Nỗi lòng của Lý Hậu Chủ, nhà thơ vương giả.
Nhà Đường, sau loạn Hoàng Sào, càng ngày càng suy yếu, bị kiềm chế bởi Lý Khắc Dụng. Vua Đường Chiêu Tông, muốn khôi phục lại quyền hành, nhờ Chu Toàn Trung giúp đỡ. Ngờ đâu tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa: Chu giết Chiêu Tông, lập Ai đế, rồi ép vua nhường ngôi năm 907.
Từ đó, nước Trung Hoa chìm trong biển loạn: Có 5 triều đại thay phiên nhau cầm quyền, mỗi triều được vài ba đời vua, sử gọi là thời Ngũ Đại, kéo dài từ năm 907 đến năm 960, gồm các nước Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu. Ngoài ra, các Tiết độ sứ cũ của nhà Đường cũng tự dựng nước, cha truyền con nối lập thành 10 nước nhỏ gọi là Thập quốc, trong đó có nước Nam Đường.
Người lập ra nước Nam Đường là Lý Biện (có sách gọi là Lý Thăng), tiết độ sứ tỉnh Giang Tô. Khi Biện xưng đế năm 937, phong con là Lý Cảnh làm Tề vương, chức Binh bộ thượng thư. Biện, được sử gọi là Tiên chủ, mất năm 943; Cảnh nối ngôi tức là Trung chủ. Tuy làm Binh bộ thượng thư, rồi làm vua, nhưng Lý Cảnh không khá lắm về võ nghệ. Năm 951, đi đánh Phúc châu, Lý thất trận; khi Chu Thế Tông Sài Vinh xuống đánh Nam Đường, Lý bị mất vùng Giang Bắc, phải bỏ đế hiệu, xưng thần. Nhưng Lý Cảnh là một tay nổi tiếng về văn chương, làm từ rất hay, có những câu bất hủ được truyền tụng:
菡萏香銷翠葉殘,Hạm nảm hương tiêu thuý diệp tàn,
西風愁起綠波間。Tây phong sầu khởi bích ba gian.
Sen đã tan hương, lá biếc tàn,
Gió Tây sầu nổi, sóng xanh làn
(Trần Trọng San)
Lý Cảnh mất năm 961, Lý Dục nối ngôi cha, gọi là Hậu Chủ. Trước đó, năm 960, Triệu Khuông Dận đã cướp ngôi nhà Hậu Chu, lập nên nhà Tống. Bình lực của Tống vốn yếu, lại phải chống cự với rợ Khiết Đan, nên nước Nam Đường tuy nhỏ, mà Tống phải mất 15 năm, chinh phạt 3 lần mới chiếm nổi. Đó là năm 975: Lý Dục bị tướng Tống là Tào Bân bắt về Biện Kinh, được phong Vi mệnh hầu, để rồi 3 năm sau, 978, bị Tống Thái Tông Khuông Nghĩa sát hại bằng độc dược.
Lý Hậu chủ sinh năm 937, là khi nước Nam Đường lập quốc, mất năm 978, hưởng dương 41 tuổi, làm vua được 14 năm, bị tù 3 năm. Ông là người tài hoa, thông minh, học rộng, giỏi thư pháp, hội họa và âm nhạc. Hoàng hậu là Chu Nga Hoàng, sử gọi là Đại Chu hậu, để phân biệt với Tiểu Chu hậu, em ruột của bà, được phong Hoàng hậu khi bà tạ thế, (936-964). Đại Chu hậu, còn được gọi là Chiêu Huệ Chu hậu, là một trang quốc sắc thiên hương, rất tinh thông âm luật, lại giỏi đàn tỳ bà, đến nỗi Trung chủ Lý Cảnh cũng biết tiếng và ban cho bà một cây đàn rất quý là Thiêu Tào tỳ bà. Khi đó, khúc Nghê Thường Vũ Y của Đường Minh Hoàng đã thất truyền, không còn nguyên vẹn, bà cùng 2 nhạc sư là Từ Huyễn và Tào Sinh chỉnh sửa lại, phối thêm với tỳ bà thành điệu vũ mới làm Lý Hậu chủ vô cùng tán thưởng. Tình yêu của bà với vua rất mặn nồng thắm thiết. Năm 964, khi bệnh tình đã nguy kịch, bà dâng vua cây đàn tỳ bà và chiếc vòng tay bằng ngọc mà bà thường đeo, ý nói lời vĩnh biệt. Hậu chủ rất thương xót, làm bài Chiêu Huệ Chu Hậu Luỵ, lời văn thật thống thiết, bi ai. (Luỵ là một thể văn).
Tiểu Chu hậu, tiểu tự là Nữ Anh, sinh năm 950, kém chị 14 tuổi. Bà hay vào cung thăm chị, và hình như khi chị bị bệnh thì Lý Hậu chủ có tư thông với bà, và làm bài từ theo điệu Bồ Tát Man để nói về mối tình vụng trộm. Nhưng Hậu chủ hối hận về việc này nên săn sóc Đại Chu hậu rất tận tình; khi bà mất, ông làm bài lụy, và đến năm 968, 4 năm sau, mới lập người em làm hoàng hậu. Tiểu Chu hậu sống với Lý Hậu chủ trong suốt thời gian ông bị quản thúc tại Biện Lương, và khi Hậu chủ bị thảm sát, bà đã tuẫn tiết theo chồng, đúng vào ngày 7 tháng 7, là ngày sinh nhật của ông, và cũng là ngày chim Ô thước bắc cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau.
Đang làm vua một nước, nhất hô bá ứng, với cung vàng điện ngọc, đột nhiên vong quốc, mang kiếp cá chậu chim lồng, văn chương của Lý Hậu chủ đẹp như hoa gấm nhưng cũng đầm đìa nước mắt.
# Cách diễn tả nỗi sầu, nỗi hận biệt ly của Lý vừa mới lạ, vừa thấm thía:
剪不斷,Tiễn bất đoạn,
理還亂,Lý hoàn loạn,
是離愁。Thị ly sầu.
(Cắt không đứt, chải lại rối, chính là mối sầu ly biệt.)
[Cụ Phan Khôi, trong bài hớt tóc, có 2 câu: Mối sầu như tóc bạc,cứ hớt lại dài ra, rõ ràng là chịu ảnh hưởng của thơ Lý Hậu chủ].
Hoặc:
離恨恰如春草 Ly hận khước như xuân thảo,
更行更遠還生。Cánh hành, canh viễn, hoàn sinh.
Hận biệt ly giống như cỏ xuân, càng đi, càng xa, vẫn nẩy sinh
(Gió hướng đông đã nổi, báo hiệu mùa xuân trở về...)
Trên lầu nhỏ, một mình thao thức dưới ánh trăng khuya, tình quê vời vợi, kỷ niệm chập chờn, hờn vong quốc xót xa, nhà thơ vương giả không đành lòng quay đầu nhìn về nước cũ... Đó là tâm trạng của Lý Hậu chủ trong bài từ theo điệu Ngu Mỹ Nhân (kỳ 1) 虞美人其一:
春花秋月何時了 Xuân hoa thu nguyệt hà thời liễu?
往事知多少。 Vãng sự tri đa thiểu?
小樓昨夜又東風, Tiểu lâu tạc dạ hựu đông phong,
故國不堪回首月明中 Cố quốc bất kham hồi thủ nguyệt minh trung.
雕欄玉砌應猶在, Điêu lan ngọc thế ưng do tại,
只有朱顏改。 Chỉ thị châu nhan cải,
問君能有幾多愁, Vấn quân năng hữu kỷ đa sầu?
恰似一江春水向東流。Kháp tự nhất giang xuân thủy hướng đông lưu.
Hoa xuân, trăng thu bao giờ hết?
Chuyện cũ nhiều hay ít?
Lầu nhỏ đêm qua lại gió đông,
Nước cũ không đành nhìn lại dưới trăng trong.
Hiên vân thềm ngọc còn nguyên đó,
Chỉ mặt son thay đổi,
Hỏi người ai biết có bao sầu,
Tựa như một sông xuân nước chảy về đông.
(Bát Sách)
Đàn nhạn đã quay về nam, báo hiệu mùa thu. Nhạn bay. tung tăng, ung dung tự tại, còn ta mang kiếp lao tù. Tin không gửi được theo cánh chim, mà mộng hồi hương khó thành sự thật. Đó là ý của 2 câu trong bài từ theo điệu Thanh.
Bình Lạc: 清平樂
雁來音信無憑,Nhạn lai âm tín vô bằng,
路遙歸夢難成 Lộ dao, quy mộng nan thành.
Nhạn về, không gửi được thơ,
Đường xa, mộng trở về quê khó thành.
(Bát Sách)
Đối với Đại Chu hậu, Lý Dục có một tình yêu tha thiết. Tuy trong vòng kiềm tỏa của triều Tống, hịu kiếp lưu vong, ông thường nhớ lại những vũ khúc yểu điệu ngày xưa của người vợ quá cố, và mơ ước được gặp lại nàng trong giấc mộng.
Tâm sự của ông được viết trong bài từ theo điệu Thái Tang Tử 采桑子 sau đây:
亭前春逐紅英盡,Đình tiền xuân trục hồng anh tận,
舞態徘徊, Vũ thái bồi hồi,
細雨霏微, Tế vũ phi phi,
不放雙眉時暫開。Bất phóng song mi thời tạm khai.
綠窗冷靜芳音斷,Lục song lãnh tĩnh phương âm đoạn,
香印成灰, Hương ấn thành hôi,
可奈情懷, Khả nại tình hoài,
欲睡朦朧入夢來。Dục thuỵ mông lung nhập mộng lai.
Trước đình xuân đuổi hổng đi hết,
Dáng múa bồi hồi,
Mưa nhẹ phất phơ,
Chẳng để đôi mi tạm mở ra.
Song xanh vắng lặng tin thơm dứt,
Dấu hương thành tro,
Biết sao tình hoài,
Muốn ngủ mơ màng vào mộng thôi.
(Trần Trọng San)
(Câu chót, tôi mạn phép thêm chữ thôi vào cho đủ 7 chữ, đúng với điệu từ.)
Lý Hậu chủ, lẽ dĩ nhiên, thâm hận kẻ thù, và thường nằm mơ, thấy lại cuộc sống đế vương ngày trước với bao luyến tiếc. Bài từ theo điệu Vọng Giang Nam 望江南 của Lý như sau:
多少恨 Đa Thiểu Hận,
昨夜夢魂中 Tạc dạ mộng hồn trung,
還似舊時遊上苑 Hoàn tự cựu thời du thượng uyển,
車如流水馬如龍 Xa như lưu thuỷ, mã như long,
花月正春風 Hoa nguyệt chính xuân phong.
Bao nhiêu hận,
Đêm qua, trong giấc mộng,
Thấy tựa ngày xưa chơi thượng uyển,
Xe như nước chảy, ngựa như rồng,
Hoa nguyệt giữa gió đông.
(Bát Sách)
(Gió đông, là gió từ hướng đông lại, tức là gió xuân)
Tuy nhiên, có một điều Bát Sách không hiểu rõ: Lý Dục là người bất hạnh, bị quốc phá, nhưng không bị gia vong. Có thể nói ông còn may mắn hơn nhiều người khác vì được bà vợ tiết liệt đoan trinh, luôn luôn sát cánh với ông khi ông ngã ngựa, thân bại danh liệt. Tuy canh cánh trong lòng mối sầu vong quốc, nhưng văn của ông có những đoạn phảng phất nhớ nhung một bóng hồng ngàn trùng xa cách… Đó là Đại Chu hậu? Đó là một mỹ nhân nào khác? Hay chỉ là tâm tình lãng mạn của thi nhân, kiểu thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai ?
Đây là một đoạn trong bài từ theo điệu Tương Kiến Hoan 相見歡:
胭脂淚 Yên chi lệ,*
相留醉 Tương lưu tuý,
幾時重。 Kỷ thời trùng?
自是人生長恨 Tự thị nhân sinh trưởng hận,
水長東。 Thuỷ trường đông.
*Yên chi là son phấn để trang điểm.
Lệ son phấn,
Giữ nhau say,
Bao giờ gặp?
Từ đây hận dài cõi thế,
Nước về đông.
(Bát Sách)
Chúng ta mất nước, sống lưu vong góc biển chân trời đến nay đã mấy chục năm, Sau khi thoát khỏi cộng sản, chúng ta khác Lý Hậu chủ ở chỗ không sợ bị sát hại, không có cung vàng điện ngọc để mà thương tiếc, nhưng nỗi lòng của chúng ta thì tương tự như nỗi lòng của nhà thơ vương giả này: nhớ quê hương, nhớ những kỷ niệm xưa, hận biệt ly, hận đám cuồng đồ, và buồn vì châu nhan cải, vì mái tóc đã giảm màu xanh.
Nhà thơ mất nước trước chúng ta đúng một ngàn năm (975) đã nói giùm chúng ta tiếng lòng.
Bát Sách.
(Viết năm 1998, bổ túc năm 2021)
Tham khảo:
- Trung Quốc Sử Cương của Đào Duy Anh.
- Đường Tống Từ Tuyển của Trần Trọng San.
- Tam Hạ Nam Đường.
- Thi viện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét