Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2018

Nhớ Mẹ

(Ảnh của tác giả gửi)

Mỗi lần nghe các ca sĩ hát bài "Lòng Mẹ". Có khi nào các bạn thật sự suy gẩm xem tại sao ông Y Vân viết " Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình " không vậy?
Hay là cũng như tôi, nghe để mà nghe, nghe lổ tai bên nầy, để nó chạy tọt qua lổ tai bên kia, rồi chìm dần vào giấc ngủ...
Hay là tới mùa lễ Vu Lan, nghe chuyện Mục Liên Thanh Đề dùng phép mầu phá tan 9 tầng địa ngục, bọn ác ôn thừa cơ trốn thoát khỏi vòng cương tỏa, để rồi trở lại trần gian phá rối cho tới ngày nay. Các bạn có thử nêu thắc mắc "Ủa! Sao ổng làm kì vậy" không ta?

Bạn có từng chứng kiến cảnh, một con gà mái đang dắt đàn con đi tìm mồi, bổng nó nhìn thấy một con diều hâu khổng lồ đang bay lượn trên bầu trời, chực chờ lao xuống để sớt bắt gà con, con gà mái kêu lên những tiếng "cục, cục" vô vọng, rồi dang rộng đôi cánh mỏng manh của mình cho đàn con chui vào núp, nó chỉ còn có cái đầu nhỏ xíu với cái mỏ ngắn ngủn, nhưng vẫn chiến đấu anh dũng với con diều hâu quái ác, có cái mỏ dài quặp và những móng vuốt nhọn như gươm...
Hay là cảnh gà mái đang tìm mồi cho đàn con mình, quanh quẩn cạnh đống rơm, tự nhiên có một con rắn hổ xuất hiện, phù mỏ, le lưỡi định mổ các chú gà con, gà mẹ vừa chiến đấu chống lại vừa kêu cứu "oác oác" vang trời, để cho đàn gà con chạy trốn, may mà con rắn hôm ấy không lớn lắm, hơn nữa có người đang ở gần đó, nên kịp thời cứu giúp.

Đó là mẹ gà, con gà mái mà nhiều người ví mặt tái mét như mặt gà mái, mặt chết nhát, không dám động đến ai, nhưng để bảo vệ con mình, gà mái vô cùng anh dũng không hề biết sợ bất cứ một con vật nào, dù là lớn hơn nó, hung dữ, ác độc cở nào nó cũng vẫn hiên ngang chiến đấu không lùi bước...
Tôi có đọc một mẫu chuyện ngắn nói về cuộc hội ngộ ly kỳ của một sĩ quan Mỹ gốc Việt. Bà ta được một người lính Việt Nam Cộng Hòa cứu sống trên đường triệt thoái ở đại lộ kinh hoàng năm 1972. Bà năm ấy, chỉ mới có mấy tháng tuổi, được người mẹ bồng đi chạy giặc, trên đường đi, mẹ bà không may bị đạn thù truy kích, đã gục chết giữa đường, trước khi đến được nơi an toàn. Bà may mắn được một người lính tiếp vận cứu sống và đem giao lại cho Trung Úy TQLC, đang đống chốt chặn địch. Sau đó bà được một gia đình quân nhân Mỹ nhận làm con nuôi và sang Hoa Kỳ sinh sống. Bốn mươi mấy năm sau, bà cố công tìm về nguồn gốc của mình, cuối cùng họ được tái ngộ nhau...

Tác giả viết câu chuyện cảm động nầy để vinh danh tinh thần trách nhiệm trước nhân dân của người sĩ quan VNCH, tấm lòng nhân đạo bác ái của những quân nhân Hoa Kỳ, sự biết ơn của cô sĩ quan Mỹ gốc Việt, nhưng còn hai người đáng được vinh danh nhiều hơn nữa đó là anh lính vô danh đã liều mình mà mang em bé từ trong vùng lửa đạn, về tới nơi an toàn và mẹ của cô ta, người đã dùng thân mình đở đạn thù cho con, để bảo vệ mạng sống bé nhỏ đó. Trước khi sức cùng lực kiệt, bà còn cố gắng dùng những giọt sữa pha máu cuối cùng của mình để kéo dài mạng sống cho con...

Những gia đình giàu, có người ăn kẻ ở trong nhà hay có cuộc sống bình yên phẳng lặng thường không cảm nhận được được sự hy sinh vô bờ bến của người mẹ, nhất là lớp trẻ bây giờ, chúng không bao giờ bận tâm tới việc mẹ mình làm những gì cho mình cả. Từ việc chăm lo giấc ngủ, miếng ăn, thức uống, cho đến quần áo, tiền xài vặt..v..v..Tất cả những gì người mẹ làm cho chúng, chúng đều nghĩ đó là bổn phận. Bổn phận của người làm cha mẹ...

Phải đợi đến khi người ta lập gia đình, có con cái và bắt đầu nuôi con của mình, thì lúc đó mới cảm nhận phần nào công lao cực khổ của cha mẹ mình, rồi thì tre phải tàn, cha mẹ rồi cũng phải ra đi... 
Đến khi mẹ mất đi rồi thì người ta mới thật sự cảm nhận được tấm lòng bao la rộng lớn, sự hy sinh vô bờ bến ở mẹ mình...
Người ta ở bất cứ độ tuổi nào, khi mất mẹ cũng là một sự mất mát to lớn không có gì sánh bằng. Cũng như người mẹ dù con mình đã lớn, đã trưởng thành hoặc đã là những người thành danh có địa vị trong xã hội, nhưng đối với những bà mẹ thì chúng vẫn là những đứa trẻ, lúc nào cũng cần được che chở, chăm sóc...


Mẹ tôi cũng là một trong số những bà mẹ Việt Nam ấy. Cả cuộc đời chỉ biết chăm lo cho 5 đứa con, chưa bao giờ tôi thấy bà lo cho mình cả... 
Lúc còn trẻ thì làm lụng vất vả chân tay, khi về già thì hao mòn tinh thần, hết lo lắng cho đứa nầy, đến đứa khác, rồi sau đó lại tiếp tục lo cho đàn cháu...
Có lần tôi xa nhà hằng mười mấy năm, khi trở về nhà đang tắm sông với đám bạn cùng xóm, mẹ tôi từ trên nhà xâm xâm đi xuống gọi:
- Con ngồi trên cầu cho má mượn chút coi.
Tôi lẹ làng nhảy phóc lên cây cầu ván hỏi:
- Má muốn làm gì? Tắm xong con làm cho.
- Tắm rồi thì ai cần, quay lưng lại, ngồi yên đó cho má...
Tôi từ nhỏ lắm đã biết tự mình tắm gội, dù rằng tắm không được sạch cho mấy, mỗi lần tắm xong thường bị mẹ chê chổ nầy dơ, chổ kia chưa sạch, mẹ lúc nào cũng bận chăm sóc 2 đứa em gái kế, vì vậy chuyện để người khác chà lưng cho mình đối với tôi, không quen mấy, thế nên tôi từ chối, định nhảy trở xuống nước, mấy đứa em đang đứng trên bờ vừa cười vừa la lên:
- Hổng được trốn nghen anh hai, má chờ để chà lưng anh lâu rồi đó. Từ ngày có người ở xóm mình đi vượt biên mà được trở về thăm nhà, chớ không phải mới hôm nay đâu...
- Nhưng mà anh lớn rồi, hơn nữa có đông người thế nầy, mắc cở lắm, đứa nào muốn chà lưng thì xuống thế đi.
Nhưng rồi tôi vẫn phải ngồi yên cho mẹ dùng xà bông thoa lên lưng mình, mẹ tôi vừa làm vừa kể:
- Hồi lúc con còn nhỏ, má lo chạy giặc ít khi tắm rửa cho con đàng hoàng tử tế, khi con hơi lớn hơn một chút thì má lo chăm sóc 2 đứa em, còn con thì má gởi đi hết chổ nầy đến chổ khác, lớn hơn chút nữa thì đi học xa, đi làm xa, còn bây giờ thì ở xa cả nửa vòng trái đất, con về lần nầy rồi biết tới chừng nào má mới gặp lại con? Vậy để má chà lưng bù lại cho con, không thôi tới lúc má chết rồi mà chưa làm được thì má ân hận lắm...
Má tôi vừa chà lưng, vừa kể, vừa khóc Út Ngân cười nói:
- Còn cái áo của anh hai má muốn hun cho đở ghiền thì con lấy xuống cho, hay là có mặt ảnh đây má hun đại đi chứ hun cái áo hoài nó mục hết...
Tôi nghe vậy thì hoảng quá vội tuột xuống nước lặng một hơi qua bên kia sông mà trốn...

Má tôi như vậy đó. Kể từ ngày tôi bỏ nước ra đi, mỗi lần nhớ tôi là bà đem hình cũ, sách vở cũ, áo cũ ra, ngồi xem tới xem lui, hết vuốt đi vuốt lại mấy tấm ảnh, rồi đưa lên mũi mình, ngữi lại mùi mốc của giấy cũ, vải cũ, mà nhiều năm qua nó đã ngã màu vàng úa.
Thằng em Út của tôi, khi thi vào Đại học Cần Thơ má tôi lại sợ nó một đi không trở lại, như thằng anh hai của nó, cho đến ngày nó nhận nhiệm sở ở Rạch Gía má tôi mới thở ra mừng rở.
Út Em có người bạn gái cùng lớp, cô nàng tiểu thư Rạch Giá nầy là con gái một, thường đến nhà tôi chơi, má tôi thích cô ta lắm, nhưng khi hai đứa nó bàn tính chuyện tương lai thì gặp ngay một trở ngại lớn đó là chổ ở sau nầy. Nàng thì muốn chàng về chợ ở, vì cả hai đang làm việc tại thị xã, chàng thì muốn cả hai về quê sống rồi mỗi ngày cùng dùng xe đi làm...

Ba đứa em gái thì lúc nào cũng phân bì, chúng cho rằng má tôi thương 2 thằng con trai nhiều hơn chúng. Chúng không hề biết má tôi vẫn là thương đều 5 đứa như nhau. Chỉ là đứa nào vắng mặt thì bà nhắc nhở nhiều hơn mà thôi. Chúng cũng không hề biết má tôi từ chối, khi thằng Út đề nghị dời nhà ra chợ ở, chúng lại không ngờ má tôi từ chối không chịu qua Mỹ định cư khi tôi muốn bảo lảnh cho bà đi Hoa Kỳ dưỡng già. Bà thương nói:
- Lòng ban tay cũng là thịt, lưng bàn tay cũng là thịt. Con ở Mỹ tim má đau, nhưng mà bịnh đau tim nầy má đã chịu đựng mấy mươi năm rồi, má đã quen. Bây giờ má theo con qua Mỹ sống, má phải chặt bỏ cả tay chân để lại má chịu sao nổi, thôi thì cứ như cũ đi, khi nào vợ chồng con có điều kiện thì về quê thăm má...

Có lần bà xã tôi định bảo lảnh cho bà sang Hoa Kỳ du lịch chơi, cho biết xứ Mỹ, má tôi cũng từ chối:
- Má cám ơn con dâu có lòng, nhưng mà đi chơi làm chi cho phí tiền hở con? Ở đâu cũng vậy, má chỉ cần xem TV hay nhìn hình thì cũng như là đi xem qua rồi. Tiền bạc hai con làm lụng cực khổ mới có được, thì để dành đó, lo đầy đủ cho cháu nội của má là má mãn nguyện rồi.
Bà xã tôi cố thuyết phục:
- Chuyện tương lai, học hành của thằng cháu nội thì má khỏi lo, tụi con chỉ có một đứa con duy nhứt thì tất nhiên là lo cho nó chu đáo rồi. Má cực khổ cả đời cũng nên đi đó đi đây cho biết chứ...
Má tôi vẫn một mực từ chối:
- Đi chơi thôi mà tốn cả mấy trăm triệu má không xài tiền phí như vậy đâu, nếu con có tiền thì cho mấy đứa em, mấy đứa cháu thêm cho nó học đến nơi đến chốn. Cho tiền má đi chơi thì có ích lợi gì?
Nhiều năm sau đám cháu lớn lên học hành xong, đã ra trường và đi làm hết, bà xã tôi nhắc lại chuyện đi du lịch má tôi vẫn từ chối:
- Má già rồi đi chơi có gì vui thú đâu? Đi làm chi cho phí tiền, tiền đó tụi con để giúp cho những gia đình nghèo khổ còn có ích hơn là kêu má đi du lịch...

Bịnh tật không từ chối bất cứ ai, má tôi ăn uống kham khổ, tụi tôi năn nỉ nói thế nào bà cũng không chịu thay đổi, vẫn là ăn những thức ăn có nhiều muối và tinh bột. Những con cá rô mà má tôi kho cho vợ chồng tôi ăn bà nói:
- Má kho lạt lắm đó, hai đứa ăn thử coi.
Nhưng thật tình mà nói nó mặn kinh khủng, tụi tôi gắp ra ít con rồi dùng nước dừa kho lại vậy mà nó vẫn con mặn...
Má tôi bị đứt mạch máu tê liệt nửa người. Những năm cuối đời bà thường nằm ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà.Tuy là có mướn người thường xuyên túc trực, nhưng mấy đứa em cùng mấy đứa cháu vẫn thay nhau ở cùng bà. Quà cáp, tiền bạc của bạn bè chúng đem biếu, má tôi thường bắt tụi nhỏ chia lại cho những người nghèo thiếu thốn trong bệnh viện...

Thằng Út lúc mới lập gia đình thì vợ chồng sống chung với má tôi, nhưng năm tháng lâu dài tới khi có con nhỏ thì nó đi về mỗi ngày không nổi nữa, đành cất nhà ngoài thị xã, mỗi cuối tuần mới về thăm một lần, nếu má tôi không khoẻ thì nó về thường hơn. Biết là con trai mình tới cuối tuần mới về nhà, nhưng mỗi ngày má tôi đều ra cửa trước, ngồi dựa lưng trên lan can hàng ba, mà chờ nó về, chờ mòn mỏi cho tới khi trời tối hẳn mới chịu vào nhà...

Thằng Út đi Hà Nội học cả năm, má tôi quay ra ngồi chờ Út Ngân mỗi ngày, con Út dạy buổi sáng bà chờ buổi sáng, nó dạy buổi chiều bà ngồi buổi chiều mà chờ...
Suốt khoảng đời về già bà sống trong sự chờ đợi, hết chờ con trai đến chờ con gái, hết chờ con gái sang qua chờ mấy đứa cháu, mấy đứa chắt đến chơi ...
Má tôi có 5 đứa con, 3 đứa gái thì cất nhà riêng bao quanh nhà bà, con Nhanh thì ở bên phải, Út Ngân bên trái, con Vân nằm phía sau nhà, còn 2 đứa con trai thì ở xa ngút ngàn.
Ngày xưa người ta nói:
"Nhất nam viết hữu, thập nử viết vô". Câu đó không đúng chút nào. Con trai hay con gái đều như nhau, có hiếu thuận với cha mẹ hay không, là tùy ở từng cá nhân chứ không phải tùy thuộc vào giới tính. Con trai, con gái, con dâu hay con rể, con nuôi hay con ruột đều là con, giống nhau. Có hiếu thuận với cha mẹ hay không lại cũng là tùy người, chứ không nhất thiết phải là con ruột thì mới lo cho cha mẹ mình, còn con nuôi, con rể hay con dâu thì không lo...


Má tôi mất đã hơn bốn năm rồi, còn vài ngày nữa là tới lần giỗ thứ năm vậy mà mỗi khi tôi gọi về Việt Nam thăm mấy đứa em và con của chúng, khi nghe tụi nó hỏi:
- Chừng nào cậu mợ về thăm nhà?
Tôi luôn luôn nghe câu nói của má văng vẳng bên tai:
"Hai, ba năm con hãy về nhà một lần, đường xá xa xôi, đi đứng đã cực khổ, lại tốn kém lắm, về hoài nghèo chết nghe con".
Vậy mà chưa tròn năm là bà đã than với mấy đứa cháu rồi"Hổng biết năm nay cậu bây có về nhà hông nữa "...

Lanh Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét