Niên khóa 1951-1952, các bạn của tôi được gửi đi học tại Đại chủng viện Phát Diệm, cha Giám đốc Đệ tử Châu Sơn yêu cầu tôi ở lại, tổ chức dạy học cho các chú đệ tử, từ Châu Sơn, Nho quan di cư xuống làng Như Tân, Phát Diệm.
Đệ tử viện lúc đó có khoảng mười mấy em học sinh (thường gọi là các chú, tu sinh ); chia làm ba lớp: Đệ lục, Đệ ngũ và Đệ tứ; mỗi lớp chỉ có bốn, năm học sinh. Các đệ tử của dòng, trước đó chủ yếu là học La ngữ và Pháp văn, còn các môn khác, khi có giáo viên môn nào thì học môn đó, không có thì bỏ luôn.
Để thực hiện chương trình học cho năm đó, tôi đề nghị với cha Giám đốc cho các tu sinh học theo chương trình của chính phủ, cuối năm lớp Đệ tứ sẽ dự thi bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp. Với sự chấp thuận của ngài, tôi bắt đầu xếp thời khắc biểu, soạn thảo chương trình, tìm mua sách giáo khoa cho ba cấp lớp… Điều tôi lo nhất là vấn đề nhân sự! Nhìn đi ngó lại, nhà trường chỉ có tôi và một ông bạn là thủ quỹ cho Đệ tử viện, ông ấy chỉ nhận dạy giúp tôi hai môn: Sử và địa, còn bao nhiêu tôi phải cáng đáng hết; lúc đó tôi lâm vào cảnh “cưỡi lưng cọp!” Đành phải đánh nước liều! Vì phải dạy tới năm môn chánh: Việt, Anh, Toán, Lý và Hóa cho ba cấp lớp khác nhau, tôi liền nghĩ ra cách xếp thời khắc biểu làm sao để cho các lớp có giờ học, giờ làm bài, xen kẽ với giờ lên lớp, như thế tôi mới có thể đi từ lớp này sang lớp khác, giảng bài được. Một trở ngại lớn nữa đối với tôi là các học sinh đều mất căn bản về các môn tôi đảm nhiệm; như tôi đã đề cập tới ở trên, từ trước tới nay Tu viện chỉ chú trọng dạy các tu sinh học Pháp văn và La ngữ, còn các môn khác coi như ngoài chương trình. Vì chính bản thân tôi cũng đã là nạn nhân của sự mất căn bản về các môn học trên, nên tôi mới có được kinh nghiệm trong việc lấy lại căn bản cho các học sinh đó.
Trong suốt niên khóa, tôi dồn mọi khả năng dạy cho Đệ tứ, lớp phải dự thi tốt nghiệp cuối năm; còn hai lớp kia, tôi chỉ cố gắng giúp các em lấy lại căn bản và học cho hết trương trình thôi. Để đạt được mục tiêu trên, tôi đã tìm mọi cách, mua cho bằng được những sách bài tập, có bài giải sẵn, về đủ các môn, nhất là cho lớp Đệ tứ, (Tập làm văn Đệ tứ của Giáo sư Nghiêm Toản; Dịch Việt Anh, Anh Việt Đệ tứ của Giáo sư Lê Bá Kông; bài tập đại số và hình học Đệ tứ của Giáo sư Nguyễn Dương Đôn; bài tập Lý, Hóa Đệ tứ của Giáo sư Bùi Phượng Trì…) Tôi yêu cầu các em chia nhau đọc và làm các bài đó cho đến khi gần như thuộc lòng…Mỗi tuần các học sinh phải làm một bài thi cho từng môn, chấm bài xong, tôi thấy bài nào được điểm cao nhất, đọc cho cả lớp nghe, lấy đó làm mẫu cho mọi người nghiên cứu và học hỏi.
Niên học vừa chấm dứt, tôi cùng cha Giám đốc đưa bốn học sinh Đệ tứ, đáp tầu thủy lên Nam Định để dự thi; kết quả: Một được vào vấn đáp và đậu, còn ba trượt vỏ chuối; may mà đậu được một, chứ không thì ê mặt cả thầy lẫn trò! Trên tầu thủy trở về Như tân, tình cờ tôi gặp một em học sinh; hỏi chuyện ra mới biết, em là học sinh trường Trần Lục, Phát Diệm, em cũng lên Nam định để thi; tôi thắc mắc hỏi,” Tại sao em lại về một mình?” Em trả lời, “Lớp em có 20 học sinh dự thi, nhưng chỉ có một mình em được vào vấn đáp và đậu, nên các bạn của em đã về nhà trước rồi."Nghe em học sinh ấy nói, tôi tự nghĩ, thế ra mình dạy cũng chưa đến nỗi tệ lắm!
Một trường trung học, tầm cỡ địa phận, có một hàng ngũ đầy đủ các giáo sư tài ba, lỗi lạc, mỗi thầy dạy chuyên một môn, mà tỷ số đậu chỉ có 1 trên 20; còn mình, đơn thương độc mã, lại đậu được 1 trên 4; vậy là quá sức tưởng tượng rồi, còn đòi hỏi gì nữa! Tôi thầm nghĩ, “Trường hợp của mình là (Cạn ao, bèo ăn đất) so sánh làm sao được!”Bây giờ hồi tưởng lại tôi mới thấy, mình, thật to gan, đã làm một việc mà chưa ai làm được, và cũng chẳng ai dám làm.
THẠCH TRONG (HĐN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét