Tưởng niệm 157 năm ngày AHDT Trương Công Định tuẫn tiết 20-8 (1864- 2021)
Anh Hùng Dân Tộc Trương Công Định
Từ năm Tự Đức thứ 11 trở đi, đất nước đi vào khúc quanh lịch sử. Pháp bắt đầu đưa quân xâm chiếm đất nước ta: Tấn công Đà Nẵng (1858), chiếm Gia Định (1859), chiếm Định Tường (1861), Biên Hoà và Vĩnh Long (1862). Một bộ phận đất đai của nước Việt Nam thân yêu lần lượt rơi vào tay thực dân Pháp. Nhân dân khổ cực, lòng người ly tán. Nội bộ triều đình Tự Đức phân hoá. Đất nước trên bờ vực thẳm. Ấy thế mà Tự Đức và triều thần lại nhu nhược, không đề ra được một quyết sách nào khả dĩ để chống lại hiểm họa xâm lăng của Pháp, nhằm bảo vệ đất nước. Khiếp sợ trước lực lượng hùng mạnh, vũ khí tối tân của Pháp, vua Tự Đức đã lệnh cho Hiệp biện Đại học sĩ Phan Thanh Giản và Lâm Duy Tiếp vào Gia Định ký hoà ước với thiếu tướng Hải quân Pháp Bonard đại diện cho Chính phủ Pháp vào ngày 09/5/1862. Hoà ước này được gọi là hoà ước Nhâm Tuất. Thực chất nội dung của bản hoà ước Nhâm Tuất là một văn bản triều đình Tự Đức đầu hàng, mở đường cho thực dân Pháp xâm chiếm đất nước ta.
Thời điểm này, ngọn cờ chống Pháp đã chuyển hẳn sang nhân dân, mà đứng đầu là các nhóm nghĩa quân dưới sự chủ xướng và lãnh đạo của Đỗ Trình Thoại, Phủ Cậu, Thiên Hộ Dương, Quảng Tu, Nguyễn Trung Trực và Trương Công Định. Lực lượng nghĩa quân chống Pháp dưới sự lãnh đạo của Trương Công Định là đông hơn cả, có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào chống xâm lăng, gây cho địch nhiều tổn thất.
Trương Công Định sinh năm 1820 tại làng Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Trương Công Định sống ở quê hương Quảng Ngãi, mãi đến năm 24 tuổi mới theo cha là Trương Cầm, người giữ chức Chưởng lý Thủy sư vào Gia Định. Tại đây, Trương Công Định lập gia đình với bà Lê Thị Thưởng con gái của một nhà hào phú ở Tân An, Định Tường. Sau khi lập gia đình, ông ở luôn tại quê vợ. Năm 1850, hưởng ứng chính sách khai hoang của triều đình, Trương Công Định đứng ra chiêu mộ khoảng 500 dân nghèo khai hoang lập ấp. Với công lao ấy, ông được triều đình Huế phong chức Quản cơ, hàm Lục phẩm, nên người đương thời thường gọi ông là Quản Định.
Năm 1859, khi Pháp đưa quân chiếm thành Gia Định, Trương Công Định đem nghĩa binh lên đóng ở Thuận Kiều để ngăn chặn. Trong quá trình lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp, Trương Công Định đã đánh thắng giặc Pháp ở mặt trận Thị Nghè, Cây mai… Năm 1860, dưới quyền của Tổng thống quân vụ Nguyễn Tri Phương, Trương Công Định tham gia giữ đồn Kỳ Hoà, được triều đình phong chức Phó lãnh binh. Sau khi đồn Kỳ Hoà thất thủ, ông cùng nghĩa binh rút về Gò Công xây dựng căn cứ kháng chiến chống Pháp. Trương Công Định đã tổ chức nhiều trận phục kích địch ở Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn làm cho Pháp bị tổn thất lực lượng rất nhiều.
Sau khi ký hoà ước Nhâm Tuất, triều đình Huế cắt 03 tỉnh miền Đông Nam Kỳ giao cho Pháp. Triều đình vừa phong ông chức Lãnh binh, vừa buộc ông phải chuyển đi nhậm chức ở An Giang và giải tán nghĩa quân chống Pháp. Trước sự nhu nhược của Tự Đức, Trương Công Định cương quyết chống lại lệnh của triều đình, ở lại Gò Công, Mỹ Tho tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân và cùng nhân dân chống Pháp. Nghĩa quân và nhân dân tôn Trương Công Định làm Bình Tây đại Nguyên soái. Ông là người thương dân chân thành và yêu nước nồng nàn, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh, quyết tâm chống giặc Pháp xâm lược đến cùng. Trương Công Định từng tuyên bố: “Chúng tôi sẽ lấy lau làm cờ, chặt tầm vông làm vũ khí. Dứt khoát không bao giờ ngừng chống bọn giặc cướp nước”.
Trong tuyên ngôn công bố với triều đình và nhân dân, Trương Công Định nêu rõ: “Từ năm thứ 12 của triều vua Tự Đức (1858), bọn man di tây phương đã xâm nhập xứ này. Chúng tiếp tục gây hấn, lần lượt chiếm ba tỉnh Gia Định, Định Tường và Biên Hoà. Dân ba tỉnh này đã nếm qua mọi tai ương. Sau đó, một hoà ước đã ký kết với Nguyễn triều chỉ gây thêm lòng phẫn nộ và niềm thất vọng của nhân dân ba tỉnh. Nhân dân ba tỉnh này thiết tha muốn khôi phục địa vị cũ bèn tôn chúng tôi làm lãnh tụ. Vậy chúng tôi không thể dừng làm điều chúng tôi đang làm. Cho nên chúng tôi sẵn sàng chiến đấu ở miền Đông cũng như miền Tây. Chúng tôi sẽ đề kháng, chúng tôi sẽ xông pha và sẽ phá tan lực lượng quân địch…Dân chúng đã đã nói: Chúng ta chết chứ không chịu làm tôi tớ cho giặc…"
Nội dung bản tuyên ngôn thể hiện lập trường và quyết tâm chống Pháp, bảo vệ đất nước của người thủ lĩnh nghĩa quân và của nhân dân Việt Nam. Lúc này, lực lượng nghĩa quân của Trương Công Định lên đến gần 6.000 người. Ông được những người chủ chiến ở triều đình, cũng như các nhân sĩ và nhân dân ủng hộ. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và Phan Văn Trị, cùng nhiều danh sĩ ở Nam kỳ nhiệt tình ủng hộ Trương Công Định trong công cuộc chống Pháp. Trương Công Định đã liên kết được với các lực lượng nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, Đỗ Trình Thoại…cùng phối hợp tổ chức các trận đánh Pháp.
Địa bàn hoạt động của nghĩa quân Trương Công Định mở rộng từ Gò Công đến Chợ Lớn, Gia Định, từ biển đông đến biên giới Campuchia. Trong tác phẩm Suvernir de l’expédition de Cochinchine 1861 – 1862, xuất bản tại Paris năm 1865 đã viết về lực lượng chiến đấu của Trương Công Định như sau:“Họ đánh theo kiểu du kích, làm chủ nông thôn. Khi cần tiêu diệt một cứ điểm nào thì họ tập trung lại. Khi tấn công cũng như khi rút lui, họ biết lợi dụng vô số những chướng ngại vật tự nhiên của xứ họ. Một xứ có nhiều sông rạch, rừng bụi, đồng lúa, đầm lầy. Họ kín đáo lánh mình, thình lình xuất hiện, nổ súng tấn công…Làm cho đối phương luôn luôn ở trong thế đề phòng, mệt mỏi, kiệt sức, cuối cùng phải bỏ cuộc chịu thua…” . Từ căn cứ kháng chiến, nghĩa quân của Trương Công Định liên tục tấn công các đồn, bốt của Pháp. Lúc này, quân Pháp một mặt huy động lực lượng hùng hậu bao vây căn cứ Gò Công, một mặt dụ hàng Trương Công Định. Nhưng, ông vẫn một lòng chống Pháp đến cùng. Ngày 26/02/1863, Pháp mở đợt tấn công vào căn cứ nghĩa quân.
Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt. Trương Công Định buộc phải rút quân về Biên Hoà lập căn cứ ở Lý Nhơn và đưa một bộ phận nghĩa quân về Thủ Dầu Một – Tây Ninh để tiếp tục chiến đấu. Cuối năm 1864, trong một trận chiến tại căn cứ Đám Lá Tối Trời Làng Gia Thuận ông rơi vào vòng vây của quân Pháp. Do sự phản bội của Huỳnh Tấn, tên này trước kia từng theo ông chống Pháp đã rời bỏ hàng ngũ kháng chiến về làm tay sai cho Pháp. Trương Công Định và lực lượng nghĩa quân quyết tử chiến với giặc. Trong lúc chiến đấu, không may ông bị đạn bắn gãy xương sống. Không để rơi vào tay giặc, Trương Công Định rút gươm tự sát vào ngày 20/8/1864, để bảo tồn khí tiết khi tuổi đời mới 44 tuổi. Cái chết của Trương Công Định là tổn thất lớn đối với phong trào kháng chiến chống Pháp của nghĩa quân và nhân dân ta lúc bấy giờ.
Thương tiếc người anh hùng dân tộc, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã làm 12 bài thơ và 01 bài văn tế khóc người anh hùng:
“Trời Bến Nghé mây mưa sùi sụt,
thương đấng anh hùng gặp lúc gian truân
Đất Gò Công cây cỏ ủ ê
Cảm niềm thần tử, hết lòng trung ái
Xưa còn làm tướng, giốc rạng ngời hai chữ Bình Tây
Nay thác theo thần, xin dựng hộ một câu phúc thán….”
Cuộc khởi nghĩa chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược của Trương Công Định chỉ trong thời gian ngắn từ năm 1859 đến 1864 đã trở thành điểm son ngời sáng trong lịch sử dựng nước , giữ nước và chống ngoại xâm của dân tộc ta. Và, Trương Công Định đã trở thành người thủ lĩnh vĩ đại của nghĩa quân chống giặc Pháp xâm lược.
Từ ngày Trương Công Định hy sinh vì đất nước đến nay đã tròn 157 năm (1864 – 2021), qua các thời kỳ, có nhiều tác phẩm lịch sử, văn học, báo chí, sân khấu…nói về cuộc khởi nghĩa và vai trò lịch sử của ông - Người anh hùng dân tộc. Cùng với các tác giả là người Việt Nam, còn có rất nhiều tác giả là người Pháp viết về cuộc khởi nghĩa của Trương Công Định với tất cả lòng khâm phục. Ngay cả Vial - một quan cai trị cao cấp của Pháp thời ấy đã gọi Trương Công Định là
Nhà đại lãnh tụ của quân khởi nghĩa.
Đối với nhân dân, đặc biệt là nhân dân Gò Công và miền Nam xem Trương Công Định là người anh hùng dân tộc. Và, là vị thần bảo hộ cuộc sống của mình. Qua bao đời nay, nhân dân Gò Công đã xây dựng, tu sửa, tôn tạo mộ, đền thờ và dựng tượng Trương Công Định. Hàng năm, tại Gò Công long trọng tổ chức lễ cúng tế, tưởng nhớ Trương Công Định. Trước năm 1975, lễ giỗ Trương Công Định được tổ chức vào 2 ngày 17 và 18 tháng 7 âm lịch. Sau năm 1975 lấy hai ngày 19 và 20 tháng 8 Dương lịch làm lễ giỗ. Đây là một trong những Lễ hội lớn ở miền Nam đất nước. Mục đích của lễ hội Trương Công Định là hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công đức của tiền nhân đối với dân tộc và đất nước. Hằng năm, công chúng đến với lễ hội với tấm lòng ngưỡng mộ anh hùng Trương Công Định và nhận thức sâu sắc thêm về truyền thống yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm của dân tộc ta. Hình tượng Trương Công Định, người thủ lĩnh vĩ đại của nghĩa quân chống Pháp sống mãi với non sông, đất nước.
Bảy Hiền biên soạn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét