Thưa Qúy Anh Chị
Xin gởi đến các anh chị bài tường thuật về buổi sinh hoạt nhệ thuật vừa qua ở Paris của nhà thơ Nguyễn Mây Thu. Nhờ các anh chị phổ biến giúp. Xin cảm ơn. Ngay sau buổi sinh hoạt tôi nhận được đuợc bản vidéo của nhạc sĩ Đình Đại, quay trực tiếp phần II Tác Phẩm và Tác giả phổ biến trên youtube Mạn Đàm Paris. Cũng thời gian đó tôi nhận được bài viết Bản Tin của BS Lê Thị Khánh Vân đăng trong Nội San Y SĨ. Riêng KS Trần Đình Quốc đã quay phim làm tài liệu lưu trữ, và sẽ tuyển ra những đoạn thước phim để làm youtube sau này. Xin cảm ơn họa sĩ Nguyễn Đức Tăng và Trần Đình Quốc đã chụp nhiều photo kỷ niệm gởi cho các bạn.
Chúc các Anh Chị nhiều sức khỏe.
thân mến
Đỗ Bình
SINH HOẠT VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
SỰ TRONG SÁNG TIẾNG VIỆT
Chủ nhật ngày 29-09-2024, một buổi sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật (VHNT) với chủ đề: Sự Trong Sáng của Tiếng Việt, do Nhóm Văn Nghệ Sĩ Paris tổ chức, tại nhà hàng Brasserie de Saigon, số 97 avenue du Maine, Paris quận 14. Khách tham dự là những nhân sĩ đại diện các hội đoàn: Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Pháp, Hội Y Sĩ Tự Do tại Pháp, Hội Dược Sĩ, Hội Văn Hóa Thuần Việt, Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris, và những khuôn mặt trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở Paris. Ngoài ra còn có một số người ở thật xa như Giáo sư Nguyễn Văn Sâm, nhà văn Trần Ngọc Ánh đến từ Nam Cali, nhà báo Hoài Thanh đến từ Virginia, nhà biên khảo Mỹ Phước Nguyễn Thanh, nhà thơ Nguyễn Mây Thu đến từ Montpellier. Thành phần Ban tổ chức: Nhà thơ Đỗ Bình, Họa sĩ Nguyễn Đức Tăng, BS Nguyễn Bá Linh, Luật gia Đoàn Trần Thiều, KS Lê Minh Triết, MC Nguyễn Quang Huy, Nhạc sĩ Trần Tấn Long, Nhạc sĩ Bùi Đình Đại, Chuyên viên âm thanh Vũ Thành, Nhạc sĩ Nguyễn Duy Thiện, KS Trần Đình Quốc, GS Nguyễn Minh Cầm, Nha sĩ Thẩm Thái Hà, Ca sĩ Thu Sương, Giáo viên Vũ Thúy Hằng, Nghệ sĩ Thái Văn, Nghệ sĩ Trần Huệ.
Mở đầu chương trình là Nghi Lễ Quốc Kỳ và một phút Mặc Niệm do KS Lê Minh Triết Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Pháp và nhóm văn nghệ sĩ Paris đảm trách.
Mở đầu phần văn học nghệ thuật, trưởng ban tổ chức nhà văn, nhà thơ Đỗ Bình đã nói mục đích và ý nghĩa của buổi sinh hoạt chủ đề về «Sự trong sáng của tiếng Việt», nhà thơ Đỗ Bình đã phát biểu:
"Tiếng nói là linh hồn của một dân tộc. Ở thế kỷ trước Học giả Phạm Quỳnh đã nói «Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn…". Trước năm 1954 chúng ta đã có một ngôn ngữ thanh lịch, một phong cách tao nhã, văn chương đãi lọc mà điển hình là những tiểu thuyết của Nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Sau năm 1954 ở miền Nam ngôn ngữ trở nên phong phú, sự trong sáng của tiếng Việt được gìn giữ cho đến tháng tư năm 1975 thì bị tha hóa! Tiếng Việt hôm nay không còn như xưa. Phải chăng do sự du nhập quá nhiều nền văn hóa trong thời kỳ đất nước mở cửa mà chưa kịp chuẩn bị ứng phó với chất đa dạng đó, nên câu nói hàng ngày bị pha trộn thành một ngôn ngữ Tây Tàu Mỹ Nhật nghe rất lạ?!
Thưa quý Anh Chị
Trong mỗi chúng ta khi rời xa quê hương đều mang trong tim một tâm hồn Việt. Có người đến Pháp trên dưới 60 năm, quả là một chặng đường dài của đời người, nhưng vẫn không quên Tiếng mẹ. Đặc biệt có những em sau năm 1975 khi qua đây còn rất bé, ngôn ngữ hàng ngày là tiếng bản xứ để đi học, và đã đỗ đạt, học vị cao, nhưng vẫn nói thông, viết thạo, không những thế còn trở thành nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ để lưu truyền văn hóa Việt trên xứ người.
Các vị là những khuôn mặt trí thức tiêu biểu trong cộng đồng người Việt ở Paris. Hôm nay chúng ta đến mục đích để đóng góp, trao đổi về Sự Trong Sáng của Tiếng Việt, mà không mang tính tranh luận, và cũng không đi tìm cái đúng sai trong những câu nói. Chúng ta chỉ góp ý và thưởng thức những tác phẩm của những văn nghệ sĩ tiếp nối qua những sáng tác, và đang gìn giữ bản sắc Việt ở xứ người.
Xin chân thành cảm ơn các anh chị đã lắng nghe."
Tiếp theo MC Nguyễn Quang Huy và Thẩm Thái Hà lần lượt mời những văn nghệ sĩ ở xa phát biểu:
Nhà văn, giáo sư Nguyễn Văn Sâm ở Cali: Trước năm 1975 là GS Hán Nôm trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn, và sau năm 1975 giảng dạy ở Đại học Hoa Kỳ. Ông là một trong những nhà nghiên cứu Hán Nôm còn sống ở hải ngoại. Ông được vinh danh trong bộ sách Những Khuôn Mặt văn Hóa VN Hải Ngoại. Ngoài ra ông còn là tác giả nhiều tác phẩm văn chương, tiểu thuyết, truyện dài…
Giáo sư Nguyễn Văn Sâm phát biểu:
"Thật là hân hạnh cho tôi có mặt hôm nay ở đây và phát biểu đầu tiên sau lời của anh Đỗ Bình, chúng tôi rất là ngạc nhiên và hãnh diện khi thấy rằng chúng ta ở xứ người còn có những buổi sinh hoạt VHNT như thế này, đưa ra những vấn đề này nọ để cho những thế hệ sau họ biết là chúng ta ưu tư về những vấn đề gì. Hai năm trước chúng tôi qua, tình cờ gặp bửa tuyên danh những nhà văn, nhà thơ ở hải ngoại, đó là một vinh dự. Kỳ này chúng tôi qua, ngẫu nhiên đều có mặt trong buổi này, đặt vấn đề về sự trong sáng của tiếng Việt, chuyện đó rất là dài, rất nhiêu khê và có thể là thảo luận, chúng ta không có đặt vấn đề, đưa ra những nguyên tắc gì. Xin cảm ơn ban tổ chức. Nói về tiếng Việt trong sáng là viết làm sao cho dễ hiểu, chứ không phải là viết như các ông ở bên nước nhà, viết một quyết nghị gì đó, viết một câu rất dài không có chấm câu gì hết. Viết làm sao cho dễ hiểu, không có lộn từ chỗ này sang chỗ khác."
Người phát biểu kế tiếp là Nhà báo Hoài Thanh, trước năm 1975 ông là một nhà báo chuyên nghiệp. Sau năm 1975, ông tiếp tục viết báo từng cộng tác với những tờ báo Việt ngữ ở Hoa Kỳ. Ông còn là cựu chủ nhiệm tuần báo Đại Chúng, một tờ báo được nhiều văn sĩ, học giả, giáo sư nổi tiếng ở Paris và khắp nơi cộng tác. Ông được vinh danh trong quyển «NKMVHVNHN». Nhận thấy bộ sách rất có giá trị, ông tự nguyện bỏ tiền ra in lại và có bổ túc thêm của nhiều tác giả. Bây giờ quyển sách gồm 1500 trang, sách được in để gửi tặng cho các tác giả được vinh danh ở Mỹ và Canada. Ông phát biểu:
"Thưa quý Ông Bà Nhân sĩ, quý Anh Chị Em Văn Nghệ Sĩ.
Thật là vinh dự cho tôi từ miền Virginia xa xôi đến Paris, thủ đô của ánh sáng, của Nhân quyền, nơi có một nền văn minh văn hóa lâu đời để được nghe quý vị trao đổi về đề tài: Sự Trong Sáng Tiếng Việt. Hơn hai mươi lăm năm trước chúng tôi được hân hạnh biết những giáo sư, học giả, văn nghệ sĩ Paris như GS Lê Mộng Nguyên, GS Nguyễn văn Ái, GS Phạm Thị Nhung, BS Nguyễn Bá Hậu, BS Nguyễn Văn Bá, Học giả TS Thái Văn Kiểm, nhà văn Bình Huyên, nhà văn Đỗ Bình, nhà văn Nguyễn Thùy, nhạc sĩ Trịnh Hưng, nhạc sĩ Lê Trạch Lựu, nhạc sĩ Anh Việt Thanh… Vì ngưỡng mộ họ nên chúng tôi đã dành nhiều số báo đặc biệt của Đại Chúng viết về họ, cũng như những sinh hoạt văn học nghệ thuật Paris. Hôm nay dù tuổi đời đã cao, sức khỏe kém, nhưng nhận được Thư Mời của nhà văn Đỗ Bình tôi đã nhận lời tham dự, mong được gặp quý Ông Bà và Các Anh Chị Em Văn Nghệ Sĩ mà tôi được nghe danh nhưng chưa có hân hạnh diện kiến. Xin chân thành cảm ơn Ban Tổ Chức đã cho tôi cơ hội được thổ lộ tâm tình. Mấy lời bọc bạch, nếu có điều gì sơ suất mong các quý vị niệm tình lượng thứ. Kính chào."
Nhà nghiên cứu, biên khảo Mỹ Phước Nguyễn Thanh ở Montpellier: Trước năm 1975 ông là nghiệm chế viên ở Đại học Khoa học Sài gòn. Sau năm 1975 ông là cây bút biên khảo về văn học sử trong nhiều tạp chí văn học nổi tiếng ở hải ngoại. Ông được vinh danh trong bộ sách Những Khuôn Mặt Văn Hóa VN hải Ngoại. Ông phát biểu:
"Thật là một hân hạnh cho Thanh được tham dự buổi hội thảo hôm nay, được gặp lại những người bạn cũ và quen biết thêm những người bạn mới. Bảy tám năm về trước khi Thanh còn ở trong vùng ngoại ô Paris hầu như không có một buổi hội thảo, sinh hoạt nào của Câu Lạc Bộ Văn Hóa tổ chức mà Thanh bỏ qua, nó bổ ích cho cá nhân Thanh được học hỏi ở CLBVH Paris rất nhiều, chỉ rất tiếc là khi dọn nhà về tỉnh một phần vì bận việc, đôi khi vì lý do sức khỏe nên không được cơ hội trở lại Paris để gặp gỡ những người thân quen cũ và tham dự các buổi sinh hoạt. Mong rằng trong tương lai Thanh sẽ có cơ hội để trở lại tham dự nếu có tổ chức. Trước khi dứt lời xin kính chúc sức khỏe các bác, các anh chị và nhiều may mắn thành công tốt đẹp trong đời."
Nhà thơ Nguyễn Mây Thu, sáng tác văn thơ trước 1975, có thơ và truyện ngắn đăng trên một số báo của Saigon thuở ấy. Sau 1975, bà cộng tác với nhiều tạp chí văn học ở hải ngoại. Hiện đang là đại diện cho tập san văn học nghệ thuật Cỏ Thơm nơi vùng Virginia. Thơ văn của bà được in trong nhiều sách, tuyển tập thi văn ở hải ngoại. Bà cũng có đôi lời ngõ:
"Mây Thu rất hân hạnh được dịp tham dự buổi sinh hoạt VHNT hôm nay, được dịp hội ngộ cùng quý bác, quý anh chị mà từ nhiều năm qua vì ở xa Paris nên không thể đến được. Hôm nay Mây Thu cũng có may mắn được gặp gỡ quen biết những người bạn mới, bạn trẻ tham dự trong Câu Lạc Bộ. Thật là một điều vui mừng hạnh phúc cho Mây Thu. Mong rằng trong tương lai Mây Thu sẽ có dịp được họp mặt thường xuyên hơn, đó là cơ hội để Mây Thu được học hỏi, trao đổi cùng quý bác, quý anh chị. Xin cảm ơn ban tổ chức, cảm ơn anh chị Đỗ Bình-Thúy Hằng đã khuyến khích Mây Thu tham dự buổi sinh hoạt hôm nay. Xin kính chúc quý bác, quý anh chị được nhiều sức khỏe, vạn sự an lành trong đời sống thường ngày."
Tiếp theo những lời phát biểu của các văn thi sĩ, ký giả ở xa, là phần minh họa cho Sự Trong Sáng Tiếng Việt được thể hiện trong Thi ca, Văn chương, Âm nhạc của thời tiền chiến, và nền văn học nghệ thuật trước năm 1975 ở miền Nam.
Mở đầu phần văn nghệ: Những sáng tác văn thơ tiêu biểu xưa và nay.
MC Thái Hà giới thiệu ca khúc mở đầu Tình Ca của nhạc sĩ Phạm Duy nói về tình quê hương, với sự trình bày của Thu Sương.
Để thưởng thức lại áng văn xưa, MC Quang Huy mời Nhà biên khảo, họa sĩ Nguyễn Đức Tăng và Nha sĩ Thẩm Thái Hà lên đọc một bài văn, bài thơ tiêu biểu về sự trong sáng tiếng Việt ngày xưa. Họa sĩ Nguyễn Đức Tăng, 94 tuổi, diễn ngâm bài thơ Ông Đồ của thi sĩ Vũ Đình Liên, một bài thơ nổi tiếng vào năm 1936 tiêu biểu cho dòng thơ Mới, khởi đầu cho sự thay đổi từ cấu trúc đến suy tưởng trong dòng thi ca Việt Nam.
MC Thái Hà đọc đoạn văn Tôi Đi Học của nhà văn Thanh Tịnh, bài văn nổi tiếng của thập niên 30 của thế kỷ trước được đưa vào sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư cho học sinh học.
MC Thái Hà:
Mùa Thu Cho Em của Ngô Thụy Miên, Hòa tấu Piano : Nguyễn Duy Thiện, Violon : Vũ Công Minh, Guitare: Trần Tấn Long.
Áo Lụa Hà Đông, thơ Nguyên Sa, nhạc: Ngô Thụy Miên, trình bày: Trần Tấn Long.
Phần Tác phẩm và Tác giả hôm nay:
MC Quang Huy mời những tác giả và nghệ sĩ lên máy ghi âm để được giới thiệu vài nét về quá trình sinh hoạt văn học nghệ thuật. Sau đó MC Thẩm Thái Hà giới thiệu vài nét về tiểu sử Thi, văn, nhạc sĩ Đỗ Bình, và mời ông lên nói qua về sinh hoạt văn hóa ở Paris, và giới thiệu các văn nghệ sĩ Paris hôm nay. Nhà thơ Đỗ Bình:
"Ở Paris kể từ 1975 đến 2010, những sinh hoạt văn hóa, văn học nghệ thuật, đó là thời kỳ huy hoàng rực rỡ nhất, vì thời gian này còn rất nhiều người trong ban tổ chức, cũng như những người đi tham dự. Ngày đó có sự sinh hoạt của nhóm văn bút quốc tế, cùng với sinh hoạt của hội nhà thơ Ba Lê Thi Xã. Hai hội này quy tụ toàn là những khuôn mặt nổi tiếng của Việt Nam ở hải ngoại. Ngoài ra còn có một hội thứ ba nữa là Hội Nhạc Sĩ, quy tụ những người đã có tác phẩm, hoặc là mới nổi tiếng ở Việt Nam trước năm 1975, mới qua Pháp. Vì muốn mở rộng thành một sinh hoạt chung, chúng tôi kết hợp ba nhóm đó lại để thành một Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris. Họ là những giáo sư, bác sĩ, những nhà nghiên cứu, dịch giả, những nhà sáng tác. Vì tôi ở trong hội Văn bút, và hội Thơ Ba Lê Thi Xã, lại tham gia trong nhóm chủ trương của một số tạp chí thuần túy về mặt văn học, do đó mỗi lần Paris tổ chức văn học, chúng tôi đã mời được các văn nghệ sĩ ở khắp nơi về Paris tham dự.
Trong sinh hoạt văn học nghệ thuật hôm nay, tôi hân hạnh được các anh chị văn nghệ sĩ Paris mời để giới thiệu tác phẩm. Đây là những nghệ sĩ sáng tác rất đa tài, đã bước vào con đường văn nghệ từ thuở thiếu thời. Các văn nghệ sĩ có tác phẩm hôm nay đã sinh hoạt trong lãnh vực văn học nghệ thuật ở Paris trên dưới ba mươi năm, và đã thành danh. Trong số nghệ sĩ có người nhiều tuổi như BS Phạm Đăng Thiện, GS Vũ Công Minh, TS Phạm Trọng Chánh, Nhà thơ Nguyễn Mây Thu, Nhạc sĩ Cát Tưởng, còn lại là những văn nghệ sĩ trẻ, họ có học vị rất cao, sáng tác thơ văn và nhạc Việt rất đặc sắc. Điểm đặc biệt là mỗi người đều tìm được cho mình lối sáng tác riêng. Các anh chị cũng như các anh chị trẻ khác ở hải ngoại là thế hệ tiếp nối, đã đóng góp sáng tác trong việc bảo tồn và gìn giữ văn hóa Việt ở hải ngoại.
Trong chủ đề hội luận chiều nay, những sáng tác của các văn nghệ sĩ Paris sẽ minh chứng qua tác phẩm về Sự Trong Sáng Tiếng Việt… Bây giờ tôi xin phép giới thiệu từng tác giả và tác phẩm: Nhà thơ, nhà biên khảo Nhất Uyên TS Phạm Trọng Chánh. Ca, nhạc sĩ Phạm Đăng BS Phạm Đăng Thiện. GS, họa sĩ, nhạc sĩ Vũ Công Minh. Nhà văn, nhạc sĩ Vũ Hạ. Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Mây Thu. Nhạc sĩ Cát Tưởng. Nhạc sĩ, KTS Mộng Trang. Nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ Dương Phương Linh. Ca, nhạc sĩ Đình Đại. Nhạc sĩ Trần Tấn Long. Nhạc sĩ, KS Lê Hoài Anh. Ca sĩ, KS Đỗ Siêu. Nhạc sĩ, nha sĩ Thẩm Thái Hà. Ca sĩ, nhà văn, nhà thơ Nguyễn Thu Sương. Nhà văn hóa, xã hội, ca sĩ Tuyết Dung. Nhà biên kịch, họa sĩ, nghệ sĩ Trúc Tiên.
Thế giới của nghệ thuật rất bao la, trong mỗi tâm hồn nghệ sĩ tôi vừa giới thiệu trên đều chất chứa những nguồn cảm hứng bất tận, đầy sáng tạo của văn, thơ, âm nhạc. Trong sáng tác họ đã khai phá những điều mới lạ làm phong phú thêm cho nghệ thuật, vì họ đã được hấp thụ và đào tạo từ nền văn hóa Tây Phương. Từ cách suy tưởng, văn phong trong thơ văn, đến ca từ, giai điệu trong âm nhạc đều không rập theo lối cũ, nhưng vẫn giữ được chất hồn Việt Nam, nên dẫn tâm hồn người thưởng thức vào một cõi riêng sâu thẳm đầy màu sắc.
Xin cảm ơn các anh chị văn nghệ sĩ đã cho tôi được giới thiệu vài nét về tác giả và tác phẩm, một việc làm đầy khó khăn và tế nhị, vì tự các anh chị đó từ lâu đã định hình thành một nghệ sĩ, và đã bay bằng đôi cánh mình trên vòm trời nghệ thuật."
Tiếp theo MC Thái Hà mời nhà thơ Nhất Uyên lên đọc bài thơ: Tình Ca Quê Hương của tác giả.
Lời Thầm Thì Của Đá, thơ Nguyễn Mây Thu, tác giả trình bày.
Nhạc Chiều, nhạc & lời: Phạm Đăng, tác giả trình bày.
Sẽ Còn Lại Những Gì ? Nhạc & lời: Mộng Trang, tác giả trình bày.
Đàn Chim Trắng, nhạc & lời: Đình Đại, tác giả trình bày.
Thu Và Nỗi Nhớ, nhạc & lời: Cát Tưởng, tác giả trình bày.
Rồi Cũng Quen Thôi, nhạc & lời: Dương Phương Linh, tác giả trình bày.
Viện Cớ? thơ Du Tử Lê, nhạc Lê Hoài Anh, trình bày Đăng Siêu.
Tôi Yêu, nhạc & lời Vũ Công Minh, trình bày Tuyết Dung.
Gió Ơi Cùng Ta Chết Một Đêm, nhạc & lời ThẩmThái Hà, trình bày Tuyết Dung.
Trần Tình, nhạc & lời Vũ Hạ, trình bày Trúc Tiên.
Phần Hội Luận: Sự Trong Sáng của Tiếng Việt
Nhà biên khảo Nguyễn Đức Tăng:"Cách dùng từ ngữ chính xác trong Tiếng Việt."
Bác sĩ Nguyễn Tối Thiện nêu ra một vài ý kiến:
"Chúng ta thử đặt ra những tiêu chuẩn về tiếng Việt trong sáng, 1- Sử dụng danh từ một cách chính xác, một chữ diễn tả đúng ý nghĩa những gì mình muốn nói, chữ đó phải có trong tự điển tiếng Việt, chữ đó có thể được dịch bằng một chữ ngoại quốc đồng nghĩa, nhưng mà chúng ta cũng khó tìm được. Có những chữ trong tiếng Việt mà những chữ khác không dịch được, chẳng hạn như: «Sè sè nắm đất bên đường».
2- Về văn phạm Việt ngữ, một tĩnh từ phải đặt sau tiếng nó bổ nghĩa. Tiếng Việt khác với tiếng Tàu. Tiếng Tàu thì tiếng bổ nghĩa đứng phía trước của tiếng được bổ nghĩa, còn tiếng Việt thì tiếng bổ nghĩa đứng phía sau. Trừ khi trong thi ca thì khác, thi sĩ nhiều khi người ta ngẫu hứng viết ra khác đi thì không nói được.
3- Tiếng Việt trong sáng có mục đích diễn tả cho người khác hiểu chứ không phải mục đích diễn tả cho người muốn nói. Muốn nói hay viết ra, người ta không hiểu được mình muốn nói gì thì không thể nào gọi là trong sáng được
4- Không sử dụng quá nhiều những chữ Hán-Việt. Có người sử dụng vì muốn biết thêm chữ, người khác hình như không cố gắng tìm những chữ giản dị để diễn tả. Có lẽ vì khó khăn khi viết lách hoặc vì quá thông thái. Chẳng hạn như có một giáo sư trường Đại học Văn khoa là một vị mà tôi rất kính phục và quý mến, khi tôi đọc tác phẩm của Ngài viết khoảng 1949, có nhiều chữ Hán, tôi nói thật với quý vị, tôi tìm trong ba cuốn tự điển Hán Việt mà tôi không tìm ra ba chữ đó. Tôi không biết cụ lấy từ đâu và thật là khó hiểu. Thành ra nên cố tìm những chữ Việt nôm để diễn tả hơn là dùng chữ Hán-Việt.
5- Vấn đề phát âm. Tiếng Việt có ba cách phát âm thuộc về ba miền Bắc, Trung, Nam. Mỗi một miền có những cái tôi gọi là “nói ngọng», tức nhiên là phát âm không đúng. Tôi xin lỗi. Chẳng hạn như ở miền Bắc thì giữa danh từ L và N: «Dân đừng có No, để cho chánh phủ No». Chẳng hạn ở miền Nam: «Bắt con cá gô bỏ trong gỗ, nó nhảy gồ gồ»- «Bắt con cá rô bỏ trong rổ, nó nhảy rồ rồ». Còn miền Trung thì sao?"
Bác sĩ Nguyễn Tối Thiện phát biểu tiếp:
"Người ca sĩ mà tôi phục nhất là ca sĩ Ánh Tuyết, người Đà Nẵng, khi cô nói thì phải vận não lắm mới hiểu nhưng lúc cô hát thì rất là hay. Vấn đề phát âm rất quan trọng. Tôi xin nêu ý kiến theo nguyên tắc của tôi, trong trào lưu thanh lọc hóa tiếng Việt, có hai việc là làm sao nhấn mạnh sự giảng dạy cách phát âm đúng cho con trẻ, chuyện đó nó phải bắt đầu từ cha mẹ, thầy cô ở nhà trường. Thống nhất và hợp lý hóa chính tả nghĩa là cố gắng dung hòa giữa những hình thức thông dụng trong ngôn ngữ và sự chính xác về ý nghĩa, diễn tả đúng ý mình muốn phát biểu."
Nhà thơ Thu Sương đặt câu hỏi:
"Tiếng Việt là tiếng độc âm, xin cho biết thế nào là Bội vận, cũng như Vần và Thanh trong tiếng Việt ?»
Giáo sư Hoàng Đức Phương, 94 tuổi, một tiến sĩ ngành vật lý ở Pháp, với 40 năm nghiên cứu Lịch Sử Văn Hóa Việt, ông đã mở ra một lớp học Ngôn Ngữ Thuần Việt để giảng dạy, phát hành nhiều bộ sách về Lịch Sử Văn Minh Cổ Việt. Những cuốn sách Quy Luật Chữ Quốc Ngữ và Cẩm Nang Chính Tả giúp cho những người trẻ ở xa quê hương có cơ hội thông hiểu tường tận, biết đọc và viết tiếng Việt chuẩn mực, đúng quy luật. Ông giải thích:
"Tiếng Việt Trong Sáng là chữ viết phải đáp ứng ít nhất 3 nhu cầu:
1- Dùng ngôn từ sao cho đúng với ý nghĩa đương thời.
2- Văn phong phải ở trình độ ngang với thời đại thám hiểm vũ trụ.
3- Chữ viết phải đúng với quy luật của tiếng nói để ghi được không những âm thanh mà còn cả cái hồn của bản văn nữa.
Bội-vận là sự tập hợp của các phụ-âm tính từ trái qua phải. Chính vận bắt đầu từ nguyên-âm đến hết chữ."
Giáo sư Nguyễn Bảo Hưng góp lời:
"Về vấn đề làm sao viết được tiếng Việt trong sáng qua phần trình bày của Giáo sư Hoàng Đức Phương, trước hết tôi muốn nói về sự tinh hoa đặc biệt của tiếng Việt, là một ngôn ngữ đơn âm, nói có một tiếng thôi nhưng diễn tả được nhiều từ. Thí dụ: chữ Tâm ta có: tâm tư, tâm tình, tâm sự, tâm trạng… nhờ đó khả năng sáng tác được ghi rộng ra, lấy thí dụ bài Chiều Hôm Nhớ Nhà của Bà Huyện Thanh Quan: «Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn. Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn. Gác mái, ngư ông về viễn phố. Gõ sừng, mục tử lại cô thôn». Nếu nói về bài thơ, là để diễn tả tâm trạng của tác giả vào buổi chiều hôm đó. Còn bài Trâu Cày: «Trâu ơi ta bảo trâu này, trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta…» là nói về tâm tình của bác nông phu coi con trâu như một người bạn cùng làm việc với mình, đó là về sáng tác. Chính vì có khả năng sáng tác đó mà theo tôi, muốn giữ cho Tiếng Việt Trong Sáng chúng ta cần phải cân nhắc cách sử dụng rõ ràng, tìm hiểu đến nơi đến chốn. Cũng như một viên đá quý phải biết cách sử dụng. Người ta nói: «Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài. Cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi». Thí dụ nói về: mân mê, vuốt ve, mò mẫm, sờ soạng… Sáng mùng một nhận được tiền mừng tuổi, cậu bé mân mê vuốt ve tờ giấy mới, tờ giấy bạc trắng tinh... Nửa đêm thức giấc ông lão sờ soạng lần mò ra bức tường, tới cái trạm, mò mẫm để kiếm một thức ăn… Tức là Tiếng Việt Trong Sáng, không có chữ nào dung tục cả, mà sờ soạng chữ dùng đúng, là tiếng Việt của mình rất trong sáng."
Nhà thơ Thu Sương lại đặt câu hỏi:
"Làm cách nào gìn giữ Tiếng Việt Trong Sáng nhất là khi chúng ta đang ở bối cảnh sống ở nước ngoài và chúng ta không thể gìn giữ ngôn ngữ ở bên nhà vì họ độc quyền trong nền giáo dục?"
MC Nguyễn Quang Huy trả lời:
"Khi Huy đã ở Việt Nam 10 năm sau 1975 đang ở và học dưới mái nhà trường, gọi đơn giản hơn là dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, xin lỗi quý vị với tất cả mọi người, không phải là vấn đề chính trị, đó là điều đầu tiên mình được học tiếng lạ. Qua đến đây, nếu những người không ở trong nước sau 1975 thì quý vị chỉ nghe được qua cái đó, xin thưa với quý vị, nói chung chúng ta ở đây là những người trí thức có học hành, ngay như ở Việt Nam thiểu số thành phần người trí thức không có nhiều, thành phần nông dân rất là nhiều. Như trên xứ của người Bắc ở Hố Nai, người ta nói: Nà (Là), lúc bé mình cũng nói Nà Nà vậy. Tôi Nà Nguyễn Quang Huy. Đọc kinh sách nhà thờ: Đó Nà Nời Chúa. Không phải. Nhưng khi mình được đi học một chút thì mình biết đây là chữ Nà phải đọc Là. Chữ S, X,TR, phải phát âm như thế nào... Ngày hôm nay giống như chị Thu Sương nói mình làm sao để diễn tả được, ngày xưa khi đi học người ta nhận mình là văn chương bác học hoặc văn chương bình dân nếu tôi không lầm. Đó là có hai cách, nếu mình diễn tả theo văn chương bác học thì những người nông dân không hiểu được, anh vào cái chỗ toàn có những người nông dân thôi mà anh phát biểu toàn những chữ trên trời dưới đất thì không ai hiểu được. Thành thử cái khó là làm sao mình có thể dung hòa để cho tiếng Việt của mình dễ hiểu, dễ nghe và trong sáng. Những quý vị nào có thể biết tiếng Việt được sử dụng trong nước hôm nay là chữ Hán, chữ Nôm? Ví dụ: hoành tráng, tác nghiệp, ấn tượng, lắm luôn (người Bắc bảo là nắm nuôn), liên hệ, thông đạt, sự cố, trung tâm nghe nhìn, bức xúc, khống chế, mặt bằng, quỹ thời gian… Nếu như vậy thì trong này có ai giải thích cho Huy biết được những chữ đó là ghép chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc Ngữ hay chữ mới?"
Giáo sư Hoàng Đức Phương trả lời:
"Chúng ta đi xa. Ở đây ta không tranh luận về dùng từ ngữ. Mỗi bản văn được truyền đạt cho hậu thế thì bản văn phải có hồn. Muốn có hồn thì phải viết đúng quy luật. Tiếng Việt trong sáng là phải có quy luật, thứ nhất phải dùng ngôn từ cho đúng với một con người có học chứ không phải với một con người thất học. Thứ hai là văn phong phù hợp với con người thượng lưu chứ không phải văn phong phù hợp với con người bình dân."
MC Thẩm Thái Hà đặt câu hỏi:
"Trước 1954 ở miền Bắc và trước 1975 ở miền Nam, tiếng Việt được sử dụng rất trong sáng, xin cho biết những điểm nào để nhận biết ?"
Giáo sư Hoàng Đức Phương trả lời:
"Ngày xưa chúng ta vẫn nói dân Hà Nội ăn nói chuẩn. Trong Nam không có người ăn nói chuẩn, chính chúng ta không biết được vì lý do toàn là những sĩ phu người ta viết văn, qua phương tiện truyền thông chúng ta có những bản văn như của nhóm Tự Lực Văn Đoàn toàn là những người có học thức cao thì chúng ta nhầm với dân Hà Nội. Năm 1945, Việt-Cộng vào, chính lúc họ đi vào đấy bắt buộc giai cấp trí thức phải đi vào trong Nam và hội tụ ở Saigon thì nói là dân Saigon ăn nói văn hóa. Bây giờ Việt-Cộng vào Nam năm 1975, thì chính chúng ta là người có bổn phận phải bảo vệ tiếng Việt, chúng ta phải nói theo tiếng Việt, không phải chúng ta ở đây, ở Paris là phủ nhận. Có anh em bên Mỹ, bên Úc là những người có phương tiện phổ biến, còn ở Paris người ta không có phương tiện phổ biến. Đó là góp ý và cách nhìn tổng quát của tôi."
MC Nguyễn Quang Huy nêu ra câu hỏi:
"Ngôn ngữ của người trí thức là sách vở, khuôn mẫu, thích hợp với người trí thức. Nhưng ngôn ngữ đời thường, thích hợp với đại chúng. Ngoài ra còn một thứ ngôn ngữ nữa rất dung tục, của một số người. Nếu nói như Gs Hoàng Đức Phương thì thành phần trí thức chúng ta không nhiều, làm thế nào để phân biệt ngôn ngữ trong sáng khi xưa, và làm bớt ngôn ngữ dung tục?"
Nhà thơ Đỗ Bình góp ý:
"Việt Nam gồm có 54 sắc dân, sử dụng nhiều ngôn ngữ, chữ viết khác nhau, mà sắc dân của chúng ta là một số đông. Còn những sắc dân khác sống ở miền thượng du Bắc phần, và miền cao nguyên Trung phần, khu vực ven biển tỉnh Phan Rang, Phan Rí, cũng như các miền phía Nam : Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Châu Đốc… thì họ có một ngôn ngữ riêng. Để có sự nhận biết giữa Tiếng Việt Trong Sáng của miền Bắc trước 1954 và sau 1954 ở miền Nam, người ta căn cứ vào những người có học, được ghi chép trong sách để giảng dạy trong các trường học. Vì vậy mới có những nhóm như Tự Lực Văn Đoàn, tiếp theo là nhóm Sáng Tạo, họ viết những văn chương đãi lọc chuyên chở những ngôn ngữ mang chất đạo đức. Tính chất Đạo đức có từ lâu, trước năm 1954 ở ngoài Bắc và sau 1954 được tiếp nối ở trong Nam. Ở miền Nam sau năm 1954 đến 30 tháng tư năm 1975 mới chấm dứt. Ở miền Nam thuở đó có môn học là Công Dân Giáo Dục để dạy đạo đức con người, vậy ai mà nói những câu dung tục quá, ngoài khuôn khổ những điều dạy trong nhà trường thì gia đình đó bị lối xóm, thôn làng bảo là gia đình mất dạy! Họ sẽ bị mang tiếng, cho nên họ cố dạy con, dạy cháu của họ ăn nói một cách tử tế. Để cho ngôn ngữ đó đi vào trong văn chương, ngay từ lớp tiểu học, học trò đã xem đó là mẫu mực, là tiêu chuẩn để nhận biết ngôn ngữ nói và chữ viết khác nhau. Nếu một người chỉ sống ở ngoài đường thì họ sẽ phải dùng những ngôn ngữ thực dụng bừa bãi để họ tiếp xúc với những người khác để mưu sinh. Đương nhiên những người trẻ đó khi bước vào trong trường học thì ông thầy bắt chúng phải bỏ những cái gì vô giáo dục đi để có thể hòa nhập với tất cả các học sinh, bởi vì tất cả mọi người đến trường để mà học. Ngày xưa có câu: «Tiên học lễ hậu học văn."
Buổi hội thảo đôi khi trở nên rất sôi nổi, mỗi người một ý kiến khác nhau và nhiều người muốn nói cùng một lúc, vấn đề nêu ra thật nhiêu khê. Cuộc bàn luận kéo dài, nhưng thời gian có hạn nên cùng nhau chia tay trong tình thân mến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét