Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2024

Gia Đình Quốc Gia Hành Chánh Nam Cali Với “Những Tình Khúc Mùa Thu”


Tạp ghi viết vội
ngày 19 tháng 10/2024

Cali đã vào Thu, mặc dù không có gió heo may hay những chiếc lá vàng rơi và cũng chẳng có con nai vàng nào ngơ ngác, mà không khí dường như lại còn nóng lên với mùa bầu cử đang gay go trước mặt. Vậy mà, chiều nay, có một nơi duy nhất tràn ngập mùa Thu, đó là Hội Trường Hội Việt Học, nơi quý huynh trong gia đình QGHC Nam Cali và một số thân hữu đang mang không khí Thu về với “Những Tình Khúc Mùa Thu”.

Đúng với tinh thần QGHC, chương trình bắt đầu đúng 3 giờ 00 chiều theo thông báo, khi hội trường đã chật kín chỗ ngồi, có một số khá đông phải đứng phía sau hoặc ngồi ngoài hành lang để chỉ được nghe tiếng hát.

Ai cũng biết Học Viện QGHC/VNCH đã đào tạo những tham sự, đốc sự tài năng, sau này đảm trách hầu hết các chức vụ cao cấp trong chính quyền, từ phó quận, phó tỉnh, trưởng ty cho đến thứ, bộ trưởng. Có người đã trở thành dân biểu, nghị sĩ, thủ tướng.

Sau tháng 4/1975, tất cả đã phải cùng trầm luân theo vận nước, chết chóc, tù đày, vượt thoát bỏ nước ra đi, nhưng cuối cùng những vị còn sống sót may mắn gặp lại nhau trên đất Hoa Kỳ, người bạn đồng minh ngày nào đã đành lòng bỏ rơi ho trong đớn đau tức tưởi. Đất khách gặp nhau chỉ còn biết vỗ vai an ủi:

Qua cơn mờ mịt binh đao
Đứa còn đứa mất ba đào tang thuơng
Lạc loài trên chính quê hương
Thôi thì gió cuốn mười phương cũng đành

Với trình độ sẵn và kinh nghiệm sẵn có ngày xưa, hầu hết đều sớm thành đạt trong việc học hành và sự nghiệp trên quê hương mới. Nhưng nếu không có mặt trong buổi chiều hôm nay, có lẽ nhiều người không biết rằng, hầu hết những vị cựu QGHC đều rất đa tài và nặng tâm hồn nghệ sĩ. Bởi ngoài khả năng về chính trị, hành chánh, quản trị, họ còn là những nhà văn nhà thơ, nhạc sĩ và cả ca sĩ tài hoa nữa..
Các vị trong Ban Tổ Chức
Các vị trong Ban Tổ Chức
(từ trái: Trần Văn Lương – Nguyễn Văn Sáu – Ngô Ngọc Vĩnh – Nguyễn Phú Hùng –
Đặng Mạnh Hùng – Nguyễn Đức Tín)

Chương trình “Những Tình Khúc Mùa Thu” hôm nay được thực hiện với những vị đa tài như thế. Điều hợp chương trình là anh Nguyễn Văn Sáu, một người luôn hết lòng làm chiếc cầu nối giữa các đồng môn lưu lạc trên khắp địa cầu. Phụ trách và điều khiển chương trình văn nghệ là hai anh Đặng Mạnh Hùng và Ngô Ngọc Vĩnh. Anh Đặng Mạnh Hùng tốt nghiệp Khóa 13 ĐS, là đứa con của quê hương Hành Thiện (Nam Định), nơi nổi tiếng hiếu học. Ngày xưa có nhiều vị thi đỗ tiến sĩ, cử nhân, nên cũng có nhiều người làm quan nhất nước. Anh có giọng đọc rất chuẩn mực, ấm áp, dễ làm say đắm người nghe. Anh Ngô Ngọc Vĩnh tốt nghiệp Khóa 18 ĐS, vì tùng sự tại Tòa Hành Chánh Phú Bổn trước ngày mất nước, nên trở thành một chiến sĩ dung cảm, chiến đấu để sống còn trong cuộc di tản đẫm máu kinh hoàng trên Tỉnh Lộ 7B vào giữa tháng 3/1975. Lúc nào trông anh vẫn cứ còn trai trẻ, làm như thời gian chẳng có nghĩa gì đối với “nhan sắc” của anh. Mới gặp lại anh ngoài hành lang, tôi đã nhầm anh với anh Trần Bạch Thu, ông phó tỉnh Kontum, vùng đất khói lửa mà tôi cùng đơn vị đã từng sống chết với chiến trường trong suốt Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Anh Thu có lẽ là ông phó tỉnh trẻ tuổi nhất nước, bây giờ là một trong những cây bút nổi danh của QGHC.

MC Đặng Mạnh Hùng

Chương trình dự trù trong 3 tiếng đồng hổ. Với 22 tiết mục, nhưng đến giờ chót thấy tất cả mọi người tham dự vẫn ngồi yên tại hội trường, nên được Ban Tổ Chức bonus thêm tiết mục đặc biệt, do một cựu QGHC rất tài hoa trình bày tác phẩm do chính anh sáng tác.

Cả hội trường im lặng, phảng phất hơi Thu và dường như đang được nhuôm vàng với những nhạc phẩm mùa Thu: Anh Đã Quên Mùa Thu (của Tùng Giang & Nam Lộc),Giấc Mơ Mùa Thu (của Võ Thiện Thanh), Đâu Phải Bởi Mùa Thu (của Phú Quang phổ thơ Giáng Vân), Tình Khúc Mùa Thu, Gọi Mùa Thu Mơ (của Phạm Anh Dũng), Buồn Tàn Thu (của Văn Cao), Con Thuyền Không Bến (của Đặng Thế Phong, Mùa Thu Paris (của Ngô Thụy Miên),Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu ( nhạc ngoại quốc, lời Nam Lộc), Hoài Cảm, Thu Vàng (của Cung Tiến)

Đặc biệt các nhạc phẩm Lá Vàng, Từ Đó Mùa Thu do Cựu QGHC (Cao Học 8) Trần Văn Lương sáng tác và nhạc phẩm Em Có Nghe Gì Không của cựu QGHC (Khóa 17 ĐS) Chính Mung sang tác. Ngoài ra có tác phẩm Bây Giờ Tháng Mấy của NS Từ Công Phụng cũng là một cựu QGHC.

Thành phần ca sĩ khá hùng hậu gồm các chị Kim Loan, Phương Thảo, Bích Thủy, Ngọc Hoa, Ana Xuân Vũ và các anh Bùi Khanh, Vương Đức Hậu, QGHC Trần Văn Lương, QGHC Phú Hùng (Khóa 11 ĐS). Đặc biệt có sự tham gia của bác sĩ/ nhạc sĩ Phạm Anh Dũng và ca sĩ tiền bối Vũ Anh, truớc 1975 từng là ca sĩ có tiếng của Quân Chủng Hải Quân, thường góp tiếng hát trên các đài phát thanh Quân Đội, Sài gòn thuở ấy.

Toàn ban hợp ca nhạc phẩm Thu Vàng, kết thúc chương trình

Cựu QGHC có nhiều sáng tác cũng như trình diễn nhiều ca khúc nhất là anh Trần Văn Lương (Cao Học 8), Anh là tác giả của hơn 250 ca khúc và cũng là một nhà thơ nổi tiếng với bài “Hãy Chụp Giùm Tôi” từng được phổ biến rộng rãi khắp thế giới có cộng đồng người Việt. Gần như tuần nào bạn bè cũng nhận được một bài thơ “Cóc Cuối Tuần” của anh. Đó là những bài thơ hay mang nhiều ý nghĩa, phản ảnh một sự kiện chính trị, một thế thái nhân tình, một nhân sinh quan hay một hoàn cảnh phức tạp, đau lòng mà anh muốn nói hộ cho một hay những người trong cuộc. Thơ anh hay, rất đặc thù, gây nhiều cảm xúc. Và dường như thơ chỉ là hơi thở của anh. Đang đi du lịch xa, thấy nơi nào đó gợi nhớ quê hương, anh viết vội mấy bài thơ. Nhìn thấy một người bạn đang đau buồn vì mất vợ, mất con, hay mất người tình, anh viết hộ nỗi niềm. Biết ai đó có tình duyên trắc trở anh cũng thở ra mấy vần thơ chia sớt. Nhưng có lẽ anh có nhiều bài thơ trước những điều trái tai gai mắt, hoặc để nói với những “khúc ruột ngàn dặm” mà vẫn thường ca ngợi Việt nam bây giờ có nhiều chùm khế ngọt nên thường xuyên áo gấm trở về. Những bài thơ đau đến tận tâm can. Lại là một người có khiếu về ngôn ngữ, nên nhiều khi bài thơ được anh viết bằng cả mấy thứ tiếng: Hán. Nôm, Latin, Anh, Pháp và thi thoảng có cả tiếng Nhật, Tây Ban Nha!

Trần Văn Lương đang hát một ca khúc của anh

Người viết vội mấy dòng này có cái diễm phúc được anh cho là bạn, khởi đi từ đồng môn thời còn dưới mái trường trung học ở thành phố biển Nha trang, và phu nhân của anh lại là bạn cùng niên khóa, nhưng chị bạn lại học Ban B để sau này làm cô giáo dạy Toán của trường Bùi Thị Xuân, Trần Hưng Đạo Đà Lạt, còn tôi là đấng nam nhi mà lại dốt Toán nên hoc Ban C, và chẳng đến đâu nên phải ắc ê vào lính!

Ông bà bạn của tôi còn là những trưởng Hướng đạo, trông coi cả một Liên Đoàn Hướng Đạo Việt Nam. Hằng năm vào các Hội Tết do Tổng Hội Sinh Viên VN Nam Cali tổ chức, Liên Đoàn Hướng Đạo do anh chị phú trách đã đóng góp rất nhiều trong các sinh hoạt về lịch sử, truyền thống, phong tục của quê hương. Riêng anh còn mở một gian hàng có tên Ông Đồ, viết và dạy các em, các cháu về các câu đối, bởi anh rất thông thạo chữ Hán. Do đó, bạn bè vẫn thương gọi anh là ông Đồ Lương, để được nhìn thấy anh cười.

Người bạn đa tài này thường không muốn ai đó nói lời ca ngợi mình. Nhưng hôm nay, trong buổi chiều đầu Thu, nghe những Tinh Khúc Mùa Thu của chính anh sáng tác và được anh hát với giọng hát khi trầm ấm, thiết tha khi thanh thót như dòng suối của mùa Thu trên Cao nguyên trong thời chinh chiến, gây cho tôi thật nhiều cảm xúc để càng thêm cảm phục người bạn tài hoa, nên trộm viết vội mấy dòng này. Mai này, gặp nhau, nếu có bị anh vỗ vai rầy một tiếng, tôi cũng chỉ mĩm cười, chẳng thèm nói một lời xin lỗi. Bởi với tinh thần Hướng Đạo “có sao nói vậy người ơi!”

Xin phép được ca ngợi và đa tạ các huynh QGHC, đã cho những người không còn nhiều cơ hội ngắm mùa Thu, nghe hơi Thu, tỏ tình trong mùa Thu như tôi, được sống lại một buổi chiều thật êm ả thi vị với Những Tình Khúc Mùa Thu cùng với những giọng hát thiết tha như cứ còn đọng mãi trong hồn.

Phạm Tín An Ninh
(một khán giả thân hữu)
Ghi chú: Ảnh của QGHC Ngô Ngọc Trác (Khóa 13 ĐS & Cao Học 8)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét