Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2022

Tân Niên Tác 新年作 - Lưu Trường Khanh

 

Lưu Trường Khanh 劉長卿 (709-780) tự Văn Phòng 文房, người Hà Gian (nay là huyện Hà Gian, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) đỗ tiến sĩ năm Khai Nguyên thứ 21, làm quan đến thứ sử Tuỳ Châu. Tác phẩm có Lưu Tuỳ Châu tập. Thơ của ông thường bình đị, sáng sủa, trung thực và rất ít điển tích. Nhưng đôi khi ông dở chứng dùng điển rất khó hiểu. Tỷ dụ điển Trường Sa phó trong bài dưới đây:

Nguyên tác  Dịch âm

新年作        Tân Niên Tác

鄉心新歲切 Hương tâm tân tuế thiết,
天畔獨潸然. Thiên bạn độc san nhiên.
老至居人下 Lão chí cư nhân hạ,
春歸在客先 Xuân quy tại khách tiên.
嶺猿同旦暮 Lĩnh viên đồng đán mộ,
江柳共風煙 Giang liễu cộng phong yên.
已似長沙傅 Dĩ tự Trường Sa phó,
從今又幾年 Tòng kim hựu kỷ niên.

Chú giải
Trường Sa phó:

Chỉ Giả Nghị, thái trung đại phu thời Hán, bởi hiền tài bị nghi kỵ, Hán Văn Đế biếm ra làm Trường Sa vương thái phó ba năm, thấy chim hiêu thương cảm thân thế, năm sau đó nữa được triệu hồi về. Sau này dùng làm điển cố chỉ quan viên bị biếm.

Dịch nghĩa

Làm Vào Năm Mới

Năm mới nhớ quê hương lại càng thắm thiết
Bên cõi trời này một mình rướm lệ
Về già rồi còn ở dưới người ta làm sai dịch
Xuân về trước mặt khách tha hương
Bầu bạn đêm ngày với vượn trên núi
Ở Giang liễu làm bạn với gió và khói mây
Thấy đã giống Trường Sa phó
Từ đây về sau không biết còn phải độ qua bao nhiêu năm.

Dịch thơ

Làm Vào Năm Mới

Năm mới nhớ quê lắm,
Một mình phương trời này.
Tới già còn lệ thuộc,
Xuân về khách buồn thay!
Đêm ngày nghe vượn hú,
Giang liễu quen gió mây.
Thân mang tội biếm trích,
Bao nhiêu năm nữa đây?

 Con Cò

Ta đã thưởng thức và phân tích 4 bài tả sơn cư của 4 ẩn sĩ và thấy rằng mỗi bài mang một vẻ kỳ dị độc đáo. Trong bài này, ông không tả cảnh mà tả tình, một thứ tình buồn dai dẳng và thấm thía: tình buồn của người bị biếm. Sau nhiều năm buồn nản trôi qua, ngày đầu của một năm mới ông than rằng: “mình còn phải chịu cảnh này bao nhiêu năm nữa?”

ÔC soạn bài này tặng các vị cao niên Giao Chỉ nhân ngày tết Nguyên Đán năm 2022 để suy ngẫm về thân phận lưu vong của mình.
***
Những chữ khó trong bài thơ, kỳ này không thấy ÔC giải thích nên BS phải tự mò.

- Thiết: hết sức, rất, lắm, cắt.
- Thiên bạn: bên trời, cũng như thiên nhai, hải giác, tức là chân trời góc biển, xa lắm.
- San: chảy nước mắt.
- Nhiên: đúng, thế, vậy, nhưng, đốt. Nếu là trợ từ ở cuối câu thì biểu thị sự khẳng định.
- Lĩnh: viết tắt của Ngũ Lĩnh, là 5 ngọn núi theo hướng Tây- Đông, chạy qua các tỉnh Hồ Nam, Giang Tây, Quảng Tây, Quảng Đông. Phần đất phía nam dẫy núi này gọi là Lĩnh Nam.
- Đồng: cùng nhau, tụ họp.
- Phong là gió, Yên là khói. Phong Yên là việc lửa khói.
- Trường Sa phó: Tức là Giả Nghị. Ông này đang làm Thái Trung Đại Phu thì bị Hán Văn đế đầy ra Trường Sa làm giám hộ, là một chức quan rất nhỏ. Lưu Trường Khanh, khi đã lớn tuổi, cũng bị đầy đi Quảng Đông, làm quan nhỏ, thấy mình cũng giống Giả Nghị, bị bao kẻ đè đầu. Lưu còn nhắc đến người cùng cảnh ngộ với mình trong một bài thơ khác có tựa là “ Trường Sa quá Giả Nghị Trạch “.

Hai câu đầu đã nói lên đúng tâm trạng của anh chị em chúng ta, sống tha hương, khi Tết đến, nhớ quê mà rơi nước mắt.
Câu thứ 3 cũng lại nói đúng nỗi đau của BS, và của bao nhiêu đồng nghiệp: Già rồi mà còn phải lép vế, ở dưới người khác, “lão chí cư nhân hạ “. Khoảng 40 năm trước, thầy Đào Đức Hoành, anh Tổng Trưởng thanh niên Nguyễn Tấn Hồng, anh Bảo, và cả BS nữa, già rồi mà phải đi làm nội trú để đám thường trú, vắt mũi chưa sạch, đáng tuổi em út hay con cháu mình sai bảo, bắt bẻ, hành hạ rất đau đớn…

Cũng may là mình còn có gia đình, bè bạn, lại biết rằng nỗi khổ của mình chỉ có 1, 2 năm, trong khi Lưu thì một mình một bóng, làm bạn với khỉ, vượn, cây cỏ, mà chẳng biết ngày về …

Sáng Tác Vào Năm Mới

Đầu năm, tha thiết nhớ quê nhà,
Chân trời cô độc, lệ châu sa,
Già lão còn dưới tay kẻ khác,
Xuân về trước với khách phương xa,
Sớm chiều bầu bạn cùng khỉ vượn,
Liễu buồn mây khói giống như ta.
Cuộc đời vốn hệt người Giả Nghị,
Từ đây nào biết mấy năm qua.

Bát Sách
(24/10/2021)
***
Cảm Tác Đầu Năm

Tết đến gợi sầu thê thiết quá
Nhớ quê nhà lã chã lệ rơi
Tuổi già lụy dưới trướng người
Một mình một bóng bên trời quạnh hiu
Bầu bạn chăng sớm chiều vượn hú
Khói sương bay liễu rủ ven sông
Xuân tha hương khách chạnh lòng
Còn bao năm nữa long đong phận này?

Yên Nhiên
***
Năm Mới Làm Thơ

Năm mới nhớ quê nhà,
Bên trời cô lệ sa.
Làm tôi khi tuổi lão,
Tựa khách lúc xuân qua.
Khỉ núi ngày đêm lắm.
Liễu sông mây gió đa.
Những ngày đi biếm trích,
Nào biết tháng năm tha.

Mỹ Ngọc
Jan.6/2022
***
Viết Nhân Năm Mới

1-
Lòng quê năm mới thảm
Mắt lệ đẫm bên trời
Già lão thua thiên hạ
Xuân về khổ khách thôi
Vượn rừng cùng sớm tối
Sông liễu gió chơi vơi
Thấy giống Trường Sa phó
Còn chờ mấy kiếp vơi?

2-
Lòng quê năm mới thảm thê
Bên trời viễn xứ mắt nhòe lệ sa
Thua thiên hạ, xót thân già
Xuân về báo trước khách xa muôn phiền
Vượn rừng sớm tối bạn quen
Bên sông liễu rủ phong yên mịt mờ
Khác chi Giả Nghị ngày xưa
Còn bao năm nữa đợi chờ - hồi hương?

Lộc Bắc
***
Phỏng Dịch:

Xuân lại về bên cõi trời xa
Nhớ nhà nhớ quê giọt lệ sa
Đếm nữa một năm thêm chồng chất
Tết ly hương ôm sầu mình ta

Khi nào trở về nơi quê cha ?
Cảnh cũ giờ đây chắc xa lạ
Người xưa cũng mất chẳng tìm ra
Ôi ngậm ngùi lòng đau xót xa

Thanh Vân
***
Bài Cảm Tác

Xứ người pháo nổ đón xuân
Nhớ về một thủa quây quần bên nhau
Mong hoài đoàn tụ trước sau
Mà sao vẫn cách lòng đau vô cùng
Lúc ăn khi uống cùng chung
Bên nhau ấm cúng tưng bừng Tân niên
Giờ nay xa cách triền miên
Đau lòng hết cảnh da liền thịt chung

Đồ Cóc
***
Nguyên tác:         Phiên âm:

新年作-劉長卿 1 Tân Niên Tác – Lưu Trường Khanh1

鄉心新歲切 Hương tâm tân tuế thiết
天畔獨潸然. Thiên bạn độc san nhiên
老至居人下 Lão chí cư nhân hạ
春歸在客先 Xuân quy tại khách tiên
嶺猿同旦暮 Lĩnh viên đồng đán mộ
江柳共風煙 Giang liễu cộng phong yên
已似長沙傅 Dĩ tự Trường Sa phó
從今又幾年 Tòng kim hựu kỷ niên

Dị bản: 1 一作宋之问诗 1 Thơ của Tống Chi Vấn

Các sách bên dưới cho bài thơ là của Lưu Trường Khanh:
· Ngự Định Toàn Đường Thi Quyển 147 御定全唐詩
· Đường Thi Tam Bách Thủ 註釋唐詩三百首
· Lưu Tùy Châu Tập - Đường - Lưu Trường Khanh 劉隨州集-唐-劉長卿
· Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代詩選-明-曹學佺

Tuy nhiên cững có nhiều sách: Doanh Khuê Luật Tủy - Nguyên - Phương Hồi 瀛奎律髓-元-方回, Ngự Định Toàn Đường Thi Quyển 53- Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁 ...cho bài thơ là của Tống Chi Vấn.

Theo Wikipedia tiếng Việt, Lưu Trường Khanh từng bị biếm đi Nam Ba, Phan Châu nên bài thơ rất thích hợp với hoàn cảnh của ông. Tống Chi Vấn phò Võ Tắc Thiên nên sau đó cuộc đời chánh trị của ông rất nhiều thăng trầm, bị đày đi Lĩnh Nam và bức tử… Ông có làm một bài thơ rất nổi tiếng Độ Đại Dữu Lĩnh 度大庾嶺 khi đi qua đèo Đại Dữu trên đường đến Lĩnh Nam. Không thấy nơi nào xác nhận ông có bị đi đày và sống ở Nam Ba.

Ghi chú:
Hương tâm: nỗi cảm xúc, lòng tưởng nhớ đến quê hương
Thiên bạn: chân trời, được sử dụng để mô tả một nơi xa xôi, chỉ nơi bị biếm Nam Ba Phan Châu, ngày nay là Mậu Danh Quảng Đông.
San nhiên: nước mắt lả chả, rơi lệ
Cư nhân hạ: ở dưới người ta, chỉ quan nhân
Khách: nhà thơ chỉ mình.
Xuân quy: Xuân đã về mà mình chưa trở về
Đán mộ: buổi sáng và buổi chiều, sáng sớm và hoàng hôn, sớm hay muộn, một khoảng thời gian ngắn, ngày và đêm, cả ngày
Lĩnh: chỉ Ngũ Lĩnh, năm ngọn núi chạy đông tạy phân chia Trung Hoa nam bắc. Đi Nam Ba Phan Châu từ miền bắc Trung Hoa, phải qua đèo này.
Trường Sa Phó: chỉ Giả Nghị (200-168 TCN), một học giả kim chính trị gia làm Thái Trung Đại Phu thời Tây Hán. Nghi kỵ với những đề nghị cải cách của ông, Hán Văn Đế giáng chức và đày ông đi làm Thái Phó Trường Sa trong 3 năm.

Dịch nghĩa:

Tân Niên Tác Làm Vào Năm Mới

Hương tâm tân tuế thiết Năm mới nỗi nhớ quê hương càng thêm thắm thiết,
Thiên bạn độc san nhiên Cô độc nơi chân trời xa xôi không khỏi rơi nước mắt.
Lão chí cư nhân hạ Già rồi mà còn bị hạ chức là sai dịch cho người,
Xuân quy tại khách tiên Xuân lại về trước khi ta có thể về quê nhà.
Lĩnh viên đồng đán mộ Ngày đêm ta bầu bạn với khỉ vượn trên Ngũ Lĩnh,
Giang liễu cộng phong yên Dương liễu bên sông cùng ta chịu đựng gió sương.
Dĩ tự Trường Sa Phó Ta thấy hoàn cảnh mình giống Giả Nghị,
Tòng kim hựu kỷ niên Không biết còn phải như thế này bao nhiêu năm.

Bình luận:

Đây là một bài thơ cảm thán. Thời nhà Đường, khu vực phía nam Trường Sa, nam Ngũ Lĩnh rất hoang vắng. Bị biếm từ Tô Châu Giang Nam trù phú văn minh đến Nam Ba Phan Châu, làm sao không than khóc như trong câu 1 và 2.

Đã lớn tuổi mà còn phải chịu gian khổ, xa quê hương, xa gia đình trong dịp năm mới, làm sao không buồn thảm như trong câu 3 và 4.

Sống nơi quê người không cùng ngôn ngữ, văn hóa, phong tục… khác chi sống giữa khỉ vượn. May ra chỉ có cây cối vô tri mới cảm thông với nỗi khổ tâm này. Câu 5 và 6 đối xứng hoàn chỉnh về thanh, từ và ý:

Lĩnh viên đồng đán mộ
Giang liễu cộng phong yên

Trong phần kết, thi nhân tự an ủi khi ví mình cùng hoàn cảnh bị biếm như Giả Nghị đời Tây Hán.

Với những người mà quê hương đã để mất, chúng ta ví mình với ai đây? Tôi xin trích Sáng Tác Trong Năm Mới của Đỗ Chiêu Đức: "... làm cho ta cũng nhớ đến thân phận của những kẻ lưu vong nơi xứ lạ quê người như chúng ta hiện nay. Chưa làm được gì cho quê hương thì cái già đã sồng sộc ập xuống trên đầu rồi. Câu "Xuân quy tại khách tiên" ngoài nghĩa " Người khách tha hương cảm nhận mùa xuân về trước hơn những người khác" ra, còn có nghĩa là: "Mùa xuân đến trước hơn khi người đất khách được về lại quê hương !" Quê hương còn chưa về được, nhưng mùa xuân thì vẫn cứ đến hằng năm không ai có thể cản được như lời thơ của thi sĩ Tiền Chiến Xuân Diệu:

Tôi có chờ đâu có đợi đâu,
Mang chi xuân đến gợi thêm sầu!"

Dịch thơ:

Làm Vào Năm Mới.

Đầu năm thắm thiết nhớ quê cha,
Cô độc âm thầm nơi đất xa.
Nhàn rỗi tuổi già thêm nuối tiếc,
Xuân sao đến trước ta về nhà?
Ngày ngày kẻ lạ kết bầu bạn,
Tháng tháng liễu buồn khóc cùng ta.
Nỗi khổ tha hương trời mới thấu
Thế này phải chịu bấy năm qua!

New Year's At Changsha by Liu Changqing
Translation by Witter Bynner

New Year's only deepens my longing,
Adds to the lonely tears of an exile
Who, growing old and still in harness,
Is left here by the homing spring....
Monkeys come down from the mountains to haunt me.
I bend like a willow, when it rains on the river.
I think of Jia Yi, who taught here and died here-
And I wonder what my term shall be.

New Year Verses by Liu Changqing
Translation by Betty Tseng

A nostalgic heart grows even more so come New Year,
Alone at the edge of the world I cry lonely tears.
I am still bending my back for others even at my old age,
Before I could home return, come again has spring.
Gibbons in the mountains are my company at dawn and at dusk,
The river and the willows are there with me to brave the misty wind.
I am very much like Jia Yi in exile in Changsha,
How many years still before my homecoming?

Written At New Year by Liu Changqing
Translation by Innes Herdan

Homesick thoughts embitter the New Year;
Alone at the sky's end my tears are springing.
Old age will find me still in the service of strangers;
Spring will be back again before this exile.
Mountain apes my company day and night,
Sharing wind and mist with the riverside willows,
I am like the imperial tutor banished to Changsha1.
Ah! how many more years yet?

Notes:
l. Jia Yi, a statesman under Emperor Wen of Han dynasty. His warnings and proposals for reform angered the Emperor who sent him as a petty official to Changsha, then an uncivilized place. While there he served as tutor to Prince Liang.

Composed at the Beginning of the New Year1 by Liu Changqing
Translation Wang Ban

With the arrival of New Year, homesick I keenly feel,
Shedding tears all alone this far-off land,
Aged, yet ranking low among officials.
While spring's returned, I have not, still here I stand,
With monkeys as neighbours I spend days and nights,
And share wind and mist with willows at river's side.
Already an exile like Jia Yi2 in Changsha,
How many more years here shall I have to reside?

Notes:
1 The author was banished to Panzhou in 758 to a petty official post. This poem was written during the period of his exile.
2 Jia Yi (200-168 B.C.), a talented scholar and politician, once banished from the court to serve as grand-tutor to the Prince of Changsha for three years.

Phí Minh Tâm
***
Góp ý:

新年作 Tân niên tác

Không ai biết năm sinh của Lưu Trường Khanh (709/725? có thể vì giòng dõi không tăm tiếng) nhưng ta biết bài thơ này làm quanh 758-759, sau khi ông ta bị biếm xuống tận 南巴=Nam Ba (bây giờ là 电白=Điện Bạch, Quảng Đông) làm một chức úy quèn vì tính cương trực.

Vị trí Nam Ba/Điện Bạch

Người cương trực thì không nên giữ chức giám sát ngự sử, nhất là khi mình không có thân thế, vây cánh. Ta có thể đoán thân phận của họ Lưu như thế vì ông ta đậu tiến sĩ trong thập niên 750, quá trễ nếu sinh năm 709; chữ 老= lão đầu câu thứ 3 cho thấy rằng lúc đó họ Lưu đã xem ta già rồi, trên 40 tuổi. Dù sao chăng nữa, thân phận của họ Lưu là của người bị biếm chức, còn có thể mong ngày hồi kinh, không như thân phận người Việt ly hương, muốn về lúc nào cũng được nhưng thủ đô đã mất tên!

Hai chữ 天畔=thiên bạn rất hợp tình hợp cảnh vì Nam Ba đúng là ở tận chân trời của nước Tàu thời Đường. Chữ 嶺=lĩnh đầu câu 5 chỉ rặng Ngũ Lĩnh, ngăn cách miền Nam Hoa Lục với miền Bắc, và 嶺猿=lĩnh viên ví thân phận họ lưu như vượn ngoài biên cương, không còn là quan lại ở triều đình. Đất Quảng Đông thời đó không phải là xứ khỉ ho, cò gáy nhưng cư dân ở đó nói đủ thứ tiếng trừ tiếng Hán, có thể rằng họ Lưu không xem người bản xứ như khỉ vượn nhưng nghe họ nói thì cũng tựa như nghe vượn ... hú; có ở xứ người nhưng không hiểu tiếng người mới cám cảnh hai chữ đơn côi! Hai chữ 風煙=phong yên cũng là biểu tượng cho thân phận mông lung hay vô thường.

Điển tích Trường Sa phó ở đây ngoài sự khả hữu tự ví mình với Giả Nghị, còn muốn nhấn mạnh đến tình cảnh bị biếm vì trong thời Hán quận Trường Sa là đất biên cương để phong vương cho các chư hầu, chỉ tồn tại tới đầu thế kỷ thứ nhất.

Huỳnh Kim Giám


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét