Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2020

Nét Bình Dị Trong Thơ & Nhạc Hoàng Xuân Thảo(Qua Nhận Định Của Huy Văn )

( Bản Tình Ca Không Lời)
Kính quý Vị

Thưa Niên Trưởng

Em vừa thưởng thức xong những clip video nhạc anh chuyển tải hôm nay và xin mạn phép "mượn đỡ" mấy chữ của Huynh trưởng BS Nguyễn Trung Tín để mở đầu cho vài cảm nhận của em như sau:
Anh Khôi không biết diễn tả sao cho đủ. Anh rất trẻ trung vui tính, hiền hòa. 

Vâng! Thơ và Nhạc của Hoàng Xuân Thảo mang đậm mang đậm 3 chất tố này. Từ bài đầu (Bản Tình Ca Không Lời) cho tới bài thứ 7 (Viễn Khách) Nhạc của ông để lại trong lòng thính giả một dấu ấn rất đậm nét. Đó là sự kết hợp hài hòa của điệu thức Trưởng với thể loại âm nhạc của bài hát. Cho dù Motif sáng tác vẫn là nhớ nhung, sầu lắng, muộn phiền, chia ly, xa vắng, bâng khuâng... nhưng giai điệu ông chọn lại không có tích cách đau khổ hay rã rời trong tận cùng...rưng rức! Mà cho dù có "rã rời" đi nữa, thì sáng tác của ông ( được thăng hoa bởi hòa âm của nhạc sĩ Đỗ Hải ) cũng không pha chất ủy mị, hay yếm thế thường thấy trong đa số các loại nhạc "thất tình" khác. Thí dụ như trong Bài Tình Ca Không Lời, ngay trong phần nhạc mở đầu, thính giả nghe như có tiếng reo vui của ngày Xuân khi tiếng búng dây của violon mang lại cảm giác vạn vật đang hồi sinh trong tuyệt phẩm Four Seasons, của Nhạc sĩ bậc thầy Vivaldi. 

Chất lạc quan trong âm nhạc của Hoàng Xuân Thảo được thể hiện trong tất các bài tiếp theo, đặc biệt là trong Đôi Mắt Người Xưa, ngoài điệu thức Trưởng mà ông chọn, thì thể điệu của nhạc Pop (mang dáng dấp của R&B contemporain) qua phong cách hòa âm của Quang Đạt đã làm thính giả tạm quên " Sài Gòn đang bùng khơi lửa khói..." trong thảm cảnh ly tan của toàn thể miền Nam của VNCH. Bỏi cho dù chia cách nhưng " Đôi mắt Em hai ngôi sao sáng Dẫn tôi đi trên khắp nẻo đời ". Cũng thế, Nẻo Đời của ông khi được "thả" vào ly Cafê Đời của thi sĩ Hư Vô (cộng với Hòa Âm của nhạc sĩ Đổ Hải cùng với giọng hát Hồng Nhiên và một giọng ca nam) đã biến thành ngụm "ngọt lịm thênh thang" qua cách violon và guitare thả từng nốt của nhịp điệu Valse lente trên toàn bản nhạc. 

(Đôi Mắt Người Xưa)
 
Cũng trong cách trang trải tình cảm đó, nhạc sĩ Hoàng Xuân Thảo đã cùng với Quang Đạt gợi cho giới mộ điệu mường tượng một cách tỏ tình hết sức bình dị nhưng hiệu quả, giản đơn mà hữu tình khi ông cho biết "Cuội với lời anh ném Nào ngờ trúng tim Em" để rồi cho dù chỉ " Còn thôi lời Hứa Cuội " cũng đủ để "Soi mòn mãi Tim Em". Có cách tỏ tình nào chân thật tới mức " nhà quê" mà lại hiệu quả sâu đậm tới như vậy không nhỉ?! Trong khi đó thì nhạc sĩ Phạm Duy cũng chưa chắc mộc mạc mà trữ tình đến như vậy. Bởi vì họ Phạm lúc muốn xuề xòa cũng chỉ tới mức "bình dân" khi phán một câu cũng khá... bình dân qua "Sức mấy mà buồn! Buồn ơi! Thôi bỏ đi Tám!" Chưa hết! Ông và Quang Đạt còn chọn Diệu Hiền để diễn tả HÒN CUỘI thì còn " ép phê " nào hơn khi mà giọng hát của Diệu Hiền sang cả, uyển chuyển như Thái Thanh và mượt mà, quyến rũ không kém gì giọng hát của con gái bà ấy. Lời CUỘI mà qua giọng của ca sĩ Diệu Hiền cũng trở thành lời NGỌC mất thôi! Phong cách "dân giã" này còn được thể hiện rõ nét hơn nữa trong Hòn Chồng (cũng với Quang Đạt/ Diệu Hiền) khi Tác giả không ngần ngại "tả chân" qua hình cảnh của thời hồng hoang với cảnh "...nằm chồng nhau tênh hênh..." Chèn ơi! Phạm Duy nếu đọc được lời này chắc chắn sẽ phải chật lưỡi " Đúng là nòi tình đây rồi! Hợp ý tớ lắm đấy! "

(Hòn Cuội)

Nếu nói tới Thông Điệp mà thi sĩ thường ẩn tàng trong vần điệu của mình thì dấu ấn nhân bản trong Tình Yêu đã được thi sĩ Hoàng Xuân Thảo gói ghém trong thơ của ông khi "mở lòng như TRAI" để góp phần làm đẹp cho cho Người, cho Đời và nhứt là... cho Em dù Kiếp Ngọc Trai là những chuỗi ngày chờ kết tinh bằng bọt bèo. Nhưng đây là loại bọt bèo được tinh lọc qua cả một đời TRAI! Lại là sự kết hợp hài hòa giữa Thi sĩ kiêm Nhạc Sĩ sáng tác với Nhạc sĩ Hòa Âm và Ca sĩ thượng thặng trong một tác phẩm mang đủ đặc tính của Pop, R&B lẫn Ballad. Trở lại với phong cách phổ thơ 5 chữ thì phong cách của nhạc sĩ Hoàng Xuân Thảo (cộng với Hòa Âm Đỗ Hải) đã thể hiện thật rõ nét ý niệm của Xuân Diệu (Viễn Khách) qua hình ảnh của " Ra đi là hết rồi" hay "bóng tối chụp đời tôi..." mà Xuân Diệu đã hết lời khuyên "chớ nên làm họ khóc" . Tiếng hát Quốc Duy quả đã tải đúng "hồn" của bài nhạc qua phong cách thật gần với làn điệu "cổ điển" lẫn chất giọng có tính chất "nhạc viện" của anh.

Nếu Thơ và Nhạc là nét chính trong tác phẩm âm nhạc của ông, thì ảnh và tranh nền cũng góp phần không nhỏ vào sự hài hòa và "quyến rũ" của toàn bộ công trình. Những bức tranh "như muốn nói "  bằng nhiều thể loại và phong cách ) của Nguyễn Sơn, Tín Đức, Tào Linh, Vũ Đình Tuấn (Tranh lụa), Thơ Hồng, Thái Phiên (Tranh đá) cùng với tác phẩm của họa sĩ Nguyên Khai là những nét chấm phá tuyệt vời trong công trình "đưa Thơ & Nhạc vào lòng Người" của Thi sĩ/Nhạc Sĩ Hoàng Xuân Thảo

Sau cùng, em xin phép mượn lời của thi sĩ Dư Thị Diễm Buồn:
Bác sĩ, văn sĩ, thi sĩ, hoạ sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ... Gần như "Những chữ "Sĩ" ở trần gian/ Trời chỉ dành riêng để tặng chàng". 
Để kết luận phần cảm nhận sau khi nghe, ngắm và bâng khuâng theo suốt dòng Thơ & Nhạc của Niên Trưởng. 

(Viễn Khách)
 
Chapeau trong sự Trọng Kính

Huy Văn HVC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét