Đại Sư Basho (1644-1694) chuyển những Công Án Thiền nên thành Thơ Haiku theo “cấu trúc 5-7-5”, trình bày những hình ảnh, sự vật, việc không liền lạc gì với nhau (theo nhận định thông thường). Tuy nhiên, mỗi người đọc cứ thong dong tham dự tùy theo ”tâm lượng” của mình. Từ thân, ý, tình đơn giản của bản thân, Haiku cũng tương tự như “Đêm qua ra đứng bờ ao..” của người Việt. Chỉ khác Haiku có 17 chữ chia làm ba dòng: 5-7-5 - Khác với Lục/Bát của người Việt -14 chữ viết thành hai dòng 6-8. Tại sao Lục/Bát/Người Việt 14 CHỮ chia thành HAI dòng, và Haiku Người Nhật/17 CHỮ chia thành BA dòng thì chỉ do “thuận duyên” mà thành, mỗi Dân Tộc có Tính và Hạnh khác nhau. Chẳng nên thắc mắc. Người viết trong cảnh hỗn loạn hiện tại, không thể làm gì hơn là làm Haiku/Lục-Bát. Làm chơi cho vui kiểu như Bùi Giáng trước kia. Cũng nên chân thực nói thêm, những chữ, lời đơn giản từ Haiku là viết cho hết thảy chúng ta trong đời sống bình thường, chứ không gì sâu xa, bí hiểm.
1-
Vốc tuyết nhỏ mái hiên
Êm êm rơi lặng thinh trắng xóa
Hòa tan thành âm điệu
(Issa,1763-1827)
Hàng hiên nắm tuyết rơi im
Lắng nghe âm sắc lặng thinh tuyệt mù
2-
Mặc lên tấm áo mới
Ồ lạ lẫm khác biệt làm sao
Cứ như một ai đó
(Basho, 1644-1694)
Xỏ tay áo mới lần đầu
Thấy ra như thể một người nơi đâu?
3-
Gió đầu năm thổi tới
Ngọn lửa đèn dầu nơi phòng tắm
Chập chờn leo lét soi
(Oemaru, 1720-1805)
Đầu năm gió lạnh thổi dồn
Đèn dầu phòng tắm chập chờn lặng im
4-
Chào em, chim sẻ nhỏ
Trên hàng hiên sạch đẹp nhà tôi
Dấu chân in lấm chấm
(Shiki, 1866-1902)
41/ Chào em chim sẻ mến thương
Dấu chân để lại nhẹ như sương mờ
42/Sẻ ơi để lại hiên nhà
Chân em in dấu mù sa nhạt nhòa
5-
Thương người nữ không con
Dịu dàng thay bàn tay chạm tới
Búp bê bày bán son.
(Ransetu, 1654-1707)
Thương thay người nữ không con
Ngón tay khẻ chạm dạng hình búp-bê
6-
Đá băng và giòng nước
Khác nhau từ bao lâu thuở trước
Cùng rơi giọt vô âm
(Teishitsu, 1610-1673)
Đá băng kia với giòng nầy
Cùng nhau rơi lặng giọt thầm vô thanh
7-
Dẫu lũ to, mưa lớn
Tẩy xóa thế nào Phú Sĩ Sơn
Xuống bùn hồ nhỏ hẹp
(Buson 1715-1783)
Lũ to, mưa lớn thế nào
Làm sao tẩy xóa cao vời Đại Sơn
8-
Đầu năm được giấc mơ
Giữ kín như một điều cẩn mật
Cười thầm riêng một mình
(Sho-U, (?) )
Đầu năm nằm thấy giấc mơ
Cười thầm giữ chặt một điều riêng tư
9-
Bầy ngỗng hoang trở về
Cớ sao gào tiếng kêu ầm ĩ
Vang động vỡ đêm trường
(Roka, 1672-1703)
Ngỗng hoang ngờm ngợp bay về
Tiếng kêu vang động đêm trường âm u
10-
Rơi tuột xuống đất đen
Cánh diều sau nhiều lần tung gió
Hẳn diều chẳng còn hồn
(Kubonta, 1889-1963)
Hỡi ơi rơi xuống đất đen
Cánh diều còn giữ linh hồn được chăng
Cali, 6 Tháng 6, 2022
Giữa ầm ĩ biến động chung quanh
Phan Nhật Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét