Trong cõi đời mau qua này, đâu phải lúc nào gặp bất ngờ cũng lý thú như khi gặp một người đồng hương ở ngoại quốc. Đối với cuộc đời ngắn ngủi thiếu hậu vận trầm trọng của loài côn trùng hay gáy về đêm như dế tui, ngạc nhiên hay bất ngờ chỉ tổ tổn thọ. Hồi tưởng lại kinh nghiệm hi hữu đêm rồi tui không khỏi hết hồn hết vía. Mèng ơi, từ hồi cha sinh mẹ đẻ tới giờ tui chưa bao giờ nghe ông bà già hay bà con cô bác kể về một cuộc hành trình phóng vô không gian ba chiều với một tốc độ thần sầu, khiến ruột gan phèo phổi chỉ muốn lộn ngược lên não. Với tui, tầm vóc của sự lạnh mình này chỉ thua chút xíu sự kinh hoàng khi chạm trán với tên bọ cạp, kẻ thù không bao giờ đội trời chung!
Nói gần nói xa chẳng qua nói thiệt. Tối hôm qua, sau mấy bữa mưa như thác lũ làm ngập lụt chỗ tui đang dung thân, tui bèn quyết định đi kiếm nơi cao ráo để tạm trú qua đêm. Tình cờ làm sao, tui chui vô tổ ấm của ông bà già kia. Sau khi lần mò một hồi, tui theo ánh đèn le lói của căn phòng ngủ, tiến gần giường của họ để tìm hơi ấm. Tui nằm đó im ru quan sát. Sau những tiếng giấy sang trang, tiếng cười thích thú khi ông già khi đọc một đoạn gì ưng ý, tiếng ngòi bút thì thầm trên mặt giấy, họ đóng sách, tắt ngọn đèn ngủ đầu giường. Trong căn phòng tối, tiếng bà vợ thỏ thẻ “Good night, honey!”
Căn phòng không một tiếng động, mặc dù ngoài sân trước sân sau đám dế, đám ếch coqui và loài nhai lại thi đua hòa tấu những điệu nhạc trầm bổng. Tui bắt đầu rung đôi cánh dế mịn như lụa của mình. Mắt tui lim dim, tận hưởng âm điệu réc réc ri ri đặc biệt Trời phú của mình, lòng tràn trề hy vọng. Biết đâu có nàng dế nào ở trong vùng phụ cận thì sẽ nghe được nỗi lòng của mình. Tui hát đây không phải vì muốn mua vui cho người. Tui hát để giải sầu. Tui hát vì tui cô đơn.
"Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn, đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành."*
Tui ngủ ban ngày, tui gáy ban đêm, mong sao tìm được người yêu bé bỏng để chia ngọt xẻ bùi trong cuộc đời ngắn ngủi chỉ trên dưới 24 mùa trăng.
Trong vòng tích tắc, khi tui mới khua đôi cặp cánh khoảng 200 lần thì ông già đã đi vào giấc nồng. Tiếng cưa gỗ đều đặn ò … í … ò … í … rất "loài người" của ông ta làm sao mà lầm được! Bà già hình như rất thính tai và không ưa gì lắm tiếng động lúc ngủ hay khi thức thì phải? Vì khi nghe tiếng ngáy đều đặn của ông chồng, bà già (lúc này vẫn còn đang bận đếm cừu con) liền quơ tay qua bên phía ông già, lay nhẹ vô vai ổng rồi nói nhỏ "Mình ơi, mình ngáy lớn qúa! Honey, you snore too loudly!" Ông già lầm bầm gì đó rồi quay mình qua phía bên kia, tiếp tục giấc điệp. Không biết ông già học ở đâu mà ngủ lẹ trong chớp nhoáng. Mới đặt mình xuống có vài phút là ngủ rồi. Phục ông này thiệt!
Sở dĩ tui có thể tả chưn, tả tay cái cảnh chồng ngáy, vợ lay vừa rồi là vì tui đã nhè ngay đầu giường của họ mà ... hạ cánh lúc lơn tơn vô phòng người ta. Trong cái đầu óc nhỏ hơn hạt đậu của tui, tui không có khái niệm nhiều về không gian hay thời gian. Khi nào thấy có nhu cầu cà đôi cánh thì tui cà. Cà riết, cà riết, cà cho tới khi có người đẹp đáp lời “Gọi người yêu dấu” thì tui mới ngưng. Bất kể nơi chốn. Đầu giường hay chân mây tui coi như "nơ pa." Gáy trước, chết toi thì tính sau. Nói tới chết chóc, tui chực nhớ tới sự ra đi bất ngờ rất là thảm thương của thằng em họ. Bữa nọ, thằng này đúng là tới số, nhè ngay cái chậu rửa mặt của bà già mà khua chiêng, gõ trống. Bà già cũng có chân tâm, muốn đưa thằng em tui đi ra ngoài. Nhưng tránh trời không khỏi nắng, nó vùng vẫy thế nào khiến bà già đâm hoảng, chụp giựt làm sao mà lỡ tay đè bẹp thằng nhỏ! Ai nấy đều biết là cái giống dế mèn bên Thiên Đàng Hạ Giới này chỉ nhỉnh hơn hai hạt lúa chút xíu. Bởi vậy, so với tấm thân nhẹ như bấc, một ngón tay cong queo của bà già cũng dư sức búng thằng em họ tui về thế giới bên kia trước thời hạn!
Trở lại những gì xẩy ra trong căn phòng của hai ông bà trong lứa tuổi mà người ta kêu là “tuổi xuân đã vĩnh biệt” từ lâu. Khi nhận thấy sự thính tai và dị ứng tiếng động của bà già, như người ta tui nên đề cao cảnh giác (như lúc đánh hơi được sự hiện diện của tên bọ cạp hung ác, của tên chuột đồng hay khi nghe tiếng đập cánh của gia đình nhà lông vũ kế sát bên tai.) Tiếc thay, vì đang dồn hết tâm trí vào việc ca bài con cá cho nên tui lơ đễnh, không ở trong tư thế sẵn sàng ứng chiến. Đang nằm đó, tiếp tục "Ò e, dế mái đang ở đâu?" thì bất ngờ căn phòng sáng rực như ban ngày! Chưa kịp làm quen với ánh sáng tự dưng phủ lên trên đầu, mình và tay chưn thì đột nhiên một vật gì lớn lắm ụp xuống chỗ tui đang nằm. Ngước mắt nhìn lên, tui nhận ra đó là một cái ly bằng giấy đã cũ, lấm tấm vài vết nâu nâu. Vật này lớn đủ để che khuất đến hơn 90% ánh sáng của căn phòng. Mặc dù không hiểu ly giấy này xuất hiện từ đâu tui cũng cảm thấy dễ chịu, yên tâm vì không còn thấy chói mắt nữa. Chỉ trong tíc tắc, sự bằng an giả tạo biến mất. Dưới chân tui thêm một vật gì dèm dẹp từ từ lấn dần tới gần. Hoảng hốt, tui thụt lùi. Lùi mãi, lùi mãi cho tới khi đuôi chạm phải thành ly. Không còn chỗ nào thoát thân, tui đành phải đặt thân mình nhẹ bổng nhẹ tênh của mình lên trên đó, cố gắng thu nhỏ cái thân đã nhỏ sẵn của mình. Nhìn kỹ thì mới biết được đó là một miếng giấy cạc-tông, có in hình trời, mây, sông nước. Tui không hiểu miếng giấy này làm gì dưới ba cặp giò của mình. Không có giờ thắc mắc thêm, tui phóng lên cao để thoát thân. Ai dè, đầu tui chạm phải cái ly giấy một cái “bụp” khiến tui rớt trở lại xuống sàn.
Chưa hoàn hồn, nguyên căn nhà tù bắt đầu chuyển động. Đang phân vân chưa kịp đối phó với tình huống khẩn cấp thì tui nghe tiếng sang sảng của bà già, "Đi ra chỗ khác mà gáy nè!" Tiếp đó, tui cảm thấy như nằm bên trong một khinh khí cầu. Bập bềnh, bập bềnh trên không. Khoảng vài chục bước bồng bềnh, tui nghe tiếng mở cửa. Rồi nhanh như cắt, cái trần nhà (miếng giấy cạc-tông) được mở ra và bà chủ nhà hất tui thiệt là mạnh ra khỏi căn nhà tù giã chiến. Không có gì bám víu, tui bay lẹ ra ngoài cửa, không hẹn ngày trở lại.
Tấm thân gầy mỏng manh bay trên không gian với một tốc độ vũ bão. Chuyến phi hành xẩy ra bất ngờ, hoàn toàn đi ra ngoài sự lèo lái của tui. Nhờ Trời thương tui đã từng học cách đáp từ hồi mới sanh cho nên tui giơ ba cặp giò ra phía trước, chuẩn bị. Khi toàn thân rơi xuống gần mặt đất thì tui giơ giò ra, chuẩn bị đáp. Chân chạm đất mà trái tim tui như muốn rớt ra khỏi lồng ngực. Cú đáp này ép-phê hơn khi tui thấy bóng dáng một nàng dế kiều diễm rất nhiều. Chưa kịp hoàn hồn thì tui nghe tiếng một tên đực rựa cùng loài, "Ai biểu không chịu học địa lý hay coi bản đồ! Đi lạc vô trong tổ ấm của hai ông bà đó thì từ chết tới bị thương.” Tên này còn chưa chịu ngừng ở đó. Hắn ta phán tiếp, “Cũng may mà bà già đã cải tà quy chánh, chừa tật sát sanh từ ngày bả quen với ông già. Nếu không thì vô số dòng giống nhà dế đã đi đầu thai kiếp khác từ lâu." Hóa ra, nhờ hỏi thăm thêm, tui mới biết là ngày xưa, thời bà này còn cái máu sát sanh, ít khi thấy con nhà dế, nhện, hay gián nào lỡ dại đi lạc vô tổ ấm của bà này mà được tiếp tục hít thở không khí tự do hay tù đày, vì bà ta không bao giờ cho chúng có cơ hội thoát thân. Nói theo lời quảng cáo của công ty Black Flag Roach Motel là “Roaches check in, but they don't check out!” Dịch đại khái là gián nhập viện chứ không hề xuất viện!
Những kinh nghiệm trong đời sống, dù nhỏ nhoi tầm thường, đôi khi cũng thêm thi vị cho đời. Chuyện tui đi lạc vào tổ ấm của hai ông bà già kia không phải là ngẫu nhiên. Mặc dù cũng ngộ là tại sao dưới vòm trời thiên nhiên bao la rộng lớn với muôn vàn cỏ cây hoa lá, tàng cây sao tui không dùng chúng làm chỗ trú lụt mà lặn lội vô tổ ấm của người ta? Có lẽ nhờ bén mảng đi vô chỗ lạ lẫm tui mới học được bài học phóng cái thân dế vào không gian mà không cần dùng tới đôi cánh. Vậy mới có chuyện! Bên Thiên Đàng Hạ Giới này người ta kêu việc kể chuyện trên trời dưới đất là “talking story,” là xài Coconut Wireless, là Thông Tin Dừa Vô Tuyến.
Hú hồn hú vía. Sau kinh nghiệm bay bất đắc dĩ đêm qua, tui thề sẽ kiếm thầy học phương hướng, coi tọa độ, bản đồ, để tránh lạc vô nhà người ta một cách lãng xẹt. Lần này hên, tui không bị chết mất xác như thằng em họ. Lần sau? Biết đâu? Còn người yêu lý tưởng của tui thì vẫn còn lấp ló đâu đó, chưa thấy lộ diện. Trong khi chờ đợi, tui tiếp tục ca
Khổng Thị Thanh Hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét