Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương của nhà văn Uyên Thao vừa ấn hành truyện ký Người Mẹ Tìm Con” (NMTC) của nhà văn Lê Đức Luận vào mùa Thu 2023. Tác phẩm dày 352 trang gồm 32 bài viết: Ai Gây Nông Nỗi (trang 15-24), Ăn Mày Trên Xứ Mỹ (25-30), Bà Mẹ Tìm Con (31-41), Ba Ông Già Đi Tìm Hạnh Phúc (42-49), Bài Chòi Ngày Tết Quê Tôi (50-58), Bịnh Già (59-67), Cái Nghề Bệ Rạc (68-78), Chẳng Được Tích Sự Gì (79-86), Chiếc Tàu Lạ (87-97), Chuyện Buồn Dâu Bể (105-104), Chuyện Một Ngày, Nói Một Đời (115-121), Con Trâu Xã Nghĩa (122-133), Con Virus Lạ Lùng (134-141), Đi Đổi Gió (142-151), Ông Sáu Hộ (152-160), Họa Phúc Khôn Lường (161-175), Huyền Thoại Thần Kỳ Ở Hai Nước Á Châu (176-181), Làm Nước Mắm (192-200), Lão Tư Khuyên (201-213), Một Câu Nói Để Lại Một Niềm Đau (214-220), Nếu Như Ngày Ấy (221-232), Sau Ngày “Farther Day” (246-2550, Ngày Giỗ Ở Xóm Đình (256-266), Nước Mỹ Lạ Lùng (267-267-279), Sợ (280-291), Số Ở Nhà Công Thự (292-302), Tại Sao (303-314), Tân Cổ Giao Duyên (315-322), Tình Người (323-335), Vợ Tôi (336-347).
Tác giả Lê Đức Luận, sinh năm 1944, Tuy Hòa. Tốt nghiệp Khóa Nguyễn Trãi 1, Trường ĐH/CTCT Đà Lạt. Cử Nhân Chính Trị Học, đại học Vạn Hạnh. Phục vụ trong Ủy Ban Binh Thư - Tổng Cục CTCT.
Sau thời gian lao tù, định cư tại Maryland, Mỹ năm 1986. Khi lo cho con cái ăn học thành tài, với thú vui nhiếp ảnh nên du lịch nhiều nơi trên thế giới. Thỉnh thoảng viết bài đăng trên đặc san Ức Trai (Tổng Hội Cựu SVSQ/TĐH.CTCT), đặc san Biệt Động Quân, nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa… và trên website Việt Báo, Hưng Việt…
Khi đại dịch Covid-19 xảy ra trên đất Mỹ, anh không được đi đâu nên ở nhà viết lách.
Trong Đôi Lời Mở Đầu, tác giả ngỏ lời cảm ơn bạn bè cùng khóa và vài thân hữu “những người đã bỏ nhiều thời giờ đọc các bản thảo, góp ý, phê bình, sửa các lỗi chính tả và typo”…
Với nhà văn Uyên Thao “Người bạn vong niên, quen biết nhau từ thuở làm báo Sóng Thần”, nay anh chủ trương Tủ Sách Tiếng Quê Hương” khuyến khích anh in thành tác phẩm. Và, tác giả cho biết “Các bài viết của tôi dựa vào các sự kiện có thật trong cuộc sống hằng ngày, coi như truyện ký sự, chỉ thêm một chút ít hư cấu cho tròn câu chuyện”.
Trong quyển Tổng Quan Văn Học Miền Nam 1954-1975 của nhà văn Võ Phiến (NXB Văn Nghệ 1986) trong chương Ký (trang 311-318) bàn về lãnh vực nầy trên nhiều khía cạnh.
Truyện ký là thể loại trung gian, phối hợp giữa truyện và ký. Với truyện thì thật hoặc hư cấu nhưng ký dựa vào nhân vật, bối cảnh… xảy ra trong quá khứ để ghi lại người thật, việc thật, và truyện ký dung hòa giữa thật và hư cấu để câu chuyện được hoàn chỉnh, sinh động nhưng giữ được tính xác thực theo ngòi bút của tác giả.
Tác phẩm tiêu biểu truyện ký như Truyền Kỳ Mạn Lục, gồm 20 truyện của danh sĩ Nguyễn Dữ (vào thế kỷ 16 tại Việt Nam. Tác phẩm được Hà Thiện Hán viết lời tựa, Nguyễn Bỉnh Khiêm (thầy dạy tác giả) phủ chính, Nguyễn Thế Nghi dịch ra chữ Nôm. Nhà văn Trúc Khê (1901-1947) dịch ra chữ quốc ngữ năm 1943 (NXB Tân Dân, Hà Nội) được coi đặc sắc nhất trong loại truyện nầy.
Trong 32 mẩu chuyện chọn lọc để in thành tác phẩm Người Mẹ Tìm Con thỉnh thoảng chỉ nhắc đến nơi cố hương và tháng ngày trong quân ngũ với thân phận người trai trong thời chiến, tháng ngày trong lao tù và những thập niên định cư ở Mỹ. Đôi khi tác giả “ẩn danh” dưới nhân vật khác để tránh “cái tôi” nhằm dẫn dắt câu chuyện thêm sinh động và người đọc cảm thấy gần gũi trong cuộc sống.
Trong chốn lao tù, anh viết thảm cảnh xảy ra như Con Trâu Xã Nghĩa khi ở trong trại tù Tân Lập, Vĩnh Phú… Là chứng nhân trong câu chuyện anh viết về hình ảnh người tù trẻ tuổi bị công an thay phiên đánh rất tàn nhẫn. “Hôm ấy đội của tôi nhổ mạ, gần bên đám ruộng mấy anh tù hình sự đang cuốc vỡ đất; một anh tù hinh sự ngưng tay cuốc đuổi bắt con nhái, bị tên vệ binh trông thấy, kêu lên cho bốn tên công an đánh ‘tứ trụ’.
“Một cú đá tung ra, người tù văng sang tên công an đối diện. Tiếng ‘hự’ vang lên, người tù bị đấm, ngã sang phái tên khác, lại một tiếng ‘hự’ vang lên. Cứ thế tiếng ‘hự’, tiếng kêu ‘xin tha’ càng thưa. Cho đến lúc nghe tiếng kêu ‘con chết mất - mẹ ơi!’. Người tù gục xuống, máu họng trào ra. Sự việc này cứ ám ảnh tôi về cái ác của con người...”… Bài viết nầy đăng trên Đặc San 50 Năm Kỷ Niệm Ngày Nhập Ngũ (1966-2016) của Khóa Nguyễn Trãi I năm 2016. Tác giả động lòng trắc ẩn để ghi lại và không phê phán gì cả.
Số Ở Nhà Công Thự (Đặc San 50 Năm Kỷ Niệm 50 Năm Ngày Ra Trường của Khóa Nguyễn Trãi I năm 2019) với hình ảnh Hai Búng, người bạn trước đây trong tử vi nói lá số cho biết ở “công thự”, Hai Búng trong binh chủng Biệt Động Quân, có đầu óc rất tếu. Từ Tổng Y Viện Cộng Hòa (bị thương nặng trong trận Xuân Lộc vào giữa tháng 4/1975). Sau ngày 1/5/1975 bị tống ra, vào nơi “công thự” là khám Chí Hòa (xây hình bát giác vuông rất kiên cố), rồi ở trại tù K5, Tân Lập Vĩnh Phú, trên vùng Trung du Việt Bắc. Với Hai Búng “Có cổng tam quan, có thằng đứng gác ngày đêm cho mình ngủ - chỉ khác thời trước là mình ra, vào cổng hắn không bắt súng chào”… đến Mỹ được cấp housing rồi ở Viện Dưỡng Lão. Qua hai bài viết trên bạn bè cùng khóa cảm thấy văn phong và cách diễn đạt của tác giả hay, cảm động nên khuyến khích Lê Đức Luận tiếp tục cầm bút. Không ngờ trong hai năm bởi dịch Covid-19, và sau đó tác giả đã sáng tác liên tục để chào đời “đứa con đầu lòng”.
Tác giả chọn mẩu chuyện Người Mẹ Tìm Con làm tựa đề cho tác phẩm rất ý nghĩa. Đó là thời điểm đen tối, nghiệt ngã trong giai đoạn lịch sử tang thương trong tháng Tư năm 1975. Những người vợ, người mẹ trong có chồng, con trong thời điểm di tản hỗn loạn đã bặt tin người thân để rồi năm tháng sau ngày mất nước, nhà tan, sống trong nỗi đau tột cùng, mòn mỏi đợi chờ trong cơn tuyệt vọng! Đó là hình ảnh người mẹ của BS Thái Văn Châu (người bạn cùng quê với tác giả).
Trong bài viết nầy, không tóm lược từng mẩu chuyện của nhà văn Lê Đức Luận mà trích dẫn những đoạn văn trong vài mẩu chuyện hầu cảm nhận truyện ký của tác giả.
Trích dẫn Người Mẹ Tìm Con: “Những ngày cuối mùa Xuân năm ấy, nơi nghĩa trang Phật Giáo Tuy Hòa quạnh hiu trên đồi cát, lưa thưa những cây dương liễu trơ cành, một bà cụ lang thang từ ngôi mộ này sang ngôi mộ khác, lấy chiếc khăn lông vắt vai, lau từng tấm mộ bia, rồi lẩm bẩm: ‘không phải tên của nó’. Cứ thế bà cụ đi hết nghĩa trang này đến nghĩa trang khác trong suốt những ngày cuối Xuân sang Hè. Từ sáng tinh mơ bà cụ ra khỏi nhà, mang theo túi cói đựng mấy thẻ nhang, chai nước uống, xách nón lá ra đi cùng đứa cháu ngoại. Gia đình không ai dám ngăn cản - đi như vậy còn hơn để bà cụ ngồi nhà khóc rấm rức và kể lể những chuyện não lòng, làm tâm thần mọi người thêm bấn loạn. Sau mấy tháng như vậy, bà cụ kiệt sức và ốm nặng. Qua cơn thập tử nhất sinh, bà cụ phát cuồng…”
Thái Văn Châu tốt nghiệp bác sĩ khóa 21 Quân Y hiện dịch, phục vụ tại ĐĐ224, TĐ 22/QY thuộc Tr.Đ 42/SĐ/22BB. Thời gian làm nhiệm vụ bác sĩ quân y của Châu ngắn ngủi - chưa đầy hai tháng - thì tình hình chiến sự biến chuyển đột ngột: Quân Đoàn 2 được lịnh triệt thoái khỏi cao nguyên và phải thi hành cấp tốc. Lúc đó Tr Đ 42 đang quần thảo với Sư Đoàn 3 Sao Vàng Bắc Việt ở mặt trận Bình Khê cũng phải theo lịnh lui binh xuống Quân cảng Qui Nhơn để lên tàu di tản vào Nha Trang…
Giờ phút cuối cùng khi rời khỏi Qui Nhơn bằng đường bộ, trên 3 chiếc xe Jeep, có các bác sĩ và y tá nhưng không thấy BS Châu. Gia đình BS Châu ở Tuy Hòa nhận được vài nguồn tin từ những người lính cùng đơn vị nói rằng: “Có thấy BS Châu ra đến bờ biển, nhưng sau đó không biết bác sĩ đi về đâu? Có thể họ đã chứng kiến cảnh tượng dã man nhưng ngại ngùng không dám nói sự thật, sợ đem đến kinh hoàng cho gia đình. Hơn nữa trong lúc mọi người tìm cách thoát thân, tâm thần bấn loạn, họ không dám xác quyết BS Thái Văn Châu còn hay mất…
Trong những ngày đầy biến động đó, các người anh của Châu ra Qui Nhơn dò tìm tin tức. Rải rác nơi Quân cảng, năm bảy xác người mặc quân phục trôi dạt vào bờ, được kéo lên đặt nằm trên bãi biển. Trong thành phố Qui Nhơn cũng có những xác người nằm chết bên vệ đường, trên vũng máu khô quánh, đen ngòm. Những người anh nhận diện từng xác chết, nhưng không thấy thi thể của Châu. Họ tìm đến các nơi đóng quân của bộ đội Việt cộng hỏi thăm tin tức về Châu. Nhưng hoàn toàn vô vọng…
Sau khi tác giả ra tù, gặp BS Phan Ngọc Hà, cùng khóa và cùng đơn vị TĐ 22/QY trong những ngày cuối tại chiến trường Bình Định. BS Hà kể chi tiết những ngày đầu ra đơn vị cho đến lúc tan hàng, và căn dặn: “Những điều tôi kể, anh đừng nói cho bà cụ Thái Văn Châu biết. Đến bây giờ bà cụ vẫn hy vọng Châu còn sống. Không ai cho bà cụ biết sự thật. Thà vậy, để bà cụ sống trong hy vọng, còn hơn biết sự thật - bà cụ đau buồn… Tội nghiệp!”
“Tết năm đó, tôi về quê, ghé thăm mẹ Thái Văn Châu, người tôi đã kính yêu như mẹ ruột, thì mẹ qua đời đã hơn một năm. Người nhà kể lại: Trong khi đau ốm, mẹ cứ trách: “Có thằng con trai làm bác sĩ mà mẹ đau bịnh, nó chẳng về thăm nom chữa trị. Thằng con bất hiếu!” Rồi mẹ khóc… rồi mẹ bào chữa, bênh vực cho thằng con - “Đừng nghĩ thế, tội nghiệp cho nó… Nó không bất hiếu đâu. Nó bị người ta giam giữ, không cho về…”. Lời cuối cùng của mẹ trước lúc lâm chung “Mẹ không gặp được thằng Châu nữa rồi”. Hai mắt mẹ cố nhướng lên, như để đợi chờ… nước mắt ràn rụa chảy dài hai bên thái dương, nhưng rồi không cưỡng lại được, đồng tử lạc đi, mắt mẹ khép lại và thở hắt hơi cuối cùng…”.
Mỗi năm, gần đến ngày 30-4, hay ngày Lễ Mẹ (Mother’s Day), tôi nhớ về người bạn tri kỷ và nghĩ đến người mẹ nhân từ. Tôi muốn viết - muốn tỏ bày thương tiếc khôn nguôi… Nhưng viết được đôi dòng, tôi nghẹn…
Bao năm như thế, thời gian cứ trôi qua, tôi không viết nổi một bài nhớ thương người bạn nối khố. Không hiểu “người” khuất bóng bên kia muốn tôi đừng thổ lộ cùng ai, hay là ngôn ngữ không đủ để tôi diễn tả hết nỗi lòng thương tiếc - nó cô quánh thành một khối nặng trĩu trong tim, không thể tách ra để nói nên lời? Có lẽ khi sự đau khổ vượt qua lằn ranh cùng cực, hệ thần kinh rung cảm tê liệt: con tim chết điếng, nước mắt không thể tuôn ra - con người ráo hoảnh, chỉ thấy hư không, yên lặng!”.
Đọc bài viết của anh về nỗi đau của người mẹ rất xúc động. Trước đây, nghe tin người bạn đồng khóa Nguyễn Đình Can, Q. Tiểu Đoàn Trưởng ở Sư Đoàn 22 BB đã mất tích vào thời điểm nầy ở Bình Định. Thời SVSQ, Nguyễn Đình Can, Phan Đắc Lập, Nguyễn Hữu Đức và tôi cùng carré với nhau ở Phạn Xá trong quân trường suốt hai năm. Tôi đã liên lạc với bạn bè đồng khóa để viết về người bạn cho Đặc San nhưng bặt vô âm tín!
Hầu hết những mẩu chuyện trong tác phẩm nầy, tác giả là chứng nhân nhân vật và sự kiện xảy ra, lối hành văn nhẹ nhàng, gãy gọn, sống động trong truyện kể với buồn vui, thế thái nhân tình trong cuộc sống.
Câu chuyện Phúc Họa Khôn Lường chiếm 15 trang ghi lại hình ảnh ông Nguyễn Phúc Phát. Có nhiều mẩu chuyện về “trâu già gặm cỏ non” của mấy tay Việt kiều mất nết để rồi thân bại danh liệt. Trích những đoạn của tác giả: “Bóc hơn sáu quyển lịch, ông Phát được ra khỏi trại tập trung. Về nhà thấy cảnh vợ con nheo nhóc, đói khổ… ông Phát vô cùng thất vọng! Nhưng rồi cái “phúc” lại “phát”-- ông được đi định cư ở Hoa Kỳ theo chương trình HO.
Đến vùng “đất hứa”, cái phúc tiếp tục phát – gia đình làm ăn khấm khá mua được nhà cửa khang trang, hai đứa con học hành giỏi giang, thành đạt.
Thời gian thấm thoát trôi qua, ông bà Phát đã đến tuổi về hưu và tính chuyện “quy cố hương”. Ông bà rút tiền 401K để xây mồ mả bên nội bên ngoại và được tiếp đón nồng hậu “Cứ thế tiến lên… biến nhiều khu nghĩa trang trông xa như một thành phố. Có người đưa ra nhận xét: Trông toàn cảnh Việt Nam bây giờ: chùa chiền, nhà thờ, lăng tẩm của các ông lãnh đạo phát triển nhanh, mạnh, to lớn, nguy nga hơn nhà thương, trường học”…
Thừa dịp, ông Phát về cố hương một mình “Thế là ông dễ sa vào con đường mà cách nay vài năm ông cực lực lên án. Ông từng chửi nặng lời bọn người “xênh xang áo gấm về làng”, ăn chơi đàng đúm trên sự đau khổ của đồng bào trong nước. Ông gọi những “con trâu già thích gặm cỏ non” là những “thằng già dịch”. Bây giờ chính những “thằng già dịch” đã đưa ông vào con ngõ hẹp”.
“… Đứa con gái phục vụ ở quán “bia ôm” ngày trước đã đưa ông vào mộng – nó vuốt ve, ca tụng, chiều chuộng ông với những lời âu yếm như mật rót vào tai – khiến ông quên người vợ già khó tính và quên cả cái nghĩa tào khang…”. Thế rồi hứa hẹn “Đến khi vợ anh ‘khuất núi’, em sẽ đồng ý cho anh làm đám cưới để anh bảo lãnh em sang Mỹ tiếp tục hầu hạ anh cho đến hết cuộc đời…”
“Rồi đến một ngày: “Ma đưa lối, quỷ đưa đường… Cứ tìm những lối đoạn trường mà đi. (ND)” - Ông Phát quyết định về sống luôn ở Sài Gòn…
“Chỉ trong vòng ba tháng, việc nhà cửa đã tính toán xong xuôi. Ông Phát ôm trọn phân nửa số tiền bán nhà về Sài Gòn… Ở đây ông phải trả tiền thuê nhà, bao cho con “bồ nhí” mọi thứ, coi như mất toi gần hết số tiền hưu hằng tháng từ Mỹ rót vào trương mục của ông. Mỗi tháng ông phải rút tiền trong trương mục 500 USD, mới đủ cung phụng những trò đú đởn vui chơi… Sau ba tháng sống chung, con bồ nhí xúi ông mua nhà…
… Nhưng từ ngày chính thức có cái nhà, ông Phát nếm trải những điều bực mình: Con bồ nhí thường xuyên vắng nhà. Khi nó đi vắng, không biết ai xúi giục bọn trẻ nhỏ trong xóm cứ tụ tập trước nhà, hát: “Trâu già thích gặm cỏ non – Răng trên không có lấy gì để nhai” Tiếp theo là mấy thằng choai choai đến gõ cửa, bảo: - “Ông già cho vài trăm đi uống cà phê coi.” Cái giọng xấc láo làm ông tức lắm, nhưng không dám cự nự vì có lần ông quát tháo, chúng rút dao hăm dọa, ông đành xuống nước, nhưng cũng ra oai: “lần này tao cho, nhưng đừng đến quấy rầy tao nữa.” Nói thế, nhưng lâu lâu chúng vẫn trở lại. Nhưng thằng công an khu vực mới là “cục bướu” trong cổ. Mỗi tháng ông phải đóng “hụi chết” cho nó trăm đô, nó mới để ông yên. Đó là chưa kể cuối tuần nó đến rủ ông ăn sáng, dĩ nhiên là ông phải trả tiền. Những bực bội đó cộng với đồ ăn, thức uống độc hại do con bồ nhí cung cấp làm ông sinh bịnh đau bao tử…
Cứ thế, sức khỏe của ông mỗi ngày một sa sút. Cho đến một hôm ông phải vào nhà thương cấp cứu. Qua hội chẩn lâm sàng, các bác sĩ cho biết cần phải có các cuộc thử nghiệm và điều trị đặc biệt và phải chuyển qua bệnh viện lớn mới có đầy đủ phương tiện chữa trị. Ở đây ông được chữa trị theo kiểu “tiền trao cháo múc”- nghĩa là ứng tiền trước chữa trị sau. Cứ thế, mỗi lần xét nghiệm phải trả năm,ba triệu; hai lần giải phẫu phải trả tiền tỷ. Đó là chưa kể tiền “lót tay” cho y tá, bác sĩ để được chăm sóc đặc biệt. Thằng con thương cha, tốn bao nhiêu nó cũng ráng gồng mình. Một tháng nằm bệnh viện, số tiền trong ngân hàng của ông Phát đã cạn. Ông nhắc thằng con lấy cái bảo hiểm sức khỏe ông đã mua hơn tám trăm ngàn đồng/một năm (tiền Việt Nam) ra mà xài. Thằng con cười như mếu nói với cha: “Cái bảo hiểm đó chỉ xài cho đau bụng, nhức đầu thôi”…
Gần một tháng nằm bệnh viện, con bồ nhí chẳng vào thăm, bây giờ mở cửa không được làm ông Phát phát cáu. Ông vừa đập cửa vừa gào: “Em ơ!”
Chừng năm phút sau, một gã thanh niên ra mở cửa, mặt hằm hằm, hất hàm hỏi:
- Ông tìm ai?
- Cô Vân!
- Nó biến rồi!
Ông Phát thều thào: Tôi mua căn nhà này cho cô ấy ở. Bây giờ biến đi đâu?
Gã thanh niên nổi cơn thịnh nộ, gằn giọng: Thì ra là ông! Cút ngay! Trong khi tôi đi lao động nước ngoài, con vợ lăng loàn dám đem trai vào nhà tôi giở trò đồi bại – Cút xéo ngay! Đừng để tôi nổi giận… ra tay!
Nằm trong nhà trọ quạnh hiu, ông Phát gọi phone cho mấy ông “già dịch” trước đây đến rủ ông đi chơi giải trí để tán gẫu cho đỡ buồn, nhưng không gặp ai. Được biết, bây giờ chúng nó đã trở lại Hoa Kỳ để kịp chích Vaccine Covid -19, đợt đầu.
… Một buổi chiều mùa hè thê thảm, ngồi bó gối trong nhà, thằng con trai nhận được hung tin qua chiếc điện thoại di động: “Ông Nguyễn Phúc Phát nhiễm Covid-19 đã chết…”.
Với thế thái nhân tình, câu chuyện Chuyện Buồn Dâu Rể cho thấy tình đời trong cuộc sống ở Mỹ và theo lời tác giả “Chuyện buồn, có thật - đã xảy ra - cho thấy không phải chỉ ‘rể Mỹ’ mà bây giờ ‘rể Việt’ cũng có lắm nỗi đau đầu. Câu chuyện con gái tác giả đăng báo tìm người giữ trẻ.
“Trong cộng đồng Việt Nam có những bà tuổi ngoài sáu mươi, tuy không có bằng cấp giữ trẻ, nhưng chăm sóc trẻ thơ qua kinh nghiệm bản thân, nuôi trẻ theo lối của người Việt mình rất tốt và dễ chịu mà chỉ trả khoảng trên dưới ngàn ‘đô’, một tháng…
“Bà ta tâm sự: Chín đứa, nhưng chỉ có con này lấy chồng Việt kiều, theo chồng sang đây, mấy đứa kia còn ở bển… Mấy đứa con tôi ở dưới quê, nhà nước phát cho vài công ruộng, năm nào được mùa thì đủ ăn giáp hạt, còn không thì đói. Nếu chẳng may bị bệnh hoạn thì chịu chết. Cũng nhờ đồng “đô la” có giá, nên một tháng cho mỗi đứa vài ba chục, chúng nó đắp đổi qua ngày…
“Mấy tháng nay mất việc, tôi không phụ giúp gì được cho tụi nó, thằng rể sinh ra gắt gỏng - nó nghi con này dấu đút tiền bạc gởi về cho anh, cho em… lại thêm phải nuôi bà già báo cô ở trong nhà, nên vợ chồng chúng nó hay cãi lẩy nhau… Thằng rể cứ nói xa nói gần: ‘Người già bên này, ai cũng xin vào dưỡng lão cho được an thân, sung sướng.’ Vài bà bạn của tôi qua trước đã xin vào ở nhà già; tôi còn vài, ba năm nữa mới xin nhập quốc tịch, như vậy còn lâu mới xin được nhà già. Cho nên bây giờ, phải lo thân mình, cho con nó giữ được hạnh phúc gia đình.”
… Giọng bà chân thật, nét mặt và ánh mắt của bà tỏ ra cam chịu để lộ sự đôn hậu, chất phác của một bà mẹ quê miền Nam. Chừng ấy đã đủ để tôi nhận bà, nhưng điều bà xin ở lại với gia đình con gái tôi thì không được vì nhà nó nhỏ, không có phòng trống cho bà. Tôi giải thích cho bà hiểu lý do không thể nhờ bà giữ thằng cháu ngoại.
Rồi người kế tiếp “Bà nói giọng Bắc, tôi đoán bà không là dân Hố Nai, cũng người Thái Bình, Nam Định.
Theo lời bà “Đứa con trai bảo nãnh (lãnh) sang đây, núc đầu tôi cũng muốn kiếm việc nàm, không muốn ăn bám vào con, nhưng vợ chồng nó đi nàm, gởi hai đứa con ở nhà trẻ, tốn kém quá, chúng nó đề nghị: “Tụi con sẽ sắp xếp cho mẹ một căn phòng dưới nhà, mẹ trông hai đứa cháu nội, rồi nối xóm ai muốn gởi con, đem đến mẹ trông thêm, họ sẽ trả tiền thù nao (lao). Chỉ cần thêm vài đứa là mẹ kiếm tiền còn nhiều hơn đi nàm hãng xưởng.” -Thế nà tôi bắt đầu công việc giữ trẻ từ khi sang Mỹ đến bây giờ - vừa trông hai đứa cháu nội vừa nhận giữ vài đứa trẻ quanh xóm, cứ thế phát triển dần dần, có núc giữ đến năm sáu đứa nhỏ, trông như cái nhà trẻ, thu nhập cũng khá, đúng nà hơn đi nàm hãng xưởng. Nhưng khi hai đứa con chúng nó đến tuổi đi học thì không cần bà nội chăm sóc nữa - Vợ chồng nó nại bảo: “Mẹ nàm được bao nhiêu tiền chỉ gởi về Việt Nam mà nhà cửa lại chật chội, ồn ào”. Thế là chúng nó dẹp cái phòng giữ trẻ. Tôi không có quyền gì để ngăn cản - đành “thất nghiệp” và sống nệ (lệ) thuộc vào tụi nó. Nhưng được một thời gian, xem ra không ổn với con dâu. Nó coi mình như một gánh nặng trong gia đình, còn mình cảm thấy như người ăn nhờ ở đậu...
Lúc ấy, tôi xúc động… nhưng đành phải nói lời từ chối vì nhà con gái tôi chỉ có hai phòng, không thể cho bà ở lại được. Tôi giải thích cho bà hiểu điều đó. Bà chào ra về. Nắng trưa gay gắt, nhiệt độ lên quá chín mươi độ F, bà tất tả ra trạm xe bus cách nhà tôi khoảng non cây số, vẻ mặt buồn hiu…
Nửa giờ sau một bà khác lại đến. Bà này đi xe Lexus, đeo kính đen đúng mode, trông phong lưu, lanh lợi và thể hiện phong cách của một người đã sống lâu ở Mỹ. Tôi mời bà vào phòng khách, chưa ngồi vào ghế bà đã mở lời: Tôi đến xin một chân giữ trẻ, nhưng điều đầu tiên là xin ở lại tại nhà chủ…
Bà tiếp tục giải thích: Tôi qua đây cũng lâu rồi, làm việc cho một văn phòng bác sĩ nhi đồng. Năm rồi ông bác sĩ già, về hưu, sang lại văn phòng cho người khác, tôi thất nghiệp! Vì không có bằng cấp chuyên môn, lại thêm tuổi đã cao, nên kiếm việc làm không dễ, chỉ còn việc “giữ trẻ” là thích hợp vì trong thời gian làm việc ở văn phòng bác sĩ nhi đồng, tôi có chút ít kinh nghiệm về cách thức chăm sóc trẻ con. Nhưng điều kiện tôi vừa thưa với ông là xin ở lại nhà chủ là có lý do – xin phép ông cho tôi dài dòng một chút: - Tôi vô phúc có thằng rể mang tật “thù dai” ông ạ.
… Đầu đuôi là thế này: Tôi chỉ có một mẹ, một con được ông bà già bảo lãnh sang đây, mẹ con tôi ở với ông bà ngoại, tôi đi làm, con gái tôi được ông bà ngoại nuôi ăn học. Một hôm, con gái tôi dẫn về nhà một thằng bạn trai, nó giới thiệu là “boy friend”. Cái thằng vừa xấu trai, vừa lấc cấc: đến thì Hi! về thì Bye! Chẳng biết thưa gởi, lễ phép là gì… Ông bà ngoại nó ghét lắm và cả nhà đều không ưa, nên mọi người bàn ra, bảo nó đừng quan hệ với thằng đó nữa. Nhưng nào có được, chúng nó vẫn lén lút yêu nhau. Cho đến ngày hai đứa tốt nghiệp, chúng nó xin phép làm đám cưới, cả nhà phản đối. Chúng nó ra “tối hậu thư”: không làm đám cưới thì chúng nó ra tòa làm hôn thú, dẫn nhau đi tiểu bang khác. Thế là gia đình chịu thua - làm lành với thằng rể - tổ chức cưới xin đàng hoàng.
Rồi chúng nó mua nhà, mời tôi về ở chung. Mấy năm đầu chẳng có gì xích mích, việc ai nấy lo - tôi đi làm, cuối tuần đi shopping hay đến nhà bạn bè vui chơi. Nhưng từ ngày tôi mất việc, ở nhà phụ giúp con gái việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa. Từ lúc ấy thằng rể mới dở hơi. Tiền bạc thì tôi không động đến của chúng một xu. Nhưng bực mình là nó coi mẹ con tôi như người hầu. Đi làm về nó ngồi xem TV, chờ cơm nước dọn ra, mời nó đến ăn, đôi khi nó chê ‘dở ẹc’, rồi ra Mc Donald mua cái hamburger vừa gặm vừa ôm cái computer; nhà cửa bừa bộn, nó chẳng bao giờ rớ tay. Tôi nhắc con gái: “Mày phải dạy bảo thằng chồng của mày: ăn nói lịch sự và phải lo công việc trong nhà, nó cứ như ông hoàng, còn mẹ con mình như người ở đợ - bên này cái kiểu chồng chúa, vợ tôi đâu có được – mày nấu cơm, nó phải rửa chén”. Con gái tôi binh chồng, bảo rằng: “Ở sở làm việc căng thẳng, về nhà để cho ảnh thoải mái một chút, mẹ bận tâm làm gì cho mệt. Tính ảnh thiệt thà – có sao nói vậy, không màu mè, mẹ chấp nhứt làm chi”.
Cũng như hai người đàn bà trước, vừa xin việc giữa trẻ vừa cần chỗ ở nhưng rồi cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn như nhau. Sống trên xứ người, khi con, rể bất hiếu thì thảm cảnh của người mẹ luống tuổi lâm vào hoàn cảnh bi đát.
Nhưng cũng có trường hợp gặp người tốt bụng như câu chuyện Tình Người - Tình Đời Của Anh Bạn “Mễ” khi tác giả chân ướt chân ráo khi định cư ở Mỹ.
“Tôi có cái duyên với “dân Xì”. Những người bạn mới đầu tiên của tôi trên đất Mỹ là người Xì. Khi chân ướt chân ráo đến tiểu bang Maryland, được hưởng trợ cấp xã hội trong vòng sáu tháng để học Anh văn. Ban ngày đi học, ban đêm rảnh rang mở TV xem phim chưởng Hồng Kông. Thấy vậy, một người bạn ở cùng khu chung cư rủ tôi đi làm ban đêm, lãnh tiền mặt. Công việc là “clean office” rất dễ dàng. Người điều hành công việc lại là một anh bạn tù cải tạo cùng trại tù Tân Lập - Vĩnh Phú, nên càng dễ dàng, dễ chịu…
Đa số làm việc ở đây là “dân Xì”... Lúc nào nơi đây cũng rộn rã tiếng cười… Cái không khí vui vẻ đó đem đến sự thân thiện và kết bạn dễ dàng. Lúc ấy tiếng Xì (Spanish) tôi không biết, tiếng Anh của cả hai bên chẳng có bao nhiêu. Vậy mà lúc giải lao, hai bên “tán” với nhau không dứt; khi ra về “hug” một cái chia tay. Ở Việt Nam mới qua đất lạ, chưa quen lối này, nên lần đầu được các cô “Xì” hồn nhiên ôm sát (hug) làm cho đêm về khó ngủ!..
Tôi có anh bạn Xì, thân nhau đã mấy mươi năm. Anh ta vào đất Mỹ từ tuổi thanh xuân. Ban đầu cũng làm đủ thứ việc - kiếm sống. Sau đó có giấy tờ hợp pháp, tìm được việc làm trong công ty xây dựng. Mấy năm sau, rành nghề, anh ta lập một toán gồm năm bảy anh Xì cùng xứ, thầu sửa chữa nhà cửa. Công việc làm ăn phát đạt, anh ta kiếm được nhiều tiền, nhưng rồi cũng trải qua con đường “tình ái” lăng nhăng: Ba cô vợ, cấp dưỡng sáu đứa con, nên cuối đời vẫn “trên răng dưới dép…”.
Vì nặng nợ với ba bà vợ và con cái và lấn cấn trên đường tình ái nên anh bạn muốn quy về cố hương ở tuổi già nên tác giả chia tay “Bên ngoài nắng Thu vẫn còn mát dịu. Tôi đứng dậy bắt tay anh nói lời tạm biệt - cầu chúc hạnh phúc và mọi sự bình an”.
Kết thúc mẩu chuyện trong tác phẩm là Vợ Tôi, không phải là tác giả mà là nhân vật Ông Tư viết bài gởi cho tác giả.. Ông Tư về Cục Chính Huấn làm trưởng toán Văn Nghệ, dẫn các nữ huấn đạo giúp vui cho các đơn vị chung quanh Sài Gòn. Vì mới cưới vợ nên làm mặt nghiêm và các cô nầy bầy trò cho bỏ ghét… Vợ chàng lại ghen, phải qua thời gian mới làm lành với nhau.
“Tưởng rằng cuộc đời cứ thế êm trôi, không ngờ có ngày ‘Trời sập, 30 tháng Tư năm 1975’. Từ đó vợ chồng tôi đi vào ngõ rẽ bi thương. Tôi rơi vào vòng lao lý, còn nàng ngơ ngác ở chốn chợ trời, kiếm sống nuôi con và tiếp tế cho chồng”.
Ở tù trong Nam ba năm rồi chuyển ra Bắc. Đầu tiên đến Yên Báy, Lào Cai rồi về trại tù Vĩnh Phú… người vợ cam chịu bao gian khổ rồi lặn lội thăm nuôi chồng.
“Những ngày sau đó, mỗi bữa ăn, lòng tôi thấy xốn xang. Con tôi đã nhịn quà cho bố, vợ tôi đã chắt chiu từng ngày gom góp đồ tiếp tế cho chồng…”.
Mấy mươi năm sống trên đất Mỹ, vợ chồng gắn bó bên nhau cho đến cuối đời… Với bạn bè thân, hiểu được tác giả tế nhị mượn hình ảnh Ông Tư về hình ảnh vợ chồng đến nay đã hơn nửa thế kỷ. Ngỏ lời tri ân người bạn đời qua bao nhiêu nghịch cảnh, đồng cam cộng khổ qua bao thăng trầm trong cuộc sống. Ngoài ra, vẫn có những “hình ảnh như Ông Tư” trong vài mẩu chuyện khác thay cho nhân vật, đúng là truyện ký mà theo lời nhà văn Lê Đức Luận đã chia sẻ ở trên “Các bài viết của tôi dựa vào các sự kiện có thật trong cuộc sống hằng ngày, coi như truyện ký sự, chỉ thêm một chút ít hư cấu cho tròn câu chuyện”.
Viết về sinh hoạt chính trị trên xứ Mỹ, tác giả cũng tế nhị chỉ lướt qua vì tùy theo quan niệm của mỗi cá nhân trong sinh hoạt cộng đồng người Việt định cư nơi xứ người để tránh sự ngộ nhận, đả kích lẫn nhau. Tác giả rất sâu sắc khi bày tỏ cảm nghĩ của bản thân khi bàn đến lãnh vực nầy.
Tác giả có trí nhớ rất tốt về giai đoạn lịch sử và những địa danh nơi quê nhà để lồng vào từng mẩu chuyện thêm sinh động vì vậy thu hút người đọc với những điều lý thú.
Lê Đức Luận, tính tình điềm đạm, hòa nhã và rất khiêm tốn. Là bạn bè cùng khóa Nguyễn Trãi I với nhau, nhưng mỗi khi gởi bài cho tôi (và vài anh em trong khóa), anh thường viết “Đọc chơi cho vui, thấy được thì đăng”. Như đã đề cập ở trên, qua những bài viết của anh, bạn bè cảm thấy hay, thích thú nên “xúi” anh phải in thành tác phẩm.
Đây là tác phẩm đầu tiên của người bạn già ấn hành kỷ niệm ở tuổi 80.
Bìa tác phẩm ghi email của tác giả: luanquy75@gmail.com , luanquy@hotmail.com
NXB Tiếng Quê Hương: uyenthaodc@gmail.com
Little Saigon, November, 2023
Vương Trùng Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét