Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Về Vấn Nạn Đạo Tranh Ở Việt Nam

Thời gian gần đây, thị trường tranh nghệ thuật ở Việt Nam bị xáo trộn rất  lớn do tình trạng tranh của một số họa sĩ Việt Nam bị ăn cắp bản quyền một cách thô bạo và trắng trợn. Một trong số tác giả bị ăn cắp tranh đó có tôi!
Các tác phẩm này đã bị ăn cắp dưới nhiều hình thức: hoặc người ta vẽ tranh giả rồi ký tên trên đó chính tên của tôi -Tín Đức- là tác giả bị ăn cắp; hoặc người ta dùng kỹ thuật in ấn, in sao phiên bản lại thành các bức tranh lưu niệm rồi xóa tên tôi. Và những người làm nghề ăn cắp bản quyền này không hề  đếm xỉa hay lên tiếng xin phép tác giả là nạn nhân của họ về hành động đó!
Hiện nay, tranh giả và tranh phiên bản từ tranh của tôi sáng tác bị người ta ăn cắp đang được bày bán ở khắp nơi trong nước. Điển hình là ở một số cửa hàng tranh như Galery Anh & Em nằm trên đường Trần Phú gần chợ An Đông, Galery Kim Đô ở đường Lê Lợi, hay trong đa số các cửa hàng bán tranh và đồ lưu niệm trong Thương xá Tax ở Thành phố Hồ Chí Minh. Còn ở Cần Thơ, tiệm Hải Lưu trên đại lộ Hòa Bình là nơi xuất xứ tranh giả ký tên “Tín Đức”.
Vấn nạn này, đã làm ảnh hưởng thật sự đến uy tín và quyền lợi kinh tế của các họa sĩ bị ăn cắp bản quyền tranh. Là người chuyên sống với nghề vẽ tranh nghệ thuật, bản thân tôi cảm thấy bị xúc phạm một cách nặng nề, bởi vì những  tác phẩm do chính tôi sáng tác, được sáng tạo một cách tâm huyết  từ sự tìm tòi, khổ luyện của mình qua bao nhiêu năm đang bị những cú đập phũ phàng! Song song đó, chính điều này cũng làm cho tâm lý của người mua tranh bị dao động. Người mua tranh không dám mạnh dạn mua tranh của tác giả thật vì sợ bị lầm… tranh giả(!) 
Khi việc này xảy ra với chính bản thân tôi, tôi có đem vấn đề này ra để tâm sự với một cán bộ đang công tác trong ngành Thông tin & Truyền thông . Vị này nhìn tôi rồi bảo rằng:” Hiện giờ, ở tỉnh không có ai phụ trách bộ phận này cả. Và việc này, từ trước đến nay không có tiền lệ, nên không có kinh nghiệm xử lý. Thôi thì, hồn ai nấy giữ…(!)”
Trước thực trạng này, chúng tôi, những họa sĩ là nạn nhân của vấn nạn bi đát trên, sẽ phải làm như thế nào để bảo vệ thành quả lao động chân chính của mình? Ai sẽ là người đi tìm sự công bằng cho chúng tôi?
Ước mong sao qua bài viết này, sẽ gióng lên hồi chuông róng riết về tình cảnh của chúng tôi. Đồng thời cũng giải trừ được tình trạng bát nháo hiện nay của thị trường tranh nghệ thuật đương đại Việt Nam, tái lập lại niềm tin của khách thưởng ngoạn tranh ở trong cũng như ngoài nước.

(11/10/2014)
 Tín Đức 
Hội viên Hội Mỹ Thuật Việt Nam 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét