Thủy và Sơn là hai anh em cách nhau hơn một tuổi và là bạn học cùng lớp với tôi. Thủy làm anh, Sơn em. Tên đầy đủ là Trần Hồng Thủy và Trần Ðại Sơn. Hai anh em nhà họ Trần này tánh tình rất khác biệt và không bao giờ hòa thuận. Sơn và tôi đều nhỏ con như nhau, nên được cô giáo chủ nhiệm xếp cho ngồi bàn đầu với Lan và Ngọc.
Ở trường trung học cơ sở Vĩnh Lương, nơi chúng tôi học, năm đó có năm lớp 6, bốn lớp 7, ba lớp 8, và hai lớp 9. Ban đầu hai lớp 9 trong trường là lớp 9A và 9B. Nhưng học được vài tháng thì một phần tư học sinh nghỉ học và cô giáo chủ nhiệm của lớp 9B nghỉ phép để sinh con nên cả hai lớp gộp chung lại thành một. Chúng tôi gọi là lớp học mới là lớp 9AB.
Lớp học chúng tôi sau khi gộp chung lại có 47 học sinh. Mỗi bàn được chia từ ba đến bốn đứa bao gồm trai và gái xen kẽ lẫn nhau. Lan ngồi đầu bàn, tới Sơn, Ngọc, rồi tới tôi. Ngoài chung bàn trong lớp học ra, nhà Sơn và nhà tôi đều ở trên một con đường. Tôi ở đầu đường còn Sơn cuối đường, trong con hẻm nhỏ gần con sông Cóc.
Tuy Thủy và Sơn là hai anh em ruột, nhưng hai đứa nó sống khác nhà. Nghe Sơn kể lại, hai anh em tách biệt từ khi chúng lên năm lên sáu. Ba của chúng tên Tân là một tài công, người thợ chính làm thuê trên tàu đánh cá, trong thị xã chúng tôi ở. Một lần đi biển, chủ tàu đánh cá và gia đình họ vượt biên nên ông Tân cũng đi theo trên chuyến tàu đó.
Sau khi ba của Thủy và Sơn vượt biển được vài năm, má chúng cũng đi lấy chồng khác. Vì vậy hai anh em tách rời nhau. Thủy sống cùng ông bà nội và chú bác của mình ở xóm Chài, gần biển. Còn Sơn sống với gia đình bên ngoại gồm ông bà ngoại và dì Út, bên xóm sông con Cóc.
Kể từ khi má của Thủy và Sơn lấy chồng khác, rời khỏi thị xã Vĩnh Lương này, hai gia đình nội ngoại chúng cũng không còn nhìn mặt nhau. Cũng từ đó hai anh em cũng kình nhau như nước với lửa.
Thủy ở bên nội. Nhà nội của Thủy làm thuê cho những người chủ tàu đánh cá trên biển. Nhà nội Thủy có đông anh em chú bác, nên cuộc sống của Thủy cơ cực. Ngược lại, nhà ngoại Sơn có vườn trái cây ăn trái và gian hàng buôn bán trái cây, rau củ trên chợ thị xã, nên có đồng ra đồng vào. Vả lại Sơn là cháu trai duy nhất trong nhà nên được ông bà ngoại và dì Út cưng chiều. Ông bà ngoại và dì Út luôn cho tiền Sơn tiêu vặt mỗi ngày, khi đi học.
Trần Hồng Thủy, tên tuy giống con gái, nhưng nó rất đẹp trai. Thủy cao hơn Sơn và tôi. Chúng tôi chỉ đứng tới vai của Thủy. Thủy có làn da nâu, rám nắng, mũi cao, mày rậm. Nó mới mười sáu, nhưng Thủy có thân hình to lớn và hàm râu quai nón để tới cằm nhìn rất phong trần. Thủy có khiếu vẽ và nó vẽ rất đẹp. Ngược lại với Thủy, Trần Ðại Sơn có nước da trắng nõn, cũng khá đẹp, nhưng nét đẹp của nó có phần giống con gái. Sơn nói năng nhỏ nhẹ, dáng đi và tay chân hơi ẻo lả. Nghe bạn bè gần nhà nó kể lại hồi nhỏ nó được dì Út coi như con gái, nên cho nó mặc quần áo con gái. Nó cũng không thích chơi những trò chơi mạnh bạo như con trai trong xóm mà chỉ chơi những trò chơi như nhảy dây, bán đồ hàng, hay ô quan. Sơn cũng có hoa tay giống anh, nó viết chữ rất đẹp và sách vở lúc nào cũng gọn gàng, ngăn nắp. Mỗi lần trong lớp đứa nào nghỉ học đều mượn vở của nó để chép bài. Vào những dịp lễ lộc hay có văn nghệ lớp đều do hai anh em Thủy Sơn vẽ và trang trí và viết chữ.
Ở trong và ngoài lớp học Sơn rất sợ Thủy vì nó luôn bị Thủy đánh đòn. Hễ có việc gì không vừa lòng là Thủy rượt nó để đánh. Trong lớp chúng tôi sau khi gộp lại, bạn bè chia ra làm nhiều nhóm chơi với nhau. Mỗi nhóm chừng mười đứa. Thủy là một thủ lĩnh của một nhóm chuyên gây gổ và đánh lộn với nhóm của Tèo, lớp trưởng. Với thân hình cao to và rắn chắc, Thủy không sợ ai trong lớp.
Hôm đó là thứ Sáu, giờ Sinh Học. Do gia đình cô Hồng có việc đột xuất, nên chúng tôi được thầy giám thị cho về sớm. Sơn rủ chúng tôi về nhà nó chơi và hái ổi ăn.
Nhà ngoại Sơn ở có vườn cây ăn trái bên cạnh con sông Cóc chảy từ quốc lộ số Một ra tới cửa biển Vĩnh Lương. Trên đường từ trường về, nơi ngã ba đường, chúng tôi thấy Thủy bị nhóm của Tèo đè ra đánh. Một nhóm năm sáu đứa đánh Thủy. Thấy vậy chúng tôi cứ tưởng là Sơn sẽ bênh vực anh mình, nhưng không. Sơn thấy anh bị đánh, nó còn la lớn:
- Ðánh nữa đi. Ðánh cho nó chết. Ðánh cho nó chừa.
Sơn vừa hét vừa chạy lại đá vào mông anh mình vài cái rồi bỏ chạy ra xa. Nó vừa chạy vừa cười trước sự ngỡ ngàng của chúng tôi. Có lẽ nhóm của Tèo đã đánh Thủy hả hê, nên thấy chúng tôi đi tới họ dừng tay, không đánh nữa. Họ lặng lẽ bỏ đi.
Thủy lồm cồm đứng dậy. Mặt mày nó bầm tím, sưng vù. Ðầu tóc bù xù vì bị nhóm của Tèo đánh. Nó đau. Nhưng nó không nhìn đám của thằng Tèo đang rời khỏi, mà nó đưa mắt căm phẫn nhìn Sơn. Nó chỉ tay về phía Sơn, nghiến răng, nói như thét:
- Cái thằng biến thái kia. Tao mà bắt được mày là bầm mình với ông nhe con.
Sơn nhìn anh nó cười ngặt nghẽo và trêu chọc:
- Mày làm gì được tao. Bắt được tao, tao cho năm ngàn mua thuốc hút. Tao biết mày thèm thuốc... Nè... Nè.... Tới đây lấy tiền nè.
Thủy đứng im, nghiến răng trèo trẹo. Nó cố lê chân tính đuổi theo thằng em trời đánh. Nhưng nó biết sức của nó giờ không thể chạy đuổi theo được. Nó nhìn qua chúng tôi rồi hỏi:
- Tụi bây đi theo thằng biến thái đó hả?
- Ừa... Tụi tao tới nhà ngoại mày hái ổi. Sơn nói nhà ngoại mày nhiều ổi lắm. Mày có đi với tụi tao không?
- Thôi bọn mày đi đi. Tao không đi. Mà tao có muốn cũng không được. Ông bà ngoại tao ghét tao lắm, cả bà dì của tao nữa. Ngoài đó chỉ biết có thằng biến thái đó là cháu thôi.
Thủy chua chát trả lời.
Lan và Ngọc nhìn Thủy ái ngại hỏi:
- Bạn có sao không, Thủy?
- Thủy có sao không?
- Tui không sao. Chuyện nhỏ. Hôm trước tui đánh bạt tai thằng Tèo, nên giờ nó chận đường trả thù. Có vay có trả, ăn thua gì. Chỉ tức cái thằng biến thái kia kìa.
Ba đứa chúng tôi nhìn Thủy. Thấy vậy, nó xua tay nói:
- Tụi bây đi đi. Tui không sao hết.
Nói rồi nó lê đôi chân của mình đi về hướng của tụi thằng Tèo để đi về nhà. Thủy đi rồi, ba đứa chúng tôi mới tới chỗ Sơn đứng. Tôi hỏi nó:
- Sao mày thấy anh bị đánh không binh vực mà còn hùa theo đám thằng Tèo?
- Tại nó thôi. Ai biểu nó đánh tao miết. Nên có dịp tội gì không đá nó vài cú cho bỏ tức.
Nhỏ Lan và nhỏ Ngọc nhìn Sơn lắc đầu rồi cười.
Buổi trưa, cơn gió nhẹ thổi từ bờ sông con Cóc mát rượi. Càng trèo lên cao, gió càng thổi mạnh. Cơn gió thổi lồng lộng mỗi khi tôi vói tay hái những trái ổi xa tầm tay. Cơn gió chui vào tay áo, nhồn nhột. Tôi hái những trái ổi có làn da láng bóng rồi gọi nhỏ Lan và nhỏ Ngọc để hứng lấy. Nhưng tôi ném trái nào, trái nấy đều rớt xuống đất, mặc dầu những trái ổi đã rơi vào tay hai nhỏ. Hai cô nàng cứ la lên bảo tôi ném trúng tay đau quá nên không chụp được. Nghe hai cô nàng nói vậy, tôi không ném xuống nữa mà bỏ vào hai túi quần và túi áo. Khi tôi hái đầy cả hai túi quần và áo, tôi hái thêm vài chùm ngậm vào miệng rồi mới từ từ trèo xuống.
Nhìn những chùm ổi trên tay tôi, nhỏ Lan tặc lưỡi hỏi bạn:
- Ngọc nè... Bà nghĩ ổi này chấm muối ớt ra sao héng?
Thì ngon tuyệt vời ông mặt trời chứ sao.
Nói rồi Ngọc quay qua hỏi Sơn:
- Sơn, vườn nhà bạn có ớt không? Hái mấy trái làm muối ớt ăn cho ngon.
- Có! Tưởng gì chứ ớt nhiều lắm. Chim ăn ỉa mọc tùm lum cạnh bờ sông kìa.
Chúng tôi đi theo Sơn ra gần bờ sông để hái ớt. Những trái ớt Xiêm rừng nhỏ bằng móng tay thơm lừng. Nhỏ Ngọc hái vài trái, nói:
- Mình hái bốn trái chắc đủ rồi. Ớt này cay và thơm lắm.
- Chưa ăn mà nước miếng muốn trào ra rồi.
Bốn đứa chúng tôi vào nhà Sơn để tìm muối làm muối ớt để ăn ổi. Khi đi ngang qua cái giếng nước, chúng tôi thấy cây khế sai trĩu. Ngọc hỏi:
- Sơn, mình hái mấy trái khế được không?
- Ðược. Nhưng khế này chua kinh khủng lắm. Dì tui hái lên chợ bán cho người ta nấu canh chua thôi. Ðố mấy bạn ăn hết một trái.
- Lo gì, nhỏ Ngọc trùm ăn chua đó nha.
Nhỏ Lan chen vào nói.
Ngọc vói tay lên hái một chùm khế rồi cả bốn đứa chúng tôi đi ra bờ sông ăn trái cây. Những trái ổi sẻ giòn rụm chấm muối ớt xanh thơm nồng vừa ăn vừa hít hà thật đã. Ăn vài trái ổi, tôi không ăn thêm được nữa vì quá cay.
Ăn ổi xong, Ngọc lấy trái khế ra, cắn bỏ đầu rồi chấm vào chén muối ớt. Vừa bỏ vào miệng nhai cô nàng rùng mình, nhắm mắt thè lưỡi ra nói:
- Chu cha mẹ ơi nó chua còn hơn giấm.
Thấy vậy, Sơn cười toe, nói:
- Tui nói rồi mà bà không tin.
Ở nhà Sơn chơi gần một giờ, nhỏ Lan nhỏ Ngọc muốn về, nên Sơn đưa chúng tôi ra tới ngõ rồi tạm biệt.
Ba chúng tôi chia tay ở ngã ba đường.
Chúng tôi học hết học kỳ một rồi nghỉ ăn Tết. Tết xong, chúng tôi trở lại trường lớp học và chuẩn bị ôn thi cuối cấp hai. Chúng tôi đứa nào cũng bận rộn học bài và học thêm những môn học cho kỳ thi tốt nghiệp, nhất là môn toán đại số và hình học.
Gần phân nửa lớp chúng tôi đều đi học thêm ở lớp toán ban đêm do một người thầy nghỉ hưu dạy. Lớp học bắt đầu vào 6 giờ chiều và kết thúc 8 giờ tối. Lớp học thêm của chúng tôi nằm cạnh chuồng heo nhà thầy. Thỉnh thoảng chúng tôi nghe tiếng heo en éc, ụt ịt, khi thấy bóng chúng tôi đi lên bản để chứng minh một phương trình toán học. Nhỏ Thúy, là học sinh giỏi nhất lớp có làm một bài thơ tả về lớp học thêm của chúng tôi như sau:
Lớp em ở cạnh chuồng heo
Mỗi khi lên bảng làm theo phương trình
Con heo nó nằm chình ình
Thấy em đi tới thình lình đòi ăn
Nhìn nó em thấy băn khoăn
Em đang đi học hay chăn heo này
Nhưng em không dám nói thầy
Sợ làm thầy giận tặng đầy phân heo
Ăn Tết xong, chúng tôi thêm một tuổi, những suy nghĩ cũng khác hơn. Thủy không còn rượt đánh Sơn như hồi đầu năm nữa. Tuy thỉnh thoảng Sơn vẫn còn cà khịa anh trai. Sơn không còn gọi anh nó bằng mày xưng tao nữa mà đổi thành ông với tui.
Có lần Thủy thèm thuốc lá, nhưng không có tiền mua thuốc. Thủy gọi Sơn lại, nhỏ nhẹ nói:
- Sơn nè…
- Cái gì? Muốn gì? Tui nghi lắm đa.
- Mày có tiền không, cho anh vài ngàn đi.
- Tui biết mà. Ông thèm thuốc rồi chứ gì.
- Mày biết rồi còn phải hỏi.
- Cho ông cũng được. Nhưng ông để tui tát ông hai cái.
- Thằng này hỗn. Ðòi tát anh mày?
- Ông không chịu thì thôi. Tui không ép ai đâu à nha.
Suy nghĩ một lúc, Thủy đi tới gần Sơn, nghếch mặt lên chờ đợi. Sơn đưa tay lên thẳng tay tát mạnh hai cái vào má anh trai. Tát xong, Sơn rút trong túi ra tờ tiền năm ngàn màu xanh cho anh.
Cho tiền xong, Sơn khoái chí cười. Thủy xoa xoa lên má mình rồi hít hà nói:
- Cái thằng....
Nó kịp ngừng lại hai chữ "biến thái"...
Chúng tôi ngơ ngác nhìn hai anh em nhà nó rồi phì cười. Trên má Thủy hằn lên những vết đỏ rần. Nhưng cũng kể từ đó anh em Thủy Sơn không còn gây gổ nữa.
Võ Phú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét