Thứ Tư, 14 tháng 4, 2021

Ngơ Ngẫn Dấu Buồn - Thơ Luân Tâm


(Bài Giới Thiệu của GS.Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm
Nguyên Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa Gia Giáo Dục và Thanh Niên VNCH)

Biết rõ về một tác giả là điều cần thiết để hiểu nhiều về tác phẩm của tác giả đó. Nhưng trường hợp của tôi hôm nay thì không như vậy. Tôi không biết nhiều về cuộc đời của nhà thơ Luân Tâm, hay đúng ra chỉ biết rất sơ sài về quá trình học vấn và kinh nghiệm làm việc của nhà thơ mà thôi. Luân Tâm là một Đốc Sự Hành Chánh, tốt nghiệp Cao Học Khoá 3 Học Viện Quốc Gia Hành Chánh Việt Nam. Nhưng trước khi thi hành chức vụ hành chánh, Luân Tâm từng là nhà giáo phục vụ ở trường Trung Học Bến Lức,Long An. Vài sự kiện khác về tác giả tôi chỉ được nghe qua một vài người bạn. Thành ra khi đọc thơ Luân Tâm và viết cảm nghĩ của tôi về tác phẩm “Ngơ Ngẩn Dấu Buồn” tôi chỉ làm công việc của một độc giả thông thường như bao nhiêu độc giả khác về tác phẩm này.

Thơ cũng như văn đều có mục đích gửi đến người đọc một thông điệp nào đó của tác giả. Thông điệp gởi qua bài văn trên báo chí thì dễ đến với người đọc và dễ đi vào tầm nhìn của độc giả. Nhưng thông điệp gởi qua thi ca, qua một ấn phẩm đặc biệt, thường đến với người đọc một cách rất khó khăn, đầy may rủi. Thông điệp thi ca giống như những bức thư để trong những vỏ chai bỏ ngoài biển cả. Tuỳ theo may rủi mà những bức thư đó đến tay người đọc nào đó hay không. Và khi nhận được người đọc may mắn nào đó có hiểu được thông điệp trong thư hay không còn là một vấn đề khác. Bởi thi ca khác với văn xuôi, vì thi ca là một thứ văn chương trau chuốt với ngôn ngữ đặc biệt của nó, với hình ảnh, tư tuởng, âm thanh, nhịp điệu độc đáo của thứ nghệ thuật cao đẹp này. Tôi là một người có cái may mắn nhận được vỏ chai ngoài bờ biển. Trong vỏ chai có bức thư. Bức thư có thông điệp gì đó của người gởi. Công việc của tôi là tìm hiểu thông điệp đó.

Tập Thơ “Ngơ Ngẩn Dấu Buồn” gồm nhiều bài thơ mà phần lớn có những nhan đề xoay quanh trục chính là “Đau Buồn” và” Ngơ Ngẩn” như : Thuyền Sầu, Mồ Côi, Chơi Vơi, Phong Trần, Mê Hồn, Cuối Bờ Phù Du, Đứt Ruột, Kỳ Ngộ, Hết, v. .v . Tất cả đều ít nhiều mang tâm trạng buồn đau. Thành ra có thể nói đau buồn là tình cảm chính của tập thơ. Nhưng khi đọc lướt qua người đọc sẽ có cảm giác như tác giả không để mình chìm đắm sâu xa vào một loại đau buồn sầu khổ nhất định nào mà thường trải dài một nỗi đau buồn mông lung trong các bài thơ mang tựa đề khác nhau. Nỗi buồn đau mông lung của tác giả thường ẩn hiện trong một tâm trạng ngơ ngẩn chung của nhà thơ có mặt trong hầu hết các đề tài dù là Thuyền Sầu hay Mồ Côi, Chơi Vơi hay Phong Trần, Mê Hồn hay Cuối Bờ Phù Du, Đứt Ruột hay Hết. . . Tâm hồn của nhà thơ như con thuyền chuyên chở bao nhiêu những đớn đau ê chề vốn là kết quả của cuộc đời nhiều gian nan, khốn khổ, từng trải qua nhiều biến cố bất hạnh, từng chịu đựng nhiều tang thương mất mát, nhiều điêu đứng bất thường nói một cách tổng quát không qua một hình ảnh cụ thể nào. Thương nhớ quê nhà ( Ra đi thêm nhớ quê nhà ), luyến tiếc những kỷ niệm xưa ( Ngày xưa sống với ruộng vườn ), nghĩ đến cuộc sống bấp bênh giữa cảnh đời mịt mù đen tối ( Tối đen đường trước ngõ sau ), nhớ cảnh khói lửa tang thương ( Bốn phương khói lửa mịt mù ), tiếc thương mồ mả cha me ( Mồ cha mả mẹ còn đâu ) , nghĩ đến cảnh phù vân ( Đã đành nhân thế phù vân ) . Đó là nỗi buồn tìm thấy trong Thuyền Sầu. Trong Phong Trần …cũng một nỗi sầu thuyền, một cảnh phù vân ,một vết thương nội chiến phong trần mồ côi. Và cũng tương tự như vậy trong” Mê Hồn” :

Chân trời gốc biển chiêm bao
Bướm thiêng chở mộng trăng sao mê hồn
Băng rừng vượt suối cô đơn
Đoạn trường khách địa áo cơm đoạ đày
Mười năm khóc mướn thương vay
Mười năm ngậm đắng nuốt cay trời gầm
Ăn đi ngủ đứng viết nằm” . . .

Bên cạnh nỗi buồn mông lung còn có những mảnh tình nhà quê quen thuộc như “Về Quê Ngoại “, hay mối tình ngây thơ dễ thương bắt nguồn từ văn chương bình dân như câu chuyện” Đứt Ruột”chẳng hạn khởi hứng từ những câu ca dao:

Giả đò mua khế bán chanh
Giả đi đòi nợ thăm anh kẻo buồn…
Thò tay em ngắt ngọn ngò
Thương anh đứt ruột giả đò ngó lơ”

Niềm thương đứt ruột của người em quê mùa thật hết sức nên thơ trong bài thơ” Đứt Ruột” của Luân Tâm.

Thơ Luân Tâm là thơ trữ tình, bởi chứa chan tình cảm. Nhưng đây là những tình cảm được diễn tả một cách chừng mực, trong khuông phép chứ không bồng bột, và tràn bờ như thơ lãng mạn. Ở đây không có cái nức nở, nghẹn ngào, rũ rượi của cái ”TÔI”” không kềm chế qua những xúc cảm mãnh liệt của con người mà ta thường gặp trong thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử...v.v… thời tiền chiến.

Nhưng đã là thơ thì không thể thiếu ngôn ngữ thi ca mà ngôn ngữ thi ca là hình ảnh và âm nhạc. Thơ không làm công việc của văn xuôi, không diễn tả tư tưởng bằng suy luận, không theo tiến trình logic của lý trí. Tư tưởng trong thi ca nếu có thì có thể được diễn tả bằng hình ảnh, bằng ẩn dụ, bằng những bầt thường, đột ngột, nói lên tiếng nói của vô thức nhiều hơn. Đó là chủ trương của nhiều nhà thơ mới hiện đại. Đó cũng là trường hợp của Luân Tâm. Những gì xảy ra trong vô thức thường không đầu không đuôi, không mạch lạc suông sẻ, giống như những gì ta thường thấy trong giấc chiêm bao. Những câu mở đầu bài thơ ”Chơi Vơi” chẳng hạn, cho ta nhiều hình ảnh thi ca, không liên tục, không nối liền bằng những liên tưởng tâm lý thường có với ý thức sáng suốt. Những hình ảnh này bắt chợt, nhảy đi từ hình ảnh này sang hình ảnh khác như những mảng chuyện diễn ra trong chiêm bao, tức trong vô thức nhiều hơn:

Trả ngày giọt mưa phù sinh
Trả đêm giọt nắng chung tình viễn vông
Trả đời giọt bụi hư không
Trả ta giọt máu trôi sông vô thường
Nuôi rong ruộng dưỡng rêu vườn
Gió nghiêng vành nón mưa thương che mình
Tàn chiều lỡ bước ăn xin
Cánh cò cánh én động tình bú tay
Lỡ phu lỡ thợ lỡ thầy” . . .


Trong ”Ngơ Ngẩn Dấu Buồn” ta cũng bắt gặp những hình ảnh bắt chợt như vậy:

Chim con lông rụng mẹ đau
Nắng chưa vàng cánh gió cao hết hồn
Cành nghiêng bóng đậu cô đơn
Buồm căng dây lạnh kéo đờn nổi trôi
Xanh trời trắng hạc chia phôi
Mềm mây ốm gió mồ côi bay nhà” . . .

Thơ Luân Tâm về hình thức rất gần với ca dao, có âm điệu của bản nhạc bình dân. Phần nhiều theo thể lục bát nhịp nhàng với những tiểu đối hai chữ, ba chữ trong câu lục hay bốn chữ trong câu bát. Ví dụ như:

Xanh trời/trắng hạc/
Mềm mây/ốm gió/
Nắng chờ/mưa đợi/
Khói lên/mây xuống/
No da/đói thịt/
Bến sắc/bờ không/
Vui sông/buồn suối/
Về nhới đi/đi nhớ về/
Hồn Bến Tre/phách Sài Gòn/
Xác treo chớp biển/hồn trao mưa nguồn/
Hết địa ngục/ hết thiên đường/
Hết hoa/hết trái/hết xương/hết hồn/

Thường có những tiếng, những chữ lập đi lập lại nhiều lần làm thành những tiếng mưa rơi, những lời than thở, những điệp khúc thất vọng, đau buồn, ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Hãy đọc ”Một Giọt Tình Thơ “:

Gửi người một giọt cải lương
Gửi quê một giọt đau thương mềm lòng
Gửi trời một giọt tuyết trong
Gửi đất một giọt rượu hồng chiêm bao
Gửi núi một giọt trăng sao
Gửi sông một giọt mây màu đong đưa
Gửi ngày một giọt khuya mưa
Gửi đêm một giọt nắng trưa ỡm ờ” . . . .

Nhà thơ gửi cho ai? hay gửi cho cái gì đây? Gửi người, gửi quê, gửi trời, gửi đất, gửi núi, gửi sông, gửi ngày, gửi đêm . . Gửi cái gì? Gửi một giọt. Một giọt gì? Một giọt cải lương, một giọt đau thương mềm lòng, một giọt tuyết trong, một giọt rượu hồng chiêm bao, một giọt trăng sao, một giọt mây màu đong đưa, một giọt khuya mưa, một giọt nắng trưa ỡm ờ . . .

Luân Tâm có vẻ rất thích hai chữ ”Lỡ” và ”Hết”. Hãy nghe Luân Tâm ”Lỡ”:

Lỡ phu lỡ thợ lỡ thầy
Lỡ quê lỡ tỉnh lỡ Tây lỡ Tàu
Lỡ kiếp trước lỡ kiếp sau
Lỡ tái sinh lỡ chôn nhau đoạn trường” (Chơi Vơi)
Xin hãy xem Luân Tâm ”Hết”:
Hết tranh hết nhạc hết thơ
Hết tình hết điệu hết mơ hết hồn” (Phong Trần)

Một ngày hết nắng hết mưa
Hết cười hết khóc hết trưa hết chiều
Hết mưa hết gió dấu yêu” (Mồ Côi)

và cả một bài thơ “HẾT” với 27 câu lục bát bắt đầu bằng chữ “Hết”
. . . .
“Hết bồng em hết cưng anh . . .
Hết biển cạn hết non mòn” . . .

Còn trong 33câu lục bát của bài “Cuối Bờ Tình Ca” thì đã có 30 câu bắt đầu bằngchữ “Hết” :
….
“Hết thương hết nhớ hết mừng
Hết mơ hết mộng trăng gần gió xa
Hết hương hết thịt hết da
Hết hồn hết xác hết nhà hết quê “…
………..

Tình cảm đau buồn, nhớ nhung, thương tiếc, chán nản. . . là những tình cảm rất gần gũi, rất quen thuộc với con người, bất cứ ở đâu, bất cứ thời nào. “Buồn” không thể thiếu trong thi ca ,nhất là thơ trữ tình và lãng mạn .Thơ Luân Tâm mang tính trữ tình như ngay trong nhan đề tập thơ đã nói. Thông điệp “đau buồn” gửi đến đâu cũng có người chia sẻ, thông cảm dễ dàng. Nhưng mỗi nhà thơ có cách riêng tư của mình để gửi đi thông điệp đó. Luân Tâm có cách diễn tả khá độc đáo của nhà thơ. Lời thơ, hình ảnh thi ca, nhịp điệu đặc biệt của bài thơ làm cho thơ Luân Tâm mang nét độc đáo không tìm thấy ở những nhà thơ khác. Đó cũng là giá trị của tập thơ “Ngơ Ngẩn Dấu Buồn” vậy.

GS.Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm
Nguyên Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa Gia Giáo Dục và Thanh Niên VNCH
(Trích trong tác phẩm “KỶ NIỆM GIỚI THIỆU THƠ VĂN “
cuả GS.Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Nhà xuất bản “Lăng Ông Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt Foundation” , CA/USA.2009, tr.42-47)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét