Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2020

Lang Thang Cùng Bolero…



Vũ điệu Bolero ở Tây Ban Nha

Trong vòng nhiều thập niên, đã có một sự nhầm lẫn về nguồn gốc bolero. Tuy có cùng một tên gọi, nhưng chữ bolero lại thể hiện nhiều điều khác hẳn nhau.

Chữ bolero bắt nguồn là một vũ điệu truyền thống của Tây Ban Nha, khai sinh vào cuối thế kỷ 18. Còn tại Cuba, bolero là một trường phái âm nhạc ra đời vào cuối thế kỷ 19. Phạm trù và ngữ cảnh giúp cho ta phân biệt một bên là vũ điệu của vương triều Tây Ban Nha, còn bên kia là dòng nhạc dân gian đến từ Cuba. Tại Tây Ban Nha, người đầu tiên định hình bolero như một điệu vũ hàn lâm là vũ sư Sebastián Lorenzo Cerezo.


Bolero là một vũ điệu truyền thống thịnh hành trong giới thượng lưu Tây Ban Nha

Nhờ Sebastián Lorenzo Cerezo mà vũ điệu bolero trở nên thịnh hành dưới triều vua Charles đệ tam (trị vì từ năm 1759 đến 1788). Theo các nhà nghiên cứu, về mặt ngữ vựng, bolero có lẽ xuất phát từ chữ “volero”, biệt danh của vũ sư Tây Ban Nha do mỗi lần biểu diễn các điệu nhảy, ông thường lã lướt tung bay như thể gót chân tha thướt nhẹ nhàng không bao giờ chạm đất.

Tuy cách viết khác biệt, nhưng trong tiếng Tây Ban Nha hai chữ b và v đều có lối phát âm y hệt như nhau. Và khi đem ra so sánh với thể điệu khiêu vũ bolero mà ta thường thấy bây giờ, thì vũ điệu hàn lâm theo nghi thức truyền thống của Tây Ban Nha ít có liên quan gì với điệu nhảy cặp thời nay (khiêu vũ xã hội). Nói cho chính xác, thì theo cách phân loại thời nay, người ta nhảy điệu rumba trên nền nhạc bolero.

Bất cứ điệu vũ nào cũng cần có tiếng nhạc và người đầu tiên sáng tác nhạc cho vũ điệu hàn lâm bolero là nghệ sĩ tây ban cầm cổ điển Fernando Ferandiere (1740-1816), mở đường sau này cho tác giả Manuel de Falla (1876-1946), một trong bốn gương mặt Tứ Quý của làng nhạc Tây Ban Nha. Lối sáng tác này gợi hứng sau đó cho nhiều nhà soạn nhạc cổ điển, điển hình là Frederic Chopin (1810-1849) hay Maurice Ravel (1875-1937), cho dù các tác phẩm của họ dù mang tên là ‘’bolero’’ nhưng cũng chẳng ăn nhập gì với điệu nhạc bolero mà ta thường nghe thời nay.


Fernando Ferandiere nghệ sĩ guitar nổi tiếng của thế giới 

Dòng nhạc Bolero ở Cuba

Nhạc Bolero sản sinh tại Cuba chính là những điệu nhạc mà ta thường nghe thấy hiện nay. Nếu xét đơn thuần về thể loại âm nhạc, thì trường phái bolero nẩy sinh từ Cuba vào cuối thế kỷ 19 và hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng nó có cùng một cội nguồn với điệu nhạc trova, một thể loại ‘‘du ca’’ của Tây Ban Nha. Cha đẻ của dòng nhạc bolero Cubano là nhạc sĩ đàn ghi ta José Sánchez (1856 – 1918), mà nhiều người gọi một cách thân mật là Pepe Sánchez.


Pepe Sánchez cha đẻ dòng nhạc Bolero hiện nay

Sinh trưởng tại Santiago de Cuba, José Pepe Sánchez xuất thân từ một gia đình nghèo, không được cho ăn học tới nơi tới chốn, cho nên ông chọn học nghề thợ may. Nhờ có năng khiếu âm nhạc và lỗ tai rất thính, ông tự học nhạc bằng cách mò mẫm chơi đàn, ông sáng tác rất nhiều ca khúc nhưng tất cả đều là chơi thuộc lòng, chứ không có bài nào được ghi chép một cách bài bản. Chính cũng vì vậy mà sau ngày ông qua đời, có rất nhiều bài hát bị lãng quên, do không được lưu trữ qua văn bản.

Theo nhà nghiên cứu Luis Antonio trong quyển sách nói về lịch sử của dòng nhạc bolero tại Cuba (Historia del bolero cubano), bản nhạc bolero đầu tiên trên thế giới ra đời vào năm 1883 do chính José Pepe Sánchez sáng tác mang tựa đề ‘’Me Entristeces, Mujer’’ mà sau này người ta thường hay gọi một cách ngắn gọn là ‘’Tristezas’’ (Những nỗi buồn).

Khai sinh từ Cuba, dòng nhạc bolero sau đó đã nhanh chóng lan tỏa ra nước ngoài và bén rễ tại các quốc gia Nam Mỹ và ở vùng biển Caribê, tiêu biểu nhất là Puerto Rico. Riêng tại Mexico, dòng nhạc bolero chính thức ra đời vào đầu những năm 1920, thời mà các tác giả Trung Mỹ lao vào phong trào sáng tác theo thể điệu này. Bản nhạc bolero đầu tiên nổi tiếng trên khắp Nam Mỹ là bài Lágrimas Negras do nhạc sĩ Miguel Matamoros sáng tác vào năm 1929. Bản thứ nhì là bài El Manisero, ghi âm vào năm 1930, cả hai bài này phá kỷ lục số bán với hơn một triệu bản.

Dòng nhạc Bolero Việt Nam 

Tại Việt Nam, dòng nhạc boléro du nhập vào miền Nam Việt Nam vào khoảng thập niên 1950, lúc phong trào tân nhạc Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ; nhiều nhạc sĩ bắt đầu sử dụng nhạc điệu phương Tây thay cho nhạc điệu phương Đông truyền thống. Bolero bao gồm nhiều giai điệu như: Rumba, Chachacha, Valse danza, habanera, trova, son… Một vài đặc điểm của nhạc bolero ở Việt Nam:

-Những giai điệu bolero Việt Nam pha lẫn chất ngũ cung và cả dân ca của vùng sông nước Nam Bộ. Nhưng đồng thời, nhạc Bolero vẫn giữ nguyên sự nhẹ nhàng, lắng đọng trong ca từ.

-Vì giai điệu nhẹ nhàng, ca từ bình dị, nội dung dễ hiểu nên nhạc bolero dễ dàng tiến nhập trái tim của con người. Đáp ứng nhu cầu về mặt tinh thần của đông đảo quần chúng nhân dân lao động. Chứ không hề mang tính trừu tượng và cần có kiến thức về âm nhạc sâu rộng mới có thể hiểu được như một số thể loại nhạc bác học khác.

-Một đặc điểm quan trọng và không thể thiếu ở bolero chính là tính buồn đặc trưng trong bài hát. Những ca khúc bolero dù hát về chủ đề nào cũng mang đến cho người nghe một chút buồn. Một chút tiếc thương, một chút đồng cảm cho những câu chuyện đời, chuyện người trong bài hát.

Bolero Việt Nam được chia làm nhiều loại nhưng có 8 loại căn bản như sau:
Bolero căn bản
Bolero đảo phách
Bolero rumba
Bolero flameco
Bolero giai điệu
Bolero classic
Bolero django
Bolero beguine

Những nhạc sĩ tiêu biểu cho phong trào nhạc bolero Việt nam:


Ảnh các nhạc sĩ (theo thứ tự từ trái sang phải):
- Hàng đầu: Châu Kỳ - Mạnh Phát - Trúc Phương - Lam Phương - Minh Kỳ - Hoài Linh
- Hàng thứ 2: Lê Dinh - Anh Bằng - Hoàng Thi Thơ - Duy Khánh - Hoài An - Phạm Mạnh Cương
- Hàng thứ 3: Tuấn Khanh - Y Vân - Dzũng Chinh - Anh Việt Thu - Lê Trực - Phạm Thế Mỹ

Không có tài liệu nào cho biết chính xác bài đầu tiên dòng nhạc bolerolà bài nào. Tuy nhiên theo nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cho rằng bài hát Duyên quê (Chachacha) của Hoàng Thi Thơ có thể là bài đầu tiên:

“Em gái vườn quê
“Cuộc đời trong trắng
“Dầm mưa dãi nắng
“Mà em biết yêu trăng đẹp ngày rằm…

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Trần Thị Vĩnh Tường lại cho rằng bài bolero đầu tiên ở Việt Na m là bài Xóm đêm (Rumba) của Phạm Đình Chương:

“Đường về canh thâu 
“Đêm khuya ngõ sâu như không màu 
“Qua phênh vênh có bao mái đầu 
“Hắt hiu vàng ánh điện câu…

Theo ý kiến của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 thì "Người đầu tiên viết ra bolero là Lam Phương với Kiếp Nghèo (Tango):

“Đường về đêm nay vắng tanh 
“Rạt rào hạt mưa rớt nhanh
“Lạnh lùng mưa xuyên áo tơi 
“Mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh…

rồi đến các bài hát của nhạc sĩ Trúc Phương”.

Từ thập niên 1960 đến thập niên 1970 là những năm đỉnh cao của giai điệu này. Lúc đó rộ lên phong trào "Thời trang nhạc tuyển" mà những bài nhạc bolero được được thâu vào băng cassette hoặc đĩa nhựa phát hành rộng rãi. Một số ca khúc tiêu biểu là Những đồi hoa sim (Dzũng Chinh phổ thơ Hữu Loan), Tàu đêm năm cũ, Nửa đêm ngoài phố (Trúc Phương), Thành phố sau lưng (Hàn Châu), Về đâu mái tóc người thương (Hoài Linh), Xuân này con không về (Trịnh Lâm Ngân), Đêm buồn tỉnh lẻ (Bằng Giang - Tú Nhi), Vòng nhẫn cưới, Đêm lang thang, Không giờ rồi (Vinh Sử), Hoa sứ nhà nàng của Hoàng Phương...

(Xuân Hòa, người hát rong đường phố triệu view)

Văn học nghệ thuật bao gồm cả âm nhạc là nền tảng văn hóa của một dân tộc. Giá trị văn học nghệ thuật của một dân tộc được đánh giá, bảo tồn bởi chính nhân dân và lịch sử của đất nước họ không phải của nhà cầm quyền. Những ồn ào, xu hướng và thổi phồng một trào lưu văn nghệ chỉ mang tính “thời sự”, nhất thời và sẽ bị đào thải trong tương lai bởi quy luật phát triển tất yếu của lịch sử dân tộc. Những ca khúc “nhạc vàng”, bolero trữ tình, nhân bản được các bạn trong và ngoài nước, chuyên nghiệp và yêu ca hát, trên sân khấu lộng lẫy và ngoài đường phố bụi bay, ở bất cứ lứa tuổi nào, bất cứ hoàn cảnh nào đang góp phần cất cao tiếng hát hôm nay, ngày mai và mãi những mai này. Chúng ta, những người nghe, những người yêu và thưởng ngoạn âm nhạc cũng góp phần nuôi dưỡng, tôn vinh cho đời sống âm nhạc - bolero nói riêng và dòng âm nhạc Việt Nam nói chung. Chỉ có trong âm nhạc chúng ta có thể nhìn thấy tuổi thơ, sống lại bao hoài niệm của ký ức, cảm nhận hơi ấm vòng của người yêu dấu muôn trùng cách xa… trong từng khoảnh khắc của hiện tại. Âm nhạc nuôi dưỡng trái tim ta không cằn cỗi và tâm hồn ta luôn mãi xanh tươi. 

Cám ơn các bạn đã cùng tôi lang thang với bolero, với âm nhạc hôm nay. Tôi xin mượn câu nói của nhà soạn nhạc lừng danh người Ý, Gioachino Rossini để tạm khép lại bài viết này:

“Ngôn ngữ của âm nhạc là ngôn ngữ chung của tất cả mọi thế hệ và mọi dân tộc; ai cũng hiểu được nó, bởi nó được hiểu bằng trái tim”.

Durham, North Carolina
Người Chợ Vãng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét