Thứ Hai, 7 tháng 10, 2019

Phương Pháp Ngăn Ngừa Unh Thư Vú


Ung thư vú là loại ung thư thông thường nhất trong giới phụ nữ ở Úc.

NGUYÊN NHÂN UNG THƯ VÚ:

1- Tuổi

Đa số phụ nữ bị ung thư vú sau 50 tuổi, khoảng 30% ung thư xảy ra ở độ tuổi 40-50, 6% dưới 40 tuổi và chỉ 1% dưới 30 tuổi.

2- Di truyền

Đa số những trường hợp ung thư ngực xảy ra ngẫu nhiên. Tuy nhiên 1- 5% người bị ung thư vú do di truyền. Các khoa học gia đã khám phá ra gene gây nên ung thư vú là gene BRCA1, BRCA2.

Nguy cơ bị ung thư vú sẽ cao hơn nếu trong gia đình có quan hệ huyết thống gần nhất (mẹ, chị, em) với người bệnh, và nguy cơ đó sẽ thấp hơn nếu chỉ là họ hàng xa (cô, dì). Nguy cơ sẽ càng cao hơn nếu có nhiều người trong gia đình cùng bị ung thư vú và bệnh nhân phát bệnh khi tuổi dưới 50.

Ung thư buồng trứng cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư vú.

3- Những nhóm người sau đây có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn người thường:

– Những người trước đó đã bị ung thư vú hay có tiền sử những bệnh liên quan tới vú
– Không có con
– Có con trễ (sau 30 tuổi)
– Có kinh sớm (trước 12 tuổi)
– Tắt kinh trễ
– Những người mãn kinh dùng thuốc hormone
– Người quá cân
– Uống rượu nhiều

Phương pháp ngăn ngừa ung thư vú:

Phụ nữ cần phải tự khám vú thường (thời gian khám tốt nhất là 1- 2 tuần sau khi có kinh) để phát hiện những khối u cứng lạ ở ngực hay là ở nách. Đặc biệt nên để ý những thay đổi nơi da vú (da bị đỏ hay có vẻ trũng như quả cam), đầu vú bị thụt vào trong, đầu vú tiết ra chất nhờn hay là máu. Thường khối u ung thư vú không đau. Nếu ung thư vú lan ra phổi hay xương, bệnh nhân có thể bị khó thở, phổi có thể bị nước, ̣dau xương, giảm cân, ói mửa.

Cần gặp bác sĩ sớm nếu phát hiện những thay đổi nói trên.

Phụ nữ trên 50 tuổi và không bị nguy cơ ung thư vú kể trên cần làm mammogram hai năm/lần. Nếu có nhiều hơn một người họ hàng gần bị ung thư trước 50 tuổi, bị ung thư vú hay có tiền sử những bệnh liên quan tới vú, hoặc có nhiều người trong gia đình bị ung thư vú, ung thư buồng trứng và mang gene ung thư vú như RCA1, BRCA2 thì cần làm mammmogram sớm và thường xuyên hơn.

– Những người dưới 40 tuổi không nên làm mammogram ngoại trừ khi bị những triệu chứng kể trên hay thuộc về những nhóm người có nguy cơ bị ung thư ngực cao.

– Có nhiều loại ung thư vú phát hiện được nhờ mammogram nhưng không thể phát hiện được khi siêu âm.Vì vậy cần làm cả hai để có kết quả chính xác. Có thể dùng MRI để hiểu rõ thêm về kích thước ung thư và tìm bất cứ dạng ung thư nào khác tại vú.

– Sinh thiết là cách duy nhất để biết chắc chắn bạn có bị ung thư hay không. Có nhiều dạng sinh thiết, cho nên, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa nếu bạn muốn làm sinh thiết để phát hiện sớm bệnh ung thư vú. Nếu nghi ngờ bị ung thư vú, người bệnh vẫn có thể sinh thiết khối u vú mặc dù siêu âm/mammogram âm tính.

Bác Sĩ NCT
Tháng 09/2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét