Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2022


Hôm nay, ngồi đọc sách dưới một vòm cây râm mát trong vườn, tự nhiên tôi muốn viết về lá.
Hình như lá hiện diện ở bất cứ nơi nào có sự sống. Ngày xưa ông Noe tránh nạn đại hồng thủy trên tàu; sau khi tàu đã trôi lênh đênh nhiều đêm ngày, ông muốn kiểm chứng xem mặt đất đã khô cạn và có sự sống chưa, liền thả chim bồ câu ra nhiều lần, cho đến khi bồ câu bay về, mỏ ngậm cành lá ô-liu, ông biết rằng mình đã có thể sinh sống trên mặt đất.

Lữ hành đi trong sa mạc, khi nào thấy có cây cối và cành lá xanh tươi, họ biết rằng nơi ấy có nước, có sự sống. Màu xanh của lá chính là niềm ước mơ, khát vọng của người đi trong sa mạc. Khát vọng ấy quá lớn lao, đến độ nhiều khi đã trở thành ảo ảnh, khiến họ nhìn đâu đâu trên dải cát vàng mênh mông cũng thấy cây, thấy lá.
Nói đến cây và lá trong sa mạc, tôi nhớ đến những cây xương rồng, những bụi gai mọc lên và sống rất lâu năm trên những vùng đất cằn cỗi và nóng bỏng. Cây cần nước, vậy mà tại những nơi ấy, nước rất hiếm hoi. Để cây có thể sống, lá cây thu lại nhỏ li ti hoặc biến dạng thành gai, hầu cho diện tích thoát hơi nước hẹp tới mức tối đa, giúp cho cây giữ được nước trong thân. Nghĩ đến cây và lá, tôi lại nghĩ đến người. Trước lợi ích chung của cộng đồng, tập thể, có mấy ai trong chúng ta dám thu nhỏ mình lại, dám lui đi, dám tự tan biến?

Thông thường nhất, khi còn ở trên cây, lá làm nên một khoảng râm mát, che cho con người khỏi cái nắng cháy da. Chuyện có vẻ bình thường, nhưng nếu suy nghĩ về hình ảnh ấy, tôi thấy rõ ràng rằng dù tôi có yếu đuối về thể lực, có hạn hẹp về kiến thức, có nghèo nàn về tài chánh, thì chính cuộc sống của tôi cũng đã góp phần giúp ích nhân loại, nếu tôi có thiện chí và dám hy sinh. Muốn che nắng cho con người, chính lá phải đưa thân ra chịu nắng thiêu đốt. Muốn bảo bọc ai, hy sinh cho ai, tôi cũng phải giống như lá, tình nguyện chịu huỷ hoại, chịu thiêu đốt. Bằng không, lòng mong ước hay lời nói của tôi không đem đến một kết quả cụ thể nào.

Ngay cả khi đã rụng xuống, đã chết, lá vẫn còn giúp ích cho con người. Người ta gom những lá khô ấy lại, đốt lên, làm thành ngọn lửa sưởi ấm trong những ngày mùa đông giá buốt. Con người, có mấy ai chịu thiêu đốt để trở thành ánh lửa sưởi ấm cho nhau?
Có những cô thiếu nữ mơ mộng, không đốt lá vàng, nhưng ép những chiếc lá ấy trong sách. Ngắm những chiếc lá khô ép mỏng, người ta có thể bùi ngùi nghĩ lại cả một chuỗi dài kỷ niệm. Lá, khi ấy, trở thành một người bạn thầm lặng, nhắc nhở cho ta những thăng trầm của cuộc sống, những biến đổi của thời gian.

Một vườn um tùm hoa lá là hình ảnh tươi đẹp nhất của cuộc sống chung và bình đẳng. Từ những chiếc lá to như lá chuối, lá cau, lá dừa, lá đu đủ; những chiếc lá hạng trung như lá đa, lá đề, lá bàng… cho đến những chiếc lá nhỏ xíu xiu như lá me, lá trinh nữ… tất cả đều vui tươi dưới ánh mặt trời và đều vươn lên đầy sức sống. Từ những thứ lá tuốt trên cao như lá thông, lá tre, cho đến những thứ lá là đà sát đất như bụi rau, bờ cỏ… tất cả đều tự do phát triển và nảy nở. Không thứ lá nào phủ nhận thứ lá nào, không thứ lá nào xem thường thứ lá nào. Người ta dù có cách biệt nhau về thể chất, tài năng, tiền của… nhưng có lẽ sự cách biệt ấy không quá đáng như tàu lá dừa và cái lá me. Vậy mà người ta vẫn cứ lên mặt với nhau, khinh thường và phủ nhận nhau. Bao giờ người ta biết sống chung và sống bình đẳng như lá, người ta sẽ tạo ra một xã hội xanh mát, vui tươi như một vườn đủ mọi loại lá hoa.

Lá là biểu tượng của niềm hy vọng và hoà bình. Màu xanh của lá có thể nói là màu vui tươi nhất, đầy sức sống nhất, màu gợi cho ta về một tương lai đấy hứa hẹn. Cành lá uốn cong trong dấu hiệu của Liên Hiệp Quốc nói lên khát vọng hoà bình của con người. Nếu tôi sống làm sao, mà khi nhìn vào tôi, người khác thấy một sự bình yên, một niềm an lạc; thấy yêu đời, vui tươi và hy vọng… khi ấy tôi trở nên giống lá, trở nên biểu tượng của hy vọng và hoà bình.

Lá cũng là hình ảnh trọn vẹn nhất của kiếp người. Người ta lọt lòng mẹ với thân phận hài nhi, dần dần lớn lên, phát triển, trưởng thành; trải qua nhiều biến thiên dời đổi của cuộc đời, rồi già, rồi bệnh và chết. Chiếc lá cũng thế: bắt đầu nhú ra từ cành cây, xanh non, nhỏ xíu, rồi phát triển, lớn lên dần, đậm màu dần. Trải qua mưa nắng và tiết mùa, lá đã nhiều lần thay đổi hình dạng và sắc độ. Kịp đến khi mùa Thu tới, lá úa vàng, lắt lay theo ngọn gió… để rồi giữa Thu hoặc sang Đông, lá lặng lẽ rời cành. Cũng có khi vì một lý do bất thường nào đó, lá vàng còn ở trên cây mà lá xanh đã mau rơi rụng. Chính vì thế mà khi ngả mũ chào một đám tang đi qua, “thiên hạ bên đường nhìn xe tang tự hỏi: lá mùa Xuân hay lá úa mùa Thu?” Có lẽ đời lá diễn tả trọn vẹn đời người, nên không biết bao văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ đã lấy lá làm đề tài diễn tả tình người. Riêng tôi, nhìn lá, tôi cảm nhận được thân phận mỏng manh của kiếp người và của chính mình. “Đời sống con người chóng qua như cỏ như hoa mọc giữa cánh đồng; một cơn gió thoảng cũng đủ làm nó biến đi, và nơi nó mọc không còn vết tích.” Cảm nhận và ý thức như vậy, tôi quý trọng đời sống của tôi, và cố gắng sống thế nào để những ngày hiện hữu trên mặt đất trở nên hữu ích cho tôi và cho người khác.

Dành cho anh chị em Công giáo:

 

Chúa nhật này là Chúa nhật Lễ Lá. Cành lá trong ngày Chúa nhật Lễ Lá mang nhiều ý nghĩa. Nó nói lên vinh quang của Thiên Chúa mà cũng nói lên tính hay thay đổi và bội bạc của con người.
Lá mang nhiều ý nghĩa. Lá gửi đi nhiều thông điệp. Nhưng trong lúc này, câu khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất là: “Lá rụng về cội.” Lá do chính sức sống từ gốc cây chuyển lên thân cây, cành cây mà tạo nên, lá phát xuất từ gốc cây. Một ngày kia, lá già lá rụng, cũng lại rơi xuống gốc cây nơi từ đó lá phát sinh. Câu này có ý nói dù sao đi nữa, thì cuối cùng người ta cũng trở về với nguồn gốc của mình. Người ta nghĩ đó là một định luật và là một lẽ đương nhiên.
Nhưng tôi nghĩ, chưa chắc “lá rụng về cội” đã là một lẽ đương nhiên. Nhìn vào hình ảnh thực tế, bao nhiêu chiếc lá rụng nằm dưới gốc cây, bao nhiêu chiếc lá bay tản lạc đi nơi khác? E rằng số lá rụng “cuốn theo chiều gió” nhiều hơn những “lá rụng về cội” rất nhiều. Như thế, “lá rụng về cội” không hẳn là một lẽ đương nhiên.

May mắn, tôi ý thức được tôi do Thiên Chúa tạo dựng, Thiên Chúa là cội nguồn của tôi. Nhưng ý thức được như vậy là một chuyện, sống làm sao để khi xuôi tay nhắm mắt, tôi về được “cội nguồn” Thiên Chúa lại là một chuyện khác. Muốn trở lại cội nguồn, tôi phải giữ cho thân tâm an định, để không bị “cuốn theo chiều gió.” Mà cuộc đời này, biết bao nhiêu là những cơn bão loạn. Luôn luôn phải nghĩ về cội nguồn, luôn luôn phải có mối dây liên lạc thân tình với Thiên Chúa, tôi mới có thể giống như “lá rụng về cội” được. Để được như “lá rụng về cội,” tôi phải có được sự khao khát của một Augustinô: “Hồn con khắc khoải trông đợi Chúa, và chỉ nghỉ an khi gặp được Ngài.”

Quyên Di
(Trích "Nhìn Xuống Cuộc Đời," 1995)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét