Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022

Cố Hương Tình Yêu Và Hoài Niệm


G.s. Phạm Trọng Lệ giới thiệu

Hình ảnh quê hương in trong tâm khảm khiến người xa xứ lúc nào cũng khắc khoải nhớ nơi chôn rau cắt rốn, con đê ngoài làng, chiều quê cậu bé chờ mẹ đi chợ về, và khi trưởng thành, hình ảnh người yêu bên bụi tre: đó là những hình ảnh mà nhà thơ Phan Khâm như một nhà đạo diễn quay lại những đoạn phim ngắn hồi tưởng lại kỷ niệm cũ.

Mỗi đoạn phim là một bài lục bát bốn câu mà câu đầu, trừ 18 bài, còn thì toàn bắt đầu bằng:

Em từ lục bát bước ra
Em từ lục bát bước ra
Màu thời gian anh muốn pha thế nào?
Anh đang pha mực tím vào
Nhớ thời cắp sách…ngọt ngào thơm tho
(bài số 3)

Ai cũng nhớ thời cắp sách ngày xưa, trong giờ viết tập Écriture, học sinh dùng ngòi bút sắt giống đầu lá tre, chấm vào lọ mực tím viết trên giấy có dòng kẻ ô đều đặn. Các em lớp năm lớp tư còn được thầy hay cô giáo nắn nót chỉ cho cách viết từng chữ.

Khó mà lựa ra những bài mình ưng ý như khi xem bức họa trăm ngựa, mỗi con có một vẻ đẹp và dáng riêng, hay khi bước vào một gia đình đông con, ướm hỏi gia chủ trong những đứa con trong gia đình, ông hay bà thương đứa nào nhất. Người đọc tập thơ của Phan Khâm cũng lưỡng lự, và sự lưỡng lự đó có thể hiểu được.

Em từ lục bát bước ra
Ðầu xuân tươi thắm mùa hoa anh đào
Gặp em chưa mở lời chào
Mà em đã trói anh vào hôn mê
(bài 7)

Ðây là “tiếng sét ái tình”: yêu mà “mê” tức là không còn lý luận, mà có thể không cần lý trí; chữ “trói” cho tình yêu một sức mạnh vô hình ràng buộc kẻ yêu nhau.

Em từ lục bát bước ra
Hoàng hôn nhạt nắng chiều tà đó em
Khoảng không gian thật êm đềm
Xin gieo hạt giống cho đêm nẩy mầm
(bài 23)

Hễ đã đọc xong một bài là sức thơ lôi cuốn khiến tự nhiên muốn đọc bài tiếp, như người uống ngụm rượu ngon lại muốn hớp thêm ngụm nữa. Tôi cũng thích những bài số 22, 38 và 61.

Một nhà ngữ học Mỹ là Benjamin Lee Whorf (1897-1941) có đưa ra một thuyết về ngôn ngữ và văn hoá gọi là Nguyên tắc Tương đối Ngôn ngữ (linguistic relativity principle), theo đó, một cách tóm tắt, mỗi con người trong một nền văn hoá từ bé đến khi khôn lớn, đã thấm nhuần những nét đặc thù về ngôn ngữ và văn hoá và những nét đặc thù này ảnh hưởng đến thế giới quan và nhận thức của người đó. Tỉ như khi ở xa miền đất mình sinh trưởng thì có lòng nhớ thương. Quốc văn Giáo Khoa Thư lớp Dự Bị, trang 171, kể câu chuyện một người du lịch nhiều nơi khi trở về quê, họ hàng hỏi ông, đi xa thấy nơi nào là đẹp. Ông trả lời chỗ quê hương đẹp hơn cả. Có khi mối ràng buộc trong tâm khảm đó là những hình ảnh hay vật dụng như nhà thi sĩ Pháp Lamartine có viết trong bài Milly ou la terre natale: “Objets inanimés, avez vous donc une âme? Qui s’attache à nôtre âme et la force d’aimer?” Vật vô tri hẳn có hồn /Khiến lòng ta phải yêu thương chẳng rời?

Những hình ảnh hay kỷ vật ta yêu thương ấy có khi là con đường làng dưới chân bờ đê nơi cậu bé ngóng mẹ đi chợ chiều về, có khi là bụi tre la ngà chàng đứng cùng người yêu, có khi là mùi hương áo cũ (như xưa vua Tự Ðức nhớ nàng cung nữ: “Ðập cổ kính ra tìm lấy bóng/Xếp tàn y lại để dành hơi”), hay giọng nói, tiếng chim sơn ca trên cành, hoàng hôn nhạt nắng lưng đồi chàng níu tay xin người yêu nán lại, hay xin thời gian chậm trôi, có khi là bên ly cà phê người quân nhân ngồi cùng đồng đội trong quán cà phê ở phố núi ở một tỉnh cao nguyên, có khi là quán ăn kẹo mạch nha hay kẹo gừng, có khi là hình ảnh người vợ đang kỳ “đơm bông nở nhụy” với những lời nói trìu mến, nũng nịu (“bắt đền anh đây” –bài 53, hay “Nhìn đi, ruột bỏ ngoài da đây nè”--bài 67). Những hình ảnh đó như những mảnh kính mầu tạo nên một tấm khảm hay một thứ kính vạn hoa.

Một mặt khác, một nhà nghiên cứu về huyền thoại (mythology), ông Joseph Campbell (1904-1987, tác giả cuốn the Power of Myth, 1988 và The Hero of a Thousand Faces, 1949), còn đi một bước xa hơn Whorf, nói rằng con người tuy văn minh mà vẫn còn bị ràng buộc bởi những huyền thoại như những bộ lạc xưa mà khi một dân tộc đều tin vào những huyền thoại chung thì có thể thành một sức mạnh ràng buộc nhau (thí dụ huyền thoại con Rồng cháu Tiên của người Việt, Thái dương Thần nữ của người Nhật).

Giáo sư E. D. Hirsch của trường U-Va, đồng tác giả cuốn sách tên là Dictionary of Cultural Literacy (Houghton Mifflin Co., 1988), nói rằng một dân tộc như Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ phải có một khối văn hoá hay kiến thức chung để cùng chia xẻ (shared common knowledge), nếu họ muốn giao tiếp đàm thoại với nhau; đó là những ngữ vựng chung, ngôn ngữ thể thao, ngôn ngữ của những trường đại học danh tiếng gọi là ivy-league, và ông gọi đó là một “ngôn ngữ” chung, hay hiểu biết văn hoá. Nghĩa là theo ông phải có một vốn liếng tối thiểu về ngôn ngữ, lịch sử gọi là cultural literacy, như địa dư, thể thao, văn chương, truyện thần thoại, các bài dân ca, truyện nhân gian, căn bản luật pháp, âm giọng của một phương ngữ để có thể tương tác với nhau. Nếu giả thuyết của Benjamin Lee Whorf, lý thuyết về mythology của nhà huyền thoại học Joseph Campbell, và lập luận về văn hoá của g.s. Hirsh về kiến thức chung của một dân tộc có điều hợp lý thì chúng ta có thể coi những hình ảnh, ẩn dụ và ngôn ngữ trong thơ của thi sĩ Phan Khâm trong tập thơ 101 Bài Lục Bát cũng nhằm ghi lại cho ta khỏi quên tiếng nói, hình ảnh, âm thanh, âm nhạc, mùi vị, phương ngữ, một quá khứ xa xưa của một xã hội có trật tự. Nếu như vậy thì thơ ông ngoài mục đích đem lại cho người đọc niềm hân hoan, khoái cảm mỹ học như là một thứ “elixir of love”, còn giúp ta khỏi quên những nét tinh tế của tiếng mẹ, những nét đẹp của quê hương, như cảm giác vui thú khi ta nhìn những mảnh kính mầu tạo nên một mô-sa-íc của một bức kính mầu trên cửa sổ một nhà thờ cổ. Thi sĩ đã nối những hình ảnh đẹp với người đọc, mỗi bài thơ như một thông điệp tới người đọc rằng họ có một thời trong quá khứ ở một nơi cùng gọi là quê hương và đã có những kỷ niệm chung.

Thi sĩ Phan Khâm cũng là tác giả một số tập thơ, trong đó có bài dường như thuộc phái ấn tượng impressionism, cũng có bài có vẻ thuộc phái tượng trưng symbolism, có bài lan qua cả siêu thực surrealism (Xem: Bên Dòng Thạch Hãn (2002), Dòng Sông Thao Thức (2007) do Cơ Sở Cỏ Thơm xuất bản; cuốn thứ 2 do nhà văn Hồ Trường An viết lời giới thiệu rất tỉ mỉ. Ngoài ra thi sĩ Phan Khâm cũng có nhiều CD & DVD thơ phổ nhạc bởi nhiều nhạc sĩ hữu danh).

Cách đây hơn hai tháng thi sĩ Phan Khâm có gửi cho tôi bản thảo của tập thơ gồm 101 bài thơ lục bát và ngỏ ý muốn tôi viết “vài lời giới thiệu”. Tôi rất hân hạnh và đọc nhiều lần những bài thơ trong tập “Em Từ Lục Bát Bước Ra” gồm 101 bài lục bát: lời thơ óng chuốt, mượt mà và giầu hình ảnh, gợi tình, gợi cảm. Tôi muốn dùng chữ sensual. Như khi ta đọc đoạn vịnh Kiều gặp Kim Trọng trong tiết Thanh Minh của Chu Mạnh Trinh: “Dãy hoa nép mặt gương lồng bóng/Ngàn liễu rung cương sóng gợn tình”.) Tuy nhiên, tập thơ không phải chỉ là những lời thơ tình yêu mà thôi mà còn gửi gấm trong đó những hình ảnh của một quê hương nề nếp, yên bình, có mẹ hiền, có người yêu, có chim sơn ca, có ánh nắng vỗ vào mạn thuyền, có tà áo dài bay như dải bờ biển cong hình chữ S, có chén trà mạn sen cùng người yêu ngồi uống trên chiếu cạp điều …

Tóm lại, đây là những kỷ niệm của một quá khứ trong một xã hội -- có thể thiếu thốn về vật chất -- nhưng có trật tự của một nếp sống văn minh. Ðây là những nuối tiếc của những người phải bỏ xứ ra đi tìm tự do và đất sống, lúc rảnh rỗi ngồi nghe những dòng nhạc của một thời được những ca sĩ hay nhạc sĩ nổi danh trình bày mà mình ưa thích. Như hình ảnh mầu xanh chen lẫn mầu vàng trên những ống tre la ngà trong bài lục bát số 6 làm tôi nhớ đến bài Nắng chiều của Lê Trọng Nguyễn qua lời ca của ca sĩ Hà Thanh, giọng Huế khó quên. Thấp thoáng đâu đó, người đọc thơ thấy những vần lục bát của Kiều, nhưng đây là những vần lục bát được làm mới. Ðây là những vần thơ đọc lên, như thi sĩ Trần Mộng Tú đã viết, thấy “thơm tho cả miệng”, lòng thêm trong sáng, óc thêm sảng khoái.

(Phạm Trọng Lệ, Phan Khâm, Vũ Hối – 2018)

Nếu độc giả đang cầm trong tay tập thơ của thi sĩ Phan Khâm, minh hoạ bởi nhà thư họa Vũ Hối, xin hãy nâng tập thơ nhỏ lên, bên ấm trà thơm, và bình hoa xuân, chậm rãi đọc hay ngâm to từng bài cho mình hay người đối ẩm nghe, lâu lâu ngừng lại, hớp một ngụm trà, rồi đọc tiếp. Trong khoảng không gian yên tĩnh giữa ta với thơ, bên cạnh những câu thơ sáu tám giầu hình ảnh, ta cũng thưởng thức những nét tung hoành của nhà thư họa Vũ Hối. Ta hãy nghe những vần thơ gợi cho ta những hình ảnh xưa của một chỗ gọi là quê nhà. Ta sẽ yêu những vần thơ lục bát văng vẳng như lời ca dao, lời ru của mẹ hiền, hay lời thủ thỉ của người yêu. Ta sẽ có cảm giác lâng lâng như được nâng bổng lên từng cao của mỹ cảm. Ðây là quà tặng của tiếng Việt, qua lời thơ lục bát thuần Việt, cho người Việt đau đáu trong tim những hình ảnh dịu hiền của một quê hương xa xưa. Mà vì ở xa cố hương, cuộc sống vội vã của một xứ tiện nghi càng làm ta nghĩ tới những hình ảnh của một quá khứ mà ta không thể níu lại, kể cả những nét của một thời thanh xuân, nhưng tiếng nói của thơ, ngôn ngữ thơ với khả năng kỳ diệu của nó, hình như đã làm sống lại những kỷ niệm và hình ảnh của thời gian đã mất, xoa dịu nỗi khắc khoải và tăng thêm nguồn hứng khởi trong tim ta.

Cám ơn thi sĩ Phan Khâm và nhà thư họa Vũ Hối và hân hạnh giới thiệu Em Từ Lục Bát Bước Ra.

101 TỎ BÀY (Em từ lục bát bước ra) của Phan Khâm
Virginia 3/22/2016.
Phạm Trọng Lệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét