Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

Những Chuyến Đi Về Miền Tây

     (Đoản văn hồi ký ) 
    Vào đầu thập niên 1960 và 1970, tuổi tương đối còn trẻ, tôi đã có nhiều dịp đi về Miền Tây, đồng bằng Cửu-long-giang, nơi có 2 nhánh sông lớn là Tiền-giang và Hậu-giang hay sông Tiền và sông Hậu. Bước chân tôi đã nhiều lần in dấu trên những mảnh đất yên bình Vĩnh-long, Cần-thơ, Long-xuyên. Ngoài ra còn có một lần đã phiêu du xuống Châu-đốc, vượt qua một đoạn biển khơi bằng một chuyến hải hành tới đảo Lai-sơn. 
    Tôi không còn nhớ rõ từng chi tiết của những chuyến đi về Miền Tây. Chỉ nhớ đã đi qua hầu hết các tỉnh VN, từ Huế trở xuống, đến gần mũi Cà-mau. Tất cả những nơi ấy lúc đầu đều xa lạ đối với tôi, một kẻ chỉ quen sống ở thủ đô Sài-gòn, nhưng về sau trở thành mảnh đất thân thương nhất đời mình, kể từ khi giã từ Hà-nội, 1954, nơi tôi đã trải qua thời niên thiếu...:Xanh tươi đồng lúa Việt/ Vui cười bác nông dân/ Người điển hình bất diệt/ Dòng dõi Lạc Long Quân./Đồng Việt Nam bao la/ Nông dân Việt hiền hoà/ Cần lao trong cuộc sống/  Êm đềm nơi thôn trang/.

(Lớp học Nhân-Vị Vĩnh-long)

    1-Giòng sông nhân-vị.- Ngày ấy, 5/11/1961, theo lệnh của Bộ Giáo-dục, tôi tham gia một khoá học tập chính trị tại Trung tâm Nhân-vị Vĩnh-long, đặt ở một tòa nhà thuộc giáo phận Vĩnh-long. Nửa tháng xa vắng thủ đô Sài-gòn, nơi ăn ở và học tập đều rất tốt. Gần 100 học viên nguyên là công chức do các cơ quan chính quyền thuộc Đệ-I Cộng-hoà cử đi học đã sinh họạt bên nhau rất vui vẻ và đầy tình thân ái. Mặt sau của 1 tấm ảnh kỷ niệm, tôi có viết hàng chữ:  Những giòng suối 4 phương trời đổ về con sông lớn: Giòng sông Nhân-vị. Lúc đầu, mục tiêu của việc học tập có vẻ tạo nên một áp lực đối với học viên. Nhưng dần dần ai cũng cảm thấy đâu cũng vào đó. Thực tế, ngay cả sau khi học tập về tôi cũng không hề bị bó buộc tham gia đảng phái nào, hơn nữa bản tính tôi là không muốn dính dáng gì đển chính trị. Cho nên mới học được 1 tuần, được biết phim Ben Hur lần đầu tiên có âm thanh nổi trên màn ảnh đại vĩ tuyến khởi chiếu tại rạp REX, tôi, vốn là kẻ ghiền ci-nê chưa bao giờ bỏ qua những phim vĩ đại, đã lợi dụng chiều thứ Bảy để vù về SG xem cho bằng được buổi chiếu phim đầu tiên rồi trở lại Vĩnh Long  vào Chủ nhật.  Đúng là mình đang thời thơ mộng của tuổi hoa niên! Tiếc rằng vì thời gian có hạn nên không có dịp đi thăm thành phố Vĩnh-long.

(Tác giả trước chợ bến Ninh-Kiều,Cần-thơ)

      Đúng ra,chuyến đi thăm Miền Tây đầu tiên của tôi phải được kể là Cần-thơ từ 26 đến 29/5/61, nhân dịp có một người bạn dạy học được thuyên chuyển từ Qui-nhơn xuống đó nên tôi cùng đi cho biết đó biết đây. Một chút niềm hãnh diện của một kẻ đang sống ở thủ-đô Sài-gòn muốn biết Cần-thơ như thế nào mà được mệnh danh là Tây-đô <thủ-đô của Miền-Tây> lúc đó hiện đến với tôi mạnh đến nỗi sau một tấm ảnh chụp trước chợ Ninh-kiều, tôi đã hạ bút: Ông Nghị Hách của Sài Gòn đứng tại trung tâm của vũ trụ Cần-thơ. Sau này, thêm chút trưởng thành, tôi mới cảm thấy lời ghi đó thật đáng tức cười. Trên đường, sau khi mới qua phà Mỹ-thuận được một đoạn ngắn, lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy TTNVVL ở ngay bên đường và nghe nói đây là một địa điểm quan trọng nên đã ghé vào xem. Không còn nhớ chính xác lần đi Cần-thơ tôi có dùng con đường chạy qua Long-hồ xuống bến phà Cái-vồn hay không. Phải chờ mãi nửa thế kỷ sau, bây giờ xem Google Map, tôi mới được biết từ bến Mỹ-thuận có 2 con đường:  một đi Cần-thơ qua phà Cái-vồn và một đi Long-xuyên qua phà Vàm-cống. Còn thấy thật rõ từng cây cầu mới xây hay từng bến phà cũ qua sông; tuy nhiên trí nhớ vẫn còn rất mơ hồ về địa điểm của TTNVVL.

(Vài học viên cùng Cha Ng.V.Tư tại sân TTNV VL)

      Nhưng nhắc đển 2 địa danh Vĩnh-long và TTNVVL, cho đến thời gian gần đây, qua Web longhovinhlong, tôi mới có cơ hội chú ý đến sự nối kết giữa hai địa danh Vĩnh-long và Long-hồ. Rồi tiếp tục được đọc rất nhiều bài bút ký của các cựu học sinh trung-học hay sư-phạm Vĩnh-long kể lại chuyện đời thật của tác giả kèm theo nhiều hình ảnh kỷ niệm, thì tôi dường như cảm thấy có một sợi giây vô hình ràng buộc tôi với Vĩnh-long. Do đó tôi không phải ngại ngần khi cố gắng bơi trên giòng sông web longhovinhlong, lần theo dấu con thuyền văn học của những bạn đi trước để vạch nên một lằn nước in hình ảnh kỷ niệm mờ mờ nhạt nhạt xa xưa của chính mình (như bắt đầu thể hiện trong bài viết này). Thật là một mối duyên quen biết đã trở thành thân thương và quí báu !

     2- Bên bờ sinh tử.- Ngày ấy, 6/3/1973, lần đầu tiên được vẫy vùng trên sông nước, biển khơi. Có cơ hội này là do người thân lúc đó đang làm việc tại Long-xuyên được mời đi du ngoạn Hòn-rai, bằng tàu của Hải-quân. Người ta nói Hòn-rai hay đảo Lý-sơn, chẳng biết có đúng không, bây giờ tra cứu Internet thấy gọi là Hòn-sơn-rai hay Lai-sơn.  Buổi tốí chúng tôi nghỉ đêm tại Rạch-giá, sáng sớm hôm sau lên tàu. Ra khơi, biển yên sóng lặng, gió nhẹ mát rợi...,tàu lướt nhanh trên mặt biển dưới bàu trời trong xanh. Tàu ghé bến, một hòn đảo lớn có đồi núi khá cao, ở cách xa bờ chừng 6 chục cây số.. Bãi biển về phía tàu đậu chạy dài chừng một cây số, ở cuối có một tảng đá to, hình như gọi là đá chài, nằm nghênh ngang giữa đám ghềnh đá nhỏ lô nhô. Còn gì sung sướng cho bằng được ngả lưng trên mặt đá, ngửa mặt nhìn trời cao, tâm tư bay đi tìm An Tiêm và vườn dưa hấu trên một hoang đảo của ngàn xưa: An Tiêm,người đâu tá/Con thuyền trôi nơi nao/Ta kiếm dấu chân Người trên hoang đảo/Nhưng người đi không ở lại cùng ta...Ngày nay, theo Internet quảng cáo thật rõ, hòn đảo này đã được khai thác mạnh để trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng.
(Trên tàu hải quân ra Hòn-Rai)

     Rồi chiều đến, tàu rời bến đưa chàng An-Tiêm của thời nay quay về cố quốc. Ai ngờ, trái với lúc đi, chuyến về suýt nữa đưa tôi xuống thăm thuỷ thần Hà-Bá. Bầu trời biến đổi nhanh quá, mây đen bỗng đâu ùn ùn kéo đến. Tàu đang ở 1/3 xa đảo, 2/3 cách Rạch-giá. Sóng ầm ầm đập vào thân tàu, đôi lúc ngọn sóng bay lên cao và đổ xuống khoang. Người người bị sóng nhồi thành ra lảo đảo cơn say. Ai nấy đều méo mặt nhìn nhau. Càng say sóng, ruột gan tôi càng cồn cào và muốn tìm một chút nước uống, nhưng nhìn thấy ai ai cũng mặt-cắt-không-còn-hột-máu nên đành thôi. Trong một khoảnh khắc suy tư, tôi nghĩ vẩn vơ đến số phận của con người thật mong manh. Tôi nghĩ đến lòng vị tha, tinh thần tích cực giúp đỡ tha nhân trong hoàn cảnh khó khăn với cái chết gần kề, thì không ai có thể dựa hơi địa vị của người đã cho mình đi ké chuyến du lịch này để đòi hỏi người khác phải đáp ứng nhu cầu của riêng mình. Giòng suy tư còn đưa tôi đi xa hơn nữa. Lúc đó, ngay cả bậc công hầu danh tướng, quyền cao chức trọng, hay giàu có cao sang, cũng tự nhiên bị tước mất cái nấc thang giá trị cá biệt của mình. Lúc đó, tôi nhìn ai cũng thấy ủ rũ, tơi tả y như nhau; nếu trước đó đầy vẻ oai phong lẫm liệt thì bấy giờ cũng mất hết; giữa mọi người chỉ còn là hoàn toàn bình đẳng. Giả thử nếu chỉ có 1 cái phao cấp cứu thì có lẽ thật khó kiếm ra được ai là một <<Lê-Lai liều mình cứu chúa>>, ai là nhân vật người vợ trong truyện <<Anh Phải Sống>>của nhà văn Khái-Hưng.

(Bờ sông gần dinh TT và toà án Long-Xuyên "xe của người khác")

    Thôi đành phó mặc cho số phận. Nhớ lại trong thời gian ở quân trường,1967, tôi đã một lần hút chết, đang di hành từ bãi tập trở về bị mìn nhưng tôi đã gặp may vì mìn nổ ở hàng quân đi đầu. Sau đó, cũng may mắn được an toàn như tính mạng được treo trên đầu sợi tóc trước làn đạn AK bắn xẻ hoặc mảnh B40 nổ tung trong biến cố Tết Mậu-Thân, khi tất cả bọn <lính văn phòng> chúng tôi ở Bộ Tổng-tham-mưu chỉ với súng Colt và Carbin phải xuống đường hành quân tiếp cứu một đơn vị bạn ở cạnh Bệnh viện Nhi-đồng, và khi tôi đến phiên đi tuần đêm chỉ một mình cùng tài xế xe jeep vòng quanh khu vực Bộ TTM và Tổng-y-viện Cộng-hoà . Rồi lại một lần,1968, <chàng lính chưa có thâm niên>này được cử đi diễn giảng cho các học viên quân-pháp tại một quân trường ở Vũng-tàu, chiếc máy bay Caribu đã bỗng nhiên tỏa khói vào lúc sắp hạ cánh. Tuy không lâm vào cảnh vào-sinh-ra-tử như biết bao chiến sĩ nơi xa trường, nhưng những hiểm nguy nho nhỏ cũng đủ tạo cho chàng <lính gà chết> một cái nhìn bi quan về đời sống. Một khoảnh khắc ta còn đó, một khoảnh khắc sau ta mất đi, đời có nghĩa gì đâu hay chỉ là ảo ảnh, hư vô!  Chỉ còn một niềm tin vớt vát: sống hay chết tuỳ theo số phận của từng người. Giòng suy tư đang thăng trầm theo nhịp con tàu trồi lên chúi xuống trong đợt sóng điên cuồng, bỗng bờ biển Rạch-giá mờ mờ hiện ra nơi chân trời. A ha! An Tiêm đã trở về tới bến bờ quê hương, tổ quốc ! Về sau, hình ảnh khủng khiếp giữa lòng đại dương còn in mãi trong tâm khảm cộng thêm những lời thuật lại về những chuyến vượt biển đầy hiểm nguy của biết bao người, càng làm tôi không dám dấn thân vào chuyến hải hành ra đi tìm vùng đất hứa. Đối với những ai đã từng gặp sóng gió ngoài biển khơi, chắc khi đọc những giòng hồi ký này sẽ mỉm cười vì nghĩ rằng chuyến đi biển của tôi có thấm tháp vào đâu mà đã mặt mày tái-ma-tái-mét rồi, phải không?
(May 2014)
 *  Phụ lục một bài thơ về biển:

Đại Dương Và Ta

* Mặt biển bao la
Chơi vơi làn sóng cả
Và trùng dương trỗi dậy bản hùng ca.
* Âm thanh dào dạt
Nước trời bát ngát
Oai hùng thay vũ trụ một mình ta.
*Quên đi đời náo động
Tâm hồn ta mở rộng
Xiết vòng tay ôm chặt khoảng mênh mông.
*An Tiêm người đâu tá?
Con thuyền trôi nơi nao
Ta kiếm dấu chân Người trên hoang đảo
Nhưng Người đi không ở lại cùng ta.
*Ta đón vầng chiêu dương
Tiễn đưa bóng chiều tà
Gầm đại dương rực rỡ ánh hào quang.
*Rồi trong đêm huyền bí
Sao chìm dưới đáy sâu
Rung theo nhịp trái tim ta chuyển
Chung quanh ta lấp lánh triệu tinh cầu.
*Thời gian dừng hẳn lại
Những thanh âm bản trường ca vĩ đại
Đưa hồn ta lướt nhẹ sóng trùng dương
Ta say sưa trong Vũ khúc Nghê-Thường.

(H.N.T.SG.3/56)
Georgia,USA, May 2014,


ChinhNguyen/H.N.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét