Có những mùa Xuân gợi nhớ thương,
Hoa mai lả tả rụng bên đường.
Nghe trong tiềm thức còn ghi dấu,
Một buổi Xuân tàn bao vấn vương.
Có những niềm đau, những nỗi buồn dù đã xa xôi bao nhiêu năm tháng cũng không thể nhạt nhòa, phôi phai. Đó là những mối tình buồn, những niềm đau khi mất người yêu dấu, đặc biệt người yêu là lính, nó sẽ sống dậy mãnh liệt khi có một tác động nào đó khơi dậy. Cơn gió Xuân nhè nhẹ làm những cánh hoa đào cuối vườn bay tản mạn đã làm tôi chợt xao xuyến, bâng khuâng hồi tưởng lại những mùa Xuân cũ mà bụi thời gian chưa thể xoá nhòa…
Vào một ngày đầu Xuân năm 1970 tôi được mẹ cho xuống thăm anh tôi đang đóng quân ở Bạc Liêu. Ít khi được ra khỏi nhà và vì mong sớm gặp anh mình nên tôi quá vui mừng mà quên rằng giờ giấc khởi hành rất quan trọng. Tôi đi chuyến xe đò lúc 12 giờ trưa chạy tuyến đường Cần Thơ- Sóc Trăng- Bạc Liêu- Cà Mau. Khi xe đi đến giữa đường Sóc Trăng- Bạc Liêu thì quốc lộ 4 bị Việt Cộng gài mìn, đắp mô phá đường nên xe cộ không còn lưu thông được nữa. Những hành khách chúng tôi cứ ngồi chờ, chờ mãi…
Trời đã bắt đầu ngã bóng, hoàng hôn dần xuống, hành khách phải mướn xe đi ngược về thị trấn Sóc Trăng để tìm chỗ ngủ qua đêm. Một chị ngồi cạnh tôi tay ôm đứa con gái khoảng 5, 6 tuổi tỏ vẻ lo lắng, chị hỏi tôi:
Em định đi đâu vậy?
Em xuống Bạc Liêu để thăm anh của em vì anh là lính Sư Đoàn 21 Bộ Binh đang đóng quân ở đó.
Chồng chị cũng đóng quân dưới đó. Bây giờ không biết tính sao đây? Chị không muốn quay về vì chị từ SàiGòn xuống, đã ghé Cần Thơ một đêm rồi.
Tôi nhìn chị thông cảm:
Em cũng không biết tính sao. Thôi chờ thêm chừng một giờ nữa xem thế nào rồi mới tìm cách chị ạ!
Ngồi đối diện với chúng tôi là một người đàn bà ngoài ngũ tuần, gương mặt hiền hậu dễ có cảm tình, bà lên tiếng:
Chắc quốc lộ còn lâu lắm mới khai thông được. Hai cô chịu khó đi bộ một chút đến nhà tôi cách đây chừng vài cây số, gần quận lỵ nên cũng an ninh, mời hai cô đến đó tạm nghỉ đêm nay rồi mai đi tiếp tục. Chồng con tôi đều phục vụ trong quân đội cả các cô đừng ngại, vả lại cũng đã hết xe về Sóc Trăng rồi.
Tôi và chị Tâm (tên người đàn bà có đứa con) bàn bạc nhau, không còn sự lựa chọn nào khác nên đành đi theo người đàn bà gọi là bác Năm đó.
Chúng tôi đi trên con đê xuyên qua một thửa ruộng và sau đó dọc theo một con lộ đất đỏ, đi một đoạn khá lâu mới đến được nhà bác Năm. Đó là một căn nhà mái ngói, rộng rãi, khang trang. Trước nhà là một cây mai thật to, màu hoa vàng rực rỡ làm nổi bật căn nhà sơn xanh trong buổi chiều yên tĩnh nơi thôn dã. Bác Năm ân cần:
Mời hai cô vào nhà, tôi sẽ bảo cháu nấu cơm cho hai cô ăn, đừng ngại gì cả.
Tôi bước tới cửa và nhìn vào trong nhà… hai chân tôi bỗng như dính chặt dưới đất không bước đi được, tay tôi run rẩy, một luồng khí lạnh chạy dài từ cổ xuống xương sống. Tôi nắm chặt tay chị Tâm để không bị té ngửa vì…trước mắt tôi, ngay chính giữa nhà là một cái bàn thờ với 5 bức hình lớn của 5 người lính mặc quân phục rằn ri được đặt sừng sững, đèn đuốc, khói hương nghi ngút, vài mảnh khăn tang trắng còn xếp trên đó.
Bác Năm nhìn thấy sự sợ hãi của tôi nên nói:
Không sao đâu cô ơi! Người chết rồi có làm gì được đâu, chỉ sợ ma sống thôi. Hồi nảy trên xe có nhiều người nên tôi không dám nói là chồng con tôi đã chết, sợ họ biết nhà mình toàn đàn bà góa bụa không được tốt lắm.
Tôi lấy lại chút bình tỉnh:
Xin lỗi bác, cháu sơ ý làm bác buồn nhưng đó là phản ứng tự nhiên của đứa nhát gan như cháu thôi.
Tôi hiểu mà.
Bác mời hai chị em tôi vào và lên tiếng gọi:
Con ơi, nấu cơm và làm đồ ăn để đãi khách nghe.
Có tiếng “dạ” và tôi thấy một người đàn bà trẻ trên đầu còn mang khăn tang tay bế đứa bé chừng một tuổi bước ra, một người khác lớn hơn trong chiếc áo màu tím hoa cà lên tiếng:
Để tôi lo cho. Thím Lân cứ bế con đi.
Lúc bấy giờ tôi mới dám nhìn trên bàn thờ, tấm hình được đặt chính giữa là người cha, bốn người kia là trai trẻ, sao họ đều chết hết vậy? Một cảnh tượng thương tâm, tang tóc tôi chưa từng thấy. Ôi, chiến tranh tàn khốc và nghiệt ngã quá. Bác Năm giải thích:
Chồng tôi đi lính Biệt Động Quân, các con tôi noi chí cha nên đều chọn binh chủng Biệt Động Quân cả, có đứa là sĩ quan, có đứa là lính. Một điều rất đau đớn cho gia đình tôi là trong vòng 3 năm mà 5 cha con đều bỏ chúng tôi đi hết, trong đó có hai đứa còn độc thân. Giờ tôi còn một đứa con trai út 14 tuổi, hai con dâu và ba cháu nội nương tựa nhau mà sống thôi.
Nghe bác kể tôi rưng rưng nước mắt. Tôi thật sự thán phục và kính nể bà mẹ Việt Nam nầy. Còn nỗi đau nào hơn khi người chồng yêu mến cùng bốn người con trai ruột thịt của mình đã lần lượt nằm xuống cho quê hương, đã hy sinh vì lý tưởng tự do dân tộc? Họ là những anh hùng đã âm thầm hiến dâng máu xương cho tổ quốc, có mấy người nhớ đến? Có ai biết đến hoàn cảnh của người đàn bà đáng thương, đáng quý nầy? Sức chịu đựng phi thường của bà mấy ai sánh kịp? Bà phải cố ôm nỗi khổ, che giấu niềm đau, tự lấy mình làm điểm tựa cho con cháu bám víu vào mà sống. Ôi, không biết có bao nhiêu người vợ, người mẹ phải nhận lãnh số phận đắng cay trong cuộc chiến nầy như bác Năm?
Cơm nấu đã xong, bác mời tôi và chị Tâm vào ăn. Bác nói:
Cá tôm là do thằng Út nhà tôi bắt, không phải tốn tiền mua đâu, hai cô cứ ăn tự nhiên nghe.
Bữa cơm miền quê khá thịnh soạn: một dĩa tôm càng kho tàu, một dĩa cá trê vàng nướng với nước mắm gừng, một tô canh chua cá lóc nấu với rau muống và một dĩa cải xanh luộc. Đang lúc chúng tôi chuẩn bị ăn cơm thì một anh lính bước vô, bác Năm lên tiếng:
Thái về rồi hả ? Vô ăn cơm luôn đi cháu.
Anh lính rất tự nhiên:
Dạ, cháu qua thăm bác Ba mới về. Thật đúng lúc quá, cháu cũng đang đói đây.
Nói xong anh ngồi xuống ngay cạnh tôi không chút ngại ngùng, khách sáo. Anh gật đầu chào chị Tâm và tôi. Anh tự giới thiệu:
Tôi tên là Vĩnh Thái, bạn của thằng Lân là con bác Năm đây. Nghe tin bạn mất tôi vội tìm đến thăm nó. Rất tiếc là chỉ nhìn thấy hình nó mà thôi.
Đầu anh hơi cúi xuống, có lẽ xúc động nhiều, tôi thông cảm được nỗi lòng của anh. Tôi nhìn anh, một người thanh niên với dáng dấp phong trần dễ mến, có đôi mày rậm, đôi mắt sâu như chứa đựng nhiều nỗi lo âu, phiền muộn. Anh mang hai bông mai đen trên cổ áo và huy hiệu Sư Đoàn 9 Bộ Binh bên vai, huy hiệu nầy tôi đã nhìn thấy.Tôi hỏi anh:
Anh là lính thuộc Sư Đoàn 9 Bộ Binh à? Cậu tôi cũng cùng Sư Đoàn với anh đó, Trung Đoàn 16 của cậu đang đóng ở Vĩnh Long. Còn anh đang đóng quân ở đâu?
Tôi thuộc Trung Đoàn 14, Bộ Chỉ Huy ở Vĩnh Bình, vị Tiểu Đoàn Trưởng cho tôi đi phép đặc biệt hai ngày thôi, chiều mai tôi phải trở về đơn vị.
Tôi không dám hỏi gì thêm nữa. Bữa cơm tối với tôi và Thái không mấy gì thú vị, trừ chị Tâm. Sau đó bác Năm dọn chỗ cho chúng tôi nghỉ. Tôi và chị Tâm ngủ ở bộ ván bên trái bàn thờ, Thái nằm trên bộ đi-văng bên phải, chủ nhà ở phòng trong. Đêm đó là một đêm kinh hãi nhất trong đời, tôi làm sao ngủ được, vừa lạ nhà, lạ giường và hình ảnh 5 ông lính mặc đồ rằn ri cứ nhảy múa trước mắt tôi. Chị Tâm và cháu bé vì mệt mỏi nên đã ngủ say, bên kia tôi nghe tiếng thở dài nhè nhẹ của Thái, chủ nhà cũng im hơi, bặt tiếng. Tôi kéo túi xách của tôi lại gần, mở ra lấy cái khăn lông che mặt lại để không nhìn thấy gì hết. Tôi cố sức chịu đựng và mong đêm sẽ qua mau, nhưng đêm như dài vô tận. Bỗng nhiên tôi cảm thấy lạnh và run bần bật, mồ hôi đầm đìa, nhưng đầu thì rất nóng hình như đang lên cơn sốt. Tôi thấy ngộp thở, sợ hãi, căng thẳng đến không thể chịu đựng được nữa, tôi bỗng òa khóc, lay mạnh chị Tâm:
Chị Tâm ơi, em sợ quá!
Chị Tâm vẫn say ngủ không chịu tỉnh dậy. Từ bên kia Thái vội vã chạy sang:
Cô làm sao vậy?
Tôi càng khóc lớn hơn:
Tôi … sợ quá!
Thái bước đến bàn thờ cầm cây đèn dầu, khơi ngọn cao hơn mang đến gần tôi, nhìn thấy tôi khóc anh hỏi:
Cô không sao chứ?
Hình như tôi bị bịnh rồi.
Thái đưa tay sờ trán tôi rất tự nhiên rồi nói:
Đúng rồi, cô bị sốt cao. Cô theo tôi ra ngoài sân, ở đây có vẻ ngột ngạt quá.
Vừa nói Thái vừa kéo tôi ra trước nhà, đã có sẵn một cái ghế ở đó, Thái bảo tôi:
Cô ngồi xuống đây và chờ tôi một chút.
Thái lấy cái khăn lông của tôi đi vào trong nhà. Một lúc sau anh trở ra trên tay có ly trà nóng và chiếc khăn của tôi cũng được ngâm nước ấm. Anh đưa khăn cho tôi lau mặt và bảo tôi uống ly trà nóng với viên thuốc anh cầm trên tay. Tôi ngạc nhiên hỏi anh:
Thuốc ở đâu vậy?
Tôi lấy trong ba-lô tôi vì lúc nào cũng có để phòng thân.
Tôi gật đầu cảm ơn anh, anh thật chu đáo. Anh lấy thêm một ghế khác và ngồi cạnh bên tôi, anh bảo tôi nên ngồi ở đây cho thoáng chờ thuốc có tác dụng sẽ khỏe lại. Anh bắt đầu kể chuyện cho tôi nghe, có lẽ anh đánh đòn tâm lý để cho tôi quên đi cơn bịnh đang hành hạ tôi. Anh kể về Lân, bạn anh đang ngồi trên bàn thờ kia độ một tháng nay. Hai người là bạn học ở trường Phan Thanh Giản Cần Thơ. Sau nầy xa nhau anh vào trường Võ Bị Đà Lạt, Lân đi thụ huấn ở trường Bộ Binh Thủ Đức. Mỗi đứa một nơi nhưng vẫn còn liên lạc được với nhau vì vậy anh mới biết tin bạn mình đã anh dũng hy sinh trên chiến trường. Anh buồn bã nói:
Hôm nay tôi ngồi đây khóc nó, không biết sau nầy khi tôi nằm xuống ai sẽ khóc cho tôi?
Tại sao anh bi quan như vậy? Sao anh không nghĩ đến một ngày anh được thăng quan, tiến chức, anh sẽ là…một Tiểu Đoàn Trưởng, một Trung Đoàn Trưởng hay gì gì đó cao nữa…
Thái nhìn tôi:
Sao cô rành việc nhà binh quá vậy?
Vì cậu tôi, chú tôi, anh tôi đều là lính cả nên tôi thường nghe họ nói vậy mà.
Thái nhìn vào trong nhà rồi bảo tôi:
Cô hãy ngồi đây, tôi vào nhà nấu cho cô nồi cháo vì buổi tối tôi thấy cô ăn rất ít, giờ lại uống thuốc không tốt đâu.
Anh biết nấu sao? Hơn nữa đâu phải nhà anh, đừng làm phiền bác Năm.
Không có phiền đâu. Một giọng nói từ phía sau lưng đưa tới làm tôi giật thót người. Nhìn lại là bác Năm, bác nói:
Bác đã thức dậy từ lúc nghe cháu khóc, nhưng thấy Thái lo được cho cháu nên bác không bước ra. Thôi bây giờ để bác đi nấu cho một nồi cháo cá.
Cháu không dám làm phiền bác.
Có gì mà phiền, ngồi đó chơi đi để bác lo.
Bác đi rồi, Thái hỏi thăm về tôi, tôi cho Thái biết tôi còn đang đi học, nhà ở đường…Vĩnh Thái cũng là dân CầnThơ, ba mẹ anh có tiệm bán trà bánh, anh chỉ có một đứa em trai.
Cơn sốt của tôi đã hạ, tôi cảm thấy khỏe hơn nhiều. Đêm dần sáng, bầu trời không còn tối đen như mực, tôi có thể nhìn thấy cây mai vàng trước nhà với những cánh hoa còn ướt sủng sương đêm, long lanh, lấp lánh như giọt lệ của người con gái trong buổi chia ly.
Tôi buột miệng khen:
Cây mai nầy thật đẹp!
Thái thở dài:
Đẹp đến đâu rồi cũng tàn khi mùa Xuân đi qua, cánh hoa sẽ rơi rụng, màu vàng rực rỡ sẽ nhạt phai, làm sao bền vững được mãi.
Tôi hiểu được tâm trạng bất an, hoảng loạn của anh trong lúc nầy nên an ủi anh:
Anh không nên nghĩ thế. Bây giờ hoa còn đẹp mình hãy chiêm ngưỡng, ca tụng nó đừng nghĩ đến ngày tàn Xuân hoa sẽ tàn theo. Hiện tại anh còn tráng kiện, dũng mãnh, kiên cường hãy tin tưởng, hãy hãnh diện với những gì mình đang có, đừng bi lụy, đừng nghĩ đến ngày phải nằm xuống như bạn anh. Hãy quên những gì đã nhìn thấy hôm nay, hãy giữ hình ảnh oai hùng, kiêu dũng của bạn anh trong tâm tưởng.
Thái nhìn tôi giây lát rồi chợt mỉm cười:
Cô nói đúng. Tôi là một người lính mà sự suy nghĩ không chững chạc bằng cô bé sợ ma như cô. Cám ơn cô đã đánh thức ý tưởng như mê ngủ của tôi.
Cả hai chúng tôi cùng cười vì cảm thấy đã tìm lại tâm trạng bình thản của mình. Bác Năm cũng vừa bước ra:
Cháo đã nấu xong rồi hai đứa vào ăn đi cho nóng.
Cám ơn bác.
Chúng tôi theo bác vào nhà, lúc đi ngang qua bàn thờ tôi không còn thấy sợ sệt nữa mà cảm thấy kính phục họ vô cùng. Tôi đứng lại lấy 3 cây nhang đốt cho 5 người chiến sĩ và khấn vái xin các vị hãy ngủ một giấc thật bình yên trong thế giới không hận thù, không chém giết.
Trời đã sáng hẳn, chị Tâm cũng thức giấc. Sau buổi điểm tâm bằng cháo cá, chúng tôi từ giã lên đường. Tuy tôi đã trải qua một đêm kinh hoàng nhưng cũng nhiều lưu luyến nên không nỡ dời chân. Anh Thái tiễn chúng tôi ra tận quốc lộ và đón xe cho chúng tôi, anh hẹn sẽ ghé qua thăm hoặc viết thư cho tôi. Xe chạy xa rồi tôi thấy anh vẫn còn đứng bên vệ đường nhìn theo.
* * *
Ngày tháng trôi qua, mùa Xuân đã hết, những cánh mai vàng tả tơi rơi rụng để nhường chỗ cho những mầm lá non vừa trổi dậy. Tôi chợt nhớ về anh, người trai tôi quen biết trong một đêm kỳ diệu, một sự gặp gỡ tưởng chừng như mộng ảo, huyền hoặc như cơn mơ. Tôi mong đợi có một ngày anh đến thăm tôi, hoặc một lá thư xanh bất ngờ của anh. Tôi thấy mình thật vô duyên, mơ mộng hão huyền, mới gặp người ta một lần thôi vậy mà trông chờ gì đây chứ! Nhưng niềm ước mơ của tôi đã thành sự thật vì một ngày kia anh đã xuất hiện trước cổng trường tôi, ngơ ngác hỏi thăm từng người, chặn hỏi bao nhiêu nữ sinh có ai biết cô Hà Như không? May mà anh gặp được Ngọc Yến bạn tôi nên nó mới kéo anh đến trước mặt tôi lên giọng: “ Ta giao Hoàng Tử lại cho cô nương nè”. Thật quá ngạc nhiên và vui mừng vì tôi không ngờ anh cũng quan tâm đến tôi như thế. Rồi những ngày phép quý báo của anh dành cả cho cô bé mới quen như tôi, anh chiều chuộng tôi mọi thứ, anh mua quà cho tôi thật nhiều. Tôi ái ngại:
Anh đừng mua quà cho Hà Như nhiều như vậy, Như không xài hết đâu. Hơn nữa tốn tiền anh quá.
Anh cười bảo:
Tôi đi hành quân suốt tháng quanh năm, tiền lương của tôi không có dịp xài hết. Những khi dừng quân tôi thường cho mấy chú lính chút ít để họ mua đồ ăn với nhau. Ba mẹ cũng không cần tôi giúp đỡ nên tôi dư tiền, Hà Như đừng lo.
Tôi cảm thấy hình như chúng tôi đã đi quá xa tình cảm bè bạn sơ giao. Có một cái gì đó rất đầm ấm, thân thiết ràng buộc chúng tôi không nói được, không diễn tả được. Rồi trước ngày trở về đơn vị anh đã thú thật với tôi là anh đã yêu tôi. Anh nói anh không nhầm lẫn, anh đã đắn đo, suy nghĩ và cuối cùng phải nói thật lòng mình dù tôi có trách móc, giận dỗi hay không thèm nhìn anh nữa anh vẫn phải nói ra. Tôi xúc động trước tấm chân tình của anh:
Em không trách phiền anh gì cả. Thật ra từ ngày gặp anh trở về em luôn nghĩ đến anh, nghĩ đến nỗi bâng khuâng, lo lắng, ưu tư của anh mà ái ngại vô cùng. Em muốn được chia xẻ cùng anh, muốn được nhìn thấy anh luôn vui vẻ, lạc quan và em cũng… mến anh.
Anh mỉm cười đưa tay vuốt nhẹ tóc tôi, hai đứa cùng nhìn nắng vàng đang trãi dài xuống mặt đường loang loáng xác hoa rơi.
Chuyện tình chúng tôi bắt đầu từ đó. Anh đã dẫn tôi về nhà giới thiệu với mẹ anh. Bà quý mến tôi như cô dâu chưa cưới khiến tôi thẹn thùng và cũng cảm động vô cùng. Thời gian nghỉ phép của anh tuy ngắn ngủi nhưng chúng tôi đã có một đoạn tình dài diễm lệ khó quên. Bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu lời hứa hẹn, bao nhiêu mộng ước tương lai. Anh nói:
Anh mong một ngày hết chiến tranh, anh mơ một mái nhà êm ấm bên người vợ hiền và đàn con xinh xắn, ngoan ngoãn.
Người vợ ấy sẽ là ai vậy anh?
Anh tát nhẹ má tôi và nói:
Là cô bé nhát như thỏ đế, sợ ma một cây đó.
Ồ, anh chọc em hả? Không thèm chơi với anh đâu.
Tôi đấm vào ngực anh thình thịch làm anh la oai oái, chúng tôi thật vui trong niềm hạnh phúc vừa chợt đến.
Đêm cuối cùng của kỳ phép đó anh đưa tôi vào một quán café ca nhạc nằm trên đường Nguyễn Viết Thanh, một con đường yên tĩnh hắt hiu sầu với cơn gió đêm trở lạnh. Chúng tôi thả hồn theo những tình khúc chinh chiến buồn lê thê hay những bài hát nói lên niềm ước vọng của những người đang dấn thân trong cuộc chiến. Họ mơ một ngày đất nước thanh bình, được giã từ vũ khí, trở về quê cũ sống đời hiền hoà trên quê hương:
“…Rồi có một ngày, sẽ một ngày chinh chiến tàn…Xin trả lại đây bỏ lại đây thép gai giăng với lũy hào sâu, lỗ châu mai với những địa lôi, đã bao phen máu anh tuôn rơi…
Rồi anh sẽ dìu em tìm thăm mộ bia kín trong nghĩa địa buồn, bạn anh đó đang say ngủ yên…Để có một ngày, có một ngày cho chúng mình ta lại gặp ta…”
Anh đưa tôi về, chúng tôi lang thang qua những con phố im lìm, vắng lặng. Qua đường Nguyễn Trãi với hai hàng sao cao vút, lá thì thầm khóc chuyện chia ly, qua đường Hòa Bình thênh thang, dài hun hút… chúng tôi cùng ngồi trong công viên Tao Đàn nhìn bầu trời lấp lánh sao đêm. Anh kể cho tôi nghe về cuộc đời chiến binh ngoài trận tuyến, về những niềm vui nỗi buồn của anh em đồng đội. Đêm chia ly thật buồn, đêm tiễn đưa nhạt nhòa nước mắt.
Rồi anh trở về đơn vị, những lá thư nồng nàn yêu dấu liên tục bay về. Má tôi hồng thêm, mắt tôi xanh thêm, môi tôi thẹn thùng e ấp…Nhiều đêm sau giờ học, ngồi dưới ngọn đèn khuya tôi cặm cụi viết thư gửi ra chiến tuyến:
“ …Ngồi biên thư gửi anh chốn đó, lạnh đêm nay lạnh không phải lạnh vì gió…Thư đến từng nẻo người qua văn non đôi câu vụng về, khi chưa được về đọc thư tình anh nhớ tôi không?...”
Lần về phép kế tiếp vội vã, tuyệt vời của anh đã tô đậm thêm, gắn bó thêm cho tình yêu chúng tôi tưởng chừng như thiên thu, bất diệt. Có lẽ chúng tôi có duyên với mùa Xuân nên kỳ phép nầy của anh cũng lại vào tháng Ba. Anh đã đưa tôi đi ra ngoại ô để nhìn hoa mai cuối mùa rụng rơi bay lả tả trên đường. Anh là một người lính đa sầu đa cảm, nhìn hoa rơi, lá rụng cũng thấy bâng khuâng, xao xuyến tâm tư, nhưng tôi mến anh ở điểm đó.
Có lần anh nói:
- Em đừng tưởng anh lãng mạn, yếu hèn, nhút nhát nhé! Khi đánh giặc anh cũng oai phong lắm đó. Chỗ nào bảo lính không dám vô là anh xung phong vô trước, thế là các chú lính phải chạy theo anh thôi.
- Nhìn dáng vẻ của anh ai dám bảo anh không oai phong chứ! Với em anh là người hùng, là thần tượng, là…
- Thôi đừng ca tụng anh nữa em ơi!- Anh đưa tay bịt miệng tôi lại và hai đứa cười vang trong nắng đẹp dạt dào ý sống.
Đó là khoảng thời gian diễm lệ nhất của tình chúng tôi. Tôi nâng niu từng kỷ niệm, chắt chiu từng lời nói yêu thương. Rồi anh lại ra đi, và tôi mãi là chinh phụ luôn ngóng trông về chiến tuyến. Cho đến một ngày… một ngày đầu năm 1973 tôi ghé qua nhà anh, mẹ anh báo tin anh đã mất tích trong một cuộc hành quân lớn ở quận Tiểu Cần thuộc tỉnh Vĩnh Bình. Trời đất quay cuồng sụp đổ, đầu óc tôi đảo điên, tim tôi nát tan từng mảnh vụn. Điều lo sợ, linh cảm không lành của anh ngày nào đã thành sự thật. Anh sợ mùa Xuân sẽ tàn mau, sợ hoa Xuân không kéo dài theo ngày tháng, sợ tình yêu vỗ cánh bay nhanh, sợ tuổi thanh xuân của anh không được trường tồn, sợ đường binh nghiệp nửa chừng gãy gánh…Tất cả điều lo sợ đó đã xảy ra rồi và tôi cúi đầu nhận lấy phần thua thiệt, nhận lãnh số phận thương đau. Tôi đã mất tin anh từ dạo đó. Tôi đã âm thầm khóc than mối tình đầu suốt bao năm tháng dài phiền muộn.
* * *
Sau ngày miền Nam thất thủ, tôi mất việc làm vì họ cho là “công chức ngụy”, tôi theo bạn bè ra chợ trời để tìm sinh kế. Cuộc sống quay cuồng, vất vả ngược xuôi nên đôi lúc tôi không còn nhớ mình là ai, không còn nhớ những chuyện gì trong quá khứ trừ niềm đau xót, nhớ thương về anh vẫn âm ỉ trong tim tôi. Có một ngày vào tiết Thanh Minh, được rảnh rỗi đôi chút tôi đến thăm người cô ruột, cô rủ tôi đi về quê để thăm mộ cho vợ chồng người bạn thân.Thật tình tôi không muốn đi nhưng cô cứ nài nỉ mãi, sợ cô buồn nên tôi bằng lòng theo cô một chuyến. Khi tới nơi cô dẫn tôi đến một gia đình có họ hàng với người bạn quá cố của cô và nhờ họ đưa đến nghĩa trang giùm. Đó là một nghĩa trang hiu hắt buồn, cô liêu hoang vắng, chắc không được người nhà quan tâm, chăm sóc lắm. Có nhiều mồ mã bạc màu rong rêu bao phủ, hàng sau cùng có ba nấm mộ, đặc biệt là ngôi mộ thứ ba chắc được xây chưa lâu lắm. Cô tôi ngồi trước một ngôi mộ rồi đưa tay lau nước mắt, ngôi mộ của người bạn cô. Tôi nhìn hình của bà, có cảm giác hơi quen như từng gặp ở đâu nhưng bức ảnh mờ quá không nhận ra là ai. Đến ngôi mộ sau cùng tôi bỗng giật mình, biến sắc, mắt hoa lên khi nhìn bức ảnh và hàng chữ trên mộ bia:
“ Hoàng Vĩnh Thái.
Sinh ngày 8 tháng 7 năm 1945.
Từ trần ngày 9 tháng 1 năm 1978”
Tôi qụy xuống nắm tay cô:
Cô ơi, đây là bạn của con, sao cô quen biết họ? Anh Thái sao mới chết vậy? Ảnh đã mất tích từ năm 1973 rồi mà.
Cô kéo tôi ngồi lại gần hơn, nhìn tôi một lúc rồi chậm rãi nói:
Cô là bạn thân với mẹ Thái. Cả bà ấy và cô đều biết chuyện của con và Thái nên khi Thái bị thương mất hai chân bà nhờ cô giữ kín, nói rằng Thái bị mất tích, đó cũng là yêu cầu của Thái. Họ hy vọng thời gian lâu sau con sẽ quên Thái mà vui vẻ cùng người khác. Sau ngày 30- 4- 1975 cậu em của Thái chạy ra nước ngoài, dù cậu ấy đã mất tích trong một chuyến vượt biên, gia đình Thái bị liệt vào thành phần phản động nên họ đã tịch thu hết gia sản. Ông bà buồn rầu, đau khổ, chán nản mà lần lượt qua đời. Một người bà con xa có mang ơn nghĩa với gia đình Thái đã đem cha mẹ Thái về đây an táng và Thái cũng được họ đem về đùm bọc. Cô biết chuyện nên cũng thường xuyên liên lạc giúp đỡ tiền bạc, thuốc men cho Thái. Một năm trước Thái bị chứng bịnh nan y, không đủ tiền chạy chữa, ngay cả cô cũng không giúp được nên Thái đã ra đi hơn hai tháng nay. Cô không dám cho con biết tin nầy sợ con không chịu được, nhưng cuối cùng cô cũng không thể giấu con mãi nên hôm nay cô mới dẫn con đến đây thăm mộ Thái.
Tôi đau đớn, bàng hoàng như kẻ rơi xuống từ cung trăng.Thật sự tôi đã khóc và lòng cũng đã để tang cho mối tình mình tự mấy năm nay, nhưng tôi đâu ngờ anh còn sống sót, sống đau khổ, vật vờ trong hoàn cảnh khốn cùng nầy. Tôi ân hận vì đã không được lo lắng, chăm sóc cho anh, không được tâm tình với anh lần cuối, không nói được lời nào với một người mà hình bóng đã khắc sâu tận đáy tim tôi. Anh mơ ước một ngày đất nước thanh bình, anh mơ một mái gia đình êm ấm, một khát vọng bình thường mà không bao giờ tìm thấy. Thượng Đế hỡi, sao đọa đày tuổi trẻ Việt Nam thế nầy? Thái ơi! Từ đây em là kẻ lữ hành trên nẻo đường cô độc. Em sẽ lặng lẽ nhìn những mùa Xuân đi qua, nhìn những cánh mai cuối mùa bay tản mạn để nhớ để thương thật nhiều về những mùa Xuân cũ, những mùa Xuân có anh bên cạnh, mình cùng nhặt xác hoa vàng trong cơn gió nhẹ thoảng đưa.
Tôi ngồi bên mộ anh rất lâu, một mình trong không gian vắng lặng của buổi chiều chậm xuống. Tôi không còn biết sợ hãi như ngày xưa, tôi có cảm giác anh đang lo lắng quan tâm cho tôi như một đêm nào trong căn nhà xa lạ:
Không ngờ em đã 20 tuổi rồi mà còn sợ ma như cô bé 5 tuổi vậy.
Lời anh nói như còn phảng phất trong gió, trong mây. Tôi cảm thấy đau đớn và nhớ anh vô cùng, nhớ tha thiết, nhớ đến tan nát cõi lòng, nước mắt tuôn rơi lả chả. Tôi thấy mình thật cô đơn tội nghiệp, tôi thèm nghe những lời nói âu yếm yêu thương, thèm vòng tay nồng ấm và nụ hôn yêu dấu ngàn đời. Nhưng anh đã xa rồi, vĩnh viễn bỏ tôi giữa dòng đời ngập đầy chông gai, đá sỏi. Trời tháng Ba rồi sao hồng quang không chiếu sáng? Xuân đã tàn chưa mà hoa mai lả tả rụng rơi? Niềm hy vọng của tôi và của anh đã tan rồi, ước mơ đã chìm sâu theo bóng người đi vào thiên cổ. Đâu đây trong gió chiều có tiếng chim kêu sầu lẻ bạn, bơ vơ. Tôi thất thiểu ra về, lạc lỏng một mình trên con đường đất nhỏ buồn tênh…
“ … Mất anh rồi xa anh rồi hoa đã tàn nhụy đã phai.
Chiều hôm nay trời thanh vắng em âu sầu anh ở đâu?
Một người đi một người sầu nhìn hoa úa rụng tàn mau…”
Vi Vân
Cali
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét