Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2022

Giải Khuyến Học Truyền Thống Nguyễn Xuân Vinh

 

I/ Khởi Thủy

Khoảng 1990, thầy Trần Thanh Minh và một số đồng hương quan tâm đến sự học của các cháu học sinh người Việt tại thành phố Saint Louis, MO, đã “ăn có” Lễ Phát Thưởng cho các học sinh đạt thành tích tốt trong niên khóa nhân Lễ Tết do cộng đồng địa phương tổ chức.

Thầy Trần Thanh Minh, nguyên Sĩ Quan Hải Quân VNCH, giáo viên song ngữ tại các trường trung học Saint Louis, nên rõ rất về học bạ của các cháu. Hội Khuyến Học (HKH) Saint Louis hình thành do tấm lòng của thầy từ đó và mỗi năm Hội phát thưởng cho học sinh xuất sắc nhân Lễ Tết cổ truyền.

Được biết, thành phố Saint Louis thuộc tiểu bang Missouri, miền trung tây nước Mỹ, nằm bên dòng sông Mississippi, phía dưới thành phố Chicago thuộc Illinois. Vào năm 1992, cộng đồng người Việt tại đây vào khoảng 20 ngàn người.

Vào những đầu năm 1990, Saint Louis đón tiếp rất nhiều gia đình tị nạn diện HO, qua đó số học sinh người Việt tăng lên. Những năm cuối thập niên này, báo chí Việt ngữ hải ngoại rộ lên những bài viết liên quan đời sống ở thế kỷ XXI. Một trong những đề tài kích động trí tò mò của tôi là bài nói chuyện của

Giáo Sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, kêu gọi giới trẻ Việt Nam chuẩn bị để bước vào thiên niên kỷ mới bằng cách ra sức học hỏi về khoa học kỹ thuật tiên tiến hòng có dịp phục vụ đất nước mai sau. Từ đó, tôi để tâm sưu tầm mọi thông tin liên hệ vị Cựu Tư Lệnh Không Quân VNCH qua các lãnh vực bay bổng, giáo dục và nghiên cứu.

Năm sau, một số thành viên trong Hội Khuyến Học (trong đó có tôi – Võ Ý), nêu ý kiến là nên tìm cách hợp thức hóa để phát triển Hội. Quan điểm cuối cùng để phát triển Hội dựa trên mấy điểm sau:

Nên đặt cho Hội một danh xưng
Nên chọn một danh nhân Việt Nam đặt tên cho danh xưng này
Người Việt Nam vinh danh danh nhân Việt Nam
Học sinh Việt Nam noi gương danh nhân Việt Nam.

Từ quan điểm trên, Hội đề nghị xin phép lấy tên của Giáo Sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh đặt tên cho Hội. Cá nhân tôi, KQ Võ Ý vinh dự được Hội giao công tác gặp Giáo Sư để xin phép về việc này.

II/ Thuận Duyên

Vào năm 1998, Hội Không Quân Florida tổ chức Không Gian Hội Ngộ với chủ đề “Tuổi Trẻ Việt Nam Trước Thềm Thiên Niên Kỷ Mới” do thuyết trình viên thượng khách là vị Cựu Tư Lệnh Không Quân, GS Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh (NXV) cũng là chủ tọa đêm Hội Ngộ.

Cá nhân tôi được dịp giới thiệu sơ lược tiểu sử Guest Speaker và tôi đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ của HKH giao phó.

Ngày hôm sau, Giáo Sư NXV hẹn gặp tôi ngoài công viên. Tôi trình bày ước nguyện của HKH. Ông trầm ngâm. Cuối cùng Ông đồng ý.

Tôi mang một niềm vui về Saint Louis cộng với một túi sách vở tài liệu của Giáo Sư gởi theo để Hội nghiên cứu. Từ những tài liệu quý hiếm nầy, các anh chị trong Hội hợp soan một tiểu sử chuẩn xác (KQ Võ Ý & Bác sĩ Nguyễn Tri Phương hợp soan), được thu vào một CD (Kỹ sư Huỳnh Xuân Sơn thực hiện CD, giọng đọc của chị Xuân Hương & Tiến sĩ Trần Dũng), qua đó, cuộc đời của Giáo sư thể hiện sống động trong ba cái “Nghiệp” quấn quyện với nhau, đó là Nghiệp Bay, Nghiệp Văn và Nghiệp Giáo.

1/ Nghiệp Bay: Ông tốt nghiệp Kỷ sư Hàng không (1953) và Sĩ quan phi công (1954) từ Trường Võ Bị Không Quân Pháp và trở thành Đại tá Tư lệnh KQVNCH (1958-1962) khi ông mới 28 tuổi.

2/ Nghiệp Văn: Ông là tác giả ba tập truyện Đời Phi Công, Theo Ánh Tinh Cầu và Tìm Nhau Từ Thuở và hàng trăm bài viết thuộc nhiều đề tài đăng trên các báo tiếng Việt ròng rã mấy chục năm nay. Những bài viết đặt trong tâm vào việc bảo vệ và phát huy nền văn hóa cổ truyền, khuyến khích giới trẻ ra sức học hỏi nhưng không quên cội nguồn, sẵn sàng góp một bàn tay xây dựng khi hội đủ điều kiện.

Riêng tác phẩm Đời Phi Công được giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1961 và tái bản nhiều lần. Đời Phi Công ngày nay đã được tác giả trao bản quyền cho Hội Khuyến Học Truyền Thống Nguyễn Xuân Vinh để tùy nghi tái bản gây quỹ cho Hội.

3/ Nghiệp Giáo: Ông là giáo sư thực thụ, chuyên giảng dạy môn Kỷ thuật Hàng không và Không gian tại các Đại Học Colorado và Michigan và là Giáo sư thỉnh giảng ở nhiều Đại Học khác trên thế giới.Ở cương vị một nhà giáo và nhà nghiên cứu, ông đã viết ba quyển sách chuyên môn và hàng trăm bài khảo cứu về cơ học không gian và quỹ đạo tối ưu được tài trợ bởi cơ quan NASA và USAF đăng tải trên các tạp chí quốc tế.

Năm 1999, Hội Khuyến Học Saint Louis đổi thành Giải Khuyến Học Truyền Thống Nguyễn Xuân Vinh (NXV) sau khi được sự đồng ý của Giáo Sư. Kể từ đây, Lễ phát giải Truyền Thống NXV được tổ chức vào thượng tuần tháng 6 mỗi năm, sau khi niên học kết thúc.


Tại sao gọi Truyền Thống?

Sở dĩ gọi “Truyền Thống” để nói lên tấm gương về tinh thần (hơn là nói lên thành tích) để lớp người sau có thể học hỏi: “Trong văn chương của Giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, chúng ta thường nghe những tư tưởng trầm tĩnh để suy nghĩ, những hình ảnh lấy ý chí hào hùng để vượt qua những trở ngại, chứ hiếm khi nào, có thể nói là không bao giờ chúng ta nghe một tiếng kêu trầm thống bi thương đến như vậy. Mà có phải đó cũng là tâm trạng nát lòng của sĩ phu cả nước trong thời đại nầy? Dĩ nhiên tự tiếng kêu đó không phải là truyền thống Nguyễn Xuân Vinh nhưng chính một tấm lòng luôn luôn hướng về dân tộc, mơ ước làm gì vinh quang cho đất nước là một đặc tính truyền thống Nguyễn Xuân Vinh mà tuổi trẻ trong cũng như ngoài xứ cần quan tâm và suy nghĩ”.

“Tóm lại, truyền thống Nguyễn Xuân Vinh là một phần nằm chung trong truyền thống Rồng Tiên là yêu nước. Phần khác, trong hoàn cảnh Việt Nam của thời đại nầy, yêu nước là yêu sự toàn vẹn lãnh thổ, là mến chuộng xã hội nhân bản và dân chủ. Con đường yêu nước là khi còn trẻ thì lập chí, vượt qua trở ngại, tôi luyện cá nhân về võ lẫn văn mà quan trọng nhất là khoa học kỹ thuật. Lớn lên thì tham gia phụng sự cộng đồng nhân loại và dân tộc, cùng góp phần tạo một lớp người cùng mang lý tưởng xây dựng một quốc gia thịnh vượng có nền giáo dục nhân bản, một guồng máy hành chánh hữu hiệu....”

(Truyền Thống Nguyễn Xuân Vinh – Việt Vũ Nguyễn Tri Phương, Thư ký Hội Khuyến Học Truyền Thống Nguyễn Xuân Vinh – Trích trong sách “Kỷ Niệm về Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, Từ Chiến Sĩ Đến Khoa Học Gia” – trang 129 - Văn Đàn Đồng Tâm 2008). Xin đóng ngoặc.

III- Thành Quả

Từ năm 1999 đến nay (2012), mỗi năm BTC đều mời một mẫu người lý tưởng cho tuổi trẻ Việt Nam noi theo làm guest speaker trong Ngày Hội Tuổi Trẻ (cũng là ngày phát giải khuyến học). Sau đây là phương danh các vị khách danh dự:

1999- Giáo Sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh; 2000- Kỹ Sư Đoàn Trí Trung
2001- Tiến Sĩ Cai Văn Khiêm; 2002- Bác Sĩ Nguyễn Hoài Đức Trí,
2003- Giáo Sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh; 2004- Tiến Sĩ Ngô Dũng,
2005- KHG Dương Nguyệt Ánh; 2006- Ký Giả Post Mùi Ý Lan,
2007- Giám Đốc Lữ Anh Thư; 2008- Y Sa Lê, VAALA’s Executive Director
2009- Tiến Sĩ Ngô Dũng; 2010- Kỷ Sư Huỳnh Xuân Sơn,
2011- Luật Sư Trung Tá Hải Quân Chris Phan; 2012- Bác Sĩ Trình Thành Đăng Chân Như. MD.

Mỗi kỳ phát giải, cả thành phố Saint Louis đạt con số trung bình 65 học sinh Việt Nam xuất sắc, có em thủ khoa, có em á khoa. Học sinh đạt giải cao nhất là Giải Khuyến Học Truyền Thống Nguyễn Xuân Vinh gồm các điểm học kỳ, điểm sinh hoạt cộng đồng và điểm gìn giữ nguồn gốc Việt Nam. Giá trị của Giải tương đương một computer bấy giờ, nhưng gia trị tinh thần hiện rõ trong ngày phát giả. Không những học sinh tham dự mà cả phụ huynh và cộng đồng đều hăm hở tham dự ngày Hội này.

Sau đây là danh sách các học sinh trúng giải:

1999- Phạm Quỳnh: Gateway Institute of Technology Hight School
2000- Nguyễn Ngọc Vy Thảo: nt
2001- Sabrina Phương Nguyễn: nt
2002- Phạm Quang Bảo: nt
2003- Nguyễn Phan Thiên Định: Ritenour High School
2004- Nguyễn Ngọc Thanh Phương: Gateway Institute of Technology HS
2005- Lindy Vu: nt
2006- Nguyễn Ngọc Thùy Linh: nt
2007- Robert Hoàng: nt
2008-Đặng Cao Minh: Saint Louis University HS
2009- Khưu Vinh Ngọc Thoa: Metro Classical Academy HS
2010- Nguyễn Mỹ Linh: Soldan international Institute HS
2011- Jack Nguyen: Mckinley HS
2012- Trịnh Khánh Vy: Gateway Institute of Technology HS

Năm 2002, Giải Khuyến Học Truyền Thống NXV được hợp thức hóa bởi chính quyền địa phương, là một tổ chức vô vị lợi với danh xưng

“Nguyên Xuan Vinh Scholarship Foundation”.
Website là nguyenxuanvinhfoundation.org.
Nội quy do AC Kỷ sư Đặng Xuân Nhơn soạn.
Logo do họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi (Massachusetts) sáng tạo.

Giáo sư NXV trao ngọn đuốc khuyến học trong học sinh đoạt
"Giải Khuyến Học Truyền Thống NXV”

IV- Tạm Kết

Vì Giải Khuyến Học mang tên một cựu Tư Lệnh Không Quân, chúng tôi viết những dòng nầy gởi đến quý chiến hữu, quý Hội đoàn Quốc gia và đặc biệt quý độc giả không quân. Ngày nay, rất nhiều người thuộc lòng câu “không bỏ anh em, không bỏ bạn bè”, chúng tôi muốn thêm thắt đôi chút cho thích hợp với tâm tình của những đồng đội ở lứa tuổi cổ lai hy. Hai câu đó sẽ là:

Không quên đất Tổ, Không bỏ cội nguồn
Chăm sóc tuổi già, Nâng niu tuổi trẻ.

“Ngọn đuốc thiêng tượng trưng cho sức sống của tuổi trẻ chỉ tiếp tục tỏa sáng với sự tiếp sức của nhiều người. Tuổi trẻ Việt Nam vươn lên trong những săn sóc dịu dàng và tình yêu thương của dân tộc thì tuổi trẻ sẽ trở thành vốn quý của dân tộc. Giải Khuyến Học không có ước mong nào khác hơn như vậy” (BS Nguyễn Tri Phương, Thư Ký).

“Không bỏ cội nguồn và Nâng niu tuổi trẻ” phải chăng là ước vọng sau cùng của đàn chim bỏ xứ là mong lớp con cháu đời sau tiếp tục trách nhiệm dang dở của mình?

Nếu đúng vậy thì tôi ước mong các em học sinh Việt Nam khắp nơi trên thế giới sẽ vươn lên trong những săn sóc dịu dàng và tình yêu thương của cộng đồng người Việt Hải ngoại mà việc ủng hộ các Giải Khuyến Học là một trong những cách thể hiện tấm lòng nâng niu tuổi trẻ đó.

Sau năm năm hoạt đồng, lần thứ hai, Giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh và phu nhân bay về Saint Louis để chủ tọa Lễ Phát Giải Thưởng Truyền Thống mang tên ông. Hầu hết phụ huynh học sinh và đồng hương đều tề tựu đông đủ để tham dự Ngày Hội Tuổi Trẻ, để cổ vũ các mầm non của tương lai và cũng nhân thể chào đón một tinh hoa của tộc Việt.

Trên khuôn mặt các em được giải xuất sắc thì rạng rỡ vui tươi. Riêng các em dự tranh Giải Truyền Thống thì hồi hộp căng thẳng. Giải Truyền Thống chỉ đáng giá một bộ computer, nhưng niềm hãnh diện thì vô... giá!

Khi xướng tên em Nguyễn Phan Thiên Định đoạt Giải Truyền Thống thì không những em hân hoan mà cả gia đình bố mẹ của em ai cũng mừng rỡ. Niền hân hoan và hãnh diện nầy đã xác định Giải Khuyến Học Truyền Thống Nguyễn Xuân Vinh đã thực sự trở thành một sinh hoạt văn hóa rất ý nghĩa của cộng đồng người Việt tại Saint Louis.

Giải Khuyến Học Truyền Thống đã thực sự bén rễ, đã thực sự trở thành... Truyền Thống!

Hiện nay (07/2022), Giáo sư đã 92 tuổi (sinh tháng 1 năm 1930), tình trạng sức khỏe của Giáo Sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh như ngọn đèn trước gió. Ông ra đi bất cứ lúc nào. Di sản ông để lại cho đời sau thật nhiều, chỉ mong sao trong di sản đó có thêm “Giải Khuyến Học Truyền Thống Nguyễn Xuân Vinh.

Và các anh chị trong Giải Khuyến Học cũng nên chuẩn bị để tiễn chào một nhân tài của dân tộc!

Bắc Đẩu Võ Ý
Saint Louis, MO, lập thu 2004
Corona, CA, lâp thu 2012
Westminster, CA, 07/2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét