẫn...
Ngồi hỏi thăm chuyện cũ, chuyện mới một lúc, hai đứa em út của thằng Tài xung phong theo tụi tôi đi đâm chuột trên lung chuối nước, cách đó hơn cây số.
Vừa cầm cây sào lên, hai bàn tay tôi đau nhói, nhìn kỷ lại thì bì phồng 5, 6 cục sắp bể. Thì ra lâu ngày không làm nặng, da tay tôi mỏng vánh như cánh chuồn chuồn cho nên chống xuồng một lúc là bị phồng rồi, nhưng vì hăng tiết vịt nên tôi không cảm thấy đau, cho đến giờ đó mới phát hiện ra. Thấy tôi đứng chết trân như Từ Hải, Tư Phụng cặp xuồng sát bên hỏi:
- Sao vậy? Chống hết nổi rồi hả?
- Nổi chìm gì nữa, tay bị phồng hết rồi.
Thằng Quy con nó nhảy qua xuồng tôi nói:
- Chú ngồi đi, để con chống cho.
Vậy là phải trao đổi tù binh, Út Nghiệp đi chung với Tư Phụng, tất cả một tiểu đội do Út Hợi và Út Chót em thằng Tài dẫn đầu, trực chỉ lung chuối nước để kiếm chuột mà đâm.
Lung chuối nước là một con lạch nhỏ, cạn, nằm giữa kinh tư và kinh năm, trước năm 1975 nó là căn cứ địa của chuột, rắn và đủ loại cá, cỏ mộc um tùm quanh năm suốt tháng, lòng lạch trũng sâu hơn đất ruộng, hai bên bờ thì đất bị gò nên hơi cao, rất khó canh tác vì vậy ngày xưa đám cỏ bề ngang dầy có hơn 50 mét, bề dài gần 2 cây số. Sau nầy đất canh tác hiếm dần, nông dân dùng máy cày cải biến thành máy ủi, lấy đất gò lấp đất trũng, nên lung chuối nước bây giờ còn lại hẹp lắm, bề ngang chưa đầy 10 mét. Sáu chiếc xuồng chia làm hai bên,18 con mắt cú vọ cùng sáu con mắt chim sẻ, đang xâm soi trong đám cỏ dầy tìm xem coi có con chuột nào còn sót lại sau nhiều trận càng quét của người dân không...
Lâu lâu nhìn thấy một cục cỏ bằng cái tô quấn lại, tức thì ba, bốn mủi chỉa chọt vô một lúc, mong mỏi sao trong đó phát ra tiếng kêu "chét, chét".
Đi khoảng hơn trăm thước mà chưa gặp một chú chuột nào, tôi đâm chán:
- Hay là mình trở vô trong xóm, xem coi nhà ai còn vịt nuôi, mình hỏi nài mua lại ít con coi bộ dễ hơn, đi kiểu nầy chuột đâu không thấy chỉ thấy cỏ lát với nước không thôi.
Sáu Hiền lên tiếng:
- Mầy làm gì mà nóng quá vậy, còn cả hơn cây số hổng lẽ tụi nó bắt hết rồi sao?
Chưa dứt lời thì anh ta chọt vô một ổ chuột nhưng không đâm trúng, hai con chuột phóng xuống nước lội đi, cả chục cây chỉa phóng theo nhưng nó lặn mất. Chín người chuyên nghiệp chăm chú nhìn theo, khoảng ít phút sau một con nổi lên gần xuồng tôi, tôi chưa kịp lên tiếng chỉ
cho thằng Quy thì mủi chỉa của nó đã xuyên thẳng ngang cần cổ con vật đáng thương rồi, con chuột không kịp kêu tiếng nào, thằng Quy kéo chỉa về, đưa lên khoe chiến lợi phẩm, thằng Đức con Sáu Hiền cũng không kém, con còn lại cũng bị nó xỏ ngang hông...
Đâm được hai con chuột ốm tong teo vì thiếu thức ăn tôi càng chán dữ hơn:
- Chuột ốm nhom, ốm nhách mà ăn uống ngon lành gì?
Tư Phụng cười trả lời:
- Mầy tưởng như thời mấy mươi năm trước à? Bây giờ chuột ít người đông, ốm hay mập gì cũng lượm ráo trọi hết...
Sáu chiếc xuồng ruồng bắt hơn một tiếng đồng hồ mà chưa được năm chục chuột. Tụi tôi đậu lại sát vào nhau ngồi nghỉ mệt, thằng Mẫn thủ theo cây thuốc 3 số 5 phát cho mỗi xuồng một gói nó nói:
- Mấy cậu hút cho thơm râu, biết đâu lát nữa mình gặp nhiều chuột thì chiều nay đánh một trận lớn chơi cho đã đời...
Thấy mấy đứa con của đám bạn cầm gói thuốc 3 số 5 gõ gõ xuống sạp xuồng mà không chịu khui, còn đám bạn thì kéo thuộc rê ra vấn hút. Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Sao vậy ? Thuốc đó lạt không đủ đô sao mà hút thuốc rê?
Thằng Quy vội trả lời:
- Hổng phải đâu chú. Con muốn để dành đãi khách lấy le chơi thôi.
- Chứ hổng phải tụi bây để dành qua quán cà phê hút hù con gái sao? Sáu Hiền chêm vô.
Tư Phụng vừa nói vừa cười:
- Thì tụi nó giống mầy mà...
Tôi ngồi tán dóc với 2 đứa em thằng Tài tụi nó kể chuyện về cuộc sống khó khăn của mùa nước nổi rồi còn cho biết thêm:
- Chiều hôm qua hai đứa em ghé vô đống rơm trên đầu đất nhà, tụi em nghi nghi có rắn rút vô đó, hai đứa em đâm một hồi thì thằng Chót chọt dính, em tốc rơm gần tới thì nó bẻ chỉa rút mất vô trong, phải mà bắt được nó rồi đem bán đi, mua lại táo gạo cũng đở nghèo .
Tôi còn đang chết lặng vì cảnh nghèo của nhà nó thì Sáu Hiền lên tiếng:
- Sao nãy giờ mầy hổng nói? Hay là mầy tính để tụi tao dìa rồi hai anh em bây trở lên đó?
Út Hợi cải lại:
- Tui mà tính vậy thì kể lại cho mấy anh nghe làm chi?
- Thôi mà anh Sáu, ghẹo tụi nó làm gì? Bi giờ tụi mình lên đó xem thử coi thể nào. Năm Tùng lên tiếng.
Sáu chiếc xuồng được chống trở lên phía kinh tư, tới miếng đất nhà thằng Tài. Đống rơm không lớn lắm khoảng bằng căn nhà nhỏ nhưng vì nước ngập cao gần phân nửa, rồi nước mưa làm cho xẹp bớt cho nên nó chỉ còn cao hơn mét mà thôi. Sáu Hiền nghiên cứu địa hình rồi nói:
- Nắm chắc là có rắn rồi, không hổ hành thì cũng hổ đất.
Thằng Mẫn thắc mắt hỏi lại:
- Làm Sao cậu biết được?
Sáu Hiền lên giọng ta đây:
- Cậu mầy mà, tao hổng biết thì ai vô đây biết mậy?
Thằng Hợi cũng đâu chịu thua:
- Tui thấy một khúc cỏ cả trăm thước không còn con chuột nào là tui nghi rồi, anh làm như chỉ có mình anh là giỏi hổng ai bằng ...
Sáu chiếc xuồng chia đều ra bao vây đống rơm,10 cây chỉa thay phiên nhau đâm thăm dò từng li từng tí. Đâm chừng 10 phút khu vực gần xuồng chưa thấy tâm hơi gì, thằng Thắng con ba Ngữ định nhảy xuống đống rơm thì tía nó cản lại:
- Từ, từ thôi mầy, xôm kỹ xa xa một chút rồi mới xuống.
Ba Ngữ chưa dứt lời thì thằng Quy kêu tôi:
- Chú Hai, cầm cứng cây chỉa dùm cho con, hình như con đâm trúng rồi.
Tôi bước tới đầu xuồng hai tay giữ chặt cây chỉa, con vật phía dưới đang gồng mình vặn vẹo cố thoát thân. Thằng Quy nhanh như cắt dùng cây móc móc tung những lớp rơm trên mặt đi, cách đó chưa đầy một mét Sáu Hiền kêu lên:
- Tao hình như cũng đâm dính rồi.
Cây chỉa của tôi cầm không còn vặn vẹo mạnh nữa mà yếu dần đi. Chưa đầy ba phút là chỗ rơm đó bị tốc lên hết con rắn đen ngòm được thằng Quy móc lên, bên phía đằng bụng còn Sáu Hiền thì móc bên phía đằng đầu. Thấy con rắn hơi lớn tôi đâm hoảng kêu lên:
- Mầy chặt đầu nó cho chết đi rồi hãy kéo lên.
Sáu Hiền cười lớn trả lời:
- Mầy qua Mỹ ăn thịt thỏ riết rồi bị điên chắc. Rắn hổ người ta bắt sống để lấy mật và máu, mầy kêu tao chặt đầu bỏ thì còn gì giá trị của nó?
Sáu Hiền nói xong thì kêu thằng Quy lấy cây cù ngoéo đè đầu con rắn cho nó hả họng ra, còn nó thì chọt cây cù ngoéo khác vô họng mà nạo sạch hai hàm răng, làm xong nó còn cẩn thận lấy dây chì buộc một cái vòng trên cần cổ rồi mới kéo cây chỉa ra. Con rắn cũng lớn lắm, nó nói chắc phải hơn ba ký nhưng tìm mãi không thấy cái thẹo trên mình như thằng Hợi nói, Sáu Hiền quả quyết như đinh đóng cột:
- Chắc là còn một con nữa, rắn hổ thường sống một cặp, tụi bây coi chừng cẩn thận một chút .
Mười cây chỉa lại tiếp tục xôm kỷ hơn, cuối cùng rồi con còn lại cũng bị tóm cổ, nhìn chổ tét da cách khúc đuôi chừng 3 tấc Sáu Hiền quả quyết con đó đúng là con rắn mà thằng Hợi làm xẩy mất hôm qua...
Cả bọn ghé lại nhà chú Út định cho chú một con để bán mua gạo nhưng chú cương quyết từ chối. Tụi tôi rủ chú xuống bờ sáng nhậu chú cũng từ chối luôn chú nói :
- Anh em tụi bây lâu ngày mới gặp lại, chơi với nhau cho vui đi, tao xuống đó làm kỳ đà cản mũi à...
Tụi nó để lại chục chuột cho thím Út rồi kéo anh em thằng Hợi đi theo...
Hai con rắn hổ được Sáu Hiền treo ngược đầu lên cắt cổ cho máu nhiễu xuống cái thau lớn, trong đó có chứa hai lít rượu gốc, hai cái mật được giữ cẩn thận để đem ra chợ bán...Thịt rắn thì làm mồi nhậu. Sáu Hiền đưa tôi thử một ly ...
Thú thiệt món rượu rắn nầy ngày xưa tôi cũng có nghe nói nhiều nhưng chứng kiến tận mắt thì chưa vì vậy nó đưa tới là tôi chịu thua từ chối liền.
Tư Phụng ba Ngữ cùng cười:
- Rượu quý mà hổng dám uống. Có mầy tụi tao mới chơi sang để 2 con rắn lại nhậu, chứ nếu không thì đem bán mà chia tiền ra mất rồi. Hai con nầy ít nhất bán cũng được 2 triệu chứ chơi sao?
Tôi buộc miệng nói:
- Nghèo mà chơi sang dữ vậy à?
Bốn đứa cùng cười rồi trả lời một lượt:
- Chứ sao? Nghèo mới chơi sang, vì chơi sang nên mới bị nghèo...(đó là cái vòng lẫn quẫn của dân quê)
Tôi thì vẫn còn nghèo nên cũng muốn chơi sang vì vậy bắt thằng Mẫn đi mua bia Sài Gòn cho tụi nhỏ, còn rượu đế cho tụi tôi, rồi dặn nó mua thêm mỗi nhà một bao gạo để ăn cho qua mùa nước nổi...
Lanh Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét