Êm đềm Trướng Rủ Màn Che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.
Đó là hai câu thơ trong phần đầu của Truyện Kiều, khi cụ Nguyễn Du giới thiệu về xuất thân và gia thế của chị em Thúy Kiều và Thúy Vân.
Trướng Rủ Màn Che chữ Nho là Trướng Thùy Liêm Bế 帳垂簾閉 để chỉ cuộc sống cao sang quyền qúy của các tiểu thơ khuê các ngày xưa, sống cách biệt hẳn với cuộc sống của quần chúng nhân dân bình thường; cuộc sống mang chút gì đó kiêu hãnh của giới qúy tộc tỏ ra vẻ chính chuyên với "Tường đông ong bướm đi về mặc ai!".
MÀN chữ Nho là Mạc 幕, có bộ Cân 巾 là Khăn, là Vải ở bên dưới chữ, nên có nghĩa là "Miếng Vải dùng để che chắn". Các từ Hán Việt mà ta thường gặp trong văn học cổ cũng như trong đời sống bình thường hiện nay là:
- Liêm Mạc 簾幕: Nói chung các loại rèm dùng để che chắn.
- Song Mạc 窗幕: Rèm dùng để che cửa sổ.
- Khai Mạc 開幕: là Mở Màn ra (để bắt đầu diễn tuồng diễn kịch), sau dùng rộng ra có nghĩa là : Bắt Đầu để làm một công việc nào đó. Như : Phiên họp đã Khai Mạc; Buổi triển lãm sáng nay đã Khai Mạc
- Bế Mạc 閉幕: là Đóng Màn lại (kết thúc vở diễn, là vãn tuồng), nghĩa phát sinh là: Kết Thúc, như: Hội nghị đã Bế Mạc; Đế chế Mông cổ đã đến hồi Bế Mạc...
Trong Văn học Cổ, MÀN còn có nghĩa là TRƯỚNG 帳: là những tấm màn treo ở phòng khách, treo ở phòng ngủ... như trong Cung Oán Ngâm Khúc tả nàng cung nữ lúc đắc sủng bên cạnh nhà vua, Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã viết:
Trên Trướng Gấm chí tôn vòi vọi,
Những khi nào gần gũi quân vương...
Hay như trong Truyện Kiều, tả lúc Thúy Kiều báo ân báo oán. Thúy Kiều và Từ Hải đã ngồi trước bức màn có vẽ hình con hổ dương nanh múa vuốt để xử án. Cụ Nguyễn Du cũng đã viết :
Trướng Hùm mở giữa trung quân,
Từ Công sánh với phu nhân cùng ngồi.
Trướng Hùm chữ Nho là Hồ Trướng 虎帳. Có xuất xứ từ Lục Du đời Tống 宋.陸游 trong sách Nam Đường Thư, truyện Từ Tri Ngạc《南唐書·徐知諤傳》:Vua nước Lương là Từ Tri Ngạc, một hôm đi chơi ở vùng núi Toán Sơn, đã dọn một mảnh đất trống làm sân bãi, kết da hổ làm màn trại, rồi cho tụ tập tướng sĩ lại nơi đó, gọi là Hổ Trướng. Sau dùng rộng ra để chỉ nơi doanh trại của các tướng lãnh. Còn cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu trong bài Văn Tế Trương Công Định thì lại gọi Hồ Trướng là Màn Hùm:
Nào đã đặng mấy hồi nơi thích-lý, Màn Hùm che mặt rằng xuê;
Thà chẳng may một giấc chốn trường sa, da ngựa bọc thây mới phải.
Tục ngữ có câu Sói Mượn Oai Hùm, nên khi không có đủ da hùm thì mượn đỡ da của chó sói để dùng tạm. Chó sói chữ Nho là Sài Lang 豺狼, nên thay vì dùng Màn Hùm, bây giờ không có Màn Hùm nên dùng tạm Màn Lang, cũng có cùng một nghĩa như Màn Hùm vậy. Như trong truyện thơ Nôm khuyết danh Phương Hoa Lưu Nữ Tướng:
Xang vàng làm bạn am mây,
Màn Lang tạm cuốn, lại vầy Gối Ôn.
Nhân nhắc đến Gối Ôn, là Gối của Ôn Công. Ôn Công tức là Tư Mã Quang 司馬光 là Tể tướng đời Bắc Tống. Lúc nhỏ hiếu học, ông lấy một khúc gỗ tròn kê đầu làm gối để ngủ, khi trở mình, khúc gỗ chuyển động lăn đi làm cho ông giật mình tỉnh giấc để thức dậy học tập trong đêm. Nên Gối Ôn Công chỉ các thư sinh cần mẫn xôi kinh nấu sử, chỉ học trò siêng năng học tập. Tích nầy thường đi song song với Màn Đổng Tử...
Đổng Tử tức Đổng Trọng Thư 董仲舒 (191-104 trước Công Nguyên). Ông người đất Quảng Xuyên, là nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà văn học nổi tiếng đời Tây Hán. Vì học trò theo học qúa đông phòng học không chứa hết, ông phải tập họp tất cả ra sân lớn, ông ngồi trên bục cao buông màn mà giảng dạy. Học trò tứ xứ từ Tề Lỗ Yên Triệu... đều tụ tập về để nghe giảng. Việc nầy đã hình thành một thành ngữ Hạ Duy Giảng Tụng 下帷講誦 là "Buông Màn Giảng Dạy". Trong văn học cổ của ta gọi là Màn Đổng Tử, Màn Đổng Xuyên để chỉ việc dốc chí dùi mài học tập, như trong truyện thơ Lâm Tuyền Kỳ Ngộ (Bạch Viên Tôn Các):
Đèn hạnh năm canh Màn Đổng Tử
Song mây mấy tấc Gối Ôn Công
Đổng Trọng Thư 董仲舒
Đổng Trọng Thư cũng đã từng ra làm quan cho nhà Hán, nhưng sau bị giáng chức và bị bắt giam, rồi cáo lão về quê . Trong Lục Vân Tiên cụ Nguyễn Đình Chiểu cũng nhắc đến:
Thương thầy Đổng Tử cao xa,
Chí đà có chí, ngôi đà không ngôi!
Trong tác phẩm thơ Nôm khuyết danh Quan Âm Thị Kính cũng có câu:
Thư trung đành có ngọc nhan,
Sách đèn còn bận buông Màn Đổng Xuyên
Còn trong truyện thơ Nôm Lưu Bình Dương Lễ tả lúc nàng Châu Long giúp Lưu Bình học tập cũng có câu:
Sân Trình cửa Khổng lân la,
Cùng nhau giao lại một nhà chi lan
Tình lê trạch nghĩa tha san,
Đặt giường Từ Tử, buông Màn Đông Công
Ngoài ra, MÀN còn có nghĩa là cái Mùng để ngủ, như khi "Ngỏ lời nói với băng nhân, Tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn" để chuộc Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh rồi thì Từ Hải cũng đã :
Buồng riêng sửa chốn thanh nhàn,
Đặt giường thất bảo, vây Màn Bát Tiên
Màn Bát Tiên là cái mùng cái màn có vẽ hoặc thêu hình của Bát Tiên Qúa Hải, không biết sao trong phòng ngủ của lứa đôi mà lại có hình của "Bát Tiên"? Chả lẽ lại bảo rằng chuyện vợ chồng hòa hợp thì "sướng như tiên" chăng ?! Sự vô lý khó hiểu nầy đã được giải tỏa qua Màn Phù Dung chữ Nho là Phù Dung Trướng 芙蓉帳 là cái mùng cái màn có màu đỏ đẹp như hoa phù dung hay có thêu hoa phù dung đẹp đẽ trong phòng ngủ của đôi lứa thì có vẻ hợp lý hơn là để hình của "Bát Tiên", như Bạch Cư Dị đã viết trong bài thơ cổ phong Trường Hận Ca tả lại mối tình của Đường Minh Hoàng và Dương Qúy Phi như sau:
雲鬢花顏金步搖, Vân mấn hoa nhan kim bộ diêu,
芙蓉帳暖度春宵。 Phù Dung Trướng noãn độ xuân tiêu.
Có nghĩa:
Tóc mây lã lướt gót sen,
Màn Phù Dung ấm đêm xuân mơ màng.
Còn trong thơ Nôm "Truyện Tây Sương" của ta thì cũng có hai câu tả lại mối tình của Thôi Oanh Oanh và Trương Quân Thụy như sau:
Chén quỳnh sóng sánh hồng nhan,
Sẵn chăn phỉ thúy, sẵn Màn Phù Dung
Cuối cùng, ta có một bức MÀN đặc biệt sang trọng, đó là bức sáo, bức rèm, bức mành treo để che chắn trước ngõ trước song được làm bằng loại tre trúc qúy, được gọi là MÀNH TƯƠNG, theo như tích sau đây...
Tương truyền vào đời Nghiêu Thuấn (2294-Trước Công Nguyên) ở Cửu Nghi Sơn của tỉnh Hồ Nam có chín con ác long thường hay bay xuống sông Tương Giang để giỡn nước, gây nên lũ lụt tràn ngập cả ruộng đồng, nhấn chìm cả nhà cửa, ruộng nương thất bát, dân chúng kêu khổ liên miên... Đế Thuấn mới quyết định từ giả hai bà phi tử yêu dấu của mình là Nga Hoàng và Nữ Anh để đi về miền nam diệt trừ chín con rồng dữ nầy cứu nguy cho bá tánh. Nhưng...
Đế Thuấn đi suốt ba năm ròng rã mà vẫn không thấy trở về. Nga Hoàng và Nữ Anh nóng lòng nên quyết định đi về phương nam để tìm chồng. Đi mãi đi mãi dọc theo Đại Tử Kinh Hà rồi Tiểu Tử Kinh Hà, cuối cùng cũng đến được dưới chân núi Cửu Nghi Sơn. Vượt đèo qua suối mới đến được Tam Phong Thạch, nơi có ba ngọn núi cao sừng sững dựng đứng bên bờ Tương Giang với một rừng trúc bạt ngàn. Trong rừng trúc là một ngôi mộ cao sừng sững, được dân chúng cho biết đó là ngôi mộ của Đế Thuấn đã hi sinh tính mạng khi chiến đấu với chín con ác long hung dữ. Hai bà nghe chuyện quá thương cảm bèn ôm nhau mà khóc suốt chín ngày chín đêm, máu và nước mắt rơi vải chung quanh thấm cả vào những thân trúc trong rừng trúc, tạo nên những đóm màu đỏ màu nâu lốm đốm trên thân các cây trúc. Cuối cùng hai bà cùng gục chết bên mồ của Đế Thuấn.
Tương truyền, từ đó về sau rừng trúc bên sông Tương Giang đều có những đốm hoặc đỏ hoặc nâu hoặc tiá... trông rất đẹp mắt và nổi danh là trúc của Tương Giang và hai bà Phi, nên được gọi là Tương Phi Trúc 湘妃竹. Đây là loại trúc qúy của vùng Cửu Nghi Sơn tỉnh Hồ Nam, đem đi làm thành những bức rèm, bức mành để che chắn, nên mới có tên là Mành Tương. Như trong Truyện Kiều tả lúc Kim Trọng tương tư Thúy Kiều, cụ Nguyễn Du đã viết :
Mành Tương phân phất gió đàn,
Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình.
Ví chẳng duyên nợ ba sinh,
Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi !?
Xin được kết thúc bài MÀN là TRƯỚNG, là RÈM, là MÀNH, là MÙNG... ở đây.
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét