Valentine là ngày vợ chồng chúng tôi nhớ đời dù trước khi đến Mỹ chúng tôi chả biết cái quái gì về cái ngày gọi là "Lễ Tình Yêu" này cả.
Chúng tôi nhớ đời vì Valentine trùng vào ngày sinh-nhật của đứa con đầu lòng của chúng tôi sinh ra tại Mỹ.
Ngày này cách đây ba mươi hai năm là ngày tôi chở vợ tôi vào bệnh-viện, nơi vị Bác-sĩ đã theo dõi cái thai của vợ tôi hơn nửa năm trời cũng sẽ có mặt để giúp hoàn-tất giai-đoạn chót của một cái chu-trình sinh-sản thật kỳ-diệu mà ông Trời đã ban cho loài người. Trong cái chu-trình này, ông BS giúp giai-đoạn chót chẳng có dính-líu gì hết đến cái giai-đoạn đầu cả.
"Ai ăn ốc thì Bác-sĩ đỡ đẻ nào cũng phải là người đổ vỏ."
Cái thiên-chức đặc-biệt "Vì người quên mình" này của các Bác-sĩ sản-khoa không thấy ai nhắc đến trong các tài-liệu y-khoa.
Vì là thân-nhân của người đẻ nên tôi được cho vào phòng sinh, được mặc hospital gown và được đứng cạnh giường đẻ để hổ-trợ tinh-thần cho vợ tôi, người phụ-nữ mới sinh con lần đầu tiên trong đời.
Nói là hổ-trợ tinh-thần cho vợ, nhưng chính tôi thì cũng đang rất lo-âu, hồi-hộp.
Lo không biết mặt mũi con mình sẽ ra sao, đẹp xấu thế nào, chân tay đầu cổ tóc tai có bình-thường hay không?
Hồi-hộp là không biết mình có giống nó không?
Phải. Hồi-hộp không biết mình có giống nó không?
Hay mình lại giống đúc con của một bà nào đó đang sinh ở phòng bên cạnh thì ăn làm sao, nói làm sao với vợ mình đây.
"Người giống người" là chuyện thường, nàng còn có thể tin được, chứ "Người giống đúc người" thì làm sao vợ tôi tha-thứ cho tôi được.
Thôi, không nên nói những chuyện xui-xẻo hư-cấu đó ở đây.
Cho phép tôi được tập-trung để kể tiếp việc đứa con đầu lòng của chúng tôi đã ra đời như thế nào.
Đang cố push thật mạnh theo sự hướng-dẫn của BS, tôi chợt nghe cô y-tá nhỏ nhẹ gắt vào tai tôi một câu bằng tiếng Anh, xin được dịch ra tiếng Việt nghe cho lịch-sự hơn, "Làm ơn đừng rặn nữa ông nội."
Tôi ngưng rặn, hơi thở trở lại bình-thường như xưa, cảm thấy thật thoải-mái. Nhưng có lẽ mặt thì vẫn còn đỏ, một phần vì rặn, chín phần vì ngượng.
Thật ra trong đời người ai không có lúc lỗi lầm, nhất là đang trong cơn bối-rối, vợ thì nằm đó đau đớn rặn lên rặn xuống mà con mình thì chưa thấy mặt mũi đâu.
Nhưng nói cho cùng, đây là một lỗi lầm đáng yêu.
Còn hơn vợ đẻ mà chồng cứ đứng đực mặt bình chân như vại thì vô-tình quá.
Rặn thay cho vợ mình đẻ là một nhầm lẫn đáng ca ngợi.
Rặn thay cho vợ của bác hàng xóm đẻ mới là một nhầm lẫn đáng lên án.
Thôi đừng nói chuyện hư-cấu nữa.
Nhìn vợ tôi mồ-hôi mồ-kê nhễ-nhại mặt mủi đỏ ửng vì rặn quá mệt, tôi thương vợ tôi quá.
Ông bà ta có câu:
"Đàn ông đi biển có đôi,
Đàn bà đi biển mồ-côi một mình."
Tôi thương vợ tôi quá.
Ước gì Trời cho con đẻ thay cho vợ con. Cùng làm cùng chịu, sao lại bắt vợ con phải chịu một mình.
Đẻ xong, xin Trời cho con giao con lại cho vợ con ngay vì con biết mình không có sữa cho nó bú.
Lại chuyện hư-cấu miên man....., khổ thật!
Rồi việc gì phải đến đã đến.
Khi chính tai nghe tiếng oe-oe của đứa con thân yêu của chúng tôi vừa chào đời, và tận mắt chứng-kiến việc BS lôi con tôi ra khỏi bụng vợ tôi, tôi phải nói là mấy cái lời chúc "Mẹ tròn con vuông" nghe quá tào-lao ! Không nên có cái gì vuông trong cái tiến-trình này.
Cứ chúc cho sướng cái miệng của mình, nghe văn-vẻ cho sướng cái tai của mình mà không để ý gì đến cái cơ-thể của người đàn bà là thế nào?!
Vuông là chỉ có chết. Period !
Con tôi chỉ khóc rống, không nhìn tôi. Không sao. Nó cũng chẳng nhìn ai. Chỉ nhắm mắt khóc um trời, cứ như nó là người sẽ phải lo thanh-toán cái bill của bệnh-viện.
Vị Bác-sĩ đỡ đẻ dành cho tôi cái vinh-hạnh được cầm kéo cắt cái cuống rốn của con mình, trước khi ông ta giao cháu cho cô y-tá lau sạch-sẻ và quấn con tôi lại như một đòn bánh tét lớn, xong đặt cái đòn bánh tét lớn thật mủm-mỉm này lên một cái bàn cân nhỏ chỉ lớn hơn cái thớt một chút.
Cây kim trên bàn cân chỉ hai mươi pounds ?!
Tôi há-hốc mồm, trợn tròn mắt ngạc nhiên, nhìn ông BS, thắc-mắc.
Ông BS cũng há-hốc mồm, trợn tròn mắt ngạc nhiên, nhìn kỹ tôi từ dầu đến chân, chắc xem tôi to con cỡ nào.
Thật sự mà nói con của Hercules mới sinh ra cũng chỉ cân nặng khoảng mười hai mười ba pounds là cùng. Sao ông BS lại nhìn tôi từ đầu đến chân là điều cho đến nay tôi vẫn còn thắc-mắc.
Cô y-tá thì không há-hốc mồm như chúng tôi, không trợn tròn mắt như chúng tôi, không ngạc-nhiên như chúng tôi, và cũng không thèm nhìn ai.
Người đang lo hì-hục gở bàn tay tôi ra khỏi cái đòn bánh tét mủm-mỉm kia và gằn giọng, "Hand off, so we can check your baby's weight!"
Tôi miễn-cưỡng bỏ tay ra.
Lập-tức cây kim trên bàn cân tụt xuống chỉ còn tám pounds.
Phải công-nhận cô y-tá này giỏi, có quá nhiều kinh-nghiệm đối với những người cha mới toanh như chúng tôi.
Trị bệnh là việc của Bác-sĩ, nhưng trị bệnh-nhân là việc của y-tá. Loại y-tá giỏi, giàu kinh-nghiệm.
Trở lại bài học cho những người cha trẻ như tôi: Khi một đứa trẻ mới sinh ra và được quấn lại chặt-chẽ, đặt nó ở đâu thì nó nằm ở đó, không có ý-kiến, và nhất là không lăn đi đâu được, dù rất muốn, muốn gần chết. Ví-dụ được lăn về nằm gần ngực mẹ, phòng khi đói no có nhau, không là ước muốn của các cháu sao?
Trẻ sơ-sinh bị bó chặt đặt đâu nằm đó không lăn được, vì vậy, việc người cha dùng tay vịn vào người con để giữ cho con không bị lăn té xuống khỏi bàn cân là một việc làm không cần-thiết.
Nhưng có người cha trẻ nào dám khoanh tay đứng nhìn, không vịn tay vào con mình không?
Có ai dám không?
Tôi thì không dám.
Chẳng những tôi đã không dám khoanh tay đứng nhìn, tôi còn rất sốt-sắng gửi đúng mười hai pounds yêu thương vô bờ bến của cả hai vợ chồng chúng tôi vào đứa con thân yêu vừa mới chào đời của mình.
"Better safe than sorry", đã được người cha cẩn-thận áp-dụng ngay vào giây phút đầu tiên khi con của mình vừa mới chào đời.
Ước mong đây cũng sẽ là điều tâm-niệm mà những đứa con thân yêu của chúng ta sẽ biết dùng đến trong suốt cuộc đời còn lại của chúng.
HAPPY VALENTINE'S DAY.
Lê Xuân Cảnh
California, Valentine 2020.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét