Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2022

Buổi Sáng Hạnh Phúc


Những tháng ngày giá lạnh và những trận bão tuyết của mùa đông đã qua đi. Trời bắt đầu vào Xuân. Những con chim nhỏ ríu rít hót ca khắp vườn sau ngõ trước. Những chú sóc nâu, xám, cùng nhau nô đùa, chạy thoăn thoắt trên thảm cỏ xanh non, trên những cành cây đang đâm chồi, nẩy lộc. Bầu trời cao, xanh thăm thẳm. Những tia nắng ấm áp đã mang lại vẻ vui tươi cho vạn vật sau những ngày ảm đạm, vắng bóng mặt trời.

Trâm chầm chậm bước đi trên con đường nhỏ tráng xi măng dành cho người đi bộ, hít thở cái không khí trong lành của buổi bình minh. Tâm hồn Trâm nhẹ lâng lâng và cảm thấy như đang được vây kín bởi một niềm hạnh phúc vô biên. Trâm mỉm cười nghĩ tới mẹ, tới chị, tới các con, các cháu. Tất cả những người thân yêu của Trâm còn đang ngủ ngon hay còn đang "nướng" thêm một tí trên giường nệm êm ái hoặc cuộn tròn trong một cái chăn ngoài phòng khách.

Căn nhà nhỏ với bốn phòng ngủ, thường ngày chỉ có năm người: mẹ, chị Yến, cháu Hoài, Trâm và bé Tí. Nhưng cuối tuần và ngày lễ, căn nhà được tăng cường thêm: vợ chồng cháu Hữu, cháu Hùng từ Virginia qua, con trai và con gái Trâm, Tuấn và Bích, từ trường về, Chương, bạn của Hoài cũng có mặt đều đặn vì từ mấy năm nay Chương đã trở thành một phần tử của đại gia đình này. Diện tích của ngôi nhà được xử dụng tối đa vào những ngày đó.

Hoa, vợ cháu Hữu, luôn luôn quanh quẩn trong bếp để nấu những món ăn đặc biệt. Chị Yến loay hoay dọn dẹp. Hoài, Hữu, Hùng, Chương, Tuấn, Bích và bé Tí chuyện trò như pháo nổ đêm giao thừa. Mẹ Trâm ngồi dựa lưng vào ghế nệm dài, nét mặt rạng rỡ, thỉnh thoảng góp chuyện cùng con cháu. Con cháu chuyện trò càng ồn ào, bà càng vui. Tối hôm qua, các cháu chơi tam cúc và bầu cua tôm cá với bà. Sau đó, lại ăn bánh, uống trà mãi tới một giờ khuya mới đi ngủ. Đã mấy tháng nay gia đình Trâm mới có một buổi tối vui như thế vì thời gian sau này mẹ Trâm đau luôn, không ngồi và đi lại được.

Trâm nghĩ mẹ sẽ khỏe luôn vì mùa đông đã trôi quạ Nắng ấm sẽ làm mẹ khỏi bệnh đau lưng, nhức mỏi. Con cháu quây quần, niềm hy vọng đoàn tụ với các con các cháu còn kẹt lại Việt Nam, giúp mẹ tăng tuổi thọ. Những lúc con cháu bận đi làm, đi học, mẹ giở từng trang cuốn “album” nhỏ, ngắm nghía ảnh các con, các cháu, các chắt. Mẹ cũng thường mở cái hộp bánh LU, đựng đầy thư cũ, đọc đi đọc lại từng cái một. Sau cặp kính lão, thỉnh thoảng, những giọt lệ lại lăn dài trên đôi gò má hom hem.

Đã từ lâu lắm rồi, niềm vui của mẹ không trọn vẹn vì con cháu ở ba nơi cách biệt: Mỹ, Úc và Việt Nam. Mẹ thường xót xa khi nghĩ đến cảnh khổ cực của con cháu bên nhà. Mỗi lần ăn một miếng ăn ngon, mẹ lại chép miệng thở dài: “Tội nghiệp mấy đứa ở nhà, chẳng bao giờ được ăn như vậy.” Mẹ thường giữ lại những quần áo của các con, các cháu không còn mặc nữa, ủi phẳng phiu, gói vào từng bao ny lông, mẹ bảo: “Để dành, khi mấy đứa ở Việt Nam sang thì mặc.”

Mẹ Trâm đã tám mươi sáu tuổi, nhưng tóc vẫn đen, mắt vẫn tinh tường và tinh thần vẫn sáng suốt. Hồi mẹ tám mươi tuổi, mẹ từ giã con cháu ở Việt Nam, rời quê cha đất tổ, một mình qua Thái Lan rồi qua Úc ở với anh Dũng. Phải là người can đảm lắm mẹ mới quyết định được việc đi, ở này. Lòng nhớ thương, mong ước được gặp con trai và các cháu nội xa cách mười sáu năm trời đã khiến mẹ gạt lệ ra đi.

Ngày tiễn mẹ ra phi trường Tân Sơn Nhất, các anh chị và các cháu đã khóc cạn nước mắt khi nhìn cái bóng nhỏ và gầy của mẹ mất hút ở cuối hành lang ra sân baỵ Trong một bức thư gửi cho Trâm, anh Lê viết: “Em không thể tưởng tượng được nỗi đau buồn của cả nhà khủng khiếp như thế nào trong buổi tiễn đưa mẹ.”

Sau khi tiễn mẹ, anh Lê thôi hẳn làm thơ tình ái. Anh đã hoàn tất hai tập thơ “Ngợi Ca Mẹ” trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Có lẽ vì phải xa mẹ nên tình yêu thương mẹ bấy lâu vẫn nằm im trong tận đáy lòng bây giờ mới có dịp trổi dậy mạnh mẽ. Trâm còn nhớ bài thơ "Sau Ngày Mẹ Lên Đường" của anh Lệ Mỗi lần đọc lại bài thơ này, mẹ lại sụt sùi khóc.

Chiều tím, sương buông hè phố lạnh,
Một mình con đếm bước lang thang,
Hồn quê mấy mảnh trăng tan vỡ,
Chút mộng ngày xanh đã úa vàng.
Hàng cây rét mướt, buồn hiu quạnh,
Nhà mẹ đây, hình bóng mẹ đâu?
Lối chợ ai che màu áo cũ?
Hồn con lãng đãng mộng xưa sau!
Hỡi ơi đất rộng trời cao thẳm,
Hun hút ngày qua, khuất nẻo về,
Chợt ngước nhìn lên... lầu cửa đóng,
Chập chờn ai đó? Dáng ai kia?
Ngõ hẹp vang câu vọng cổ buồn,
Hồn con dào dạt sóng muôn phương,
Bây giờ mẹ Ở phương nào nhỉ?
Mây trắng giăng đầy mây nhớ thương.
Dĩ vãng còn nguyên dấu ngậm ngùi,
Con tìm đâu nữa, một giờ vui?
Trăm năm cuộc sống chừng mê hoặc,
Một thoáng vèo qua mấy tuổi đời!
Cho dẫu chưa mang sầu tử biệt,
Đã đeo nặng trĩu sầu sinh ly,
Hồn con từng vết dao ai chém?
Ai dỗ con từng cơn mộng mê?
Trời tháng mười không dưng trở lạnh,
Con bàng hoàng mấy tiếng ho khan,
Thời gian trở gót đi chầm chậm,
Nhớ tuổi xuân con cũng ố vàng.
Song cửa chênh vênh vầng nguyệt khuyết,
Nghìn thu chìm tiếng võng xa xưa,
Hồn tôi xoải cánh sầu vô tận,
Tìm dấu mòn qua tuổi ấu thơ.

Mẹ Trâm ở Úc được ba năm thì chị em Trâm đón mẹ qua Mỹ. Tám mươi ba tuổi, một lần nữa mẹ lại vượt đại dương một mình. Trâm đón mẹ Ở phi trường Los Angeles. Lẫn trong đám người ngoại quốc to lớn và nhanh nhẹn một dáng người nhỏ nhắn hiện ra. Mẹ Trâm đó, vẫn dáng đi khoan thai, vẫn cái khăn nhung đen mỏ quạ. Mẹ mặc áo gấm thất thể màu xanh lam có hoa nhỏ. Trâm ôm mẹ, hỏi mẹ có mệt không? Mẹ giơ hộp sâm đã thái thành từng miếng mỏng:
- Mẹ không mệt, vì mẹ ngậm sâm. Này, con ngậm đi một miếng.
Với mẹ, sâm là thần dược, ngậm sâm là mọi bệnh tiêu tan hết.

Mẹ và Trâm ở lại nhà Mai, bạn nàng, trong hai ngày rồi mới lấy máy bay về Washington D.C. Trong hai ngày, mẹ vẫn khỏe nên Trâm và Mai đưa mẹ đi phố, đi chợ Việt Nam. Nắm tay mẹ đi giữa phố phường, Trâm tưởng như mình đang ngược dòng thời gian, cùng mẹ đi ngắm phố Hàng Ngang, Hàng Đào của Hà Nội năm xưa.


Từ ngày mẹ sang Mỹ, gia đình Trâm tràn ngập niềm vui. Những ngày nghỉ, con cháu quây quần quanh mẹ. Các con Trâm bắt đầu tập chơi tam cúc để chơi với bà. Những ngày giỗ, Tết, mẹ làm cơm canh cúng các cụ rất thịnh soạn và mong các con các cháu có thể về tham dự đầy đủ. Mẹ thích đọc báo và ngâm thơ Mẹ nhớ cả những bài thơ mà mẹ làm khi Trâm còn nhỏ.

Những chuyện xảy ra trong đời mẹ, mẹ nhớ như vừa xảy ra ngày hôm quạ Tuấn, con trai Trâm, là đứa cháu đã có công nhất trong việc giúp bà sống lại với quá khứ. Sau những giờ làm bài, học bài trong căn phòng đóng kín cửa, Tuấn thường ôm bà và hỏi han đủ chuyện. Những câu hỏi mà cháu đã hỏi bà không biết bao nhiêu là lần. Cháu hỏi, là đã thuộc câu trả lời của bà. Nhưng vì biết rằng đó là một nhu cầu, một hạnh phúc của bà nên cháu cứ hỏi, hỏi hết ngày này qua tháng khác.
- Bà ơi! Hồi ông cưới bà, bà mấy tuổi? Bà có biết mặt ông trước ngày cưới không?
- Bà có mấy anh chị em nhỉ? Cháu nhớ bà là út, chị của bà là bà Nga, bà Ngạn, bà Khiết, còn những ai nữa hả bà?
- Bà ơi, tại sao bà Nhỡ, chị của ông ngoại lại ở tuốt trên Yên Bái? Tại sao sư già lại tu ở chùa Cầu Bây?
- Hồi cụ ngoại mất ở Huế, bà có vào không? Mộ cụ để ở chùa Vạn Phước phải không bà? Đám tang cụ chắc to lắm?
Mắt bà cười, miệng bà cười, đáp lời cháu:
- Hồi ông cưới bà, bà mới mười ba tuổi, ông mười sáu, đang học ở Hà Nội, bà không biết mặt ông trước ngày cưới. Cưới xong ông lại ra Hà Nội, bà ở nhà quê với cụ, cụ góa chồng, bà Quỳnh đã lấy chồng ở Hà Nội, bà Nhỡ lấy chồng ở yên Bái, sư già đi tu nên cụ cưới bà về cho nhà đỡ vắng vẻ.
- Cụ người Huế nhưng cụ Ông người Bắc Ninh. Sau này cụ vào thăm bà Quỳnh nên mất ở Huế. Lúc cụ đau, bà vào thăm, cụ dặn bà nếu cụ mất ở Huế, cố mang xương cốt cụ về Bắc Ninh. Vì loạn lạc, bà không làm được theo lời cụ dặn dò, thành ra, mộ cụ Ông và mộ Ông ngoại ở Bắc Ninh. Mộ cụ bà ở Huế, mai mốt mộ bà ở Mỹ.

Mẹ Trâm góa chồng từ năm bốn mươi tuổi. Và từ đó, vũ trụ của mẹ là sáu anh chị em Trâm. Hồi bố Trâm mất, anh Dũng ở Hà Nội không về dự đám tang được vì Việt Minh chiếm đóng quê Trâm. Được tin bố mất, anh bỏ bữa cơm chiều ở nhà chị Tú, ra bờ hồ, ngồi khóc một mình. Ít lâu sau, anh lo đón mẹ và anh chị em Trâm ra Hà Nội. Anh đi làm rất vất vả để giúp gia đình. Anh Dũng là tấm gương sáng cho anh chị em Trâm trong suốt cuộc đời. Anh chị em Trâm yêu thương, đùm bọc nhau trong mọi hoàn cảnh, dù trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.

Trâm mở cửa bước vào nhà. Mẹ và tất cả mọi người đã quây quần ngoài phòng khách. Hoa và Bích đang loay hoay trong bếp chuẩn bị bữa ăn sáng. Mẹ ngồi ở ghế dài, mặc cái áo len màu trắng. Tuấn bá cổ bà hỏi:
- Tối hôm qua bà được bao nhiêu tiền hả bà?
Mẹ cười rất vui với ánh mắt sáng và cái miệng móm mém:
- Kể cả tiền keng anh Hoài cho, bà được mười tám đồng.
Tuấn đùa:
- Bà cho cháu nhé, bà thương cháu nhiều nhất mà!
- Mấy đứa ở bên này sướng rồi! bà để dành khi nào đủ cho mỗi đứa ở Việt Nam mười đồng thì bà gửi.
Tuấn hỏi:
- Thế bà đã để dành tiền gửi về Việt Nam để làm giỗ cụ chưa?
- Có, nhưng bà chưa gửi. Còn những mấy tháng nữa cơ mà!

Ngừng một lúc, mẹ tiếp:
- Bà vẫn muốn gửi một món tiền kha khá để các bác làm vốn. Rồi mỗi năm cứ lấy tiền lời ra để mà làm giỗ, làm Tết, không biết có được không?
- Cháu thấy như vậy là hay nhất, mỗi năm bà khỏi phải lo lắng gửi về mà ở nhà vẫn có tiền.
- Với lại bà già rồi, sống nay, chết mai, biết gửi được mấy lần nữa?
Tuấn hôn lên vầng trán nhăn của bà:
- Bà không có chết. Bà sẽ sống lâu trăm tuổi. Bà còn đi ăn đám cưới cháu. Bà còn kể chuyện cổ tích cho con của cháu nghe nữa cơ mà!
Bé Tí đang ngồi xem truyền hình, nghe anh nói, phá lên cười:
- Anh Tuấn đã tìm được cô nào chưa mà đã nói chuyện đám cưới và có con?
Tuấn mỉm cười, nhìn Trâm trả lời em:
- Mẹ thích cô nào là anh cưới cô đó, anh khỏi cần phải mất công đi tìm, vì mai mốt anh ở với mẹ mà!
Bé Tí hỏi:
- Thế nhỡ vợ anh cũng muốn ở với bố mẹ cô ấy thì anh tính làm sao?
- Thì ở chung hết. Con anh sẽ có cụ, bà nội, bà ngoại và bố mẹ, tha hồ mà được chiều.
Bé Tí lại cười:
- Anh Tuấn có bằng Tiến sĩ về “Xạo” hồi nào vậy?
Hoài đáp giùm Tuấn:
- Từ hồi nó lên ba tuổi. Nhưng mà nó xạo dở ẹc, nghe là thấy xạo rồi.
Tuấn nói:
- Như vậy tức là anh Hoài Xạo hay lắm? Thế thì em nhận anh làm sư phụ, anh chịu không?
Từ trong bếp, Hoa nói vọng ra:
- Mấy người đàn ông dọn bàn để ăn sáng! Bánh cuốn nóng hổi đây, lẹ lên kẻo bà đói bụng.
Hoài lè nhè:
- Đàn ông không vào bếp. Đàn ông không dọn bàn! Đó là truyền thống dân tộc, mình phải gìn giữ.
Bích tuyên bố dứt khoát:
- Thế thì đàn ông nhịn đói. Để đàn bà ăn hết!

Nói qua nói lại một lúc, cuối cùng, việc dọn bàn vẫn là của nhà bếp với sự trợ giúp của bé Tí. Đàn ông không phải nhịn đói, và hôm nay, gia đình Trâm vẫn giữ được "truyền thống dân tộc."

Trong khi ăn, cả nhà “hội thảo" rất sôi nổi về đàn ông và đàn bà ở xã hội Việt Nam và xã hội Mỹ. Phái nữ gồm Bích, Hoa, bé Tí đã gầm thét lên vì những bất công mà phụ nữ ở xã hội Việt Nam phải gánh chịu. Phái nam gồm Hữu, Hoài, Hùng và Chương thở ngắn than dài vì “đầu thai lầm thế kỷ”, nên đã phải sống trong xã hội Mỹ, một xã hội bênh vực quyền lợi của người phụ nữ một cách quá lố. Tuấn, không hiểu vì sợ chị Bích đòi lại đĩa bánh cuốn nóng hổi với những lát chả lụa thái mỏng và hành phi thơm phức, hay vì cảm thông với cả hai phe mà trong trận chiến, Tuấn chỉ ngồi im, chỉ thỉnh thoảng mỉm cười phụ họa.

Trong lúc Hùng ca ngợi người phụ nữ Việt Nam thuở xưa "Công, dung, ngôn, hạnh, tam tòng tứ đức", hy sinh cho chồng con... thì Bích ngừng ăn, trợn mắt, hét lên:
- Đàn ông Việt Nam ngày xưa khôn lắm! Không cho đàn bà đi học, để cho ngu đi, để họ bảo gì phải nghe nấy! Đàn ông viết sách, làm thơ giả vờ ca ngợi phụ nữ để phụ nữ phải ép hồn, ép xác mà sống theo mẫu người mà các ông đã nặn ra. Nào là “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu... ”
Các cụ Ông lại còn cho các cụ bà có "cái quyền" đi cưới vợ bé cho chồng nữa chứ! Thử hỏi có người đàn bà nào khùng đến nỗi muốn đi cưới vợ khác cho chồng không?
Chương cười khà khà:
- Hùng bắt trúng "đài" của Bích rồi đấy! Coi chừng chạy không kịp đó nhé!
Sau khi ăn điểm tâm và dọn dẹp xong, bé Tí nhanh nhảu trải tấm mền xanh và một miếng bìa ra giữa phòng khách:
- Nào, ăn kem bốn màu với bà, cho bà vui (Chơi tứ sắc). Anh Hoài, bác Yến, anh Hùng vào đây. Cháu chơi ké với bác Yến.

Những quân bài nhỏ xíu, bốn màu, được xoa xoa trên tấm bìa cứng, được bốn người chơi bài cầm gọn ghẽ trên taỵ Những đồng tiền keng, chạy qua chạy lại từ người này sang người khác. Tiếng cười nói rộn rã. Trâm ngắm mẹ, nét mặt mẹ thật vui và hiền hậu.

Ngoài kia, nắng đã lên cao. Nắng xuyên qua cành lá, lung linh rọi vào phòng khách qua khung cửa kính. Trâm mỉm cười, hài lòng với buổi sáng hạnh phúc mà Trâm đã may mắn có được. Trâm tận hưởng và sẽ luôn luôn giữ mãi trong lòng, để được yêu thương, để được sống./.

Lê Thị Nhị
(Tuyển tập Ngày Về)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét