Thứ Hai, 5 tháng 4, 2021

Mỹ Tho Địa Linh Nhân Kiệt

1* Mở bài

Địa linh Nhân kiệt là đất linh thiêng sinh người hào kiệt.

Mỹ Tho có hai trường trung học, Nguyễn Đình Chiểu và Lê Ngọc Hân, đã đào tạo ra nhiều nhân tài phục vụ trong các guồng máy của Việt Nam Cộng Hòa. Sau năm 1975, các cựu học sinh Nguyễn Đình Chiểu-Lê Ngọc Hân ra khỏi nước bằng nhiều phương tiện và hiện định cư ở nhiều quốc gia như: Mỹ, Úc Châu, Canada, Pháp…

Nhiều Hội Cựu Học Sinh NĐC-LNH được thành lập, để các cựu học sinh liên lạc với nhau trên tình nghĩa đồng môn và với phương châm Tôn Sư Trọng Đạo. Đồng thời Hội Đồng Hương Mỹ Tho cũng được ra đời, và anh Đặng Kim Thu, cựu Trung tá, cựu tùy viên của Đại tướng Cao Văn Viên, đã được bầu làm hội trưởng.

Mỹ Tho. Địa linh Nhân kiệt. Nhiều nhân vật nổi tiếng xuất thân từ Mỹ Tho.

Ca sĩ Trần Văn Trạch có danh hiệu là Quái Kiệt Trần Văn Trạch trước 1975. Trần Văn Trạch người làng Vĩnh Kim, quận Châu Thành tỉnh Mỹ Tho.

Người anh là Trần Văn Khê cũng xuất thân từ Mỹ Tho. Tiến sĩ Trần Văn Khê là nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền nổi tiếng của Việt Nam. Ông là giáo sư Đại học Sorbonne (Pháp) và thành viên danh dự của Hội Đồng Âm Nhạc Quốc Tế, UNESCO. Ông là thành viên của hơn 10 hội văn hóa của Pháp, Mỹ và Trung Quốc.

Riêng về mặt nghệ sĩ cổ nhạc và cải lương xuất thân từ Mỹ Tho thì nổi danh nhất là nghệ sĩ Phùng Há và soạn giả Nguyễn Phương.


2*. Nghệ sĩ Phùng Há


1). Vài nét về tiểu sử của bà Phùng Há



Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo (30-4-1911 - 5-7-2009), người làng Điều Hoà, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho.
Thân phụ là người Hoa tên là Trương Nhân Trưởng, gốc ở Sơn Đông, Trung Quốc. Thân mẫu là Lê Thị Mai, người Mỹ Tho.
Phùng Há là phát âm theo tiếng Quảng Đông của Phụng Hảo.
Thân phụ qua đời năm bà 9 tuổi. Gia đình lâm vào cảnh nghèo khó. Năm 13 tuổi bà phải đi làm công trong một lò gạch để kiếm tiền.

Giọng ca thiên phú của bà được ông bầu Hai Cu để ý nâng đỡ, mời bà vào gánh Tái Đồng Ban, đóng cặp với Năm Châu. Năm Châu và nhạc sĩ Tư Chơi (Huỳnh Thủ Trung) là 2 người thầy đầu tiên của bà và cũng là 2 người đàn ông có mặt trong cuộc đời tình cảm của bà.

Năm 1926, bà kết hôn với nghệ sĩ Tư Chơi. Năm Châu thua buồn, rời gánh hát ra đi.

Năm 1929, bà li dị với Tư Chơi.
Sau đó, bà kết hôn với Bạch Công Tử, Phước George. Ông Phước George lập gánh hát Huỳnh Kỳ cho bà làm bầu gánh năm 18 tuổi.

Gánh Huỳnh Kỳ rất nổi tiếng trong thời đó.
Bà có 2 con với Phước George, cả hai đều chết sớm.
Do khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1933 và do Bạch Công Tử vung tiền qua cửa sổ cho nên gánh Huỳnh Kỳ bị sập tiệm.


2). Phùng Há kết hôn với thầy đờn Tư Chơi


Mối tình giữa Phùng Há và Năm Châu vừa chớm nở thì bất ngờ Tư Chơi tuyên bố kết hôn với Phùng Há năm bà 15 tuổi. Năm Châu thất tình rời gánh ra đi. Nghe đâu ra Hà Nội.

Sống với Tư Chơi có một con gái tên Bửu Chánh, rồi chia tay năm 1929, vì bà chịu không nổi ông chồng suốt ngày ngồi nhậu trong quán rượu, ghen tương và đánh đập bà.


Nhất là Tư Chơi bắt đầu theo đuổi cô đào Kim Thoa, vừa hát hây vừa đẹp, nên bỏ mặc người vợ trẻ Phùng Há. Bửu Chánh được gởi về bà ngoại ở Mỹ Tho nuôi dưỡng.

Được tin Phùng Há thôi chồng và chuyển sang đoàn Trần Đắc, Năm Châu trở về hy vọng nối lại tình xưa nhưng một lần nữa thuyền tình lỡ chuyến vì Phùng Há đã trở thành vợ của Bạch Công Tử, và làm bầu gánh Huỳnh Kỳ năm 18 tuổi.


3). Cuộc hôn nhân bi thảm của Phùng Há và Bạch Công Tử


a). Vài nét về Bạch Công Tử


 

Bà Phùng Há và Bạch Công Tử Lê Công Phước

Bạch Công Tử là tay ăn chơi nổi tiếng ở Nam Kỳ thời đó. Bạch Công Tử tên thật là Lê Công Phước, thường gọi là Phước George. Là con trai thứ tư của Đốc Phủ sứ Lê Công Sủng, người làng Điều Hoà, quận Châu thành tỉnh Mỹ Tho (Định Tường, Tiền Giang). Phước George được gọi là Bạch Công Tử ở Mỹ Tho, đối với Hắc Công Tử hay Công Tử Bạc Liêu, tên Trần Trinh Huy ở Bạc Liêu.


Năm 1909, Bạch Công Tử sang Pháp du học. Ông rất mê cải lương nên học về sân khấu. Về nước, cùng với Nguyễn Ngọc Cương lập ra gánh hát lấy tên 2 người là gánh Phước Cương. Một năm sau, Phước George tách ra lập gánh Huỳnh Kỳ để cho Phùng Há quản lý và cưới Phùng Há sau đó. Gánh Huỳnh Kỳ là một đại bang, bề thế rất lớn không thua gì gánh hát của Thầy Năm Tú đang nổi tiếng ở Nam Kỳ Lục Tỉnh thời đó.


Huỳnh Kỳ gồm những đào kép trứ danh như Phùng Há, Năm Phỉ, Ba Vân, Tám Du, Năm Thiện, Ba Thâu, Ba Đồng, Chín Móm, Hai Nữ, Tư Bé, Tư Hélène…

Phước George xây một rạp hát bên cạnh nhà để trình diễn thường xuyên, đó là rạp Huỳnh Kỳ nằm trên đường Đinh Bộ Lĩnh, con đường chạy xuống Chợ Gạo, Gò Công. Sau đổi tên thành rạp Viễn Trường.


b). Niềm đau của bà Phùng Há


Cuộc tình hạnh phúc kéo dài 7 năm. Hai đứa con ra đời. Con trai tên Paul Lộc, con gái Suzane.

Do khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1933 và do Bạch Công Tử vung tiền qua cửa sổ, cho nên gánh Huỳnh Kỳ suy sụp, đào kép lần lượt bỏ gánh ra đi. Cô Bảy Phùng Há đau khổ ôm hai đứa con bịnh nặng đi tìm chồng và bắt gặp Phước George đang sống với một phụ nữ xinh đẹp nổi tiếng là Marie Anne Nhị (Tư Nhị) tại khách sạn Minh Tân, Mỹ Tho.

Bạch Công Tử trách mắng vợ và xua đuổi ba mẹ con Phùng Há. Trở về, không tiền chạy thuốc men cho con, nên hai đứa con lần lượt chết trên tay của bà.


c). Kết cuộc thê thảm của Bạch Công tử


Do ăn chơi phung phí, cờ bạc, phụ nữ, hút xách cho nên bị tán gia bại sản. Con bị bịnh không có tiền chạy thuốc, con chết. Vợ bỏ. Ông lại mang bịnh ghiền á phiện mà không có tiền hút.
Ông sống lang thang trong khu vực Vườn Ông Thượng (Vườn Tao Đàn, Sài Gòn). Nhờ có một địa chủ ở Chợ Gạo (Mỹ Tho) là ông Nguyễn Hoàng Phi đem về nhà nuôi và ông chết một thời gian ngắn sau đó. Cho đến nay, mồ của ông cũng còn là một nắm đất, không có mộ bia.

Năm bà “Nghệ Sĩ Nhân Dân” Phùng Há 99 tuổi, bà có tìm đến mộ và muốn hoả táng hài cốt ông, đem tro cốt vào thờ ở Chùa Nghệ Sĩ Gò Vấp, do bà là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, nhưng bị người giữ mộ là con của ông Nguyễn Hoàng Phi từ chối. Lý do là mỗi năm người con gái của ông Phước ở bên Pháp về thăm mộ cha. Ông đã hứa giữ mộ. Nếu đem hỏa táng thì ông thất hứa, không biết phải ăn làm sao, nói làm sao với người con gái của ông Phước. Sau đó, bà Phùng Há xây mộ cho ông Phước.


3*. Phùng Há vẫn còn yêu Năm Châu


Năm Châu và Phùng Há

Phùng Há vẫn còn yêu Năm Châu. Cô Bảy Phùng Há tâm sự: "Ngày đó khi tôi lấy chồng, ảnh (Năm Châu) đột ngột rời gánh hát, nghe đâu đi Hà Nội một thời gian. Tôi quyết định lấy chồng để cả hai chúng tôi có thể dứt khoát. Người ta đưa cho tôi lá thư ảnh gởi trước khi đi không một lời từ biệt. Lá thư đó là 12 câu vọng cổ, là tất cả tâm tình của ảnh... Trong từng câu, từng lời, tôi hiểu ảnh rất buồn bực, thất vọng và trách móc tôi rất nhiều. Nhưng cho dù có hiểu nhau, thương nhau đến mấy thì cũng bằng thừa thôi. Số phần đã như vậy rồi”


Soạn giả Nguyễn Phương thuật lại. “Ngày anh Năm Châu mất (5/1977), cô Bảy hay tin, chạy vào nhà thương, vấp té liên hồi. Chúng tôi phải chạy ra đỡ, dìu cô vô. Cô khóc, nắm vai anh Năm Châu lay gọi, như muốn vực anh Năm dậy: "Khoan, anh khoan đi. Anh có nghe không? Anh phải nghe tôi nói rồi mới yên lòng ra đi được. Tôi biết anh vẫn còn uất hận trong lòng. Sở dĩ tôi làm vậy... là vì anh, vì thương anh, thương vợ con anh. Giờ này... tới giờ phút này, tôi vẫn yêu anh".
Cô Bảy khóc ngất, nói như mê sảng với người tình xưa mà không nhớ là xung quanh cô lúc đó có rất nhiều người, có cả chị Kim Cúc là người vợ đương thời của anh Năm Châu.


4*. Những giai thoại về Hắc Bạch Công Tử đấu nhau

 

Công Tử Bạc Liêu với ngôi nhà trứ danh


Giai thoại là những câu chuyện có liên quan đến con người thật, được lan truyền trong quần chúng, nên không bảo đảm đúng 100%, vì những vụ tường thuật, kể chuyện, được thêm mắm dặm muối cho được hấp dẫn.


Tác giả Nguyễn Thiện viết:"Đang lúc cô Ba Trà, một phụ nữ có sắc đẹp làm xao xuyến tâm hồn Bạch Công Tử, cô nầy thua bài sạch túi, thì Bạch Công Tử lái xe đến nhà rủ xuống Cần Thơ ăn cá cháy và đánh bài gỡ vốn. Hai người vừa đến khách sạn Bungalows thì Hắc công tử vừa tới, thắng xe cái két. Cả hai lâm vào cảnh khó xử trước người đẹp, việc chiếm mỹ nhân chỉ còn nhờ vào tài nghệ chinh phục của mỗi người.

Cả ba cùng vào khách sạn. Bạch Công Tử lột chiếc cà rá nhận hột xoàn trị giá 3,000$ để trên bàn, trước khi vào phòng tắm. Lúc trở ra, thấy cô Ba Trà đang đeo thử chiếc cà rá vào ngón tay, thì Bạch Công Tử lên tiếng tặng luôn cho cô. Sau đó, Hắc Công Tử mua tặng cho cô một chiếc giá gấp đôi.


Một lần, gánh Huỳnh Kỳ xuống hát ở Bạc Liêu cùng cô Bảy Phùng Há. Hắc Công Tử được mời đi xem. Đang xem hát, Bạch Công Tử rút thuốc ra hút làm rớt tờ giấy bạc Con Công (5$), và cúi xuống tìm. Hắc công tử bèn đốt tờ giấy "Bộ Lư" (100$) soi sáng cho Bạch Công Tử.
Bị chơi một vố khá đau về mặt mũi, Bạch Công Tử thách thức, mỗi người mua một kí lô đậu xanh nấu chè. Dùng tiền giấy thay củi để đốt, nồi chè nào sôi trước thì người đó thắng.

Tối hôm đó, Hắc Công Tử cho trải thảm đỏ từ ngoài cổng vào tận thềm nhà, cứ mỗi một thước thì có gia nhân cầm đuốc soi đường chào đón phái đoàn của Bạch Công Tử.
Nhiều người chứng kiến cuộc thi, vì thấy số tiền giấy bị đốt khá nhiều, ai nấy đều toát mồ hôi. Cuối cùng thì Bạch Công Tử thắng."

5*. Soạn giả Nguyễn Phương


Ngày 12-7-2015, trên trang mạng Cải Lương Việt Nam.Com, nữ nghệ sĩ Tịnh Đế Liên Hoa giới thiệu Chương Trình Gìn Vàng Giữ Ngọc do soạn giả Nguyễn Phương biên soạn. Tịnh Đế Liên Hoa cũng trình bày sơ lược về tiểu sử soạn giả Nguyễn Phương như sau.


1). Sơ lược về tiểu sử soạn giả Nguyễn Phương.



Nguyễn Phương tên thật là Nguyễn Văn Hòa, sanh ngày 1-7-1922 tại Mỹ Tho. Tốt nghiệp trường Bách nghệ Sài Gòn năm 1940, sau đó ông đi học tiếp ở Hà Nội, trường Kỹ Thuật Chuyên Nghiệp 2 năm. Năm 1943, ông được bổ nhiệm vào Phòng Kỹ thuật của sở Bưu Điện Sài Gòn. Ông chuyển sang hoạt động cải lương từ năm 1948 tới 1989, trước khi cùng gia đình tới định cư ở Canada cho đến giờ.


Nguyễn Phương là soạn giả nổi tiếng. Ông cộng tác với các đoàn như: Đoàn Tiếng Chuông, bầu Căn, Đoàn Ánh Sáng, bầu Tập. Đoàn Diễn Kịch, Năm Châu, Đoàn Kim Thoa, Đoàn Thanh Minh của bầu Nghĩa, Đoàn Thanh Minh Thanh Nga của bầu Thơ, Đoàn Dạ Lý Hương của bầu Xuân. Lúc đó ông cũng là Trưởng ban cải lương Ban Phương Nam Đài Phát Thanh Sài Gòn, Trưởng ban Kịch Phương Nam Đài Truyền hình ở Miền Nam Việt Nam hồi trước năm 1975.


2). Những sáng tác của soạn giả Nguyễn Phương

a). Về kịch bản cải lương


Ông soạn hơn 100 kịch bản Cải Lương và kịch nói, mà bây giờ thì ông có thể nhớ những tác phẩm tiêu biểu như: Đôi Mắt Người Xưa, Ngã Rẽ Tâm Tình, Bọt Biển, Tình Xuân Muôn Tuổi, Hoa Đồng Cỏ Nội, Tình Của Biển, Chuyện Tình 17, Tiền Rừng Bạc Biển, Chén Trà Của Quỷ… 
Năm 1989 ông định cư ở Canada cho đến nay. 
Về phim thì ông là tác giả của các truyện phim: Triệu Phú Bất Đắc Dĩ, của Mỹ Vân phim. Sống Đời Tôi và Lệnh Bà Xã của Mỹ Ảnh phim, Chàng Ngốc Gặp Hên của Trùng Dương phim, Con Ma Nhà Họ Hứa của Dạ Lý Hương phim.


b). Về biên soạn và xuất bản


Ngũ Đại Gia của Sân Khấu Cải Lương.( 2004 )
Xuất bản Hồi ký: Buồn Vui Đời Nghệ Sĩ ( 2005 )
Cuốn Buồn Vui Đời Nghệ Sĩ gồm có 24 chuyện ngắn

Nhà văn Hồ Trường An (Pháp) nêu nhận xét: “Buồn Vui Đời Nghệ Sĩ’ là một tác phẩm thuần thấm tình người, tình nước, tình yêu nghệ thuật, ngoài những giai thoại lý thú lấp lánh ánh sáng lạc quan luôn cả những vận sự cười ra nước mắt”.


Thanh Quang, phóng viên đài RFA nêu nhận xét về soạn giả Nguyễn Phương: “Cái đẹp của văn chương, cái quyến rũ của làn điệu cổ nhạc dân tộc, các câu chuyện tình vẹn thủy chung của các vở tuồng đã nâng cao tâm hồn người nghệ sĩ để họ chấp nhận những lao khổ nhọc nhằn về phần mình mà được đi khắp các miền đất nước để gieo rắc những bông hoa tư tưởng đẹp, những điệu hát, câu hò đượm tình dân tộc”.


5* Nghệ sĩ Tịnh Đế Liên Hoa


Nghệ sĩ Tịnh Đế Liên Hoa Lý Mỹ Hạnh là cựu học sinh Nguyễn Đình Chiểu-Lê Ngọc Hân Mỹ Tho, hiện định cư ở Toulouse, Pháp.

Tài năng tự biên tự diễn, sáng tác, phổ nhạc qua những bài tân cổ giao duyên.

Lý Mỹ Hạnh tích cực sinh hoạt trên diễn đàn của nhóm nhỏ cựu học sinh NĐC-LNH được gọi là “Nhóm Dễ Thương”. Theo thứ tự tuổi tác thì Trúc Giang già nhất, được gọi là Trưởng ca. Đặng Kim Thu ở vị trí Nhị ca. Kế đến, theo thứ tự thì có Tam ca, Tứ ca…và người nhỏ nhất trong gia đình Dễ Thương là em gái duy nhất Lý Mỹ Hạnh, Út 9. Út 9 thường hay nhõng nhẽo làm các huynh bực mình. Nhưng mọi sự rồi cũng qua. Cả làng cười xòa. Chấm dứt. Nhóm Dễ Thương thì ra, ai ai cũng dễ thương cả.


Tịnh Đế Liên Hoa LMH là con nuôi và cũng là đệ tử của soạn giả Nguyễn Phương.


Tịnh Đế Liên là hai đóa hoa sen nở trên cùng một cuống, đứng đầu về sự thanh tao thuần khiết. Hoa sen quý hiếm được dâng lên nhà vua nên gọi là hoa tịnh đế.

Sau đây xin ghi lại nhận xét của tác giả Khangianhandan về Tịnh Đế Liên Hoa LMH.


Giọng Ca Tịnh Đế Liên Hoa LMH

Tác giả Khangianhandan


“Một nickname nghe lạ, một giọng ca nhạc lạ đủ sức quyến rũ dù không biết chị là ai, chỉ biết nghe chị hát " Thu Sầu" của Lam Phương rất đặc, rất đầy, giọng ca nhiều mộng mị, âm ấm…chất giọng gần như vàng, chị mà đi làm ca sĩ thì chắc chắn có một số lượng fans khá lớn. Rồi nghe thêm hai ca khúc Khung Trời Tưởng Nhớ của nhạc sĩ Huỳnh Anh, Tiếng Xưa của Dương Thiệu Tước, trong các video clip của chị luôn có hình ảnh và thông tin về nhạc sĩ của bài hát đó, một việc làm vô cùng khiêm cung

Được biết chị là cựu học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho, niên khóa 1955-1962, cũng không còn trẻ trung gì, nhiều thành viên đoán già đoán non chắc xưa kia chị cũng có đi ca vì có ảnh chụp chung với nhiều tài danh nổi tiếng như Bạch Tuyết, Nguyễn Phương…Đến khi chị tung ra video clip cổ nhạc Cây Đa Viễn Xứ, vinh danh soạn giả Nguyễn Phương của Thiện Giả thì mới biết là chị rất yêu cổ nhạc dân tộc, quý mến soạn giả lão thành Nguyễn Phương.

Nếu ai con nhà Phật hay thường đi chùa thì biết tịnh đế liên hoa là gì?

Thêm vào “Tịnh Đế Liên Hoa” ba chữ LMH là tên riêng của chị, chắc là Lý Mỹ Hạnh thì phải...”

Vào ngày mừng thượng thọ 95 tuổi ngoài của soạn giả Nguyễn Phương, Tịnh Đế Liên Hoa LMH đã có những vầng thơ thật ý nghĩa, thực tế về cách làm nghề và yêu nghề của soạn giả ở cái tuổi xưa nay rất hiếm.

Bài thơ:

Mừng ngày thượng thọ bác Nguyễn Phương


Sức khỏe an khang đặng cát tường

Chín bốn “xuân xanh” sao đẹp quá

Da mồi tóc bạc ánh hồng dương

Ngày đêm viết chuyện bằng vi tính

Gõ nhịp đều đều gởi bốn phương

Soạn giả tài hoa tiền bối đó

Vang danh nghệ sĩ mãi lưu hương.


Theo một khán giả qua mạng cho biết bài "Cây đa viễn xứ" - tính văn học quá chuẩn, gợi nhiều hơn tả. “Cây đa viễn xứ” là vừa vinh danh soạn giả Nguyễn Phương, vừa chạm đến "quê nhà" của bao thân phận tha hương. Có Tài và Tâm mới viết được.


6*. Kết luận


Mỹ Tho. Địa linh Nhân kiệt, là do cái lò NĐC-LNH đào tạo ra. Những cựu học sinh Nguyễn Đình Chiểu-Lê Ngọc Hân đã mang danh dự cho trường mẹ mến yêu, cho những thầy cô đã đem tâm huyết ra dạy dỗ nhiều thế hệ môn đồ, thông qua những chức vị phục vụ Việt Nam Cộng Hòa, nhất là trong chiến đấu bảo vệ tự do, dân chủ, nhân quyền cho đồng bào miền Nam Việt Nam của chúng ta. Rất nhiều môn đồ NĐC-LNH đã hy sinh xương máu để bảo vệ đất nước Việt Nam Cộng Hòa.


Trúc Giang MN

Minnesota ngày 26-9-2018


 Bản lưu *Phụ chú 

Đệ nhất tuyệt sắc giai nhân Lý Mỹ Hạnh và âm nhạc cổ


a). Sinh hoạt văn nghệ:


Ngược dòng thời gian, đây là một đệ nhất tuyệt sắc giai nhân. Lý Mỹ Hạnh. Chị là công chức thời VNCH từ 1965 đến 1975.

Sinh hoạt văn nghệ tại Việt Nam.

-Tham gia văn nghệ của trường.

-Thành viên của ban nhạc Hoa Phượng với những show cho Đài Truyền Hình Sài Gòn.

-Thành viên của ban nhạc Băng Sơn, chương trình đặc biệt đem lại niềm vui và hạnh phúc, lưu diễn từ Bến Hải đến Cà Mau.


Hoạt động văn nghệ tại Pháp. Chị Lý Mỹ Hạnh có những biệt danh là Tịnh Đế Liên Hoa, Ngân Hà, LMH.

-1980-1995. Tham gia phần văn nghệ cho các hội đoàn và chùa tại Pháp.

-1995-2010. Thành lập Hội Thiếu Nhi Việt Nam tại Toulouse, mục đích phát triển và bảo tồn văn hóa, nghệ thuật cổ truyền Việt Nam và giúp trẻ em mồ côi, người già neo đơn ở quê nhà. Những chương trình văn nghệ từ thiện tổ chức vào dịp Tết và Trung Thu tại tỉnh nhà và các tỉnh phụ cận theo lời mời tham dự.

-Năm 2000, ra album “Giọt nước từ tâm”.

-Từ năm 2011 đến nay, mở clip video trên Youtube trình bày những nhạc phẩm xưa, thi ca và nhạc cổ truyền dân tộc với hy vọng là thế hệ trẻ còn giữ được văn hóa cổ truyền Việt Nam.


b). Tự biên tự diễn của chị Lý Mỹ Hạnh:


Tịnh Đế Liên Hoa là Lý Mỹ Hạnh (LMH). Lý Mỹ Hạnh là Tịnh Đế Liên Hoa. Do đó, trên Youtube, tác giả là LMH, do Tịnh Đế Liên Hoa ca, tuy hai mà là một. Đó là tự biên tự diễn của chị Mỹ Hạnh.

Tiêu biểu nhất là những bài như sau:

-Tân cổ Mùa Sao Sáng (Nguyễn Văn Đông & LMH) do Tịnh Đế Liên Hoa ca.

-Liên Khúc Tết. Tác giả LMH. Tiếng hát Tịnh Đế Liên Hoa.

Đặc biệt nhất là bài “Mỹ Tho Thương Nhớ”. Thơ Nguyên Trần & Lý Mỹ Hạnh, do Tịnh Đế Liên Hoa ca. Trang Youtube nầy là sự kết hợp của hai “Đệ Nhất NĐC-LNH Dễ Thương” là Nguyên Trần Nguyễn Tấn Phát và Lý Mỹ Hạnh. Vọng cổ mùi và đặc biệt nhất là những hình ảnh gợi nhớ về hai mái trường Nguyễn Đình Chiểu, Lê Ngọc Hân và những cảnh nổi bật của Mỹ Tho như: cảnh những cây dừa uốn mình ra bờ sông ở cầu tàu, soi bóng dưới nước Tiền Giang. Công viên Dân Chủ, vườn hoa Lạc Hồng, lá me đường Lê Lợi, vườn mận hồng đào Trung Lương với những quả hồng đào thèm nhễu nước miếng. Nhất là những tà áo trắng của nữ sinh Lê Ngọc Hân gợi nhớ lại một thời rạo rực, thơ mộng của tuổi trẻ.

Chùa Vĩnh Tràng, chợ Vòng Nhỏ, đình Điều Hòa, hủ tiếu Mỹ Tho…Ấn tượng nhất đối với tôi là rạp hát Viễn Trường, đối diện nhà tôi, tiệm chụp hình Lâm Tuấn. Có một thời, các bạn của tôi bỗng nhiên thường đến chơi rồi rủ đi uống nước trái cây…Thật ra, đó chỉ là cái cớ mà nguyên nhân chính là hai đứa em gái của tôi, Kim Nhàn, Kim Loan. Trở lại tài ba âm nhạc, chị Lý Mỹ Hạnh có hơn 50 bài ca trên Youtube, trong đó có mấy album mỗi dĩa có 10 bài ca của chị.


c). Nói về biệt danh “Tịnh Đế Liên Hoa”


Cái tên nghe hơi lạ. Tịnh Đế Liên Hoa là hai đóa hoa sen cùng nở trên một cuống. Hoa quý hiếm. Tượng trưng cho sự thanh khiết, “Nhụy vàng bông trắng lá xanh. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Hoa quý hiếm thường được dâng cho nhà vua nên mới gọi là “Tịnh Đế”.


Chuyện kể rằng, tại thôn Đường Liên có một đôi nam nữ yêu nhau tha thiết nhưng gia đình cấm cản nên không được kết nghĩa vợ chồng. Quá tuyệt vọng, họ thề nguyền “Đôi ta không sanh cùng tháng cùng năm nhưng chết cùng ngày cùng giờ”. Hẹn nhau ở kiếp sau. Cả hai ôm nhau trầm mình dưới hồ sen. Thân nhân vớt lên, hai cái xác không thể tách rời ra được nên chôn chung trong một nấm mồ bên cạnh hồ sen.

Đêm đó, trên trời sấm sét vang rền. Mưa gió sụt sùi, khung cảnh rất thê lương. Sáng hôm sau, người ta thấy hàng loạt hoa sen cùng nở rộ, hướng về ngôi mộ bên hồ. Đặc biệt, trên một cuống sen lại nở ra hai đóa hoa, một đỏ một trắng, khắng khít tựa vào nhau, mọi người gọi là “phu thê liên hoa”. Bông sen quý hiếm thường được dâng lên cho nhà vua nên thường gọi là “Tịnh Đế”.


Chị Mỹ Hạnh là một cây vọng cổ, gắn liền với thị xã Điều Hòa nơi phát sinh nhiều nghệ sĩ cải lương như bà Phùng Há (Trương Phụng Hảo) và soạn giả Nguyễn Phương. Mỹ Tho cũng là nơi được nhắc đến qua vụ việc Bạch Công Tử Nam Kỳ, Lê Công Phước, Phước George, lập gánh hát Huỳnh Kỳ và xây rạp hát cũng tên Huỳnh Kỳ để thường xuyên trình diễn những tuồng cải lương ăn khách thời đó. Rạp hát sau đổi tên là Viễn Trường.


Tóm lại, Lý Mỹ Hạnh là một đệ nhất tuyệt sắc giai nhân và đệ nhất vọng cổ trong nhóm “NĐC-LNH Dễ Thương” thật là xứng đáng.

Trong nhóm “Những NĐC-LNH Dễ Thương” nầy chỉ có một giai nhân nên xem như “Hoa lạc giữa rừng gươm” vậy. Ngoài ra, chị còn là con nuôi của soạn giả tài danh lão thành Nguyễn Phương. Cái nầy Việt Nam mình kêu là hổ phụ sinh hổ tử.

Tưởng cũng nên nói thêm, chị Lý Mỹ Hạnh là cháu ruột Cô Lý Hoa, cựu giáo viên trường Tiểu Học Cầu Bắc Mỹ Tho, sau đó Cô Lý Hoa thi vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và trở thành người phụ nữ giữ chức vụ lớn nhất VNCH:Tổng Giám Đốc Ngân Khố.


Trúc Giang MN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét