Thứ Hai, 9 tháng 10, 2023

Gửi Nơi Cuối Trời


Chuyện người, như chuyện mình, như sóng uất hờn muôn đời còn cuộn dậy trên Biển Đông!

Lòng thành kính biết ơn xin gởi đến tất cả các quốc gia, cơ quan chính phủ; tất cả những người đã cứu giúp, đã cưu mang thuyền nhân Việt Nam; trong đó có bốn ngư dân Mã Lai nhân từ đã quay hai chiếc ghe đánh cá nhỏ trở lại, để cứu vớt hai sinh mạng đang bơi trong sóng nước, chơi vơi ngoài biển khơi…

Sau cùng, và là trên hết:
Xin tạ ơn Ơn Trên đã cho tôi được sống, sống sót, và được làm người tự do!
(Trích đoạn/ chương Để Ghi Nhớ/ Thuyền Đời)
. . .
Trời chưa sáng hẳn, gió chắc còn say ngủ nằm yên đâu đó, không khí chừng như không di động. Căn phòng nhỏ, chứa đến 9 người, hơi nóng tù túng hâm hẩm. Không khí trong đây cô đọng, đặc sệt các thứ hơi hám hỗn tạp từ người, từ các vật dụng cũ kỹ của người đi định cư để lại cho thuyền nhân mới đến, cùng mùi oi nồng của xác rệp. Thiếu thoáng khí, dễ gây khó chịu, nhưng lại quen thuộc như những đêm còn nằm trong trại tù của quân cưỡng chiếm miền Nam. Vạc cây rừng ghép lại thành một sạp dài, làm chỗ nằm cho cả phòng; cái chông chênh khấp khểnh dưới lưng, làm giấc ngủ thêm trăn trở khó ngủ. Mấy ngày nay, lắm lúc tôi ngỡ ngàng, khi buổi sáng tỉnh giấc ngủ, thấy mình đang nằm ở trên đảo Bidong, đang mang đời lưu vong, và quê hương Việt Nam đã xa mịt mờ nơi cuối trời.

Giờ thì đã có ánh ban mai của một ngày mới, sáng dịu dàng bên khung cửa sổ. Tia sáng lấp lánh qua các khe hở tròn tròn, dài dài, đủ các hình thể trên vách. Vách là cấu trúc chèn ghép các vật liệu với nhau, để tạo thành tấm vách, trông giống như tấm vách. Một kết hợp tạp nhạp bằng các vật liệu thu nhặt được trên đảo như các mảnh ván tàu đen mốc, miếng tôn rỉ sét, tấm giấy cứng từ thùng đựng hàng hóa, miếng vải bao gạo, tấm nhựa,… bất cứ thứ gì có thể gá vào nhau để tạo bóng mát, che cái nóng gay gắt của mặt trời nhiệt đới, hay chặn bớt luồng mưa theo gió tạt vào bên trong của nơi tạm gọi là nhà. Trăn trở mãi cũng không ngủ thêm được, tôi khẽ ngồi dậy, tránh khuấy động những người còn nằm ngủ chung dãy sạp với mình. Lấy khúc thuốc đã hút một đoạn đêm hôm qua, cất để dành trên khung cửa; tôi thả bộ xuống bãi biển.

Sáng sớm, nhưng không phải chỉ có mình mới thức sớm. Đã có người ra đây từ hồi nào rồi. Không muốn quấy rầy những người ngồi một mình, tôi theo khói thuốc phía trước, đến một nhóm thuyền nhân để nhờ mồi thuốc. Quanh tôi là những người đã cao tuổi; không biết vì giấc ngủ đã trở thành khó khăn nên ngắn đi, hay vì khắc khoải ưu tư thương nhớ quê nhà. Tất cả hầu như lặng yên, chỉ ngồi hút thuốc, hay … ngồi nhìn ra khơi.

Khu này, bãi biển trống thoáng, không có các xác tàu thuyền. Hình ảnh ghe tàu nằm trơ trụi trên bãi cạn, thân gỗ vỡ bể, phòng lái tan hoang… trông buồn lắm! Nhiều ghe tàu vẫn còn đọc được số tàu, những dãy chữ số từ nước Việt mình đấy… Xác chiếc ghe của chúng tôi không xa nơi đây, cách bờ biển Terengganu chừng 8 hải lý. Khối động cơ nặng nề đã kéo nửa sau của chiếc ghe cùng những người bạc mệnh chìm xuống đáy biển. Đoạn mũi ghe trống nhẹ, bị dây neo giữ lại, giờ chắc còn nằm nhấp nhô trên sóng, gần nơi bị hai chiếc tàu hải tặc Thái húc cho gãy đôi.

Biển lặng, sóng đùa vào, trườn rì rào trên mặt san hô. Ngồi an toàn trên đất liền và ngắm nhìn làn sóng đã êm dịu khi vào đến bờ; đại dương lúc yên bình trông thật yên bình, thật dịu hiền, rất dễ thương. Trong sóng cuộn dậy ngoài khơi, ôm tấm ván vụn và trôi dạt qua đêm trên Biển Đông thì khác lắm; biển với trời cùng là bóng tối mênh mông và đêm đen hãi hùng dài như bất tận. Ánh sáng của một ngày mới đã không bao giờ đến với nhiều người cùng ghe, và hàng trăm ngàn thuyền nhân người Việt mình.

Xa xa phía trước là cầu Jetty dài thẳng tấp. Tôi trải mắt nhìn dọc theo hàng trụ đều đặn, đến khi các nhịp cầu mờ chìm vào màn sương mù là đà trên mặt nước. Khung cảnh cầu tàu nằm trên mặt biển mờ dần trong sương mù, trông an bình, đẹp thơ mộng. Đây là một trong biết bao công trình đáng ghi nhớ của Khối Xây Cất. Một trong các hình ảnh khó quên và dễ nhận ra trại tỵ nạn Pulau Bidong, đó là cầu Jetty. Jetty là cây cầu nổi, dài hơn 100 mét, được bắt ra từ bờ ra biển, tạo chỗ cho tàu cập bến. Đây là nơi đón thuyền nhân mới đến đảo, nơi tiễn người ra đi định cư, và còn là nơi hẹn hò tình tứ khi hoàng hôn về, trong những đêm trời biển yên bình, thuận hòa.

Đêm ghe sắp đến cửa biển, bóng dáng cầu tàu dẫn lên trạm công an biên phòng, chừng như đã làm bảy mươi ba trái tim của người vượt biển trên ghe chúng tôi đồng ngưng đập... Hình ảnh cầu tàu gợi nhắc đến bến nhà và các cửa biển trên quê hương Việt Nam, nơi ghe mình đã từng ghé qua và từ đó chạy ra ngoài khơi. Cũng chính những bến tàu ấy, người vượt biển không may bị bắt lại sẽ phải lê bước lên đồn công an, giao số mệnh cho kẻ có súng đạn trong tay. Chiều tối mấy hôm trước đây, chúng tôi đã được bước lên cầu Jetty, lếch thếch đi vào trại tỵ nạn Bidong. Chúng tôi may mắn đã sống sót, còn được thấy một ngày mới và được làm người tự do!


Cầu Jetty đã chào đón và tiễn đưa người tị nạn cộng sản đến thế giới Tự Do, gắn liền với chuỗi ngày tạm trú trên Bidong, đã lưu lại lắm kỷ niệm trong lòng người tỵ nạn. Với những thuyền nhân đã từng ở đảo Bidong, ngày tiễn người rời đảo, có lắm niềm vui và cũng lắm nỗi buồn. Bài đọc tiễn người đi định cư cùng các ca khúc như Biển Nhớ, Nghìn Trùng Xa Cách… từ Khối Thông Tin của trại, đã làm xúc động lòng người ra đi và người còn phải ở lại đảo. Phải công nhận lời nhạc Biển Nhớ và Nghìn Trùng Xa Cách, cũng trùng hợp với tâm tình tiễn biệt nơi đây lắm. Lắm nước mắt cho người còn phải ở lại đảo và cũng lắm nước mắt cho người được ra đi định cư. Biển Nhớ và Nghìn Trùng Xa Cách do hai tác giả khác nhau sáng tác và có nhiều ca sĩ đã hát hai bài này. Tựa bài hát nhắc nhớ đến những ca sĩ đã từng hát và được ái mộ, trong đó có Lệ Thu. Chị đến đảo này trước tôi, từ hôm tháng 11 năm 1979. Tin chị có mặt tại Bidong, truyền tai nhanh chóng. Tôi đến đảo buổi tối, sáng hôm sau đã có anh hàng xóm nói cho tôi có biết là “có Lệ Thu đang ở Bidong”. Thế là tôi được nghe chuyện chị vượt biên: Lệ Thu và con gái út vượt biển tìm tự do. Chuyến đi có vài nghệ sĩ khác như Ngọc Minh và Hoàng Thi Thao … Chị đã đến trại Bidong và đang chờ đi định cư…

Có tiếng phát thanh từ Khối Thông Tin!
Vậy là đã 8 giờ sáng rồi; tôi đứng dậy, đi nhận công tác trong trại.

Khối Thông Tin Văn Hóa ngoài việc chăm sóc thư tín cùng quà cáp của đồng bào mình, còn thường xuyên tổ chức chương trình văn nghệ với những nghệ sĩ từ Sài Gòn và các tỉnh ở miền Nam tự do, để sưởi ấm tình dân tộc, lòng yêu nước của mọi người trên đảo. Không như cái giọng nói chói tai xóc óc kỳ lạ, từ các loa phát thanh của phường khóm trong chế độ đang cai trị Việt Nam hiện nay; tiếng nói từ Khối Thông Tin nơi đây như tiếng chim thân ái gọi đàn, đem hy vọng và tình thương sưởi ấm lòng người ly hương trên đảo.

Buổi trưa nhàn hạ, tôi rời chỗ tạm trú, đi lòng vòng đảo. Rẽ sang phải một lúc, trước dãy nhà bên đường có nhóm người ngồi quanh một miếng ván, được kê cao bên trên mặt đất vài gang tay, làm mặt bàn. Trên bàn có các món thức uống dở dang, bình trà, ly cà phê cùng năm ba gói thuốc lá… Từ xa xa, người gần đấy đã nghe tiếng đàn và tiếng hát; tiếng hát của Lệ Thu. Nhiều năm lắm rồi, tôi chưa được nghe lại tiếng hát của chị. Sau khi chiếm được Sài Gòn, nhà cầm quyền đã khởi động chiến dịch bài trừ văn hóa miền Nam. Họ xua thanh thiếu niên cột băng đỏ, vênh váo đi lùng xét, để tịch thu và đốt tất cả sách, báo, băng nhạc tại Sài Gòn và các tỉnh thành ở miền Nam. Như sách và báo, nhạc của miền Nam cũng bị liệt vào loại quốc cấm, “văn hóa đồi trụy”. Chế độ cộng sản dùng quyền lực hủy diệt văn hóa và cấm đoán văn nghệ sĩ miền Nam; dành độc quyền cho các loại văn nô, chuyên hát hò ca tụng đảng và chủ nghĩa. Đã lâu lắm rồi tôi mới được nghe lại các sáng tác của văn nghệ sĩ miền Nam mình và lại được nghe chị hát; hát từ trại tỵ nạn Bidong, từ Mã Lai. Hôm ấy, chị hát với Tây Ban Cầm đệm nhạc, thật giản dị. Tiếng hát của chị tự nhiên, không làm dáng, không tạo nét cầu kỳ, không khoe giọng; như gởi tâm tình mình, nên dễ truyền cảm hơn. Tôi đứng cùng một nhóm người trên đảo, nghe chị tâm tình cùng tiếng đàn; bài hát dở dang như chuyện tình đã phải nghìn trùng xa cách:

“Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa mà giữ cho người...
Trả hết về người chuyện cũ đẹp ngời
Chuyện đôi ta buồn ít hơn vui
Lời nói, lời cười
Chuyện ngắn, chuyện dài
Trả hết cho người, cho người đi…”

Lệ Thu rời trại tỵ nạn năm 1980.


Năm 1981, tôi lại được nghe chị hát. Tiếng hát từ băng nhạc có tựa đề là “Lệ Thu – Hát Trên Đường Tử Sinh”, do Trung Nghĩa hòa âm, từ phòng thu âm của Sóng Nhạc (Sóng Nhạc mới thành lập tại Hoa Kỳ, sau ngày mất nước). Thời đó, nhạc được ghi âm trên băng nhựa gọi là băng cassette. Trên các quốc gia định cư ngoài nước Hoa Kỳ, người xa quê hương tìm mua được băng nhạc Việt Nam thì mừng và quý lắm. Như tên tựa, “Hát Trên Đường Tử Sinh” gồm có 10 bài đều do Lệ Thu hát. Trong chủ đề “Hát Trên Đường Tử Sinh”, Lệ Thu đã hát một số bài đã có trước khi miền Nam bị cướp mất Sài Gòn, cùng những bài mới sau này; mới sáng tác trong thời kỳ đầu ở hải ngoại, với những ca khúc viết về tình cảnh, tâm trạng của thuyền nhân, của người Việt lưu vong, … do Phan Kiên biên soạn như bài Sài Gòn Của Tôi, và ca khúc Lấp Biển Vá Trời của Phạm Duy.

Phạm Duy đã viết Lấp Biển Vá Trời như sau:

“Chúa đã phán rằng có được niềm Tin
Thì mình có thể vá được trời xanh
Xê dịch núi rừng, lấp cạn trùng dương
Anh có nghe chăng?
Anh có nghe chăng lời em khấn nguyện
Khấn vái có ngày rung được trời đất
Ðể người yêu vượt thoát khỏi ngục thất
Bay được lên trời, hay vượt biển khơi.
Anh đến bên em
Anh đến bên em gần nhau suốt đời...

Ðịa ngục nơi chốn quê hương
Ðịa ngục trong bước tha phương.
Em khóc Ðông Dương cùng chung số phận
Khóc thân anh vùi trong đói lạnh
Khóc cho tâm hồn em héo hon
Hồn em rách bươm.

Trận cuồng phong có đâu xa
Trận cuồng phong cuốn trong ta
Nơi trái tim em nổi cơn sóng thần
Sóng tung cao từng cơn uất hận.
Trái tim hay biển không đáy đây?
Ðể em đắng cay!

Nếu vẫn khó lòng vá được trời xanh
Phận hèn không thể lấp cạn đại dương.
Xin được sống còn, giữ vẹn lòng son
Xin mãi yêu thương
Xin mãi yêu thương người nơi cuối đường
Chúa sẽ thương tình vá lại hồn em.
Bằng niềm Tin để lấp biển sầu thương
Sống được trong đời, hy vọng còn nuôi
Nuôi mãi tin yêu
Nuôi mãi tin yêu, gửi nơi cuối trời ...”


Mở đầu cho bộ băng nhạc “Hát Trên Đường Tử Sinh” có đoạn nói rằng:

“Hát, không chỉ có nghĩa đem đi xa hơn những nỗi niềm, những cảm xúc có trong một nhạc phẩm.
Hát, cũng không chỉ có nghĩa thả vào không gian với một khoảng thời gian hữu hạn nào, những ý, tình, những hân hoan, đọa lạc của một nhạc sĩ.
Hát, hiểu theo nghĩa một nỗ lực tinh thần, một cố gắng tích cực thắp sáng đời sống, thắp sáng hạnh phúc, dù cho đó là thứ hạnh phúc có từ một vết thương.
Hát, hiểu theo nghĩa bằng chính tiếng hát đó, những cảm nhận, những bày tỏ qua âm nhạc của ta, phải trở thành bất tử.

Và sau cùng, hãy thử hỏi, ta có được bao nhiêu người mang sẵn trong tiếng hát của họ cùng lúc mặt trời và bóng tối.
Ta có nàng như ta có trong ta nỗi tử sinh”

Vòng tử sinh vẫn tròn xoay!

Những tiếng hát, cho dù đã hát trên đường tử sinh; tiếng hát cuốn theo sóng, “sóng tung cao từng cơn uất hận”, và rồi sóng cũng vỡ tan thành bọt biển. Bọt biển tan trong đại dương. Tiếng hát chìm lắng trong lòng người. Và lời nhạc chừng như cũng theo thời gian mà mờ chìm vào quên lãng …

Ngoài khơi, Biển Đông chắc vẫn còn dậy sóng!
“Xin được sống còn, giữ vẹn lòng son”
Và xin được … gửi nơi cuối trời …

Bùi Đức Tính

Audio/ Chuyện Non Nước Mình:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét