Con người sống trong hai thế giới, thế giới bên ngoài và thế giới bên trong. Nhưng thường khi chúng ta chỉ biết thế giới bên ngoài, bởi vì từ sáng tới tối chúng ta bị lôi cuốn ra thế giới bên ngoài, hơn nữa có tới năm cửa để mỡ ra bên ngoài và chỉ có một cửa để mỡ vào thế giới bên trong. Năm cửa đó là ngũ quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và cửa kia là ý thức. Vả lại chúng ta không quen để quay cái nhìn vào bên trong và cũng không biết rằng con người có một đời sống tâm linh rất dồi dào, nếu biết khám phá và khai thác nó.
Thế giới bên ngoài là thế giới của vật chất, của các sóng ba động,là đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học tự nhiên. Còn thế giới bên trong thuộc tinh thần, tâm linh; nó được quan tâm bởi các nhà tâm lý học, tâm não học và các thiền gia.
Thế giới nội tại rất phức tạp nó bao gồm nhiều yếu tố có khi ý thức được, có khi không. Các nhà tâm lý học phải tự rèn luyện trí tuệ để quan sát nó, hoặc phải dùng những phương pháp khoa học tân thời để đối tượng hóa nó. Các thiền gia phải dùng thiền định để nội quán nó.Chúng ta thử khám phá cái thế giới này.
Trước hết là Ý THỨC(conscience) , hay cửa ý là cánh cửa mở vào thế giới bên trong. Trong ý nghĩa này nó tương đương với 5 giác quan mở cửa ra thế giới bên ngoài. Ý thức là giác quan thứ sáu.Trong ý nghĩa thứ 2, Ý thức hay tâm thức bao gồm tất cả các loại tâm (theo tâm lý học Phật giáo có tất cả 89 loại tâm hoặc 121 loại tùy theo kể thêm những yếu tố chứng thiền trong các loại tâm siêu-thế).
Theo nhà tâm-não-học Pháp Stanislas Dehaene trong sách Le code de la conscience, thì Ý thức có 2 thành phần là sự Tỉnh thức (Éveil) và sự Nhận Biết (perception consciente).Phải tỉnh thức thì mới nhận biết được.Có những dấu chỉ sinh học chứng tỏ rằng một tín hiệu (information,signal) được ý thức nhận biết: như dấu chỉ ghi nhận được bởi điện-não-đồ (EEG) là sự xuất hiện của sóng P3, còn gọi là sóng P300 bởi vì nó xuất hiện khoảng 300 millisecondes (ms) sau khi hình ảnh được trình diện trước mắt, sóng này mạnh gấp 2,3 lần (vài microvolts) các sóng vô thức nhưng đủ để chứng tỏ sự khác biệt giữa sóng vô thức và sóng ý thức.(trang175, hình 18)
Sau đó TRÍ NHỚ là khả năng tinh thần khiến ta có thể khơi lại những gì đã được ghi chép và lưu giữ trong ký ức, khơi lại những kỷ niệm mà mỗi lần nhớ đến ta có thể mũi lòng thương khóc hoặc rộn ràng vui sướng. Một quang cảnh hay một bài hát có thể gợi cho ta cả một khung trời dỉ vãng. Sở dĩ như vậy là vì Trí nhớ được hình thành nhờ 4 tiến trình sinh động sau đây:
* Chép nhớ ban đầu (encodage)
* Lưu trữ (stockage)
* Khơi lại (restitution)
* Sự quên (oubli)
Trong đời sống thường nhật sự nhớ lại đôi khi xảy ra một cách tự động, không cố ý; cũng như tự nhiên ta nhớ đến tòa đô thị Sài Gòn. Nhưng thường khi muốn nhớ lại ta phải cố tâm như trong lớp học chẳng hạn và phải lập đi lập lại nhiều lần.Cái khung cảnh ghi nhớ ban đầu và cái xúc cảm kèm theo lúc đó sẽ làm in dấu lâu bền 1 kỷ niệm.Như vậy yếu tố tình cảm và cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong sự ghi nhớ, do đó khoảng đời từ 15 tới 30 tuổi chứa đựng nhiều kỷ niệm nhứt, vì nó trùng hợp với khoảng sống mà ta có nhiều quyết định và chọn lựa quan trọng về nghề nghiệp, về tình yêu...
Kế đến TƯỞNG TƯỢNG là một tác động của tâm làm cho một hình ảnh, một âm thanh mà chúng ta đã biết qua trong quá khứ, xuất hiện ra trong hiện tại và sau đó tâm điều khiển cái hình ảnh hay âm thanh đó diễn biến theo một bố cảnh (scénario) nào đó. Tưởng tượng dựa trên trí nhớ để khơi lại và trên tri giác để làm rõ nét và sau đó nó làm công việc của chính nó. Nếu dừng lại ở hai giai đoạn đầu thì tưởng tượng chỉ là trí nhớ và tri giác thôi.
Tưởng tượng được xử dụng nhiều bởi các văn nghệ sĩ để sáng tác, để diễn dịch cái nhìn, cái rung cảm của mình trước thiên nhiên hay thực tại của đời sống.
Trong thế giới nội tại còn có phần tình cảm và cảm xúc:
TÌNH CẢM là sự đánh giá về cảm tính (affectivité) trên một cảm giác. Cảm giác thì có dễ chịu, khó chịu và trung tính. Dễ chịu sinh ra ưa thích, muốn có nữa; khó chịu sinh ra ghét bỏ, muốn xa lánh; còn trung tính thì sinh ra dửng dưng, nhưng cũng có thể sinh ra ưa thích vì tính cách không thiên vị, an nhiên tự tại của nó.Tình cảm chính là thái độ ưa thích, ghét bỏ, hoặc dửng dưng trước một cảm giác.
CẢM XÚC là một phản ứng tự động, nhanh lẹ nhưng chóng qua của cả thân và tâm trước một tình huống, một biến cố xảy ra bất ngờ từ bên ngoài (nhưng cũng có thể từ bên trong do nhớ lại). Nó được biểu hiện bằng những biến đổi trên sắc mặt và bên trong cơ thể hay trong óc não. Những sự thay đổi nầy rất chuyên biệt cho mỗi loại cảm xúc.
Có 5 loại cảm xúc căn bản được thừa nhận bởi nhiều khoa học gia khác nhau: vui sướng, buồn sầu, giận dữ, sợ hãi, ghê tởm [Darwin (1872), Ekman (1982), Mac Laun (1993), Izard (1997)]
Năm loại cảm xúc nầy có tính cách bẩm sinh phổ quát (universel). Từ đó sẽ phát sinh những cảm xúc thứ phát (secondaire) do sự tương tác giữa môi trường sinh sống và con người với tất cả cá tính, kinh nghiệm sống và sự hiểu biết của mình.
Công dụng của cảm xúc là để diễn tả tâm trạng và thái độ của mình trước một tình huống, đó là một cách để liên hệ trao đổi giao lưu với thế giới bên ngoài. Ngoài ra là để thích ứng với môi trường sống bằng những cách hành xử :
*Chẳng hạn vui sướng là để tăng cường mối dây liên lạc với người khác.
*Buồn sầu là để lôi cuốn sự giúp đỡ, thương hại.
*Giận dữ là để răng đe đối thủ hầu giới hạn sự đụng chạm.
*Sợ hãi là để tăng cường phản ứng thích ứng (chiến đấu, rút lui hay bất động)
*Ghê tởm là để tránh né những gì mình không ưa thích.
Năm yếu tố trên đây: ý thức, trí nhớ, tưởng tượng, tình cảm và cảm xúc rất dễ nhận diện khi nó xuất hiện ở trong tâm. Những yếu tố sau đây mới khó phát hiện:
1/-KIẾN THỨC hay TRI THỨC là tất cả những hiểu biết và kinh nghiệm mà chúng ta có được từ bé thơ sống trong gia đình, rồi đi học ở nhà trường và ra đời trong cuộc sống. Tất cả mọi học hỏi đều bắt đầu bằng sự quan sát. Quan sát không phải chỉ bằng mắt mà bằng cả 5 giác quan.
Từ sự quan sát con người ghi chép, mô tả, phân loại các sự vật, các hiện tượng ở trong hai thế giới. Thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước làm công việc nầy bằng những phương tiện mà thế hệ mình phát minh được ; trước kia bằng loại kính hiển vi thường, ngày nay bằng loại kính hiển vi điện tử, trước kia bằng quang tuyến X, bây giờ bằng Chụp Cộng Hưởng Từ (IRM)hoặc bằng Scanner. Người ta nói một học sinh trung học ngày nay hiểu biết nhiều hơn các nhà bác học thời Galilée.
Phương tiện thứ nhì sau quan sát là sự học hỏi và ghi nhớ. Nếu không ghi nhớ thì mọi kiến thức đều tan biến, trả lại thầy. Nhưng nếu dừng ở đây thì kiến thức của chúng ta chỉ là kiến thức sách vở, từ chương, kiến thức của người khác nếu chúng ta không biết suy nghĩ, giải đáp những vấn nạn còn tồn đọng của các thế hệ trước. Vậy thì phương tiện thứ ba là suy nghĩ, tư duy để phát minh, phát kiến.
Tới đây cũng chưa đủ, phải đem những suy nghĩ của mình đặt thành giả thuyết để đưa vào phòng thí nghiệm hay đưa ra thực nghiệm. Bao giờ thí nghiệm thành công thì giả thuyết trên trở thành một nguyên lý, một kiến thức mới cho nhân loại. Thí nghiệm có thể chỉ xảy ra trong đầu óc của một thức giả hay một thiền gia. Như một NEWTON nhìn thấy trái táo rơi đã tìm ra được Định Luật Hấp Dẫn Vũ Trụ hay một HUỆ NĂNG khi chứng nghiệm « Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ Tâm » đã chứng ngộ. Đó là quý vị nầy đã trải nghiệm quá trình tư duy hay thực hành thiền cho đến độ chín mùi để thoát nhiên trí tuệ trực giác bừng sáng.
Như vậy theo quan điểm của Phật Giáo có 4 tầng tri thức :
* Tri thức do quan sát (thức tri)
* Tri thức do học hỏi, ghi nhớ (tưởng tri)
* Tri thức do suy tư (tuệ tri)
* Tri thức do trực giác nhờ sự thực hành(giác tri).
QUAN SÁT=>HỌC HỎI, GHI NHỚ =>SUY TƯ=>THỰC HÀNH (kinh nghiệm trong cuộc sống, thử nghiệm trong phòng thí nghiệm,thiền định trong các tu viện)
2/-THÓI QUEN của THÂN và TÂM trong đời sống
Mặc dầu với tất cả những kiến thức có được, con người khi hành động vẫn hành động theo thói quen, nhiều khi không phù hợp với tư cách và tri kiến của mình. Những thói quen nầy bắt nguồn từ những nếp suy nghĩ, những tánh tình, những tập khí có từ bao giờ không biết. Tục ngữ có câu « cha mẹ sanh con, Trời sanh tánh » chữ Trời ở đây chính là nghiệp. Nghiệp của những kiếp quá khứ, hay của chính kiếp hiện tại. Những nghiệp nầy khiến chúng ta có những thói quen suy nghĩ, hành động theo một lề lối nào đó. Trong nội tâm cứ lập đi, lập lại một sơ đồ lầm lạc một cách tự động. Chẳng hạn người có tánh tò mò thường hay nói nhiều, đặt nhiều câu hỏi, có ý nghĩ rắc rối, chẻ sợi tóc làm tư, vui thích những nơi tập hợp đông đảo, để bàn luận đối thoại.
Thói quen cũng có thể bắt nguồn từ những phản xạ bẩm sinh vì sinh tồn (réflex vital). Chẳng hạn khi chạm phải điện chúng ta rút tay lại vì ý thức sinh tồn, sợ nguy hiểm, muốn bảo vệ đời sống .
Loài thú vật cũng có những phản xạ nầy, như khi chúng nghe tiếng rống của con sư tử, chúng vội tránh xa. Các em bé sơ sinh, vừa lọt lòng mẹ đã biết bú vú mẹ đó cũng là phản xạ sinh tồn.Nhờ những phản xạ nầy mà loài người mới tồn tại trên trái đất đến ngày nay.
Từ những phản xạ bẩm sinh tới những phản xạ thụ đắc .
Trong đời sống, dần dần chúng ta thụ đắc những thói quen do học hỏi, luyện tập như biết lội, biết đi xe đạp, biết lái xe hơi, biết xử dụng máy điện toán...Đó là những phản xạ được điều kiện hoá (réflex conditionné).
Đôi khi có những thói quen làm hại cuộc sống như thói quen hút thuốc, uống rượu, nghiện ngập ma tuý; thói quen đùng đùng nỗi giận, la hét mắng chửi; thói quen nói láo, chửi thề: mở miệng ra là bắt đầu bằng hai chữ ĐM; thói quen giựt mình lo sợ, phản ứng một cách xuẩn động….
3/-SỰ DÍNH MẮC cũng là thói quen của tâm.
Có người dính mắc với cái đẹp do nhãn quan, cái gì phải nhìn thấy đẹp mới thu hút được họ. Họ đi tìm cái đẹp, cái dễ nhìn, cái hài hoà. Ngoài ra tất cả đều vô nghĩa. Có người dính mắc với sự êm dịu thích thú qua lỗ tai. Câu nói, lời văn, tiếng nhạc phải êm ái, dịu dàng mới lọt tai họ được. Những người nầy rất dễ xiêu lòng với những lời nịnh hót.
Có người dính mắc với mùi thơm, họ mất tiền rất nhiều trong các mỹ phẩm, dầu thơm để tìm cho được cái mùi thích hợp.
Có người dính mắc với vị béo ngọt, họ đi tìm những món ăn khoái khẩu, họ biết rất nhiều tiệm ăn ngon. Mỗi tiệm còn biết có món nào ngon đặc biệt, món nào không ngon. Họ rất sành các hiệu rượu, rượu nào đi với món ăn nào mới hợp khẩu…
Có người dính mắc với những lạc thú của thân, thích được người nắn bóp, vuốt ve, hoặc ngược lại thích nắn bóp, vuốt ve người khác.
Có người dính mắc với những thú vui tinh thần như đọc sách, viết sách, làm thơ…
Có bao nhiêu cảm giác là có bấy nhiêu nguồn khoái cảm làm trói buộc con người. Sự trói buộc nầy rất sâu xa, chính nó quyết định sự lựa chọn nghề nghiệp của mình một cách vô thức.
4/- Ý CHÍ
Ý chí cần thiết cho con người như bộ máy và bánh lái của một con tàu. Không có hai thứ nầy, con người giống như một con tàu không bến, chỉ làm nô lệ cho người khác mà thôi. Một ý chí hành động bao gồm 4 giai đoạn :
1/ Hình thành một ý muốn, một ước nguyện, một mục đích ở trong tâm.
Ý muốn đôi khi rất đơn giản, chỉ để thoả mãn một nhu cầu sinh lý : đói ăn, khát uống ; hoặc những nhu cầu vật chất căn bản : thực phẩm để gìn giữ sự sống, quần áo để che thân ; nhà ở để trú nắng che mưa, thuốc men để bảo vệ sức khoẻ. Nhưng tất cả những hành động của con người không phải chỉ để thỏa mãn những cái CẦN (besoins) mà còn để thoả mãn những cái MUỐN (désirs) nữa : từ những ước muốn tầm thường thỏa mãn những khoái cảm của giác quan, những nhu cầu tình cảm thương yêu và được yêu thương đến những nhu cầu tinh thần hiểu biết và tâm linh. Con người có rất nhiều cái muốn : tựu trung có 2 cái căn bản qui định mục đích của đời người: một là tránh cái khổ của những điều kiện vật chất và tinh thần của kiếp sống; hai là tìm thỏa mãn cái vui của lòng ham muốn.
2/ Cố gắng thực hiện ước muốn nầy.
Trong sự cố gắng thực hiện nầy phải có sự suy nghĩ chọn lựa một giải pháp ngắn gọn, kế hoạch thông minh, những phương tiện ít hao tốn nhất. Điều nầy đòi hỏi phải có một sự hiểu biết về những qui trình thực hiện, khả năng và hoàn cảnh của chính mình.
Một khi đã đắn đo suy nghĩ biết đường tiến lẫn lối thoát đã đến lúc phải quyết định thực hiện.
3/ để tâm theo dõi từ đầu đến cuối.
Trong tiến trình thực hiện ước muốn trên: phải để tâm theo dõi từ đầu đến cuối những giai đoạn thực hiện để điều chỉnh, chuyển hướng hành động cho tới thành công. Trong giai đoạn nầy có những yếu tố dẫn đến thành công :
- Sự cố gắng liên tục.
- Sự động viên tất cả những nguồn năng lực nhân sự, tài chánh, nguyên liệu.
- Sự xử dụng phương tiện một cách hợp lý và thông minh.
Nhưng cũng có những yếu tố đưa tới thất bại :
Sự không theo đúng chương trình, kế hoạch đã lập ra.
Sự thiếu kỷ luật và tự giác.
Sự thiếu kiên nhẫn.
Sự thay đổi của hoàn cảnh và những điều kiện bên ngoài.
4/ sau cùng là kiểm điểm kết quả thành công hay thất bại. Thành công tốt đẹp với sự hao tốn năng lượng tối thiểu? Hay thành công với hậu quả tai hại để lại cho con cháu nhiều thế hệ và môi sinh nhiều đời.
5/-BẢN NGÃ cũng là một yếu tố tâm lý nội tại:
Bản ngã là một cảm tưởng, một hình ảnh, một khái niệm về một «cái tôi» mà mình nghĩ là duy nhất, bền vững và không thay đổi từ hồi nào tới bây giờ. Thực ra đó chỉ là ký ức về «những cái tôi» trải dài theo năm tháng ghép lại.
Có người nghĩ rằng tôi vẫn trẻ đẹp, khoẻ mạnh như năm nào. Họ không muốn nhìn nhận sự thật. Họ muốn tẩy xoá những nét nhăn trên mặt để gìn giữ nguyên vẹn cái hình ảnh ấy. Thật ra đây là một ảo tưởng. Cái tôi bây giờ và cái tôi cách đây 10 năm có là một hay không? Nói là không cũng không hẳn đúng, nói là một thì chắc chắn sai vì khoa học đã chứng minh như vậy. Sắc thân con người có hơn 37.000 tỷ tế bào với 200 loại khác nhau, nhưng mỗi ngày có 300 tỷ tế bào chết đi cần phải được thay thế. Mỗi loại có thời gian tồn tại khác nhau: ngắn nhất là tế bào lót mặt trong của dạ dày và ruột (2-5 ngày), kế đến là tế bào da (15 ngày), rồi đến hồng-huyết-cầu (120 ngày), tế bào xương tồn tại 10 năm,Vậy thì tại sao ta cứ bám vào cái hình ảnh và cảm tưởng ấy. Tại vì con người ham thích cái trường cửu, cái bền vững và lo sợ cái mong manh, biến đổi ; ham thích cái an toàn và sợ cái bất toàn. Cái ham thích và lo sợ đó chính là sự thể hiện của Bản Ngã. Nó luôn luôn muốn những cái làm nó vừa lòng, không muốn những cái nó không thích và dửng dưng với những điều nó không quan tâm.
Bản ngã thể hiện bằng nhiều cách: tham, sân, si cũng là nó, ngã mạn tà kiến cũng là nó, vô mình hoài nghi cũng là nó.
Trong nhiều khuynh hướng triết học và tôn giáo người ta coi cái tôi là đáng ghét (le moi est haïssable) và người ta tìm cách tiêu diệt nó, khống chế nó. Nhưng càng khống chế nó, chúng ta vô tình càng củng cố nó. Bởi vì cũng chính cái tôi đó tìm cách vượt thoát, tiêu diệt hình ảnh của chính nó, cũng như nó muốn đập vỡ kính để không còn nhìn thấy nó ở trong gương; nhưng nó vẫn còn sờ sờ ra đó.
Còn Phật giáo thì nghĩ sao về bản ngã?
Trước hết PG coi bản ngã là một khái niệm, một tục đế chỉ định một hợp thể bao gồm 5 thành phần gọi là ngũ uẩn:
1-Sắc: là những yếu tố vật chất cấu tạo nên thân thể con người.
2-Thọ: bao gồm vừa cảm giác, tình cảm và cảm xúc. Một cách đơn giản có 3 loại cảm giác dễ chịu, khó chịu, trung tính ở trong thân và cả ở nơi tâm; tình cảm : ưa thích, ghét bỏ hay dửng dưng xuất phát từ 3 loại cảm giác trên. Cảm xúc thì có 5-7 loại: vui mừng, lo âu, buồn rầu, sợ hãi, tức giận...
3-Tưởng (perception): là chức năng quan trọng ghi nhớ, nhận biết, hình dung, diễn dịch một hình ảnh, âm thanh ,mùi ,vị ,xúc chạm hay một biểu tượng đã được biết từ trước. Đây là quá trình chuyển đổi một rung động giác quan thành ý nghĩa, tên gọi.
4-Hành: là chủ tâm để hành động qua thân, khẩu, ý.
5-Thức: là khả năng hay biết, ghi nhận, nắm bắt một đối tượng khi nó lọt vào một trong 6 cửa: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Thức cũng có thể được xem là toàn bộ tâm thức con người.
Năm thành phần trên bao gồm tất cả những yếu tố tạo nên con người. Chúng là những thực tại chân đế nhưng Bản ngã đã biến ngũ uẩn thành những đối tượng để bám víu vào, để tự đồng hoá với chúng. Trong kinh «Nhứt dạ hiền giả» (Baddekarattasuttam trung bộ 3) Đức Phật nêu ra 4 cách đồng hoá, bám víu của bản ngã vào 5 uẩn:
- Sắc này là tôi,
- Sắc này là của tôi,
- Sắc này ở trong tôi,
- Tôi ở trong Sắc này.
Nếu suy luận như thế với các thành phần của 4 uẩn còn lại (thọ, tưởng, hành, thức), ta có tất cả 20 cách chấp ngã. Đây là 20 loại tà kiến mà PG đánh đổ trong đó có triết học của Descartes bị vướng vào với chủ trương : « Tôi suy tư nên tôi hiện hữu » (je pense donc je suis) hay với triết học của Jean Paul Sartre «j'agis donc je suis». Thật ra cái tổ hợp 5 thành phần này nó thay đổi từng giây, từng phút, nhưng tâm thức và giác quan con người không đủ khả năng cảm nhận được sự thay đổi này. Chúng ta có cảm tưởng cái Ta ngày hôm nay là một với cái Ta ngày hôm qua, nhưng thử so sánh hình ảnh Ta ngày hôm nay và hình ảnh Ta 10 năm trước thì ta thấy ngay sự thật. Ta có còn là Ta của mười năm trước?
Nhưng làm sao giải phóng con người khỏi sự chi phối của sự chấp thủ này?
- PG dạy ta trước tiên phải tìm hiểu nó từ bên ngoài trên giấy trắng mực đen. Tìm hiểu sự vận hành của nó qua sách vở (trí Văn), tìm hiểu nhân duyên làm phát sinh mỗi thành phần của năm uẩn qua sự suy nghĩ (trí Tư)
- Sau đó dùng trí tuệ nội quán (thiền quán) quan sát ngũ uẩn một cách chủ quan ở ngôi thứ nhứt và một cách khách quan ở ngôi thứ ba (Quán thân trên thân bên trong, thân trên thân bên ngoài… quán thọ, tâm, pháp như trên, theo Kinh Niệm Xứ trung bộ 10), ta sẽ nhận ra chúng là những tiến trình tự động sanh, trụ, hoại, diệt do nhân duyên làm sinh khởi. Quán là tách rời sự quan sát ra khỏi đối tượng để chỉ còn là một sự quan sát đơn thuần (trí Tu)
- Rồi trong cuộc sống áp dụng những hiểu biết và kinh nghiệm qua quá trình tu tập (văn, tư, tu) trên để không đồng hoá mình với những thành phần của ngũ uẩn.
Có như thế dần dần con người mới sống tự do, không bám víu, không còn bị trói buộc trong vòng cương tỏa của Bản ngã.
5/VÔ THỨC
Vô thức là cõi sâu thẩm của tâm hồn. Nơi chứa đựng những dục vọng ẩn ức bị dồn nén lúc thơ ấu- nói theo kiểu Freud-. Hay nói theo kiểu khoa học nhận thức (science cognitive) là tất cả những gì chúng ta cảm nhận, ghi nhớ học hỏi và khám phá mà không được ý thức biết đến.
Còn Darwin thì cho vô thức là tất cả những gì đã tạo thành bản năng con người khi con người biến hoá từ khai sinh lập địa như bản năng tự vệ, sinh tồn, bản năng truyền giống … con người sinh ra đã có sẵn không cần phải học hỏi, tập tành.
Ngoài ra các nhà xã hội học còn thừa nhận một loại vô thức xã hội (inconscient social) theo đó người ta suy nghĩ, nói năng và hành động một cách tự động, máy móc theo sơ đồ (schéma, programmation) đã nhập tâm từ thuở còn bé, tuỳ theo những mẫu mực và giá trị của môi trường mà đứa bé được nuôi dưỡng. Một loại điều kiện hóa một cách vô hình bởi xã hội trong đó người ta sinh sống.
Trong Phật giáo, chữ vô thức bao hàm 2 ý niệm, một là tiềm thức là dòng tâm thức tàng ẩn ở ngoài sự hay biết của con người. Đời sống con người được liên tục nhờ sự hoạt động không ngừng của dòng tâm thức này, cho đến khi con người vĩnh viễn nhắm mắt; nhưng dòng tâm thức không chấm dứt ở đây, nó tiếp tục cuộc hành trình luân lưu trong tam giới (hay 6 cõi). Phật giáo Nam truyền gọi đây là Dòng hộ kiếp nó chứa đựng tất cả những dữ kiện ghi chép được trong «ký ức» của một chúng sinh từ vô lượng kiếp luân hồi. Những dữ kiện nầy được chuyển tải từ kiếp nầy qua kiếp khác. Người bình thường chỉ có thể quay lại những cuốn phim cho tới một tuổi thơ nào đó của kiếp sống hiện tại. Nhưng một số trẻ em lại nhớ được kiếp trước của mình. Duy thức học Bắc truyền gọi là A Lại Da Thức hay Thức thứ Tám. Nó chứa đựng tất cả những chủng tử của nghiệp và chờ đợi nhân duyên đầy đủ để thể hiện thành tư tưởng, lời nói hay hành động. Những nhân duyên nầy có thể là ngoại cảnh xuyên qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân hoặc nội cảnh như một hình ảnh tưởng nhớ lại. Ý niệm thứ hai là vô thức, không hay biết, là khi nào những dữ kiện hay tín hiệu đã lọt vào từ thế giới bên ngoài nhưng không được ý thức biết đến, chưa vào được ý thức trường, chưa vượt qua được ngưỡng cửa của ý thức. (như trong lúc ngủ sâu hay bị gây mê...)
Người ta không hiểu vì sao đứng trước một người phụ nữ đẹp, người đàn ông đó không rung động, mà lại rung động trước hình dáng người đàn ông khác. Có phải chăng người đàn ông đó kiếp trước là một người đàn bà và trong vô thức của anh ta vẫn còn những rung động, những tình cảm vô thức của người đàn bà.
Người ta không hiểu vì sao, sau khi xem một cuốn phim hung bạo, anh chàng hiền lành đó trở thành kẻ sát nhân. Những hình ảnh tàn bạo đã trợ duyên cho một chủng tử giết người trong kiếp quá khứ đã làm thay đổi một sớm một chiều một anh chàng hiền lành. Những phim ảnh hung bạo giết chóc không những nên tránh cho các trẻ em mà cả đến người lớn. Vì chúng ta không biết rõ trong vô thức của mỗi người có một chủng tử xấu nào đó, chỉ chờ đợi một trợ duyên từ bên ngoài để nổi dậy thực hiện bằng hành động.
SƠ ĐỒ VẬN HÀNH CỦA TÂM THỨC CON NGƯỜI
Từ cảm giác đến Tri giác.
Những ba động (vibrations) đến từ thế giới bên ngoài (ngũ trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc) được tiếp nhận bởi năm giác quan (ngủ căn) làm rung động các dây thần kinh cảm giác.Tất cả ngũ căn và ngũ trần đều là sắc pháp. Các ba động nầy sau khi đã xuyên qua các giác quan chúng trở thành những cảm giác và được đưa vào thế giới bên trong là thế giới của não bộ (ý căn), cũng là một sắc pháp. Ý căn làm việc theo những nhiệm vụ chuyên biệt (như tri giác, ghi nhớ, tưởng tượng, suy nghĩ…).
Sau khi đi ngang qua một giác quan, cảm giác được xử lý (traiter) bởi ý thức, được nhận diện, đặt tên và gắn cho nhiều thuộc tính: xấu, đẹp, đáng ưa, đáng ghét, đáng buồn, đáng sợ,… từ đó nó trở thành một tri giác (perception). Tri giác là sự diễn dịch một cảm giác thành ý nghĩa. Như khi ta nghe một âm thanh, ta biết đó là tiếng chim hót, chớ không phải là tiếng chó sủa. Như khi ta nhìn con gà, ta biết đó là con gà chớ không phải là con chim quốc (trông gà hóa quốc). Trừ phi con người bị chứng sự mất nhận thức (agnosie).
Mỗi người có một cái nhìn khác nhau về cùng một sự vật, tuỳ theo sự hiểu biết, trình độ văn hoá và tâm linh hay tâm trạng của người quan sát (người buồn cảnh có vui đâu bao giờ).
Từ Tri giác đến Tư tưởng và Hành động
Tri giác được phân tích, đánh giá, phê phán, rồi sau đó óc não sản xuất ra tư tưởng.Tư tưởng là sản phẩm của tâm-não. Tới đây hành trình tư tưởng sẽ chia ra hai ngã.Một ngã, chúng ta có những tà tư duy, những ý tưởng tiêu cực ,xấu xa đen tối. Những ý tưởng nầy làm khởi sanh những cảm xúc tiêu cực như :tức giận, sợ hãi, đau buồn hoặc lo âu. Rồi những cảm xúc nầy, tới phiên chúng gây ra những phản ứng xuẩn động : mắng chửi, đánh đập, tàn hại hay tự mình làm khổ mình, khổ người.
Con người bị giam hãm trong cái vòng luẩn quẩn đen tối : tà tư duy <=>cảm xúc <=>phản ứng. Cái nầy sinh ra cái kia và ngược lại.Con người bị nhốt chặt trong ý nghĩ , cảm xúc và phản ứng của chính mình.
Ngã thứ hai là ngã chánh đạo: con người sẽ có tư tưởng thiện lành (chánh tư duy), có những lời chân thật dịu dàng (chánh ngữ), có những hành động hướng thiện (chánh nghiệp) .
Cái gì có thể phá vỡ cái vòng lẩn quẩn đen tối trên và chuyển đổi, ngăn chận ta đi theo đường tà ?
- a/ Đó là cái ý chí không theo tà hạnh (bonne volition)muốn hành động làm chủ cuộc đời mình, chớ không bị động quay cuồng trong vòng cảm xúc, xuẩn động.Ý chí muốn tạo nghiệp lành, không tạo nghiệp ác.
- b/ Đó là sự chú tâm (attention) ghi nhận 6 trần khi nó vừa lọt vào 6 căn
- c/ Đó là sự sáng suốt, tỉnh giác (vigilance) không để tham sân và vô minh chi phối tâm mình.
Ba yếu tố nầy là nền tảng căn bản của Thiền Quán, sẽ được rèn luyện, dùi mài khi ta thực hành thiền trên. Lâu ngày chày tháng ba yếu tố trên sẽ trở thành phản xạ, sẽ gắn liền với tâm tư, ngôn ngữ và hành động của ta, giúp ta sống « cư trần, lạc đạo » trong dòng đời quay cuồng biến đổi và giúp ta một ngày nào đó sẽ thoát vòng tục lụy đau khổ nầy. Vấn đề quan trọng cần hiểu là tâm thức vận hành theo 2 cách:
-cách chủ động với ý định theo dõi kiểm soát tư tưởng và hành động để đạt tới mục đích mong muốn, trong những trường hợp mà việc làm có tính cách mới mẻ hay rắc rối.
-cách tự động máy móc (automatisme cognitif) khi việc làm đã thành thói quen, phản xạ không cần suy nghĩ, không cần tốn nhiều năng lượng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét