Sáng đến nhà cô em thăm, gặp lúc cô đang la cấm hai con đòi đến nhà bạn chơi, cháu Hân 12 tuổi và cháu Phương 10 tuổi mặt mày sụ một đống bỏ đi vô phòng miệng lầm bầm “suốt ngày không cho đi đâu hết, cứ bị giam trong nhà hoài...”
Chiều nay ra vườn tưới cây, nghĩ đến câu nói các cháu không dưng tôi nhớ lại thời thơ ấu của mình như để so sánh mỗi thời, mỗi thế hệ của xưa và nay, ký ức tôi bơi lại dòng sông xưa có quá nhiều kỷ niệm....
Lúc lên 7, 8 tuổi tôi có đám bạn rất thân trong xóm, mùa hè buổi trưa thường rình mẹ ngủ, trốn chạy ra tụ họp với nhau chơi đánh thẻ, hay đá kiện bằng chùm bông thọ. Nhà Dung ở đầu đường, ba là lính đổi làm việc trong Sài Gòn sinh sống cùng mẹ và các em nhỏ sau, để lại bốn chị em lớn sống với bà Nội ở Huế, Nội làm nghề bện sáo cửa và cho thuê đồ đám cưới.
Mỗi chiều xóm trên có cô thiếu nữ độ 18 tuổi tên Chắt, được người ta gọi là Lệ Chắt, O ni tới gánh nước nơi vòi máy công cộng gần nhà Dung thường dành ống xối và chưởi lộn um xùm, O hay õng ẹo đi qua lại nhiều lần trước đám thanh niên, nên chúng tôi thấy mệt con mắt chẳng cảm tình. Những tối trời nóng chúng tôi hay tụ họp nhà Dung chơi “Đạp Mạng,” chơi chán ngồi nghỉ mệt, không biết bày trò gì chơi thêm, con Hương bỗng đề nghị tới nhà Lệ Chắt chọc...chưởi, vậy là cả bọn cầm dép lên, đi chân đất một đoàn tới đại náo nhà O nằm xóm trên đi sâu vào hẽm. Trời ơi gia đình gồm bác trai làm nghề cắt tóc dạo quanh vùng, thêm hai em trai và O đang ngồi ăn cơm trước sân trong khung cảnh hiền hoà đầm ấm, tự dưng một lũ lâu la xuất hiện, con Dung mặc quần rách toe lên cao kẹp hai chiếc dép vỗ vào nhau, cả bọn bắt chước cùng nhảy nhịp nhàng, đồng hò vè
- Chắt giống chó, chó chạy tìm khu…
Gia đình họ mở lớn mắt nhìn ra ngõ ngơ ngác, sau vài tiếng ca vang của chúng tôi, Lệ Chắt bắt đầu the thé
- tụi bây ra đôi đá cho tau
Một màn rượt đuổi với những viên sỏi quăng tới tấp, cả bọn lanh chân lủi vô hàng rào nhà đầu đường núp trong bụi, hai đứa em trai trạc tuổi chúng tôi đôi đá xong quay về nhà, chỉ có Lệ Chắt chạy ra theo đầu đường đứng chưởi đỏng
- Tau biết mặt tụi bây, nhất là quỷ Hương con ông trung tá Đàm, con bà trợ, cháu mệ Nghé, con bà Hoàng, con bà ...v..v... tau mà bắt được là lôi cổ tới cho cha mạ bây đánh một trận, tau có làm chi động mả nhà bây không?
Sau một hồi chưởi khô cổ, Lệ Chắt bỏ vô hẻm, cả bọn chui ra cười hả hê thỏa mãn dù bị nghe lôi tên cha mẹ mình ra.
Một hôm Hương đem tới khoe mấy truyện nhi đồng có vẽ tranh, cho biết mua nơi nhà sách Bình Minh nằm trên đường Trần Hưng Đạo, cả bọn thích quá dù giữa trưa nắng chang chang rủ nhau đi mua, khi ngang rạp Tân Tân thấy đang chiếu phim kiếm hiệp Khương Đại Vệ đóng, nổi máu liều gom tiền bạc chỉ mua được hai vé hạng chót cho chín người, một đứa nảy ra sáng kiến đi kèm người lớn. Nhờ chúng tôi thấp hơn bàn tay ông xé vé, và cảnh chen lấn quá đông nên khỏi cần bước cũng bị luồn sóng người đẩy vô dễ dàng. Vào rạp nhìn mặt nhau cười vui khoái, ông dẫn lối hỏi vé thấy chỉ có hai tấm, ngạc nhiên hỏi
- Tụi bây đông rứa mà răng chỉ có hai vé, ai cho bây vô
Lan trong nhóm nhanh miệng
- Ông soát vé cho vô
Có lẽ ông nhìn cả lũ con nít cũng… dễ thương nên hỏi lại
- Bây còn tiền không đưa hết cho tau, rồi tau dẫn đi
Lục loại vơ vét tiếp bạc vụn trao, ông nhìn số ghế xong dẫn lên hàng đầu tiên đưa tay chỉ
- Tau cho tụi bây ngồi hết dãy đó
Cả bọn mừng rỡ nhảy lên ghế cười nhìn nhau gật đầu. Phim chiếu, mới hay cái cổ hắn mỏi nhừ vì ngẩng mặt cao và ngửi mùi nước tiểu khai nồng nặc. Ra về trời xế hoàng hôn, bước vào nhà bị ông anh bắt nằm sấp đánh một trận nhừ tử, và thân phận các bạn cũng không khác tôi, đứa toe mông, đứa phạt quỳ. Vậy mà có chừa đâu, sáng sớm hôm sau lại muốn gặp mặt nhau, tôi bị còng số tám cột chân lại nơi đầu giường nhưng thấy bóng Lan, Phụng đi ngang nhà, tụi nó lượn vài vòng sau đó kéo thêm hai đứa khác, chưa thấy bóng dáng tôi xuất hiện, bọn nó đi quanh từ ngõ trước ra ngõ sau bao ngôi nhà tôi, miệng ong óng gọi: “Huệ ơi Huệ, Huệ ơi Huệ ...” Anh tôi tinh ý nói
- Bữa nay ghê chưa, gọi con Minh mà mượn tên Huệ, xóm ni từ nhỏ tới lớn có ai tên Huệ mô …
Tôi càng điếng người sợ hãi bỗng nghe tiếng mạ của Lan ở cách nhà tôi hai căn la gọi lớn
- Lan, mi có về đây không, mụ cô mi… con ngựa Thượng Tứ…
Thế là tan hàng sáng đó. Lần khác mạ tôi có khách đến thăm, anh đi học võ chưa về, tôi lẻn ra nhập bọn đang chơi Ù Mọi dưới cột đèn. Sau buổi cơm chiều trời rất oi bức, anh Hùng hàng xóm (đối diện nhà Ngọc) mình trần trùng trục chỉ mặc chiếc quần đùi ra đường hóng gió, thấy lũ con nít chạy nhảy vui quá nên anh xin nhập cuộc. Trò chơi Ù Mọi chia hai phe, nhưng một mình anh chấp hết, anh chạy qua ranh giới của chúng tôi, bị cả bọn bắt níu không cho chạy về, đứa ôm bụng, đứa níu tay, níu chân, mồ hôi trên người anh nhễ nhãi nên ôm cứ bị trơn trợt, còn mấy đứa khác không biết ôm đâu để níu, chỉ có níu quần đùi là ăn chắc, cứ thế cùng nhau níu, anh Hùng vùng vẫy la oai oái chịu thua, cả bọn buông ra thì hỡi ôi ...quần đùi bị kéo xuống gần đầu gối, úi chà ...lạy mạ ...may chỉ có nhìn mông, các mạ mà biết thì chắc tím mông chứ không được trắng mông như anh Hùng mô.
Lên 9 tuổi cũng vẫn luôn đem đến cho mạ những tiếng thở dài, răng hồi nớ không hiểu ý nghĩa bản nhạc “Lòng mẹ bao la như biển thái bình rạt rào. Tình mẹ tha thiết như dòng sữa chảy ngọt ngào...” hè, mà khi mô cũng đi nói xấu mạ cho bạn nghe.
-Thấy mạ tau mặc áo có khâu bọc tiền bên trong, tau nghĩ người lớn dại quá, có tiền không chịu kêu bún bò, cháo lòng, gánh chè vô ăn cho đã đời...Tau mà có bọc tiền đó là ăn hết luôn…
Tụi nó cũng nhao nhao đồng ý như tôi, gặp dịp trốn được cứ trốn vì bạn bè lúc đó có sức thu hút mãnh liệt lắm. Khoái ghê khi gặp đống cát cao nhà ai định xây sửa, cả lũ nằm chui vô hoặc lăn lên lăn xuống, chị gái gọi về tắm rửa xong cho tô cơm ngồi ăn ngon lành nơi bậc thềm sau khi được thỏa thích nô đùa, hết trò chơi cũng nhiều lần ngứa tay vác đá đôi bọn con trai bị chúng nó tới tận nhà thưa trình lỗi phải. Ba tháng hè mạ cho đi học thêm nơi nhà thầy giáo Vỹ, thầy ra bài toán xong lên nhà trên nằm nghỉ, cả bọn chạy ra vườn chơi đánh thẻ, trong đó có con Ngọc (con Thầy) bày đầu, nghe tiếng guốc Thầy đi xuống thì chạy ù vô ngồi bàn nghiêm chỉnh hí hoáy viết bài.
Đầu mùa hè một gia đình lạ dọn tới ở cuối xóm, xuất hiện anh thanh niên bạn học với anh tôi tên Nam, tối nào anh Nam cũng hẹn anh Hải tôi ra cột đèn ngoài đường học thi bán phần, rồi toàn phần, cả hai anh đều học giỏi đậu hạng bình. Thời gian này anh thường tới trao đổi bài vở với anh tôi, có khi ăn cơm chung nên rất thân mật, rồi anh cũng chơi chung cả lũ trong xóm, các chị cùng lứa tuổi với anh thường thắc mắc: “tên Nam ni răng thấy chỉ ưa chơi với ba đứa con nít.”
Một lần có phim “Anh Hùng Nô Lệ Spartacus”, anh rủ cả bọn cũng cỡ chín, mười đứa đi xem nhưng bắt xin mạ đàng hoàng, người lớn thấy anh hiền lành học giỏi có cảm tình và quý mến nên chuyện xin đi dễ như ăn cơm. Nghĩ lại một bầy ăn mặc lôi thôi lếch thếch mà răng anh thanh niên mới lớn dẫn đi không biết dị hè, sau khi xem phim anh dẫn xuống đường Bạch Đằng cho ăn kem Đào Nguyên. Tôi còn nhớ khung cảnh tiệm rất sang, trai thanh gái lịch ăn mặc đẹp bước vào ngồi nghe nhạc, còn chúng tôi ồn ào dành nhau nói, đã rứa anh Nam năn nỉ hết đứa ni giận đến đứa khác lẫy, vùng vằn thụt lui thụt tới trước cửa, anh Nam nhăn mặt đau khổ, trề đôi môi dày, khuôn mặt nhăn nhó năn nỉ
- Lạy tụi bay vô tiệm hết cho tau nhờ kẻo người ta ngó quê quá
Lúc vào được chẳng biết gọi thứ gì đành để anh Nam lo, mới đem ra ly kem cả bọn nhao nhao
- cục chi mà nhỏ rứa, chi chớ tui phải ăn hai cục
- tui cũng rứa
- ừ thì bây ăn hai ly, đừng nói to nữa ...họ ngó tề
Ai dè xắn cục kem ăn hoài không hết, đó là lần đầu tiên tôi biết mùi vị kem chocolate.
Thế rồi nhà bác Tân (cha mẹ Lan Phụng, bác Diệp cha mẹ Oanh đều là lính đổi đi làm nơi tỉnh khác, đầu ngã tư cha mẹ Dung Thuỷ được thuyên chuyển về Huế sống chung, mạ Dung sinh con năm một đông quá, nên mấy chị lớn trông coi các em cũng không còn thì giờ ra ngoài chơi. Lớp bạn này đi, lớp bạn kia xa, niềm vui bị hạn chế dần dần theo thời gian,
Lên 10, 11 tuổi có phần giảm ga hơn. Mẹ tôi thân với vợ thầy Vỹ, mỗi lần có đoàn cải lương Kim Chung về thường rủ nhau đi xem, tôi và Ngọc làm cái đuôi bám theo, giai đoạn này hai đứa tôi thân nhau lắm. Anh Nam hàng ngày vẫn ghé nhà tôi trao đổi bài vở khi hai anh cùng vô đại học, thấy tôi và Ngọc đang chơi diễn tuồng cải lương, anh thường lại gần chọc cười hoài cái câu
- Năm năm sau tao nhập ngũ quân đội, cấp bậc là đại uý, khi nớ con Minh và con Ngọc đi nữ quân nhân đứng xớ rớ ngoài cổng, tau cho lính dẫn vô, mặt hai đứa tái mét lấp bấp “dạ thưa… dạ thưa… hồi xưa nhà đại uý ở gần… nhà tụi em đó, đại uý ...không nhớ à “
Tau nạt lớn
- Ai quen biết tụi bay, không giỡn mặt, quỳ xuống hít đất 50 cái, sau đó tau thấy tụi bây khóc thút thít tội quá nên giảm 20 cái và cho lên lon hạ sĩ nhất.
Đang chơi cứ bị phá đám đâm ra ghét anh, hễ thấy mặt là chọc ghẹo nên hai đứa lẩn tránh không thèm nói chuyện. Anh quay qua chơi đùa mấy chị trong xóm, bị mấy chị tấn công chọc ghẹo, thu đồ vật, anh bỏ chạy luôn, chúng tôi thầm khoái “đáng đời”.
Chuẩn bị Tết hai bà mẹ đi chợ chọn vải giống nhau may cho tôi và Ngọc mặc. Chiều mồng hai tôi và Ngọc đang đứng chơi trước ngõ, anh Nam chạy lại lì xì tiền thật nhiều, anh nói “từ đây sẽ cho hai đứa mỗi ngày $5, lúc đó khoái quá quên chuyện ghét anh luôn, anh hỏi “có muốn ăn cháo lòng Đồng Ý và nhìn phố không?, hai đứa vừa được cho tiền nên vui vẻ nhận lời, anh chạy về nhà lấy chiếc xe Goebel cũ tiếng máy nổ bình bịch to cả xóm đều nghe, chúng tôi mặc áo đầm giống nhau ngồi dang chân ôm chặt eo anh Nam lòng vui khôn tả vì được lì xì lại được ăn cùng nhìn phố xá.
Từ đó mỗi chiều anh Nam tới phát $5 đồng đều đặn cho hai đứa, làm sao tả nỗi sung sướng đi tới ngã tư Đinh bộ Lĩnh có quán mụ Thịnh bán bên lề, những lát mít cắt mỏng thơm ngon, mấy cây mía róc vỏ được trùm miếng vải thưa ăn mềm ngọt, hay mấy hũ kẹo đậu phụng kẹp với đường thắng …đã thèm, hai đứa ăn sạch tiền phủi môi mép mới dám về nhà.
Một hôm anh Nam chạy lại đưa tôi bản nhạc mua nơi nhà sách Khánh Quỳnh dặn đem đến chị Loan con nhà tiệm thuốc Tây trên đường Mai Thúc Loan, tôi rủ Ngọc thập thò trước cửa tiệm chờ gặp chị trao lại, về ngang đầu ngõ đã thấy anh đứng chờ, có một câu anh cứ hỏi mãi “chị Loan nói chi không?” dù trả lời “chị cười” đến mấy lần. Và từ đó chúng tôi có nhiệm vụ đưa thư, tặng nhạc tiếp hoặc gởi hộp bánh cho chị. Mặc kệ hai người tình cảm đến đâu, chỉ biết mỗi ngày được đến quán mụ Thịnh ăn hàng bóc mấy múi mít thơm ngọn. Có dạo anh báo đi về quê, đưa trước $15 cho ba ngày, sau một tuần trở về, chúng tôi vẫn được tính thêm bốn ngày... “lương” hậu hỷ, tâm hồn thật vô tư không nghĩ tới sâu xa “vì đâu anh đang đi học mà có tiền nhiều vậy”. Sau này sực nhớ thì đoán mò chắc Mạ buôn bán cưng Út trai nên mình được hưởng ké?!!!
Ngày tháng đi nhanh, anh đang là sinh viên năm thứ hai bỗng dưng nhập ngũ vào lính. Chúng tôi lớn dần không có anh cũng quên luôn.
Tuổi 13, 14 ham mê các cô nghệ sĩ, phong trào lúc đó bắt chước nhau gởi thư xin hình Kim Cương, Thẩm Thuý Hằng ...chao ôi hạnh phúc ngút ngàn khi nhận được tấm hình ghi chữ “bao giờ có ra Huế diễn kịch nhớ đến thăm chị, thăm cô...”, chưa kể suốt ngày cứ ngóng ông đưa thư, ông đi ngang qua nhà, tôi vẫn chạy theo hỏi “con có thư không chú?” Ông im lặng như chọc tôi, khi thấy tôi chạy theo quá xa, ông mới dừng lại lên tiếng “ui chao cái con ni, có thư thì tao đưa chứ”. Từ đó về sau không dám chạy theo ông nữa, bóng ông đi qua thì buồn lắm, rồi nghe ai hát trong radio, chao ơi là thấm lời nên ghiền bản nhạc đó luôn.
“Người đưa thư đã đi qua, nhưng cớ sao không ngừng?
Mà cứ đi, cứ đi, cứ lạnh lùng đi…
Lần sau nhé nhớ mang cho ta một lá thư hồng
Kẻo tủi lòng ta luống công chờ mong…” (Trịnh văn Ngân)
Chưa hết, có lần đoàn cải lương Kim Chung 2 ra hát, bạn bè đi học về rủ nhau ra xóm hẻm bên cạnh rạp Châu Tinh, nghệ sĩ thuê nhà dân ở quanh quẩn, chờ gặp mặt cô Mỹ Châu, bạn Nguyên lúc ấy con nhà giàu (cha đại tá) có máy hình chờ chực hoài nhưng cô Mỹ Châu ngủ li bì, nên chụp chung đại với cô đào phụ Tô kiều Lan rồi cả bọn lửng thửng đi về. Cuối tuần đó nghe đoàn đến hồ Tịnh Tâm xem cảnh, bạn bè báo động chạy như bay tới không kịp, họ đã rời, chỉ có một bạn tới trước được nói chuyện với Mỹ Châu, còn lại buồn tiu nghỉu muốn khóc.
Lên 16, 17 tuổi tự nhiên điềm đạm ít nói, ngoài giờ đi học ở suốt trong nhà, thỉnh thoảng chiều mát cầm tập vở, tập sách đạp xe một vòng lên nhà bạn trao đổi bài vở. Bắt đầu mê thơ, chép thơ Quang Dũng, Xuân Diệu, Đinh Hùng, Lưu trọng Lư… v...v... mê ngắm bông, mê đọc truyện tuổi hoa, tuổi ngọc. ưa nhìn mây chiều hoặc bóng hoàng hôn thấp thoáng.
Còn nhớ lúc nhỏ nhà ai động dao, động thớt là tôi nhanh chân chạy xếp hàng đầu đứng xem mê mệt, giờ cơm chị gái gọi cũng không về, đến nỗi chị phải nói “đứng đó xem hoài đi, chị bới cơm tới cho mà ăn nghe”, ai ngờ lớn lên lại sợ tiếng cãi vã, chẳng còn màn chạy xem, ngay cả đám cưới cũng mắc cỡ không dám lộ mặt nhìn dù rất thích xem cô dâu. Một dịp cô Kim Cương về nhà chồng ở ngã ba Hoà Bình, bà con kháo nhau rủ đi, tôi nhỏ nhẹ “dị chết không thể chường bộ mặt đứng trước ngõ như năm xưa nữa mô”.
Nỗi lòng hồi hộp và đau khổ nhất tuổi này không bao giờ quên được ...Rằng thời điểm đó chiến tranh khốc liệt, vùng quê không được an ninh nên bà con di tản lên thành phố lánh giặc rất đông. Xóm tôi có gia đình bác Bé mướn đất sau vườn nhà Ngọc, xây nhà lá ở tạm, con bác một bầy tên Đoi, Út, Ít, Chót, Nở, cu Đờ. Sát nhà tôi cũng có gia đình bác Hiền lên sống chung với ông anh. Nhà bác cũng đông những “nhi đồng cứu quốc”, nheo nhóc đặt tên con khó nghe. Bẹt đứa con gái lớn (tôi tự đổi tên chút xíu để gọi cho dễ nghe hơn), nách em đi quanh xóm chơi, mỗi chiều trên đường đi học về thường có đám thanh niên đứng trước ngõ chờ mấy O nữ sinh đi ngang để ngắm, hễ giờ đó thấy mệ, hay mạ của Bẹt xuất hiện đi vòng xóm tìm con là tôi tái mặt ngượng chín người
- B… ơi... bơ B... mi mô rồi đem em về tắm... B... ơi…
Ôi chao làng quê đặt tên con tự nhiên quá, làm mấy O mới lớn ê mặt với đám thanh niên, đi muốn vấp, đầu óc lùng bùng không biết mình là ai nữa.
Vài năm sau, anh Nam trở về trong bộ quân phục màu lính, trên vai đeo lon trung uý, anh đi đầu đường cuối xóm la làng “thèm cơm hến quá tụi bây ơi ...”, sai tôi gọi các chị đến tập trung trước sân nhà, bắt tôi đi tìm gánh cơm hến và gánh chè về bao hết cả xóm. Tôi cũng hơi mắc cỡ nhớ chuyện anh phát $5 đồng mỗi ngày, hình như anh cũng quên vẫn vô tư cười đùa. Anh đãi cả xóm được mấy lần, khi đậu hủ, lúc bún bò, hoặc bánh canh Nam Phổ trước sân nhà tôi. Thế rồi anh trở lại Kontum (lính thuộc ngành truyền tin).
Sau 1975 ba anh em của anh Nam đều bị đi “tù cải tạo” vì anh đầu chức vụ Trung tá, anh nhì Đại uý và anh là Trung uý. Trớ trêu thay cha anh Nam tập kết ngoài Bắc trở về trong khi từ lâu hàng xóm cứ tưởng mạ anh goá bụa. Nghe người ta chuyền miệng vì con Út được ba thương nên bảo lãnh anh về sớm (chỉ học tập gần hai năm). Ngôi nhà của anh Cả bị nhà nước tịch thu, cung cấp cho bà cán bộ ngoài Bắc vào ở. Ba Mạ cùng anh Nam về căn nhà thờ trên Nguyệt Biều, gia đình chị dâu Cả vào Sài Gòn sinh sống.
Anh đạp xe thồ kiếm sống, nhưng thỉnh thoảng vẫn ghé nhà tôi cho trái mít trồng vườn, được biết anh có mối chở người buồn mỗi ngày, họ thấy anh hiền lành nên được gả con gái.
Thế rồi anh theo đời cơm áo, tôi lăn lộn tìm đường vượt biên, đến Mỹ tôi nhớ gởi quà cho anh đầu tiên và từ đó vẫn lai rai nhưng Tết là chính. Mồng một năm 2017 anh vừa bước ra đường bị xe tải cán chết tại chỗ. Tôi ngậm ngùi khóc anh, vì anh là quãng đời tuổi thơ của tôi, anh Hùng (chơi Ù Mọi) cũng tử trận, bạn bè có đứa đã mất, đứa bệnh hoạn, đứa mù loà... mỗi lần nhớ lại lòng tôi đầy bồi hồi cảm xúc...Chỉ còn là kỷ niệm để thỉnh thoảng tôi bơi về dòng sông xưa lặn hụp với niềm vui thời thơ ấu.
Tôi suy nghĩ về các cháu trẻ bây giờ sống rất tốt, rất ngoan, rất đàng hoàng, sống môi trường vật chất đầy đủ sang trọng, nhưng khi cháu lớn, trong ký ức cháu có được những gì về thời thơ ấu…
Minh Thuý Thành Nội
2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét