Thứ Tư, 27 tháng 9, 2023

Chuyến Viếng Thăm Nước Pháp Của Vua Charles III Và Hoàng Hậu Camilla


Lẽ ra Vua Charles III của vương quốc Anh đã được mời chính thức viếng nước Pháp từ ngày 26 tháng ba năm nay, 2023, nhưng lúc ấy thủ đô Paris bị những nhóm người chống đối việc tăng tuổi đi hưu từ 62 lên 64, họ xuống đường biểu tình hàng ngày và đốt phá, nên cuộc viếng thăm phải dời đi.
Sau khi lên ngôi, kế vị mẹ là Nữ Hoàng Elizabeth II từ tháng 8 năm 2022, để thực hiện cuộc viếng thăm đầu tiên trên lãnh thổ một quốc gia bạn, nhà vua ngỏ ý muốn đến nước láng giềng gần nhất là Pháp, Vua Charles III còn dự trù sau đó sẽ viếng thăm luôn nước Đức. Nhưng thời thế ở Pháp đã không cho phép, nhà Vua đành đến thăm Đức và sau đó thăm Roumanie.

Hôm nay thời điểm đã thuận tiện, nước Pháp hân hoan mở rộng cửa mời vị Vua vừa lên ngôi đến thăm viếng xứ sở mình trong ba ngày liên tiếp.

Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân nghênh đón trọng thể Vua Charles III và Hoàng Hậu Camilla của Vương Quốc Anh với tất cả những lễ nghi dành cho thượng khách.

Tại Khải Hoàn Môn, nhà Vua Charles III và Tổng Thống Macron đã đến đặt hoa và thắp lửa cho ngôi mộ chiến sĩ vô danh với lễ chào cờ Anh và Pháp. Trong khi quốc thiều Pháp trỗi lên, 9 chiếc máy bay của Pháp và 9 chiếc của Anh bay ngang Khải Hoàn Môn vừa thả khói ba màu xanh trắng đỏ, quốc kỳ Pháp. Vua Charles III và TT Macron cũng đi duyệt binh và ra bắt tay dân chúng tụ tập ven đại lộ Champs Élysées.
 

9 chiếc phi cơ thuộc đoàn bảo vệ không phận Pháp có tên "Patrouille de France" và 9 chiếc "Red Arrows" của Anh cùng bay trên nền trời Paris vừa thả khói tuợng trưng quốc kỳ Pháp.


Từ Khải Hoàn Môn, Nhà Vua Anh và Tổng Thống Pháp trở về họp riêng ở Điện Élysée trong chiếc xe Citroën DS 7 mui trần, chạy trên Đại Lộ "Champs- Élysées” được sự hộ tống rầm rộ của 136 con kỵ mã và đoàn lính moto.
 

Trở về Điện Élysée, trong khi nhà Vua và Tổng Thống họp riêng để trao đổi, Hoàng Hậu Camilla và Đệ Nhất Phu Nhân Brigitte Macron có vẻ rất thân thiện. Bà Brigitte không nghiêng mình cung kính chào Hoàng Hậu theo đúng lễ nghi hoàng tộc mà ôm hôn lên má Hoàng Hậu Camilla. Cũng như Tổng Thống Macron đã thân mật chạm vào cánh tay nhà Vua khi ở Khải Hoàn Môn làm dân Anh sôi nổi bàn luận trên mạng xã hội vì đó được xem là “phạm thượng”, một điều cấm kỵ trên nước Anh.

Buổi tối, một bữa tiệc linh đình ở Cung Điện Versailles với một bàn ăn dài 62 thước và 160 thượng khách được mời cùng vào bàn ẩm thực với Vua và Hoàng Hậu Anh quốc. Thực đơn do 3 đầu bếp danh tiếng thực hiện, mỗi người đảm trách một phần. Món khai vị là Tôm hùm và Cua. Món chính là Gà vùng Bresse nấu với rượu champagne. Món phó mát với 3 loại khác nhau. Tráng miệng là món bánh thơm mùi hoa hồng và trái framboise (giống như dâu Tây) do nhà làm bánh nổi tiếng Pierre Hermé đảm trách. Tất cả được phục vụ với các thứ rượu thượng hảo hạng của Pháp.
 

Trong Galerie des Glaces, huy hoàng, tráng lệ của Cung Điện Versailles. Bàn tiệc dài 62 thước để cho 160 thượng khách cùng ngồi chung bàn với nhà Vua và Tổng Thống để thưởng thức một bữa tiệc thịnh soạn.


Vua Charles III và Tổng Thống Macron chúc mừng tình hữu nghị Anh-Pháp. Nhà vua mong muốn hai nước làm nồng ấm lại (revigorer) mối liên hệ giữa hai nước trước những thách thức và khó khăn của thế kỷ 21.

Chuyến viếng thăm nước láng giềng lân cận này cho thấy Vua Charles III và Thủ Tướng gốc Ấn Rishi Sunak muốn kết chặc liên hệ với Pháp. Sau những chao đảo và hậu quả tai hại của cuộc Brexit để nước Anh rời Liên Hiệp Âu Châu, hai cựu Thủ Tướng Boris Johnson và Liz Truss đã nhiều lần nhắc lại quá khứ với đầy những tranh chấp giữa Anh và Pháp và thường lên tiếng châm biếm nước láng giềng, làm giao hảo giữa Anh và Pháp căng thẳng. Từ sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6/2016 với 51,9% người dân Anh muốn ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu… tình hình kinh tế của vương quốc này xuống dốc thảm hại … các ngân hàng lớn rời London để đến Paris hay Francfort. Lúc trước London là Trung Tâm tài chính của Âu Châu nhưng sau Brexit vị trí này không còn nữa. Bị cô lập trên hòn đảo của mình, nước Anh gặp phải nhiều trở ngại về giao dịch, về thương mại, kinh tế sa sút, lạm phát tăng cao, khí sưởi khan hiếm làm người dân phải chọn hoặc để tiền cho việc sưởi ấm hoặc ăn uống, bịnh viện khan hiếm thuốc men, bác sĩ y tá biểu tình vì không có đủ điều kiện để làm việc…
Bây giờ, sau vài năm độc lập với Liên Hiệp Âu Châu, 60% người dân hối tiếc đã chọn lầm đường.

Ngày thứ nhì ở Pháp, Vua và Hoàng Hậu đi viếng Thánh Đường Đức Bà đang được sửa chữa sau trận hỏa hoạn cũng như vài nơi khác của Paris.
Ngày cuối cùng, thứ sáu 22 tháng 9, trước khi rời Pháp, vua Charles III và Hoàng Hậu sẽ đến thăm Bordeaux, có 39 000 người dân Anh chọn nơi đây để cư ngụ.

Nên biết, vùng này (Aquitaine) trong 3 thế kỷ từ năm 1154 đến năm 1453, thuộc về vương quốc Anh. Thời gian đó Vua của vương quốc Anh cũng là “Duc d’Aquitaine”. Nhưng năm 1453 nước Pháp muốn chiếm lại vùng này qua một trận đánh ở Castillon, tướng Anh John Talbot đem 4000 quân băng qua biển cả, đến tiếp viện từ Anh bị tử trận trên chiến trường và binh lính Anh phần thì chết vì những mũi tên của kỵ binh Pháp, phần bỏ chạy qua dòng sông Dordogne và bị chết đuối. Giai đoạn này cũng chấm dứt cuộc chiến 100 năm, âm ỉ giữa Anh và Pháp. Đến năm 1475, Anh chính thức công nhận chủ quyền của Pháp và từ bỏ mọi toan tính xâm chiếm lãnh thổ đẹp đẻ và giàu có của xứ này.

Nhắc lại, trong vòng ba thế kỷ vùng Aquitaine trực thuộc Vương quốc Anh, một vì vua được nhiều người biết đến là Richard the Lionheart. Hoàng tử Richard sinh ra ở vùng Aquitaine, khi anh là Henry the Young King (Henri le Jeune) vua nước Anh bất ngờ vào năm 1183 băng hà ở tuổi 28 sau 12 năm trị vì ở Anh quốc, Richard the Lionheart
lên ngôi vua nước Anh vừa là vua của vùng Aquitaine.

Nói vậy để thấy mối liên hệ chồng chéo giữa Anh Quốc và Pháp từ xa xưa… và sau đó những tranh chấp dưới thời Napoleon làm hai nước có những oán hờn… không muốn khơi lại nhưng lịch sử vẫn còn đó.

Sống trên vùng đất sản xuất rượu ngon trong 3 thế kỷ, nên dân Anh rất thích uống rượu Bordeaux, hàng năm dân Anh nhập cảng 100 000 thùng gỗ rượu của vùng này (tương đương với 60 triệu lít). Đổi lại vùng này mua của Anh len từ lông cừu và vải vóc để làm khăn trải giường.

Nền văn hóa và tiếng Pháp rất được giới thượng lưu Anh yêu chuộng, Nữ Hoàng Elizabeth II và phu quân là Hoàng Thân Philip nói thông thạo tiếng Pháp. Năm 1968, vừa 20 tuổi Thái Tử Charles đang là sinh viên đại học Cambridge, băng qua biển Manche để viếng thăm nước Pháp và… yêu thích văn hóa, ẩm thực, ngôn ngữ của nước này… cũng như các vị tiền bối của Thái Tử từ Nữ Hoàng Victoria, Nữ Hoàng Elizabeth II…. đều có những chuyến du lịch lâu ngày ở Pháp. Ngày xưa trong mọi Hoàng Cung Âu Châu từ Anh, Áo, Nga … đều dùng tiếng Pháp để trao đổi vì đó là ngôn ngữ của sự thông thái và hiểu biết. Phải chăng vua Charles III của vương quốc Anh là vì vua cuối cùng xử dụng thông thạo Pháp ngữ ? Thái Tử William ngày nay không học tiếng Pháp vì cho là ngôn ngữ này đã… lỗi thời trước Anh ngữ.

Thời gian sẽ trả lời, nhưng hy vọng mối giao hảo Anh Pháp được tốt đẹp và sẽ đem lại thịnh vượng cho cả hai nước bên bờ biển Manche.

Paris, 21 tháng 9 năm 2023
Thanh Vân tường thuật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét