Tôi có ý định viết bài về thơ Đường Luật/Hàn Luật tại Việt Nam. Thơ sẽ bao gồm thơ viết bằng chữ Hán, thơ viết bằng chữ Nôm trong thời độc lập, và thơ bằng chữ quốc ngữ trong thời cận đại. Để tự giúp mình, tôi tham khảo danh sách Việt Nam Bách Gia Thi và 100 Bài Thơ Hay Nhất Việt Nam Thế Kỷ 20. Tôi thấy được nhiều điều ngoài ý muốn của mình.
Việt Nam Bách Gia Hán Thi
Việt Nam Bách Gia Thi, Nhà Xuất Bản Văn Hóa Sài Gòn, 2005, công nhận 100 tác giả từ thời Lê, Lý, Trần…đến thời Nguyễn, Cận Đại và Hiện Đại. Không có 1 bài nào bằng chữ Nôm, dù VN mặc nhiên công nhận thơ Nôm bắt đầu từ nhà Trần với bài Văn Tế Cá Sấu của Hàn Thuyên 736 năm về trước. Một số tác giả thơ Hán/Nôm như: Nguyễn Thuyên, Bà Huyện Thanh Quan… không có tên trong Bách Gia Thi. Vì tất cả các bài được chọn lựa đều là thơ chữ Hán, không có bài nào viết bằng chữ Nôm nói chi bằng chữ quốc ngữ, nên Bách Gia Thi không thể đại diện cho 100 họ Việt Nam. Ta gọi là Bách Gia Hán Thi cũng không sai.
100 Bài Thơ Hay Nhất
100 Bài Thơ Hay Nhất VN Thế Kỷ 20, do Trung tâm Văn hóa Doanh nhân và Nhà xuất bản Giáo dục phối hợp tổ chức. Được công bố ngày 3/3/2007, Ngày Thơ VN lần thứ 5 tại Văn Miếu, Hà Nội. Trong 100 bài được chọn lựa, 99 bài viết bằng chữ quốc ngữ, chỉ có bài Nguyên Tiêu, xếp đầu tiên trong danh sách 100 bài, được viết bằng chữ Hán. Nếu không được dịch ra Việt ngữ hoặc giải nghĩa thì ít người VN hiểu được chữ Hán để thưởng thức bài thơ này.
Về danh sách 100 Bài Thơ Hay Nhất VN, các học giả trong nước nói:
“… sự vắng mặt của nhiều bài thơ nổi tiếng trong danh sách này không khỏi khiến người yêu thơ phải nuối tiếc”. Hà Linh
“100 bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ XX” - một sự tôn vinh không thoả mãn”. Yến Nhi
“Đã đúng là 100 bài thơ Việt Nam hay nhất ở thế kỷ XX chưa?” Lê Xuân
“Tiêu chí bình chọn không rõ ràng, duy nhất chỉ có một bài thơ chữ Hán Nguyên Tiêu của Hồ Chí Minh được Xuân Thủy dịch sang bản tiếng Việt.” Nguyễn Tý
Về cách thức bình chọn 100 Bài Thơ Hay Nhất VN Thế Kỷ 20, nhà thơ Lê Lựu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân giải thích: “đối tượng bầu chọn là tất cả những ai yêu thơ nhưng thực tế vẫn chủ yếu là sinh viên và học sinh trung học tham gia”.
Đọc thêm:
Văn Tế Cá Sấu
Tìm thơ Nôm, tôi biết thêm bài Văn Tế Cá Sấu của Hàn Thuyên. Bài này được tương truyền là bài thơ Đường Luật đầu tiên viết bằng chữ Nôm. Nguyên bản chữ Nôm của bài văn tế chưa tìm được. Hiện nay chỉ có các bản chữ quốc ngữ, mà bản Thư Viện Quốc Gia Việt Nam công nhận được chép lại nguyên văn và thảo luận bên dưới.
Theo Wikipedia, Hàn Thuyên 韓詮 (1229-?), tên thật là Nguyễn Thuyên 阮詮, đỗ Tiến sĩ năm 1247, làm tới chức Thượng thư Bộ Hình dưới thời Trần Nhân Tông. Ông là người làng Lai Hạ, huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang, nay là xã Lai Hạ, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa thu năm Nhâm Ngọ 1282, khi quân Nguyên đang ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ 2; bấy giờ có cá sấu đến sông Hồng. Vua sai Thuyên làm văn ném xuống sông, con cá sấu tự nhiên đi mất. Vua xem việc này giống như việc Hàn Dũ (đời nhà Đường - Trung Quốc), cho đổi họ là Hàn Thuyên.” Không thấy nói bài văn viết bằng chữ Nôm hay chữ Hán.
THƯ VIỆN QUỐC GIA VIỆT NAM, trong bài Uống nước nhớ nguồn, có đăng bài "Văn tế cá sấu" của Hàn Thuyên, nguyên văn như sau:
Ngặc ngư kia hỡi mày có hay
Biển Đông rộng rãi là nơi này
Phú Lương đây thuộc về thánh vực
Lạc lối đâu mà lại đến đây
Há chẳng nhớ rằng nước Việt xưa
Dân quen chài lưới chẳng tay vừa
Đời Hùng vẽ mình vua từng dạy
Xuống nước giao long cũng phải chừa
Thánh thần nối dõi bản triều nay
Dấy từ Hải Ấp ngôi trời thay
Võ công lừng lẫy bốn phương tịnh
Biển lặng sông trong mới có rày
Hùm thiêng xa dấu dân cày cấy
Nhân vật đều yên đâu ở đấy
Ta vâng đế mạng bảo cho mày
Hãy vào biển Đông mà vùng vẫy
Không thấy ghi chú dựa trên tài liệu từ đâu, bản phiên âm quốc ngữ bên trên dường như có 3 điểm sai sót quan trọng:
Chữ Nôm (trong trường hợp này cũng là chữ Hán Việt) không có chữ ngặc, mà chỉ có chữ ngạc. Ngạc ngư 咢魚 = cá sấu. Như thế, câu 1 phải là:
Ngạc ngư kia hỡi, mày có hay!
Chữ chót câu 2: chữ này không có nghĩa, mà còn mâu thuẫn với câu 3 và 4. Chữ mày chỉ cá sấu, biển Đông là chỗ của cá sấu ở. Vậy câu 2 phải là:
Biển Đông rộng rãi là nơi mày
Chữ 2 câu chót: chữ vào chỉ động tác di chuyển đơn thuần từ nơi này đến nơi khác. Chữ về là quay về biển Đông, chỗ ở bình thường của cá sấu như được khẳng định ở câu 2. Như thế, câu chót phải là:
Hãy về biển Đông mà vùng vẫy.
Đền thờ cụ Hàn Thuyên tại xã Lai Hạ, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, được trang Báo Mới viết bài giới thiệu. Tại đền thờ có trưng bày một bản Văn Tế Cá Sấu viết bằng chữ Nôm dưới khung kiến. Đây không phải là nguyên bản chữ Nôm của Hàn Thuyên, mà có lẽ là một bản được viết lại bằng chữ Nôm từ một bản chữ quốc ngữ. Bài giới thiệu đền thờ có đăng bài Văn Tế bằng Việt ngữ, nhưng đáng tiếc đó không phải là bản dịch của bản chữ Nôm trong hình bên dưới mà lại là bản văn có sai sót của Thư Viện Quốc Gia. Người viết bài giới thiệu không biết chữ Nôm để dịch đã đành, nhưng lại cũng không nhờ ai kiểm tra lại bản chữ Việt đúng là phiên âm của bản chữ Nôm. Không cần biết đọc chữ Hán hay Nôm, với chút quan sát, nhìn dạng chữ cũng thấy sự sai lầm, mà không ai sửa từ nhiều năm nay. Ít nhất là từ tháng 5 năm 2018 khi tôi viết bài này lần đầu tiên. Bản chữ Nôm bài Văn Tế Cá Sấu có 3 chữ mày 眉 trong câu 1 (chữ thứ 5 cột 1), câu 2 (chữ chót cột 2) và câu áp chót (chữ chót cột 15), cho thấy chỗ sai của phiên bản quốc ngữ nơi trang Web Thư Viện Quốc Gia.
Bản Văn Tế Cá Sấu bằng chữ Nôm tại đền thờ Hàn Thuyên
Bản Việt ngữ dưới đây lấy từ trang Soha trên Internet mới là bản phiên âm Việt ngữ của bản chữ Nôm tại đền thờ Hàn Thuyên.
1 Kia hỡi ngạc ngư mày có hay?
2 Bể Đông rộng rãi là nơi mày
3 Phú Lương đây thuộc về thánh vực
4 Lạc lối đâu mà lại tới đây
5 Phải biết rằng người Việt ta xưa
6 Vốn dân chài lưới có đâu vừa
7 Đời Hùng vẽ mình vua dạy bảo
8 Ngày đêm sông nước đảo long chừa
9 Thánh thần đã dõi bấy chiều nay
10 Đây từ hải ấp ngôi trời hay
11 Võ công vang dậy bốn phương tĩnh
12 Bể bể sông sông cũng nặng trong
13 Từ nay xa dân dân cày cấy
14 Các vật đều yên đâu an đấy
15 Ta vâng thánh thượng bảo ngay mày
16 Về ngay biển Đông mà vùng vẫy".
Độc giả thấy rõ khác biệt của 2 bản chữ quốc ngữ và cũng không cần biết chữ Nôm để nhận ra bản phiên âm nào đúng (so chữ Nôm với các chữ Việt đậm nét, mỗi chữ Việt đậm nét có ít nhất 2 chữ trong bài). Không có nguyên bản chữ Nôm, ta không thể xác nhận bản nào là nguyên bản hay cả hai bản đều là sản phẩm của thời đại sau này. Tuy nhiên, bản chữ Nôm không có những sai lầm như bản Thư Viện Quốc Gia.
Sách của Ben Kiernan Việt Nam: A History from Earliest Times to the Present, Oxford University Press, 2017, trang 173 có nói đến chuyện Hàn Thuyên được vua Trần Nhân Tôn truyền diệt cá sấu trong sông Lô và có dịch bài Văn Tế Cá Sấu như sau:
Kierman dịch đúng và xác nghĩa tránh được các điểm sai sót của bản Việt ngữ. Câu 2 được dịch là:
The vast Eastern Ocean is your (mày) domain
Câu chót được dịch là:
To return (về) to frolic in the Eastern Ocean
Ngày 28-7-2022
Phí Minh Tâm
Phụ Đính:
Crocodiles and the Sinking of Premodern Vietnamese History
Nguyễn Thuyên và văn học Nôm - VnExpress Giải trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét