Thứ Năm, 27 tháng 3, 2025

Mộng Giang Nam Kỳ 2 夢江南其二 - Ôn Đình Quân (Vãn Đường)

(Từ)

Ôn Đình Quân (溫庭筠, 812-870), vốn tên Kỳ (岐), tự Phi Khanh (飛卿); là nhà thơ, và là nhà làm từ Trung Quốc thời Vãn Đường.

Ôn Đình Quân là người đất Kỳ, phủ Thái Nguyên (nay là huyện Kỳ, tỉnh Sơn Tây), là cháu nội của Ôn Ngạn Bác, tể tướng triều Đường Cao Tông.

Ông thông minh, giỏi văn thơ, âm nhạc; nhưng dung mạo xấu xí và có tính phóng đãng. Ông “thường cùng bọn con em vô lại các nhà quý tộc ra vào nơi ca lâu, rượu chè, bài bạc, say đắm nữ sắc, vì thế bị các sĩ đại phu đương thời khinh rẻ, suốt đời không đỗ được tiến sĩ”.

Có một thời, ông hay lui tới nhà quan tướng quốc Lệnh Hồ Đào (con Lệnh Hồ Sở), nhưng sau vì việc riêng, Hồ Đào đâm ra ghét ông.

Đến khi người ông quen là Từ Thương đi trấn giữ Tương Dương, ông được theo làm tuần quan, nhưng rồi vì bất đắc chí, ông xin thôi chức để sống đời phiêu lãng.

Mãi đến khi tuổi đã cao, đời vua Đường Tuyên Tông, ông mới nhận làm chức úy ở Phương Thành, rồi đổi sang huyện Tùy. Năm 866, ông được cử làm chủ thí, cuối cùng Quốc tử trợ giáo. Sau, ông lại bỏ chức, từ giã kinh thành Trường An, đi lưu lạc giang hồ cho đến khi mất.

Trước đây, người ta thường coi Lý Thương Ẩn và Ôn Đình Quân là hai nhà thơ cùng một phái, và gọi là “Ôn Lý”. Song, theo các nhà nghiên cứu văn học gần đây, thì gọi như thế có phần không chính xác, vì phong cách nghệ thuật của hai ông rất khác nhau. Về thành tựu thơ ca, Ôn Đình Quân còn kém xa Lý Thương Ẩn, vì thơ ông có phần “phù phiếm, nông cạn, thiếu những tình cảm chân thành”; nhưng nói về từ thì ông có nhiều bài rất đặc sắc. Từ của Ôn Đình Quân hiện còn hơn 70 bài trong Kim thuyên tập, nội dung hầu như đều viết về phụ nữ, về những mối sầu tương tư; và lấy màu sắc nồng đượm, lời lẽ hoa mỹ, tạo thành phong cách “thơm tho mềm mại, tràn ngập hương vị son phấn” của riêng ông. Phong cách này có ảnh hưởng đến các nhà làm từ đời sau, hình thành “Phái trong hoa” (Hoa gian phái) mà ông được tôn vinh là người đứng đầu.

Cho nên khi nói về từ đời Đường, học giả Nguyễn Hiến Lê cũng đã có lời khen ngợi từ của ông như sau:

Từ Ôn Đình Quân rất diễm lệ, lại sáng tác được nhiều điệu mới, ảnh hưởng đến đời sau rất nhiều. Ông đứng đầu trong nhóm từ gia có tác phẩm chép trong bộ “Hoa gian tập”. Ông chiếm một địa vị đặc biệt ở giữa cái thời thơ suy mà từ thịnh.

Tác phẩm của ông có Hán Nam chân cảo và Ác Lan tập, song đều tán lạc không còn nhiều.
(Trích trong Thi Viện)


Nguyên tác Dịch âm

夢江南其二 Mộng Giang Nam kỳ 2.

梳洗罷 Sơ tẩy bãi,

獨倚望江樓 Độc ỷ Vọng Giang lâu.
過盡千帆皆不是 Quá tận thiên phàm giai bất thị,
斜暉脈脈水悠悠 Tà huy mạch mạch thuỷ du du,
腸斷白蘋洲 Trường đoạn bạch tần châu.

Chú giải

梳 sơ: cái lược, chải đầu.
洗 tẩy: giặt, rửa (mặt).
罷 bãi: ngừng; xong; bãi bỏ.
帆 phàm: buồm thuyền.
洲 châu: bãi; cù lao; châu lục.

Dịch từ

Mộng Giang Nam kỳ 2

Chải đầu xong,

Ngồi tựa Vọng Giang lầu.
Ngắm cả ngàn buồm đều chẳng phải,
Tà dương lãng đãng nước nao nao.
Ruột đứt cỏ tần đau!

Lời bàn

Đây là kỳ 2 trong một cụm hai bài từ tả tâm trạng của một kẻ thất tình ngóng người yêu biệt tăm (Xem kỳ 1: LTCD thế kỷ 21 số 707). Bài từ có 5 câu, làm theo điệu Mộng Giang Nam kỳ 2; ngôn từ kỳ này cũng lãng mạn và ai oán như kỳ 1.
Đại ý của toàn bài: chải đầu xong, một mình ngồi tựa lầu ven sông ngắm cả ngàn thuyền mà không thấy thuyền của người yêu, chỉ thấy ánh tà dương nao nao và cỏ tần trắng xóa (ví với tóc mình đã bạc như cỏ tần); đau đứt ruột.

 Con Cò
***
Xong Tắm Gội.

Một bóng tựa lầu sông,
Ngắm cả ngàn buồm sao chẳng thấy.
Chiều buông lặng lẽ nước mênh mông.
Nát dạ bãi tần trông.

Mỹ Ngọc phỏng dịch.
Mar. 15/2025.
***
***
Nhớ Giang Nam kỳ 2

Điểm trang đơn giản cho xong
Lên sân thượng ngắm con sông lững lờ
Ghe thuyền tấp nập hai bờ
Ở đâu thuyền mộng đợi chờ ngóng mong?
Nắng chiều êm ái thong dong
Đau lòng đứt ruột chợt trông Bạch Tần

Thanh Vân
***
Sơ Chải Gội.

Ngắm sông, dựa trên lầu
Nhìn hết ngàn thuyền đều chẳng phải
Chiều buông hiu hắt nước lao xao
Đứt ruột Bạch Tần châu!

Sơ trang cô quạnh dựa lầu cao
Ngàn thuyền soi hết bóng chàng đâu?
Hắt hiu chiều xuống mênh mông nước
Sầu dâng đứt ruột Bạch Tần châu!

Lộc Bắc
***
Mộng Giang Nam Kỳ 2

Tóc chải y thay phấn điểm trang
Lầu cao mong ngóng bóng tình lang
Tà huy hấp hối trôi trên nước
Dõi mắt ngàn dâu chẳng thấy chàng

Kiều Mộng Hà
March.21.2025
***
Đúng như ÔC nói, bài này cũng tả nỗi lòng của người thiếu phụ đợi chồng hay người yêu.

Câu 1:
Sơ là cái lược hay chải đầu.
Tẩy là giặt, rửa.
Bãi là xong, hết.

Vậy Sơ Tẩy Bãi là Gội Đầu Xong có lẽ hợp lý hơn là chải đầu, vì thiếu chữ tẩy không dịch.

Câu 2: một mình ngồi tựa lầu Vọng Giang.
Câu 3: qua hết cả ngàn cánh buồm mà không đúng cái của chàng.
Câu 4:
Tà huy là lúc chiều tàn, hoàng hôn.
Mạch là đường máu chảy, như động mạch. Mạch mạch là nhìn đăm đăm.

Du là nhớ những, xa xôi, lo buồn. Du du là lo lắng, bối rối, xa dằng dặc, thăm thẳm. (Tống quân khứ hề tâm du du, đưa chàng lòng dằng dặc buồn, trong Chinh Phụ Ngâm.). Câu tà huy mạch mạch thủy du du, BS hiểu là lúc chiều tàn, nàng nhìn đăm đăm trên sông, thấy nước trôi xa dằng dặc.

Câu 5:
Tần là một loại rau. Tần châu là bãi có rau tần. Rau tần trắng xóa làm nàng đau lòng đến đứt ruột…

Gội Đầu Xong,

Mình tựa Vọng giang lâu,
Ngàn cánh buồm qua chẳng thấy đâu,
Chiều tàn, nhìn nước trôi dằng dặc,
Đứt ruột trắng tần châu.


Đầu gội vừa xong chợt thấy sầu,
Một mình ngồi tựa Vọng giang lâu,
Ngàn cánh buồm qua mà chẳng thấy
Chiều tàn dằng dặc nước trôi mau,
Đứt ruột rau tần đà trắng bãi,
Bao giờ mình mới gặp lại nhau.

Dịch kiểu này rõ ý hơn, vì BS thêm một câu, thôi thì xin lỗi tác giả và độc giả.

Bát Sách.
(Ngày 17/03/2025)
***
Mộng Giang Nam Kỳ 2 - Ôn Đình Quân

夢江南其二 - 溫庭筠

Bài từ này có tựa nguyên thủy là Mộng Giang Nam 夢江南 đăng trong sách thời Đường. Các sách thời Minh Thanh đổi tựa là Ức Giang Nam 憶江南, nên chỉ có từ phổ dưới tựa này. Điển hình là bài Ức Giang Nam của Bạch Cư Dị. Bài có 27 chữ, 5 câu, ngắn dài khác nhau, câu 2, 4 và 5 vần bằng, có mộc bản trong các sách:

Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁
Hoa Thảo ? Biên - Minh - Trần Diệu Văn 花草稡編-明-陳耀文
Hoa Gian Tập - Đường – (Hậu Thục) Triệu Sùng Tộ 花間集-唐-(後蜀) 趙崇祚
Từ Tống - Thanh - Chu Di Tôn 詞綜-清-朱彝尊


Luật thanh:

Phiên âm:

Nguyên tác:

Khâm phổ

BXT

XTTBBv
XTXBBTT
XBBTTBBv
BTTBBv

Long phổ

BXT

XTTBBv
XTXBBTT
XBXTTBBv
XTTBBv

Ức Giang Nam Kỳ 2

Sơ tẩy bãi

Độc ỷ vọng giang lâu
Quá tận thiên phàm giai bất thị
Tà huy mạch mạch thủy du du
Trường đoạn bạch Tần Châu

夢江南其二

梳洗罷

獨倚望江樓
過盡千帆皆不是
斜暉脈脈水悠悠
腸斷白蘋洲

Chú thích: X: thanh không bắt buộc B: thanh bằng bắt buộc
T: thanh trắc bắt buộc Bv: thanh bằng vần
Khâm phổ chỉ khác Long phổ ở chữ 3 câu 4 và chữ 1 câu 5.

Ghi chú:

Mộng Giang Nam: nguyên là tên bài hát của Giáo Phường thời Đường, sau được được dùng chỉ một từ điệu; nhà Thanh đổi tên là Ức Giang Nam
Sơ tẩy: chải tóc, rửa mặt, trang điểm và các hoạt động hàng ngày khác của phụ nữ.
Giang lâu: tháp nằm cạnh bờ sông, vọng giang lâu:
Thiên phàm: ngàn cánh thuyền buồm
Giai: trạng từ, tất cả
Bất thị: không hẳn
Tà huy: ánh sáng nghiêng, ánh nắng chiều trước khi mặt trời lặn
Mạch mạch: nhìn nhau đăm đăm, yên lặng dịu dàng trìu mến, thường được dùng để bộc lộ cảm xúc
Du du: liên tục, không đạt yêu cầu
Trường đoạn: đứt ruột, diễn tả nỗi buồn và đau khổ tột cùng
Bạch (bình): cỏ nổi trên mặt nước, màu trắng. Vào thời xa xưa, nam nữ thường hái hoa bình làm quà chia tay.
Châu: vùng đất gần nước
Bạch Tần Châu: địa danh, tên một đảo trên sông Lô

Dịch nghĩa:

Ức Giang Nam Kỳ 2 Nhớ Giang Nam Kỳ 2

Sơ tẩy bãi Trang điểm qua loa xong

Độc ỷ vọng giang lâu Một mình lên lầu nhìn ra sông
Quá tận thiên phàm giai bất thị Hơn ngàn con thuyền đi qua nhưng không thấy thuyền mong đợi
Tà huy mạch mạch thủy du du Nắng chiều dịu dàng, nước chảy triền miên
Trường đoạn Bạch Tần Châu Buồn đứt ruột nhìn thấy Bạch Tần Châu.



Sau khi trang điểm, một mình nàng lên lầu nhìn dòng sông. Hàng ngàn con thuyền đi qua, nhưng người nàng mong chờ vẫn không xuất hiện. Ánh nắng mặt trời chiếu rọi xuống dịu dàng và dòng sông vẫn chậm rãi trôi. Nỗi nhớ nhung càng ray rứt khi nàng nhìn xa thấy Bạch Tần Châu.

Khâm phổ:

BXT

XTTBBv
XTXBBTT
XBBTTBBv
BTTBBv

Phiên âm:

Ức Giang Nam Kỳ 2

Sơ tẩy bãi

Độc ỷ vọng giang lâu
Quá tận thiên phàm giai bất thị
Tà huy mạch mạch thủy du du
Trường đoạn bạch Tần Châu

Điền từ:

Nhớ Giang Nam 2

Trang điểm nhã

Đơn độc bước lên lầu
Nhìn thấy ngàn thuyền nguời chẳng thấy
Nắng chiều êm dịu nước trôi mau
Đứt ruột thấy Tần Châu.

Chú thích: X: thanh không bắt buộc B: thanh bằng bắt buộc
T: thanh trắc bắt buộc Bv: thanh bằng vần

Dịch thơ:

Nhớ Giang Nam 2

Trang điểm vừa xong bước đến lầu,
Ngàn thuyền qua lại thấy chàng đâu.
Nắng chiều êm dịu trên dòng nước,
Đứt ruột nhìn xa chỉ bãi dâu.

Phí Minh Tâm
***

 Góp ý:


Tựa đề 夢江南=Mộng Giang Nam

Đoàn An Tiết (段安节), rể của Ôn Đình Quân, nghiên cứu về âm nhạc và viết cuốn 樂府雜錄=Nhạc Phủ Tạp Lục nói về nguồn gốc của cổ nhạc, ngũ âm luân (五音輪) và nhị thập bát điệu đồ (二十八調圖, những loại nhạc dùng trong triều đình), tên hiệu và giai thoại về những ca kỷ. v.v... Rất tiếc là tác phẩm nguyên thủy với hình ảnh và lời diễn tả nhạc điệu đã thất truyền nên người đời sau có rất ít dữ kiện về nhạc thời Đường. Trong cuốn sách đó, họ Đoàn cho ta biết rằng tên đầu tiên của từ bài Mộng Giang Nam là Tạ Thu Nương (謝秋娘) và đến từ một câu trong bài từ do Lý Đức Dụ (李德裕, tể tướng thời Đường) viết cho ca kỷ Tạ Thu Nương. Bài từ có thêm nhiều tên về sau tùy theo một câu nào đó trong bài từ do các thi nhân viết: Ức giang nam, Giang nam hảo với Bạch Cư Dị; Xuân khứ dã với Lưu Vũ Tích; Vọng giang lâu với Ôn Đình Quân (rồi thành Vọng giang nam); Mộng giang nam hay Mộng giang khẩu với Hoàng Phủ Tùng; An Dương hảo với Vương An Trung; Mộng tiên du với Trương Tư; Bộ hư thanh với Thái Chân Nhân; ngoài ra còn có các tên Hồ san hảo, Vọng bồng lai, Quy tắc bắc. Thế có nghĩa rằng cho dù các bài từ đó có tựa đề khác nhau, chúng vẫn phải theo đúng âm vận của một bài nhạc nguyên thủy.

Huỳnh Kim Giám

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét