(Helen Staft 1909)
Sự tích Hoa Anh Đào tại Washington DC bắt đầu từ năm 1909, do lòng yêu hoa của bà Helen Staft, phu nhân của tổng thống đương nhiệm William H Staft hồi bấy giờ.
Nhân trong một chuyến sang Nhật, bà được xem dân chúng Nhật đổ về Tokyo xem hoa Anh Đào một cách say mê. Bà nghĩ rằng lòng yêu hoa của người Nhật trong mùa hoa đào nở là nguồn hứng của những tao nhân ghi lại cái đẹp của đời sống đang trôi qua. Bà ngỏ ý muốn mua hoa về trồng.
Qua ngả ngoại giao, ông thị trưởng thành phố Tokyo gửi sang tặng chính phủ Hoa Kỳ hơn 2,000 cây giống năm 1909, nhưng có sâu phải bỏ hết. Đến năm 1912 chính phủ Nhật gửi sang thêm 3,000 cây sau khi ươm trồng cẩn thận mới thành công. Những cây này được trồng trên một khu bờ phía bắc hồ Tidal Basin, bên tả ngạn sông Potomac. Chỉ vài năm sau cứ mỗi độ xuân về ai qua lai khu này đã thấy rừng hoa Anh Đào phơi phới trước gió đông.
Trong số 12 loại hoa du nhập lớp sau này, du khách ngày nay chỉ còn tìm thấy hai loại chính: Yoshino có tên khoa học là Prunus Yedoensis, và Kwanzan có tên khoa học là Prunus Serrulata, và một loại thứ ba là Akebono (Rạng đông) ghép chiết từ hai loại trên kia.
Cây Yoshino thường mọc toả rộng theo chiều ngang. Khi đã trưởng thành, có thể cao từ 30 tới 50 feet. Hoa loại cây này có năm cánh và toả hương thơm mùi hạnh nhân. Khi mới nở hoa có mầu hồng nhạt, rồi đổi ra màu trắng khi đã mãn khai.
(Japan)
Kwanzan cũng có cánh màu hồng nhạt, nhưng cánh và đài hoa dính chùm vào nhau, hoa cũng trổ bông từng cụm. Còn Akebono trổ nụ màu hồng khi nỏ lại ra hoa màu tím nhạt.
Mùa đào nở sớm muộn khác nhau từng năm. Mỗi năm các chuyên viên hoa thuộc sở lâm viên quan sát các nụ hoa và thời tiết để tiên đoán ngày hoa nở rộ, rồi công bố cho khách yêu hoa thập phương trẩy hội Hoa Anh Đào. Năm nay (2001) hội hoa bắt đầu từ 24 / 3 đến 8/4 dương lịch.
Hội Hoa Anh Đào (Cherry Blosom Festival ) bên Nhật đã có từ lâu lắm. Bên Mỹ mới bất đầu từ năm 1935.
Tại Nhật, hoa anh đào tượng trưng cho tinh thần võ sĩ đao qua câu nói mà người Nhật thích có dịp kể ra, “ Nếu ai có hỏi tinh thần của một người Nhật Bản đích thực như thế nào, bạn hãy chỉ vào đoá hoa đào đang nở dưới ánh mặt trời “ (If one should inquiry you concerning the spirit of a true Japanese, point to the cherry blossom in the sun). Ai có ngờ cái tinh thần cương dũng của người kiếm sĩ SAMURAI lại thơ mộng đáng yêu đến thế! Thực chất của đường kiếm tuyệt luân, tiếng thét kinh hồn bạt vía địch thủ lại chính là để bảo vệ nâng niu vẻ yêu kiều diễm lệ và thơm nức của đóa hoa đào đang nở.
Hội Hoa Anh Đào tại DC kéo dài hai tuần lễ với nhiều tiết mục. Các tiết mục như thi xe hoa, nhạc diễn hành với sự tham dự của 50 Hoa hậu Tiểu Bang, các cuộc triển lãm đủ loại như phẩm phục Nhật Bản, hàng dệt Kimono; nếm rượu Sakê, các cuộc đua thuyền hoa trên sông Potomac và hồ Basin. Cuộc thi Hoa Hậu Anh Đào được rất nhiều người ưa thích. Thí sinh Hoa hậu được gửi về từ các tiểu bang và quận hạt thủ đô DC. Giây phút vui nhất là lúc tuyên bố kết quả và Hoa Hậu được trao vương miện và bước lên xe hoa để chuẩn bị diễn hành. Vương mịện Hoa Anh Đào có dát ngọc trai Mikimoto do thợ kim hoàn hoàng gia Nhật Bản nạm khắc.
Đêm Hoa Thuyền năm ấy bắt đầu hồi 8 giờ tối ngày 8 April, có cả sự tham dự của thuyền rồng dài 36 bộ của Trung Hoa gửi sang, và các thuyền hoa đẹp nhất của Hoa Kỳ trong đó có chiếc Hoa Thuyền dài 116 bộ mà 10 vị Tổng thống gần đây đã ngự trong các cuộc lễ hội.
Hội hoa anh đào được mở ra để mừng tình hứu nghị giữa hai dân tộc Hoa Kỳ và Nhật Bản, giữa hai nền văn hoá Mỹ và Á châu.
Xem hoa anh đào, du khách thưởng ưa thích vùng có nhiều cây cũ..... Đến nơi trước mặt tôi là những hàng cổ thụ già, gốc to xù xì, cổ kính, cành xoè ra như những cây bonsai vĩ đại. Có những cây có cành vươn ra xa đến vài ba chục thước, ngọn sà xuống gần mặt hồ, nặng chĩu những hoa, một vài cành ít hoa nhẹ hơn đu đưa theo từng ngọn gió xuân. Cứ mỗi đợt gió thoảng lại có ít cánh hoa rời chùm bay lên cao như cánh bướm , rồi đong đưa chao đảo hạ cánh nhẹ nhàng trên mặt hồ chòng chành lơi lả. Ngoài xa, dăm ba chiếc du thuyền nhiều màu nhặt khoan xuôi ngược. Nước hồ xanh trong, phản chiếu bóng hoa, bóng người, mây trời, đền đài, dinh thự....
Trên bờ khách du ngoạn với y phục muôn màu chen chúc đi dưới rặng hoa, lượn vòng theo bờ hồ uốn ả. Phía bên kia bờ một toà lâu đài trắng nuột có mái vòm lồ lộ nhô lên, uy nghi mà đài trang thanh nhã. Đó là đài tưởng niệm cố tổng thống Thomas Jefferson, cha đẻ của bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ.
Việc xây đài này có xẩy ra một câu chuyện lý thú có liên quan đến hoa Anh Đào.
Số là vào năm 1934 khi TT Roosevelt chấp thuận dự án xây đài. Vì ông rất sùng kính tổng thống Jefferson, nên theo ý ông, đài và tượng tổng thống Jefferson sẽ được kiến trúc quay mặt về hướng Toà Bạch Ốc, chính hướng ngồi của đương kim tổng thống trong văn phòng làm việc hình bầu dục. Để từ đó ông và các vị tổng thống tương lai sẽ có thể nhìn thẳng đến tượng ông Thomas Jefferson để có thể có được những cảm hứng sáng tạo và minh mẫn trong việc điều khiển quốc sự.
(Tượng TT Thomas Jefferson)
Khi khởi công xây đài vào năm 1939, một số cây anh đào nằm trên đường thẳng nhỡn quang của tổng thống và tượng tổng thống Jefferson đã bị khai quang.
Việc này làm cho các phu nhân trong chính phủ, trong đó có bà Roosevelt vốn yêu hoa Anh Đào nổi giận. Thế là các bà hè nhau xuống đường phản đối. Các bà còn hăm he doạ rằng nếu các ông làm quá, các bà sẽ tự xích vào các thân cây mà các ông muốn chặt bỏ. Cơn thịnh nộ của mấy bà lại được đệ nhất phu nhân cầm đầu, làm rung rinh cả toà Bạch Ốc lẫn Quốc hội Hoa Kỳ. Tiến sĩ David Fairchild thuộc tổng nha Lâm Viên (Parks and Recreations Department) bèn được chỉ thị cầu viện với chức quyền đối tác Nhật. Tức thời mấy ngàn cây Anh Đào được gửi sang thay thế đền bù. Các bà hài lòng, chia nhau đi trồng lung tung khắp nơi và ra công vun tưới. Rừng anh đào tại DC do đó cứ xanh tốt và sinh con đẻ cháu lan rộng ra mãi. Việc xây đài cũng tiến hành xuông xẻ như đã dự trù.
Đài tưởng niệm Tổng thống Jefferon được xây trên khu đất rộng 18 mẫu, nằm trên bờ phía đông nam của hồ Tidal Basin. Đài do kiến trúc sư John Russell Pope vẽ kiểu theo các đền đài thời trung cổ La Mã (Roman Pantheon). Mái vòm ở giữa được bao quanh bằng một hàng cột chạy vòng cung. Bên trong đài là bốn bức tường. Trên mỗi bức có khắc một đoạn văn hay nhất và có ý nghĩa nhất trích từ bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Tường vách trong ngoài và mái đều xây và lợp bằng cẩm thạch trắng. Nền nhà lát bằng cẩm thạch tím.
Giữa đài, tượng tổng thống Jefferon đứng thẳng trên một bệ cao. Tượng do nhà điêu khắc Rudolph Evans đắp khuôn, đúc bằng đồng nặng năm tấn, cao 19 feet. Vẻ mặt bình thản mà uy nghiêm, quắc thước, mặc đại triều phục thời trung cổ, nút áo phù hiệu sáng ngời.
(Thomas Jefferon)
Tổng thống Thomas Jefferon sinh ra trong một gia đình khá giả, học trường đại học William and Mary, tốt nghiệp ngành luật; đã từng giữ các chức vu nghị sĩ và thống đốc tiểu bang Virginia, đại sứ tại Pháp rồi tổng trưởng ngoại giao dưới thời tổng thống George Washington; làm phó tổng thống cho ông Johm Adams, và đắc cử tổng thống hai nhiệm kỳ 180l – 1809.
Ông là nhà lãnh đạo chú tâm về mặt khai trí và giải phóng con người. Ngoài bản tuyên Ngôn Độc Lập ông cũng là người sáng lập ra trường đại học Virginia và thư viện Quốc Hội, thư viện có nhiều sách nhất thế giới. Chính ông là người đã khởi đầu dự thảo đạo luật đặt việc mua bán và sử dụng nô lệ ra ngoài vòng pháp luật. Nhưng phải chờ đến đời TT Abraham Lincoln và sau cuộc nội chiến Nam Bắc mới hoàn tất và áp dụng được.
Đứng cạnh bức tượng tôi nhìn thẳng ra phía trước thấy mặt tiền toà Bạch Ốc. Ổ đó các tổng thống Hoa Kỳ đã nhìn về đây nhớ đến bộ óc khai sáng của vị tiền nhiệm bực thầy để tìm nguồn cảm hứng và sáng tạo để điều hành đất nước.
Bỗng dưng tôi cảm thấy xao xuyến. Hôm nay, tôi là một phần tử trong bỉển người du ngoạn, có đủ chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, cội nguồn đang hít thở không khí tự do, bình đẳng, vạn vật xung quanh tôi như cũng cùng tâm sự:
Trên tường đá, hoa của đá là những đường cong nét thẳng của vân, được đúc kết và hình thành từ ngàn vạn năm trong lòng quặng mỏ, mang âm địêu tiếng gấm, lời hoa của loài khoáng thạch.
Trong rừng hoa tiếng chim đang líu lo giai điệu như đồng vọng cùng tiếng cựa mình của những đóa hoa đang nở , biến thiên cung bậc theo sự chuyển sắc đổi mầu của cánh.
Trên trời bồng bềnh mây nõn, đang tụ tán theo tiếng ru của gió, thấp thóang bóng tiên mở khép xiêm y múa khúc nghê thương.
Dưới nước, lung linh ảo bóng, trời mây, hoa lá, thực tại cảnh sắc hình hài.
(Washington DC)
Vạn vật hiện hữu ở các thể động, thực, khoáng, khí đang giao hưởng như những tiếng tơ lòng đang đắm say vui thích với vẻ đẹp thiên nhiên không có biên giới của ngôn từ từng loại.
Được tận hưởng một ngày hội thưởng hoa, chiêm ngoạn thắng cảnh tuyệt vời, lòng tôi lâng lâng vui thoả. Kịp nhìn ra trời đã xế chiều. Trên đương về tôi càng thấm cảm và sung sướng được hưởng hai chữ tự do.
Tôi tri ân chính phủ Hoa Kỳ và tồng thống Thomas Jefferson, người đã có trái tim và bộ óc sáng tạo ra nền tự do dân chủ tại đất nước này, nhờ đó mà gia đình tôi và gần hai triệu đồng bảo tôi có đất dung thân và hưởng một đời sống ấm no an lạc.
Uyên Quang
Virginia 10 April 2001.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét