Thứ Tư, 28 tháng 2, 2024

Giới Thiệu Bài Thơ “Thuyền Viễn Xứ” Của Huyền Chi

 

Nhiều người trong miền Nam trước đây đã nghe và có khi đã nghe rất nhiều lần ca khúc “Thuyền Viễn Xứ” rồi chỉ đơn giản nghĩ rằng tác giả ca khúc bất hủ này là nhạc sĩ quá nổi tiếng – Phạm Duy! Cũng ít ai nghĩ rằng “lão phù thủy” phổ nhạc đã lấy ý bài thơ có cùng tiêu đề của một cô nữ sinh 18 tuổi có bút hiệu là Huyền Chi để “khai sinh” ra bản nhạc tuyệt vời như vậy.

Trong miền Nam từ 1954 đến 1975, trên bìa bản nhạc ở miền Nam, những bản nhạc thời ấy được xuất bản dưới hình thức in rời bằng giấy cứng khổ lớn in 2 mặt, gấp lại ở giữa. Ca khúc “Thuyền Viễn Xứ” được cả hai nhà xuất bản Tinh Hoa và Á Châu ấn hành đều ghi rõ: nhạc: Phạm Duy, thơ: Huyền Chi, nhưng ít ai lại biết đến nữ sĩ này hoặc có người biết ca khúc này do Phạm Duy phổ thơ nhưng lại nhớ nhầm là thơ của Hà Huyền Chi!

Phạm Duy cho biết ông sáng tác “Thuyền Viễn Xứ” năm 1952, khi mới vào định cư ở Sài Gòn, trước đợt di cư 1954 khi tình cờ được “nàng thơ” Huyền Chi mới 18 tuổi tặng tập thơ đầu tay mới in chưa ráo mực.


Huyền Chi là bút danh của Hồ Thị Ngọc Bút, sinh năm 1934 tại Từ Sơn - Bắc Ninh, theo gia đình vào Nam từ trước năm 1954. Lúc mới vào Nam (1948-1949), cô ở với chị gái tại Đà Lạt, sau đó đến năm 1950 về Sài Gòn vừa đi học vừa phụ mẹ trông nom sạp vải ở chợ Bến Thành. Bài thơ Thuyền viễn xứ là một trong 22 bài thơ nằm trong tập thơ “Cởi mở” của Huyền Chi xuất bản năm 1952, trong thời gian cô sinh hoạt với một nhóm văn nghệ sĩ trẻ và làm thư ký tòa soạn chuyên trách mục thơ cho Tạp chí Phụ Nữ của bà Nguyễn Thị Lan Phương.

“Thuyền Viễn Xứ” vốn là một bài thơ lục bát 24 câu, tuy lời thơ có vẻ... cổ phong vốn là chuẩn mực vào thời đó nhưng vẫn toát lên một nỗi buồn man mác. Bố cục bài thơ cũng rất “chắc tay”, hồn thơ tinh tế. Tập thơ vừa in xong tại nhà in Sống Chung trên đường Trần Hưng Đạo thì tình cờ Huyền Chi gặp nhạc sĩ Phạm Duy khi ông đến thăm bà chủ nhà in. Cô ký tặng nhạc sĩ tập thơ “Cởi mở”.
Bài thơ thật hay, thanh thoát đượm nỗi buồn man mác của kẻ giong thuyền ra khơi, trên sông bao la biết đâu là bến bờ, rộn ràng niềm nhớ cố hương....
Cũng nghĩ là chút “duyên văn nghệ” thế thôi, bởi đó là lần gặp gỡ duy nhất giữa hai người. Vậy mà người được tặng tập thơ đã chọn một bài thơ lục bát rất... truyền thống trong tập thơ ấy để phổ thành ca khúc. Điều đáng nói là nhạc sĩ Phạm Duy đã trổ tài “phù thủy” khiến trong ca khúc phổ thơ của ông, khó ai tìm thấy bóng dáng của thể loại lục bát.

Huyền Chi lập gia đình với giáo sư Trần Phụng Tường vào năm 1954, và theo chồng ra Phan Thiết, nơi ông đang dạy Pháp văn ở Trường trung học Phan Bội Châu. Ở đây bà mở hiệu sách Bút Hoa và dạy Anh văn.

( Huyển Chi và Chồng)

Sau biến cố 1975 bà cùng gia đình dời về lại Sài Gòn. Phu quân của bà, giáo sư Trần Phụng Tường đã tạ thế năm 2010. Trong 7 người con của ông bà, 4 người hiện ở Việt Nam, 3 người ở Hoa Kỳ.

Thuyền Viễn Xứ - thơ Huyền Chi

Ra khơi sương khói một chiều
Thùy dương rũ bến tiêu điều ven sông
Lơ thơ rớt nhẹ men lòng
Mây trời pha ráng lụa hồng giăng ngang
Có thuyền viễn xứ Đà Giang
Một lần dạt bến qua ngàn lau thưa
Hò ơi! Câu hát ngàn xưa
Ngân lên trong một chiều mưa xứ người
Đường về cố lý xa xôi
Nhịp sầu lỡ bước, tiếng đời hoang mang
Sau mùa mưa gió phũ phàng
Bến sông quay lại, hướng làng nẻo xa
Lệ nhòa như nước sông Đà
Mái đầu sương tuyết lòng già mong con
Chiều nay trời nhẹ xuống hồn
Bao nhiêu sương khói chập chờn lên khơi
Hai bờ sông cách biệt rồi
Tần Yên đã nổi bốn trời đao binh
Ngàn câu hát buổi quân hành
Dặm trường vó ngựa đăng trình nẻo xưa
Biết bao thương nhớ cho vừa
Gửi về phương ấy mịt mờ quê hương
Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viễn xứ lên đường... lại đi....

Chuyện thi ca từ ngàn xưa vẫn có những mối quan hệ đặc biệt với nhau và chính thơ đã bổ sung cho những ca từ thanh cao, đẹp đẽ cho âm nhạc và cũng chính nhờ có âm nhạc, những bài thơ tưởng chừng bình thường lại trở nên bất tử …

Nếu so sánh số lượng giữa thơ và nhạc thì số bài thơ đã từng xuất hện trên thế gian này có quá nhiều hơn hẳn những ca khúc nhưng thử có mấy ai nhớ đến những bài thơ hay trong hằng hà những bài thơ đó và đương nhiên đã không nhớ đến thơ thì làm sao có thể nhớ đến tác giả khai sinh ra nó!
Nền văn học nghệ thuật trong xã hội miền Nam thời VNCH được phát triển tự do theo khả năng sáng tác của giới văn nghệ sĩ dù họ có khuynh hướng sáng tác “vị nghệ thuật” hay “vị nhân sinh”, dù họ có theo trường phái, trào lưu cổ điển hay lãng mạn, siêu thực, trừu tượng …
Chính nhờ có tự do mà nền văn học nghệ thuật như một vườn hoa đủ loài hoa với không biết bao nhiêu sắc màu khác nhau.

Những nhạc sĩ có tài ở miền Nam thời ấy có khá nhiều nhưng nếu trong lĩnh vực “lục tìm” trong một vườn thơ như thế để tìm một bài thơ hay, có sức biểu cảm và biến những bài thơ trở thành người bạn “song hành” trên con đường nghệ thuật chắc chỉ có một số nhạc sĩ tài hoa như Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Ngô Thụy Miên…
Những cái “duyên văn nghệ” giữa thi nhân và nhạc sĩ không phải cứ cố tìm là được mà có khi chỉ là một sự tình cờ và nhất là người nhạc sĩ bắt được cái “hồn” của bài thơ để có thể qua những nốt nhạc biến những bài thơ trường tốn với thời gian…

Cái “duyên” của Huyền Chi khi được gặp Phạm Duy chỉ một lần duy nhất những đã trở thành …thiên thu là vậy!


Hoài Nguyễn
 07/9/2015
(Vo Van Luong Sưu Tầm)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét