Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2022

Xuân Hàn 春寒 - Nguyễn Bỉnh Khiêm


Tiểu sử Nguyễn Bỉnh Khiêm:

Nguyễn Bỉnh Khiêm 阮秉謙 (1491-1585) huý là Văn Đạt 文達, tự Hanh Phủ 亨甫, hiệu Bạch Vân cư sĩ 白雲居士, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, Hải Dương, nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Xuất thân từ một gia đình trí thức Nho học, cha là Nguyễn Văn Định có văn tài, học hạnh. Mẹ là Nhữ Thị Thục, con thượng thư Nhữ Văn Lan, thông tuệ, giỏi văn chương, am tường lý số. Nguyễn Bỉnh Khiêm thông minh, hiếu học, từ nhỏ đã được mẹ đem thơ quốc âm và kinh truyện ra dạy. Lớn lên, vào Thanh Hoá, theo học bảng nhãn Lương Đắc Bằng, được thầy truyền thụ môn học Dịch lý và sách Thái Ất thần kinh. Tuy học giỏi, nhưng lớn lên vào lúc xã hội loạn lạc, Nguyễn Bỉnh Khiêm ẩn chí, đợi thời, không chịu ra thi. Mãi sau này, Mạc thay Lê, tình hình xã hội ổn định, ông mới ra ứng thi, đậu trạng nguyên (1535), rồi làm quan với nhà Mạc, bấy giờ ông đã 45 tuổi. Làm quan ở triều đình được 8 năm (1535-1542), thấy gian thần hoành hành, bè phái, triều chính ngày một xấu thêm, ông dâng sớ xin chém 18 lộng thần, không được chấp nhận, bèn thác cớ xin trí sĩ. Về sau, vì sự ràng buộc của nhà Mạc với các sĩ phu có uy vọng, vì muốn tác động đến thời cuộc, ông trở lại tham gia triều chính với cương vị như một cố vấn. Ông từng theo quân Mạc, đi chinh phạt Vũ Văn Mật, Vũ Văn Uyên. Ông cũng từng bày mưu tính kế giúp Mạc bảo toàn vương nghiệp. Vì thế, hoạn lộ của ông từ Lại bộ Tả thị lang, Đông các đại học sĩ, trải thăng đến Lại bộ Thượng thư, Thái phó, Trình Tuyền hầu, rồi lại gia phong Trình quốc công nên đời thường gọi là Trạng Trình. Mãi đến ngoài 70 tuổi, ông mới thực sự treo xe, treo mũ từ quan.

Thời gian sống ở quê nhà, bên bờ sông Tuyết Hàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng am Bạch Vân, lấy đạo hiệu là Bạch Vân cư sĩ mở trường dạy học, rồi lập quán, xây cầu, dựng chùa, mở chợ, trồng cây... Ông có nhiều học trò nổi tiếng, như Nguyễn Quyện, Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ, v.v... người thờ Mạc, người theo Lê, người suốt đời ẩn dật. Ông được người đương thời tôn kính như bậc thầy. Ngoài triều Mạc, họ Trịnh, họ Nguyễn đều có sai sứ đến hỏi ý kiến ông về những việc hệ trọng. Tháng mười một năm Ất Dậu (1585) ông qua đời, hưởng thọ 94 tuổi, học trò truy tôn là Tuyết giang phu tử 雪江夫子.

Tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm có Bạch Vân quốc ngữ thi tập, Bạch Vân am thi tập và một số bài văn chữ Hán. Các tập sấm ký như Trình quốc công sấm ký, Trình tiên sinh quốc ngữ, v.v... tương truyền là của ông nhưng về mặt văn bản chưa đủ độ tin cậy.

Thơ Tết

春寒                    Xuân Hàn

十二韶光春一團 Thập nhị thiều quang xuân nhất đoàn,
一天料峭送餘寒 Nhất thiên liệu tiễu tống dư hàn.
輕陰借雨侵花易 Khinh âm tá vũ xâm hoa dị,
殘雪因風墜柳難 Tàn tuyết nhân phong truỵ liễu nan.
繡闥佳人低玉帳 Tú thát giai nhân đê ngọc trướng,
香街醉客促金鞍 Hương nhai tuý khách xúc kim an.
還建自有神功在 Toàn kiền tự hữu thần công tại,
已播陽和滿祭繁 Dĩ bá dương hoà mãn tế bàn.

阮秉謙                             Nguyễn Bỉnh Khiêm

Dịch nghĩa

Mười hai thiều quang, một vừng xuân sắc,
Một ngày lành lạnh tiễn đưa cái rét còn lại.
Trời râm mát nhờ mưa dễ thấm vào bông hoa,
Tuyết tàn bị gió rơi xuống cành liễu.
Giai nhân trong phòng gấm rủ thấp màn ngọc,
Ngoài đường sực nức hoa thơm, khách say giục giã yên vàng.
Xoay chuyển càn khôn, tự có công phu thần diệu,
Đã gieo rắc khí dương hoà khắp cả trời đất.
[Thi Viện]

Phỏng dịch:

Xuân Lạnh

Một vùng xuân sắc đã mười hai
Ngày mát tiễn đưa cái rét dài
Mưa dựa bóng râm hoa thấm dễ
Tuyết tàn theo gió liễu khôn nài
Phòng khuê người đẹp buông màn ngọc
Đường ngát khách say thúc ngựa hoài
Xoay chuyển càn khôn thần diệu phép
Khí dương hòa khắp chốn trần ai!

Lộc Bắc
02Fev22

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét