Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018

Ngâm Thơ


Ngày xưa! Nho Gia, nhất là Nho Gia có tâm hồn nghệ sĩ thì phải đủ Cầm, Kỳ, Thi, Họa !
Tôi sinh trong một gia đình Nho Giáo, nhưng lại ít được nghe ngâm thơ(!). Những lúc cha tôi uống trà hay uống rượu một mình thì đâu có ngâm thơ (!), chỉ khi nào mời các chú tới “ thưởng trà “ thì mới có thơ ra !

Khi cao hứng mới ngâm nguyên bài thơ như Tăng Uông Luân của Lí Bạch hay Thu Hứng của Đỗ Phủ ! Đó là thơ Tứ Tuyệt hay Đường Luật , chứ các cụ đâu có chơi nguyên bài dài như Trường Hận Ca hay Tỳ Bà Hành!

Thường thì chỉ có hai câu như:
Lạc Dương thân hữu như tương vấn
Nhất phiến băng tâm tại Ngọc Hồ

Chả hiểu có người nào đó chê là tủn mủn chăng  Nhưng những hai câu đó làm tôi rất ấn tượng và nhớ hoài!
Khi lớn lên thì tôi nghe người ta ngâm đọc Xuân Diêu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử , Nguyễn Bính. Người ta ngâm đọc thơ Tây ( có lẽ một mình khi thấy trong người nhiều chất Tây hơn chất Ta ).

Tô rất ấn tượng khi ông thấy Tây hoặc ông thầy Ta ( chất Tây nhiều ) diễn đọc “ Người Biển Lận “ và “ Le Cid “ . Thầy đã diễn tả cái ông Biển Lận này rất sinh động khi la làng … có trộm …

Nó ở đâu?
Nó núp ở đâu? 
Nó núp ở đây?
Nó núp ở kia? ( thầy chỉ trỏ !...)

Trong Le Cid , Rodrigue đối thoại với cha mình , rồi cha của Chimène là những đoạn tuyệt vời:
Cha hỏi:
- Con có can đảm không ?
- Nếu người khác hỏi câu đó thì tôi đấm vào mặt !

Cha hài lòng lắm, nhưng rất ngại nói người đã làm nhục cha ( vì người này là cha của người yêu của Rodrigue )

Rodrigue vặn hỏi mãi , cha mới hạ giọng, thốt:
Le pere de Chimene
Rodrigue cầm kiếm tới nhà Chimene… gặp cha Chimene…
Rodrigue:
Ông hết muốn sống rồi!
Cha Chimene:
Mày muốn chết hả?
Rodrigue:
Bước ra đây bốn bước tôi sẽ cho ông biết!!!
Những đoạn diễn tả tuyệt vời này chỉ có ở thơ Pháp với ông thầy Pháp???
Ở Pháp có Salon Thơ!

Các bà phu nhân giầu có, sang trọng ( trong đó có Nữ Bá Tước , Nữ Hầu Tước ) mời các thi nhân tới nhà bình thơ, ngâm thơ! Phải công nhận là mấy bà này đã giúp đỡ rất nhiều cho các thi sĩ và làm cho không khí thơ thêm hương sắc và phong trào lên cao!

Ở Việt Nam thì Nam Nữ Thọ Thọ Bất Thân! Mai Am Công Chúa xướng họa với các thi nhân qua sự chuyền tay của người anh là Tùng Thiện Vương chứ không có đối mặt với các thi sĩ (nhà khảo cứu nào nói bà đối mặt với thi sĩ là khảo cứu dốt)

Ở Việt Nam cũng có cái tương tự như Salon, nhưng Bình Dân hơn nhiều(?) . Không có ông Hoàng bà Chúa nào tham dự (!) Chỉ có thi sĩ hoặc quan có văn nghệ nghe ngâm thơ! Các quan tại chức hoặc về hưu bầy ra cho … vui!

Các cô Đào Hát thì hầu hết ít học và … nghèo! Đặc biệt là các quan viên đã dạy các cô hát , chứ nào các cô có thể chuyển giọng từ lục bát sang song thất lục bát , qua biến cách , và … đặc biệt là có hai câu chữ Hán!!!

Ngày nay thơ thật là bát nháo! Người ta học làm thơ quá dễ! Thơ lục bát khỏi học , thơ trường thiên, thơ tự do có ai dạy (?). Người ta mở khóa dạy Đường Thi trong một hai tháng. Ở quận Cam (Orange City) người ta nói rằng thi sĩ nhiều hơn cam ở siêu thị!

Nhiều bài thơ đúng luật, đúng niêm, có đối chát hẳn hòi… nhưng ngâm lên không hay… các cụ gọi là Khổ Độc. Khó Đọc , khó Ngâm…! Nói rằng Nhật Tam Ngũ bất luận! Nhưng chính nhửng chữ thứ 1,3,5 này nếu không đúng bằng trắc làm cho ta khó ngâm… ! Ngâm cũng phải có… nghệ thuật và có… Tâm Hồn chứ!

Tôi xin nêu hai trường hợp của Nguyễn Du và Bà Huyện Thanh Quan: Chữ thứ năm câu cuối không đúng bằng trắc:
Đoản địch thanh thanh minh nguyệt trung
Nguyễn Du
Một mảnh tình riêng ta với ta 
Bà Huyện Thanh Quan

Các cụ nói những câu này ngâm không hay!
Nhưng ta nào có thể sửa:

Một mảnh tình riêng tớ với ta

Tôi xin mách nhỏ các ngâm sĩ rằng khi ngâm tới ba chữ cuối thì ngâm … chậm lại (!) mới diễn được cái hồn buồn cửa thi sĩ!
Ngày nay người ta Đọc Thơ chứ không Ngâm Thơ!

Những bài thơ Tân Hình Thức không ngâm được!
Thơ đoạt giải cao … không ngâm được!
Kẻ hèn này không muốn người cười “ Vô Bệnh Thân Ngâm “
Bèn ngồi xó nhà, pha trà uống một mình, lâu lâu “ Chơi “ hai câu:

Ta về tới bến sông xưa
Hút tàn điếu thuốc mà chưa gọi đò
Xuân Sách

Dù ta đi trọn cuộc đời
Cũng không đi hết những lời mẹ ru
Nguyễn Duy

Em ơi em đẹp vô cùng
Vì em có cái lạ lùng bên trong
Bùi Giáng 

Chân Diện Mục
Xin mời nhấp vào xem: Làm Thơ, Nghe Thơ, Ngâm Thơ




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét