Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2024

Cổ Phú - Hán Phú


Nếu tính từ triều đại nhà Hạ đến nay, văn hoá Trung Hoa đã trải qua hơn 4000 phát triển, nền thi ca đi từ đơn giản đến đa dạng, từ bình dân đến bác học, từ lúc chưa có ký tự đến chữ viết hoàn chỉnh.

Khổng Tử đã có công góp nhặt thơ ca trong dân gian để soạn ra Kinh Thi. Đây là những bài ca có vần, nên giới nghiên cứu đặt tên là Thơ Cổ Phong hay Cổ Thể. Dạng thơ này chính là sự khởi đầu cho tất cả những những dạng sau này. Giới học giả đã nhận định nền thi ca của Trung Hoa ở mỗi triều đại đều có cái hay, nhưng có 4 triều đại mang đặc thù riệng. Đó là Hán Phú, Đường Thi, Tống Từ và Nguyên Khúc.

Đường Thi, Tống Từ và Nguyên Khúc được nói đến khá nhiều, chỉ Hán Phú là ít được nhắc đến.

Hán Phú

Định nghĩa

- Phú (nghĩa đen là bày tỏ, mô tả) là một thể văn có vần dùng để tả cảnh vật, phong tục hoặc tính tình.
Phú cũng là một lối ngâm vịnh, có thể lấy câu trong sách hay cảnh gì, ý gì hoặc điển tích cũng được, để làm đầu bài. Có thể chỉ một vần hay nhiều vần cũng được, tuỳ ý tác giả mà thôi. Riêng về số chữ trong câu, có thể tuỳ thích 4, 6, 7 chữ hoặc ít, nhiều hơn..

Phú gồm có Phú Cổ Thể và Phú Đường Luật. Theo cách làm phú có thể chia làm hai lối;1) Cổ thể (thể cũ) là thể phú có trước đời nhà Đường, có vần mà không có đối, hoặc như một bài ca thật dài hoặc như một bài văn xuôi mà có vần, lối sau này gọi là lối phú lưu thủy. (nước chảy). 2) Đường Phú.
Trong phạm vi bài viết, chỉ đề cập đến Cổ Phú - Hán Phú.

Cổ phú bao gồm 3 tiểu loại : tản thể đại phú, tao thể phú và tiểu phú, nhưng thông thường nhắc đến cổ phú là nhắc đến tản thể đại phú, chỉ Hán phú, còn gọi là từ phú, dung lượng lớn, thường rất dài, hình thức chủ yếu là vấn đáp, tản văn xen lẫn với vận văn. Tác gia tiêu biểu của cổ phú là Tư Mã Tương Như và Ban Cố.

Một bài Hán phú điển hình luôn sử dụng mô thức ‘khách – chủ’, dùng lời đối thoại giữa chủ và khách để triển khai nội dung tác phẩm. Thất phát của Mai Thặng đời Tây Hán dựng ra tình huống Sở thái tử mắc bệnh, Ngô khách vào thăm, dùng hình thức vấn đáp để viết nên một bài phú mang ý khuyên răn. Tử Hư và Thượng lâm của Tư Mã Tương Như đời Tây Hán cũng dùng hình thức vấn đáp giữa nhiều nhân vật để trình bày nội dung tư tưởng, trong đó, Tử Hư là cuộc diễn thuyết tay ba giữa Tử Hư – bề tôi nước Sở - với Tề vương và Ô Hữu tiên sinh, còn Thượng lâm được viết tiếp như phần hai và cũng là cao trào của cuộc trò chuyện,

Kết thúc của Hán phú thường theo một công thức riêng, với một vài câu thơ cuối bài, hoặc học cách ‘loạn viết’, ‘từ viết’ trong « Sở từ ». Đến thời Lục triều, các bài tiểu phú hầu như đều được kết thúc bằng ‘ca viết’ và ‘hựu ca viết’. Các tác giả phú Việt Nam đặc biệt yêu thích hình thức này. Điển hình như Lý Tử Tấn, không bài phú nào của ông thiếu phần ‘ca viết’, cá biệt có Thọ vực phú sử dụng đến bốn lần ‘ca viết’, chia làm bốn đoạn khá dài, khiến cho kết cấu tác phẩm có phần không tương xứng.
Tản thể Phú, Tao thể phú chủ yếu với đặc điểm cuối một số câu lại gắn thêm chữ ‘hề’.

Thí Dụ:
Trích đoạn Thiệp Giang của Khuất Nguyên

涉江

余幼好此奇服兮,
年既老而不衰。
帶長鋏之陸離兮,
冠切雲之崔巍。
被明月兮,
佩寶璐。
世溷濁而莫余知兮,
吾方高馳而不顧。
駕青虯兮驂白螭,
吾與重華遊兮瑤之圃。
登崑崙兮食玉英,
與天地兮比壽

Thiệp Giang

Dư ấu hiếu thử kỳ phục hề,
Niên ký lão nhi bất thôi.
Đới trường giáp chi lục ly hề,
Quan thiết vân chi thôi nguy.
Bị minh nguyệt hề,
Bội bảo lộ.
Thế hỗn trọc nhi mạc dư tri hề,
Ngô phương cao trì nhi bất cố.
Giá thanh cầu hề tham bạch ly,
Ngô dữ Trùng Hoa du hề Dao chi phố.
Đăng Côn Lôn hề thực ngọc anh,
Dữ thiên địa hề tỷ thọ,
...

Qua Sông - Phan Kế Bính dịch

Ta thuở nhỏ ưa mặc đồ lạ hề,
Tuổi đã già mà chưa thôi.
Đeo gươm dài chi lấp lánh hề,
Đội mũ “thiết vân” chi cao lồi.
Châu “minh nguyệt” hề ta đeo,
Ngọc “bảo lộ” hề ta có.
Đời đục vẩn mà không ai biết ta hề,
Ta cứ ruổi mau mà chẳng ngó.
Cưỡi con “thanh cầu” hề kém con “bạch ly”,
Ta cùng với Trùng Hoa hề chơi ở Dao Phố.
Trèo lên núi Côn Lôn hề, ăn cánh hoa tươi.
Sánh tuổi thọ với trời đất hề,
....

Trích đoạn Ai Nhị Thế Phú của Tư Mã Tương Như

哀二世賦

登陂阤之長阪兮,
坌入曾宮之嵯峨。
臨曲江之隑州兮,
望南山之參差。
巖巖深山之谾谾兮,
通谷𧯆乎𧮰谺。
汩淢噏習以永逝兮,
注平臯之廣衍。
觀眾樹之蓊薆兮,
覽竹林之榛榛。

Ai Nhị Thế Phú
(Tư Mã Tương Như)

Đăng pha đà chi trường bản hề,
Bộn nhập tằng cung chi tha nga.
Lâm khúc giang chi kỳ châu hề,
Vọng nam sơn chi sâm si.
Nham nham thâm sơn chi hồng hồng hề,
Thông cốc hoát hồ hàm ha.
Cốt hức hấp tập dĩ vĩnh thệ hề,
Chú bình cao chi quảng diễn.
Quan chúng thụ chi ống ái hề,
...
Bản dịch Thơ Ngô Trần Trung Nghĩa

Thương Thay Tần Nhị Thế`

Lên sườn núi dài nhấp nhô chừ,
Dẫn thẳng vào cung điện nguy nga.
Bên bãi đoạn sông uốn quanh chừ,
Xa trông non nam lô nhô.
Liên miên núi thẳm cao chót vót chừ,
Khe sâu nối tiếp khe sâu.
Dòng nước cuồn cuộn chảy về xa chừ,
Đổ vào đồng rộng thẳng tắp.
Xem cây cối xanh tươi tốt chừ,
Ngắm rừng trúc mọc thành bụi.
...

Trên đây là hai bài Phú một thời Chu (Khuất Nguyên), một thời Hán (Tư Mã Tương Như), điểm đặc biệt của Cổ Phú nói chung hay Hán Phú nói riêng, ở cuối một số câu có thêm chữ Hề 兮, trong khi Phú Việt thì không có, vì Phú của Chúng ta thường làm theo thể Đường Phú.
Phú có rất lâu đời ở Trung Hoa và được phát triển hoàn chỉnh, thì ở Việt Nam chỉ mới xuất hiện sau này mà thôi.

Huỳnh Hữu Đức
(Theo Phan Kế Bính - Dương Quảng Hàm - TS Phan Thu Vân - Thi Viên.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét