Vương An Thạch 王安石 (1021–1086) tự Giới Phủ, 介甫 hiệu Bán sơn lão nhân 半山老人, người ở Phủ Châu, Lâm Xuyên (tỉnh Giang Tây ngày nay), là một nhà văn lớn thời Bắc Tống và cũng là nhà kinh tế, chính trị lỗi lạc trong lịch sử Trung Quốc. Ông đỗ tiến sĩ năm 1041.
Năm 22 tuổi (1042), ông được bổ dụng làm trợ lý cho quan đứng đầu thủ phủ tỉnh Dương Châu.
Năm 1047, ông được thăng tri huyện Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang. Năm 1051, ông được sử đến Thương Châu làm Thông phán. Hết nhiệm kỳ này ông được điều về kinh đô.
Năm 1057, ông được thăng làm Thông phán Thương Châu, tỉnh Giang Tô.
Năm 1058 ông lại được điều đi làm quan hình ngục Giang Đông, trông coi việc tư pháp và hành chính Giang Nam. Đến cuối năm này, sau 17 năm làm quan địa phương, ông đã viết một bài trình lên Tống Nhân Tông, nêu rõ các trì trệ hiện thời của Bắc Tống và nêu lên các biện pháp khắc phục, áp dụng tân pháp để cải cách chế độ kinh tế, xã hội và quân sự của nhà Tống.
Lúc còn trẻ, ông đã ưa chuộng Nho học và dốc lòng vào việc quan. Khi tuổi về già, do việc quan không đắc ý, nên ông đem lòng say mê nghiên cứu Phật học. (Phật giáo lúc bấy giờ thiên về Thiền tông, có ảnh hưởng rất lớn đối với học thuật Trung Quốc đời Tống).
Năm 1068, Tống Thần Tông lên làm vua, triều đình nhà Tống gặp phải tình huống khủng hoảng về quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội. Tống Thần Tông lên ngôi và triệu ông về kinh đô Biện Kinh, phong làm Hàn lâm viện Học sĩ.
Năm 1069 ông được thăng Tham tri chính sự.
Năm 1070, ông được vinh thăng Tể tướng và đề ra chính sách cải cách kinh tế, dựng ra phép “Bảo Giáp, Bảo Mã” làm dân bớt bị quấy, thêm giàu; làm quốc khố dồi dào, làm binh lực nước mạnh” nhằm cứu vãn tình thế khó khăn trong nước và chống đỡ sự uy hiếp của hai nước Liêu – Tây Hạ ở phía Bắc và Tây Bắc Trung Quốc, đồng thời có ý đồ xâm lược các nước phương Nam (trong đó có Đại Việt) để bành trướng lãnh thổ. Tân pháp của ông xét theo quan điểm của kinh tế học hiện đại gần với tính chất của một nền kinh tế kế hoạch hoá và phúc lợi công cộng. Để thủ tiêu việc đầu cơ tích trữ và độc quyền, ông đã đưa ra một hệ thống giá cả cố định, đề ra việc trả lương bổng và trợ cấp hưu trí cho quan lại cũng như trợ cấp cho những người khó khăn v.v.
Nhưng sau cùng sách lược của ông thất bại do sự chống đối của các tầng lớp quan lại đương thời. Sau khi về chịu tang mẹ 3 năm ở quê nhà, ông ở lại đó và mở trường dạy học.
Nguyên tác Dịch âm
菩薩蠻-集句 Bồ Tát Man- Tập Cú
海棠亂發皆臨水 Hải đường loạn phát giai lâm thuỷ,
君知此處花何似 Quân tri thử xứ hoa hà tự?
涼月白紛紛 Lương nguyệt bạch phân phân,
香風隔岸聞 Hương phong cách ngạn văn.
囀枝黃鳥近 Chuyển chi hoàng điểu cận,
隔岸聲相應 Cách ngạn thanh tương ứng.
隨意坐莓苔 Tuỳ ý toạ môi đài,
飄零酒一杯 Phiêu linh tửu nhất bôi.
Chú giải
集 tập : sách, tụ hợp lại.
皆臨水 giai lâm thủy: khắp bờ nước trong rừng, ám chỉ khắp bờ suối.
此處 thử xứ: (bên xứ) ấy; đối lại với bỉ 彼 (bên này).
涼 lương: mỏng, mong manh, bạc bẽo, mát mẻ,
莓苔 môi đài: cả 2 chữ đều có nghĩa là rêu; ám chỉ phủ đầy rêu.
飄零 phiêu linh: rơi lả tả, lênh đênh, ngất ngưởng…
Dịch nghĩa
Bồ Tát Man - Góp nhặt
Hải đường đua nở ở ven bờ nước trong rừng (ven bờ các con suối),
Anh có biết chỗ anh ở hoa hải đường nở thế nào không?
Trăng bạc trắng mờ mờ (huyền ảo),
Cách bờ (suối mà tôi) ngửi thơm lừng.
Chim oanh chuyền (từ) cành này (đến cành kia) luôn luôn gần (nhau),
Cách bờ (suối mà tôi nghe thấy) chúng kêu ríu rít.
(Tôi) Tùy tiện ngồi ờ chỗ phủ đầy rêu,
Ngất ngưởng nhấm nháp một ly rượu (để thưởng thức cảnh đẹp này).
Dịch từ
Bồ Tát Man - Góp nhặt
Hải đường nở loạn ven suối đấy!
Hoa nở ra sao ở bên ấy?
Trăng bạc sáng mờ mờ.
Cách bờ ngửi thơm tho.
Oanh chuyền cành khăng khít,
Cách bờ nghe ríu rít.
Ngồi chỗ phủ rêu xanh,
Lênh đênh một chén quỳnh.
Lời bàn:
Bài từ làm theo thể Bồ-tát-man. Con Cò chiếu theo ngôn từ của nguyên bản, hiểu như sau:
Câu 1 & 2:
Vương An Thạch khoe với bạn rằng ven những con suối trong khu rừng ông đang viếng thăm nở đầy hoa hải đường (câu 1).
Rồi ông hỏi bạn rằng tại xứ bạn đang ở hoa hải đường nở ra sao? (câu 2).
Ông chỉ dùng chữ quân 君 và chữ thử 此 mà giải thích được bài từ là một bức thư viết cho bạn. Nghĩa trọn vẹn của 2 câu đầu là: “Tôi đang chơi trong rừng; hải đường ở đây nở loạn xà ngầu khắp ven bờ những con suối, đẹp như cảnh Tiên. Tại nơi anh ở hải đường nở ra sao? Để tôi tả toàn cảnh cho anh nghe nhé!”.
Câu 3, 4, 5 & 6:
- Trăng bạc mờ ảo như cảnh Tiên (câu 3).
- Đứng bên này suối mà ngửi thấy mùi thơm của hải đường ở bên kia suối (câu 4).
- Những con chim oanh, đú đởn với nhau, chuyền từ cành này sang cành nọ; tôi đứng ở bờ bên này con suối mà nghe thấy chúng kêu ríu rít ở bờ bên kia (câu 5 & 6).
Câu 7 & 8:
Tôi tùy tiện ngồi xuống một chỗ đầy rêu (câu 7);
Rót một cốc rượu để thả hồn lênh đênh trước cảnh đẹp này (câu 8).
Dường như Vương An Thạch không tả cảnh; mà đã quay một cuốn phim ngắn (gồm cả phong cảnh và âm thanh) gửi cho bạn để bạn thông báo cho khán giả của hậu thế. Ông làm quan cùng thời với thi hào Tô Đông Pha và đã từng âm thầm giáo huấn họ Tô đã ngạo mạn sửa 2 chữ trong một bài thơ của ông (nhờ Bát Sách kể lại chuyện này cho độc giả nghe chơi).
Con Cò
***
Bồ Tát Man -Tập Cú.
Hải đường bờ suối tưng bừng nở,
Bên anh có đẹp hơn không đó?
Trăng sáng trắng mênh mông,
Thơm lừng dẫu cách sông.
Chuyền cành oanh chắp cánh,
Cách bến nghe lanh lảnh.
Ngồi bệt chỗ rêu phong,
Nhâm nhi chén rượu nồng.
Mỹ Ngọc phỏng dịch.
Sept.29/2023.
***
Góp ý:
Hôm nhận được bài này, vì ÔC nhắc BS kể về giai thoại Tô Đông Pha sửa thơ của Vương An Thạch, nên BS có kể sơ qua, hẹn sẽ tra cứu thêm, nhưng cũng không tìm ra chi tiết gì lạ. Xin nhắc ACE là Vương có thời làm Tể Tướng dưới triều Tống Thần Tông, chủ trương Tân Pháp, xui vua đánh Đại Việt (Việt Nam) mà thất bại. Tân Pháp được thi hành từ năm 1070 tới 1085, nhưng không liên tục và đúng như chỉ thị của Vương vì có nhiều người chống đối, trong đó có Tư Mã Quang, Âu Dương Tu và Tô Đông Pha nên thất bại. Khi Thần Tông băng, Triết Tông lên ngôi, mới 10 tuổi, phong Tư Mã Quang làm Tể Tướng nên Tân Pháp bị bãi bỏ hoàn toàn.
Theo Nguyễn Hiến Lê, thì thơ và từ của Vương rất hay, tả tình, tả cảnh đều tuyệt diệu, nhưng ông cũng cân nhắc chọn chữ rất kỹ lưỡng như Giả Đảo. Thí dụ, trong bài Bạc Thuyền Qua Châu, câu thứ 3 là “Xuân phong hựu LỤC Giang Nam ngạn” thì chữ thứ tư làm ông phân vân rất lâu, mới đầu là chữ đáo là đến, chữ quá là qua, chữ nhập là vào, chữ mãn là đầy… Sau cùng là chữ LỤC dùng như động từ, là làm xanh. Gió xuân lại làm xanh bờ Giang Nam thì quả nhiên hay thật.
Bài Bồ Tát Man này của Vương cũng hay lắm, tả một ông già nhàn nhã, ngắm hoa, nhìn trăng, nghe chim hót, ngửi mùi hương thơm thoang thoảng. Ông ngồi trên lớp rêu, uống ly rượu, thấy lâng lâng…
Nhưng BS có chỗ thắc mắc:
* Mấy câu trong bài từ không có vần.
* Ngắm hoa trong đêm trăng thì nhìn đâu có rõ, và sao lại có chim hót?
Có ai giải thích giùm không?
Những chữ khó thì ÔC đã giải thích rồi. BS chỉ nói thêm một chút thôi, và cũng nằm trong phần thắc mắc của BS:
- Chữ CHUYỂN, viết với bộ khẩu 囀là tiếng chim hót trầm bổng, líu lo, ÔC giải thích là chuyển cành, thay đổi chỗ đậu, nghe có lý, nhưng chữ chuyển là thay đổi chỗ có chữ xa là xe 轉. Vậy, theo ý BS, CHUYỂN là tiếng chim hót thì mới hợp ý với câu sau, thanh tương ứng. Cũng như câu thơ của vua Tự Đức viên trung oanh chuyển khề khà ngữ, chuyển là tiếng chim hót.
* Hoa hải đường có thơm không? Vương nghe mùi thơm của hoa hải đường hay mùi thơm nào khác?
Hải đường nở rộ ven bờ nước,
Nào hay xứ đó hoa đẹp mướt,
Trăng mát sáng lung linh,
Hương thơm thoảng tới mình.
Đậu cành oanh gần lắm,
Ríu rít hoà lời ca,
Trên rêu, ngồi thong thả,
Một ly thấy ngà ngà.
Bát Sách.
(Ngày 30 tháng 07 năm 2022)
***
Bồ Tát Man, Ghép Câu
Hải đường nở loạn khe nước biếc
Nơi đó ra sao anh có biết?
Trăng lành trắng lu mờ
Ngát hương thơm cách bờ
Gọi-chuyền oanh kề cận
Cách bờ tiếng hưng phấn
Ngồi đại trên đài rêu
Một chén rượu phiêu diêu!
Lộc Bắc
Jul22
***
Say Sưa Đất Trời
Hải đường đua nở sắc màu,
Ngàn hoa mơn mởn thâm sâu núi rừng.
Nơi anh vạn dặm mịt mùng,
Huê thời như thế - tưng bừng vào xuân?
Ánh trăng mờ ảo tia vàng,
Ven bờ sông nước, ngát làn hương thơm.
Chim oanh lượn cánh bồn chồn,
Chuyền cành ríu rít, mãi còn từng đôi.
Rêu xanh phủ đá ngoài trời,
Ngã mình ra tựa, chơi vơi cõi lòng.
Lâng lâng, ngất ngưỡng hư không,
Nhâm nhi, nhấm nháp rượu trong riêng mình..
Khánh-Hưng
***
Bồ Tát Man- Tập Cú
Hải đường bừng nở tràn bờ suối
Bên đó hoa có bung nứt bụi?
Trăng bàng bạc mơ huyền
Gió luồn hương uyên nguyên
Liền cành oanh quấn quýt
Tiếng gọi nhau ríu rít
Ngồi bên hiên phủ rêu
Nhấp nháp rượu… sầu tiêu
Kiều Mộng Hà
Oct03rd2023
***
Nguyên tác: Phiên âm:
菩薩蠻 集句 Bồ Tát Man Tập Cú
王安石 Vương An Thạch
海棠亂發皆臨水 Hải đường loạn phát giai lâm thủy
君知此處花何似 Quân tri thử xứ hoa hà tự
涼月白紛紛 Lương nguyệt bạch phân phân
香風隔岸聞 Hương phong cách ngạn văn
囀枝黃鳥近 Chuyển chi hoàng điểu cận
隔岸聲相應 Cách ngạn thanh tương ứng
隨意坐莓苔 Tùy ý tọa môi đài
飄零酒一杯 Phiêu linh tửu nhất bôi
Mộc bản bài từ trong các sách:
Huy Trần Lục - Tống - Vương Minh Thanh 揮塵錄-宋-王明清
Hoa Thảo Đọt Biên - Minh - Trần Diệu Văn 花草稡編-明-陳耀文
Ngự Định Bội Văn Trai Quảng Quần Phương Phổ - Thanh - Uông Hạo 御定佩文齋廣羣芳譜-清-汪灝
Ghi chú:
Bồ Tát Man: Theo Hán Điển Zdic.net, Bách Độ Bách Khoa 百度百科, và trang web Sưu Vân, Bồ Tát Man là một bài từ, bài ca, bài hát của Giáo Phường thời Đường, còn có tên Tử Dạ Ca, Trọng Diệp Kim và nhiều tên khác.
Một nghĩa khác là tiếng người Trung Hoa thời Tống gọi người Hồi. Theo Wiktionary cũng như Hán Ngữ Đại Từ Điển漢語大詞典, Bồ tát man = 菩薩蠻= (bính âm) púsàmán là phiên âm của tiếng Ba Tư مسلمان (mosalmân). Chữ bồ tát ở đây không có nghĩa thông thường người giác ngộ của Phật giáo, chữ man蠻viết giống như trong Nam man南蠻, không biết có hậu ý là man rợ hay không. Tiếng Pháp musulman có lẽ cũng do phiên âm tiếng mosalmân mà ra.
Bồ Tát Man là một điệu từ có 44 chữ, chia làm 2 đoạn, mỗi đoạn 4 câu. Hai câu đầu 7 chữ và có vần trắc. Sáu câu còn lại mỗi câu 5 chữ. Câu 3 và 4 có vần bằng. Câu 5 và 6 có vần trắc. Câu 7 và 8 có vần bằng. Các chữ trong câu phải có thanh bằng hay trắc như yêu cầu của từ phổ. Trình tự gieo vần trong bài này là vần liền aabbccdd, từng cập câu. Điệu từ Bồ Tát Man do Lý Bạch khởi xướng và ông có viết 2 bài (Bình Lâm Mạc Mạc Yên Như Chức và Cử Đầu Hốt Kiến Hành Dương Nhạn). Đến nay có hơn 3344 bài hát viết theo điệu Bồ Tát Man.
Bài Bồ Tát Man của Vương An Thạch hoàn toàn đáp ứng yêu cầu âm vận của Khâm phổ Cách I, mặc dù 6 trong 8 câu là do ông mượn thơ của tiền nhân. So với Cách II với yêu cầu âm vận khắt khe hơn, bài từ cũng chỉ sai thanh ở 4 chữ màu.
Tập cú: góp nhặt, tập hợp lại các câu thơ của người xưa để tạo thành một văn bản mới. Trong bài từ 8 câu này, Vương An Thạch thời Tống đã sử dụng 6 câu thơ của các thi nhân thời Đường, trong đó có 2 câu của Hàn Dũ 韓愈 và 4 câu của Đỗ Phủ 杜甫.
Quân tri thử xử hoa hà tự 君知此處花何似 trong bài Lý Hoa Tặng Trương Thập Nhất Thự 李花贈張十一署 của Hàn Dũ
Lương nguyệt bạch phân phân 涼月白紛紛 trong bài Bồi Trịnh Quảng Văn Du Hà Tương Quân San Lâm Thập Thủ Kì Cửu 陪鄭廣文遊何將軍山林十首 其九 của Đỗ Phủ
Hương phong cách ngạn văn 香風隔岸聞 trong bài Phụng Hòa Quắc Châu Lưu Cấp Sự Sử Quân Tam Đường Tân Đề Nhị Thập Nhất Vịnh Hoa Đảo 奉和虢州劉給事使君三堂新題二十一詠 花島 của Hàn Dũ
Chuyển chi hoàng điểu cận 囀枝黃鳥近 trong bài Khiển Ý Nhị Thủ Kỳ Nhất 遣意二首 其一 của Đỗ Phủ
Tùy ý tọa môi đài 隨意坐莓苔 trong bài Bồi Trịnh Quảng Văn Du Hà Tương Quân San Lâm Thập Thủ Kỳ Ngũ 陪鄭廣文遊何將軍山林十首 其五 của Đỗ Phủ
Phiêu linh tửu nhất bôi 飄零酒一桮 trong bài Bất Kiến 不見 của Đỗ Phủ
Hải đường: Malus spectabilis, có nhiều loại, lá hình trứng hoặc hình bầu dục, hoa nở vào mùa xuân, màu trắng hoặc đỏ.
Lạm phát: rải rác, rối bời, lộn xộn
Giai lâm thủy: khắp bờ nước trong rừng, ám chỉ khắp bờ suối
Thử xứ: bên xứ ấy
Hà tự: làm thế nào tốt hơn, sử dụng giọng điệu của câu hỏi tu từ để chỉ ra sự tự ti
Lương: mỏng, mong manh, mát mẻ
Lương nguyệt: trăng lạnh, trăng mùa thu tháng 7 tháng 8
Hương phong: gió có mùi thơm, ẩn dụ cho bầu không khí xa hoa và dâm dật
Cách ngạn: bờ đối diện của dòng sông suối
Môi đài: rêu, phủ đầy rêu.
Phiêu linh: rơi lả tả, lênh đênh, ngất ngưởng, trôi dạt lang thang, nói đến việc hạ cánh của một vật mềm từ không gian có gió
Dịch nghĩa:
Bồ Tát Man Tập Cú Bồ Tát Man Góp Nhặt
Hải đường loạn phát giai lâm thủy
Hải đường đua nở ở ven bờ suối trong rừng,
Quân tri thử xứ hoa hà tự
Bạn có biết ở nào hải đường nở thế này không?
Lương nguyệt bạch phân phân
Dưới trăng lạnh trắng mờ huyền ảo,
Hương phong cách ngạn văn
Có thể nghe gió và ngửi hương thơm bên kia bờ.
Chuyển chi hoàng điểu cận
Chim hoàng oanh chuyền cành để gần nhau,
Cách ngạn thanh tương ứng
Cách bờ mà còn nghe chúng kêu gọi nhau.
Tùy ý tọa môi đài
Tùy tiện ngồi xuống chỗ phủ đầy rêu,
Phiêu linh tửu nhất bôi
Lang thang nhấp một chén rượu.
Điền từ:
Mời đọc các bài Bồ Tát Man đã được dịch và phổ biến:
709 T_Bồ Tát Man Kỳ 1 - Ôn Đình Quân
715 T_Bồ Tát Man Kỳ 7 - Ôn Đình Quân
717 T_Bồ Tát Man Kỳ 9 - Ôn Đình Quân
721 T_Bồ Tát Man Kỳ 13 - Ôn Đình Quân
723 T_Bồ Tát Man - Lý Bạch
786 T_Bồ Tát Man Kỳ 1 - Lý Dục
829 T_Bồ Tát Man (Mẫu Đơn...) - Trương Tiên
Thật ra các bài từ là bài ca để hát và nghe:
Bồ Tát Man Lý Bạch 菩薩蠻 李白
Bồ Tát Man Lý Bạch - Khâu Văn Uyển ngâm xướng 菩薩蠻 李白 - 邱文苑吟唱
Bồ Tát Man Kỳ 1 Ôn Đình Quân Chân Hoàn Truyện 甄嬛傳(小山重疊金明滅)
Bồ Tát Man Vi Trang -Tẩy Phàm Diễn 菩萨蛮韦庄- 洗凡演唱
菩薩蠻 集句-王安石 Pu Sa Man Ji Ju by Wang An Shi
海棠亂發皆臨水 Crabapple flowers bloomed wildly on the banks of the creek in the woods,
君知此處花何似 Do you know of any place where crabapple flowers bloom as such?
涼月白紛紛 Under the cool white eerie moon,
香風隔岸聞 You can hear the wind and smell the flagrance on the other side the creek.
囀枝黃鳥近 Where orioles jump from branch to branch to be close to one another
隔岸聲相應 And you can hear their answering calls from the other side of the creek.
隨意坐莓苔 Willingly I sat down on a place covered with moss,
飄零酒一杯 And idly finished a cup of wine.
Phí Minh Tâm
***
Góp ý của mirordor:
và sao lại có chim hót?
Có nhiều loài chim hót ngày đêm. Con nổi tiếng nhất ở Mỹ là mockingbird và ở Pháp là merle. Tôi ngủ ngoài vườn và từng nghe chúng hót thâu đêm. Tôi chưa hề qua Anh nhưng có lẽ các bạn đã nghe tên nightingale và đoán ra tại sao nó có tên đó.
Hoa hải đường có thơm không?
Hì hì ... Thạch Sùng (石崇, thời Tấn), Đoạn Thành Thức (段成式, thời Đường) và Tử Khải (徐鍇, thời Nam Đường) bảo rằng hải đường ở Gia Châu có hương và sắc nhưng rất tiếc rằng ta không thể biết họ đang nói về loài cây nào! Muốn trả lời câu này thì phải biết đây là "hải đường" nào. Wikipedia cho ta biết là có 5 loài cây mang tên 海棠=hải đường. Hải đường (trong truyện Kiều) là hải đường Trung Quốc, thuộc chi Malus, và được biết dưới tên Anh ngữ (Chinese) crabapple. Loài hải đường thứ nhì là 木瓜=mộc qua, (Chinese quince) và đây là cành "đào" thường được chưng trong ngày Tết thế hoa mai hay thế hải đường Việt Nam (có một loài hải đường trong chi Camelia (chè-trà) gốc gác Việt Nam và bây giờ đã tuyệt diệt trong thiên nhiên!) Loài thứ ba là 秋海棠=thu hải đường, trong chi Begonia và hình như không có ở Việt Nam. Loài thứ tư là 倒挂金钟=đảo quải kim chung, quen thuộc với chúng ta dưới tên fuchsia (tại sao lại gọi là kim chung trong khi hoa thường có màu đỏ thì tôi không biết!); đây không phải là hải đường trong bài thơ của Vương An Thạch vì nó có gốc Nam Mỹ. Loài thứ năm là 仙客来=tiên khách lai, cylamen trong Anh và Pháp ngữ; nó có gốc Tiểu Á; có loài có mùi thơm nhưng chúng được nhập vào Trung quốc từ thời nào thì có lẽ không ai hay.
Huỳnh Kim Giám
***
Bài Cảm Tác :
Cách cảm
Ngồi trong cửa sổ nhìn ra
Hoa hồng nặng cánh là đà ngậm sương
Nhập nhoàng đom đóm vấn vương
Trăng mờ phủ cảnh nghê thường đâu đây
Còn nhớ lúc mình lên mây
Em ở đâu đó có hay hắt xì?
Bên nhau tha thiết một thì
In vào tâm khảm chẳng chi mờ nhoà
Đồ Cóc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét