Thứ Tư, 14 tháng 10, 2020

Cây Phong Trong Thơ Đường

Một Lối Thoải Mái Vào Vườn Thơ Đường - Kỳ 27 


Thơ Đường thiên về tả cảnh thiên nhiên trong đó tác giả thường gửi gấm tâm tình của mình vào cảnh vật.

Thiên nhiên trong thơ Đường thường là rừng núi, suối đồi bao la rồi khi tầm mắt thi nhân thu gần lại để thưởng ngọan là các hoa viên, vườn tược cho nên trong thơ tràn đầy các loại hoa mai- lan- cúc- trúc hoặc đào tơ- sen ngó, phong-hoa-tuyết-nguyệt còn trong chốn sơn lâm cùng cốc thì các cây thường hiện ra là tùng bách hay dương liễu.

Cây phong cũng chiếm cứ môt diện tích khá lớn của Trung quốc, tạo thành những rừng ngút ngàn chẳng kém gì bên Bắc Mỹ nên các bài thơ trong đó nói về cây phong cũng khá nhiều. Trong thư trao đổi với tôi, giáo sư Phí Minh Tâm, tuy chưa có dịp nghiên cứu về đề tài cây phong, cũng đã kể sơ sơ ra ít nhất có 23 bài nói tới Giang Phong/ Phong bên sông và 14 bài nới tới Phong Thụ Lâm/Rừng Phong. Bác sĩ Huỳnh Kim Giám, cũng chưa nghĩ tới đề mục Cây Phong trong thơ Đường nên qua trí nhớ cũng liệt kê thêm một số bài nữa về Cây Phong. Số lượng các bài thơ đề cập tới Phong tuy vậy vẫn còn là quá ít so với số lượng đồ sộ các bài thơ sáng tác trong thời đại nhà Đường.

Tại Việt Nam, một dân tộc rất sính thơ mà ngay cả trăm bài thơ đường luật chữ Hán của Nguyễn Du cũng không hề có một đề tài hay một chữ nào về cây phong mặc dầu ông đã chu du một thời gian khá dài bên Tàu nhưng lại có câu thơ trác tuyệt trong truyện Kiều: Người lên ngựa, kẻ chia bào / Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.

Thi sĩ Việt Nam viết về cây phong BS Giám cho biết có hoàng giáp Đinh Nho Hoàn viết khi đi sứ trong bài Quá Yên Dũng Huyện Yên Ninh Tự với hai câu thơ ngụ ý nhớ quê nhà:

...Phong hôn, tử lý tam canh trọng
Liễu mạch, đào đồn nhất thiểm khinh...
...Ba canh lưu luyến phong cùng mận
Chẳng bận tâm chi chốn liễu, đào...

Các thi nhân nước ta không đề cập tới cây phong có lẽ vì phong rất hiếm thấy vì thổ ngơi không hợp chăng? Tuy nhiên người ta vẫn có thể ngắm lá phong tại các nơi ngoài Bắc như vùng núi Fansipan, Tam Đảo, Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Chí Linh thuộc Hải Dương và tại Lâm Đồng, Đà Lạt, những địa điểm mà thời xưa các du khách rất khó đi tới vì giao thông trắc trở. 

Trong các nhà thơ Đường đề cập tới cây phong theo bảng liệt kê tạm thời của giáo sư Phí Minh Tâm và bác sĩ Huỳnh Kim Giám ta có thể kể: Đỗ Phủ, Lý Bạch, Đỗ Mục, Lưu Trường Phong, Lưu Trường Khanh, Cố Huống, Trương Kế, Đới Thúc Luân, Vương Duy, Tiễn Khởi, Lý Đoan, Ti không Thư, Lưu Vũ Tích, Nguyên Chẩn, Bạch Cư Dị, Mạnh Hạo Nhiên, Sầm Tham, Hàn Hoành, Từ Trọng Nho, Vũ Nguyên Hành vv...

Các bài thơ nhắc nhở tới cây phong nổi tiếng tương đối không nhiều trong đó có bài:

- Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị
- Phong kiều dạ bạc của Trương Kế
- Thu hứng kỳ I của Đỗ Phủ

Đỗ Phủ rất thích mùa thu, đã cảm hứng làm tới 8 bài Thu Hứng nhưng chỉ có bài kỳ I nói tới cây phong. Nhưng ông còn đề cập tới cây phong qua các bài dưới đây:

- Ký Bá học sĩ lâm cư
- Mộng Lý Bạch kỳ I
- Nam chinh
- Quá Tân Khẩu

Từ khi tới Canada năm 1975 cho tới bây giờ, hầu như muà thu nào, ngoại trừ năm nay vì dịch Covid 19/Vũ Hán, tôi cũng hàng cuối tuần lại đi lang thang trong các công viên để ngắm lá vàng, thường là lá phong vì khắp Canada chỗ nào cũng có cây phong. 

Mặc dù, loài phong phân bố ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng riêng cây phong ở Canada lại rất đặc biệt. Canada có những rừng phong bạt ngàn, nhất là ở miền Đông Nam, đâu đâu cũng thấy những cây phong. Người ta cho rằng lá phong ở đây đổi màu đẹp hơn những nơi khác. Sắc màu ấn tượng của rừng thu với những con đường êm ái ngập tràn lá vàng mang lại cho con người ta những cảm xúc khó tả. Khi mùa thu gõ cửa, cả thành phố, những con đường đều đắm mình trong nét đỏ hoà hợp với màu vàng cam lóng lánh tựa như một bức gấm vàng son, một khung cảnh hữu tình, lãng mạn hệt như những thước phim công phu trên màn ảnh.

Tất nhiên tôi không quên mang máy hình và thường đem theo cả một bình thủy nhỏ cà phê cùng với một chút đậu phọng rang, pop corn và vào tháng tám còn có thêm cả bánh trung thu để khi dạo bộ đã mệt thì ngồi xuống đồi cỏ vừa nhâm nhi vừa thả hồn “ ru với gió và vơ vẩn cùng mây.”

Nhiều khi tôi thường đem theo mấy cuốn Đường Thi của Trần Trọng San, Trần Trọng Kim, sau khi trông trời, trông đất, trông mây mới mở ra đọc ngâm nga và khi có hứng thì dịch vài bài và bài nào cảm thấy khá đạt thì gật gù, mỉm cười đắc chí. Những giờ phút đó tưởng như mình đang ở Bồng Lai tiên cảnh vậy. 

(Tranh: Họa Sĩ Nguyễn Sơn)

    Hôm nay do nạn dịch phải cấm cung nhưng vẫn có trà thơm, bánh trung thu, ra vườn ngắm hoa lá một chút rồi vô phòng gõ mấy dòng này ghi lại những ngày thu đẹp đã trải qua rồi đối chiếu với thơ về muà thu của tiền nhân.

    Trong các vị tiền bối này Đỗ Phủ có vẻ yêu muà thu tha thiết nên trong một lúc hứng chí vào năm 766 ông đã sáng tác ra 8 bài Thu Hứng. Tuy nhiên hôm nay chúng ta chỉ bàn tới bài kỳ I của ông thôi để đọc một cách thoải mái thay vì bàn tới cả 8 bài dễ khiến nhức đầu, hoa mắt lắm. Lý do tôi chọn bài số 1 vì bài thơ này đã được các nhà thơ Việt Nam yêu thơ Đường tuyển chọn qua một cuộc bỏ phiếu tổ chức bởi diễn đàn THI VIỆN năm 2007 là một trong 10 bài thơ Đường được ưa chuộng nhất và được xếp vào hàng thứ 8. 

Dưới đây là nguyên tác Hán văn và bản dịch của Phan Huy Vịnh

Thu Hứng Kỳ I Đỗ Phủ (712-770)    Bản dịch của Phan Huy Vịnh

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm   Lác đác rừng phong hạt móc sa
Vu Sơn, Vu Giáp khí tiêu sâm            Ngàn non hiu hắt, khí thu mờ
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng   Lưng trời sóng gợn lòng sông thẳm
Tái thượng phong vân tiếp địa âm      Mặt đất mây đùn cửa ải xa
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ         Khóm cúc tuôn rơi dòng lệ cũ
Cô chu nhật hệ cố viên tâm                Con thuyền bụôc chặt mối tình nhà
Hàn y xứ xứ thôi đao xích                  Lạnh lùng giục kẻ tay dao thước
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.      Thành Bạch dồn châm bóng ác tà.

Bản Dịch của Phí Minh Tâm

Rừng phong sương trắng cảnh tiêu điều
Hiểm trở ngàn non thu hắt hiu
Sóng vọt lưng trời sông cuộn cuộn
Mây sà mặt đất ải cô liêu
Hai lần khóm cúc khơi nguồn lệ
Một lượt con thuyền trói dấu yêu
Dao thước rộn ràng may áo lạnh
Chày vang thành Bạch bóng về chiều.

Bản Dịch của Văn Ngọc:

Thu Sầu Viễn Xứ

(Phỏng dịch Thu Hứng của tiền bối Đổ Phủ)


Sương phủ rừng phong lá rụng rơi
Vũ Sơn Vũ Giáp núi cao vời
Sông gầm sóng nước tràn gành đá
Mây phủ ải biên khuất góc trời
Khóm cúc đôi lần khơi lệ đổ
Con thuyền một dạo khiến tình vơi
Thu tàn áo lạnh nhờ tay khéo
Thành Bạch chày vàng nện rã rời

    Tám bài thơ được Đỗ Phủ sáng tác năm 766, khi đang sống phiêu bạt ở Quý Châu thuộc Tứ Xuyên, xưa là đất Ba Thục, một vùng núi non trùng điệp, hùng vĩ, hiểm trở trong đó có các ngọn Vu Sơn, Vu Giáp, cách xa quê hương nhà thơ mấy ngàn dặm. Sau mười một năm kể từ khi bùng nổ loạn An Lộc Sơn, tuy loạn đã dẹp xong nhưng đất nước kiệt quệ vì chiến tranh nên ông vẫn phải lưu lạc ở quê người. Hoàn cảnh đau buồn ấy đã khơi gợi nguồn cảm xúc cho các bài Thu hứng.

    Bài thơ có thể chia làm hai dải: Dải I gồm bốn câu thơ đầu nhằm tả cảnh mùa thu ở vùng rừng núi mà tác gỉa đang lưu trú. Dải II gồm bốn câu sau nói lên tâm tình của thi nhân trước cảnh thu về trên đất khách.

    Đọc thơ tôi thấy cảnh ấy sao qúa quen thuộc vì tại Canada tôi cũng từng mắt thấy cảnh rừng phong bạt ngàn, vào buổi sáng sớm thừơng lác đác các giọt sương trắng xóa còn đọng lại từ ban đêm lạnh gía cho tới khi mặt trời lên mới tan đi. khiến cho buổi sớm thu thường có cảnh sắc tiêu điều, ảm đạm. 

Lác đác rừng phong hạt móc sa
Ngàn non hiu hắt, khí thu mờ
Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm
Mặt đất mây đùn cửa ải xa

(Tranh: Họa Sĩ Nguyễn Sơn)

    Dưới và quanh chân núi là con sông uốn khúc, đổ ào ào từ trên đỉnh xuống, nước chảy cuồn cuộn, bọt bắn tung toé lên cao. Đưa tầm mắt xa hơn cảm thấy những đám mây như sà xuống mặt đất và bao phủ một màu trắng đục. Tất cả các cảnh tượng trước mắt như mây, núi, nước chảy, sương sa trong một khu rừng phong lá ngả vàng đã tạo nên một bức tranh muà thu hắt hiu, tiêu sái dễ gây xúc động cho lòng người.

    Chỉ vẻn vẹn có bốn câu, ngòi bút thần tình của Đỗ Phủ đã cho người đọc thấy trước mắt một cảnh sắc ngày thu tiêu điều, ảm đạm biết là chừng nào.

Dải II là tâm tình của Đỗ Phủ trước cảnh vật muà thu, cảnh nào cảnh chẳng sinh tình, tại nơi đất khách, quê người không khác gì chúng ta, những người Việt lưu vong khắp chân trời, góc biển.

Trước hết là hai câu thơ đầu:

Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.

    Hai lần nhìn cúc nở hoa, có nghĩa là đã hai năm Đỗ Phủ sống ở Qùy Châu. Hoa cúc, cũng là một biểu tượng của muà thu, khiến người xa xứ khi ngắm hoa cảm thấy bùi ngùi, khôn cầm giọt lệ.
Hình ảnh con thuyền lẻ loi, biểu tượng cho sự viễn du, nỗi niềm cô đơn, một thân lênh đênh chân trời, góc biển cộng với hoa cúc, càng làm tăng thêm nỗi nhớ nhà, tình hoài hương và mong ước một ngày nào đó con thuyền sẽ chở mình trở lại quê nhà với những người thân yêu.

Tới hai câu kết:

Lạnh lùng giục kẻ tay dao thước,
Thành Bạch, chày vang bóng ác tà.

    Người đọc bỗng đột ngột nghe nổi lên tiếng chày đập vải dồn dập trên bến sông, trong bóng chiều tà. Tiếng chày như vang vọng trong tim, khiến người du tử không khỏi nghĩ tới muà đông sắp tới với tiết trời lạnh lẽo thì tất nhiên cái cảm giác cô đơn lại càng bội phần da diết và ray rứt khi xa cách những người thân yêu dưới mái nhà nồng ấm.

    Cái hay của bài thơ, ngoài cách tả cảnh thu đậm nét chỉ với bốn câu mà hay hơn nữa là tả tình, cũng bốn câu, không chỉ nói lên tình cảm của tác giả mà là của tất cả những người ngàn trước lẫn ngàn sau khi trải qua những muà thu biền biệt nơi đất khách, quê người. Đây là trường hợp điển hình của Cảnh nào cảnh chẳng gieo sầu / Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

Bài thơ này xứng đáng được các nhà thơ Việt Nam tại hải ngoại, yêu thơ Đường, đồng cảnh và đồng thuyền với Thi Thánh Đỗ Phủ xếp loại vào một trong 10 bài thơ hay nhất trong thơ Đường.

Sau đây mời qúy độc giả thưởng thức 3 bức tranh về muà thu của họa sĩ Nguyễn Sơn tại Đức cùng 5 bức ảnh mùa thu Canada. Hai bác sĩ Bùi Duy Tâm và Lai Mạnh Cường, từng đến du ngoạn Canada đã phải ca tụng là “ Muà thu Canada đẹp não nề, không khác gì Bồng Lai tiên cảnh.”

Chúc qúy vị một muà thu tuyệt đẹp về mọi phương diện. Trân trọng,

Đại lý vé máy bay Minh Châu

Niagara Parkway: con đường chiều thu đẹp nhất thế giới (Winston Churchill)

http://vyctravel.com/libs/upload/ckfinder/images/Canada/Canada%20Thu/Canada%20mua%20thu/cv%20banff%20copy.JPG

Hoàng Xuân Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét