Thứ Hai, 12 tháng 8, 2019

7 Năm ở Anaheim


Năm 1976, sau đám cưới, M. và tôi không dọn ra riêng liền mà ở với bố mẹ tôi cho tới khi tôi mang bầu đứa thứ hai và sau khi ông bà dì cậu mừng sinh nhật đầu tiên của Duy thì gia đình nhỏ mới dọn ra. Với đồng lương khiêm tốn của M., chúng tôi tìm được một căn apartment một phòng ngủ, một phòng tắm. Căn này thuộc thành phố Anaheim, cùng hàng xóm với hai nàng công chúa. Một nàng mặt mày lúc nào cũng lem luốc như lọ nồi và nàng kia có nước da trắng như tuyết, chuyên lo việc nhà cửa bếp núc cho 7 chàng tiều phu thiếu chiều cao trầm trọng. Dù cho có tẩm bổ bơ sữa hằng trăm năm, bảo đảm không chàng nào cao thêm được một li ông cụ.

Hai đứa thuê căn C. Xeo xéo bên kia hành lang là căn A của ông bà người Ấn Độ và đứa con gái 14, 15 tuổi. Căn này rộng nhất, có hai phòng ngủ. Căn bên phải, căn có cửa sổ phòng khách nhìn ra ngoài đường là của Earl, một cựu quân nhân, từng tham chiến ở Việt Nam. Phía bên trái tụi tôi là căn D, thuê bởi một cặp vợ chồng trẻ. Cô vợ lớn tuổi hơn anh chồng. Nàng có mái tóc quăn tít như Tây đen, cái miệng luôn cười toe, trong khi “một nửa kia” hà tiện cả lời ăn tiếng nói lẫn nụ cười. Tuốt luốt trong cùng, căn E là của ông bà cụ gần 80. Chúng tôi đóng đô ở căn apartment này bẩy năm, từ lúc Hân còn trong bụng mẹ, cho tới khi Duy và Hân lên 9 và 8 thì mới dọn ra. Bẩy năm trời! Bao kỷ niệm khó quên!

Khu apartment nằm trên một con đuờng trồng toàn Phượng tím. Tới mùa hè, hoa Jacaranda nở rộ, coi đẹp làm sao! Tím cả không gian. Tím trên bất cứ nơi nào hoa chọn làm chỗ nghỉ chân. Lâu lâu, vài cơn gió lay nhẹ, mưa hoa tím xuống mui xe đậu bên đường, trên mặt lộ, trên lá, trên hoa trong vườn nhà. Phượng tím là đề tài cho bao tranh ảnh và thơ. Phượng tím được thu vào ống kính, cùng với những nàng thiếu nữ kiều diễm trong chiếc áo dài trắng, tím. Coi xa hay nhìn gần đều lãng mạn như nhau. Tiếc thay, chỉ vài tuần sau, khi hoa bị vùi dập, mầu tím đổi thành mầu nâu xám của những lát thịt bò tái chưa kịp nhúng dấm, đã theo gió, theo giầy, theo dép, theo bánh xe của trẻ con để vào nhà, nằm lặng im đó đây trên sàn nhà hay trên thảm. Các bà nội trợ than trời vì phải nhặt từng nàng tiên áo nâu để đem trả lại thiên nhiên. Bên cạnh đó, cái mùi hăng hắc của hoa Phượng đã xa cành khiến Phượng tím không còn mang cảm hứng cho thi sĩ nữa.

Dù thế nào, tôi vẫn yêu con đường này, vì đó là nơi gia đình nhỏ của tôi trú ngụ sau khi ra riêng. 

Hồi mới dọn vô chúng tôi có rất ít đồ đạc. Vốn liếng chỉ vỏn vẹn có cái giường sắt hai tầng và hai cái tủ nhỏ do ông bà ngoại Duy Hân cho, dùng làm chỗ ngủ và đựng quần áo của hai đứa nó. Những giường, những tủ này đã có từ hồi mới xuất trại, năm 1975, do nhà xứ St. Pius V cho. Lúc đầu, vì chưa có em, Duy nằm dưới, để khỏi lo bị lăn xuống đất. Khi Hân đươc sanh ra và thôi nằm nôi thì Hân nằm trên, vì giường dưới đã bị anh Hai chiếm đóng từ trước. Sau vài ngày tạm nằm đất, hai đứa tôi mua trả góp một bộ nệm với khung giường. Ít lâu sau, chúng tôi mua lại một bộ bàn ăn với bốn cái ghế sắt và chiếc sofa mầu nâu, da gỉa, từ gia đình người bạn dọn qua Dallas. Để giải trí, tụi tôi có một cái TV đen trắng cũ. Không nhớ ai cho. Nó cũ đến nỗi đôi khi đang coi, nó nổi chứng bất tử, biến mọi hình ảnh thành tuyết trắng. Tuyết không bay nhẹ nhàng trong không gian như người ta hay thấy trong mùa đông, mà chớp loé trên nền TV tối đen, hoa cả mắt. Để đối phó với bệnh tuyết chớp này, M. mang ở đâu về khoảng năm, sáu trái banh tennis cũ, nỉ đã sờn gần trọc lóc. Để sẵn dưới chân. Khi nào tuyết rơi lấp lánh chóng mặt thì M. cúi xuống thảm, nhặt một trái banh lên và thẩy nhẹ vô màn ảnh. Ngay lập tức, chương trình tiếp diễn, trở lại bình thường như không hề có chuyện gì đã đi ra ngoài lề hay đề tài. Duy Hân rất thích trò chơi này. Mỗi khi ba chúng thẩy banh vào TV thì hai đứa, đứa hai tuổi, đứa mới chập chững biết đi, chạy theo trái banh, dành nhau đem trở về cho tía, cười ngặt nghẽo.

Phải lâu lắm tụi tôi mới tậu một cái TV mầu 19 inches. Duy Hân vui vì được coi hình ảnh những con Donald Duck, Micky Mouse, Dumbo hay Goofy to lớn hơn, mầu sắc tươi sáng chứ không đen thủi đen thui như trước. Tiếc thay, TV mầu chưa hưởng được bao lâu thì một ngày kia, khi đi thăm ông bà ngoại Duy Hân về, nó đã không cánh mà bay!

Cái bàn vuông nhỏ nằm ở trong phòng khách, cái bàn mà tụi tôi trang trọng đặt cái TV màu mới toanh ở bên trên đã trống trơn trống địa, để lộ một lớp bụi mỏng nằm trơ trụi bên trên. Một kẻ nào đó đã vô tình hay cố ý đi ngang qua căn apartment vắng chủ, thấy một cái TV mầu nằm lồ lộ trên chiếc bàn như mời mọc kẻ có lòng tham. Kẻ lạ trở thành kẻ có lòng tham. Dòm trước ngó sau, không thấy ai ra vô bèn tự động cho phép lấy của người làm … của mình. Tên vô danh ẩn tướng này đã đẩy nhẹ miếng lưới chắn ruồi chắn muỗi nơi cửa sổ, để nó rớt xuống, rồi thò tay, mở cái khóa, bước vô, lẹ làng ôm đi chiếc TV còn thơm mùi thùng mới của tụi tôi. Tên này không ngừng ở đó. Hắn đi vòng vòng để kiếm thứ gì dấu “chiến lợi phẩm”. Từ phòng khách vô phòng ngủ chỉ có 3 bước. Hắn thấy tấm chăn trải giường bèn nhẫn tâm cuỗm luôn. Thật là tiện việc sổ sách! Bữa đó, ngoài cái TV mới toanh, tụi tôi còn bị mất thêm cái chăn trải giường cũ mèm, chưa kịp sắm cái khác! Mặc dù mất của, M. và tôi vẫn mừng vì không chạm trán với quân gian, tuy tức cành hông vì sự riêng tư của mình dường như cũng bị cướp mất.

Một khoảng thời gian, có lẽ vài năm sau, một biến cố khác xẩy ra trong căn apartment của hai đứa. Lúc này tôi vẫn chưa đi làm cho nên cũng chưa cần có thêm một cái xe hơi thứ hai. Tôi hay đưa hai con đi về thăm ông bà ngoại bằng xe buýt. Hôm đó, khi trở về, tôi ngạc nhiên khi chạm tới ổ khóa. Có gì bất thường! Cái khóa cửa đã không còn ở vị trí như trước khi mẹ con tôi ra khỏi nhà. Đẩy cửa vô, chiếc ghế sofa vải mầu ngà, sọc nâu (thay cho cái ghế sofa bị Duy Hân dùng bút chì đâm thủng lỗ, với thời gian rách teng beng) đã bị ai đẩy ra khỏi chỗ cố định, sát tường. Nó nằm ngổn ngang giữa phòng khách, dơ cái lưng ra, để lộ hai vết rạch hình chữ thập, dài hơn một gang tay. Sửng sốt, thêm tò mò muốn biết chuyện gì xẩy ra, tôi chạy sang hàng xóm hỏi cớ sự thì Earl cho hay là chàng thanh niên ở căn D kế bên đã cảm thấy đời qủa thực là bể khổ cho nên đã quyết định tìm cách đi qua bên kia bờ trước giờ định! Chàng ta ngồi trong phòng khách của mình, chỉa súng vào người và bắn cái đùng. Viên đạn chạy xuyên từ người anh ta, bay qua ghế sofa, qua bức tường phân chia hai căn apartment, chạy vô ghế sofa của tụi tôi bên này, rồi sau cùng mới chịu nằm im chịu trận ở trong đó! Không biết ai đã gọi xe cứu thương và cảnh sát. Khi về tới nhà thì mọi sự im ru như không có gì bất thường xẩy ra. Nếu không thấy cái sofa quay mấy chục độ trong căn phòng khách, vết rạch sau lưng và cái lỗ bằng đầu ngón tay trỏ trên tường thì tôi đã không biết cô nàng căn D chút xíu nữa là đã trở thành bà góa!

Earl cho hay thêm là vì đã không liên lạc được với chúng tôi, cảnh sát đã tự động mở khóa, dùng dao rạch ghế, lấy đầu viên đạn ra để đem về sở cảnh sát lập biên bản. Tạ ơn Chúa. Nếu hôm đó mẹ con tôi không đi qua nhà ông bà ngoại, thì có lẽ Duy hoặc Hân đã lãnh viên đạn này rồi, vì hai anh em nó hay ngồi trên ghế sofa coi hoạt họa mỗi sáng.

Như đã nói ở trên, căn B thuộc về Earl. Earl từng tham chiến tại VN và vì những kinh nghiệm một mất một còn với VC, Earl không hề có cảm tình với người Việt tị nạn. Sau này Earl cho biết là mỗi khi nhìn thấy người Việt Nam, Earl lại nhớ tới những tên lính chuyên mặc bà ba đen, thủ phạm đã cất đi mạng sống của rất nhiều người bạn học cùng lớp, cùng trường với Earl. 

Một lần kia, Earl bị cảm nặng nhiều ngày, không thể lết cái thân đi làm được. Tôi biết được bèn nấu một nồi cháo trắng, thái thịt bò thật mỏng, đặt lên trên cùng với rất nhiều hành lá và hạt tiêu. Tôi nhờ M. đem sang cho Earl ăn giã cảm. Sau này, Earl cho hai đứa biết là nhờ tô cháo ân tình đó mà cái nhìn tiêu cực của Earl đối với chúng tôi nói riêng và đối với người Việt Nam nói chung đã hoàn toàn thay đổi. Từ đó về sau lúc nào Earl cũng qúy mến gia đình người VN này, coi M. như người bạn cố tri và hay tâm sự với M. bên ly rượu Rum pha Coca-Cola. Mọi dịp lễ Earl đều không quên cho Duy Hân qùa bánh, đồ chơi. Đôi khi Earl chở cả nhà trên chiếc xe Huê Kỳ to như cái thuyền. Cả ba mẹ con tôi ngồi gọn lỏn phía băng ghế sau, bồng bềnh như lênh đênh trên mặt nước. 

Ngoài Earl ở căn B còn có ông bà người Ấn độ thuê căn A cùng với đứa con gái. Ông chồng thích sưu tầm xe Mustang. Ông có ít nhất hai xe mà tôi thấy được. Một đậu trong garage và một đậu ngoài đường. Cả gia đình ít nói, chỉ chào hỏi qua loa. Một hôm sau khi đón Duy đi học về, tôi nghe tiếng gõ cửa. Nhìn ra cửa sổ thấy ông hàng xóm từ căn A. Ngạc nhiên vì dù ở cùng chung một giẫy nhà đã hơn một năm, đó là lần đầu ông ta gõ cửa nhà tôi. Mở cửa tôi hỏi ông cần gì? Ông ta cho biết là vợ ông ta đang đau, cần có người nói chuyện. Tôi nhanh nhẩu trả lời “một lát nữa tôi sẽ qua.” Cho hai anh em Duy Hân ăn uống chút đỉnh, tôi dặn hai con ở trong nhà, để tôi qua thăm bà hàng xóm đang đau và thêm, “mẹ sẽ về liền.” 

Khi nghe tiếng gõ cửa, ông hàng xóm mở cửa mời tôi vô, rồi khóa trái cửa lại. Thấy hành động của ông ta, tôi không quan tâm vì nghĩ có bà vợ ông ta trong phòng. Hướng về phía phòng ngủ tôi cất tiếng chào. Không nghe tiếng trả lời, tôi hỏi “Bà nhà đang ngủ?” Ông ta lắc đầu nói, “Vợ tôi không có nhà,” rồi tiến tới ôm eo ếch tôi nói, “Cho tôi xin một cái hôn. Come on, give me a kiss!” Sững sờ nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh, tôi lách mình ra khỏi bàn tay ông ta, “Xin lỗi ông, tôi không thể làm vậy được!” rồi tiến nhanh ra cửa, mở khóa, bước thật lẹ về apartment của mình. Về tới nơi, tôi mới hoàn hồn. Không có ai tâm sự vì hai thằng con còn qúa nhỏ, mà tía của chúng đi làm chưa về. Tôi đóng cửa, ở chết dí trong đó. Thông thường, tôi hay ra canh chừng Duy Hân đạp xe đạp từ cửa nhà, qua hết hành lang, khi tới cửa chánh thì quẹo gắt về bên phải, chạy miết, qua ba bốn khu apartment mới quành trở lại. Bốn đôi chân ngắn củn đạp tới tấp trên con đường dành cho người đi bộ, hai cái miệng kêu “bập bập, bập bập,” gỉa làm tiếng xe gắn máy. Hôm đó, hai đứa không hiểu chuyện gì mà không được ra ngoài chơi như mọi bữa. 

Khi M. đi làm về và đợi sau cơm tối, tôi mới kể cho M. nghe hành vi khó tin của người hàng xóm. Vừa kể vừa tức tối dữ lắm vì bị đánh lừa. M. an ủi là cũng may chuyện đáng tiếc đã không xẩy ra, rồi đợi lúc bà vợ của tên này đi vắng M. mới sang gõ cửa nói chuyện phải trái. Không biết vì ngẫu nhiên hay vì liên quan đến hành động của người đàn ông, vài tháng sau họ dọn đi. 

Còn gia đình hai ông bà cụ ở phía sau? Họ có gì đáng nhớ? Không biết bà cụ có bị lẫn chưa, vì đôi khi tôi chưa kịp đem quần áo đã sấy vô thì bà cụ tự động mang ra khỏi máy rồi xếp quần áo con nít riêng, quần áo người lớn riêng, để thứ tự trong hai chồng riêng biệt. Không hiểu bà cụ muốn có gì làm cho khuây khỏa hay tưởng đó là quần áo của mình? Có lần, xếp xong đống quần áo, bà cụ bê luôn về nhà! Sau lần đó, tôi canh quần áo như canh trộm. Khi nghe máy sấy vừa ngừng là tôi chạy vội ra, lè lẹ túm đống quần áo đã khô mang vô nhà, vì không muốn bà chạm vô quần áo đã giặt của vợ chồng con cái. 

Thời gian qua nhanh. Chúng tôi ở cùng thành phố với Disneyland bẩy năm trời. Nếu chủ phố không tăng tiền nhà và khu vực không càng ngày càng đông xe, ồn ào tiếng nhạc, tiếng người bất kể giờ giấc, thì có lẽ chúng tôi đã ở đó lâu hơn. Trong thời gian này, Duy Hân đã mang đến cho chúng tôi rất nhiều kỷ niệm êm đềm hạnh phúc. Những giây phút đó tuy giản dị nhưng thật vô giá. Hình ảnh hai anh em cười khúch khích rượt theo quả banh tennis, khi cái TV cũ bị hư; cảnh ba mẹ con dắt díu nhau đi thăm ông bà ngoại bằng xe buýt; những câu hỏi không ngừng của Duy khi ngồi trong xe, nhìn ra ngoài đường xe cộ ngược xuôi, chỉ chỏ, “Ba ơi, mẹ ơi, cái này là cái gì?” rồi thằng em út bắt chước anh Hai lập lại những câu hỏi ngây ngô; lúc hai đứa tôi bế hai đứa con lên, hướng về nơi “Hạnh Phúc Nhất Trần Gian” cho coi pháo bông, ánh mắt chúng sáng rực niềm vui. Diễm phúc sao nếu tôi được sống lại giây phút thần tiên này.

Khổng thị Thanh-Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét