Thứ Ba, 19 tháng 7, 2022

Thơ Và Việt Sử - Trần Văn Hương

Related image

(Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Phó Tổng thống Trần Văn Hương)


Ông Trần Văn Hương (1902-1982), sinh ở Vĩnh Long, học trường Collège Mỹ Tho, đậu Thành Chung (Diplôme) rồi tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội, về làm Giáo sư Việt Văn của trường Collège Mỹ Tho (Nguyễn Đình Chiểu).  

Cuộc đời và thơ của ông Trần Văn Hương trải qua lịch sử chính trị trong Thời kỳ Kháng chiến chống Pháp, Đệ Nhất Cộng Hòa, Thời kỳ Quân Quản và Đệ Nhị Cộng Hòa.


Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Tự Trị


Tháng 3 năm 1945, sau khi đảo chánh Pháp, Nhật cho vua Bảo Đại lập chính phủ Trần Trọng Kim.  Trong Nam Kỳ, vua Bảo Đại được đặt một quan Khâm Sai, là ông Nguyễn Văn Sâm, cũng như Khâm Sai Phan Kế Toại ở Bắc Kỳ.  

Tuy nhiên thực quyền được Nhật giao cho Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất gồm tất cả các đảng phái và giáo phái ở Nam Kỳ, cai trị Sài Gòn và địa phương.  Ngày 23-3-45, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất rút lui nhường quyền lãnh đạo cho Ủy Ban Hành Chánh Lâm Thời Nam Bộ của Việt Minh (Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế) với Trần Văn Giàu (thuộc CS Đệ Tam Quốc Tế) làm Chủ Tịch.  


Tháng 8 năm 1945, Nhật đầu hàng Đồng Minh, quân Anh vào giải giới quân Nhật phía Nam vỹ tuyến 16 (từ Tourane tức là Đà Nẳng tới mũi Cà Mau) gồm Nam Trung Kỳ và Nam Kỳ.  Quân Pháp theo chân quân Anh vào Sài Gòn.  

Trong khi đó Ủy Ban Hành Chánh Lâm Thời Nam Bộ đã bị chống đối của Cao Đài, Hòa Hảo và Đệ Tứ Quốc Tế (Trotskyist) nên phải nhượng bộ và cải tổ, Phạm Văn Bạch (cũng thuộc Đệ Tam Quốc Tế) thay Trần Văn Giàu làm Chủ Tịch.  Sài Gòn hoàn toàn rối loạn giữa người Pháp, người Việt và các đảng phái.  


Sau một thời gian thương thuyết, quân Pháp tấn công quân Việt Nam và chiếm Tòa Thị Chính Sài Gòn là trụ sở của Ủy Ban Hành Chánh Lâm Thời Nam Bộ ngày 23-9-45.  (Ngày 23-9 nầy sau nấy được gọi là ngày Nam Bộ Kháng Chiến).  Quân Việt Nam thua, phải rút ra ngoại ô và phong tỏa Sài Gòn.  Ngày 3-10-45, tướng Leclerc đem 10.000 quân đổ bộ vào Sài Gòn.  Ngày 9-10, Anh và Pháp ký hiệp ước ở Luân Đôn xác định Anh hoàn toàn ủng hộ Pháp trong việc cai trị toàn Đông Dương dưới vỹ tuyến 16.  


Ngày 16-10-45, quân Việt Minh rút về vùng kháng chiến.  

Sau khi rút đi, Việt Minh giết 20 người nồng cốt của phe Đệ Tứ Quốc Tế (Trotskist), trong đó có ông Phan Văn Hùm.  Quân đội của Cao Đài, của Hòa Hảo (gọi là Dân Xã) và của Bình Xuyên (của Tướng Bảy Viễn) không tham gia, chỉ rút về địa phận của mình.  

Trong Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp còn có Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng của các ông Nguyễn Văn Sâm (cựu Khâm sai), Phan Khắc Sửu, Trần Văn Ân và Hồ Văn Ngà.   Nó là hậu thân của Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội (của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để) ở Nam Kỳ.   

Trong khoảng 1945-1947, VM dưới quyền của Trần Văn Giàu và Dương Bạch Mai thủ tiêu khoảng 2.500 người đối lập (theo lời của Trần Văn Giàu về sau nầy), trong đó có ông Bùi Quang Chiêu (1872-1945) bị giết ngày 29-9-1945, ông Hồ Văn Ngà và ông Nguyễn Văn Sâm. 

Đức Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ (1919-1947) của đạo Hòa Hảo cũng mất tích ngày 16-4-1947 trong chuyến đi hội với VM ở Tân Phú.      


Ông Trần Văn Hương đi theo kháng chiến Nam Bộ ở Tây Ninh chưa được 1 năm thì bỏ về thành (1946) và mở tiệm thuốc.  Ông có làm bài thơ tưởng niệm ông Nguyễn Văn Sâm.


Nguyễn Văn Sâm


Chống Thực Dân, chống độc tài!

Một thề đã quyết dám đơn sai

Khen chê trôi kệ rằng hay dở

Phải quấy cần chi luận vắn dài

Đau đớn thương dân đang vận tối

Vẻ vang mong nước có ngày mai

Ví dầu muốn biết công hay tội

Đọc sử sau nầy lựa hỏi ai?


Ấy mới gan, ấy mới tài!

Con đường định vạch mặt chông gai

Thân nầy đành đã không trăm tuổi

Hội ấy thôi thì đóng một vai

Vui với giàu sang vui cũng thẹn

Thác vì nòi giống thác bao nài

Nghìn sau sử sách ghi câu chuyện

Công của ai? mà tội của ai?

(Trần Văn Hương)


Quân Pháp lần lượt chiếm lại lãnh thổ: phía Nam Sài Gòn chiếm đến mũi Cà Mau (25-10-45 tới 5-2-46) và phía Bắc Sài Gòn tới Kon Tum và Đà Nẳng (23-10-45 tới tháng 7-46).  

Về chính trị, Pháp cho lập Nam Kỳ Quốc trong Liên Bang Đông Dương với chính phủ của Thủ Tướng Bs Nguyễn Văn Thinh ra mắt ngày 26-3-46, làm bù nhìn cho Pháp, cai trị dưới vỹ tuyến 16.


Thời Đệ Nhất Cộng Hòa


Lao Trung Lãnh Vận


Năm 1955, ông Trần Văn Hương ra làm Đô Trưởng Sài Gòn của chính phủ Ngô Đình Diệm cũng chưa được 1 năm thì từ chức.  Ông cùng với 17 người khác trong nhóm xưng là Tự Do Cấp Tiến bị Tổng Thống Ngô Đình Diệm bỏ tù sau vụ đảo chánh 11-11-60.  Nhóm nầy từng họp ở khách sạn Caravelle tuyên bố đối lập với chính phủ Ngô Đình Diệm (1960) rồi ủng hộ (?) cuộc đảo chánh 11-11-60 (nên còn có tên là nhóm Caravelle). 


Trong tù từ ngày 12-11-60 cho đến ngày 7-4-61 thì được thả, ông Trần Văn Hương có để lại những bài thơ trong tác phẩm “Lao Trung Lãnh Vận”:



Image result for trần văn hương

(Ông Trần Văn Hương và tác phẩm Lao Trung Lãnh Vận)

- Tinh thần khi mới vào tù:


Ai bảo trong lao khổ

Trong lao sướng thấy mồ!

Bên nầy thì cụ Tổng

Phía nớ lại quan Đô

Đòi vợ, ngày: ông Cử

Làm thơ, giễu: bác Đồ

Các anh còn ở ngoải

Đợi quái gì chưa vô?

(Trần Văn Hương) 17-11-60


Chú thích:

Theo ý của bài thơ, nhóm Caravelle (18 người) của ông Trần Văn Hương có đủ các ông cựu Tổng trưởng, cựu Đô trưởng, Cử nhân và Tú tài (Đồ).

Thực ra bài thơ chỉ đúng phân nửa:

    Cựu Tổng trưởng: Bs Nguyễn Tăng Nguyên, Ls Lê Ngọc Chấn

    Cựu Đô trưởng: ô. Trần Văn Hương

    Không có ông Cử hay ông Đồ nào hết chỉ có Tiến sĩ Hán học là ông Trần Lê Chất.

Trong nhóm 18 người có 2 kỹ sư (Phan Khắc Sửu và Lương Trọng Tường). 6 bác sĩ (Nguyễn Lưu Viên, Trần Văn Đỗ, Nguyễn Tăng Nguyên...), 3 luật sư (Trần Văn Tuyên, Lê Ngọc Chấn, Lê Quang Luật) và 1 linh mục (Hồ Văn Vui)


- Thể xác trong tù:


Suốt ngày ăn ngủ, ngủ rồi ăn                      

Chưa thấy chuyện gì chuyện khó khăn       

Nằm khểnh sờ môi: râu tủa tủa                   

Ngồi rù gãi háng: dái tăn tăn (*)                      

Làm sang phe phẩy tay còn quạt                 

Đi tắm trần truồng mổng thiếu khăn (*)     

Ăn, Ngủ, Ỉa xong; đầy đủ cả                       

Muốn chi chi nữa biết mần răng!               

(Trần Văn Hương) 17-11-60                                                     


(*) Chú thích: 

    Ngồi rù = Ngồi co ro ủ rũ như gà bị bệnh (dịch).  Mổng = Mổng đít.


Ra lịnh đòi ra chịu chụp hình

Đua nhau sắm sửa được làm xinh

Anh xoa mái tóc cho ra dáng

Cụ vuốt chòm râu để gợi tình

Sờ trán chùi da da mốc thếch

Đưa tay giũ áo áo hôi rình

Ví dầu ảnh ấy, ngày sau thấy

Chúng bảo nhau rằng “cái lũ ranh”.

(Trần Văn Hương) 22-11-60


Dị Tướng Bất Tài


Cũng dự phong lưu lúc ở ngoài

Vào đây, nhìn mãi chẳng ra ai

Mặt mày ủ rũ râu dòm miệng

Đầu cổ chôm bôm tóc liếm tay

Răng cỏ vắng chùi (chà) hôi thủm thủm

Áo quần không giặt ngửi khai khai

Chưa bao lâu, đã thay hình dạng

Dị tướng than ôi lại bất tài

(Trần Văn Hương) 1-12-60


- Từ Thể xác ảnh hưởng đến Tinh thần sau một thời gian ở tù:


Phong độ nhà lao có dễ đâu

Tập thành nề nếp lắm công phu

Nằm cao ngủ kỹ sao rằng phạm

Ở bẩn ăn dơ mới gọi tù

Nghiêng ngửa nằm khềnh xem đáng mặt…

Trần truồng đứng tắm để trơ …khu

Nhắn ai muốn học vào đây học

Phong độ nhà lao có dễ đâu.

(Trần Văn Hương) 11-12-60

 

Vì chưng bẻm mép mới vào đây

Câm họng đâu ra đến nỗi nầy

Dân chúng sướng; đồ: dân chúng khổ!

Nước nhà nên; bảo: nước nhà nguy!

Dở hay mặc kệ thằng cha nó!

Còn mất can chi lão nội mầy?

Nếm thử mùi tù cho đáng kiếp

Từ rày chừa bỏ tật thày lay.

(Trần Văn Hương) 21-11-60


Sự thế man man tỉnh chửa rồi

Vào đây thoát đã đủ trăng thôi

Cảnh nầy tuy đẹp bề ăn ở

Nỗi ấy không khuây lúc đứng ngồi

Vận nước những lo dâu biển đổi

Tức mình luống thẹn tháng ngày trôi

Nhắn ai ngoài ấy ta xin hỏi

Triều đã lui chưa, cát đã bồi?

(Trần Văn Hương) 12-12-60


Bài thơ "Nỗi Lòng"


Cuối năm 1961, khi được người bạn là Long Giang Đỗ Phong Thuần cho đọc 1 bài thơ (tựa là Nỗi Lòng), bảo là của Chí sĩ Ngô Đình Diệm làm khi bôn ba làm cách mạng ở hải ngoại, ông Trần Văn Hương có làm 2 bài họa:


Nỗi Lòng (Nguyên bản) 

 

Gươm đàn nửa gánh quẩy sang sông
Hỏi bến: thuyền không, lái cũng không!
Xe muối nặng nề thân vó Ký (*)
Đường mây rộng rãi tiếc chim Hồng (*) 
Vá trời lấp biển người đâu tá? 
Bán lợi mua danh chợ vẫn đông!
Lần lữa nắng mưa theo cuộc thế 
Cắm sào đợi khách, thuở nào trong? 

(Chí sĩ Ngô Đình Diệm) 1953 


(*) Chú thích: Ngựa Ký là ngựa giỏi, chạy xa.  Chim Hồng Hộc là chim bay cao.

(Họa 1)                                                        

Hèn vụng toan khai núi lấp sông!              

Chiêm bao sự nghiệp: có rồi không!          

Tan tành lưới gió hoài tơ nhện                    

Diệu vợi đường mây rã cánh hồng               

Mùi thế ngọt ngon ai đã chán?                   

Chợ đời giành giựt khách còn đông            

Nhắn lời xin hỏi người cao kiến                

Nào thuở Hoàng Hà thấy nước trong?       

(Trần Văn Hương) 26-12-61                                                     


(Họa 2)

Tủi nhục như vầy rửa nước sông?

Cơ đồ gây dựng phút thành không!

Lòng nầy hổ gởi vầng trăng bạc

Danh ấy đành buông ngọn lửa hồng 

Chí sĩ cam thân vùi tuyết Bắc (*)

Anh hùng thẹn mặt ngó người Đông (*)

Xét mình chẳng tiện theo gương trước

Sống đục còn hơn chịu thác trong!

(Trần Văn hương) 26-12-61


(*) Chú thích:

    Nhắc chuyện Tô Vũ cam chịu ở vùng “tuyết phương Bắc” và Hạng Vũ thẹn không muốn qua sông gặp lại “người Giang Đông” (mặc dù ông Đình Trưởng có cấm sào đợi).


Ông Long Giang Đỗ Phong Thuần cũng có 1 bài thơ để nói ý kiến chống đối của mình (với ông Ngô Đình Diệm) thì ông Trần Văn Hương cũng phụ họa 1 bài nữa:


Phúng Thế (Xướng) 

                                                   

Đường đời chen lấn chợ trời đông              

Chác lợi mua danh mới phập phòng           

Tránh kẻ ham giàu bôi sử sách                    

Phụ người công khó giúp non sông            

Con buôn gặp mối đeo như đỉa                   

Thằng mổng no cơm hót tựa nhồng             

Ái quốc ưu dân là quảng cáo                      

Ngân hàng ngoại quốc dẫy đầy công.         

(Long Giang Đỗ Phong Thuần)                  


Chuyện Trớ Trêu (Họa)


Trớ trêu mật ít lại ruồi đông

Thầm nghĩ cười ai mũi sớm phồng

Môi mỏng khoe lo dân với nước

Mặt dầy quên thẹn với non sông

Thấy lâu xốn mắt, lòng lang sói

Nghe lắm rườm tai, giọng cưởng nhồng 

Tấp tểnh đua đòi trang “chí sĩ”

Muôn đời để mãi tiếng thằng “công” (*)

(Trần Văn Hương)


(*) Chú thích: 

    “Công”: từ tiếng Pháp là “Un Con” để nói người ngu dốt vô liêm sĩ. (Ông Trần Văn Hương tự chú thích).


Sau đó dù biết là bài thơ không phải của Chí sĩ Ngô Đình Diệm (mà là của ông Nghè Nguyễn Sỹ Giác), nhưng ông Trần Văn Hương không đổi ý (chống đối).  Đến năm 1964, nhìn lại cuộc đảo chánh 1-11-63, ông thú thật là ông giựt mình vì những câu thơ “khẩu chiếm” (khẩu khí) của mình về vận mệnh của ông Ngô Đình Diệm.


Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, thi văn của giới trí thức VN hòa hợp Bắc Nam và Đông Tây lên cao đến tuyệt đỉnh.  Người di cư miền Bắc cũng hòa hợp với người trong Nam như 2 bài thơ của ông Nguyễn Vỹ và ông Trần Văn Hương vịnh Mùa Thu:


Thu ơi, ai nhuộm lá thu vàng

Lá ngập tơi bời đến ải quan

Cây cỏ ngậm ngùi sầu thế hệ

Nước non vương vấn hận thời gian

Vườn thơ vắng bướm hương tàn tạ

Cánh nhạn tung mây gió phũ phàng

Ôi mảnh hồn trăng từ vạn kỷ

Gieo chi đất bụi một màu tang.

(Nguyễn Vỹ)


Tàn lục lưa thưa điểm lá vàng

Heo may heo hắt giục thu sang

Sương lồng trướng khói: mờ gương thỏ

Gió vén rèm mây: chẳng bóng nhàn

Khí mát xông thềm, hơi dế lạnh

Mưa dầm trĩu nhánh, giọng thiền khan

Bắc Nam kinh vỹ trời tuy khác

Thu đến sầu thu cũng ngập tràn.

(Trần Văn Hương) 


Ông Nguyễn Vỹ là một thi nhân tiền chiến ở miền Bắc nổi danh với Thơ Mới.  Sau hiệp định Genève, ông làm báo ở Miền Nam nổi danh với Bán Nguyệt San Phổ Thông.  Ông thường hay Xướng thơ Đường Luật trong những dịp đặc biệt và mời mọi người trong nước (VNCH) họa lại, chỉ cần trùng vần của câu đầu mà thôi.  

Bài thơ trên của ông Nguyễn Vỹ là 1 bài thơ Xướng về mùa Thu (1961?) và có 113 bài họa được ông chọn đăng trong tập thơ bán kèm theo Phổ Thông tựa đề là “Nam thu hòa khúc”.  Ông Trần Văn Hương ban đầu không có họa nhưng khi thấy có nhiều người hưởng ứng nên mới làm bài họa trên nhấn mạnh đến thời tiết Miền Nam trong mùa thu.


Điều lạ là vấn đề “Ý Thức Hệ” giữa Tư Bản (Miền Nam VNCH) và Cộng Sản (Miền Bắc VNDCCH) không ảnh hưởng đến ông Trần Văn Hương như đa số chính trị gia trong thời kỳ nầy:


Ăn Cơm Rồi Nói Chướng


Cơm rồi nói chướng chọc ai chơi

Có giận thì cam chớ nặng lời

Thịt béo cá ngon ăn phát ách

Trà thơm bánh ngọt nít mê tơi

Sướng thân quên kẻ quen đau khổ

No bụng xem đời rất sáng tươi

“Duy Vật? Duy Tâm?”- sai bét hết!

“Duy Bao Tử” mới đáng mười mươi.

(Trần Văn Hương)


Nguồn gốc từ miền Bắc, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thành lập với Võ Chí Công, Huỳnh Tấn Phát và Phùng Văn Cung ngày 20-12-60 ở xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là Tân Biên), Tây Ninh ở vùng gần biên giới Việt Miên.  Quân Đội Giải Phóng Miền Nam lập ngày 15-2-61 và bắt đầu có chiến tranh ở Miền Nam.


Nhìn Xuân Nhân Dần Sang Cảm Tác


Trâu đi danh dữ hãy còn bêu

Cọp bước chân sang cũng lắm đều (điều)

Tiếng súng “tảo thanh” thay tiếng pháo (*)

Cây cờ “giải phóng” thế cây nêu (*)

Con đường thân ái đang tay lắp

Ngòi lửa oan cừu ráng sức khêu

Vói hỏi Ông Xanh thông cảm chẳng?

Thằng dân vắn cổ biết sao kêu.

(Trần Văn Hương) 

5-2-62


(*) Chú thích:

    Tết năm Nhâm Dần (1962), Quân đội GPMN ra lệnh cho các vùng quê không ăn Tết còn chính phủ VNCH thì ra lệnh cấm đốt pháo.


Ngày 16-2-62, đại hội lần thứ nhứt của Mặt Trận GPMN bầu Ls Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ Tịch với 3 người cũ làm Phó Chủ Tịch là Bs Phùng Văn Cung, Ks Huỳnh Tấn Phát và Võ Chí Công.


Thời kỳ Quân Quản (1963-67)


Ngày 1-11-63: Đảo chánh các Tướng Tá trong quân đội do Trung tướng Dương Văn Minh, Trung tướng Trần Văn Đôn, Thiếu tướng Trần Thiện Khiêm (Tham mưu trưởng Liên quân) và Thiếu tướng Tôn Thất Đính (Tư lệnh Quân đoàn 3) cầm đầu.  Quân chủ lực là của Sư đoàn 5 của Đại tá Nguyễn Văn Thiệu (ở Biên Hòa) và Sư đoàn 7 của Đại tá Nguyễn Hữu Có (ở Mỹ Tho).

Ngày 2-11-63: Tổng thống Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu bị giết.

Ngày 3-11-63: Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng thành lập để tạm thời lãnh đạo quốc gia.  Đệ Nhất Cộng Hòa chấm dứt và Thời kỳ Quân Quản bắt đầu.

Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng:

    Chủ tịch: Trung tướng Dương Văn Minh

    Đệ nhất Phó Chủ tịch: Trung tướng Trần Văn Đôn

    Đệ nhị Phó Chủ tịch: Trung tướng Tôn Thất Đính

    Ủy viên Ngoại Giao kiêm Tổng Thư ký: Trung tướng Lê Văn Kim

    Ủy viên Kinh Tế: Trung tướng Trần Văn Minh

    Ủy viên An Ninh: Trung tướng Phạm Xuân Chiểu

    Ủy viên Quân Vụ: Trung tướng Trần Thiện Khiêm

    Ủy viên Chính Trị: Thiếu tướng Đỗ Mậu

    Ủy viên: Trung tướng Mai Hữu Xuân

                  Trung tướng Lê Văn Nghiêm

                   Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiệu

                   Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có


Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng chỉ định Cựu Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ lập Chính phủ.

Ngày 4-11-63: Chính phủ Lâm thời Nguyễn Ngọc Thơ thành lập.

Chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ:


    Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Kinh Tế: Nguyễn Ngọc Thơ

    Tổng trưởng Quốc Phòng: Trung tướng Trần Văn Đôn

    Tổng trưởng An Ninh: Trung tướng Tôn Thất Đính

    Tổng trưởng Ngoại Giao: Phạm Đăng Lâm

    Tổng trưởng Tư Pháp: Nguyễn Văn Mầu

    Tổng trưởng Giáo Dục: Giáo sư Phạm Hoàng Hộ

    Tổng trưởng Cải Tiến Nông Thôn: Trần Lê Quang

    Tổng trưởng Thông Tin: Thiếu tướng Trần Tử Oai

    Tổng trưởng Công Chánh: Trần Ngọc Oánh

    Tổng trưởng Y Tế: Vương Quang Trường

    Tổng trưởng Lao Động: Nguyễn Lê Giang

    Tổng trưởng Thanh Niên: Nguyễn Hữu Phi

    Tổng trưởng Tài Chánh: Lưu Văn Tính

    Tổng trưởng Kinh Tế: Âu Trường Thanh

    Bộ trưởng tại Phủ Thủ tướng: Nguyễn Thành Cung


/var/folders/1v/zvjkz0rj6nz29svpxzdyd34h0000gn/T/com.microsoft.Word/WebArchiveCopyPasteTempFiles/hinh_vo_gia_45_2.jpg

(Thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ và các Tướng tá

(1) Nguyễn Ngọc Lễ (2) Trần Thiện Khiêm (3) Dương Văn Minh (4) Thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ (5) Trần Văn Đôn (6) Tôn Thất Đính (7) Nguyễn Văn Thiện (8) Nguyễn Văn Vỹ (9) Nguyễn Cao Kỳ (10) Trần Ngọc Huyến (11) Nguyễn Hữu Có (12) Nguyễn Văn Thiệu (13) ? (14) Lê Nguyên Khang (15) Nguyễn Giác Ngộ (16) Dương Hiếu Nghĩa (17) Huỳnh Văn Cao.) 


Ngày 30-1-64: Trung tướng Nguyễn Khánh làm cuộc "Chỉnh lý", bắt và quản thúc 4 Tướng Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Mai Hữu Xuân và Lê Văn Kim ở Đà Lạt.  Các Tướng Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Văn Thiệu và Đỗ Mậu theo cùng phe với Tướng Nguyễn Khánh.  

Ngày 31-1-64: Trung tướng Nguyễn Khánh làm Chủ tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng. kiêm Tổng Tư lệnh Quân Đội.

Ngày 1-2-64: Chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ từ chức và được Trung tướng Nguyễn Khánh chấp nhận (3-2-64)

Ngày 7-2-64: Hiến ước lâm thời số 2 giao quyền hành Quốc trưởng cho Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng chỉ định.  Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng cử Tướng Dương Văn Minh làm Quốc trưởng và Tướng Nguyễn Khánh lập chính phủ.

Ngày 8-2-64: Chính phủ Nguyễn Khánh thành lập.

Chính phủ Nguyễn Khánh:


    Thủ tướng: Trung tướng Nguyễn Khánh

    Phó Thủ tướng đặc trách Bình định: Nguyễn Tôn Hoàn

    Phó Thủ tướng đặc trách Kinh Tế Tài Chánh: Nguyễn Xuân Oánh

    Phó Thủ tướng đặc trách Văn Hóa Xã Hội: Thiếu tướng Đỗ Mậu

    Quốc Vụ Khanh: Bác sĩ Lê Văn Hoạch

    Tổng trưởng Ngoại Giao: Bác sĩ Phan Huy Quát

    Tổng trưởng Nội Vụ: Hà Thúc Ký

    Tổng trưởng Công Chánh: Trần Ngọc Oánh

    Tổng trưởng Quốc Gia Giáo Dục: Bùi Tường Huân

    Tổng trưởng Quốc Phòng: Trung tướng Trần Thiện Khiêm

    Tổng trưởng Cải Tiến Nông Thôn: Nguyễn Công Hầu

    Tổng trưởng Y Tế: Vương Quang Trường

    Tổng trưởng Lao Động: Đàm Sỹ Hiến

    Tổng trưởng Thông Tin: Phạm Thái

    Tổng trưởng Tài Chánh: Nguyễn Xuân Oánh

    Tổng trưởng Kinh Tế: Âu Trường Thanh

    Tổng trưởng Tư Pháp: Nguyễn Văn Mầu

    Tổng trưởng Xã Hội: Trần Quang Thuận

    Bộ trưởng tại Phủ Thủ Tướng: Nghiêm Xuân Hồng 


Ngày 21-3-64: Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng biểu quyết tự giải tán, nhường chỗ cho Ủy Ban Lãnh Đạo Lâm Thời của Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng (thay thế Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng):

    Chủ tịch: Trung tướng Nguyễn Khánh

    Đệ nhất Phó Chủ tịch: Trung tướng Trần Thiện Khiêm

    Đệ nhị Phó Chủ tịch: Thiếu tướng Đỗ Mậu

    Đệ tam Phó Chủ tịch: Trung tướng Phạm Xuân Chiểu

    Cố vấn Tối cao: Trung tướng Dương Văn Minh 


Từ đầu tháng 8-64, bắt đầu có chống đối của Báo chí, Sinh viên, Phật Giáo (do Thượng tọa Thích Tâm Châu cầm đầu) và Công Giáo (do Linh Mục Hoàng Quỳnh cầm đầu).  Rối loạn trong Chính phủ Nguyễn Khánh và Hội Đồng Quân Đội.


Image result for nguyễn khánh

(Các Tướng Trần Thiện Khiêm, Dương Văn Minh và Nguyễn Khánh)


Ngày 8-9-64: Thượng Hội Đồng Quốc Gia thành lập theo Hiến chương Vũng Tàu, để chuyển dần sang Chính phủ dân sự. 

Thượng Hội Đồng Quốc Gia gồm có 16 thành viên.  Ông Phan Khắc Sửu làm Chủ tịch.  Phó Chủ tịch là Nguyễn Xuân Chữ và Tổng Thư ký là Trần Văn Văn.  Bác sĩ Hồ Văn Nhựt được cử lập chính phủ nhưng không làm được nên xin rút lui.  Đô trưởng Sài Gòn là ông Trần Văn Hương được bổ nhiệm làm Thủ tướng và lập chính phủ.


Ngày 13-9-64: Trung tướng Dương Văn Đức và Thiếu tướng Lâm Văn Phát đem quân về đóng ở Sài Gòn Gia Định nhưng không được toàn thể quân đội (dưới quyền của Đại tướng Trần Thiện Khiêm) ủng hộ nên phải rút quân về.  Sau đó Trung tướng Dương Văn Đức, Thiếu tướng Lâm Văn Phát và nhiều sĩ quan cùng phe bị cách chức.

Ngày 27-9-64: Ông Phan Khắc Sửu làm Quốc trưởng và Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ thay thế làm Quyền Chủ tịch Thượng Hội Đồng Quốc Gia.

Ngày 24-10-64: Đại tướng Trần Thiện Khiêm làm Đại sứ tại Hoa Kỳ.


Image result for trần văn hương

(Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và chính phủ Trần Văn Hương)


Ngày 4-11-64: Chính phủ Trần Văn Hương thành lập.

Chính phủ Trần Văn Hương:


    Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quân Lực: Trần Văn Hương

    Đệ nhất Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Nội Vụ: Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên

    Đệ nhị Phó Thủ tướng kiêm Thống đốc Ngân Hàng Quốc Gia: Nguyễn Xuân Oánh

    Tổng trưởng Ngoại Giao: Phạm Đăng Lâm

    Tổng trưởng Tư Pháp: Lữ Văn Vi

    Tổng trưởng Thông Tin: Lê Văn Tuấn

    Tổng trưởng Kinh Tế: Nguyễn Duy Xuân

    Tổng trưởng Tài Chính: Lưu Văn Tính

    Tổng trưởng Cải Tiến Nông Thôn: Ngô Ngọc Đối

    Tổng trưởng Công Chánh: Lê Sĩ Ngạc   

    Tổng trưởng Văn Hóa Giáo Dục: Phan Tấn Chức

    Tổng trưởng Y Tế: Trần Quang Diệu

    Tổng trưởng Xã Hội: Đàm Sĩ Hiến

    Tổng trưởng Lao Động: Nguyễn Hữu Hùng

    Tổng trưởng Phủ Thủ Tướng: Phạm Văn Toàn


Chính phủ Trần Văn Hương bị Phật giáo và Sinh viên chống đối kịch liệt.  Ngoài ra còn có xung đột giữa Phật Giáo và Công Giáo.

Ngày 18-12-64, Tổng Tư lệnh Quân Đội là Đại tướng Nguyễn Khánh lập một Hội Đồng Quân Lực để giúp đỡ Tổng Tư lệnh.

Ngày 20-12- 64: Nhân danh Hội Đồng Quân Lực, Tướng Nguyễn Khánh giải tán Thượng Hội Đồng Quốc Gia.

Thủ tướng Trần Văn Hương phải thu nạp thêm các Tướng lãnh vào chính phủ:


    Đệ nhị Phó Thủ tướng: Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu

    Tổng trưởng Quân Lực: Trung tướng Trần Văn Minh

    Tổng trưởng Tâm Lý Chiến: Trung tướng Linh Quang Viên

    Tổng trưởng Thanh Niên Thể Thao: Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ.

Ông Nguyễn Xuân Oánh xuống thành Đệ tam Phó Thủ tướng.


Phật Giáo vẫn chống đối biểu tình tuyệt thực: Cầm đầu là các Thượng tọa Thích Tâm Châu, Thích Trí Quang, Thích Hộ Giác và Thích Thiện Minh.

Ngày 24-1-65: Hội Đồng Quân Lực bãi nhiệm Thủ tướng Trần Văn Hương và đem giam ông ở Vũng Tàu.  Ông Nguyễn Xuân Oánh ủy nhiệm lập chính phủ mới nhưng không thành.

Ngày 27-1-65: Đại tướng Nguyễn Khánh làm cuộc chỉnh lý lật đổ chính quyền dân sự và truất phế Quốc trưởng Phan Khắc Sửu.   

Ngày 20-2-65: Đảo chánh thất bại của Tướng Lâm Văn Phát và Đại tá Phạm Ngọc Thảo.  

Phe các Tướng trong nội bộ của Hội Đồng Quân Lực dàn xếp ép Tướng Nguyễn Khánh phải lưu vong và ủy quyền cho Bác sĩ Phan Huy Quát lập chính phủ dân sự.  Quyền hành của 2 Tướng Nguyễn Khánh và Trần Thiện Khiêm hoàn toàn chấm dứt.  Hai Tướng bắt đầu lãnh đạo Hội Đồng Quân Lực là Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu và Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ.


Cuối tháng 2-65: Chính phủ Phan Huy Quát thành lập: 


    Thủ tướng: Bác sĩ Phan Huy Quát

    Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc Phòng: Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu

    Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Ngoại Giao: Bác sĩ Trần Văn Đỗ

    Phó Thủ tướng phụ trách Kế hoạch: Luật sư Trần Văn Tuyên

    Bộ trưởng Thông Tin: Trung tướng Linh Quang Viên

    Bộ trưởng Giáo Dục: Nguyễn Tiến Hỷ

    Bộ trưởng tại Phủ Thủ tướng: Bùi Diếm


Chính phủ Phan Huy Quát lại bị Công Giáo chống đối.  Sự bất đồng chánh kiến giữa Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ tướng Phan Huy Quát đưa đến sự kiện cuối cùng là Chính phủ dân sự bị "quân đội" giải tán (kể cả chức vụ Quốc trưởng) vào ngày 11-6-65.

Ngày 12-6-65: Hội Đồng Quân Lực lập ra Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, tổ chức sau cùng của Thời kỳ Quân Quản:

    Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia có trọng trách chỉ huy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chính thức từ ngày 19-6-65 là ngày Ủy Ban trình diện quốc dân nên gọi ngày đó là ngày Quân Lực.  Ngày Quốc Khánh vẫn là ngày 1-11.

    Ủy Ban lập ra Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương tức là Nội các Chính phủ

    Hội Đồng Quân Lực tự giải tán (14-6-65)

Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia có 11 chức vụ (và 9 Thành viên):


    Chủ tịch, tương đương với Quốc trưởng: Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu

    Tổng Thư ký: Trung tướng Phạm Xuân Chiểu

    Ủy viên phụ trách điều khiển Hành pháp (Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương), tương đương với Thủ tướng: Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ

    Tổng trưởng Quốc Phòng: Trung tướng Nguyễn Hữu Có

    Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội: Trung tướng Nguyễn Hữu Có

    Tư lệnh Quân đoàn I: Thiếu tướng Nguyễn Chánh Thi

    Tư lệnh Quân đoàn II: Thiếu tướng Nguyễn Văn Mạnh

    Tư lệnh Quân đoàn III: Thiếu tướng Cao Văn Viên

    Tư lệnh Quân đoàn IV: Thiếu tướng Đặng Văn Quang

    Tư lệnh Hải Quân: Đề đốc Trần Văn Chơn

    Tư lệnh Không Quân: Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ


Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (từ tháng 6-65 đến tháng 11-67) thay thế Chánh phủ Phan Huy Quát và  sẽ nhường lại cho chính phủ dân sự của nền Đệ nhị Cộng Hòa

Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương là Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, ở cương vị Thủ tướng.

Các thành viên trong Ủy Ban:


    1. Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên: Phó Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương

    2. Bác sĩ Trần Văn Đỗ: Tổng Ủy viên Ngoại Giao

    3. Thẩm phán Trần Minh Tiết: Tổng Ủy viên Tư Pháp

    4. Luật sư Nguyễn Hữu Thống

    5. Dược sĩ La Thành Nghệ

    6. Giáo sư Trần Văn Kiện

    7. Bác sĩ Trần Lữ Y

    8. Nguyễn Xuân Phong: Ủy viên Lao Động

    9. Bùi Diễm: Ủy viên Ngoại Giao

    10. Âu Trường Thanh: Tổng Ủy viên Kinh Tế Tài Chánh

    11. Trương Văn Thuấn: Tổng Ủy viên Giao Thông

    12. Nguyễn Văn Trường: Tổng Ủy viên Giáo Dục

    13. Bác sĩ Trần Ngọc Ninh: Tổng Ủy viên Văn Hóa Xã Hội kiêm Ủy viên Giáo Dục

    14, Trung tướng Đặng Văn Quang: Tổng Ủy viên Kế Hoạch

    15. Thiếu tướng Nguyễn Bảo Trị: Tổng Ủy viên Thông Tin Chiêu Hồi kiêm Tổng Cục trưởng Chiến tranh Chính trị

    16. Thiếu tướng Nguyễn Đức Thắng: Tổng Ủy viên Xây Dựng

    17. Võ Long Triều: Tổng Ủy viên Thanh Niên Thể Thao.


Thời Đệ Nhị Cộng Hòa (1967-75)


Image result for chính phủ nguyễn cao kỳ

(Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ và chính phủ Trần Thiện Khiêm)


Liên danh Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ thắng cử trong cuộc đầu phiếu năm 1967, chính thức thành lập Đệ Nhị Cộng Hòa với Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng Thống và Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Phó Tổng thống.  Tổng thống chỉ định Thủ tướng và Thủ tướng thành lập Chính phủ (Nội các).  Được chỉ định, Luật sư Nguyễn Văn Lộc làm Thủ tướng và lập Nội các (9-11-67).  Liên danh Trần Văn Hương và Mai Thọ Truyền đứng hạng nhì trong cuộc tuyển cử.

Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương giải tán tháng 11-67.

Chính phủ Nguyễn Văn Lộc (1967-1968)


    Thủ tướng: Luật sư Nguyễn Văn Lộc 

    Tổng trưởng Ngoại Giao: Bác sĩ Trần Văn Đỗ

    Tổng trưởng Nội Vụ: Trung tướng Linh Quang Viên

    Tổng trưởng Xây Dựng Nông Thôn: Trung tướng Nguyễn Đức Thắng

    Tổng trưởng Tài Chánh: Lưu Văn Tính

    Tổng trưởng Kinh Tế: Trương Thái Tôn

    Tổng trưởng Văn Hóa Giáo Dục: Giáo sư Tăng Kim Đông

    Tổng trưởng Canh Nông và Điền Địa: Tôn Thất Trình

    Tổng trưởng Chiêu Hồi: Nguyễn Xuân Phong

    Tổng trưởng Giao Thông và Vận Tải: Lương Thế Siêu

    Tổng trưởng Công Chánh: Bửu Đôn

    Tổng trưởng Y Tế: Bác sĩ Trần Lữ Y

    Tổng trưởng Xã Hội và Tỵ Nạn: Bác sĩ Nguyễn Phúc Quế

    Tổng trưởng Cựu Chiến Binh: Bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng

    Tổng trưởng Lao Động: Giáo sư Phó Bá Long

    Tổng trưởng Phát Triển Sắc Tộc: Paul Nur

    Tổng trưởng Tư Pháp: Huỳnh Đức Bửu


Sau sự kiện Tết Mậu Thân, Thủ tướng Nguyễn Văn Lộc bị chỉ trích và ép từ chức.  Ông Trần Văn Hương thay thế làm Thủ tướng với Nội các mới (28-5-68) cho đến ngày 1-9-69 thì có Nội các mới của Thủ tướng Trần Thiện Khiêm.

Ông Nguyễn Văn Lộc (1922-1992) sinh ở quận Châu Thành, Vĩnh Long.  Ông đậu Cử nhân Luật tại đại học Montpellier (1954) và tốt nghiệp Cao học Hình Luật tại đại học Paris (1964).  Ông là Luật sư Tòa Thượng thẩm Sài Gòn từ năm 1955.  Tháng 11-67, ông Nguyễn Văn Lộc được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ định làm Thủ tướng lập nội các chính phủ đầu tiên của nền Đệ nhị Cộng Hòa.  Sau vụ binh biến Mậu Thân, ông bị ép từ chức.  Sau đó ông không làm chính trị mà chỉ dạy học.  Năm 1969-70, ông là giáo sư ở đại học Hòa Hảo (An Giang).  Năm 1971-72, ông làm Viện trưởng viện đại học Cao Đài Tây Ninh.


Chính phủ Trần Thiện Khiêm (1969-1975)


    Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Nội Vụ: Đại tướng Trần Thiện Khiêm

    Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Giáo Dục: Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên

    Tổng trưởng Ngoại Giao: Dược sĩ Trần Văn Lắm

    Tổng trưởng Quốc Phòng: Trung tướng Nguyễn Văn Vỹ

    Tổng trưởng Thông Tin: Luật sư Ngô Khắc Tỉnh

    Tổng trưởng Xây Dựng Nông Thôn: Thiếu tướng Trần Thanh Phong

    Tổng trưởng Tài Chánh: Nguyễn Bích Huệ

    Tổng trưởng Kinh Tế: Phạm Kim Ngọc (69-71) và Nguyễn Đức Cường (71-75)

    Tổng trưởng Văn Hóa Giáo Dục: Giáo sư Tăng Kim Đông

    Tổng trưởng Cải Cách Canh Nông và Ngư Nghiệp: Cao Văn Thân

    Tổng trưởng Chiêu Hồi: Bác sĩ Hồ Văn Châm

    Tổng trưởng Giao Thông: Trần Văn Viễn

    Tổng trưởng Công Chánh: Dương Kích Nhưỡng

    Tổng trưởng Y Tế: Bác sĩ Trần Minh Tùng

    Tổng trưởng Xã Hội: Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu

    Tổng trưởng Lao Động: Đàm Sĩ Hiến

    Tổng trưởng Phát Triển Sắc Tộc: Paul Nur

    Tổng trưởng Tư Pháp: Luật sư Lê Văn Thu


Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tái đắc cử trong cuộc bầu cử ngày 3-10-1971 trong liên danh với ông Trần Văn Hương.  Từ đó ông Trần Văn Hương là Phó Tổng Thống thay thế Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ.


Đệ Nhị Cộng Hòa (1967-1975) có những sự kiện lịch sử quan trọng:

    Hiến pháp và Tuyển cử (1967)

    Chiến tranh Cục bộ (1967-68)

    Chiến tranh Mậu Thân (1968)

    Việt Nam hóa chiến tranh (1968-73)

    Cải Cách Điền Địa lần thứ 2 (1969-73)

    Tuyển cử (1971)

    Hiệp định Paris (1972-1974)

    Chiến tranh mùa Xuân (1974-75)


Người Lãnh Đạo Quốc Gia


Sau khi chính phủ Ngô Đình Diệm bị lật đổ trong cuộc đảo chánh 1-11-63, ông Trần Văn Hương làm Đô Trưởng Sài Gòn lần thứ hai (1964), nổi danh với “đi làm bằng xe đạp”.  Sau đó ông tham gia chính quyền của Đệ Nhị Cộng Hòa giữ chức Thủ Tướng lần thứ nhứt (1964-1965) của Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng lần thứ nhì (1968-1969) của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ.  Ông đắc cử và làm Phó Tổng Thống với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (1971-1975).  Ngày 21-4-75, ông trở thành Tổng Thống khi ông Nguyễn Văn Thiệu rời Việt Nam và ngày 28-4-75, ông Trần Văn Hương nhường chức Tổng Thống cho học trò cũ của mình là Cựu Đại Tướng Dương Văn Minh.  Miền Nam mất ngày 30-4-75.


Ông Trần Văn Hương sống ở Sài Gòn cho đến khi qua đời (1982) với em gái, em rể và người con lớn là Trần Văn Dõi.  Con thứ của ông Trần Văn Hương là ông Trần Văn Đính (thường là Phụ Tá cho ông) di tản năm 1975 và định cư ở California.  Trần Văn Dõi, lấy họ mẹ với tên mới là Lưu Vĩnh Châu, là 1 cán bộ thường, trước theo kháng chiến Việt Minh ở ngoài Bắc có đánh trận Điện Biên Phủ, cấp bực Đại Úy trong quân đội (Miền Bắc).  Ông Trần Văn Hương cũng có người em là ông Lâm Văn Giỏi là một Giáo sư của trường Trung học Phan Thanh Giản (ở Cần Thơ).


Thi sĩ Trần Văn Hương


Vốn là giáo sư việt văn, ông Trần Văn Hương là một thi sĩ kỳ tài.  Ngoài đề tài lịch sử chính trị, ông còn làm thơ về những vấn đề văn hóa.

Đây là đề tài tôn giáo trong thơ Trần Văn Hương.


Vô Đề


Ta thấy người tu ta cũng tu

Cũng chuông cũng mõ cũng công phu

Tháng ngày rau thịt, chay hòa mặn

Hôm sớm kinh văn, sáng lẫn mù

Chưa hẳn nhà thuyền (thiền) hơn khách tục

Chớ khoe mình trí để người ngu

Vả tu đâu phải chuyên hành xác

Di Lạc ngồi kia vẫn mập ù?

(Trần Văn Hương)


(Câu Đối)

Đạo cứ hỏi nơi Tâm, đừng trai giới kệ kinh làm rộn Phật.

Phúc lựa cầu với Phật, hãy khiêm từ nhiêu nhẫn để nên Tâm.

(Trần Văn Hương)


Đặc biệt là ông Trần Văn Hương rất thích họa thơ.  Ông thường tìm họa những bài thơ khó.


- Họa thơ Phan Khôi:


Viếng Mộ Ông Lê Chất (Nguyên bản)


Bình Tây Trấn Bắc sử nghìn thu 

Ấy cỏ mờ rêu đất một u

Ấy dũng ấy trung là thế thế!

Mà ân mà nghĩa ở mô mô?

Chim gào hờn xót xuân ầm ỹ

Hùm thét oai lưa gió vụt vù

Cái chuyện anh hùng ai nhắc nữa

Hồ Tây văng vẳng tiếng chuông bu!

(Phan Khôi) 1921


Dù là một bài thơ “tử vận” nhưng có người người họa được:


Điếu Ông Lê Chất (Họa)


Thân danh bách chiến được bao thu

Vùi nắm xương tàn chốn tịch u

Đất Bắc vỗ dân công nhớ đó

Non Tây phá giặc sử ghi mô? (*)

Tấm gương trung liệt gương bôi lợt

Ngọc đuốc ân oai gió thổi vù

Làm vật hy sinh phơi mặt tợ

Để cho ruồi kiến mặc tình bu.

(Trần Văn Hương) 1962


(*) Chú thích: Non Tây = Tây Sơn


Ông Lê Chất (1769-1826) nguyên là tướng của nhà Tây Sơn.  Khi vua Cảnh Thịnh giết hại công thần kể cả nhạc phụ của ông là Lê Trung, ông Lê Chất bỏ theo ông Võ Tánh ở Bình Định, về với Nguyễn Vương Phúc Ánh (1799).  Ông là phó tướng của ông Lê Văn Duyệt đem lục quân chiếm Bắc Hà và sau nầy làm đến Tổng Trấn Bắc Thành.  Khi chết, ông có mộ chôn ở Hà Nội.


- Họa thơ vua Thành Thái


Hơn 30 năm bị lưu đày, khi trở về qua Cap St Jacques, Cựu hoàng Thành Thái cũng có làm bài thơ theo thể liên hoàn và được ông Trần Văn Hương họa lại.


Tự Thán (Nguyên bản)                                                                        

                                              

Sống thừa nào biết có hôm nay                

Nhìn thấy non sông đất nước nầy!            

Sừng ngựa chưa quên câu chuyện cũ       

Ruột tằm đoài đoạn mối sầu tây               

Thành Xuân nghìn dặm mây mù mịt (*)   

Bể Cấp bốn bề sóng bổ vây                       

Tiếng súng đêm trường nghe nhặt khúc    

Dầu cho sắt đá cũng châu mày.                


Châu mày lụy ứa suốt canh thâu               

Đất tổ hồn thiêng đâu ở đâu?                    

Dưới một bầu trời chung Bách Việt         

Trên hai cõi đất vạch Hồng Câu (*)         

Giá than trách kẻ lòng đen bạc                  

Trùn dế thương ai kiếp dãi dầu                 

Mãi đứng núi nầy trông núi nọ                 

Hỏi bao giờ bể hóa thành dâu? (*)                 

(Thành Thái)                                      


(*) Chú thích:

    Thành Xuân = Phú Xuân (Huế) kinh đô của nhà Nguyễn.  

    Hồng Câu là nơi Lưu Bang và Hạng Vũ họp để chia mỗi người ½ nước Tàu; chứng tỏ bài thơ nầy làm sau 1947 khi nước ta có 2 nước VNDCCH trên vỹ tuyến 16 của VM và Quốc Gia VN dưới vỹ tuyến 16 của Bảo Đại.

    Từ câu "Thương hải biến vi tang điền" (Biển hóa thành ruộng dâu).


Tự Thán (Họa)                                                

                                             

Ba chục năm chờ mới có nay

Cái mừng nào đổi cái mừng này

Tinh long chực thuở về đài bắc

Hồ mã quên ngày hí gió tây (*)

Nên để con côi hùm sắp cật?

Hay mong biển rộng ngạc giương vây?

Phải chăng vận nước nhờ tay cũ

Mà giống dân ta nở mặt mày


Mày mặt nào cam chịu phục thâu

Tình nhà nổi nước trọng khinh đâu?

Ấp gò may được trời gieo vận

Đỡ vạc mong chờ khách thả câu

Xót kẻ phơi sương cùng nát thịt

Thương dân cạn mỡ với khô dầu

Xem bầu nhiệt huyết còn chưa nguội

Biển thẳm còn ngày hóa ruộng dâu. (*)

(Trần Văn Hương)


Chú thích: 

    Từ câu "Hồ mã tê Bắc phong, Việt điểu sào Nam chi" (Ngựa Hồ hí gió Bắc.  Chim Việt đậu cành Nam).  Ám chỉ nhớ quê nhà.

    Từ câu "Thương hải biến vi tang điền" (Biển hóa thành ruộng dâu).


Tiếc thay ông Trần Văn Hương không có thì giờ làm thơ sau năm 1963 vì bận rộn ở chính trường.  Hậu thế có những bài thơ tưởng nhớ ông.  


Vịnh Trần Văn Hương (Nguyên bản)


Trần thế lâu nay vắng bóng Ông

Một lòng tận tụy với non sông

Không xu thời cuộc không màng lợi

Chẳng cậy quyền hành chẳng hám công

Quốc vận long đong nào đổi dạ

Tâm can ngay thẳng khó thay lòng

Đồng cam hoạn nạn cùng dân chúng

Hậu bối muôn đời mãi nhớ Ông.

(Hồ Mỹ Đức)

1/28/17 


Vịnh Trần Văn Hương (Họa)


Sống tròn đạo đức trọn đời Ông

Cam chịu số phần với núi sông

Vị nghĩa chí tình không vị lợi

Thành nhân chi mỹ chẳng thành công

Vận suy, chính trực đầy thi hứng

Nước mất, tận trung trải tấm lòng

Gương sáng ngàn năm lưu hậu thế

Bi hùng lịch sử một đời Ông.

(Phan Thượng Hải)

1/29/17



Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền

Bài viết nầy đăng lần đầu tiên trong phanthuonghai.com (trong mục "Thơ và Sử" phần "Thời Độc Lập").

Tài liệu tham khảo:

    1) Thơ và Việt Sử - Thời kỳ Độc Lập (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com

    2) Lao Trung Lãnh Vận (Trần Văn Hương)

    3) Hai Mươi Năm Qua: 1945-1964 Việc Từng Ngày (Đoàn Thêm)

    4) Google Wikipedia


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét