Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2023

Ngọn Cỏ Gió Lùa


(Tên gọi của những nhân vật trong truyện chỉ là hư cấu của tác giả, nếu có những tên trùng hợp, xin quý độc giả tha lỗi.)

Đoạn đường lên dốc khá cao nhưng cũng được trải nhựa đen láng, hai bên đường của con dốc lại được trải lớp sỏi nhỏ cùng bãi cỏ non bao quanh vùng nhà biệt thự của tư nhân. Hàng cây cao hai bên đường tỏa bóng mát, những cành lá vươn dài và rộng trên cao lay nhẹ trong làn gió sớm của buổi sáng mai. Tiếng chim hót vang trên cành như một bản hoà tấu mở đầu cho một ngày mới.

Đám trẻ con đạp xe lên dốc, cong lưng đạp xe chậm chậm và la hét vui ồn cho chuyến thi trèo dốc. Chiêu Anh đậu xe ở cuối dốc rồi đi bộ dần lên dốc, tìm đến một địa chỉ xa lạ mà nàng đã được sở Xã Hội tại Paris phân công đến. Đám trẻ cho dù đang trong chuyến đua leo dốc thấy Chiêu Anh bên đường, chúng nó vẫn vẫy tay chào một cách thân mật với vị khách xa lạ này.

Ngạc nhiên có chút ngẩn người khi Chiêu Anh đứng trước hai cánh cổng sắt lớn với những song sắt đen cao, có đỉnh nhọn màu vàng đồng đang chói sáng dưới tia nắng mới của buổi ban mai. Hàng thông cao thẳng đứng, chạy dọc hai bên sau dãy tường đá hoa cương với những cột trụ gắn liền những ngọn đèn lồng đen cổ kính trên chóp cao. Ngôi biệt thự im lìm cách biệt nằm khuất trên sườn đồi, loáng thoáng những ngôi nhà mái đỏ chìm ẩn trong rừng cây xanh loang lổ những mảnh nắng vàng nhẹ, tinh khôi của vùng trời thung lũng vừa thức giấc.

Ngỡ mình nhầm địa chỉ, cô gái trẻ vội mở cuốn sổ tay nho nhỏ có ghi tên và số nhà mà sở Xã hội đã cho biết vào ngày hôm qua, khi Chiêu Anh đến nhận nhiệm sở cho kỳ thực tập. Tên chủ nhân đúng với hàng chữ trên tấm bảng đồng tuy cũ nhưng vẫn còn sáng bóng đủ để nhận rõ những nét in đậm đen: " Mr & Mrs Nguyễn Phước Vĩnh An." Nhìn qua những song sắt, tòa nhà đồ sộ hai tầng với lối kiến trúc nửa Âu nửa Á, tường đá nâu sẫm cùng dây leo bao rủ như còn in dấu vết cao sang, quý tộc. Những cảnh quang đầu tiên mà Chiêu Anh thấy được đã làm cho những náo nức, hồi hộp, thêm vào niềm phấn chấn cho cô sinh viên mới được bổ nhiệm tập sự ngành Sociology năm thứ ba gần như tan biến ngay từ khoảnh khắc này. Nàng lo sợ vì mình còn là sinh viên đang thực tập, và vì trước một công việc đầu tiên mà nàng đã đối diện một thực tại đang hiển hiện trước mắt mà nàng chưa bao giờ nghĩ đến.

Do dự một chút rồi cũng lấy lại được sự tự tin cố hữu của mình, Chiêu Anh ấn nhẹ nút chuông điện màu đen, lại có chút lúng túng cho chính mình khi nhận ra sự khiêm tốn, đơn giản của bộ đồ đầm đang mặc. Bỗng một giọng nói hơi nặng của miền trung Việt Nam, nhưng nhuốm một âm thanh lễ độ:
-Thưa, cô là Sylvie Chiêu Anh Phạm?
-Dạ vâng.
- Bà cho mời cô vào nhà.
Theo chân người đàn bà trạc cỡ trên sáu mươi, thêm tính hiếu kỳ cũng làm cho Chiêu Anh nhìn quanh và sâu hơn nữa cái khoảng không gian như một vùng sinh thái mới cho nàng đang được mời dự. Hàng tùng xanh mướt chạy dọc hai bên những lối đi nhỏ trải sỏi nâu sậm, xen lẫn đám cây hoàng hậu đang nở hoa tím hồng đài các nơi mỗi cuối góc vườn. Từng bụi hoa đủ màu rực rỡ bên thảm cỏ xanh tươi êm ả dưới những chiếc ghế dài có tay tựa, bên cạnh là những gốc sứ lớn sần sùi với những chùm hoa vàng ẩn mình trong đám lá xanh thắm, mơn mởn tỏa hương. Dãy hàng hiên dài rộng lát đá hoa cương màu sẫm, hài hòa với bộ ghế mây và những chậu sành cổ lớn đặt rải rác chung quanh. Những tượng đá màu lam đậm chìm ẩn bên những bụi cây, cạnh những tảng đá nhỏ hoặc lớn được sắp xếp một cách linh động trước khoảng sân rộng của mặt tiền nhà. Cộng thêm một âm thanh như thức tỉnh người khách nhỏ, tiếng nước chảy từ đỉnh cao cái thác đá sẫm màu có hình người đàn ông vạm vỡ, đang chúc chậu nước đổ xuống trên vai trần người đàn bà. Những tia nước phun ra nhẹ nhàng, rơi tung toé xuống bồn nước được bao quanh dưới chân dày đặc những bụi hoa nhỏ đủ màu, nở chen chúc tạo nên tấm thảm hoa trải tròn nổi bật trên nền đá xanh thẫm.

Cái cảm quan từ khi đặt chân sâu vào một thế giới đầy sinh động của tòa biệt thự này đã cho Chiêu Anh mối thiện cảm với chủ nhân. Lúc này nàng cảm thấy yên tâm hơn khi nghĩ đến công việc trước mắt.
Có tiếng nói nhỏ, trong và nhẹ hơn nhưng cũng là những thanh âm giống như của người đàn bà hồi nãy:
-Cô đã đến, tiếc là tôi không thể ra đón cô được.
Người nữ chủ nhân là một thiếu phụ khoảng ngũ tuần đang ngồi trên chiếc xe lăn, cạnh chiếc dương cầm màu nâu gỗ gụ láng bóng. Dù đã được sở Xã hội cho biết, nhưng cũng đã làm Chiêu Anh bất ngờ đến độ không tin vào mắt mình. Một hình hài trang nhã, một gương trăng tuyệt mỹ như vậy mà lại nhuốm một chứng bệnh đến đoạn cuối của con đường đời. Quả thật, thoạt nhìn Chiêu Anh không thấy một dấu hiệu tàn phá nào của bệnh tật hiện diện trên gương mặt trái xoan quý phái, đôi mắt to tròn ẩn chứa những u buồn, sống mũi dọc dừa cao thon thanh lịch. Chỉ có mái tóc thật đen láng chớm ngắn cũng đủ để nhận được bà ấy cũng đã qua thời chữa trị của những dòng điện cay nghiệt cuối cùng. Luồng kích thích nhẹ lạnh buốt chạy dọc cơ thể, chút rùng mình lạ lẫm như chưa bao giờ có. Chiêu Anh lễ phép trả lời:
- Thưa bà, con nghĩ là bà không nên ra ngoài vì đã có người thay bà đón con rồi.
- Con hãy gọi ta bằng cô, dễ nghe hơn.
- Dạ vâng, thưa cô.

Được biết bà ấy đã để một ngân khoản lớn cho sở Xã Hội để chi phí dịch vụ ở mức độ cao này. Ngày đầu tiên, Chiêu Anh như lạ lùng nhận ra một điều gì đang ăn sâu dần, lan truyền đến từng sợi cảm giác, gây nên từng đợt run rẩy nhẹ nhàng trong từng tế bào nhạy cảm của mình. Vùng cảm nhận êm ái trong người nàng hầu như đang được đánh thức bởi một bàn tay có một ma lực dịu dàng đập khe khẽ vào tim. Khi nhìn đến từng ánh mắt xa xăm, từng ngón tay xanh gầy như run nhẹ, nàng thấy rõ sự cô đơn đã bao phủ, vây quanh người đàn bà như đang nhấn chìm bà vào một hố sâu đen thẳm của tuyệt vọng.

Sau khi điền xong xấp giấy tờ cần thiết để Chiêu Anh bắt đầu một nhiệm vụ cho kỳ thực tập của khóa học, nàng đã được bà quản gia dẫn cho đi xem những căn phòng bên trong của căn biệt thự sang trọng và thanh lịch này. Tất cả những căn phòng dều bài trí trang nhã, trang hoàng những đồ vật cổ điển rất hài hoà màu sắc với những tiện nghi chung quanh. Ngày mai và những ngày tới nàng sẽ là một vị khách thường xuyên hiện diện, làm việc, trông nom và nhận lãnh một sứ mệnh là sự chăm sóc đặc biệt vị chủ nhân giàu có nhưng bất hạnh này. Nỗi lo đi cùng với nỗi háo hức trong nàng đã hiện ra bằng một cảm giác bị xáo động, nhưng nàng đang cố nín lặng.

Trở về nhà sau một ngày dài của ngày nhận một công việc đầu tiên của đời sinh viên, Chiêu Anh như đã đánh mất một tự chủ bình yên, một xáo động như có một điều gì đó đã bắt đầu đi vào đời nàng. Đêm đến, một chút thức ngủ muộn hơn thường lệ, Chiêu Anh cố lăn trở nhiều lần để dỗ dành một giấc ngủ yên lành cho ngày mai phải đối mặt với một công việc mới lạ. Nàng nhận ra nàng đang có nhiều cảm tính lạ lùng gây nên những trăn trở khó hiểu trong nàng. Hình như trong nàng đang hiển hiện những hình ảnh bằng ảo giác, hư hư, thực thực, khó nhận diện làm cho nàng nghĩ ngợi đến một điều gì đó, về một người nào khác. Bên cạnh những tình cảm nàng đã dành trọn cho cha mẹ, hai người mà nàng yêu thương nhất xen lẫn những kính phục sâu xa thấm sâu vào trái tim nàng. Chiêu Anh đã đặt tấm ảnh của hai ông bà và nàng trên tủ nhỏ cạnh giường. Nàng quý vật này hơn một bảo vật trong những năm tháng sống xa nhà, như một đóng khung trong tâm trí cái tấm chắn bình yên che chở cho nàng, và cũng là cảm giác êm ấm cho Chiêu Anh mỗi khi nghĩ về gia đình mình.

***

Diệu Lan khóc ngất, gần như ngã quỵ cả người trong vòng tay mảnh mai của người bạn gái thân nhất, Tú Minh, là bạn cùng lớp từ tiểu học và nay bậc cuối của đại học, thêm vào đó nhà hai đứa cũng gần nhau đủ để ngày ngày kề vai chung bước trên những con đường trải dài ngập lá rơi để đến trường. Kỷ vật của Thế Khải là chiếc khăn tay trắng có thêu hàng chữ tím:" NCDL- HTK " ( Nguyễn Cửu Diệu Lan – Hoàng Thế Khải )và cuốn nhật ký của Khải được đem đến nhà Tú Minh do một bạn đồng đội thân thiết của chàng, người chiến binh may mắn còn lại của trận chiến khốc liệt đã đi vào sử xanh. Cùng với những thây người ngã gục, Khải, người sinh viên y khoa nghèo đã nằm xuống góp chút máu đào cho đất mẹ, bỏ lại cả một tiền đồ danh vọng, bỏ lại sau lưng những năm học khốn khổ, và bỏ cả người tình giàu sang, quý phái, xinh đẹp.

Mối tình đầu của Diệu Lan đã bị nhiều cấm đoán của bà Cảnh, người mẹ góa của Diệu Lan.
Bên cạnh nỗi đau thương của bạn mình, cô sinh viên Tú Minh lại còn là một người bạn tâm giao để chứng kiến thêm một đoạn cuối tình sử của Diệu Lan. Run rẩy trong tiếng nấc ứ nghẹn:
-Tao đang có thai với anh ấy.
- Chết cha, chừ làm răng chừ, làm răng mà dấu.
- Me tao biết thì chắc sẽ giết tao.
Nhưng bà Cảnh đã không la mắng con một lời nào cả, cái khôn ngoan để im lặng, cái im lìm quý phái của một người đàn bà giòng họ nức tiếng khoa bảng, công danh, và giàu có của một thành phố cổ kính đã là một vương triều ngày nào. Cố giữ gìn cái tiếng tăm của gia phong nhà chồng, bà Cảnh đã âm thầm gửi con cùng với người vú lên một thành phố cao nguyên có sương mù giăng mắc, có thông reo trên đồi vắng, có nắng hanh vàng sưởi ấm những rừng hoa trong gió đông. Sự ước hẹn với gia đình của ông Vĩnh An cho lễ cưới, thời gian dự tính cũng đủ che đậy cho đến ngày ông ấy mãn hạn công tác ở Châu Âu.


Tháng mười một, trời vào đông trên cao nguyên. Hàng cây hai bên đường trút hết những ngọn lá còn sót lại của những ngày cuối thu, để trơ ra những cành khô như những cánh tay gầy, khẳng khiu trong vùng nắng giao mùa. Ngọn gió đầu đông se lạnh, nhìn qua cửa sổ buổi sáng mai màn sương dày đục giăng khắp che mờ những lối đi. Những cụm hồng cành lá xanh sậm tươi mát với những nụ hoa ướt đẫm, cánh nhung đỏ sậm, hồng thắm, vàng ánh, mượt mà lóng lánh những hạt sương đêm dần tan theo những tia nắng vô tình yểu điệu của buổi sớm mai.
Vú Đóa đặt mâm điểm tâm trên bàn, lay nhẹ Diệu Lan:
- Cô, dậy ăn sáng rồi cho em bé bú.
Vú Đóa là người cháu họ xa của mẹ nàng, một dại dột khờ khạo của cô gái quê đã làm cho nàng vĩnh viễn không được làm mẹ để rồi phải bỏ làng, bỏ những đêm trăng sáng cùng chị em bạn lên thành phố,và bà Cảnh đã cưu mang Đóa. Ông Cảnh đã bị một cơn đột quỵ, rồi mất trong một cơn say thuốc bên bàn đèn vào một lần vui chơi thâu đêm cùng bạn đồng liêu. Dãy phố cho thuê ở con đường phố chính của thành phố Huế để mua bán cộng thêm tiệm vải lớn, sầm uất, bóng bẩy những hàng gấm lụa đắt tiền do chồng để lại đã đưa người đàn bà trẻ đức hạnh, vốn là một nữ sinh đẹp nổi tiếng của đất thần kinh trở thành một doanh nhân có tiếng tăm. Từ khi có Đóa, bé Diệu Lan lên ba được vú chăm sóc như con đẻ.
Tiếng người vú nặng sệt những âm điệu miền quê của xứ trung kỳ:
-Cô gắng ăn thêm chút nữa cho có da có thịt, kẻo tuần sau bà lên thăm thấy cô cứ ốm o như ri thì tui cũng bị la luôn đó.
- Me con lên thăm nhưng răng mà con thấy lo ghê vú ơi.
- Chắc không răng mô, bà thương cô thì sẽ thương cháu ngoại mà.

Linh tính như có một điều gì bất an trong lòng Diệu Lan, niềm nhớ thương Khải dần dần được thay thế bằng tình mẹ bao la trong nàng bắt đầu bởi một hình hài bé tí của con. Những đau thương tự trái tim đã làm cho Diệu Lan hầu như là một hình nhân vô thức lặng lẽ, tự giam kín mình trong căn biệt thự nhỏ kín đáo nằm khuất sau dãy đồi thông thấp thoáng nhiều bụi hồng vây quanh trên những lối đi vào nhà. Hàng cây mimosa hoa trắng vàng li ti như những mũi kim châm vào nỗi đau của nàng tiểu thơ đã phạm vào điều cấm của gia phong. Nàng chỉ muốn một mình cùng con trong một thế giới xa lạ, lạnh lùng xa cách này, nhưng mẹ nàng vẫn luôn luôn là một vị hung thần quyết đoán cho số phận của nàng và con .

Tuần sau, bà Cảnh lên Đà Lạt thăm con, nhưng thật ra là bà mẹ đã mang lên cho con gái một quyết định phân ly của hai mẹ con Diệu Lan.
Tiếng bà Cảnh thật nhẹ nhưng hàm chứa cái sắt ngót của một con dao mệnh lệnh:
-Tuần tới Vĩnh An sẽ về nước nghỉ phép để làm lễ cưới, me muốn con về lại nhà cùng me.
Đoán trước điều con gái muốn nói, bà mẹ giọng cương quyết:
-Vú Đóa sẽ ở lại với con bé. Me sẽ cho người đón về sau khi con theo ông Vĩnh An về lại Pháp.
Bà Cảnh không muốn còn lại một vết tích đen tối nào để dẫm lên cái tấm bảng gia phong đủ sắc nghìn tía của nhà chồng. Vú Đóa đã vâng lời vị chủ nhân uy quyền kia để đem con bé đi cho, như đẩy đi một ám chướng vô tội.

Vú còn nhớ như in vào đầu cái ngày vú quấn con bé thật kín trong tấm khăn len dày, nụ rốn con bé gần mười ngày tuổi mà vẫn còn ướn ướt, đang cầm chiếc khăn tay của Diệu Lan vú mới giặt sạch, rồi lại phát hiện ra những chiếc băng rốn cho con bé còn vương chút ố vàng, hồng khô queo, vú đành phải dùng chiếc khăn ấy vốn là một vật cố hữu trên tay mà cô cứ mân mê hàng giờ trong cõi riêng lặng yên của mình. Như một định mệnh kỳ bí đã đặt trên bàn tay người vú già, vú ấy đã cột chặt chiếc khăn quanh bụng che chở cho núm ruột mong manh của con bé sơ sinh. Vú đã để lại con bé trên bực thềm xi măng của một viện cô nhi ở một thung lũng hẻo lánh, rồi vú đã bỏ chạy thật nhanh như lao mình xuống từng con dốc nhỏ, như để quăng đi cái quang gánh đau thương của cô chủ nhỏ đã truyền sang hai vai cho vú, nhưng thật ra là như để chạy trốn một lương tâm đang rượt đuổi theo mình.

Đứa bé nhỏ tí bị bỏ lại bên bực cửa được gia nhập như một thành viên tí hon của Cô nhi viện nằm lẻ loi trên sườn đồi. Khi ông bà Phạm Kim theo lịch trình tạm dừng chuyến công tác từ thiện ở đây. Một nơi chốn bình yên của quê hương và họ đã cảm nhận được đây quả là một nơi khi xa phải nhớ đến và nên trở về thăm. Bầu trời xanh biếc, làn gió êm mát lạnh, thông reo như hát, chim rừng hót vang như tiếng vọng từ cõi thinh không. Rừng cây rì rào cao ngút sau lưng, nhìn xuống chân đồi thoai thoải trãi mình dưới những rặng thông xanh ngắt nhấp nhô lay nhẹ theo cơn gió. Lối đi nhỏ chen chúc các loài hoa dại mọc dạt ra hai ven đường dẫn đến tòa nhà kiến trúc theo kiểu Pháp cũ kỹ, tường trắng loang lổ những dấu vết của tháng năm. Ngôi nhà như chìm vào một thế giới xinh đẹp và lặng lẽ của một cõi đã cách biệt với những nơi phố phường rộn rã tranh đua. Và với đôi mắt mở lớn tròn xoe như thách thức cùng số phận, con bé bất hạnh đã được ông bà Phạm Kim. một gia dình doanh nhân ở Pháp về hưu và không có con, hiện đang làm công việc từ thiện, họ đã đón nhận bé. Bé được đặt tên Sylvie Chiêu Anh Phạm. Thế là béé Chiêu Anh đã có một gia đình. Chiếc khăn có hàng chữ tím bí ẩn mà soeur viện trưởng giao lại cho ông bà Phạm Kim như là một vật hồi môn của bé Chiêu Anh đã là một gắn liền của định mệnh và cuộc đời của bé sau này.
***
Dòng đời không bao giờ ngừng trôi, cơn biến động của nước nhà như trận cuồng lũ lịch sử đã cuốn trôi, sụp đổ, để rồi không để lại một dấu tích nào của ngày xưa. Đồi thông xưa còn đó với những chặt đổ què quặt, nhưng tòa nhà trắng thì đã bị biến thái. Toà nhà vắng bóng những vị nữ tu dẫn dắt đàn cừu con. Những trẻ mồ côi lại tản mạn trở về với đời như những hạt bụi của thế gian. Ngăn tủ chứa giấy tờ được đem làm mồi lửa cho nồi cơm độn khoai. Bà Diệu Lan đã kể hết cùng chồng và đã được chồng đưa về quê nhà để tìm lại con. Nhưng tất cả của ngày xưa đều đã mất. Diệu Lan không còn một tia hi vọng nào để tìm được con mình. Trong nàng chỉ là những đau đớn âm thầm trong đêm vắng, một đèn thắp lẻ loi và một khối sầu đeo đẳng cho riêng mình cùng với vú già trung trinh.

Chiêu Anh đặt nhẹ lên bàn ngủ của bà Diệu Lan bình hoa hồng vàng vốn là màu mà bà yêu thích, cắm thêm vài cọng nhỏ có chùm hoa trắng li ti, sửa lại những cành lá non xanh rủ xuống hai bên miệng bình thủy tinh trong suốt pha lê. Kéo nhẹ tấm màn voan trắng điểm thêu hoa vàng nhạt, vuông cửa sổ như được rộng mở thêm để cho vạt nắng mai nhảy nhót tràn vào phòng, lung linh, chập chờn trên từng khung ảnh gỗ nâu viền vàng sẫm có chạm những hoa văn. Ngoài phận sự cho một công việc, nhưng Chiêu Anh luôn có cảm giác thật khác lạ khi săn sóc cho bà Diệu Lan. Cáí cảm giác thật gần gũi của một người con gái nhỏ bên mẹ, săn sóc và âu yếm me khi mẹ bệnh . Đêm đến, một mình trong chiếc giường nhỏ, Chiêu Anh lại tưởng như mình đang trong vòng tay ôm của bà Diệu Lan và ru mình ngủ.

Chiêu Anh lạ lùng như chưa bao giờ ngắm được và nỗi thích thú nhất khi nhìn vào khung ảnh lớn của hai ông bà trong ngày cưới với trang phục cổ truyền. Cả hai trông thật xứng đôi và thật đẹp như những nhân vật quý tộc của một triều đại cổ ngày nào.
Chợt có tiếng nói yếu ớt của người vừa thức giấc:
- Ông nhà tôi đã mất cách đây cũng gần 5 năm, trong một tai nạn xe hơi.
- Bảo Lân thì đang theo học ở Anh Quốc, cũng được hai năm rồi.

Những ngày có Chiêu Anh bên cạnh với sự ân cần lễ độ, hết mình với công việc của một sinh viên trẻ, thêm vào những tia sáng yêu thương tỏa ra từ đôi mắt trong đen của cô gái nhỏ, bà Diệu Lan như bất ngờ cảm thấy như được một hồi phục. Mỗi ngày khi Chiêu Anh đến, bà nhận ra một điều gì đó mà mình đã mất nay đang hiện diện đâu đây. Những viên thuốc giảm đau như đựơc thay thế bởi cô gái trẻ. Cái thân thể ốm yếu xanh xao của sự lan tràn bệnh tật như một ngọn cỏ non được hồi sinh, ánh mắt cô đơn đã lấy lại những đốm lửa ấm áp, nụ cười thoáng nét hi vọng, mái tóc ngắn xanh đen được cắt tỉa đúng kiểu. Bà Diệu Lan như đã hiện ra những dấu vết xa xưa của một thời, đã đánh bật ra khỏi ông Vĩnh An những bông hoa hương sắc của phương trời Tây.

Một trong những bức thư sau cùng có đoạn mà Chiêu Anh đã viết theo lời đọc của bà chủ, đã làm cô gái nhỏ rươm rướm, xao động trong nàng: " Bảo Lân của mẹ, hình như mẹ đã thấy lại được những ngọn cỏ được gíó lùa trong nắng. Mẹ nghe như đang có tiếng chân của đứa con lạc mất đang bước nhẹ trên thềm nhà, về với mẹ và sẽ không bỏ mẹ như ngày xưa mẹ đã bỏ nó." Nhìn vào khuôn mặt thoáng nét u ẩn như đắm chìm vào một hồi ức xanh xao,âm thầm chôn kín trong phần tư thế kỷ nay như đang dần dần được hé mở dưới những trang thư. Chiêu Anh lạ lẫm, nghĩ ngợi. Như đọc được ý nghĩ của nàng, bà Diệu Lan tiết lộ thêm, rồi nhắm nhẹ đôi mắt lại có chút nước lóng lánh ở khóe mi:
-Ta cũng còn một đứa con gái nữa, cũng trạc tuổi của con. Không biết nó đang thế nào.
Như có sợi dây gắn bó vô hình nào giữa hai người, một kẻ sắp ra đi và một kẻ muốn giữ lại sinh mạng cho người khác trong vô vàn tuyệt vọng. Chiêu Anh như là một thánh nữ được phái xuống trần gian làm xoa dịu nỗi đau cho bà Diệu Lan, và để an ủi sự cô quạnh của người vú già chung thuỷ. Vùng ký ức của vú như đang được mở dần bằng cái chìa khóa hoen rỉ của trí nhớ khi lần đầu tiên ra mở cửa cho Chiêu Anh. Mỗi ngày một nhìn cô gái như chạm vào mớ hồi tưởng của vú, đã gợi lại nỗi ray rứt dằn vặt mà vú cố chôn thật sâu trong tim kể từ ngày ấy.

Một ngày, vì đêm qua cùng người bạn vui chơi trong ngày sinh nhật, Chiêu Anh thức dậy có chút muộn nên vội vàng sửa soạn aó mũ cho kịp đến nhà bà Diệu Lan.Vơ vội chiếc khăn trắng có hàng chữ thêu màu tím rồi buộc cao mái tóc đen lánh xõa dài như thường lệ. Nhận ra cũng thấy hợp với bộ áo đầm trắng nàng đang mặc. Cô gái chợt mỉm cười và nói thầm: “Mình sẽ cho bà ấy môt ngạc nhiên khi mình cột tóc lên cao”

Vú Đóa chợt rùng mình như sắp hóa đá, đứng chôn chân bên bực thềm khi Chiêu Anh hiện ra nơi ngưỡng cửa trong bộ áo đầm trắng, mái tóc đen láng xõa dài thường lệ lại được buộc cao lên bằng một chiếc khăn trắng, hai chéo khăn có những nét thêu chỉ tím mà vú đã từng thấy trên tay Diệu Lan ngày nào. Rồi vú ngắm lại cái vóc dáng đằng sau, rồi vú lại cố nhìn lại cái gương mặt xinh xắn tươi mướt của cô gái in đậm những dấu nét của bà Diệu Lan khi còn thuở hai mươi. Khúc phim mà vú cố quên được quay lại trong vùng hồi ức già cổi của vú thật rõ ràng, hiển hiện trước mắt vú làm vú chao đảo như bắt được cái hình nhân nhỏ bé năm nào mà vú đã có lần ôm chặt vào lòng hòa lẫn giòng nước mắt mặn đắng. Vú Đoá bàng hoàng đến ngây cả người khi nhìn Chiêu Anh đang nhẹ bước vào phòng của bà Diệu Lan. Vú Đoá như trong cơn mê chợt thức dậy, rôì tỉnh taó thật sự. Vú tự nói nhỏ với chính mình:
-Trời ơi, có lẽ nào đây là sự thật? Con bé ngày nào đây hay sao? Cái khăn tay mình đã cột cái rốn cho nó đây mà.

Chiêu Anh đã dùng chiếc khăn của bà Kim làm quà cho ngày sinh nhật 18 của nàng với câu nói khó hiểu của bà mẹ nuôi : " Con hãy giữ kỹ như là một vật quý nhất của con."
Một định mệnh, nhưng không còn là một định mệnh buồn nữa.Thượng đế hình như đã sắp đặt từ khi nào để hai mẹ con được tái hợp lại qua một thời gian dài mất biệt nhau. Vú Đóa đã cho người nữ chủ của mình biết trong nỗi khích động tràn sang bà Diệu Lan. Vú run rẩy, lập bập từng tiếng:
-Con gái của cô là Chiêu Anh, tôi đã thấy chiếc khăn của cô trên tóc nó.
Chiêu Anh mặc thêm chiếc áo len đen cho bà Diệu Lan, ngồi lại lâu hơn thường lệ để đàn lại những tấu khúc cổ điển mà bà yêu thích. Một ngày bình yên cho nàng đã qua, Chiêu Anh chào từ giã bà Diệu Lan sau khi rót thêm ly nước để trên bàn ngủ cùng viên thuốc an thần. Một linh tính mơ hồ đã làm cho nàng lại muốn ngồi lại thêm cùng bà nên cứ chậm chân không muốn bước ra khỏi cửa phòng.
-Hình như con còn điều gì muốn nói với ta?
- Vâng, đêm nay trời trở lạnh hơn, cô nhớ bảo vú hãy nhớ đóng các cửa sổ lại nhé.
- Ta thích ngắm trăng bên khung cửa sổ, nhưng nghe lời con ta sẽ dặn vú ấy khép hờ lại một cửa, có thể ta sẽ đẩy nhẹ ra khi ta cần ngắm.
- Vâng thưa cô, cô nhớ choàng thêm chiếc khăn len con để cạnh giường cho cô.
- Con về nhà ngủ , mai ta sẽ gặp con lại.
- Dạ, con chúc cô ngủ ngon .
Giòng nước mắt tự chảy từ khi nào trên đôi má xanh xao của người mẹ, nhưng khuôn mặt người bệnh thật rực rỡ cuả một vẻ đẹp hạnh phúc tuyệt diệu nhất khi được ở bên đưá con đã thất lạc trong hơn 20 năm qua.

Đêm nay, sau khi được vú Đoá cho biết Chiêu Anh là đứa con gái ruột thịt của mình, bà Diệu Lan bỗng trở lại bệnh nặng hơn. Những cơn sóng mạnh như vũ bảo dâng lên từ vùng sâu thẳm trong lòng Diệu Lan, đẩy nàng lên cao vút rồi lại vụt mạnh nhận chìm nàng xuống vào những con xoáy của vùng biển tối âm u. Khuya dần, dù đã được Chiêu Anh cho uống liều thuốc giảm đau, nhưng khi có những chao động kinh hoàng thì đã làm người bệnh không thể nằm yên và nhắm mắt ngủ say vì những viên thuốc. Lại những cơn đau muốn ngất lịm như thác lũ ào đến từng tế bào trong cơ thể, nàng cố kìm chặt để gượng dậy, tự nhấc cái cơ thể nhỏ nhoi yếu ớt, gầy ốm rồi ngồi được hẳn vào chiếc xe lăn đã bầu bạn cùng nàng trong những tháng năm chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo.

Bà Diệu Lan lăn xe nhẹ dần ra khỏi phòng ngủ, ngồi im lìm lặng lẽ bên cửa sổ phòng khách khép hờ như lời dặn với vú Đoá. Ánh trăng non chiếu nhẹ trên tấm màn voan. Làn gió đêm lạnh lẽo rùng cả mình nàng, nhưng nàng vẫn cảm thấy ấm lên như đang bên Khải đêm nào trong vòng tay nhiều hơi nóng của chàng, mê đắm, cuồng nhiệt và rồi hai thân xác đã trọn vẹn cho nhau không tiếc nuối, không hiện tại, không tương lai. Trong vùng ánh sáng mờ ảo, nàng thấy bóng dáng của chiếc xe kết đầy hoa vàng với bộ nhung phục cao sang của ông Vĩnh Ân đang đứng đón nàng trên đồi cao. Rồi cái thân thể dính đầy khói thuốc súng chen lẫn những vệt máu khô đen của Khải đang vẫy tay chào nàng trong khoảng không gian mù mịt sương giá, và nàng đang đi vào vùng sương gíá ấy.
Vú Đoá như đã ngủ quên vì nhiều giấc mơ kỳ lạ trong đêm qua, sáng sớm mai lại vú già lên mở cửa phòng khách, người thiếu phụ vẫn còn ngồi yên trên chiếc xe lăn từ đêm qua, chiếc khăn len màu trắng rơi xuống nằm đơn độc trên nền thảm màu ngà, gương mặt bình thản, đôi mắt yên ả nhắm kín, bức thư trên những ngón tay gầy xanh gần như sắp rơi xuống nền nhà .

Những dòng chữ nghiêng ngả, hình như người bệnh đã cố chống chọi lại cái lưỡi hái của thân chết vào đêm qua. Bà Diệu Lan đã cố gắng gượng viết ra những hàng chữ trên trang giấy trắng của cuốn sổ tay lớn ở trên bàn cạnh cửa sổ mà Chiêu Anh luôn để sẳn để ghi nhưng công việc cần phải làm trong ngày cho bà Diệu Lan. Hàng thư cuối cùng : "Bảo Lân con, mẹ đã có lại cái quý giá mà mẹ đã bị mất, đó là chị của con, Chiêu Anh. Đây là một ân huệ mà thượng đế dành cho mẹ. Mẹ đã thật sự thấy lại lẽ sống của mẹ, nhưng khi mẹ có được thì lại không được giữ lấy. Mẹ mong con hãy giữ dùm mẹ cái hạnh phúc lớn đó và hãy thương yêu chị của con ". Cuối thư ở góc bên trái tờ giấy, cùng chữ ký rõ ràng, hàng chữ lớn hơn viết đậm: " Những gì của tôi, bà Nguyễn Phước Vĩnh An, đều để lại cho con gái tôi, Sylvie Chiêu Anh Phạm, và con trai tôi, Nguyễn Phước Bảo Lân, cùng sự chia xẻ cho vú già Đóa."

***
Người nữ luật sư của sở Xã Hội cúi đầu chào và nói lời chia buồn cùng hai người thân nhân trẻ tuổi của người thân chủ vừa qua đời. Họ đã làm xong thủ tục pháp lý theo lời bà Diệu Lan để lại trong thư. Cánh cửa song sắt có cái khóa then bằng đồng sáng đã khép lại Phía trong cánh cửa là một thế giới mới vừa mở ra cho Chiêu Anh, một gia đình vốn là của nàng vừa được tìm lại. Bên ngoài cánh cửa ấy là đoạn đường dốc dài trải nắng vàng dẫn lên vùng đồi cao, nơi ấy là vùng cỏ xanh bên trời, và trong đám hoa dại vàng tươi có một bông hoa vàng úa ẻo lả, uốn mình theo cơn gió chiều .

Vạt nắng chiều dần tắt, lung linh chuyển mình và nhẹ chiếu những tia sáng yếu ớt nhợt nhạt, mong manh của một ngày tàn. Đồi cỏ xanh mướt, ngôi mộ mới đắp phủ đầy hoa vàng mới hái, nghĩa trang của vùng tư nhân trên đồi vắng quạnh quẽ hiu hắt tiếng gió ru. Hai chiếc bóng ngả dài trên nền cỏ xanh của sườn đồi lặng lẽ, đong đưa trong vũng sáng vàng vọt của một thế giới khác, bình yên hơn. Ngọn gió chiều thoảng nhẹ qua những rặng thông già nghe lao xao tiếng lá chạm vào nhau như ru ngủ người đã nằm yên. Khoảng không gian mơn man gây gây lạnh cùng cơn gió như muốn cuốn đi vào cõi tĩnh lặng những cánh hoa vàng rải trên nấm mộ mới, bay tan tác chập chờn như những cánh bướm vờn xôn xao, âu yếm quanh chân người con gái và người con trai. Chiêu Anh khẽ nói với em:
- Mình về nhà thôi em ạ, ngày mai lại lên đồi hái hoa vàng cho mẹ.

Những tia nắng cuối ngày mong manh dần dần biến mất sau rặng thông già cao ngất. Những ngọn cỏ non trên sườn đồi vẫn nhẹ lùa theo cơn gió chiều. Trên đồi, màu vàng của nắng sậm lại, hai chiếc bóng ngả chụm vào nhau rồi nhạt dần và tan nhòa vào bóng hoàng hôn. Hai chị em lại thêm một lần vẫy tay chạm vào môi hôn để chào mẹ thật buồn. Vạt nắng chiều đã hôn trả lại trên đôi má hồng của hai đứa trẻ vừa xa mẹ trong đời.

Phoenix, AZ
12/2021
Võ Hương Phố

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét