Tôi không biết Đỗ Phủ viết bao nhiêu bài “ Tuyệt cú “. Tôi chỉ biết bài “ Tuyệt cú thứ ba “:
“ Lưỡng cá hoàng li minh thúy liễu
Nhất hàng bạch lộ thưởng thanh thiên
Song hàm Tây lĩnh thiên thu tuyết
Môn bạc Đông Ngô vạn lý thuyền “
Biết , qua bản dịch của cụ Tản Đà:
“ Hai cái oanh vàng kêu liễu biếc
Một hàng cò trắng vút trời xanh
Nghìn năm tuyết núi in song sắc
Muôn dặm thuyền Ngô cửa rập rình ‘
Từ đó , mới nhớ mấy câu Kiều tả cảnh rạng đông: chim oanh hót, gió thổi hoa bay bay: “
Ngoài song thỏ thẻ oanh vàng / Nách tường bông liễu bay sang láng giềng / Hiên tà bóng gác nghiêng nghiêng ..
“ (Lê văn Hòe) .
Ở Việt Nam , tôi chưa bao giờ thấy chim oanh , ngoài đời cũng như
trong sách, cũng không biết “ giọng oanh vàng “ ra sao . Chỉ biết có
giọng Bắc kỳ và Nam kỳ. Bắc kỳ êm như nhung, du dương trầm bổng . Nam
kỳ ngọt như mía lùi, càng nghe càng muốn …
gậm (? ) .
Oanh vàng, miền Nam mình ( VNCH ) gọi là Hoàng Oanh (như nữ ca sĩ
Hoàng Oanh) hay Hoàng Anh . Sau 75, mới biết văn hóa “ kách -mạng
“ gọi là Vàng Anh ( như máy bay “ lên-thẳng “ !). Tây gọi chim oanh
là "loriot". Lần đầu tôi thấy loriot là
trong .. . sở thú Pháp, cách đây trên 30 năm! Và nghe cả tiếng nó hót! Thú thật tôi không phân biệt được tiếng hót giữa chim oanh và các
loài chim khác. Nhưng tiếng hát Oanh Vàng thì tôi đã nghe và yêu mến.
Đó là tiếng hát chị Lệ Thu. Oanh là tên
thật của ca sĩ, “ vàng “ là chữ của thi sĩ Nguyên Sa dùng khi viết về
chị.
Trong tác phẩm “ Nghệ Sĩ Việt Nam Ở Hải Ngoại / tập 1“ ( Đời / 1993 ), ông Nguyên Sa bắt đầu bằng một giọng hát mà ông gọi “
là một giọng hát bằng vàng “ : giọng hát của Lệ Thu. Nguyên Sa viết “
Vào thời điểm hệ thống tiền tệ thế giới còn chọn vàng làm kim bản vị.
Và , vàng trong tiếng hát Lệ Thu , mang đầy đủ những ý nghĩa khác biêt
của từ ngữ , tinh thần và vât chất. Tiếng hát Lệ Thu được lắng nghe yêu mến, trân quý. Giọng hát của Lệ Thu đắt
giá , những ông bầu, bà bầu muốn cầm giữ lấy một thời gian, phải bỏ
ra thật nhiều vàng
“ . Để dẫn chứng, Nguyên Sa cho biết : năm 1969, Lệ Thu ký giao
kèo hát cho phòng trà Ritz của Jo Marcel một năm: 200.000 đồng / tháng.
Đó là tiền “ nóng “ . Cộng thêm 20% trên số thu tổng quát của Jo. Thí
dụ , nếu anh Jo thu vào 500.000 thì Lệ Thu
lấy 100.000, thu 50.000 thì Lệ Thu lấy 10.000. Ca sĩ kể lại thi sĩ
nghe là trung bình mỗi tháng, ca sĩ thu về khoảng 500 ngàn ( 200
tiền nóng + 300 tiền chia ). Lúc đó , lương trung bình của một công
chức là 12 ngàn / tháng Thấy Lệ Thu lên vùn vụt, 1970, ông Cường Tự Do mời Lệ Thu về hát cho vũ trường mình. Ký giao
kèo xong là tặng ca sĩ 2 triệu “ Welcome". Mỗi tháng lãnh “ khoán “ 1
triệu !!! Ở hải ngoại, một ít lâu sau khi đặt chân lên Hoa Kỳ (1980?), Lệ Thu đã được mời đi trình diễn cho
đồng bào tị nạn nghe. Tôi không nhớ rõ đã đọc ở đâu (dường như trong
Tiền Phong của ông Nguyễn thanh Hoàng), ký giả cho biết: trong khi
thù lao của các ca sĩ khác , ngay cả Khánh Ly , chỉ là vài trăm, thì Lệ
Thu lãnh 1000 đô / show ! Khi anh ký giả
hỏi “ sao lấy đắt quá vậy ? “ thì Lệ Thu cười khanh khách nói đùa: “
mùa thu đã chết / cho … chết luôn“!
Đó là tiếng hát đúng nghĩa "Oanh- vàng".
Lệ Thu ra đi chiều 15/1 ( giờ địa phương ). Ngay sau đó, nhiều người đã viết về chị. Về kỷ niệm, về tiếng hát.
Theo một bài viết trên mạng thì Lệ Thu bắt đầu nghiệp dĩ bằng những
ca khúc Pháp. Tôi chưa bao giờ nghe chị Lệ Thu hát nhạc ngoại quốc
nhưng nghĩ chúng không phải là những ca khúc nhí nhảnh, “choai choai”
của những Vartan, Sheil .. cùng thế hệ. Bởi
vì chúng không hợp với giọng hát lẫn phong cách trình diễn của chị.
Nói đến một giọng ca ấm áp , người ta nghĩ ngay đến một nam ca sĩ .
Như Anh Ngọc , Sĩ Phú , Vũ Khanh …vv Với tôi , Lệ Thu là nữ ca sĩ duy
nhất có một giọng ca vừa trầm ấm lại vừa cao vút . Một tiếng hát mạnh và
“ tròn “.
Khác với môt số đồng nghiệp mà tên tuổi gắn liền với người sáng tác
: Khánh Ly – Trịnh Công Sơn; Thái Thanh – Phạm Duy; Hà Thanh – Nguyễn
Văn Đông; Lê Uyên & Phương; Diễm Chi – Nguyễn đức Quang; Thanh
Lan – Nhật Trường ; Thái Hiền – Phạm Duy vv... tiếng hát của Lệ Thu không “ dành riêng “ cho một nhạc sĩ nào. Mà là
cho một thể điệu: nhạc “chậm“, đa phần là Slow (Rock) . Có lẽ vì
không có dịp nhưng tôi chưa bao giờ nghe chị Lệ Thu hát một ca khúc vui
hay, ít nhất, cũng một bolero mùi! Có phải
vì khi chị vào đời, đã bằng những giọt lệ? Đen tình, đỏ nhạc. Trong
tình yêu chị không may mắn nhưng trong âm nhạc Trời đã cho chị rất
nhiều: danh vọng và sự nghiệp. Dường như Lệ Thu là một trong những nữ
ca sĩ có nguồn thu nhập cao nhất trước 75.
Thú thật là lúc đầu tôi không có thiện cảm với những văn nghệ sĩ “bỏ đi rồi lại quay về “ trình diễn, phổ biến tác phẩm ở Việt Nam!
Nhưng suy đi, nghĩ lại thì tôi “thông cảm“ với họ. Sang đây,
trừ một ít người có nghề nghiệp, việc làm vững chải (ca sĩ Mai Hương
làm ở Ngân Hàng, nhà văn Võ Phiến là công chức … ) còn thì đa số “ vừa
làm vừa hát ", “ vừa làm vừa viết “. Hát
vì yêu nghề mà hát cũng vì để kiếm thêm thu nhập!
Bỏ qua chuyện “thu nhập“, có người ca sĩ ( nổi tiếng ) nào mà
không thích được hát trước công chúng? Không thích được nghe những
tràng pháo tay nồng nhiệt ? Không phải vì thích được khen. Mà thích vì
đã làm vui lòng người! Mà thích vì … như vậy. Có những cái thích không thể nào giải thích được!
Và tôi nghĩ thêm nếu tôi còn kẹt lại bên nhà, tôi cũng rất thèm
được nghe lại những tiếng hát xưa, những bài hát cũ, dẫu rằng, theo
với thời gian, họ sẽ không còn hát được như xư . Điều đó không quan
trọng cái chánh là họ đưa tôi trở về “ một
thời đã yêu là một thời đã chết (!) “, trước 30/4/75 ! Sau 75 âm
nhạc, nghệ thuật không còn ở miền Nam!
Nghệ sĩ là những người …lạ lắm! Phải “ sống” như họ một lần thì
mới thông cảm cho cái sự cần “ khán giả” của họ. Phải một lần đứng trên
cao, nhìn xuống đám đông trước mặt, nghe được sự ” im lặng (thưởng
thức) “ trong một không gian kín người. Phải
một lần, một mình “ trên cao “ mà không thấy nhỏ nhoi, mà không thấy
sợ hãi, bởi vì trước mặt mình là những người thân … thiết với mình,
đang chờ nghe mình hát . Thế thôi . Chuyện nhận hoa , chụp hình, bán
..CD , xin chữ ký tính sau! Mà những chuyện đó, ở hải ngoại này, ngày càng thưa, ngày càng vắng . Như số khán giả
yêu nhạc Việt Nam!
Vâng , tôi “ thông cảm “ nhưng nếu tôi là h , tôi sẽ không về hát
ở Việt Nam, mậc dầu tôi nhớ vô cùng khán giả của tôi , mặc dầu tôi muốn
hát cho họ nghe , mặc dầu tôi sẽ có một số thu nhập đáng kể . Vỏn vẹn
vì tôi không muốn xin phép ai để hát, không
muốn hát những ca khúc đặt hàng của các bầu show! Phải chi ai cũng có
được tư cách như ca sĩ Trần thái Hòa!
Tuy “ thông cảm “ nhưng tôi hoàn toàn chống, chống những nghệ sĩ
về tuyên bố " lăng nhăng ", mất tư cách . Như môt ông nhạc sĩ già . Như
một anh ca sĩ lính chê ! Hay như giám khảo “ yêu em dài lâu “ tuyên bố
những câu vô ơn với khán giả hải ngoại . Như
danh ca chân đất từ Mỹ bay về … Hà Nội hát “ cháy vé “ , rồi vào Sài
Gòn làm màn trình diễn cải lương : đổ chai cognac quanh mộ “ một nửa của
mình “!!!
Chị Lệ Thu trở về Việt Nam hát từ bao giờ tôi không biết. Chị có
“ kỳ cục “ như những nghệ sĩ nói trên không, tôi cũng không biết.
Nhưng tôi hy vọng là không. Nếu có thì bạn ta đã chuyển cho tôi xem rồi.
Trong 60 năm âm nhạc, chị Lệ Thu hát không biết bao nhiêu bài
nhưng nói đến chị là tôi nghĩ ngay đến “ Tứ Bảo Lệ Thu “: 4 ca khúc mà
tôi yêu nhất:
Xin còn gọi tên nhau ( nghe nói anh Trường Sa viết bài này khi một
đêm ngang qua Tự Do nghe tiếng người ca sĩ vọng ra từ cửa sổ vũ trường?)
Nước Mắt Mùa Thu (Phạm Duy)
Người Tình Không Chân Dung (Hoàng Trọng)
Thu Hát Cho Người (Vũ Đức Sao Biển)
Khi Phạm Duy cho ra đời “ Mùa Thu Chết “,nhạc sĩ Châu Kỳ không
đồng ý. Và ông đã trả lời bằng “Mùa thu còn đó“ kết thúc bằng những
câu:
“ Xin đừng nói / xin đừng nói thu chết rồi
Không, thu vẫn sống, em vẫn sống, sống đời đời …”
Vâng, Thu không bao giờ chết.
Như lệ người vẫn với thu mưa.
Vĩnh biệt chị, Lệ Thu!
BP
18/01/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét