Mở bài
Nhờ bị thất tình, anh Phó tỉnh trở thành nhà thơ. Nhà thơ Nguyên Trần, Nguyễn Tấn Phát.
Trên danh nghĩa thì anh chỉ dưới một người mà trên vạn người. Anh là người có quyền lực thứ hai trong tỉnh. Về hệ thống ngang thì các ty sở chuyên môn trong khu vực đều trực thuộc tòa tỉnh.
Các trưởng ty như: Tiểu học, Y tế, Công chánh, Kiến thiết, Cảnh sát, Thông tin, Thanh niên, Ngân khố, Bưu điện, Khí tượng…đều phải nể anh ba phần.
Anh là một thanh niên đẹp trai, nghề nghiệp vững chắc, địa vị được mọi người mong muốn có. Anh hô lên một tiếng thì có nhiều thiếu nữ tình nguyện nâng khăn sửa túi cho anh. Thế nhưng con tim tật nguyền, rướm máu không còn chỗ nào cho một giai nhân cả.
Anh phó được xem như “Đệ nhất thất tình” trong “nhóm đệ nhất” của “Cửu nhân bang”, cựu học sinh Nguyễn Đình Chiểu-Lê Ngọc Hân, Mỹ Tho.
Những tâm trạng của con tim rỉ máu được thể hiện qua những “con chữ” có vần điệu, thành một bài thơ.
Anh tâm sự:
“Tình yêu không đẹp như mơ ước
Đành gởi điệu buồn lên ý thơ”
Trong bài họa “Nhớ bạn thơ” của nhà thơ Đức Hạnh, Nguyên Trần phụng họa với bài thơ “Say mê” có câu:
“Say tình nên tập tễnh làm thơ
Say nét hương yêu chẳng xóa mờ” (Nguyên Trần)
Tóm lại, nhờ bị thất tình mà anh Phó tỉnh đã có hàng trăm bài thơ với hàng chục bút hiệu khác nhau, lời thơ chan chứa tình cảm của một người chung thủy với hình bóng của một người dưng.
Thơ thất tình của Nguyên Trần Nguyễn Tấn Phát
Chuyện tình bắt đầu từ khi:
“Ngày xưa anh đã trồng cây si
Trước cửa nhà em chẳng hạn kỳ”
Thế rồi:
Đêm nay có kẻ đội mưa
Khóc câu định mệnh chẳng chừa một ai.
Với em dù lắm chua cay
Tình yêu trước gió càng lay càng bền.
Mây suốt đời chung tình với gió
Tôi suốt đời chỉ có mình em.
Trái tim còn chút lửa hồng
Cũng xin ơn cảm mênh mông tặng người.
Ai bảo yêu là đau khổ
Xin một đời đau khổ để yêu nhau.
Tình Tuyệt Vọng
Không thể quên hình bóng cũ
Nguyên Trần không thể quên hình bóng cũ nên thơ anh luôn nhớ về dĩ vãng. Quá khứ luôn sống lại trong lòng vì trong đó có hình bóng của người thiếu nữ mà anh yêu.
Tình Phai
Tình ta đang độ thắm duyên nồng
Bỗng một chiều tàn Thu chớm Đông
Ai bỏ ra đi ai ngóng đợi
Kẻ còn ở lại kẻ chờ trông
Khói sương lãng đãng mờ chân núi
Hương sắc mơn man khuất nẻo sông
Từng mảnh đời chôn trong dĩ vãng
Bóng hình người cũ có còn không?
(Nguyên Trần. Toronto 15-7-2019)
Những từ ngữ hướng về quá khứ như :”Từng mảnh đời chôn trong dĩ vãng”, “hình bóng cũ” thuộc về quá khứ. Quá khứ ấy thế nào?-Ai bỏ ra đi, ai ở lại, ngóng đợi, trông chờ. Tóm lại dĩ vãng không có gì vui cả, không có sum họp, mà chỉ xa cách để ngóng đợi, trông chờ.
Bâng Khuâng
Một mảnh trời buồn trong mắt ta
Bóng hình người cũ khó phai nhòa
Cuộc tình thuở ấy còn tay với
Duyên kiếp ngày nay phải cách xa
Thề hẹn vấn vương theo điệu nhạc
Dư hương cô đọng với câu ca
Yêu đương dang dở trong băng giá
Én chở đau thương tới cửa nhà.
(Nguyên Trần. Toronto 11-8-2019)
Trong bài họa “Tan tác” ngày 19-11-2018 có những câu lột tả sự đau buồn của người thua cuộc trên tình trường:
Ngậm ngùi nhớ lại chuyện xưa
Đau đớn thẫn thờ phút tiễn đưa
…
Lá hoa lạnh lẽo buồn không thắm
Ong bướm ngẩn ngơ xót chẳng đùa
Anh đã vì em mà thệ nguyện
Cả đời sẽ mãi là người thua.
Trong bài “Bâng khuâng” làm tại Toronto ngày 11-8-2019 có những câu nêu bật nỗi buồn của nhà thơ với một hình bóng cũ. Cả một trời buồn đổ ập xuống tâm trạng của Nguyên Trần.
Một mảnh trời buồn trong mắt ta
Bóng hình người cũ khó phai nhòa
…
Yêu đương dang dở trong băng giá
Én chở đau thương tới cửa nhà.
Chim én tượng trưng cho mùa Xuân (Một con én không thể làm nên mùa Xuân). Mùa Xuân là những ngày tháng tươi đẹp nhất trong năm.
Mùa Xuân của đất trời là hiện tượng tuần hoàn không thay đổi. Xuân về, Tết đến, vạn vật sống lại sau những ngày Đông giá rét, tàn tạ.
Mùa Xuân mang vui tươi đến cho mọi người. Đón Xuân, mừng Xuân vui Xuân…Hoa lá nở rộ khoe sắc thắm, ong bướm đưa nhau về xây tổ. Có cặp, có đôi.
Xuân đi, rồi Xuân đến, mãi mãi vẫn còn Xuân. Tuy nhiên tuổi xuân của đời người thì trái lại. Xuân bất tái lai. Mỗi độ Xuân đi, tuổi đời chồng chất, tóc điểm sương rồi đến bạc đầu.
Cả một mảnh trời buồn đổ ập xuống tâm tình của nhà thơ. “Én chở đau thương tới cửa nhà” khiến cho Nguyên Trần không thể thoát ra khỏi quá khứ, chứa hình ảnh của người anh yêu.
Xuân vui khắp mọi nhà, nhưng “Một mảnh trời buồn trong mắt ta”.
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.
Nguyên Trần chấp nhận số phận
Trong bài họa đối lại bài xướng “Tình thơ” của nhà thơ Hồ Công Tâm, trong bài họa “Tình buồn muôn thuở” Nguyên Trần viết:
“Tình lỡ nào hay tình rộng hẹp
Sông buồn ai biết sông nông sâu
Tạ từ thôi cũng cam đành phận
Duyên nợ rồi đây sẽ nhạt màu”
(Nguyên Trần. Toronto 8-7-2019)
Tội nghiệp cho anh Phó tỉnh
Bài thơ “Say mê” thuộc dạng “thủ nhất thanh” là chữ đầu những câu đều giống nhau.
Say Mê
Say tình tập tễnh làm thơ
Say nét hương yêu chẳng xóa mờ
Say bờ môi ngọt mãi mong chờ
Say rèm mi mướt gieo thương nhớ
Say ánh mắt buồn tạo ước mơ
Say giọng ngọt ngào êm giấc ngủ
Say tình nên tập tễnh làm thơ
Toronto 4/9/2019 * Nguyên Trần
“Bờ môi ngọt mãi mong chờ” cho thấy sự mong muốn và chờ đợi, nghĩa là ở ngoài tầm tay với, của anh Phó đa tình.
“Ánh mắt buồn tạo ước mơ” . Ước mơ là mong muốn trong mộng, muốn độc quyền chiếm hữu, nhưng vẫn còn trong mơ, chưa thành hiện thực.
Qua những câu trên, thấy tội nghiệp cho anh Phó quá. Thiếu vắng kỷ niệm của những người tình, ràng buộc nhau để nhớ nhau hoài. Thiếu vắng những buổi hẹn hò, nam thanh nữ tú, tay trong tay, vai sánh vai hâm nóng cuộc tình, dẫn nhau đi bát phố, hết đường Lê Lợi tới phố Bonard. Ghé vào kem Mai Hương, Givral, Brodard, hay áp sát người chuyền sức ấm vào nhau, trong ciné Rex hay Eden.
Thường có những cặp lợi dụng bóng tối, trong đó có tui.
Tội nghiệp cho anh Phó nầy quá. Chả xơ múi được gì cả.
Thưởng thức thơ Nguyên Trần
Sư phụ Nguyễn Phương và đệ tử Lý Mỹ Hạnh
Trong nhóm “Cửu nhân bang Dễ thương”, cựu học sinh NĐC-LNH Mỹ Tho, chỉ có anh Nguyễn Tấn Phát biết sáng tác thơ, làm thơ như ăn cơm bữa, phóng bút là có thơ. Số còn lại rất thích thơ và thưởng thức thơ.
Đặc biệt là chị Lý Mỹ Hạnh, nghệ danh Tịnh Đế Liên Hoa, không những yêu thơ Nguyên Trần mà đưa thơ của anh vào nhạc, tạo ra âm hưởng thơ nhạc huyện vào nhau dưới hình thức tân cổ giao duyên. Một nét đặc biệt nữa là chính chị tự biên, tự diễn, đưa lên Youtube hàng chục album nhạc tân cổ giao duyên.
Đó cũng dễ hiểu thôi. Vì chị là đệ tử của soạn giả Nguyễn Phương, người đã từng góp phần quan trọng trong nghệ thuật sân khấu cải lương thịnh hành một thời ở miền Nam Việt Nam.
Ngoài ra, những đồng môn Nguyễn Đình Chiểu - Lê Ngọc Hân cũng thích thơ của Nguyên Trần và của những thi hữu đã xướng họa qua những bài thơ, mỗi người một vẻ với nét độc đáo riêng.
Phải nói tới anh Lý Ngọc Cương, Úc Châu, chị Phạm Thị Phia, không những thưởng thức thơ mà còn chuyển tải đến các bạn. Đặc biệt chị Lê Thị Kim Oanh, một nhà thơ nữ tài danh hiếm thấy trong thế hệ hiện tại của chúng ta. Chị có trang mạng dưới đây. Xin giới thiệu quý vị yêu thơ vào thưởng lãm. Tôi rất thích cổ thơ, vào đọc muốn ngộp luôn, nào là Lý Thương Ẩn, Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Vương Duy…(Lê Thị Kim Oanh- lethikimoanh9.blogspot.com)
Thơ yêu nước
Mặc dù thất bại trong tình yêu, nhà thơ Nguyên Trần tự nhận anh là người thua cuộc:
Anh đã vì em mà thệ nguyện
Cả đời sẽ mãi là người thua.
…
Giả biệt tỉnh nhà anh bỏ đi
Làm người thua cuộc có vui gì.
Tuy nhiên, anh cũng như hàng triệu người Việt chạy nạn Cộng Sản, tình yêu quê hương, đất nước, dân tộc vẫn còn đeo đẳng trong anh suốt gần nửa thế kỷ qua. Có thể mượn hai câu thơ trong bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan để diễn tả tình yêu nước:
“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”
Tình yêu quê hương của nhà thơ có thể gói ghém trong những câu thơ của bài “Tháng Tư Tan Tác”. Tháng 4 năm 1975:
Nước nhà tan tác bao năm
Làm thân viễn xứ hương trầm xa trôi
…
Còn thêm tình nước tình nhà
Tình nào cũng lụy như hoa héo tàn
Quê hương rồi sẽ có ngày
Cờ vàng phấp phới vang bài quốc ca.
(Tháng Tư Tan Tác. Toronto 14/4/2019. Nguyên Trần).
Trong bài thơ “viết trong phút chạnh lòng nhớ về trường Bộ Binh Thủ Đức” có những câu:
Quân thù gieo rắt tang thương
Người trai yêu nước can trường đứng lên
Giữ gìn bờ cõi vững bền.
Noi gương người trước chinh yên lời thề.
“Chinh yên” là cưỡi ngựa ra trận.
Người sĩ quan trẻ nầy đã tích cực góp phần thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng mà lịch sử trao cho, để bảo vệ tự do, dân chủ cho đồng bào miền Nam. Chấp nhận chiến trường “da ngựa bọc thây” anh hùng. Hy sinh vì tổ quốc là một vinh dự của công dân Việt Nam Cộng Hòa.
Có thể gọi anh là người văn võ song toàn. Nhà thơ, nhà binh.
Thơ xướng họa
Nhà thơ Nguyên Trần Nguyễn Tấn Phát và các thi hữu tìm về với nhau, giao tiếp nhau qua một loại văn chương thanh tao, đòi hỏi nhiều kỹ năng diễn đạt tình cảm, tâm tư qua vần điệu của các thể thơ độc đáo.
Xướng họa trong thơ dành cho những thi hữu, thi nhân gắn chặt trong tình yêu thơ, và thưởng thức thơ.
Nhà thơ Nguyên Trần Nguyễn Tấn Phát gắn bó chặt chẽ với những thi hữu như: nhà thơ Đức Hạnh, Sông Thu, Mai Xuân Thanh, Hồ Công Tâm, Nguyễn Kinh Bắc, Trương Minh Hòa, Trần Quốc Bảo…
Xuân Bất Tái Lai
Thơ đối đáp. Nguyễn Trãi, Thị Lộ
Xướng:
Ả ở nơi nào, bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa, được mấy con?
(Nguyễn Trãi)
Họa:
Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon,
Cớ chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có, có chi con!
(Nguyễn Thị Lộ)
Thơ đối đáp vui
Câu chuyện xảy ra ở một gia đình thời xưa, chế độ đa thê được luật pháp công nhận. Thời Pháp thuộc, trên tờ hôn thú có ghi “vợ chánh” (Premier rang) hay “vợ thứ” (Deuxième rang). Một ông có hai bà vợ sống chung một nhà. Ông và người vợ thứ, biết làm thơ.
Bà lớn ỷ có quyền hành nên đặt cái giường ngủ đấp mô con đường từ giường ngủ của ông đến bà bé.
Nhiều đêm buồn tủi thân phận, trằn trọc không ngủ được, bà bé ngâm hai câu thơ:
Thuyền ơi có nhớ bến chăng
Bến nầy một mực khăng khăng nhớ thuyền
Ông chồng đáp:
Thuyền nầy nhớ bến không nguôi
Đồn tuần án ngữ làm sao xuôi dòng.
Bà nhỏ:
Đồn tuần mặc kệ đồn tuần
Qua đồn nộp thuế, qua thì cứ qua.
Ông chồng:
Thuyền nầy vốn liếng bao nhiêu
Qua đồn nộp thuế thì xiêu cột buồm.
Thơ Đường
Ở Việt Nam người ta phân biệt thơ Đường và thơ Đường luật.
Thơ Đường là những bài thơ do các thi sĩ người Trung Hoa sáng tác ở thời nhà Đường (618-907). Thơ Đường luật là thơ của các thi sĩ Việt Nam sáng tác theo quy tắc của thơ Đường.
Những thi sĩ nổi tiếng thời nhà Đường bên Trung Hoa
Những thi sĩ nối tiếng thời nhà Đường bên Trung Hoa gồm có: Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Bột, Vương Hàn, Thôi Hộ, Tô Đông Pha, Trương Kế…
Những bài thơ Đường nổi tiếng
Phong Kiều dạ bạc - Trương Kế
Chùa Hàn San và thuyền của khách
Nguyệt lạc, ô đề sương mãn thiên
Giang phong, ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
Dịch nghĩa
Ban đêm đậu thuyền tại sông Kiều
Trăng lặn, quạ kêu, sương phủ đầy trời
Hàng cây phong bên sông, ngọn đèn thuyền chài ở trước người đang miên man buồn.
Ngoài thành Cô Tô là chùa Hàn San
Tiếng chuông lúc nửa đêm vẳng đến thuyền khách.
Phong Kiều dạ bạc là bài thơ Đường rất nổi tiếng của Trương Kế. Khi ông đi thi hỏng, về đến thành Cô Tô, đã cảm hứng trước cảnh đẹp thiên nhiên mà xuất thần làm tuyệt phẩm này để lại cho hậu thế.
Bài thơ tả tâm trạng của tác giả và vẻ đẹp của sông nước Tô Châu đã làm dịu đi nỗi buồn hỏng thi của ông.
Bài thơ được Tản Đà dịch lại với phong cách sáng tạo tuyệt vời như sáng tạo ra thi phẩm mới theo thể thơ lục bát :
Tản Đà dịch
Ban đêm đậu thuyền tại sông Kiều
Trăng tà, tiếng quạ kêu sương
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
(Tản Đà dịch)
Thôi Hộ với bài “ Đề tích sở kiến xứ”
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
“ Đề tích sở kiến xứ ”
“ Đề Tích Sở Kiến Xứ ” là ”Đề chỗ đã trông thấy năm trước”.
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu Đông phong
Dịch nghĩa
“Đề Chỗ Đã Trông Thấy Năm Trước”
Cửa nầy, năm ngoái, hôm nay
Hoa đào phản chiếu mặt ai ửng hồng
Mặt người giờ ở nơi nao
Hoa đào vẫn đó, cười chào gió Đông.
Gió Đông là gió từ phía Đông của nước Trung Hoa, chớ không phải gió mùa Đông. Bởi vì ông dạo chơi trong tiết Thanh minh, mà Nguyễn Du đã tả:
Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.
Tản Đà ghi chú: “Thanh minh là một tiết trong mùa xuân, thuộc về đầu tháng 3”
Thôi Hộ là thi sĩ đẹp trai phong lưu nhưng ít giao du. Một hôm nhân tiết thanh minh dạo chơi ngoài thành, thấy một vườn hoa đào nở tươi thắm bèn gõ cửa vào xin nước uống, đồng thời để được thưởng hoa. Một người con gái mặt đẹp như hoa đào ra mở cửa hỏi, rồi đem nước mời uống. Tiết thanh minh năm sau, Thôi Hộ nhớ lại chuyện xưa bèn tìm lại nơi kỳ ngộ, thì thấy cửa đóng then cài, chàng để lại một bài thơ ở cửa rồi đi. Mấy hôm sau lại đến, thì chợt nghe có tiếng người khóc. Một ông lão ra hỏi có phải là Thôi Hộ không, rồi kể lể sự tình: Con gái cụ khi đọc bài thơ thì đã nhịn đói mà chết. Thôi Hộ vào khấn trước xác người con gái còn tươi như hoa . Cô gái sống lại rồi cùng họ Thôi kết duyên chồng vợ.
Vương Hàn với bài “ Lương Châu Từ”
Lương Châu Từ
Bồ đào mỹ tửu, dạ quang bôi
Dục ẩm, tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?
Dịch
Lương Châu Từ
Đây rượu bồ đào, đây chén ngọc
Muốn say đàn đã giục ra đi
Ai cười chiến địa mình say ngủ
Chinh chiến xưa nay mấy kẻ về
Dịch thơ vui 1
Rượu bồ đào chén dạ quang
Cứ lai rai mãi, lên đàng thì sao
Rượu vào ai chẳng tào lao
Ngựa ra chiến địa còn tao ở nhà.
…
Bản 2 (thời hiện đại, người uống là cấp chỉ huy):
Mác-ten rót cốc pha-lê
Cụng chưa kịp uống, "... lên xe", lính mời
Dô! Dô! Cấm đứa nào cười
Mai giao chiến biết còn đời hay không!...
Bản 3
Gò Đen còn nửa bi-đông
Mở chưa kịp uống, "Tập trung!" vang trời
Biết đâu mai sớm xong đời
Tối nay xài hết, mỉm cười, anh em!
Thơ Đường luật ở Việt Nam
Phong trào thơ mới ở Việt Nam
Phong trào thơ mới Việt Nam bắt đầu từ năm 1930, với những nhà thơ nổi tiếng như : Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Huy Cận, Thâm Tâm (TTKH), Thế Lữ, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa, Tô Kiều Ngân, Tú Mỡ…
Thơ mới là cách sáng tác không theo quy luật gò bó cổ điển. Số câu không giới hạn. Từ ngữ phổ thông, bình dị, không theo khuôn mẫu chữ Hán như cảnh “phong hoa tuyết nguyệt”…
Riêng về huyền thoại TTKH, thì trong quyển Văn Nhân và Tình Sử, nhà văn Vương Trùng Dương đã nêu lời xác nhận của nhà thơ Nguyễn Vỹ, thì tác giả những bài thơ mang tên TTKH chính là nhà thơ Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình, viết tặng cho người yêu là Trần Thị Khánh khi cô nầy đã hạnh phúc về nhà chồng.
Thơ Đường luật ở Việt Nam
Tổng quát về thơ Đường luật
Trước năm 1930, các nhà thơ Việt Nam sáng tác thơ theo Đường luật.
Thơ Đường luật là thơ nôm làm theo quy tắc và khuôn mẫu của thơ Đường.
Dạng thơ phổ thông nhất là « thất ngôn bát cú », mỗi câu 7 chữ, bài thơ 8 câu. Một thể thơ khác là thất ngôn tứ tuyệt, bài thơ có 4 câu, mỗi câu 7 chữ.
Hai điểm quan trọng của thơ Đường luật là hợp vận, nghĩa là hai thanh « bằng » « trắc » ở những chữ quy định phải hợp vần với nhau.
Phép đối. Theo quy định thì những câu nào phải đối nhau.
Ví dụ như:
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, rợ (chợ) mấy nhà.
(Bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan)
Hoặc :
(Bài giễu người thi đỗ của Trần Tế Xương)
Những nhà thơ Đường luật nổi tiếng của Việt Nam
Những nhà thơ Đường luật nổi tiếng Việt Nam gồm có: Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan…
Bài Qua Đèo Ngang (Bà Huyện Thanh Quan)
Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, rợ (chợ) mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại, trời non nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
Một Thuở Yêu Người
Trăng khuyết buồn đau lỡ nhịp đàn
Tình xuân mờ nhạt giọt mưa tan
Mộng vàng ngây ngất mây vương vấn
Hương sắc đam mê gió bạt ngàn
Nhớ thuở duyên xưa tà áo tím
Thương thời phận đẹp chiếc khăn san
Anh đời phiêu bạt trong hiu quạnh
Đơn điệu trần ai lệ thấm tràn.
(Toronto 1/7/2019* Nguyên Trần.)
Kết luận
Anh Nguyễn Tấn Phát được các bạn tặng cho danh hiệu "Đệ nhất thất tình". Bị thất tình nên anh Phó tỉnh trưởng Vĩnh Bình đưa những nỗi đau buồn, thương nhớ vào thơ.
Tình thơ mở rộng bởi những thi hữu của anh tạo ra nội dung đa dạng trong những bài thơ, xướng, họa đặc sắc.
Anh chờ một người không hẹn đến, chung thủy với hình bóng của một người dưng.
Có thể:
" Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan".
Anh vẫn mong, vẫn đợi, vẫn chờ
Hình bóng một người không hẹn đến.
Tội nghiệp thay cho anh Phó tỉnh
Rướm máu con tim bởi một người dưng. (TRG)
Trúc Giang
Minnesota ngày 20-1-2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét